QUÁN VỀ Ô NHIỄM VÀ NGƯỜI Ô NHIỄM

0
166

QUÁN VỀ Ô NHIỄM VÀ NGƯỜI Ô NHIỄM

Bồ tát Long Thọ

Tạo luận: LONG THỌ (Nagarjuna)

Thích luận: THANH MỤC (Pingalanettra)

Hán dịch: CƯU MA LA THẬP (Kumarajèva)

Việt dịch: THÍCH THIỆN HẠNH

 (10 bài kệ)

HỎI: Trong khế kinh dạy, tham dục, sân nhuế và ngu si, là căn bản phiền não của thế gian. Tham dục có nhiều tên gọi: Tên gọi đầu là “Ái”, rồi “Đắm trước”, rồi “Nhiễm”, rồi “Dâm dục”.

Có bấy nhiêu tên gọi, chúng là những kiết sử nương tựa nơi chúng sanh. Chúng sanh là người nhiễm, tham dục là pháp nhiễm. Có pháp nhiễm, người nhiễm thì có tham dục. Còn hai pháp kia (sân nhuế, ngu si) cũng như vậy.

Có sân thời có người sân, có si thời có người si. Vì ba độc hại này là nhân duyên sanh khởi ba nghiệp. Ba nghiệp khởi sanh ba cõi. Bởi vậy mà có ra tất cả các pháp.

ĐÁP: Khế kinh tuy có nói danh tự ba độc, nhưng tìm cầu thật tánh thì không thể có được. Vì sao?

  1. Nhược ly ư nhiễm pháp

Tiên tự có nhiễm giả

Nhân thị nhiễm dục giả

Ưng sanh tự nhiễm pháp

***

(Nếu ngoài pháp ô nhiễm

Trước tự có người nhiễm

Nhân nơi người nhiễm dục

Mới có pháp ô nhiễm)

  1. Nhược vô hữu nhiễm giả

Vân hà đương hữu nhiễm

Nhược hữu nhược vô nhiễm

Nhiễm giả diệc như thị

***

(Nếu không có pháp nhiễm

Làm sao có nhiễm ô

Có hoặc không nhiễm ô

Thì người nhiễm cũng vậy)

Nếu trước quyết định đã có người nhiễm, thời không còn phải nhiễm, vì người nhiễm, trước đó đã nhiễm. Nếu trước quyết định không có người nhiễm, lại cũng không nên khởi nhiễm. Vì phải có người nhiễm trước, sau mới khởi sanh nhiễm.

Nếu trước không có người nhiễm, thì không có người thọ nhiễm. Pháp nhiễm cũng vậy, Nếu trước lìa ngoài người nhiễm quyết định có pháp nhiễm; như vậy pháp nhiễm ấy là pháp không có nhân, thì làm sao khởi sanh nhiễm. Cũng như lửa không có củi. Nếu trước quyết định không có pháp nhiễm, thì không có người nhiễm. Bởi vậy, trong kệ nói: Hoặc có hoặc không có nhiễm, người nhiễm cũng như vậy.

HỎI: Nếu pháp nhiễm, người nhiễm, trước sau chờ đợi nhau sanh khởi, là việc không thể được. Nếu sanh ra trong cùng một lúc thì có lỗi gì?

ĐÁP:

  1. Nhiễm giả cập nhiễm pháp

Câu thành tắc bất nhiên

Nhiễm giả nhiễm pháp câu

Tắc vô hữu tương đãi

***

(Người nhiễm và pháp nhiễm

Sanh một lúc, không đúng

Hai việc cùng lúc có

Thời mất tánh tương đãi)

 

Nếu pháp nhiễm và người nhiễm ô, cùng thành trong một lúc, thời không có tánh tương quan đối đãi nhau. Người ô nhiễm không có nhân mà có pháp nhiễm, pháp nhiễm ô không có nhân mà có người nhiễm ô. Cả hai việc đó là lẽ bình thường, vì nó không nhân vào đâu mà thành. Nếu thường thì có nhiều lầm lỗi, không có cách nào để giải thoát. Lại nữa, nay sẽ dùng pháp “Một” và “Khác” để luận phá pháp ô nhiễm và người nhiễm ô. Vì sao vậy?

 

  1. Nhiễm giả nhiễm pháp nhất

Nhất pháp vân hà hiệp

Nhiễm giả nhiễm pháp dị

Dị pháp vân hà hiệp

***

(Người, pháp nhiễm là một

Một làm sao hợp nhau

Người, pháp nhiễm khác nhau

Khác nhau làm sao hợp)

Pháp nhiễm và người nhiễm, nếu cho là do cùng một pháp hợp lại, hay do khác pháp hợp lại. Nếu một thì không thành vấn đề hợp. Vì sao? Vì đã một pháp thì làm sao tự hợp. Như đầu ngón tay, không thể tự xúc chạm với đầu ngón tay. Nếu cho là do khác pháp hợp lại, thì cũng không thể được. Vì sao vậy? Vì do pháp khác hợp lại mà thành. Nếu do pháp khác đã thành rồi, thì không cần phải hợp lại nữa. Vì sao?

Vì tuy có hợp lại mà vẫn là khác. Lại nữa, “Một” hay ”Khác” cũng đều không thể được. Vì sao vậy?

  1. Nhược nhất hữu hợp giả

Ly bạn ưng hữu hợp

Nhược dị hữu hợp giả

Ly bạn diệc ưng hợp

***

(Nếu một pháp có hợp

Ngoài bạn ra, có hợp

Nếu khác pháp, có hợp

Ngoài bạn cũng có hợp)

Nếu pháp nhiễm và người nhiễm là một, thì gắng gượng mà nói có hợp. Thì, ngoài các nhân duyên khác, vẫn có người nhiễm và pháp nhiễm.

Lại nữa, nếu một pháp, cũng không được có hai tên gọi pháp nhiễm, người nhiễm. Nhiễm là pháp, người nhiễm là nhân. Nếu người và pháp là một thì đại loạn. Nếu pháp nhiễm và người nhiễm mỗi khác nhau mà có hợp, thì không cần các nhân duyên khác mà vẫn hợp. Nếu pháp khác mà nói có hợp, thời tuy ở xa nhau mà cũng có thể có hợp.

HỎI: Nếu pháp một không thể có hợp, điều đó có thể chấp nhận. Vậy thì, mắt thấy sắc, là hai pháp khác nhau cộng hợp?

ĐÁP:

  1. Nhược dị nhi hữu hợp

Nhiễm, nhiễm giả hà sự

Thị nhị tướng tiên dị

Nhiên hậu thuyết hợp tướng

***

(Pháp khác nhau có hợp

Người, pháp hợp thành gì

Hai tướng trước vốn khác

Sau gượng nói tướng hợp)

Nếu pháp nhiễm và người nhiễm, trước đã quyết định có tướng khác nhau, sau mới có tướng hợp. Vậy là không có tướng hợp. Vì sao vậy? Vì hai tướng ấy, pháp nhiễm và người nhiễm, trước vốn đã khác nhau rồi. Sau mới gượng nói tướng hợp đó thôi. Lại nữa,

  1. Nhược nhiễm cập nhiễm giả

Tiên các thành dị tướng

Ký dĩ thành dị tướng

Vân hà nhi ngôn hợp

***

(Nếu nhiễm và người nhiễm

Trước đã mỗi khác nhau

Đã thành tướng khác nhau

Làm sao mà nói hợp)

Nếu pháp nhiễm và người nhiễm, trước đó mỗi mỗi đã thành biệt tướng. Ông nay vì sao nói, đó là tướng hợp. Lại nữa,

  1. Dị tướng vô hữu thành

Thị cố nhữ dục hợp

Hợp tướng cánh vô thành

Nhi phục thuyết dị tướng

***

(Tướng khác nhau không thành

Vì thế ông muốn hợp

Hợp tướng càng không thành

Lại nói tướng khác nhau)

Ông đã nói tướng pháp nhiễm, người nhiễm khác nhau không thành. Cho nên lại nói tướng hợp. Trong tướng hợp có lỗi, pháp nhiễm người nhiễm không thành. Ông vì muốn thành lập tướng hợp, lại nói tướng khác nhau. Như vậy, ông tự cho mình là quyết định mà lại nói ra những điều không quyết định. Vì sao vậy?

  1. Dị tướng bất thành cố

Hợp tướng tắc bất thành

Ư hà dị tướng trung

Nhi dục thuyết hợp tướng

***

(Tướng khác nhau không thành

Nên tướng hợp chẳng thành

Vậy, tướng khác nào nữa

Mà muốn lập tướng hợp)

Vì ở đây, trong tướng khác nhau của pháp nhiễm người nhiễm không thành; nên tướng hợp cũng không thành. Nay ông vì có tướng khác nhau nào nữa, mà muốn lập tướng hợp? Lại nữa,

  1. Như thị nhiễm, nhiễm giả

Phi hợp bất hợp thành

Chư pháp diệc như thị

Phi hợp bất hợp thành

***

(Như vậy nhiễm, người nhiễm

Chẳng hợp, chẳng không, thành

Các pháp cũng như vậy

Chẳng hợp, chẳng không, thành)

Cũng như tham nhiễm, sân nhuế, si mê cũng như vậy. Cũng như ba độc, tất cả phiền não, tất cả các pháp cũng như vậy. Không phải trước, không phải sau, không phải hợp, không phải tan. Tất cả đều do nhân duyên mà thành tựu.