PHÁP BẢO – THÍCH CHÁNH LẠC

0
164

PHÁP BẢO

Thích Chánh Lạc

Người học Phật đối với Pháp nói chung và Phật Pháp nói riêng cần phải có một sự nhận thức chính xác, rõ ràng.

Ngày xưa, chữ Pháp theo Trung Ấn Độ là Đạt Ma (Dhama), phiên âm theo tiếng Anh bấy giờ là Đạt Nhĩ Ma (Dharma). Đó là dịch âm chữ Pháp. Vậy nghĩa của nó là sao?

Trước khi định nghĩa, chúng ta cần xác lập phạm vi chữ Pháp. Tất cả vũ trụ vạn hữu, hình hình, sắc sắc, sự sự, vật vật đều gọi là Pháp. Nhưng, muốn được gọi là một Pháp tự nó phải hội đủ 2 yếu tố:

  1. Phải bảo trù được cái tính thể độc lập của chính nó.
  2. Cung cấp cho mọi người một sự nhận diện chính xác về mình (pháp ấy).

Vũ trụ vô biên, pháp giới vô tận, nhưng chỉ một chữ Pháp là có thể bao gồm hết thảy. Và, vạn pháp tuy thiên sai vạn biệt, nhưng tất cả đều do những nhân duyên trực hoặc gián tiếp , xa hoặc gần, nhiều hay ít hòa hợp mà thành, tuyệt đối không một pháp nào có thể hiện hữu một cách độc lập.

Phạm vi chữ Pháp trong Phật Pháp tuy vô cùng rộng rãi, song có thể chia ra 2 đại loại:

  1. Chứng pháp
  2. Giáo pháp

CHỨNG PHÁP

Đức Phật trước hết từ nguồn tự giác của Căn Bản Trí trực tiếp chứng được Chân tính của ngã không và pháp không, sau đó, từ sự chứng ngộ này khởi phát ra Hậu Đắc Trí, chứng tri sự sai biệt cũa tất cả mọi lý sự, nhân quả để rồi hưng khởi tâm đại bi độ khắp hết thảy chúng sinh.

Tóm lại, tuệ giác của Phật (Nhất Thế Trí) trong từng sát na biết rõ ràng cùng khắp tất cả tánh tướng chân thật của các Pháp. Đó là Chứng Pháp nằm trong phạm vi chứng tri cũa Phật trí.

 

GIÁO PHÁP

Giáo pháp là những pháp do Đức Phật nói ra, sau khi đã hoàn toàn giác ngộ. Đức Phật từ cõi thuần tịnh dùng bình đẳng tánh trí thị hiện công đức vi diệu qua thân Tha Thọ Dụng, hiển hiện đại thần thông, vì các vị Thập Địa Bồ Tát giải quyết những điều nghi hoặc, khiến các Ngài hưởng dụng được pháp vị Đại Thừa. Ngoài ra, Đức Phật còn thị hiện Hóa Thân để giáo hóa hàng Nhị Thừa và Lục Đạo chúng sinh, nghĩa là Đức Phật hóa độ cho cả chín cõi giới chúng sinh đều hướng về Phật Đạo. Vì vậy, những pháp Đức Phật dùng để giáo hóa vừa có tính cách phổ biến vừa mang tính bao hàm vô lượng. Nhưng, Đức Phật dùng thân vượng tử để thị hiện vào nhân gian, nên cốt tủy giáo pháp của Ngài cũng chú trọng vào con người. Do đó, những giáo pháp để lại trong nhân gian hiện đã được tập thành với tên gọi thông thường Tam Tạng Kinh. Đó là Pháp Bảo, một trong Tam Bảo.

Đức Phật y vào sự tự chứng ngộ của mình để thuyết pháp giáo hóa chúng sinh, chúng sinh nhờ nghe theo lời dạy của Phật mà thấu hiểu lẽ thật. Nhờ hiểu thật lý nên chịu thực hành, do thực hành nên có thể chứng quả. Ấy gọi là: Giáo, Lý, Hành và Quả.

Trên đây là nói tổng quát về chữ Pháp, dưới đây sẽ đi sâu vào phạm vi Pháp Bảo.

  1. Tất cả Kinh, Luật đều do Phật nói và do Phật Giáo Đồ nhiều lần kết tập thành.

Kinh là những bài thuyết pháp để giáo hóa đệ tử khi Đức Phật còn tại thế và sau này, khi Đức Thế Tôn đã viên tịch, các đại đệ tử kết tập lại mà thành.

 

Kinh nguyên danh là Tu Đa La (Sutra). Trung Hoa còn gọi là Khế Kinh, ý nói trên thì phù hợp với chân lý mà Chư Phật đã chứng ngộ, dưới thì ứng hợp với với căn cơ của tất cả chúng sinh (Khế Lý và Khế Cơ).

Luật (Vinaya) là những giới điều, pháp quy do chính Đức Phật căn cứ vào đời sống hàng ngày của đệ tử mà chế định ra. Luật là khuôn vàng thước ngọc của đời sống tu hành, nên tác giả duy nhất là Phật, ngoài Phật, tất cả đều là trì giả, thủ giả, hành giả…

Tất cả những lời giảng giải, chú thích của lịch đại tổ sư xưa nay về Luật đều là nhân tố làm cho Luật tạng càng trở nên phong phú, đa dạng, nhưng tất cả đều được xây dựng trên một nền tảng duy nhất và đồng đẳng, đó là những giới luật căn bản do chính Kim Khẩu nói ra cách đây 26 thế kỷ.

Khác với thời đại chúng ta, trong thời Đức Phật – lời nói (thanh âm) là phương tiện độc nhất dùng để giáo hóa, gọi là Thanh Giáo. Do đó, Kinh và Luật tức Pháp Bảo chưa được hình thành cụ thể bằng văn tự tức Sắc Pháp khi Phật còn tại thế.

Sau khi Đức Phật Niết Bàn, trải qua 4 lần kết tập hai tạng Kinh Luật của Đại Thừa và Tiểu Thừa mới được hòan chỉnh.

Đến khi Phật Giáo truyền vào Trung Quốc, các triều đại như Đường, Tống, Minh, Thanh đều có biên tập Đại Tạng Kinh. Không riêng gì Trung Hoa mà Tây Tạng cũng có soạn tập Đại Tạng.

  1. Lúc Đầu Các Đệ Tử Kết Tập Lời Phật Cũng Dùng Lối Khẩu Tụng. Việc dùng văn tự để viết thành văn bản trước sau thời gian có khác.

Sau khi đấng Thiên Nhân Sư Bát Niết Bàn, đại chúng cung thỉnh ngài Đại Ca Diếp làm chủ tọa, suy cử A Nan Đà tôn giả tụng về Kinh và tôn giả Ưu Ba Ly tụng về Luật. Hai tôn giả căn cứ y đúng lời Đức Phật đã dạy mà đọc lại một cách rõ ràng, do đó phải trải qua sự phán đoán, xác nhận và đồng ý của cả 500 vị Thánh Đệ Tử (Đại A La Hán) hiện diện thì mới trở thành định thuyết (Kinh Luật) để lưu truyền.

Thế rồi cứ vậy truyền tụng mà không cần dùng văn tự để ghi thành Kinh bản hay Giới bản. Từ đó suy ra, chúng ta có thể nói: Trong thời Phật cũng có thể đã có ghi chép Kinh Luật, nếu sau Phật diệt độ vài trăm năm vẫn còn dùng cách truyền khẩu nếu trễ.Sở dĩ như thế là bởi 2 yếu tố chính:

Thời đại và Nhân tài. Do thời đại trước sau bất đồng, nên văn tự cùng để ghi chép Kinh Luật cũng khác nhau, Hơn nữa người chủ trì , nhân tài hoằng dương Phật Giáo của mỗi thời không giống nhau, ấy cũng là lý do tạo thành sự sai khác về việc thịnh hành Kinh Pháp từng thời đại.

Thật vậy, trước hết vì y cứ vào sự hoằng dương Phật Giáo của các Ngài Ca Diếp, A Nan nên Kinh Luật trong thời kỳ này đều thuộc Tiểu Thừa. Cề sau từ Thượng Tọa Bộ phát sinh ra Đại Chúng Bộ và vào khoảng 600 trăm năm sau Phật thị tịch có các vị Bồ Tát như: Mã Minh, Long Thọ tiếp nối xuất hiện chủ trì và hoằng dương Đại Thừa Phật Pháp, nhờ thế Đại Thừa Pháp Bảo được lưu bố khắp nhân gian.

Ngoài 2 yếu tố trên (thời đại và nhân tài), sự kiện Tiểu Thừa có 20 bộ phái khác nhau cũng là một nhân tố quan trọng trong vấn đề khác biệt về Kinh Luật. Nhưng tất cả sự sai khác đó đều phát xuất từ một nguồn, đó là nguồn THANH GIÁO của Đức Phật.

  1. Các bộ Luận, Ngữ Lục… đều là những soạn thuật của các vị Hiền Thánh đệ tử Phật, các ngài y cứ vào lời Phật dạy để xiển dương, thuyên thích ra. Kinh và Luật là do Đức Phật trực tiếp tuyên thuyết, còn Luận là do các vị Hiền, Thánh trong Nhị Thừa và Đại Thừa có trình độ tu chứng trước tác. Luận có 2 loại: Tông Luận và Thích Luận

a-Tông Luận: Du Già Sư Địa Luận, Thành Duy Thức Luận, Nhiếp Đại Thừa Luận…

b-Thích Luận: Thập Địa Kinh Luận, Đại Trí Độ Luận,… đều là những kiệt tác chú thích liên quan đến Kinh Điển Phật Giáo. Mục đích của Tông Luận là Hiển Chân Phá Tự (tương tự), còn Thích Luận dùng để nêu cao giáo lý, làm rõ nghĩa kinh.

Những soạn thuật, ngữ lục của Phật Giáo Trung Quốc cũng đều do những bậc Hiền Thánh trong hàng Tam Thừa tạo dựng trong ý hướng lợi sanh.

Tóm lại, một cách phóng khoáng, chúng ta có thể nói rằng ai cũng có thể căn cứ Kinh Luật Luận hoặc sự tu chứng của nội tâm để nghiên cứu, trứ thuật kinh sách.