LUẬN VỀ PHẬT PHÁP TĂNG

0
194

LUẬN VỀ PHẬT PHÁP TĂNG

Thích Chánh Lạc

Phật Pháp Tăng là nhận thức căn bản của người học Phật, cũng là sự thuyết minh tận cùng, trọn vẹn về Phật Pháp, tất cả thanh tịnh pháp đều thâu nhiếp vào trong đó.

Bởi vậy, Tôn giả A Để Hạp từ Ấn Độ sang Tây Tạng hoằng pháp (địa vị tương đương với Tổ Bồ Đề Đạt Ma ở Trung Quốc); ngài lưu trú ở đây mấy chục năm và trước sau chỉ thuyết giảng vỏn vẹn một đề tài: Tam Bảo.

Do đó, một hôm có người than phiền: Tại sao Ngài cứ nói đi nói lại về vấn đề Tam Bảo? Vẫn biết lý nghĩa ấy vô cùng sâu xa thù thắng, nhưng chúng con đã được nghe quá nhiều lần, xin Tôn giả cho nghe đề tài khác!

Ngài trả lời: Tất cả sự tu học của tôi ở Ấn Độ không ngoài phạm vi Tam Bảo, đến Tây Tạng cũng chỉ với mục đích hoằng truyền pháp ấy. Xin hỏi quý vị ngoại trừ Tam Bảo ra còn có một thứ Phật Pháp gì nữa không?

Từ đó suy ra, Phật Pháp là nền tảng của sự tín ngưỡng Phật Giáo, nghiên cứu Phật học và tu hành Phật Pháp. Đây là điều kiện quan yếu mà người Phật tử không thể không nhận thức rõ ràng.

Được vậy, người sơ cơ học Phật mới tránh khỏi lạc vào đường mê và mới hy vọng đạt đến đích cuối cùng của việc tu học Phật Pháp. Sau đây xin lần lượt giải luận về Phật Pháp Tăng.

 

Quan niệm về Phật

 

Phật là tiếng nói tắt theo phạm âm, nếu muốn đầy đủ thì phải nói Phật Đà. Hán văn dịch âm chữ Phật là Phù Đồ. Những nhà Cổ văn Trung Quốc thì gọi Phật là Phù Đồ Thị. Trong kinh chú thường viết Phật Đà Gia. Anh ngữ dịch chữ Phật từ Phạm âm ra là Buddha.

Ý nghĩa chữ Phật là người đã giác ngộ (giác giả) tức là người đã giác chứng triệt để các pháp, đầy trọn vô biên cả phước đức lẫn trí huệ. Cũng như người có học thức thì gọi là học giả hoặc tương tự như danh từ Thánh nhân của Trung Quốc. Nhưng tại sao lại gọi là Giác giả mà không gọi là Giác nhơn? Vì lẽ, Tha Thọ Dụng Báo Thân của Đức Phật ở khắp trên trời, nhân gian và siêu việt cả tam giới, nên không thể dùng phạm vi người trong nhân gian để hạn định.

Giác giả là danh từ ngắn gọn, giản đơn của Tự giác, Giác tha và Giác hạnh viên mãn. Tự giác là tròn đầy Vô sư trí. Tự nhiên trí và Nhất thế trí; Giác tha là dùng biện tài vô ngại phát xuất từ phương tiện trí huệ để giáo hóa tha nhân và làm cho họ được giác ngộ; Giác hạnh viên mãn là khi hạnh tự giác và giác tha đều viên mãn, phước đức và trí huệ vẹn toàn, tức là Phật. Do đó,

Phật là danh từ chung dùng để tôn xưng tất cả những ai trong ba đời, mười phương phương thế giới có đủ các công phu, đức hạnh vừa nói trên. Vì thế Đức Phật thường dạy: tất cả chúng sanh trên đại địa cầu đều có thể thành Phật hay hết thảy chúng sanh đều là những vị Phật tương lai, với điều kiện là vị ấy phải biểu hiện bằng hành động để xác chứng sự đầy đủ phước huệ, trọn vẹn Tam Giác, chứ không thể căn cứ vào lý tưởng mơ hồ hay ngôn ngữ dối trá.

Y cứ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để kiến lập quan niệm căn bản về Phật

Trong thế giới này, vị đầy đủ thật đức, xứng đáng với tôn hiệu Phật không ai ngoài Đức Thích Ca Mâu Ni. Nhờ Ngài, chúng ta mới biết được chư Phật trong ba đời và mười phương.

Tượng Ngài thường được tôn thờ ngay tại Chánh điện của mỗi chùa. Thích Ca là họ, ý dịch là Năng hay Năng Nhân nghĩa là rất yêu thương dân vật 1 . Thực ra, vào thời xa xưa Ngài thuộc dòng họ Cù Đàm, cũng dịch là Kiều Đạt Ma hay Kiều Đàm Di, họ Thích Ca là một chi nhánh từ đây mà ra. Mâu Ni (cũng đọc là Mưu Ni) dịch ý là Tịch Mặc, vì Phật luôn luôn ở trong cảnh tịch định (Phật tâm thường tại định, vô hữu bất định thời). Vả lại tất cả những lời giảng dạy của Phật đều y vào định huệ, vì lợi ích cho trời và người mà nói, nên gọi là Tịch Mặc. Nguyên Ngài tên Tất Đạt Đa (Siddhattha hay Siddhartha – in Sanskrit), dịch ý là thành tựu tất cả (nhất thế nghĩa thành). Người bấy giờ quen gọi là Cù Đàm Tất Đạt Đa, nhưng để tỏ lòng kính ngưỡng thì thường tôn xưng là Thích Ca Mâu Ni hay Thích Ca Văn Phật (Văn tức là Mâu Ni).

Căn cứ vào lịch sử, Đức Phật ra đời ở miền Trung Ấn Độ, thuộc nước Ca Tỳ La (gần Nepal).

Thân sinh Ngài là vua Tịnh Phạn (Suddhodana), thân mẫu là hoàng hậu Ma Gia (Maya). Ngài thành Phật dưới gốc cây Bồ Đề (The Tree of Wisdom) ở nước Ma Kiệt Đà. Lần thuyết pháp giáo hóa đầu tiên của Phật tại Lộc Uyển (Deer Park), nước Ba La Nại (Benares). Sau đó, trong suốt

45 năm Ngài đi khắp đó đây để hóa độ…

Tra chứng lịch sử, chúng ta thấy quả thật một bậc giác ngộ (Buddha) đầy đủ vô lượng phước đức và trí huệ như thế chứ không phải là một nhân vật ức tưởng viễn vông. Do đó, quan niệm căn bản về Đức Phật hoàn toàn được xây dựng trên nền móng của sự thật muôn đời ấy.

 

TIN CHẮC RẰNG THÍCH CA MÂU NI

LÀ VỊ GIÁC NGỘ VÔ THƯỢNG, CHÂN CHÁNH VÀ CÙNG KHẮP

 

Không như người thường tin ngưỡng những vị cổ nhân có học vấn, đạo đức, công nghiệp, chúng ta tin Phật là bậc đã chứng A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề.

A Nậu Đa La: vô thượng, không ai bằng, không gì hơn…

Tam Miểu: biến, cùng khắp.

Tam Bồ Đề: chánh giác, giác ngộ chân chánh.

Giác là không mê mờ, để phân biệt với phàm phu (bất giác).

Chánh giác để khu biệt với sự tà giác của ngoại đạo. Biến chánh giác là sự giác ngộ chân chánh, cùng khắp, hàng Nhị Thừa tuy có chánh giác nhưng chưa cùng khắp. Từ sơ địa Bồ Tát trở lên có thể gọi là bậc Biến chánh giác, song chưa cứu cánh (cùng tột, rốt ráo) nên còn HỮU THƯỢNG, chỉ có Phật là bậc Diệu Giác, trọn vẹn mới được tôn xưng là VÔ THƯỢNG.

Chúng ta tin Đức Phật Thích Ca Mâu Ni quả thật là vị tối cao vô thượng, giác ngộ triệt để về sự lý, tánh tướng của các Pháp, trong đời này tuyệt đối không tìm ra được một nhân vật thứ hai. Người đời không hiểu biết về Phật nên cho rằng Thần hơn Phật; kỳ thật, Thần là một loại chúng sanh trong lục đạo (Trời, Người, A Tu La, Bàng sanh, Ngạ quỷ và Địa ngục) không sao so sánh

được với Phật. TỲ LÔ GIÁ NA, ĐẠI NHẬT hoặc LÔ XÁ hay KIM CANG TRÌ đều là tên hiệu khác của ĐỨC

 

THÍCH CA MÂU NI.

Tỳ Lô Giá Na là Báo Thân của Đức Thích Ca, Mật Giáo lấy năm phương (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung Ương), năm vị Phật (A Súc, Di Đà, Bảo Sanh, Bất Không và Đại Nhật) tượng trưng cho năm trí (Đại Viên Kính Trí, Diệu Quan Sát, Bình Đẳng Tánh, Thành Sở Tác và Pháp Giới Thể Tánh Trí), sự thật mỗi Đức Phật đều đầy đủ cả 5 trí. Lại có thuyết cho Tỳ Lô Giá Na là Pháp Thân Phật, thực ra, Pháp Thân (tức Pháp Tánh Thân) cùng khắp mọi nơi không tên không tướng

(vô tánh vô danh).

Danh hiệu Tỳ Lô Giá Na trong Kinh Hoa Nghiêm chính là Tha Thọ-Dụng Thân 2 của hàng Thập Địa Bồ Tát hiện thân thuyết pháp. Gần đây có những bản dịch của Tây Tạng còn cho Tỳ Lô Giá Na là Hóa Thân Phật. Vì ý dịch danh từ Tỳ Lô Giá Na là Quang Minh Biến Chiếu, do đó, lại dịch Ma Ha Tỳ Lô Giá Na là Đại Nhật. (Ma Ha: Đại; Tỳ Lô Giá Na: Quang Minh Biến Chiếu;

Nhật: mặt trời). Ngày xưa có nơi dịch là Lô Xa Na hoặc Phệ Lô Giá Na chẳng qua là cách dịch sai khác về một âm. Ngoài ra còn gọi Tỳ Lô là Thanh Tịnh Pháp Thân, Xá Na là Viên Mãn Báo Thân, cả hai đều không đúng.

Những người học Mật Giáo Tây Tạng tôn sùng Đa Kiệt Khương Phật (Kim Cang Trì), có nghĩa là cầm chày Kim Cang để hàng phục tất cả ma oán. Đó là y vài đức tính đại hùng, đại lực đầy đủ vô lượng công đức, vô biên phương tiện diệu dụng của chư Phật mà nói.

 

Nên biết tất cả chư Phật đều có Kim Cang thân, Y vào sự biểu thị công đức rộng lớn của Báo Thân Đức Thích Ca Mâu Ni nên có nhiều danh xưng khác nhau. Vì thế, không nên cho rằng ngoài Phật Thích Ca còn có Phật khác. Người đời thường phân biệt ra nhiều Phật và chấp đây là

Báo Thân Phật nói Kinh, họ đâu biết mỗi một vị Phật có ba thân, ba thân nguyên là một Phật.

Nhờ tin vào sự chỉ dạy của ĐỨC THÍCH CA MÂU NI nên biết được chư Phật:

A Di ĐÀ, DƯỢC SƯ, NHIÊN ĐĂNG v.v… chư Phật Đều Bình Đẳng.

Hầu hết người học Phật đều nghe qua lời dạy này của Đức Thích Ca, trong Kinh A Di Đà:

Cách thế giới chúng ta 10 vạn ức cõi Phật, về hướng tây, có một cõi Phật tên là Cực Lạc, vị Giáo Chủ của cõi ấy danh hiệu là A Di Đà. A Di Đà có nghĩa là vô lượng (không tính lường, nghĩ bàn được) như: Vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức tướng hảo. Đây là nói về Đức Phật

A Di Đà. Ngoài ra còn có vô lượng các vị không thoái chuyển Bồ Tát v.v…

Về phương đông có thế giới Tịnh Lưu Ly của Đức Phật Dược Sư. Chúng ta niệm Chú Dược Sư để được bình an, sống lâu. Hai vị Phật vừa kể hiện là Giáo Chủ và đang giáo hóa ở một thế giới khác; Tiểu Thừa Giáo không thừa nhận có Phật ở thế giới khác, nhưng với Đại Thừa thì đó là một vấn đề vô cùng phổ biến.

Hiện nay khoa học chứng minh rằng ngoài thế giới chúng ta còn có hằng sa thế giới khác, đương nhiên trong những thế giới ấy cũng có nhiều vị Phật đang hóa độ vậy.

Ở thế giới này, nhiều kiếp về trước đã từng có các Đức Phật: Nhiên Đăng, Tỳ Bà Thi, Thi Khí v.v… xuất hiện để giáo hóa. Tất cả các điều trên là do Đức Thích Ca chỉ bày cho chúng ta trong kinh điển và đều là những sự thật muôn đời. Vì lẽ, Ngài là người đã thành tựu Vô Thượng Chánh Biến Giác nên hết thảy những gì Ngài nói ra đều phát xuất từ trong chân tâm đại giác ấy, do đó, tuyệt nhiên không bao giờ sau quấy, hư giả.

Tất cả chư Phật đều như nhau, vì các Ngài đều đầy đủ tam giác (Tự giác, Giác tha và Giác hạnh viên mãn) vẹn toàn muôn hạnh.

PHẬT LÀ QUẢ VỊ CAO TỘT. CUỐI CÙNG SAU KHI ĐÃ TRẢI QUA VÔ SỐ KIẾP TU

HẠNH BỒ TÁT, ĐỪNG NHẦM LẪN HOẠT PHẬT… của thế gian với ĐỨC PHẬT.

Thành Phật là một vấn đề Vô cùng khó khăn. Không phải tự xưng, tự tôn, tự phong hay người khác tôn phong mình là Phật tức thì nghiễm nhiên trở thành Phật ngay. Muốn thành Phật hành giả trước hết phải tu tập để tích lũy phước đức và trí tuệ, trải qua 10 cấp bậc Thập Trú (Phát Tâm

Trú, Trị Địa Trú, Tu Hành Trú, Sanh Quí Trú, Phương Tiện Cụ Túc Trú, Chánh Tâm Trú, Bất Thoái Trú, Đồng Chơn Trú, Pháp Vương Tử Trú và Quán Đỉnh Trú), 10 cấp Thập Hạnh (Hoan

Hỷ Hạnh, Nhiêu Ích, Vô Sân Hận, Vô Tận, Ly Si Loạn, Thiện Hiện, Vô Trước, Tôn Trọng, Thiện Pháp và Chơn Thật Hạnh) 10 bậc Hồi Hướng (Cứu Hộ Nhất Thế Chúng Sanh, Ly Chúng Sanh Tướng, Bất Hoại, Đẳng Nhất Thế Phật, Chí Nhất Thế Xứ, Vô Tận Công Đức Tạng, Tùy Thuận Bình Đẳng Thiện Căn, Tùy Thuận Đẳng Quán Nhất Thế Chúng Sanh, Chân Như Tướng, Vô Phước Giải Thoát và 4 Pháp Giới Vô Lượng Hồi Hướng), đó là vị Bồ Tát của A Tăng Kỳ 3 kiếp thứ nhất.

Từ sau Thập Hồi Hướng, trải qua Bốn Gia Hạnh Vị (Noãn, Đĩnh, Nhẫn và Thế Đệ Nhất) vào sơ địa đến địa thứ 7 (Hoan Hỉ Địa, Ly Cấu, Phát Quang, Diệm Huệ, Nan Thắng, Hiện Tiền, Viễn Hành, Bất Động, Thiện Huệ và Pháp Vân Địa), đó là A Tăng Kiếp thứ hai của Bồ Tát.

Từ Bồ Tát thất địa đến thành Phật. Đây là A Tăng Kỳ kiếp thứ ba. Như vậy là một vị Bồ Tát cần phải trải qua thời gian ba đại kiếp tu hành mới đoạn hết sạch tất cả CHƯỚNG CHẤP, hoàn thành mọi công đức để đạt đến Phật vị. Xem thế đủ biết thành Phật đâu phải là vấn đề dung dị. Sở dĩ thân tướng của Đức Thích Ca Mâu Ni được tự trang nghiêm bằng 32 tướng chính và 80 nét phụ chính là do công hạnh tu hành Bồ Tát Đạo của Ngài trên một quá trình dài lâu thực sự chứ đâu phải bằng ngôn từ xưng tán giả tạm của thế nhân.

 

Đời nay, khi thấy hành giả có chút ít thiền định thần thông, phước đức thế tục thì liền tôn xưng là Hoạt Phật. Về triều đại nhà Thanh ở Trung Hoa xưng hô hoàng đế là Phật Gia, Thái hậu là LÃO PHẬT GIA. Các vị Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng cũng gọi là Phật Gia. Đó chẳng qua chỉ vì muốn tỏ bày lòng tôn kính nên tưởng tượng rằng HỌ là chư Phật ứng thế mà thôi. Tưởng tượng chứ không là sự thật!

Đứng về mặt pháp tánh, tất cả các pháp đều là Phật, hết thảy hữu tình chúng sanh đều có tánh năng thành Phật, do đó, tất cả chúng sanh đều là những vị Phật tương lai (sẽ thành).

Người học Phật, nếu hiểu rõ giáo lý, quân bình định huệ, chứng tỏ bằng hành động một số công đức tương đối thì cũng có thể gọi là TƯƠNG TỰ PHẬT. Danh từ HOẠT PHẬT, đại khái có lẽ phát xuất từ đây.

Nếu đứng về mặt thực tế với lối nhìn nghiêm cách thì hành giả phải thật hành Bồ Tát Hạnh trải qua ba đại vô số kiếp, đạt đến quả vị cứu cánh mới có thể tôn xưng là PHẬT.

ĐỜI NAY, KHI THẤY HÀNH GIẢ CÓ CHÚT ÍT THIỀN ĐỊNH THẦN THÔNG, PHƯỚC

ĐỨC THẾ TỤC THÌ LIỀN TÔN XƯNG LÀ HOẠT PHẬT.

Đấy là lý do tại sao chúng ta không nên nhầm lẫn Đức Phật với các danh xưng thiếu nghiêm túc nhưng thừa tính tự tôn của thế gian.

PHẬT LÀ VỊ ĐẠI THÁNH TRÊN CHƯ VỊ THÁNH CỦA TAM THỪA 4 , NGƯỜI TRỜI đều là Phàm Phu nên tuyệt đối không thể đem Thánh Triết thế gian so sánh với PHẬT.

Với nhãn quang giác ngộ của Phật, tất cả Lục Phàm (6 cõi phàm, cũng gọi là Lục Đạo, ở trong Tam Giới (Dục, Sắc và Vô Sắc Giới) gồm có: Trời, Người, A Tu La, Bàng Sanh, Ngạ Quỷ và Địa Ngục. Đối lại với Lục Phàm có Tứ Thánh, ở ngoài Tam Giới. Tứ Thành là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật). Tam Giới, Trời, Thần, Tiên… đều thuộc cõi phàm trong thế gian.

Các vị Giáo Chủ của các tông giáo chẳng qua chỉ là các vị Thánh thuộc Nhơn đạo hoặc Thiên đạo, nghĩa là còn làm chúng sanh trong Tam Giới, Lục Đạo. Đó là điều mà các học giả phải hết sức thận trọng đừng bao giờ lẫn lộn về giá trị của vàng thau!

Sở dĩ chúng ta cần phải nhận thức một cách thấu triệt như thế, vì bản chất Phật Đà là sự kết tụ của vô biên công đức thanh tịnh, vô lậu trong hằng sa kiếp số mà thành.

KHÔNG THỂ XEM ĐỨC PHẬT NHƯ CÁC VỊ THẦN của NHẤT và ĐA THẦN GIÁO.

Đối với vũ trụ vạn hữu Đức Phật rõ biết tường tận, cứu cánh, nên tôn hiệu của Ngài là Vô Thượng Biến Chánh Giác. Ngài cũng là người đã và đang giáo hóa tất cả hữu tình để tiến dẫn họ hướng về quả vị ấy (Biến Chánh Giác).

Vũ trụ tuyệt nhiên không thể do một vị Thiên Thần tự ý sáng tạo và làm chủ như Nhất Thần Giáo chủ trương, cũng không phải như Đa Thần Giáo nói: Phật là một trong nhiều vị Thần của vũ trụ.

Thật là một điều sai lầm trầm trọng khi người đời vì mang nặng tính chất mê tín vào Nhất Thần hoặc Đa Thần rồi từ đó họ tự cho rằng Phật, Bồ Tát cũng là Thần không hơn không kém.

(Bài tham luận về PHẬT, PHÁP, TĂNG sẽ đăng tiếp trong các kỳ tới).

1 Tổ tiên của Ngài khi còn là Thái Tử, vì có lòng nhân đạo nên được mọi người mến chuộng và từ đó lập thành một

quốc gia. Thân sinh vị Thái Tử ấy thấy vậy nên gọi con mình là Năng Nhân rồi lấy đức tính này làm họ luôn.

2 Báo thân phân nhị: Tự thọ nội chứng pháp lạc chí thân, danh vi Tự Thọ Dụng Báo Thân. Đối ư sơ địa dĩ thượng Bồ

Tát ưng hiệu chí Báo Thân, danh vi Tha Thọ Dụng Báo Thân. Thử dữ ứng trung chí Thắng Ứng thân đồng thể dị danh: Báo thân có hai loại:

1) Tự Thọ Dụng Báo Thân là thân tự mình hưởng thọ nguồn vui vi diệu của những pháp đã chứng ngộ.

2) Tha Thọ Dụng Báo Thân là thân do các vị Bồ Tát từ sơ địa trở lên ứng hiện. Thân này (Tha Thọ Dụng)

cùng với Thắng Ứng Thân đồng thể khác tên.

3 A Tăng Kỳ: vô số kiếp

4 Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát Thừa