STEVE JOBS, NHỮNG TRẢI NGHIỆM TÂM LINH QUẢNG NHƠN

0
14

Có lẽ không ai trong chúng ta không biết đến những sản phẩm nổi tiếng của hãng điện tử Apple như là Macintosh, iPod, iPhone, iPad, và người đứng sau những kỹ thuật tân tiến, hiện đại, tinh vi, và đầy sáng tạo đó, không ai khác hơn là Steve Jobs, một nhà tỷ phú tài ba, vừa mới qua đời vào ngày 5 tháng 10, 2011 tại California. Hơn 1 triệu người trên khắp thế giới, từ những người bạn, các đồng nghiệp cho đến  những người hâm mộ ông. đã viết thư chia xẻ về sự mất mát này.

Steve Jobs sinh ngày 24 tháng 2 năm 1955 tại San Francisco. Cha của ông là người Hồi Giáo và là giáo sư tại trường Đại Học Wisconsin và mẹ của ông là sinh viên vào lúc đó.  Sau khi sanh ông ra, cha mẹ của ông cho ông làm con nuôi với gia đình Paul Reinhold Jobs. Mười tháng sau, cha mẹ ông chính thức kết hôn, và sanh ra một người con gái, cô Mona Simspon (1958).  Ông bà ly dị vào năm 1962. Mẹ của ông tái hôn và cô Mona lấy họ của người cha kế. Khoảng năm 1980, ông tìm lại được mẹ ruột của mình và gặp được người em gái sau 27 năm xa cách.

Gia đình cha mẹ nuôi của ông dời về Mountain View, California, khi ông được 5 tuổi. Cha ông là một công nhân cơ khí làm việc cho một hãng chế tạo laser. Từ thuở nhỏ, ông đã được cha dạy những kiến thức sơ đẳng về cơ khí và cách làm việc với hai bàn tay.  Mẹ của ông là một kế toán, bà đã dạy cho ông tập đọc trước khi ông cắp sách đến trường.  Được hỏi năm 1995 trong một cuộc phỏng vấn về những điều gì ông thấy cần thiết truyền đạt cho con cháu. Ông trả lời rằng: “Hãy cố gắng làm một người cha tốt với con cái giống như cha của tôi đối với tôi vậy.  Tôi suy nghĩ về điều đó mỗi ngày trong cuộc đời của tôi.” “Tôi là một người rất may mắn, cha của tôi là một người đàn ông rất xuất sắc.” Ông rất thương và kính mến cha mẹ nuôi và xem ông bà như là cha mẹ của mình.

Vào năm 13 tuổi khi ông nhìn thấy hình những trẻ em bị đói khát trên bìa của tạp chí Life và ông hỏi một vị mục sư tại nhà thờ nơi mà cha mẹ ông thường đến sinh hoạt: “Đức Chúa có biết gì về những trẻ em đang chết đói không?” và câu trả lời của vị mục sư đó là “Vâng, Đức Chúa biết tất cả” (Daniel Burke, Religion News Service, USA Today)  Từ đó ông không bao giờ đi nhà thờ nữa và không muốn tôn thờ một Đức Chúa, người đã để cho có sự thống khổ xảy ra.

Theo trào lưu thời bấy giờ, ông muốn tìm hiểu về đời sống tâm linh của người Đông phương.  Ông bắt đầu học về giáo lý Đạo Phật. Ông thực tập thiền quán và đọc sách báo về Thiền của Shunryu Suzuki, một trong những vị thiền sư đầu tiên dạy về Thiền ở nước Mỹ. Vào mùa hè năm 1974, ông đi du lịch nửa vòng trái đất đến nước Ấn Độ để tìm sự giải thoát giác ngộ cho chính mình.  Sau bảy tháng tu học, từ Ấn Độ trở về, ông đã tìm được một vị thầy ngay tại thành phố Los Alto nơi ông đang sinh sống, thiền sư Kobun Chino Otagawa, là vị đệ tử của Suzuki. Ông và thiền sư Kobun nhanh chóng trở thành tâm giao và  thường xuyên thảo luận về cuộc sống và Phật Pháp.  Trong một buổi khuya đi dạo: “Tôi tận hết thời gian có được của mình với vị Thầy của tôi những lúc có thể.”  Ông nói với nhà viết tiểu sử, Walter Isaacson: “Thiền đã có một sức ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời của tôi kể từ đó.”

Năm 1976, ông đã ngừng thực tập Thiền tại Trung Tâm Thiền Haiku vì hãng Apple bắt đầu tiến vào quỹ đạo.  Nhưng ông vẫn thường xuyên liên lạc với thiền sư Kobun. Thiền sư Kobun cũng là người chứng minh cho buổi lễ kết hôn của ông với người bạn đời thứ hai của ông vào năm 1991. Ông cho bạn bè những bài giảng của thiền sư Kobun như là “Tứ Diệu Đế”. Ông tin rằng thực tập thiền quán đem lại sự định tâm và không bị chi phối bởi ngoại cảnh.

Ông tốt nghiệp trung học vào năm 1972 và ghi danh học tại trường Đại học tại Portland, Oregon. Tuy ông đã bỏ việc học chỉ sau một khóa học, ông vẫn theo học khóa “Kiểm tra” tại Reed College. Năm 1976, lúc đó ông chỉ mới 16 tuổi, cùng với một người bạn lớn hơn ông 5 tuổi, Steve Wozniak, đã chế tạo ra chiếc máy điện tử Apple đầu tiên. Và tiếp nối theo những thế hệ của Apple, Macintosh và sau này là iPod, iPhone và iPad liên tiếp ra đời đã làm cho tên tuổi của ông sáng rực trong lãnh vực kỹ thuật điện tử.  Những thiết kế điện tử của ông có tính chất đơn giản nhưng với chất lượng cao, tốt, đẹp, và tân tiến, làm người tiêu dùng không khỏi thán phục và hiếu kỳ.  Trong một buổi phỏng vấn với đài truyền hình CBS, Walter Isaascon nói rằng những thiết kế điện tử của Steve Jobs đều chịu sự ảnh hưởng bởi “Sự đơn thuần của Thiền Phật Giáo”

Tuy là một nhà doanh nhân với số tiền 8.3 tỷ mỹ kim, đứng hàng thứ 42 trong số những người giàu nhất nước Mỹ theo thống kê năm 2010, nhưng ông chỉ lãnh $1 mỹ kim mỗi tháng khi ông còn là giám đốc của hãng Apple. Ông thường chỉ mặc quần Jeans, áo thun cao cổ màu đen và mang giầy thể thao đến sở làm mỗi ngày. Con đường sự nghiệp của ông không phải lúc nào cũng được thuận lợi. Có lúc ông bị loại ra khỏi hãng Apple mà do chính ông đã sáng lập ra. Trong bài điếu văn mà cô Mona đã đọc vào ngày 16 tháng 10 tại tang lễ của ông: “Khi ông bị đuổi ra khỏi Apple, mọi việc vô cùng khó khăn. Và tại một buổi dạ tiệc với 500 doanh nhân Silicon Valley, nhưng người chủ tịch hãng Apple lại không được mời dự.  Ông rất đau khổ, nhưng ông vẫn kiên nhẫn đến sở làm mỗi ngày…”

Tháng 10 năm 2003, ông được chẩn đoán bị ung thư dịch tụy.  Bác sĩ khuyên ông phải giải phẩu nhưng ông đã khước từ.  “Trong chín tháng ông đã từ chối phẩu thuật về chứng bịnh ung thư – sau đó thì ông hối hận sau khi sức khỏe của ông đã giảm sút.”  Thay vào đó, ông dùng các loại thuốc Đông y, châm cứu, dược thảo, và ăn chay mà ông tìm thấy trên mạng. Khoảng 6 năm sau, ông lại phải bị thay gan tại Memphis, Tennessee. Suốt 7 năm đấu tranh với căn bịnh hiểm nghèo, ông trở nên văn thơ và không còn e ngại che giấu về tình trạng sức khỏe của mình nữa. Có lần ông viết thơ chia buồn với một người không quen biết về cái chết của bạn gái anh ấy. Ông viết rằng: “Tôi rất cảm thông với nỗi đau này… Cuộc đời thật mong manh.”  Rất hiếm khi ông chia xẻ về quan điểm triết lý của mình trước công chúng nhưng những lời nói trong bài diễn văn của ông trong buổi lễ ra trường tại Đại Học Stanford vào năm 2005 thật đáng ghi nhớ: “Nghĩ đến việc tôi sẽ chết một ngày rất gần là một lợi khí quan trọng nhất để tôi đương đầu và giúp tôi chọn những hướng đi thiết thực trong cuộc sống.  Bởi vì hầu như tất cả – những mong đợi bên ngoài, những danh vọng, những sự xấu hổ hoặc những thất bại – tất cả chỉ bỏ lại đằng sau khi phải đương đầu với cái chết, chỉ còn lại là những gì quan trọng nhất mà thôi,” Ông nói: “Nghĩ đến bạn sẽ phải chết thì điều tốt nhất là bạn tránh những cạm bẫy làm bạn có suy nghĩ rằng bạn sẽ phải mất mát những gì.  Bạn không có gì hết. Cho nên không có lý do gì bạn không theo đuổi trái tim của bạn.” Và ông tiếp tục: “Không có ai muốn chết.  Ngay cả những người muốn lên thiên đàng cũng không muốn chết.  Và cái chết như là một mục đích mà chúng ta cùng chia xẻ.  Không một ai có thể thoát khỏi được.  Và đó là định luật, bởi vì cái chết cũng giống như một sự phát minh tốt nhất của cuộc đời.  Đó chỉ là một sự thay đổi của cuộc sống.”

Steve Jobs là một người thành công khi còn ở tuổi rất trẻ, và ông cảm thấy sự thành công đó đã làm cho ông xa lánh mọi người. Nhưng ông lúc nào cũng phấn đấu để phá bỏ bức tường ngăn cách đó. Điều quan trọng đối với ông và vợ của ông là nuôi dạy con cái như những người bình thường. Nhà của họ không phải lúc nào đầy các tranh vẽ hoặc bóng loáng, thường thì họ ăn tối trên bãi cỏ và thường ăn rất nhiều rau.  Và tuy là một nhà tỷ phú, nhưng ông lúc nào cũng đến phi trường để đón cô em gái của mình. Hai anh em gặp nhau lúc đã trưởng thành nhưng tình cảm giữa hai người rất gần gũi và thân thiết. Cô Mona Simpson nói trong bài điếu văn: “Mặc dù là một phái nữ, cả cuộc đời của tôi lúc nào cũng mong tìm được một người đàn ông để tôi thương mến cũng như thương mến tôi.  Từ nhiều thập niên, tôi cứ nghĩ người đàn ông đó sẽ là cha của tôi. Nhưng khi tôi được 25 tuổi,  người tôi gặp không ai khác hơn chính là anh trai của tôi.”  Ông còn có một người em gái, Patti Jobs (1958), do cha mẹ của ông nhận làm con nuôi. Cha mẹ ông đều đã qua đời.

Vào tháng 8 năm 2011, ông tuyên bố từ chức chức vụ Giám Đốc hãng Apple.  Ông viết: “Thật bất hạnh, cái ngày đó cũng đã đến”.  Tuy không còn giữ chức vụ Giám Đốc, nhưng ông vẫn làm việc cho đến ngày ông qua đời.

Ông có tất cả bốn người con: Lisa (1978), Reed (1991), Eve (1995) and Erin (1998). Lisa là cô con gái đầu lòng của ông với cô bạn gái Chrisann Brennan. Lisa sống với mẹ và mãi cho đến khi cô vào trung học, cô mới về sống chung với cha cô. Năm 1991 ông và Laurene kết hôn và có ba người con. Reed là sinh viên y khoa tại Đại Học Stanford. Anh đang theo học chuyên khoa Ung Thư. Anh rất kính yêu cha của mình. Khi Isaascon bắt đầu viết tiểu sử về Steve. Anh đến và nói với ông rằng: “Hãy đi dạo một lát”, giống như cha của anh thường nói. Và anh nói: “Tôi biết là ông sẽ nghe nhiều câu chuyện về cha của tôi, một người cứng rắn và cộc cằn.  Nhưng tôi muốn ông biết rằng cha của tôi thật sự quan tâm về những sản phẩm và ông không muốn là một người chỉ biết kiếm tiền hoặc là muốn trở thành một người doanh nhân vĩ đại.”

Cho dẫu ông đã cố gắng chống lại cơn bịnh ung thư nhưng bịnh tình lại trở nên nặng hơn.  Ông gọi điện thoại cho cô em gái Mona bảo cô gấp rút đến nhà của ông tại Palo Alto. “Giọng nói của ông rất trìu mến, êm dịu, thương yêu, nhưng giống như một người mà hành lý của họ đã bị cột chặt vào cỗ xe, một người đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc hành trình của mình, và từ sâu thẳm trong tâm khảm ông cảm thấy rất đau buồn khi phải lìa xa gia đình.”  Khi cô đến bệnh viện thì thấy ông và vợ của ông đang chuyện trò vui vẻ như những người bạn đã sống và làm việc hằng ngày với nhau.  Tuy rằng ông đã vật vả chống lại cơn bệnh vào giờ phút chót, nhưng cô em gái của ông nói rằng: “Cũng thật là đáng yêu khi Steve vẫn còn có năng lực phi thường, niềm tin của người nghệ sĩ vào lý tưởng, và nhiều điều tốt đẹp sau nữa.” Rồi ông nhìn vào mắt của những người con như thể ông không thể nào rời xa chúng ra được. Sau đó ông gọi điện thoại nói chuyện với bạn bè ở hãng Apple. Vào khoảng 2 giờ chiều, hơi thở của ông bắt đầu thay đổi, trở nên nghiêm trọng, rồi nhẹ nhàng và có chủ đích.  Cô cảm nhận được rằng ông đang đếm từng bước, rồi đẩy xa hơn lần trước. Đây chính là điều mà tôi đã học được: “Anh ấy cũng đã làm việc này.  Cái chết không xảy ra với Steve, anh ấy đã đạt đến nó.” Ông nhìn mặt người em gái Patti, sau đó đến các con của ông thật lâu, người bạn đời, Laurene, rồi qua những bờ vai của họ, và thanh thản ra đi. Câu nói cuối cùng của ông vài giờ trước đó:

“Oh wow. Oh wow. Oh wow.”