𝐌𝐎̣̂𝐓 𝐓𝐇𝐎𝐀́𝐍𝐆 𝐒𝐔𝐘 𝐓𝐔̛
Đại Lão HT Thích Chánh Lạc | Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Phẩm
Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại
Mọi sự mọi vật trên thế gian này từ hữu hình tới vô hình tất cả đều là huyễn mộng, như bóng bọt, như điện chớp, mây bay, không lâu dài, chỉ tạm bợ, trong đó kể cả thân mạng chúng ta.
Tất cả đều sẽ mất hết, nhưng có một cái không mất và luôn luôn theo sát chúng ta như bóng với hình, từ kiếp này sang kiếp khác, cái đó là NGHIỆP.
“Vạn ban tương bất khứ
Duy hữu nghiệp tùy thân.”
Hay,
“Giả sử bách thiên kiếp
Sở tác nghiệp bất vong
Nhân duyên hội ngộ thời
Quả báo hoàn tự thọ.”
(Đại Trí Độ Luận)
Nghiệp là gì? – Là những động tác của thân (thân nghiệp), miệng (khẩu nghiệp) và ý (ý nghiệp).
Nghiệp có nhiều loại: Thiện nghiệp, ác nghiệp, mãn nghiệp, bất khả tư nghì nghiệp, tích lũy nghiệp, cực trọng nghiệp, túc nghiệp, hiện nghiệp, tập quán nghiệp, cận tử nghiệp, biệt nghiệp, cọng nghiệp…
Một cách đại cương, chúng ta có thể chia nghiệp ra thành 2 loại: Hữu Lậu Nghiệp và Vô Lậu Nghiệp.
Vì gây nghiệp hữu lậu nên mãi chìm đắm trong bể khổ sông mê để chịu đựng cảnh sanh, già, bệnh, chết… và muôn ngàn nỗi trái ngang!
Do đó muốn hết khổ được vui, trước hết phải chuyển nghiệp. Không những ác nghiệp thành thiện nghiệp mà còn phải chuyển uế nghiệp ra tịnh nghiệp, hữu lậu thành vô lậu nữa. Nhưng muốn chuyển nghiệp thì phải trở về sống với Chân Tâm; Con đưởng duy nhất để trở lại Chân Tâm là TU HỌC. Tu học là gì? – là đem hết thành tâm thiện chí vào vấn đề: nghiên cứu, thực hành và truyền bá lời Phật dạy.
Đó cũng là sứ mệnh thiêng liêng cao cả của Phật giáo đồ, nhất là hành Tăng đồ lại càng phải tinh tấn và duy nhất hơn mới hợp lý.
Con người lúc sanh ra không mang theo mình một xu nhỏ và khi giã từ trần thế nào ai có đem đi được một tí xíu vật chất gì ? Thế tại sao chúng ta cứ say sưa, miệt mài, đuổi bắt những bóng dáng hình thức, vật chất vốn dĩ hư huyễn, mong manh để rồi lãng quên đi sứ mệnh nói trên?! Há chúng ta cũng mê mờ như ông già Bà La Môn trong mẫu chuyện thứ 44 của tập 50 Mẫu Chuyện Đạo chọn lọc? Và, nếu thế thì xin đọc và suy gẫm bài Kệ sau đây – Đức Phật nói với người Bà La Môn:
“Có của có con
Miệt mài vất vã
Ngã còn phi ngã
Huống gì có con
Nóng ở nhà mát
Lạnh có nhà ấm
Chỉ lo chuẩn bị
Không biết vô thường
Mê mờ nhầm lẫn
Tự cho là trí
Lấy ngu làm trí
Đó là quá ngu!”
Vì lẽ ấy nên sợi dây oan nghiệt càng nối càng dài, vòng luân hồi càng quay càng vô tận. Thế rồi cứ mãi hụp lặn, nổi trôi và cứ mỗi lần đổi xác thay hình là một phen xa vời với QUÊ HƯƠNG chân thật (Chân Tâm). Đúng như 2 câu thơ:
“Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.”
Nghĩa là:
“Mãi mê làm khách phong trần
Quê hương muôn dặm, ngày dần cách xa.”
(Chánh Lạc dịch)
Ôi! Thế nhân ơi, biết đến bao giờ mới tỉnh mộng? Tỉnh để nhận chân rằng thân này chỉ là sự kết hợp của 2 phần tâm lý và vật lý (tinh thần và vật chất), sự kết hợp ấy rất ngắn ngủi, tạm bợ và nó (thân thể) sẽ ngủ một giấc dài dưới 3 thước đất, vô ý thức, bị vứt bỏ như miếng gỗ vô dụng (Kinh Pháp Cú, Phẩm Tâm, câu 41). Suy ra những ai chỉ biết đua đòi, chỉ sống vì vật chất tức họ chưa sống trọn vẹn với danh nghĩa làm người, bởi lẽ, mọi loài động vật khác cũng đều như thế cả. Nói khác đi, đây là những người quên mất tâm tính, đánh mất tâm linh, mà tâm linh là ông chủ tạo tác ra thế gian và xuất thế gian, thiên đường và địa ngục. Thế rồi họ mãi quờ quạng trôi lăn, không những trong đêm dài sanh tử mà còn bị lặn hụp trong ba đường ác là: địa ngụ, ngạ quỷ và bàng sanh. Tại sao thế? Vì họ không muốn thấu hiểu mặt thật của cuộc đời, nguyên lý của sự vật, nghĩa là thiếu duyên lành với Phật Pháp. Đôi khi họ cũng biết năm điều ba chuyện, song, một là biết sai, hai là, biết chỉ để nói suông chứ không bao giờ thực hành. Họ đúng là loài hoa chỉ biết phô trương màu sắc mà không một chút mùi thơm; mùi thơm của sự tu học và áp dụng.
Bởi vậy, Phẩm Ngu trong Kinh Pháp Cú, câu 60 Đức Phật dạy:
“Đêm rất dài với người mất ngủ, đường rất xa đối với kẻ lữ hành mỏi mệt. Cũng thế, vòng luân hồi sẽ nối tiếp mãi đối với người không minh đạt Chánh Pháp.” Hai chữ minh đạt ở đây phải hiểu là: Hiểu rõ và thực hành.
Một khi còn bị buộc ràng vào vòng sinh tử thì thân này quá đổi mong manh, sống rày chết mai, có gì là chắc thật đâu, chúng ta có làm chủ được thân ta, nhất là sự chết đâu? Thế nhưng ở đời này mấy ai chịu hiểu như thế. Hoặc giả cũng có người biết vậy, nhưng họ giả vờ không hay để được an tâm lo nghĩ về của cải, vợ con. Thật đúng là thả mồi bắt bóng!
Vì thế, Pháp Cú 62 trong Phẩm Ngu, Đức Phật dạy:
“Đây là con ta, là tài sản của ta, kẻ phàm phu thường lo nghĩ như thế, nhưng họ có biết đâu rằng chính ta còn không thật huống là của, con.”
Cuộc đời tối tăm, vô vị của những kẻ mê mờ cứ thế tiếp diễn từ đời này qua kiếp nọ, từ lọt lòng mẹ đến vào lòng đất, tất cả đời họ đều xoay quanh các vấn đề: ăn ngon, mặc đẹp, danh vọng hão huyền và địa vị phù hư. Nói khác đi là sống kiểu “con gà ăn vẩn cối xay.” Để khỏi nói là vô nghĩa, không lý tưởng. Thế nhưng họ luôn luôn khoe khoang và tự hào rằng: “Có tiền mua tiên cũng được.” Vâng, tiên có thể mua được, vì tiên là đối tượng vật chất, nhưng TỬ THẦN (thần chết) thì tuyệt đối không thể mua, vì xưa nay có ai không chết đâu, ngoại trừ những bậc đã giác ngộ, giải thoát. Đúng như lời Phật dạy:
“Chẳng phải bay lên không trung, chẳng phải lặn xuống dưới biển, chẳng phải chui vào hang sâu núi thẳm, dù tìm khắp thế gian này, chẳng nơi nào có thể trốn được Tử Thần.” (Phẩm Ác, câu 128).
Vậy, muốn thoát khỏi bàn tay của Tử Thần thì phải làm sao?
Phải tu hành theo lời Phật dạy để vượt Tam Giới (Dục Giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới). Điều kiện ắt có và đủ của một hành giả tuần tự tu hành là phải trước hết đoạn trừ sạch KIẾN HOẶC và TƯ HOẶC để ra khỏi Tam Giới, Kiến Hoặc dễ trừ, Tư Hoặc khó đoạn. Ba lọai phiền não (Tam Độc) đứng đầu trong Tư Hoặc là Tham, Sân, Si.
Con người vì tham lam, sân hận và si mê nên thay vì xem thế giới như một đại gia đình, loài người và mọi loài động vật khác đều là cha mẹ, anh em, bà con, chồng vợ… trong đời này và từ vô số kiếp trước thì con người lại xem nhau như thù địch để gieo khổ cho nhau. Đó là nguyên nhân sinh ra thiên tai, loạn lạc triền miên trên trái đất.
Đã là một đại gia đình thì làm gì còn có vấn đề phân chia màu da, chủng tộc. Do đó, chúng ta không nên căn cứ vào lãnh thổ rộng hẹp, dân số đông ít, giàu nghèo, trình độ văn hóa cao thấp… để phân cấp bậc. Không luận trẻ già, trai gái, luôn cả những người tàn tật, bệnh hoạn cũng đều bình đẳng như nhau. Chúng ta nên có đồng tình tâm: sung sướng vì thấy người khác thành công, hạnh phúc, rơi lệ khi thấy người khác gặp điều không may.
Về thực vật, nếu chúng ta cắt xén cành lá của một cây thì những cành lá còn lại sẽ xanh tươi, lớn mạnh mau hơn. Với động vật, chẳng hạn như con người, chỉ đứt tay chảy máu một tí thôi là toàn thân cảm thấy đớn đau. Đó là một trong nhiều lý do Đức Phật khuyên chúng ta không nên giết hại sinh linh và nên ăn chay. Bởi vậy, nhân loại không thể xây dựng hạnh phúc của mình trên sự khổ đau của người khác mà phải lấy hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình, đau khổ của người làm đau khổ của mình. Đó là “Đại bi đồng thể.”
Được vậy thì lo gì thế gian này không trở thành Cực Lạc.
Địa cầu là một vùng đất lớn, các quốc gia ở trên đó là những tổ chức nhận lãnh lấy một đám đất nhỏ để tự quản lý theo ý mình. Quản lý hay dở thế nào không những trực tiếp ảnh hưởng đến số người trong cùng một quốc gia mà còn liên hệ tới những quốc gia lân cận, thậm chí tới toàn thế giới nữa, vì thế giới là một hợp thể trùng trùng duyên khởi. Càng văn minh bao nhiêu còn người càng tạo ra nhiều CÔNG HẠI bấy nhiêu. Ví dụ: nước ô nhiễm, không khí ô nhiễm v.v…
Nhưng khổ nỗi, người đời thương cho rằng những thứ phải dùng nhiều tiền mới mua được là vật quý báu và ngược lại. Do đó, họ xem thường: nước, không khí, ánh sáng, tông giáo, đạo đức… Thật đáng thương hại cho sự thiếu sáng suốt của loài người biết chừng nào!…
Tóm lại, nhờ thấu triệt nguyên lý biến dịch, vô thường của sự sự, vật vật, từ đó chúng ta rút ra một hệ luận xác đáng: mọi hiện hữu trong thế gian chỉ là phương tiện nhất thời, chúng ta là những lữ khách tạm dừng chân. Khi đã biết rằng thân người như bọt nước trôi sông, như lầu sò, chợ biển, thoắt có thoắt không, có dài lâu gì đâu mà bon chen, tích trữ, bực bội, tham lam, giành giựt?
Nhờ vậy, chúng ta mới biết mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống, nghĩa là biết sống cho mình và cho cả tha nhân, tuyệt đối không bao giờ xây dựng hạnh phúc của mình, gia đình, xóm làng, họ hàng mình trên sự đau thương của người khác.
Một người nào đó, khi đã nhận chân được giá trị tương đối của vật chất tất nhiên người ấy sẽ biết sống đời TRI TÚC (biết đủ) – một diệu pháp đem lại cho chúng ta sự an vui, thoải mái, thanh cao trong cuộc đời dẫy đầy dâu biển – biết gò cương dục vọng, biết tin vào nhân quả, tội phước, biết nghĩ đến ngày mai chứ không bao giờ nỡ đem thân mạng, gia phong, đạo giáo, truyền thống và luôn cả quốc gia dân tộc để đổi lấy một chút hư danh, một nhúm vật chất bọt bèo, phù vân phi nghĩa! Nói khác đi, người trí là người có một đời sống quân bình giữa tâm linh và vật chất. Do đó, họ luôn luôn có một tâm hồn trong sáng, tỉnh thức và nhận diện một cách dễ dàng chánh tà, thiện ác, quân tử, tiểu nhân để rồi từ đó họ ra tay “Trừ bạo an dân” cương quyết dấn thân “Tồi Tà Phụ Chính”.
Phải chăng đây mới thực là những con người không bao giờ chết?
#TangDoanHaiNgoai
#Phapam
#ibctv