XUÂN TRONG Ý THIỀN, THIỀN TRONG THI CA VÀ HỘI HỌA

0
24

Thích Nữ Chơn Như

Xuân về! Hồn nhiên trong veo, giản dị mà kiêu sa đến lạ. Xuân thả cơn gió non mang mầm biếc cho cỏ cây hoa lá tỏa hương sắc. Xuân tặng những đồng lúa mơn mởn vẻ xuân thì, đang đung đưa những gié lúa non ngậm sữa. Chợt nhớ hai câu thơ chữ Hán đã đọc được đâu đó:

Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng tri thu

(Một chiếc lá ngô đồng rụng xuống, đủ để thiên hạ biết mùa thu sắp về).

Ngày xuân ở Việt Nam có mai vàng, dù chỉ một nhánh nhỏ bên hiên cũng đủ khiến thiên hạ rộn ràng. Chỉ cần nhìn một nhánh hoa báo xuân trên tay người, ta sẽ thấy ra một ngày Tết vui nhộn. Cũng như cảm nhận một tình người, dù chỉ từ một bàn tay hành khất, ta sẽ tin được tính thiện vẫn tồn tại trong nhân gian. Ở đâu có từ bi ở đó là thiên đường, ở đâu có tỉnh thức ở đó có thánh hiền, nếu chỉ một cành hoa báo xuân đủ để biết Tết, sao người đời tiếc gì một tín hiệu thiên đường và màu áo hiền thánh cho nhân gian bớt đi những chuyện buồn không đáng có!

Có phải suốt năm qua chúng ta đã bị cuốn trôi theo những lo toan của đời sống hay không? Giờ đây cũng trong cái thời khắc rộn ràng của mùa xuân, chúng ta hãy để lòng mình chìm sâu trong cõi thiền của họa, của thơ… để thấy lòng bỗng reo lên một niềm vui và hạnh phúc.

Giống như Thiền, thơ và hội họa là một phương thức giao tiếp trong tĩnh lặng nhưng lại có thể đánh thức nội tâm của chúng ta.

Thiền trong thơ:

Không biết từ bao giờ trong lịch sử, thiền giả và thi sĩ luôn trở thành đôi bạn tâm giao. Nhà thơ đến với thiền như một sự thăng hoa mỹ cảm, còn thiền giả trong quá trình quán sát nội tâm, họ khám phá những điều tuyệt vời của thế giới chỉ có thể cô đọng trong ngôn ngữ thi ca.

Trong một thi phẩm độc đáo mà tôi từng đọc:

Vương tay níu lấy hư không

Võ vàng giọt nắng bềnh bồng ca sa

(HT Thích Viên Lý)

“Cả một khung trời nắng lộng, nắng từng mảng, nắng từng giọt, từng giọt và từng giọt nhiệm mầu rơi đổ xuống, rơi trên mỗi hiện hữu hoạt hiện không ngừng, rơi trong từng sát na diệt sinh biến dị, rơi với tất cả sự hàm tàng của vũ trụ, thiên hà và rơi trong từng cõi lòng vô ngôn tuyệt nhiên thanh tịnh.

Ồ! Lạ lùng thay, ở đây nắng không còn là tia, là ánh, là vệt, là nguồn, là vũng, là dãi mà lại là giọt, những giọt nắng lung linh, chợt không chợt có, thoắt hiện trong từng hiện hữu nhiệm mầu như là chính sự mầu nhiệm để rồi chỉ trong tơ hào khoảng khắc.

Đầu ngọn cỏ giải thiên hà

Thu phong bến gió ta bà dạo chơi

Mỗi hiện hữu chợt đầy vơi

Nhiệm mu từng giọt nắng rơi hoa cười.

(HT Thích Viên Lý)

Tác giả đã đồng cảm được với nắng, đã bắt một cây cầu tâm linh giữa tâm hồn mình qua vũ trụ với giải thiên hà bao la vô lượng nhưng được thu phối trong đầu ngọn cỏ tí xíu lẻ loi. Lý nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất, tương tức tương nhập, tương sinh tương duyên của tư tưởng Hoa Nghiêm đã được tác giả lồng vào thơ một cách tuyệt diệu linh động và gây hứng thú bất ngờ ở người đọc nhất là động thái níu lấy hư không để rồi võ vàng giọt nắng bềnh bồng ca sa. Tác giả đã không níu lấy cành hoa, giải lụa mà là níu lấy hư không, một động thái siêu ngoài mọi động thái.”

(Trích Một Góc Thế Giới Thi Ca Của Thoại Nguyên)

Bên cạnh đó vẫn có nhiều bài thơ nói lên tinh thần sống hòa nhịp với trời đất, giác ngộ tinh thần vô ngã như thơ bài cú của Basho:

Trên cành cây trơ lá

Một con quạ đậu

Một chiều thu.

Có một cái gì đó vượt qua khỏi khuôn khổ tri giác thông thường trong hình ảnh một chiều thu cô liêu dưới cái nhìn của thiền giả – thi nhân Basho. Một khung cảnh tịch lặng trong cái nhìn tĩnh tại. Hãy nương theo cái nhìn ấy để nhìn sâu vào tâm hồn ta. Trong khoảng tĩnh lặng ấy, một ý niệm khởi lên rồi trôi dài theo khoảnh khắc cơ hồ như vô tận, không chỗ bám víu, không nơi nương tựa. Cành trơ lá, quạ đứng lặng. Chỉ vừa động niệm trước mắt, ta lại thấy ta giữa đất trời, ta lại cảm nhận được niệm hơi thở của mình giữa dòng thời gian.

Thế nhân

Oằn oại quay cuồng

Hoa nở theo mùa.

(Issa)

Hoa nở điềm nhiên, lặng lẽ tỏa hương khoe sắc, vô ưu vô phiền. Thế nhân buồn vui không dứt với bao toan tính thiệt hơn. Mỗi nụ hoa nở hé mở biết bao điều về cuộc sống. Cùng tồn tại giữa đất trời, con người quay cuồng, hoa nở vô tư.

Thiền trong hội họa:

Bức “Ngồi dưới bóng cây” của Wu Wei

(TK XV-XVI)

Hãy ngồi xuống, cảm nhận và chiêm nghiệm về sự tịch lặng.

Hành giả ngồi đó trong khung cảnh tịch lặng. Cây cỏ, núi đá, sông nước, mây trời…, cả vũ trụ trước mắt chìm trong cõi tịch lặng. Thực chất, tịch lặng không có nghĩa là bất động một cách tuyệt đối.

Bên trong cái vẻ bề ngoài gồ ghề và chai sần của một thân cây, hàng triệu tế bào đang vận hành theo chức năng của chúng. Bên dưới bề mặt bình lặng của một hồ nước, vô số vi sinh vật đang vận động để tồn tại. Ngay cả bên trong của thân thể hành giả, tim vẫn đập, máu vẫn chảy, hàng tỷ tế bào vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động sống.

Xét ở phạm vi tế bào hay vi tế hơn ở phạm vi các hạt vật chất cơ bản, mọi sự vật đều vận hành theo chức năng của chúng. Tuy nhiên, để chứng nghiệm bản chất sâu xa của sự sống, chúng ta nên đặt mình trong tư thế ngồi vững chãi và tĩnh tại. Khi tĩnh tọa, con người dễ dàng cảm nhận được mối tương giao giữa bản ngã và vạn vật chung quanh hơn cả. Đức Phật và chư tổ Thiền tông đã từng giác ngộ lẽ giải thoát trong tư thế ấy. Điều phục thân, khẩu, ý trong tư thế tĩnh tọa, hành giả hòa mình vào bản thể của vũ trụ, mở rộng lòng để nhận dòng sinh lực của cuộc sống đang lưu chuyển qua dòng tuệ giác thường hằng nơi mình.

Trong cảnh giới ấy, bao hình tướng, sắc thái, âm thanh, hương vị,… của thế giới hiện tại hòa quyện vào nhau, hợp thành bức tranh cảnh vật. Núi non, sông nước, cỏ cây, mây trời… cả vũ trụ pháp giới hiện ra trong tâm của hành giả. Khi khởi ý phân biệt, tâm ấy là bản năng của con người, bằng năng lực nhận thức, con người sáng tạo hình ảnh thế giới và bản ngã trong tâm mình. Cổ đức có nói rằng kẻ đạt đạo là chân nhân, là người “vào rừng không khua lá, vào nước chẳng quậy sóng” ( Nhập lâm bất động thảo, nhập thủy bất lập ba).

Nghệ thuật là môi trường có khả năng truyền tải những cảm nghiệm nằm ngoài giới hạn ngôn từ, là môi trường của hoạt động sáng tạo. Các họa phẩm thiền đòi hỏi người xem phải biết cảm nhận và chiêm nghiệm, chúng mời gọi những tâm hồn đồng cảm bước vào môi trường sáng tạo và phát huy năng lực nhận thức.

Thiên nhiên là nghệ sĩ vĩ đại và thi nhân là người có tâm hồn mẫn cảm và biết cách thưởng thức, những gì thi nhân từ chối thể hiện bằng lời, chúng ta phải tự mình cảm nghiệm từ những khoảng thinh lặng vô ngôn.

TN CHƠN NHƯ