THÔNG ĐIỆP PHẬT ĐẢN PL. 2568 – DL. 2024

0
403

TĂNG ĐOÀN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH

Chùa Giác hoa, số 15/7 Nơ trang long, P. 7, Q. Bình Thạnh, TP Sài gòn.

Chùa Phước Thành, số 360 Phan chu Trinh, An cựu, TP Huế.

(Số: 02/HĐCM/TĐ/XLTV)

THÔNG ĐIỆP PHẬT ĐẢN

PL. 2568 – DL. 2024

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

 Kính gửi :

➖ Chư tôn Trưởng lão Hòa thượng, Chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni.

➖ Chư Phật tử, Đồng bào các giới trong và ngoài nước.

  Cách đây gần ba ngàn năm có một vị vương giả đã từ bỏ ngai vàng, từ bỏ quyền lực và danh vọng cùng đời sống cao sang để có thể trải nghiệm về sự đau khổ trong cuộc đời, mong tìm kiếm hạnh phúc và sự an lạc đích thực, và Ngài đã ngộ ra rằng hạnh phúc và sự an lạc không thể tìm cầu ở bên ngoài, ở quá khứ, ở tương lai, mà ở trong nội tâm, ngay trong giây phút hiện tại, khi chúng ta buông bỏ sự cố chấp vào cái tôi và cái thuộc về tôi. Bậc vương giả đó chính là đức Phật.

Ngài đến thế gian với thông điệp về sự bình đẳng của mọi loài chúng sinh để từ đó giúp chúng ta phá bỏ chấp trước về sự cao sang của đẳng cấp này so với đẳng cấp khác, dân tộc này so với dân tộc khác, tôn giáo này so với tôn giáo khác. Tâm bình đẳng sẽ giúp chúng ta không còn có ý phân biệt, không phân biệt màu da, tôn giáo, dân tộc, văn hoá, chính kiến, từ đó, tâm từ bi, tâm vị tha, tâm bao dung sẽ hình thành. Nhân loại lúc đó sẽ là một nhà, chiến tranh không có cơ hội để bùng phát, một nền hoà bình bền vững sẽ ở cùng thế gian.

Ngài đã giúp chúng ta khai ngộ về lý Vô thường, Khổ, Vô ngã, để chúng ta hiểu được sự hiện hữu này là tạm bợ, nhà cửa không thuộc về chúng ta, vợ con không thuộc về chúng ta, tài sản, danh vọng không thuộc về chúng ta, bản thân này cũng không thuộc về chúng ta, từ đây chúng ta sẽ đoạn tuyệt với lòng tham. Mà lòng tham là nguyên nhân của mọi tội lỗi, tham dẫn đến sân, si, làm cho con người trở nên u tối và tàn ác.

Thế giới ngày nay đối mặt với nguy cơ huỷ diệt khi những lò lửa chiến tranh được nhen nhóm khắp nơi, từ châu Âu đến Trung đông và đang âm ỉ bùng phát ở đông Á. Tất cả đều do lòng tham, khi con người không những bám chấp vào cái tôi, cái của tôi mà còn muốn chiếm đoạt cái không thuộc về mình. Chiến tranh xuất phát từ sự ngộ nhận, cho rằng, dân tộc, tôn giáo, chính kiến của mình là cao quý hơn của kẻ khác, và họ muốn áp đặt giá trị của mình lên kẻ khác. Chiến tranh cũng xuất phát từ sự bất bình đẳng, bất công, giữa các quốc gia, dân tộc, bất dung về ý thức hệ và tôn giáo. Nhân loại ngày hôm nay, thay vì an trú nơi tâm an lạc để đạt được hạnh phúc như lời Đức Phật dạy, thì họ lại lao vào tìm kiếm sự hưởng thụ vật chất, và một cuộc chạy đua tìm kiếm vật chất đã tạo nên sự va chạm của các nền văn minh, các thể chế chính trị, các quốc gia và dân tộc, cho nên sự huỷ diệt nhân loại sẽ đến, thay vì hạnh phúc.

Ngày đức Phật đản sinh nhắc nhở cho toàn nhân loại bức thông điệp của Ngài về sự bình đẳng, về lý Vô thường, Khổ, Vô ngã, để chúng ta sống trong sự tỉnh giác, từ đó đạt được giác ngộ, hạnh phúc và một nền hoà bình trường cửu.

Hôm nay trong giờ phút trang nghiêm, trọng đại, chan hòa ánh đạo nhiệm màu, toàn thể những người con Phật chúng ta hãy lắng lòng thành kính tưởng niệm ơn đức vô lượng của đấng Từ phụ, của vị Đạo sư thánh thiện, đã thị hiện trên cõi đời nầy không ngoài mục đích cứu khổ ban vui, dẫn dắt hết thảy chúng sanh vượt qua biển khổ, bước lên bờ giác ngộ, giải thoát.

Đạo Phật là con thuyền đưa chúng ta vượt qua biển khổ đau, là con đường chân chánh thẳng tiến đến đạo quả Niết bàn. Đức Phật là bậc Đạo sư hướng dẫn chúng ta trên bước đường tu tập Chánh pháp, đức Phật không phải là một vị thần linh ban phước giáng họa như nhiều người hiện nay lầm tưởng. Đạo Phật, theo cách nhìn của Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Từ một góc nhìn, Phật giáo là một tôn giáo, từ phương diện khác, Phật giáo là khoa học về tâm và không phải là tôn giáo, Phật giáo có thể là cây cầu giữa hai phương diện vừa nêu”. Là một người phật tử chân chánh phải hiểu và thực hành đúng theo giáo lý Đức Phật đã chỉ dạy, có như vậy, Phật pháp sẽ trường tồn, chúng sanh được an lạc.

Hiện nay ở các nước văn minh, Phật giáo được nhiều người ngưỡng mộ, có xu hướng phát triển rộng rãi là bởi sự thuyết phục của tinh thần nhân bản, giáo lý từ bi, thích ứng với khoa học trong sự kiến giải về vũ trụ và nhân sinh. Nhưng ở Việt Nam, dưới chế độ độc tài, độc đảng, toàn trị và vô thần, họ đã dựng lên một nền Phật giáo mang nặng tính thế tục, với mục đích phục vụ cho sự cai trị độc đoán, lâu dài. Chùa chiền được xây mới to lớn hơn, lễ lạc hoành tráng hơn, Tăng sỹ được tổ chức đào tạo rầm rộ theo định hướng của Nhà cầm quyền, tư duy mang màu sắc duy vật biện chứng. Lợi dụng niềm tin tôn giáo, họ tổ chức những điểm “Du lịch Tâm linh”, biến những nơi thánh tích thiêng liêng thành dịch vụ kinh doanh tôn giáo. Ở những nơi ấy hoàn toàn thiếu vắng những bậc chân tu, thiếu vắng sự giảng dạy và tu tập theo Chánh pháp. Hậu quả là Phật giáo Việt Nam hiện nay bị giới trí thức hoài nghi, khi Phật giáo chỉ còn là hình thức tín ngưỡng dân gian, mê tín dị đoan, để che mắt những người nhẹ dạ, cả tin. Như vậy chúng ta có thể nói rằng Phật giáo Việt nam đang đi ngược lại xu hướng phát triển của Phật giáo thế giới.

Đây là một sự thật đau lòng mà người Phật tử chân chánh cần phải nhận thức đúng đắn. Sự thật nầy hầu hết hàng tu sỹ Phật giáo Việt Nam đều biết rõ, nhưng phần nhiều, vì cầu an nên không ai lên tiếng, còn một số khác, bị vướng vào vòng danh lợi, nên nhắm mắt xuôi tay, làm theo những chính sách sai lầm, làm cho Phật giáo mất đi tính tôn nghiêm và trí tuệ siêu việt.

Đứng trước hiện tình như vậy, phải cần có tâm đại hùng đại lực của tầng lớp Tăng –Ni và sự dấn thân của Phật tử, vì Tăng-Ni là sứ giả của Như Lai nên phải có đầy đủ oai nghi, chánh kiến, giới đức, trí tuệ và đạo hạnh để hoằng dương Chánh pháp, còn Phật tử chính là người hiện thực hoá giáo lý của Đức Phật ngay trong cuộc đời này, chỉ như vậy mới có thể hưng phục được Phật giáo, giải trừ được pháp nạn.

Hôm nay, nhân ngày Khánh Đản của Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Tăng Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thiết tha kêu gọi toàn thể chư Tăng Ni và Phật tử, hãy vì sự tồn vong của mạng mạch Phật pháp mà an trú trong tỉnh giác, noi theo dấu chân Phật, xả ly ngã chấp, hy hiến cuộc đời, vì lợi ích của tất cả chúng sanh, ngõ hầu phần nào đền đáp công ơn sâu dày của Đức Phật.

Cầu nguyện Chánh pháp trường tồn, thế giới thái bình, chúng sanh an lạc.

Nam mô Lâm Tì Ni viên, Vô Ưu thọ hạ, thị hiện Đản sanh Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Tác đại chúng minh.

 

Tổ Đình Thập Tháp, Bình Định, mùa Phật Đản P.L. 2568, T.L. 2024.

T.M. Hội Đồng Chứng Minh

Tăng Đoàn GHPGVNTN

Xử Lý Thường Vụ:

(đã ấn ký)

Tỳ kheo Thích Viên Định