NHÂN THỪA PHẬT GIÁO THÍCH CHÁNH LẠC

0
165

NHÂN THỪA PHẬT GIÁO

Thích Chánh Lạc

Sau khi đã hoàn toàn thắng phục cả nội lẫn ngoại ma, Sĩ Đạt Ta nghiễm nhiên trở thành Chánh Giác, là vị Đạo Sư Vô Thượng của cõi Sa Bà. Thành Phật rồi, suốt 45 năm hình bóng Đức Đại

Giác đã trải dài khắp Ấn Độ và các xứ lân cận với một mục đích duy nhất là thuyết pháp giáo hóa mọi tầng lớp dân chúng của xã hội thời ấy, nhằm đưa tất cả từ mê đến ngộ, hết khổ được vui.

Vì thế, kể từ hơn 25 thế kỷ nay Phật Giáo đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với nền hòa bình, an lạc và cuộc sống tương ái, tương thân, cọng sinh tồn, cùng tiến hóa trên thế giới. Và đặc biệt là giáo pháp của Đức Phật đã giúp cho vô số hành giả trở thành Thánh Hiền, ra khỏi Tam Giới.

Chánh Pháp chỉ có một vị duy nhất là Giải Thoát. Nhưng trên đường tiến đến mục đích ấy, chúng ta có thể chia ra 2 đoạn, nói khác đi là 2 mục đích: mục đích gần hay tương đối và mục đích xa hay tuyệt đối. Thật vậy, bước đầu tiên của Đạo Phật, với giáo lý cấp Nhân Thừa nhắm đào tạo con người có tư cách, sống xứng đáng với danh nghĩa người. Con người như thế là con người có đủ tình (Bi), trí (Trí) và ý (Dũng), là con người tiến hóa, có thể làm nền tảng cho một con người siêu việt (nhân cách viên mãn).

Theo quan điểm của Đạo Phật, thế giới là sự cọng lại của nhiều quốc gia, xứ sở, làng xóm, gia đình. Nhưng tất cả đều lấy con người làm bản vị. Do đó, khi nói đến một thế giới an bình, văn minh, tiến bộ… có nghĩa là thế giới ấy được xây dựng bởi những con người thật người, có tư cách, đạo đức… Đó là lý do cắt nghĩa tại sao Phật Giáo chú trọng vấn đề đào luyện con người tương đối và đó cũng là nguyên nhân làm cho Đạo Phật xứng đáng là một tôn giáo nhân bản, nghĩa là tất cả đều vì con người, cho con người và do con người. Sự thật này đã được gói trọn vào bài kệ sau đây:

“Ngưỡng chỉ duy Phật Đà

Hoàn thành tại nhân cách

Nhân thành thị Phật thành

Thị danh chân hiện thật”.

Nghĩa là:

“Đức Phật là Vô Thượng

Vì, Ngài đã thành tựu được một nhân cách trọn vẹn mọi mặt (viên mãn)

Vì thế muốn thành Phật trước phải thành nhân

Đó là sự thật muôn đời”.

Sau khi con người đã có nhân cách tương đối, bấy giờ Phật Pháp lại tiếp tục hướng dẫn họ tu học để hoàn thành nhân cách tuyệt đối, nghĩa là một con người đã phát huy toàn vẹn ba đức: Trí Đức (Trí), Đoạn Đức (Dũng) và Ân Đức (Bi), tức là nhân cách viên mãn hay thành Phật.

Như vậy, rõ ràng Phật Pháp trước hết cốt đào tạo con người cho ra con người để rồi tiến dẫn họ học tập cách làm Phật. Do đó, toàn bộ Phật Pháp tuy vô biên, nhưng do 2 mục đích trên nên chúng ta có thể chia làm hai phần: Phần căn bản và phần hướng thượng.

Phần căn bản là giáo lý Nhân Thừa. Nó là căn bản của toàn bộ Phật Pháp và cũng là căn bản cho sự hướng thượng. Phần hướng thượng là giáo lý Thiên Thừa, Thanh Văn Thừa, Duyên Giác và Bồ Tát Thừa, là bộ phận giáo lý nhắm vào việc tiến dẫn con người tu luyện để hoàn thành nhân cách viên mãn.

Như đã nói, phần căn bản là giáo lý nhắm đào tạo một con người rất người, xứng danh người để làm căn bản cho một gia đình hạnh phúc, một xã hội an bình… Giáo lý chính của phần này là Nhân Thừa còn Thiên Thừa chỉ đóng vai phụ tùy. Trong giáo lý Nhân Thừa, đạo lý Nhân Quả và Luân Hồi là phần cốt tủy.

 

Làm thế nào để có thể hiểu một cách chính xác vể đạo lý Nhân Quả?

Muốn hiểu rõ và đúng về đạo lý này, trước hết chúng ta phải nhận chân rằng sở dĩ các pháp có và tồn tại là nhờ 2 phần:

Một là, chính bản thân của nó chuyển biến không ngừng nhưng liên tục. Trong sự liên tục ấy, giai đoạn trước tiếp nối giai đoạn sau. Giai đoạn trước là Nhân, giai đoạn sau là Quả.

Hai là, có những pháp khác nữa liên quan đến nó và giúp vào. Những pháp ấy có thể là Nhân, còn pháp đó là Quả.

Như vậy, chúng ta thấy có 2 loại nhân quả:

  1. Đẳng Lưu Nhân Quả tức chỉ sự chuyển biến liên tục chính trong bản thân của một pháp.
  2. Tăng Thượng Nhân Quả tức chỉ sự giúp thêm vào của các pháp khác.

Do đó, nếu nói trồng dưa là một cách nói “tự thị nhi phi”, thử nói đám đất có sinh ra cây dưa được không? Dĩ nhiên không, vì cây dưa và đám đất là 2 pháp khác nhau. Và, đối với cây dưa, hạt dưa cũng đã trở thành một pháp khác. Vì thế nói, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu là lời nói theo nghĩa Tăng Thượng Nhân Quả, nói một cách đại khái, thông thường căn cứ vào hiện quả. Nhưng nghĩa chính của Nhân Quả là sự chuyển biến liên tục của bản thân các pháp, tức

Đẳng Lưu Nhân Quả kia. Bởi thế, nếu đem hạt dưa mọc ra cây dưa… mà bảo là Nhân Quả Đẳng Lưu thì thật không hiểu gì về lý Nhân Quả cả.

Luân Hồi là gì?

Luân Hồi là sự thay đổi, qua lại, lên xuống quanh quẩn mãi mãi trong vòng Lục Đạo (sáu đường hay 6 cảnh giới chúng sanh: Trời, Người, Atula, Bàng Sanh, Ngạ Quỷ và Địa Ngục).

Luân Hồi có phải là sự tái sanh không? – Không. Phật Giáo không hề công nhận có sự tái sanh hiểu như nghĩa tái bản một cuốn sách, nói khác đi là phủ nhận có sự quay trở lại y hệt tình trạng ban đầu. Tại sao thế? Vì sinh mạng là một pháp, đã là một pháp thì không ngừng biến dịch như một thác nước ngày đêm cuồn cuộn chảy, chưa bao giờ có sự gặp nhau của 2 giọt nước tại cùng một nơi dù chỉ trong một sát na.

Vậy, tại sao lại gọi là Hồi? Chữ Hồi trong từ ngữ Luân Hồi không thể hiểu Trở Lại được mà phải hiểu như là bánh xe quay tròn hết vòng này đến vòng khác, cứ thế mãi. Sinh mạng của chúng sanh trong ba cõi, sáu đường cũng vậy, tùy thuộc thiện hay ác nghiệp mà họ đã gây ra rồi cứ thế chuyển dịch vô cùng tận. Vì vậy, Luân Hồi cũng dịch là lưu chuyển hay luân chuyển.

 

Sao gọi Luân Hồi là đạo lý Nhân Quả nơi sinh mạng?

Sinh mạng chúng ta luôn luôn biến dịch một cách mau lẹ trong từng đơn vị ngắn nhất của thời gian, gọi là SÁT NA VÔ THƯỜNG. Chất chứa sự chuyển biến trong từng sát na này lại tạo thành sự chuyển biến cũa một giai đoạn, tức đời này nối tiếp đời khác, hay dễ hiểu hơn như đời người từ khi sinh ra tới khi chết, gọi là chấm dứt NHẤT KỲ VÔ THƯỜNG.

Sự Luân Hồi trong trường hợp thứ nhất thì sát na trước là Nhân, sát na sau là Quả; trong trường hợp thứ hai thì giai đoạn trước (đời trước) là Nhân, giai đoạn sau (đời sau) là Quả. Quả của đời này là Nhân của đời kế tiếp và Quả của đời kế tiếp lại là Nhân của đời tiếp theo, cứ thế… nên gọi là NHÂN QUẢ LUÂN HỒI.

Vậy, nói nghiệp lành, dữ gây ra Luân Hồi hay nói Nghiệp Quả Luân Hồi, Luân Hồi Quả Báo là thế nào?

Để giải đáp vấn đề này, trước hết chúng ta nên tìm hiểu cái Quả là sinh mạng kết cấu như thế nào?

Nếu phân tích sinh mạng, chúng ta sẽ thấy có vô số tâm lý và vật lý tập hợp lại. Từ ngữ Phật Giáo gọi 2 nhóm tâm và vật lý đó là Ngũ Uẩn. Ngũ Uẩn là:

Sắc: vật chất tức thể xác, thuộc vật lý

Thọ: sự cảm thọ khổ, vui

Tưởng: tri giác, suy tư

Hành: ý chí thúc đẩy, sự vận hành của tâm thức

Thức: 8 quan năng, gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thức, ý, Mạt-na và A-lại-gia thức. Từ thọ đến thức thuộc tâm lý.

Nhưng ngoài tâm lý và vật lý ra còn có gì nữa không? – Có. Tại sao? Vì nếu không, nghĩa là nếu chỉ có tâm và vật lý thôi thì người này có khác gì người kia, con người khác gì con vật?

Phật Pháp không phủ nhận sự khác biệt về tâm lý và vật lý giữa người với vật, nhất là tâm lý, song đó chỉ là sự sai khác về cách kết cấu và phát triển thôi. Tuy sinh mạng người này với người khác, loài vật này với loài vật khác đều do vật và tâm lý kết hợp, nhưng sự tổng hợp ấy của loài vật khác loài người, người tốt khác người xấu. Ấy là chưa kể tới Y-báo của mỗi đương sự. Tại sao sinh mạng người, vật cũng đều do tâm và vật lý kết cấu, nhưng loài vật hưởng thụ khác loài người, người này khác người kia? Vì lẽ, giữa người với người, người với vật, vật với vật mỗi mỗi đều có nghiệp lực riêng biệt, nên hình thành quả báo cũng khác nhau.

Suy luận như thế, bây giờ chúng ta nói đến hai thứ Nhân Quả nơi sinh mạng:

  1. Đẳng Lưu Nhân Quả của sinh mạng: Tâm và vật lý do bản thân của nó liên tục phát triển, biến hiện, trong sự liên tục đó giai đoạn trước là Nhân, sau là Quả.
  2. Tăng Thượng Nhân Quả: tức chỉ phần Quả Báo do nghiệp lực cá biệt gây nên, như: hình tướng người, vật, tướng mạo đẹp xấu, thông minh, ngu dốt, giàu nghèo, sang hèn, v.v… Nói khác đi, do nghiệp nhân đời trước dẫn đến kết quả đời này. Đúng như bài kệ:

“Dục tri tiền thế nhân

Kim sanh thọ giả thị

Dục tri lai thế quả

Kim sanh tác giả thị”.

Nghĩa là:

“Muốn biết nghiệp nhân đời trước

Xem sự hưởng thụ đời nay

Muốn biết kết quả đời sau

Hãy xem việc làm hiện tại”.

Nhờ Đẳng Lưu Nhân Quả, chúng ta hiểu được Sát Na và Nhất Kỳ Vô Thường của sinh mạng. Nhờ Tăng Thượng Nhân Quả, chúng ta thấy được sự sai khác giữa người với người, người với vật… Bởi vậy, mọi nghiệp quả luân hồi là căn cứ vào phần Tăng Thượng Nhân Quả của sinh mạng mà nói.

Dù tin hay không, Nhân Quả muôn đời vẫn hiển nhiên và ứng nghiệm, vì nó là một định luật phổ biến bao trùm cả sắc lẫn tâm pháp, từ quá khứ đến vị lai. Có người cho rằng không có Nhân Quả, vì lẽ, rất nhiều người đời nay ăn ở hiền lành, nhưng thường gặp những điều rủi ro, tai họa.

Ngược lại, lắm người ác độc, gian dối trăm chiều, song họ lại giàu sang… Tại sao thế? Một là, đời nay chúng ta tu nhân tích đức, nhưng chắc gì kiếp trước cũng thế, đời nay họ gian dối, ác độc, song biết đâu đời trước hoặc nhiều đời trước họ đã từng gieo nhân lành? Hai là, vì Nhân Quả có ít nhất 5 loại khác nhau nên rất dễ làm cho người ta lầm lẫn. Năm loại ấy là:

NHÂN QUẢ ĐỒNG THỜI: Chúng ta cầm dùi đánh trống, lập tức nghe được tiếng trống, không cần chờ đợi.

NHÂN QUẢ DỊ THỜI: Như trồng cây ăn quả, phải đợi một thời gian.

NHÂN QUẢ TRONG MỘT ĐỜI (HIỆN BÁO): Đời này gây nên, đời này có kết quả.

NHÂN QUẢ TRONG 2 ĐỜI (SANH BÁO): Đời này gây nhân, đời sau mới có kết quả.

NHÂN QUẢ TRONG NHIỀU ĐỜI (HẬU BÁO): Đời này tạo nhân, nhưng mãi tới nhiều đời sau

mới kết quả, vì còn nhiều nghiệp nhân khác trong quá khứ chồng chất lại nên món nợ nào nặng sẽ bị đòi trước.

Trên đây chúng ta trình bày về Nghiệp Quả Luân Hồi, hay Luân Hồi Quả Báo, tức đứng về mặt Tăng Thượng Nhân Quả của sinh mạng mà nói, chứ không phải y vào Đẳng Lưu Nhân Quả, vì Đẳng Lưu Nhân Quả mang tính chất Sát Na Vô Thường của vật-tự-thân (en soi-même).

Luân Hồi Quả Báo là thế, còn Giải Thoát Luân Hồi là sao?

Sinh mạng tuy chuyển biến vô thường, nhưng liên tục mãi mãi, nghĩa là chỉ có thay đổi chứ không bao giờ chấm dứt. Vì thế, chết, theo quan niệm Phật Giáo chỉ là sự đổi mới. Sự đổi mới ấy xấu hay tốt, tiến hóa hay thoái hóa hoàn toàn trung thực với nghiệp nhân do chính đương sự đã tạo. Do đó, chết không có gì đáng lo ngại, chỉ sợ rằng chúng ta chưa có đủ thiện nghiệp để Tiến

Hóa sau khi chết. Song nghĩa chữ tiến hóa trong Đạo Phật khác hẳn quan niệm về tiến hóa của thế gian.

Người đời cho rằng, từ thời đại hoang man, dần dần tiến tới thời đại đồ đá, đồ đồng… xe hơi, tàu ngầm, máy bay, phi thuyền… với những tiện nghi về đời sống văn minh vật chất như thế gọi là tiến hóa.

Phật Giáo không phủ nhận sự tiến hóa đó của loài người, nhưng luôn luôn cảnh giác thế nhân rằng văn minh vật chất là con dao hai lưỡi và chỉ xem nó là phương tiện tạm thời, chứ không phải là mục đích muôn thuở. Vì mục đích gần của Phật Giáo như đã nói là đào tạo con người thành những nhân cách tương đối, làm điều kiện cho việc xây dựng một nhân gian Phật Giáo.

Điều kiện để thành một nhân cách tương đối:

-Không giết hại sanh linh

-Không trộm cướp, lừa đảo

-Không tà hạnh, phóng túng

-Không dối trá, phỉnh gạt

-Không say sưa, bài bạc.

Ai hội đủ điều kiện ấy thì sau khi chuyển sanh nhất định không bị thoái hóa, nghĩa là tối thiểu họ cũng được làm người trở lại hoặc sanh về các cõi cao hơn loài người (Tiến Hóa). Ngược lại, tức là người ấy đã đánh mất thân người, có nghĩa là sẽ bị đầu thai vào các cảnh giới thấp hơn, khổ đau hơn loài người, như: địa ngục, ngạ quỷ, bang sanh. Đó là Thoái Hóa. Như vậy, nếu ai bảo rằng sinh mạng có sự diệt mất, chết là hết, không có Luân Hồi Quả Báo gì cả, làm thiện hay ác cũng thế thôi, người này rơi vào Đoạn Kiến Ngoại Đạo.

Từ đó suy ra, sinh mạng chúng ta không phải bắt đầu bằng tiếng khóc chào đời và kết thúc bằng chiếc quan tài băng giá. Do đó, sống chết chỉ là những điểm chìm nổi bất tận trên dòng đời vô cùng thôi. Là chúng sinh, có ai biết rằng đã bao lần mình đã và sẽ phải đi qua chiếc cầu Đoạn Trường ngàn vạn dặm ấy? Nỗi niềm chua xót đó sẽ nối tiếp không cùng, nếu ngày nào chúng ta còn trôi lăn theo chiều sống mê mờ, tội lỗi.

Vì thế Phật Giáo chia sự chuyển biến của sinh mạng ra 2 chiều:

– Mê mờ khổ não

– Giác ngộ an vui

Nếu theo chiều mê mờ thì gọi là Luân Hồi. Nếu thay bằng chiều giác ngộ thì gọi là Giải Thoát, nghĩa là danh từ Luân Hồi chỉ để gọi sự chuyển biến của sinh mạng theo chiều mê mờ, chứ không dùng để gọi khi nó được thay bằng chiều giác ngộ. Do đó Giải Thoát chỉ có nghĩa là mê mờ khổ não đã trừ sạch, chứ không phải sinh mạng bị chấm dứt. Như một dòng nước, khi đục thì gọi là nước đục, lúc trong thì gọi là nước trong, trong là trạng thái nước đục không còn, không còn là nước đục không còn chứ đâu phải không còn giòng nước?

Vì không hiểu như thế nên có người cho rằng Giải Thoát là chấm dứt sinh mạng, là trở về với trống vắng, không tịch, không có gì hết. Vì lẽ đó, nhiều người bảo Phật Giáo chủ trương tất cả đều không, phủ nhận thế giới hiện thực… Quả thật là một ngộ nhận trầm trọng! Theo họ, tu hành và được Giải Thoát tức đạt tới Niết Bàn, nhưng Niết Bàn là không tịch, là không có gì hết như cụ Phạm Quỳnh đã giải thích một cách sai lạc trong tạp chí Nam Phong trước đây. Kỳ thật, không theo quan niệm Đạo Phật không hàm nghĩa chẳng có cái gì hết (néant, empty) mà phải hiểu rằng mọi sự sự vật vật tuy có, nhưng chúng luôn luôn biến đổi vì do nhiều nhân duyên giả hợp nên không thật, không cố định… chứ không phải “không có gì” hiểu theo nghĩa có-không đối đãi thông thường. Bởi vậy, đứng về mặt tương đối, tất cả các pháp đều hiện hữu, nhưng về phương diện tuyệt đối, mọi vật đều không; không là không có thật tính chứ không phải zero, tức không có gì cả, như Đạo Hạnh

Thiền Sư đã nói:

“Thuyết hữu trần sa hữu

Ngôn không nhất thế không

Hữu không như thủy nguyệt

Vật trước hữu không không”

Nghĩa là:

“Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Kìa xem bóng nguyệt lòng sông

Ai hay không có có không là gì?”

Và, Phẩm Phật Quốc trong Kinh Duy Ma giải thích từ ngữ Không Tịch thế này: “Bất trước thế gian như liên hoa, thường thiện nhập ư không tịch hạnh”, nghĩa là các vị giác ngộ ở trong thế gian như hoa sen trong bùn, các ngài luôn luôn sống trong hạnh không tịch.Trong Kinh Tâm Địa Quán cuốn một:

“Kim giả Tam Giới Đại Đạo Sư, tòa thượng già phu nhập tam muội, độc xử ngưng nhiên không tịch xá, thân tâm bất động như Tu Di”.

Nghĩa là Đức Phật ngồi kiết già nhập định trong nhà không tịch, thân tâm đều bất động như núi Tu Di. Từ 2 dẫn chứng trên, chúng ta thấy từ ngữ Không Tịch hoàn toàn không dính dấp gì với nghĩa Không và Có hết, nói khác đi, nó chỉ biểu thị một trạng thái: an nhiên bất động, không khởi diệt, hoàn triệt thanh tịnh, không mảy may nhiễm trước của người đã vượt thoát mọi sự buộc ràng trong tam giới.

Nếu quả thực Phật Giáo chủ trương tất cả đều không theo nghĩa có-không thường tình thì chính bản thân Phật Giáo đã lạc vào Đoạn Kiến ngoại đạo và đâu còn có vấn đề Nhân Quả Luân Hồi, chứ đừng nói chỉ nó là giáo lý căn bản… Hơn nữa, nếu bảo Niết Bàn là không tịch, nghĩa là không có gì thì còn ai muốn tu?

Cho nên, nếu muốn hiểu một cách chính xác về nghĩa lý Có, Không của Phật Giáo, chúng ta nên dùng nguyên tắc:

“Phi hữu phi không

Diệc hữu diệc không

Phi phi hữu, phi phi không

Tức hữu tức không”

Đó là cái tinh thần Bát Bất Trung Đạo của Bồ Tát Long Thọ…

Trên đây chúng ta đã trình bày sơ lược về lý thuyết Nhân Quả Luân Hồi, bây giờ sẽ nêu lên một vài tính chất căn bản của nó để làm phương châm cho cuộc sống tốt đẹp chung.

Một cách cô đọng, chúng ta thấy lý thuyết Nhân Quả Luân Hồi chứng minh 2 điều:

 

-Các pháp không ngừng biến động đổi thay

-Tất cả đều do nghiệp lực quyết định

Thật vậy, với Phật Pháp, về không gian các pháp là một Hòa-hợp-giả, về thì gian, chúng là một Liên-tục-giả. Sinh mạng cũng thế. Vì vậy, vạn hữu luôn luôn tồn tại trong trạng thái biến thiên không ngừng nghỉ trong từng sát na. Điều đó cho chúng ta một niềm an ủi và hy vọng vô biên: các pháp có thể chuyển biến, sinh mạng có thể thay đổi, đau khổ có thể diệt trừ, an lạc có thể kiến tạo… Nếu các pháp đã cố định thì tu hành để làm gì? Bởi lẽ, mục đích của sự tu trì là đem chiều sống Giác Ngộ An Vui thay cho chiều Mê Mờ Đau Khổ.

Nghiệp Lực khác với Số Mệnh, nó là năng lực, là động tác của thân, miệng và ý của chúng ta. Nếu gây tạo ác nghiệp, như giết hại trộm cướp, dối gạt… sẽ chịu quả báo đọa lạc khổ đau và ngược lại. An vui hay đau khổ đều do ta gây nên, không do ai thưởng phạt hết. Nói cách khác, chính chúng ta là chủ nhân đời ta, hoàn toàn do ta định đoạt.

Vì vậy cụ Nguyễn Du đã rất có lý khi viết:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân

Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa…”

Nghiệp lành nghiệp dữ đều do mình tạo ra, một khi đã gây nghiệp gì thì sớm muộn nhất định sẽ chịu quả báo đó, có oán trời trách đất, trời xa hay gần cũng không làm gì được, vì trời có liên quan gì với việc làm thiện ác của mình đâu? Không lẽ ông A ăn mặn lại bắt bà B uống nước?…

Hai tính chất căn bản của đạo lý Nhân Quả Luân Hồi vừa trình bày trên đây làm nền tảng tu hành cho Nhân Thừa Phật Giáo, nhưng với nghĩa rộng, toàn bộ Phật Pháp đều được thiết lập trên cơ sở đó. Ngoài tính chất căn bản ra, đạo lý ấy còn có tính chất phổ biến, nghĩa là bất cứ ở đâu, thời nào, chúng ta biết hay không, tin hoặc không tin nó vẫn ứng nghiệm một cách trung thực, chỉ sớm muộn mà thôi, nghĩa là không bị không gian, thời gian chi phối, đúng như bài kệ:

“Giả như bách thiên kiếp

Sở tác nghiệp bất vong

Nhân duyên hội ngộ thời

Quả báo hoàn tự thọ”.

Thế thì đã có Nhân nhất định có Quả, chỉ lo không tạo được nhân lành, đừng sợ không hưởng được quả tốt.

“Ai ơi hãy ở cho lành

Kiếp này không gặp, để dành kiếp sau”.

Để kết luận, sau đây chúng ta đưa ra 3 chủ trương và nói rõ hậu quả của nó:

1. Những ai tin vào thuyết Số Mệnh hay Định Mệnh sẽ suốt đời sống với thái độ “nằm há miệng chờ sung rụng”. Không cần nỗ lực phấn đấu. Vì, theo họ, có nỗ lực cũng chẳng ích chi, có phấn đấu cũng không đi tới đâu, bởi lẽ, tất cả mọi người sang hèn, giàu nghèo… ở đời này đều đã do một BÀN TAY VÔ HÌNH quyết định, an bài (Nhất ẩm nhất trác, giai do tiền định). Do đó số giàu sang thì nằm ngủ cũng giàu sang, số nghèo khổ thì dù có cặm cụi làm ăn, một nắng hai sương vẫn khố rách áo ôm. Sở dĩ, những người này sống một cách ươn hèn và ỷ lại như thế, vì họ đã mê mờ, nhầm lẫn đem đời mình phó thác vào tay một vị trời tưởng tượng, vu vơ…

2. Những kẻ chủ trương Đoạn Diệt (Đoạn Kiến ngoại đạo) sẽ xảy ra 2 hậu quả tai hại:

a) Vì cho rằng chết là hết, đời người chỉ là tạm bợ, ngắn ngủi, do đó, họ vùi đầu vào việc tranh danh đoạt lợi, đua đòi bon chen… suốt đời làm nô lệ cho cuộc sống vật chất, cố vơ vét tất cả về mình hầu thỏa mãn thất tình lục dục, và vội vàng hưởng thụ kẻo sợ không kịp… Họ chẳng bao giờ chịu dành một chút thì giờ để suy tư về ý nghĩa cuộc đời. Họ sống trong bận rộn, vội vàng và chết trong hấp tấp, tăm tối!

b) Vì cho rằng chết là trở về với cát bụi muôn đời, nên họ lý luận ngây ngô thế này: ăn hiền ở lành cũng chết, độc ác tham tàn rồi cũng chết như nhau, chết là hết. Do đó, họ ưa gì làm nấy bất chấp hậu quả, miễn có lợi và mang lại khoái lạc cho bản thân là được hết. Họ sống vô trách nhiệm với gia đình, bà con, quên ơn cả đồng hương, đồng loại, nghĩa là sống kiểu vô hậu, không cần ngày mai, sống liều lĩnh, tự sát hay không biết tiếc thương chính mình!

Những người theo thuyết Số Mệnh sống với thái độ tiêu cực chừng nào thì ngược lại, những kẻ tin tà thuyết Đoạn Diệt lại tích cực hăng say chừng ấy, song họ hăng say hoạt động theo sự hướng đạo của tham, sân và si, nên đã gây ảnh hưởng tai hại không ít cho cuộc sống chung, không những hiện tại mà cả tương lai nữa!

3. Những người tin theo thuyết Nhân Quả – Nghiệp Báo là những người đã biết chọn cho mình một hướng đi hợp lý. Họ đã đánh giá đúng mức bản vị con người bằng cách khẳng định: mình là ông chủ của chính mình, tất cả quá khứ, hiện tại, tương lai tốt xấu ra sao đều nằm trong tay họ, đều do nghiệp lực của chính họ gây nên. Gieo gió thì gặp bão, nhân nào quả nấy, nên những người này không sống với thái độ chờ thời, cũng không tin tưởng vu vơ vào những tà thuyết lăng nhăng, nhảm nhí. Theo họ, Nhân Quả Luân Hồi là một luật tắc tuyệt đối đúng, hành động do thân, miệng và ý gây tạo là vị thần xét phán công bình nhất về kết quả của đời sống cá nhân đó.

Vì thế, không những họ tận lực hướng thiện trong việc tạo nghiệp cho mình (biệt nghiệp) mà còn nỗ lực khuyến hóa người khác cũng vậy, hy vọng xây dựng một cuộc đời tốt đẹp chung…

Phật dạy: Nghèo đói chưa phải là khổ, loài súc sanh kéo cày chưa phải là khổ, mê mờ không biết cách sống, không biết hướng đi, đó mới là nỗi khổ muôn kiếp. Vì đời này mê lầm (Hoặc) tạo ra ác nghiệp (Nghiệp) nên phải chịu khổ quả (Khổ). Sau đó, chết đi và sinh ra cũng trong mê mờ lầm lạc, tạo nghiệp và chịu khổ báo nữa, cứ thế xoay vần hết chu kỳ này đến chu kỳ khác, luẩn quẩn, loanh quanh trong vòng Hoặc, Nghiệp, Khổ không biết ngày nào mới mong ra khỏi.

Há chúng ta lại không thận trọng trong vấn đề chọn một lối sống, tìm một hướng đi hay sao?