MỘT PHẬT TỬ CHÂN CHÍNH

0
179

MỘT PHẬT TỬ CHÂN CHÍNH
Thích Chánh Lạc

Đại Lão Hòa Thượng Thích Chánh Lạc
Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Phẩm

Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại

THẾ NÀO LÀ MỘT PHẬT TỬ CHÂN CHÍNH?

Bất luận Phật tử thuộc quốc gia nào, nếu muốn xứng đáng là một Phật tử chân chính, người đóphải hội đủ các điều kiện, hay nói cách khác đi là cần phải làm tròn 3 nhiệm vụ căn bản sau đây:
A. Đối với bản thân
B. Đối với Quốc gia Dân tộc
C. Đối với Đạo Pháp mà mình tín ngưỡng.

A. ĐỐI VỚI BẢN THÂN

Đời là bể khổ mênh mông. Mạng người mong manh, ngắn ngủi. Tất cả vật chất chỉ là phương tiện nhất thời, tinh thần mới là mục đích vĩnh cửu. Nhân nào quả đó. Ai tu người ấy hưởng. Vì các lẽ đó, là Phật tử, chúng ta cần phải chọn một hướng đi chân chính, một lối sống chiết trung, dung hòa giữa vật chất và tinh thần, nghĩa là có lý tưởng. Muốn vậy, việc tối thiểu là phải quy y Tam Bảo. Vì, quy y Tam Bảo là hành vi chọn lựa lý tưởng xác đáng, là sự mở đầu môt kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự chấm dứt chiều sống mê mờ, tối tăm để trở về với cuộc đời giác ngộ, sáng suốt. Vả lại, một Phật tử chân chính là người đã quy y Tam Bảo và không bao giờ, vì lý do gì làm mất giới quy y, nghĩa là đã quy y Phật, thề suốt đời không quy y Trời, Thần, quỷ vật; đã quy y Pháp, thề suốt đời không quy y ngoại đạo, tà giáo; đã quy y Tăng, thề suốt đời không quy y tổn hữu ác đảng.

Quy y là quay đầu trở lại, là sự chuyển hướng và giữ giới, là hành động cất bước tiến về bến Giác. Do đó, là Phật tử phải tập sống một cuộc đời rộng rãi đúng với 5 hạnh hay 5 mỹ đức: tinh tấn, thanh tịnh, trí huệ, từ bi và hỷ xả.

Tinh tấn: Một lòng, một dạ quyết tiến về các mục tiêu: học hỏi và truyền bá Phật Pháp. Bỏ ác làm lành để đem lại an vui hạnh phúc cho mình, cho người. Trong chiều hướng đó, điều ác chưa sanh, đừng để phát sanh, đã sanh nên cố gắng chừa bỏ. Điều thiện chưa sanh nên nỗ lực làm cho phát sanh, đã sanh nên cố gắng hơn nữa. Đó là cách cứu người giúp đời thiết thực và hợp với tinh thần Phật giáo nhất.

Tượng trưng cho hạnh tinh tấn là gương sáng của Đức Thích Ca Mâu Ni. Ngài là người không những triệt để tinh tấn trong một kiếp thị hiện ở Ấn Độ mà đã thực hành hạnh ấy trong hằng sa kiếp số về quá khứ.

Ngoài ra, một Phật tử tinh tấn có nghĩa là người ấy dũng tiến trên đường thực hành các hạnh: Thanh tịnh, Hỷ xả, Từ bi và Trí tuệ.
Thanh tịnh: Sự trong sạch về cả Chánh báo lẫn Y báo.
Về Chánh báo: Thân không làm ác (không giết hại sanh linh, không trộm cắp, không tà hạnh).

Miệng không nói ác (không nói lưỡi hai chiều, không nói sai sự thật, không nói thô ác và không nói thêu dệt, bịa đặt, vẽ vời). Ý không nghĩ ác (không tham lam, không giận hờn, không si mê).

Đó là về phương diện tiêu cực và tương đối, còn về mặt tích cực và tuyệt đối, chúng ta nên siêng tu tịnh nghiệp để cầu sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, ấy là điều tuyệt diệu, song phải biết lượng sức mình, không nên hấp tấp!…

Những người sống cuộc đời thanh bạch, giản dị, đạm bạc, không bon chen, đua đòi, xa hoa, phù phiếm là những người đã áp dụng hạnh thanh tịnh vào đời sống hang ngày.

Về Y báo: Với tinh thần TRÙNG TRÙNG DUYÊN KHỞI của Phật giáo, là Phật tử chân chính
chúng ta phải quan niệm chính xác rằng: hại người là tự hại, làm cho người hạnh phúc là mình an vui. Do đó, không nên làm ô nhiễm không khí, thủy nguyên; không phá hoại môi sinh, không hủy hoại những thiết bị công cộng, không làm dơ, không bôi bẩn những nơi chung như: hội trường, công viên, phi trường v.v… Nên giữ gìn nhà, vườn và xung quanh nhà, ngoài phạm vi của gia viên mình cư ngụ cho sạch sẽ. Không cần ăn mặc cao lương mỹ vị, gấm vóc sa sô, nhưng cốt yếu là “Đói cho sạch, rách cho thơm” nhất là phải sạch thơm từ trong tâm ý, đó mới là nghĩa chính của hai chữ thanh tịnh. Đức Phật A Di Đà tượng trưng cho hạnh thanh tịnh.

Trí huệ: Sự sáng suốt của tinh thần, sự hiểu biết đúng với thực tại. Người Phật tử biết trau dồi trí tuệ là người siêng năng tu hành, học hỏi Phật Pháp. Vì thế, những người say sưa, cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập… là những kẻ tự hủy hoại tính sáng suốt của mình, nếu không nói là họ cam tâm tình nguyện sống đời tối tăm, đọa lạc.

Phật giáo xây dựng toàn bộ giáo lý trên nền tảng trí tuệ. Một hành giả chỉ có thể đạt tới cứu cánh giải thoát khi đã phát huy tận cùng sự sáng suốt của trí tuệ. Vì giải thoát tức là thóat khỏi sự chi phối của si mê lầm lạc do tự tâm gây ra. Bồ Tát khi đạt được đại TRÍ HUỆ tức có cả đại TỪ BI,vì trí tuệ và từ bi là hai diệu tính của một chân tâm, nên không thể chỉ thành tựu diệu tính này mà không đạt được diệu tính kia hoặc ngược lại. Trượng trưng cho hạnh trí tuệ là đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Sự cho vui và cứu khổ chúng ta phải rõ biết về phẩm lọai của khổ như: ba khổ, tám lhổ, nhưng tựu trung có thể chia ra làm hai đại loại: khổ vật chất và khổ tinh thần. Khổ vật chất có tính cách nhất thời, hiện tại, cụ thể dễ giải quyết. Trái lại, khổ tinh thần mang tính chất tiềm tàng, dai dẳng, gây ảnh hưởng xấu, trực tiếp và gián tiếp tới nhiều đời kiếp về sau. Vì thế, giáo pháp Phật Đà chú trọng trị liệu về mặt tinh thần tâm linh.

Tượng trưng cho hạnh từ bi là đức Bồ Tát Quán Thế Âm, đấng Mẹ hiền muôn thuở.
Hỷ xả: Sự vui vẻ, hòa thuận, vị tha, rộng lượng… Người có đức tính hỷ xả là người luôn luôn mong người khác thành công. Không ganh ghét, bực tức khi thấy người hơn mình. Không sợ hãi, lo buồn, than van khi gặp nghịch cảnh, thất bại, ốm đau, nghèo đói.
Người giàu lòng hỷ xả là người ưa ta tay cứu giúp, khuyên giải khi thấy kẻ khác lâm nạn. Họ cũng là người không tức giận, căm thù khi bị vu khống, xuyên tạc, xúc phạm, là người rất yêu đời, giúp người, điềm tĩnh và biết hy sinh. Tượng trưng cho hạnh hỷ xả là đức Bồ Tát Di Lạc.

B. VỚI QUỐC GIA, DÂN TỘC

Chúng ta là người Việt Nam, Quốc gia của chúng ta là nước Việt Nam, Dân tộc chúng ta là dòng dõi con Rồng cháu Tiên. Vận mệnh của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và chúng ta gắn liền với sự thăng trầm của vận nước. Quê hương Việt Nam là nơi chôn nhau cắt rốn, là chỗ sống gởi nạc, thác gởi xương, là nơi ghi nhận biết bao tiếng khóc chào đời và vô số những lời trối trăn lúc giã biệt của hàng hàng lớp lớp người xưa, là nơi mà không một người Việt Nam nào, trong lứa tuổi trên 20, lại không có ở đấy những kỷ niệm ngọt ngào, êm đềm, sâu kín… và đó là QUÊ CHA ĐẤT TỔ được kết tinh bởi mồ hôi, nước mắt, xương máu của TIỀN NHÂN.
Vì vậy, là công dân trong thời bình, chúng ta phải:
 Sinh sống bằng một nghề nghiệp chính đáng. Đừng du thủ, du thực, sống trên sức lao
động của người khác.
 Nếu là công, tư chức thì nên thực hành 4 mỹ đức: cần, kiệm, liêm, chính vào cuộc sống
hàng ngày, nghĩa là không biếng lười, xa hoa, tham nhũng, lạm dụng, lấy của chung làm
của riêng.
 Tận lực đóng góp phần mình vào việc duy trì, phát triển và xây dựng Quốc gia.
Trái lại, trong thời loạn, chúng ta phải:
 Triệt để thực hành câu: “QUỐC GIA HƯNG VONG, THẤT PHU HỮU TRÁCH.” (Sự
hưng vong của nước nhà mọi người đều có trách nhiệm như nhau). Đừng ươn hèn, thụ
động, trốn tránh, chờ thời, đạo đức giả, quân tử Tàu… phải biết nỗ lực bảo vệ và hy sinh,
hoặc ít ra cũng dám nói lên tiếng nói lương tâm vì CHÍNH NGHĨA QUỐC GIA DÂN
TỘC.
 Sống đục thà chết trong, tuyệt đối không bao giờ vì mồi danh bã lợi, hư vinh, cảm tình
riêng tư mà cam tâm làm con trùng trong thân sư tử. Hơn thế, nếu sư tử chết thì trùng kia
sống với ai? Chỗ nào? Không lẽ lại muôn đời sống kiếp lưu vong? Những ai chỉ biết vinh
thân phì gia, chỉ biết lấy trăm họ làm ngựa trâu cho một họ, lấy máu xương của muôn
người để phụng sự cho một nhóm người, xin hãy đọc câu trả lời của Cụ Phan Đình Phùng
khi Hoàng Cao Khải khuyên Cụ Phan về hợp tác với thực dân: “Ta chỉ có một ngôi mộ
rất to để giữ, đó là nước Việt Nam, người bà con rất to để cứu, đó là mấy mươi triệu
đồng bào. Vể sửa sang mộ phần của mình, ai sẽ lo cho ngôi mộ cả nước? Về cứu lấy bà
con mình, ai sẽ lo cho bao nhiêu triệu anh em khác? TA THỀ CHỈ CÓ MỘT CÁI CHẾT
MÀ THÔI!” Bút mực nào đầy đủ để vinh danh câu nói đó? Chúng ta chỉ biết cung kính
cúi đầu.
 Hùm chết để da, người ta chết để tiếng, là Phật tử, bằng mọi giá, chúng ta phải lánh xa cái ô danh muôn đời: VIỆT GIAN PHẢN QUỐC, vì hễ PHẢN QUỐC tức PHẢN PHẬT
GIÁO. Không những bây giờ mà ngàn vạn đời sau, chúng ta nghĩ gì khi đọc đến tên của
những kẻ phản bội như: Trương Quang Ngọc bị nghĩa quân của Cụ Phan Đình Phùng giết
vì tội Việt gian. Lương Tam Kỳ giết Cụ Hoàng Hoa Thám khi đang ngủ. Việt gian Hoàng
Cao Khải và Lê Hoan đốt chiến khu Bãi Sậy của Chí Sĩ Nguyễn Thiện Thuật. Nguyễn
Thân đào mộ Cụ Phan Đình Phùng, lấy cốt đốt ra tro, rồi đem trộn với thuốc súng bắn
xuống sông La. Thời Trần Hưng Đạo trong khi toàn dân nỗ lực chống giặc Nguyên thì
những tên như: Trần Di Ái, Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Trần Tu Viên, Lê Mục, Lê Tuân
v.v… lại cam tâm làm kiếp Việt gian. Ôi! Thời nào cũng vậy, cũng có những tên CẦM
THÚ Y QUAN, chúng ta đừng quên để dành một số trang sử ĐEN để ghi tên của những
tay đại Việt gian phản dân hại nước.

 Là dân Việt, trong lúc nước nhà đang bị thống trị bởi bạo quyền Cộng Sản, trên 85 triệu
đồng bào ruột thịt đang rên siết, quằn quại dưới gót giày của chủ thuyết Mác-Lê, bổn
phận chúng ta là phải gấp rút kết hợp với các đòan thể quốc gia để tìm phương tiêu trừ
giặc Cộng, giải cứu Quê Hương. Đừng nhẹ dạ mắc mưu tuyên truyền, xuyên tạc, phản
chiến, ru ngủ của Việt Cộng! Đừng vì lợi riêng mà bỏ quên Tổ Quốc, âm thầm tiếp tay
cho giặc Cộng, về hùa với quỷ ma.

C. VỚI ĐẠO PHÁP

Nói tới Đạo Pháp tức chúng ta đề cập tới 3 đối tượng có tính cách đại diện:
1. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
2. Lịch Đại Tổ Sư, Chư Tôn Đức, Tăng, Ni và những Cư sĩ hữu công.
3. Đơn vị Phật Giáo trực thuộc Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất nơi mình cư trú.

Với GHPGVNTN: chúng ta phải tận lực bảo trì, vì đó là Giáo Hội Chánh Thống, Truyền Thống nhất quán từ thời đại Đức Phật, là bảo vật vô giá được kết tinh bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương của không biết bao nhiêu tầng lớp Phật giáo đồ qua hai ngàn năm lịch sử. Do đó, là Phật tử, chúng ta phải thề sống chết bảo vệ tông giáo của chúng ta, triệt để chống lại môi mưu toan can thiệp, phân hóa, lợi dụng hay tiêu diệt Đạo Pháp của chúng ta.
Với Thầy, Tổ và các bậc Tiền Bối hữu công: chúng ta không những nhớ ơn, biết ơn, mà cần phải tìm cách trả ơn bằng hành động biểu lộ lòng trung trinh, nhất quán với nền đạo lý dân tộc – Phật Giáo – nghĩa là không phản bội, không lửng lơ, nhất là đừng bao giờ cõng rắn cắn gà nhà. Ở đây, chúng ta đặt vấn đề nhân quả ra ngoài, vì đó là điều hiển nhiên. Nhưng chúng ta cần nhận chân rằng ai phản bội Phật giáo là phản bội Dân tộc, vì Dân tộc và Phật giáo là một thực thể bất khả phân. Người nào phản bội Phật giáo là người ấy chà đạp lên các đức tính tối cần để phân biệt loài người với loài thú, đó là: Trung, Trinh, (Hiếu), Tiết và Nghĩa. Với đơn vị Phật giáo mà mình đang sinh hoạt: chúng ta nên tận tình đem hết thành tâm thiện chí hợp lực với những vị giàu đạo tâm, có lý tưởng để cùng nhau xây dựng, phát triển cả về nội dung lẫn hình thức, cố gắng biến đơn vị ấy thành một cơ cấu phát huy Ánh Đạo Vàng, môi trường tu học, giữ gìn văn hóa Việt tộc và nhất là một đồn lũy kiên cố chống lại mọi tà thuyết vu vơ, rõ nét nhất là ngụy thuyết Cộng sản. Muốn được thế:

 Chúng ta phải chuyên cần học hỏi và áp dụng Phật Pháp vào đời sống hàng ngày.
 Triệt để lấy lời Phật dạy làm kim chỉ nam trên bước đường hành hoạt.
 Sống đời giản dị, hòa hợp, xây dựng, đừng hai lòng, đừng nói một đàng quàng một nẻo,
đừng diện thị bối phi, đừng phách lá tìm sâu, bới lông tìm vết, xui nguyên dục bị, luôn
luôn nuôi ý đồ gây xáo trộn trong những cơ quan, đòan thể, nhất là những đoàn thể chống
Cộng. Ngòai ra, Chùa là chốn thanh tịnh, tôn nghiêm, là đạo tràng tu học, là Phật tử chân chính, không nên làm ồn ào, mất trật tự trong phạm vi khuôn viên Chùa, nhất là trong Chùa. Không được buôn bán, quyên tiền và phát hành bất cứ kinh, sách, báo chí gì, nếu chưa có sự đồng ý của vị Trụ trì và Ban Quản Trị. Trong khuôn viên Chùa, không được tuyên truyền điều gì có hại đến Quốc gia, Dân tộc và Đạo pháp. Tất cả Phật tử đến Chùa, ngoài việc cầu nguyện, nghe Pháp, thăm hỏi nhau trong tình đạo vị, không nên NÓI hay LÀM bất cứ việc gì có tính cách phá hoại, chia rẽ.

Hơn thế, Chùa là nơi thoát tục. Khi bước chân vào Chùa, với không khí thóang mùi trầm hương, với âm vang dịu hiền của câu kinh, tiếng kệ, với nhịp điệu trầm hùng, ấm cúng của tiếng mõ tiếng chuông, chúng ta sẽ cảm thấy tất cả những ưu phiền, dằn vặt của cuộc sống trần lụy bên ngoài cạn vơi, lắng dịu và tâm hồn trở nên lâng lâng siêu thoát. Nếu chúng ta biết giữ gìn niềm vui thanh thóat ấy và đem nó chan hòa vào trong đời sống gia đình, ngoài xã hội thì lợi ích biết bao! Đó chính là tu hành và cũng là một cách truyền bá Chánh Pháp vậy.

Trên đây chúng ta chỉ mới đề cập đến mục đích gần và hiện tại, với mục đích xa và tương lai, một Phật tử chân chính còn cần phải cố gắng tu trì các hạnh: bố thí, cúng dường, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật… nữa.

Tóm lại, một Phật tử chân chính là người không những biết cải hóa đời mình bằng Phật Pháp mà còn có bổn phận cảm hóa bạn bè, quyến thuộc, mọi người biết sống theo tinh thần Bi, Trí, Dũng của đạo Phật. Nói khác đi, mỗi Phật tử phải là một Pháp sư, một cán bộ hoằng dương chánh pháp. Từ đó suy ra vấn đề học hành và truyền bá Phật Pháp là mục đích, là cốt tủy, chùa viện chỉ là phương tiện tạm thời. Mong ai nấy đừng lấy giả làm chân, thả mồi bắt bóng.

Sau hết, người viết bài này xin thành tâm phụng khuyến mọi người không nên và đừng bao giờ dùng tâm niệm thế gian để làm Đạo, học Đạo, vì như thế tức chúng ta đã thế tục hóa cái VÔ THƯỢNG THẬM THÂM.