HOA SEN TRONG BÙN | HT THÍCH CHÁNH LẠC

Vô Ngã Vị Tha là quên mình vì người, luôn luôn lấy hạnh phúc muôn loài làm hạnh phúc của mình, do đó, từ ngàn xưa mãi tới ngàn sau, hễ là Phật Giáo chân chính thì không bao giờ chịu cúi đầu làm kẻ thừa sai cho bất cứ một tổ chức thế gian nào, nhất là những chính quyền trị dân theo lối Bá đạo.

0
226

HOA SEN TRONG BÙN

HT THÍCH CHÁNH LẠC

Chủ Tịch HĐĐH Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại

Không kể 3 vô số kiếp tu Bồ Tát hạnh, chỉ nói đến 6 năm khổ hạnh rừng già, 45 năm thuyết pháp hóa độ khắp đó đây trong Xứ Ấn và các vùng lân cận, là Phật tử, chúng ta cũng nhận biết cái ân đức không thể đếm kể của Đức Phật (Thích Ca Mâu Ni) đối với muôn loài chúng sinh ra sao. Do đó, không luận hàng xuất gia hay giới tại gia, không ai không nghĩ đến và không muốn báo đền công ơn hóa độ của Ngài, nếu người ấy không muốn thoái đọa để khỏi nói là mang tội bất hiếu bội nghĩa vong ân.

Nhưng, thế nào là trả ơn và sao gọi là bất hiếu? Có nhiều cách trả ơn, song chúng ta có thể quy nạp vào hai điểm: Hình thức và Nội dung.

Phật Giáo xem hình thức chỉ là phương tiện tạm thời, không lâu bền, như mây bay, bọt nước, từ hạt bụi li ti cho đến sơn hà đại địa (thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy) cũng đều thế cả. Bởi vậy, xưa nay Đạo Phật không chú trọng sự ồn ào, hào nhoáng của lớp vỏ bề ngoài. Đó cũng là lý do khiến Thái Tử Tất Đạt Đa cương quyết xa lánh ngôi vua, cung vàng điện ngọc để sống đời núi tuyết rừng sâu.

Với nhãn quang Phật Giáo hình thức là phù hoa, nhất thời, tạm bợ, không những thế hình thức còn là yếu tố chính gây ra chiến tranh, đọa lạc, là bàn tay Tarzan (Hercules) mở toang cánh cửa tam đồ, là sức mạnh vô địch nhận chìm chúng sinh vào bể khổ trầm luân.

Từ đó suy ra, theo tôi, câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi: Tại sao Phật Giáo hiện hữu đã gần tròn 26 thế kỷ kể từ ngày Thái Tử Tất Đạt Đa thành Phật đến nay mà Phật Giáo chưa hề và không bao giờ là thủ phạm của bất cứ một cuộc thánh chiến hay là kẻ thừa sai cho các thế lực phản dân hại nước nào?

Bọt nước không bao giờ có thể xây thành lâu đài, nhưng giá như có xây được đi chăng nữa thì cũng chỉ là thứ lâu đài bọt nước. Đó là lý do thuyết minh vì sao Đạo Phật truyền thống luôn luôn đứng trên, đứng ngoài mọi chính thể tục lụy, nhất thời, tuyệt đối không chịu uốn lưng quỳ gối trước mọi quyền lực thế gian.

Nói đến hình thức là nói đến vật chất mà ma lực của nó xưa nay đã mấy ai thoát khỏi? Cho nên một tu sĩ Phật Giáo đúng nghĩa thì phải tam thường bất túc, đúng như lời tổ sư Ấn Quang trong bài kệ:

Cơm rau đủ no dạ

Nhà cỏ che gió sương

Nếu người đời biết đủ

Phiền não không còn vương.

Há chúng ta không biết Chánh Pháp của Phật là đạo thoát ly tham dục sao? (Quy y pháp ly dục tôn) “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “Chùa đất Phật vàng…” đều khuyên chúng ta nên trọng nội dung, xem thường hình thức dù là đồ sộ, nguy nga đến đâu. Vì lẽ, hình thức là phương tiện, là lượng của một trăm gánh cỏ khô, nhưng giá trị của nó chỉ đáng một chỉ vàng là cùng, vì phẩm chất không ra gì.

Tóm lại, là Phật tử, nếu chúng ta chỉ báo ơn Đức Phật bằng hình thức chùa tháp phù du thì không những không hợp với bản hoài cứu thế của Đức Thích Ca từ phụ mà còn mang tội phản nghịch, bất hiếu nữa. Phản nghịch vì biến cái Đạo vô thượng thậm thâm dẫy đầy tính chất vô ngã vị tha như đại dương mênh mông thành cái đạo ích kỷ, nhỏ nhen của ao tù bùn lầy nước đọng. Bất hiếu hay đúng hơn là đại bất hiếu vì phản lại cái đại nguyện cứu khổ độ sanh của đấng xuất trần thượng sĩ.

Đến đây chúng ta đã thấy rõ không thể dùng hình thức có tính chất ăn bám của một thứ cây tầm gởi để đền đáp công ơn vô lượng của đấng Từ Tôn. Vì, như Kinh Pháp Hoa dạy:

Giả sử đính đới kinh trần kiếp …

Thân vi sàng tòa biến tam thiên

Nhược bất truyền pháp độ chúng sinh

Chung tất bất năng báo ân dã.

Nhưng, muốn truyền pháp độ chúng sinh thì trước hết chúng ta phải học và thực hành Phật Pháp. Song học và thực hành Phật Pháp chưa phải là mục đích của Đạo Phật, vì như thế thì chỉ có tự lợi, tự giác mà thiếu giác tha, lợi tha, nghĩa là không hợp với hoài bão ra đời của Phật. Bản hoài ấy là “vì chúng sinh Phật thị hiện”.

Đó là lý do làm cho Phật Giáo càng thêm nổi bật các đặc tính sau đây:

  1. “Duy huệ thị nghiệp”. Đạo Phật là đạo của tuệ giác vô thượng, nên người con Phật nhất là hàng xuất-gia phải lấy việc diệt trừ vô minh làm sự nghiệp chính.
  2. “Lợi sanh vi sự nghiệp, hoằng pháp thị gia vụ” là câu châm ngôn cô đọng cái tinh thần đặc thù, cái tông chỉ cốt lõi và sứ mệnh vị tha thiêng liêng của Phật Giáo nói chung và người tu sĩ đúng nghĩa nói riêng.
  3. Sự hiện diện của Đạo Phật trong ngũ trược ác thế cũng giống như sự hiện hữu của hoa sen trong bùn …
  4. Cách đây 2598 năm, kể từ ngày thành Phật, nói khác đi, ngày Đạo Phật xuất hiện giữa trần gian, nguồn dinh dưỡng siêu nhiên phát sanh từ bốn thứ tâm vô lượng (Từ Bi Hỉ Xả) đã hiên ngang nuôi sống cái đạo Như thật và làm cho đạo ấy mãi mãi giữ vững một cách trọn vẹn những trang sử uy hùng vì chúng sinh nhân loại và dân tộc, không hề bị hoen ố bởi bất cứ một một giọt máu thánh chiến nào, nghĩa là trước sau vẫn không với cái giá trị siêu việt là “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
  5. Phật Đà là vị đầy đủ hai thứ: Phước Đức và Trí Tuệ (Lưỡng Túc Thế Tôn). Nói khác đi, tức là Bi và Trí. Phước Đức thuộc Từ Bi. Từ Bi là lòng thương xót muôn loài vạn vật, tượng trưng cho đức hạnh lợi tha. Trí Tuệ là sự sáng suốt đoạn sạch mọi mê mờ, tội lỗi mà có. Từ Bi và Trí Tuệ kết hợp nhịp nhàng như đôi cánh của một con chim. Nhờ Trí Tuệ chúng ta nhìn thấy rõ mặt thật của vũ trụ, nhân sinh, thấy thân phận bọt bèo, mong manh về y báo và chánh báo của mọi loài hữu cơ vô cơ nên mới phát tâm hy sinh cứu độ, dẫn dắt chúng sanh thoát vòng luân hồi sanh tử.

Năm nét đặc thù trên đây là nội dung của Phật Giáo. Nội dung ấy còn thì dù bất cứ thì gian hoàn cảnh nào Đạo Phật vẫn hiên ngang, rạng rỡ giữa bạch nhật thanh thiên. Nếu không thế, nghĩa là trái lại thì sự hiện hữu của Phật Giáo chỉ là cái xác không hồn hay nói khác đi là một nền Phật Giáo bị biến dạng, một nội dung kém cỏi, vô ích được hóa trang trong một lớp vỏ vừa đồ sộ vừa hào hoa rỗng tuyếch.

Thật vậy, nếu ngai vàng, điện ngọc có giá trị muôn đời có thể làm cho mình và chúng sanh ra khỏi bể khổ sông mê thì Thái tử Sĩ Đạt Ta đã không giã từ quốc thành thê tử để xuất gia tầm đạo làm gì.

Do đó, dù ai có chiếm được tài sản của cả địa cầu, thậm chí cả Sa Bà thế giới cũng không sao mua được, đổi được sự giải thoát sanh tử luân hồi. (Phú quý nan miễn luân hồi).

Từ đó suy ra, từ ngàn xưa mãi tới ngàn sau, muôn đời vật chất chỉ có giá trị trong phạm vi hạn hẹp nhất thời của thế giới loài người, nếu không nói chúng là con dao hai lưỡi, là phương tiện tạm bợ cho những chủ nhân cũng tạm thời và còn mong manh hơn chúng nó. Không những thế, vật chất là những viên thuốc độc bọc đường, là những giọt mật trên lưỡi gươm sắc bén, là tội khôi họa thủ của giặc giã triền miên, của tất cả những vụ tham nhũng, bóc lột, cướp của giết người man rợ xưa nay.

Vì thế, là con Phật, nhất là giới xuất gia, nếu không biết gò cương dục vọng thì trước sau cũng bị lạc vào mê hồn trận của bã lợi mồi danh. Lúc đó, có ăn năn cũng không kịp nữa, vì lòng tham không đáy (tham tâm vô yếm) …Ước gì những hạng người như thế chịu khó đọc bài thơ sau đây của Ngài Thiện Đạo (Tổ thứ hai của Tịnh Độ Tông):

Nguyên văn:

Tiệm tiệm kê bì hạt phát

Khán khan hành bô long chung

Giả nhiêu kim ngọc mãn đường

Nan miễn suy tàn lão bệnh

Nhậm nhữ thiên ban khoái lạc

Vô thường chung thị đáo lai

Duy hữu kính lộ tu hành

Đản niệm A Di Đà Phật.

Dịch:

Da mồi tóc bạc dần dần

Lụm cụm tay run mấy chốc

Dẫu sang vàng ngọc đầy nhà

Vẫn khổ suy già bệnh tật

Ví hưởng khoái lạc ngàn muôn

Đâu khỏi vô thường chết mất

Duy có đường tắt thoát ly

Chỉ niệm A Di Đà Phật.

Và, để không vướng vào hố sâu danh lợi, là hàng xuất gia nên ngày ngày đọc tụng đoạn văn Cảnh Sách: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, thượng báo tứ ân, hạ tế tam khổ.”

Rõ ràng nhiệm vụ của một hành giả chân chính là: “Thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân”. Trái lại thì không những không đáp đền được bốn ân sâu nặng mà còn vô ích đối với chúng sinh trong tam đồ ác đạo nữa. Nếu thế là bội nghĩa, vong ân, tức là bất hiếu với đấng Thiên-Nhơn-Sư. Phạm vi của tội bất hiếu quá rộng, dưới đây xin nêu ra một số có tính tiêu biểu, nổi bật:

  1. Những ai chỉ đua đòi vật chất (hình thức) mà không nghĩ đến tinh thần (nội dung) là bất hiếu, vì họ là những người trực tiếp hủy diệt sinh mạng Phật Giáo trong thế gian.
  2. Những người chỉ biết học và hành chánh pháp, nhưng không trực tiếp hay gián tiếp truyền dương chánh pháp vẫn phạm tội bất hiếu, vì những người ấy chỉ biết tự lợi, tự giác mà thiếu lợi tha, giác tha nên không hợp với tông chỉ của Phật Giáo, với bản hoài xuất thế của Đức Thích Ca Mâu Ni.
  3. Bằng mọi phương tiện, dưới nhiều hình thức bất luận bí mật hoặc công khai tìm đủ cách phá hoại, trở ngại công trình hoằng dương chánh pháp của người khác là đại bất hiếu, vì những kể ấy chính là loài vi trùng trong thân sư tử.
  4. Hạng người đã từng ăn cơm chùa mòn răng, nhưng nay họ vẫn cam tâm sống kiếp tôi đòi cho các thế lực phản bội dân tộc và đạo pháp. Những vị này ngoài tội bất hiếu còn là con nợ của tín thí đàn na, e không tránh khỏi cuộc đời trâu ngựa sau này.
  5. Những kẻ buôn thần bán thánh, bày vẽ những trò mê tín dị đoan để dối gạt người đời trong mưu đồ trục lợi vừa kém cỏi vừa thấp hèn.
  6. Những kẻ treo đầu heo bán thịt chó, núp dưới chiêu bài nầy nọ để sống kiếp dã-tràng hầu có phương tiện huyênh hoang xây lâu đài kiểu “hải thị thần lâu” cho thoả chí bình sinh.
  7. Những đứa ngụy quân tử, lương thượng quân tử, rành nghề đổi trắng thay đen, theo gió phất cờ, ngậm miệng ăn tiền để xây hạnh phúc trên xương máu của trăm họ, khổ đau của sanh linh.
  8. Có người đã sống trong chùa khá lâu, nhưng mồi danh bã lợi còn y nguyên nên họ lấy phương tiện làm mục đích, lấy giả làm chân; thế rồi họ bắt chước nghề “sơn đông mãi võ”, xách những cái thùng rỗng đi bán rong.
  9. Vì thiếu trí tuệ tức thiếu chánh kiến nên nặng tính ích kỷ, tham lam, dễ bị dòng đời cám dỗ, từ đó họ cam tâm theo “chủ nghĩa tắc kè” để kéo lê cuộc sống “hành thi tẩu nhục” cho qua một kiếp phù du.
  10. Phật Giáo chia pháp giới ra làm mười cõi: bốn cõi Thánh và sáu cõi Phàm. Bốn Thánh cảnh hay nói rõ hơn Chánh báo của cõi Thánh không còn bị Phân Đoạn Sanh Tử nghĩa là đã liễu sanh thoát tử tức giải thoát, ngoài vòng luân hồi, bất sinh bất diệt. Trái lại sáu cõi phàm tức sáu loại chúng sinh trong tam giới, tuy thọ mạng có ngắn dài khác nhau, nhưng hết thảy đều hụp lặn trong sông mê bể khổ, trôi lăn trong ba nẻo sáu đường. Do đó, bổn phận của người xuất gia là thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh bằng cách học lời Phật dạy, thực hành lời Phật dạy và truyền bá lời Phật dạy để làm cho chúng sanh hết mê thành ngộ, hết khổ được vui. Được vậy mới xứng đáng, mới làm tròn sứ mạng của hàng Thích tử truy y. Không thế, chẳng những bất hiếu với Chư Phật, Chư Bồ Tát, lịch đại tổ sư, mà còn mắc nợ tín thí đàn na, với đương thời và hậu thế nữa.
  11. “Phật Pháp bất ly thế gian pháp, ly thế mích bồ đề, kháp như cầu thố giác”.

Vì chư Phật lấy tâm đại bi làm bản thể, nhân có chúng sinh nên sanh tâm đại bi, nhờ tâm đại bi mới phát khởi tâm bồ đề, do tâm bồ đề mới có thể thành Vô Thượng Giác.

Ví như cây cổ thụ sống giữa bãi sa mạc, nếu rễ của nó gặp được nước thì cành lá hoa quả đều tươi tốt. Cây bồ đề trong bãi sa mạc cũng thế, tất cả chúng sanh ví như gốc cây, Chư Phật, Bồ Tát ví như hoa quả, dùng nước đại bi làm lợi ích chúng sanh thì hoa quả trí tuệ của Chư Phật, Bồ Tát mới nẩy nở, thành tựu.

Tại sao? Vì Bồ Tát nhờ dùng tâm đại bi phục vụ chúng sanh mà được thành chánh giác cũng như cây nhờ có nước mới tươi tốt mới sum sê. Đạo Bồ Đề là đạo cứu khổ độ sinh, nói khác đi, là đạo của những sinh linh đau khổ, nên chi hễ còn chúng sinh đau khổ là Phật Giáo còn và cần tồn tại. Bởi vậy, cho dù Cộng Sản Việt Nam có dùng trăm phương ngàn kế cũng không sao tiêu diệt được GHPGVNTN truyền thống.

Như thế thì quả bồ đề tức Phật quả thuộc về chúng sinh, nếu không có chúng sinh thì tất cả Bồ Tát vĩnh viễn không thể thành Phật.

Nhưng làm sao mà được thành tựu tâm đại bi?

Nhờ đối với mọi loài chúng sinh sanh tâm bình đẳng;

Và, sau đó lại đem tâm đại bi tùy thuận, phục vụ chúng sinh nên thành tựu hạnh cúng dường Chư Phật.

Tinh thần vị tha bình đẳng của Bồ Tát Hạnh đã có từ khi Đức Phật thành đạo cách đây 2598 năm tức trước công nguyên 589 năm khi Ngài nói Kinh Hoa Nghiêm (Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật).

Thật thế, Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh ở phẩm thứ ba và chín đã nói lên tinh thần lợi tha siêu tuyệt ấy.

“…Thiện nam tử! Song trong các thứ cúng dường, dùng chánh pháp cúng dường là hơn hết”.

Thế nào gọi là dùng chánh pháp cúng dường? Nghĩa là:

  1. Y theo giáo pháp của Phật để tu hành.
  2. Làm bất cứ việc gì lợi ích cho chúng sinh.
  3. Đem lòng thương xót khuyến hóa, hướng dẫn chúng sinh bỏ ác làm lành, cải tà qui chánh.
  4. Bằng mọi cách chịu khổ thay cho chúng sinh.
  5. Siêng năng tu tập các việc lành để không gây đau khổ cho mọi loài.
  6. Không xa rời Bồ Tát Hạnh.
  7. Kiên thủ Tâm Bồ Đề.

Bởi vậy, nếu ai thực hành pháp cúng dường tức cúng dường Chư Phật. Đó là sự cúng dường chân chính (Tam giả quảng tu cúng dường).

Và, đại nguyện thứ chín là: Hằng thuận chúng sinh.

Đối với tất cả các loại chúng sinh, Bồ Tát đều nguyện xin tùy thuận, phục vụ, cúng dường, cung kính họ cũng như kính thờ cha mẹ, sư trưởng, A La Hán, thậm chí như Phật không khác. Với người ốm đau tôi nguyện làm lương dược; với người lầm đường, tôi xin làm người hướng đạo; tôi xin là ánh sáng trong đêm tối; với kẻ khổ nghèo, tôi tình nguyện làm cho họ có thừa của cải…

Nhưng tại sao Bồ Tát lại phải phát nguyện làm lợi ích cho tất cả chúng sinh với tinh thần bình đẳng như thế? Vì, nếu Bồ Tát tùy thuận chúng sinh thì cũng như cúng dường Chư Phật; tôn trọng, phục vụ chúng sinh là tôn trọng phục vụ Chư Phật…

Suy rộng ra, với đồng thể đại bi, nếu ai làm khổ đau chúng sinh, là làm khổ Chư Phật, bỏ rơi chúng sanh là bất hiếu với Chư Phật.

Đó là lý do cắt nghĩa vì sao vào khoảng năm 187 sau kỷ nguyên. Thái Thú Sĩ Nhiếp sang cai trị nước ta, học thuyết Khổng Mạnh và Phật Giáo mới từ Ấn Độ, Trung Hoa truyền vào, sau Phật Giáo còn có Lão Giáo nhưng dân chúng chỉ tín ngưỡng Đạo Phật và nhận Phật Giáo làm quốc giáo.

Tinh thần “Vô Ngã Vị Tha” của Bồ Tát Đạo, thế kỷ thứ ba, khi Ngài Khương Tăng Hội dịch Kinh Lục Độ Tập từ tiếng Phạn ra tiếng Trung Hoa, lại càng rực rỡ, rộng cao như mặt trời đúng ngọ.

(Lục Độ Tập Kinh có 8 quyền, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập thứ 3, từ trang 1 đến trang 52, từ Bồ Tát Bản Sanh tới Phạm Ma Hoàng Kinh).

Vô Ngã Vị Tha là quên mình vì người, luôn luôn lấy hạnh phúc muôn loài làm hạnh phúc của mình, do đó, từ ngàn xưa mãi tới ngàn sau, hễ là Phật Giáo chân chính thì không bao giờ chịu cúi đầu làm kẻ thừa sai cho bất cứ một tổ chức thế gian nào, nhất là những chính quyền trị dân theo lối Bá đạo. Cũng vì vậy, xưa nay Phật Giáo luôn luôn là nạn nhân của các thế lực phi dân tộc và phản dân tộc, song đồng thời tiếng nói của nạn nhân ấy cũng là tiếng nói bất khuất, trung trinh nhất trong vấn đề “trừ tà phụ chính, trừ bạo an dân” để bao bọc, chở che cho những thành phần thấp cổ bé miệng trong các xã hội áp bức bất công.

Ngược dòng lịch sử chúng ta mới thấy cái mộng xâm lăng nước Việt Nam của kẻ thù truyền kiếp phương bắc – Trung Hoa đã có từ năm 214 trước công nguyên, khi Tần Thỉ Hoàng sai Đồ Thư qua đánh chiếm Bách Việt (Quảng Đông, Quảng Tây và Bắc Việt bây giờ). Mãi đến thế kỷ thứ mười (939) nước ta mới thoát ách đô hộ của Trung Hoa.

Nhưng, từ 1414 đến 1427 nước ta lại bị Bắc Thuộc lần thứ tư. Và, hiện giờ đảng Việt Gian Cọng Sản đang chuẩn bị đem dâng nước Việt Nam cho đảng Cọng Sản Trung Hoa để đổi cái ngai vàng ba cẳng…

Ngoài bốn thời kỳ khổ nạn triền miên của giặc Tàu, người Việt chúng ta lại còn bị cái ách nạn 100 năm của thực dân Pháp và tay sai.

Tuy vậy, nếu so sánh với lối cai trị tàn bạo, vô luân của đảng Việt Gian Cọng Sản từ 1945 tới nay đối với đồng bào ruột thịt của họ, có lẽ hai loại giặc kể trên phải nhường bước.

Bởi vậy, để kế thừa tinh thần Bồ Tát Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất quyết tiếp tục kiên trì nói lên tiếng nói của lương tâm trong tinh thần Bi, Trí, Dũng; nếu phải chết thì chết cho và vì hạnh phúc, tự do, dân chủ, nhân quyền của 85 triệu đồng bào Việt-Nam trong ngoài nước chứ không chịu chết bởi những hành động bạo ác của các tập đoàn bạo ngược phi nhân.

Ôi! Ai gây chi lắm niềm dâu biển? ! Hỏi là trả lời vậy.