VẤN ĐỀ TỤNG KINH A DI ĐÀ HAY PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ THÍCH CHÁNH LẠC

0
170

VẤN ĐỀ TỤNG KINH A DI ĐÀ HAY PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

THÍCH CHÁNH LẠC

Kinh A Di Đà là một trong 5 bộ kinh trọng yếu của Tịnh Độ Tông. Kinh A Di Đà mà chúng ta thường trì tụng hiện nay trong những khi cầu siêu là Tiểu bản A Di Đà.

Nội dung của kinh này là Đức Thích Ca Mâu Ni giới thiệu với chúng sinh nhất là chúng sinh thời mạt pháp về Y Báo và Chánh Báo của cõi Tây Phương Tịnh Độ; đồng thời khuyên chúng ta nên tin tưởng, thực hành và phát nguyện cầu sanh về cõi ấy. Vì đây là một cảnh giới hoàn toàn thanh tịnh, tuyệt đối an vui (không ân, không oán, không sầu, không già, không chết có đâu luân hồi?), là một trường sở rất thuận lợi cho vấn đề giải thoát, giác ngộ.

Sự thực ấy đã được sáu phương chư Phật không ngớt tán dương, đâu phải là chuyện mơ hồ, ức tưởng? Vì thế, người sống cần tụng kinh A Di Đà để gieo nhân vãng sanh Cực Lạc đã đành mà người chết, sắp chết cũng cần nghe kinh ấy để mong chuyển nghiệp hầu thoát khỏi cảnh đau khổ tối tăm.

Mục đích của người tu Phật là cầu an vui ở hiện tại, giải thoát trong tương lai, chứ không phải tu để lấy điểm với Phật, để khoe khoang, để cầu danh vọng, lợi dưỡng vu vơ… Như vậy, bất cứ ai muốn chuyển mê thành ngộ, hết khổ được vui cũng đều nên và cần: Văn (nghe), Tư (nghiên cứu), Tu (thực hành) kinh A Di Đà. Còn việc tụng kinh ấy trong lúc cầu siêu chỉ là một tập quán, một “phương tiện thiện xảo” của Lịch Đại Tổ Sư, chứ không phải là một định luật có tính cách cố định, bắt buộc.

Do đó, người nào bảo rằng tôi không dám tụng kinh A Di Đà, không dám niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, vì sợ sẽ bị chết sớm là một điều ngộ nhận vô cùng đáng tiếc, để khỏi nói rằng người ấy chưa biết gì về Phật Giáo hết!

84,000 pháp môn tu đã được quy nạp vào mười phạm trù tức mười tông phái Phật Giáo.

Từ đó, chúng ta thấy rằng tông phái nào cũng đều do Đức Phật chỉ dạy, đều là của Phật Giáo, không có vấn đề khinh, trọng, bỉ, thử. Nói khác đi, tùy căn cơ, hoàn cảnh của từng người để chọn lựa và bất cứ tu theo tông phái nào cũng đều có thể thành tựu đạo quả, nếu làm đúng (đồng quy nhi thù đồ), có khác nhau chăng chỉ là vấn đề: mau, chậm, khó, dễ.

Trong những lần giảng dạy Phật Pháp đó đây, tôi thường giới thiệu với Phật Giáo đồ về tông Tịnh Độ. Chủ đích của tôi là muốn cho ai nấy đều thực sự có được một chút vốn liếng giải thoát trong tay, khi giã từ cuộc sống, chứ không hề có một ẩn ý gì khác. Vì lẽ, về phương diện tục đế, một tín đồ nào đó bị đọa lạc họ đâu có kéo tôi đọa theo, ngược lại, nếu được siêu thoát chắc gì họ cho tôi cùng hưởng? Thế nhưng, một thiểu số VÔ LIÊU, vốn mang sẵn tính đố kỵ trong huyết quản, không chịu khách quan tìm hiểu đã vội phê bình, xúi giục thế nọ, thế kia…

Hy vọng những tâm hồn hẹp hòi ấy nên sớm cất đôi kính màu đi để nhìn cho rõ thực trạng của cuộc đời, thân phận bấp bênh, bèo bọt của kiếp người. Và, sau đó hãy đặt ra các câu hỏi như thế này:

Hiện chúng ta đang sống trong thì gian và hoàn cảnh nào? Căn cơ chung của chúng ta hiện nay thuộc loại nào? Thượng, Trung hay Hạ căn? Thọ mạng của chúng ta bền lâu đến mức độ nào?

Mỗi chúng ta cứ thành thực trả lời 3 câu hỏi trên, tự khắc bạn sẽ giật mình bừng tỉnh và than trách: “Ma đưa lối, quỉ dắt đường, tự tìm cải nẽo đoạn trường mà đi!”

Bởi thế, Cổ Đức đã tường nói:

“Bỏ đường tắt Tây Phương, chín cõi chúng sinh, khó thể được tròn nên quả giác.”

“Rời cửa mầu Tịnh Độ, mười phương Chư Phật, khôn vẹn toàn độ khắp quần mê.”

Lời dạy ấy há không xứng đáng làm khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta hay sao? Ức hoặc sự tu hành chập chững của chúng ta hiện nay siêu việt hơn chư Bồ Tát, Tổ Sư ngày trước?

Nên biết, Đức Phật nói các pháp môn, chủ đích là muốn chúng sinh y theo đó tu hành để được giác ngộ, giải thoát. Nhưng vì hàng thượng căn ít, trung hạ căn nhiều, nên chính trong thời Chánh và Tượng Pháp, những người tu theo pháp môn tự lực còn ít được giải thoát ngay trong một đời, huống gì hạnh căn cơ lậu liệt, thọ mạng ngắn ngủi, tri thức kém cỏi lại sống trong hoàn cảnh dẫy đầy tà thuyết và ngọai đạo như hôm nay.

Đức Như Lai biết được điều đó, nên Ngài đặc biệt vì chúng sinh thời Mạt Pháp chỉ bày pháp môn Tịnh Độ, khiến cho tất cả thánh, phàm đều có thể tu trì và đều được vãng sanh

Cực Lạc. Nếu đem so sánh với các pháp môn tự lực, Tịnh Độ là một pháp tu vừa giản tiện, an toàn, chắc chắn, thù thắng vừa mau có kết quả nhất.

Sở dĩ được vậy là nhờ vào đặc tính bất khả tư nghị của Phật lực, Pháp lực và Tín, Nguyện, Hạnh lực của chúng sinh. Do đó, không luận hành giả dụng công nhiều ít, tội nghiệp nặng nhẹ đều được tâm đại bi triệt để, trí phương tiện thắng dị của Đức Phật A Di Đà tiếp độ.

Vì thế, pháp môn Tịnh Độ đã được Đức Phật Thích Ca đề cập tới trong các kinh Đại Thừa như: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm v.v… và nhất là trong kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ Phật. Trong 3 kinh này, kinh A Di Đà được xem là ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa và dễ thọ trì hơn cả. Bởi vậy, Cổ Đức đã dùng kinh nầy làm kinh nhật tụng chung cho tất cả 2 giới xuất gia, tại gia bất luận tu theo tông phái nào.

Điều đó chứng minh rằng Tịnh Độ là quê hương, là cái đích nhắm đến của hết thảy

những ai muốn hết mê thành ngộ, lìa khổ được vui. Hơn nữa, chúng ta cần nhận chân pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn độc đáo, rốt ráo nhất trong suốt 45 năm hóa độ của Đức Thích Ca Mâu Ni. Vì vậy, chúng ta không thể đem pháp môn này so sánh với những pháp môn thông thường, tự lực khác. Nếu không rõ điều ấy rồi sinh ra cố chấp theo các phương pháp tự lực phổ thông, nghi ngờ con đường đặc thù của Tịnh Độ, đó là một sự mất mát không còn cách gì bổ cứu nổi! Vì lẽ, tu các pháp môn tự lực, nếu như trong đời này chưa hoàn toàn trừ sạch Hoặc Nghiệp nghĩa là còn bị tiếp tục sanh tử luân hồi và hễ thọ sanh kiếp sau thì tất cả công phu tu hành đời trước cơ hồ đều mê thất, nên không những mọi ước nguyện ấp ủ lâu nay đều trở thành bánh vẽ và hơn thế, trong khi thụ hưởng phước báo thế gian chính là môi trường tạo tội để rồi sa đọa…

Tóm lại, về phẩm, pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn siêu việt trên siêu việt, đường tắt trong đường tắt, được xây dựng do sự dung hợp của Tha lực và Tự lực; về lượng pháp môn này thích hợp cả 3 căn (Thượng, Trung và Hạ), bao trùm hết 3 thừa (Thanh Văn,

Duyên Giác và Bồ Tát) và 3 cõi (Dục, Sắc và Vô Sắc). Đó là lý do tại sao Đức Thích Ca Mâu Ni đã từng nói thế này, trong kinh A Di Đà:

“… Vị nhất thế thế gian thuyết thử nan tín chi pháp (Tịnh Độ), thị vi thậm nan.” (Vì hết thảy thế gian nói pháp môn khó tin này, pháp nầy quả là rất khó tin.)

Và, mười phương chư Phật cũng ca ngợi công đức bất khả tư nghị của Đức Thích Ca Mâu Ni rằng:

“… Thích Ca Mâu Ni Phật năng vi thậm nan hy hữu chi sự, năng ư Sa Bà quốc độ,

ngũ trược ác thế…, vị chư chúng sinh thuyết thị nhất thế thế gian nan tín chi pháp.”

(Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm một việc hết sức khó và hy hữu, đó là ở trong cuộc đời tràn đầy xấu ác mà có thể tu thành Chánh Giác, rồi sau đó lại vì chúng sinh tuyên giảng một pháp môn cực kỳ khó tin.)

Nhưng, tại sao pháp môn Tịnh Độ lại khó tin?

Vì như trên đã trình bày, đó là một pháp môn siêu đặc, ngoài sức hiểu biết, tưởng tượng của chúng sinh, ngòai tầm diễn tả của ngôn từ, chữ nghĩa (ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt). Hay nói một cách thông tục hơn:

“Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh” (Kiều) Mong mỏi những người phàm sự nên tam tư, đừng đùa với tử thần, vì thân người hiếm có, mạng sống chỉ mành!…

 

Viết để kỷ niệm ngày qua đời năm thứ 11 của Song Thân tôi.

Chùa Như Lai, Colorado, ngày quý hạ 1991

THÍCH CHÁNH LẠC