QUÁN VỀ TÁC, TÁC GIẢ

0
53

QUÁN VỀ TÁC, TÁC GIẢ

bồ tát long thọ

Tạo luận: LONG THỌ (Nagarjuna)
Thích luận: THANH MỤC (Pingalanettra)
Hán dịch: CƯU MA LA THẬP (Kumarajèva)
Việt dịch: THÍCH THIỆN HẠNH

QUÁN VỀ TÁC, TÁC GIẢ
(12 bài kệ)

HỎI: Hiện có tác nghiệp (hành động tạo tác), tác giả (người tạo tác), sử dụng pháp tạo tác (ba nghiệp), ba yếu tố căn bản này hòa hợp lại mà thành quả báo. Vậy thì nên chăng có tác giả và tác nghiệp?

ĐÁP: Từ trước đến nay, ở trong nhiều Phẩm đã được trình bày, mục đích chỉ để phá bỏ tất cả các pháp, không chừa pháp nào. Như phá ba tướng đều là không, nên không có hữu vi. Hữu vi không có, nên cũng không có vô vi. Hữu vi, vô vi đều không, cho nên tất cả các pháp đều không tất cả.

Vậy thì, tác nghiệp và tác giả mà ông nêu ra, nếu là thuộc hữu vi, thì trong hữu vi đã phá rồi; nếu là thuộc vô vi, thì trong vô vi cũng đã phá bỏ rồi. Vậy ông nên thôi đi, chớ hỏi nữa. Tâm ông chấp đắm đã quá sâu! Nếu muốn hỏi nữa, thì tôi lại nói tiếp:
1.
Quyết định hữu tác giả
Bất tác quyết định nghiệp
Quyết định vô tác giả
Bất tác vô định nghiệp
***
(Quyết định có tác giả
Không làm quyết định nghiệp
Quyết định không tác giả
Không làm nghiệp không (quyết) định)

Nếu trước đã quyết định có tác giả, tức là quyết định có tác nghiệp, thời không có tạo tác. Nếu trước đã quyết định không có tác giả, tức đã quyết định không có tác nghiệp, thời cũng không có tạo tác. Vì sao vậy?

2.
Quyết định nghiệp vô tác
Thị nghiệp vô tác giả
Định tác giả vô tác
Tác giả diệc vô nghiệp
***
(Quyết định nghiệp vô tung
Nghiệp ấy không tác giả
Tác giả không tạo tác
Tác giả cũng không nghiệp)

Nếu trước đã quyết định có tác nghiệp thì không nên lại có tác giả. Lại nữa, lìa ngoài tác giả, vẫn có tác nghiệp. Như vậy là không đúng. Nếu trước quyết định có tác giả, thì không nên lại có tác nghiệp.

Lại nữa, nếu lìa ngoài tác nghiệp, vẫn có tác giả. Vậy thì việc ấy không đúng. Cho nên quyết định tác giả, quyết định tác nghiệp không thể có tạo tác.

Trước không quyết định có tác giả, không quyết định có tác nghiệp, cũng không thể có tạo tác. Vì sao? Vì xưa nay vốn không có. Có tác giả, có tác nghiệp, còn không thể có tạo tác. Huống nữa không có tác giả, không có tác nghiệp. Lại nữa,

3.
Nhược định hữu tác giả
Diệc định hữu tác nghiệp
Tác giả cập tác nghiệp
Tức đọa ư vô nhân
***
(Quyết định có tác giả
Cũng quyết có tác nghiệp
Tác giả và tác nghiệp
Tức rơi vào vô nhân)

Nếu trước quyết định có tác giả, quyết định có tác nghiệp, ông cho là tác giả có tạo tác, thế là pháp không có nhân duyên. Ngoài tác nghiệp có tác giả. Ngoài tác giả có tác nghiệp, thế là pháp không từ nhân duyên mà có.
HỎI: Nếu pháp không từ nhân duyên mà có tác giả, có tác nghiệp, thì có lỗi gì?
ĐÁP:

4.
Nhược đọa ư vô nhân
Tức vô nhân vô quả
Vô tác vô tác giả
Vô sở dụng tác pháp
***
(Nếu rơi vào vô nhân
Thời không nhân không quả
Không tạo tác, tác giả
Không pháp dùng tạo tác)

5.
Nhược vô tác đẳng pháp
Tắc vô hữu tội phước
Tội phước đẳng vô cố
Tội phước báo diệc vô
***
(Nếu không pháp tạo tác…
Thời không có tội phước
Tội phước… đã không có
Tội phước báo cũng không)

6.
Nhược vô tội phước báo
Diệc vô hữu Niết bàn
Chư khả hữu sở tác
Giai không vô hữu quả
***
(Nếu không tội phước báo

Cũng không có Niết Bàn
Có bao nhiêu tạo tác
Đều không, không có quả)

Nếu rơi vào chốn không có nhân duyên, thì tất cả các pháp không có nhân, không có quả. Pháp năng sanh gọi là nhân, pháp được sanh gọi là quả. Vậy cả hai pháp là không. Hai pháp không cho nên hai pháp không có tạo tác, không có tác giả, cũng không có pháp sử dụng tạo tác. Cũng không có tội phước. Tội phước không có. Tội phước không có cho nên cũng không có tội phước quả báo và con đường Niết bàn. Bởi thế cho nên không được từ không nhân duyên mà sanh.

HỎI: Nếu tác giả, không nhất định có, mà tạo tác bất định nghiệp có, thì có lỗi gì?
ĐÁP: Một sự việc không thật có, còn không thể có khả năng sanh khởi tác nghiệp, huống là hai việc là tác giả và tác nghiệp đều không thật có. Ví dụ như người biến hóa dùng hư không làm nhà ở, chỉ có trên ngôn thuyết mà cũng không có tác giả, tác nghiệp.

HỎI: Nếu không có tác giả, không có tác nghiệp, thì không có khả năng làm được việc gì. Nay có tác giả, có tác nghiệp, thì có thể tạo tác được gì?
ĐÁP:

7.
Tác giả định bất định
Bất năng tác nhị nghiệp
Hữu vô tướng vi cố
Nhất xứ tắc vô nhị
***
(Tác giả định (có thật) không định
(không thật)
Không tạo tác hai nghiệp
Hữu, vô tướng trái nhau
Nơi một chỗ (tác giả) không hai
(hữu, vô)

Tác giả định (có thật), không định (không có thật), không thể tạo tác, định và bất định nghiệp. Vì sao vậy? Vì, có và không có trái nhau. Nơi một chỗ (là tác giả), không thể có hai (hữu và vô).
Hữu là quyết định, vô là không quyết định. Mỗi người một việc, làm sao có, có và không?
Lại nữa,

8.
Hữu bất năng tác vô
Vô bất năng tác hữu
Nhược hữu tác tác giả
Kỳ quá như tiên thuyết.
***
(Có, không thể làm không
Không, không thể làm có
Nếu có làm và người làm
Lỗi ấy như trước nói)

Nếu có tác giả mà không có tác nghiệp, thì đâu làm được gì. Nếu không có tác giả mà có tác nghiệp, thì cũng không thể làm được gì. Vì sao? Vì như trước đã nói. Có tác giả, nhưng nếu trước đã có tác nghiệp, thì tác giả lại còn làm được gì. Nếu trước không có tác nghiệp, thì làm sao có thể tạo tác được. Như vậy là phá tội phước, nhân duyên quả báo. Cho nên, trong bài kệ nói: Có tác giả, không thể làm được gì. Nếu có tác nghiệp, không có tác giả, không thể làm được gì. Nếu đã có tác nghiệp và tác giả thì lỗi ấy như trước đây đã nói.
Lại nữa,

9.
Tác giả bất tác định
Diệc bất tác bất định
Cập định bất định nghiệp
Kỳ quá như tiên thuyết
***
(Tác giả không tạo định
Cũng không tạo bất định
Và định bất định nghiệp
Lỗi ấy như trước nói)

Định nghiệp đã phá, bất định nghiệp cũng đã phá, định bất định nghiệp cũng đã phá. Nay muốn trong cùng một lúc tổng phá hết, cho nên nói kệ. Thế nên, tác giả không thể làm ba loại nghiệp. Nay ba loại tác giả cũng không thể tạo nghiệp. Vì sao vậy?

10.
Tác giả định bất định
Diệc định diệc bất định
Bất năng tác ư nghiệp
Kỳ quá như tiên thuyết.
***
(Tác giả quyết không quyết
Cũng định cũng không định
Không thể tạo tác nghiệp
Lỗi ấy đã nói trước)

Tác giả quyết định có, không quyết định có. Cũng quyết định, cũng không quyết định có. Cũng không thể tạo tác nghiệp. Vì sao? Vì như trước đây, ba loại lỗi lầm về nhân duyên. Trong đây sẽ nói rộng thêm. Như vậy, trong khắp mọi nơi, đều truy tìm về tác giả, tác nghiệp đều không có được.

HỎI: Nếu nói không có tạo tác, không có tác giả, thời lại rơi vào không nhân duyên?
ĐÁP: Nghiệp ấy từ các nhân duyên mà sanh khởi. Không như lời ông nói. Vì sao?

11.
Nhân nghiệp có tác giả
Nhân tác giả có nghiệp
Thành nghiệp nghĩa như thị
Cánh vô hữu ư sự
***
(Nhân nghiệp có tác giả
Nhân tác giả có nghiệp
Thành nghiệp nghĩa như vậy
Không có việc gì khác)

Nghiệp trước không có tánh quyết định, nhân người ta khởi tâm tạo nghiệp, nhân nghiệp mà có tác giả. Tác giả cũng không có tánh quyết định. Nhân có tác nghiệp mà có tác giả. Hai việc này hòa hợp lại mà thành tạo tác và tác giả.

Nếu từ hòa hợp mà sanh, thì không có tự tánh. Không có tự tánh, cho nên “không”. Không thời không sanh, chỉ tùy theo phàm phu ức tưởng phân biệt rồi nói có tác nghiệp, có tác giả.
Trong đệ nhất nghĩa, không có tác giả.
Lại nữa,

12.
Như phá tác tác giả
Thọ, thọ giả, diệc nhĩ
Cập nhất thiết chư pháp
Diệc ưng như thị phá
***
(Phá tác nghiệp tác giả
Thọ, lãnh thọ cũng vậy
Và hết thảy các pháp
Cũng nên như vậy phá)

Giống như tác nghiệp và tác giả, không được cách ly nhau. Không cách ly nên không quyết định. Không quyết định nên không có tự tánh. Lãnh thọ và người lãnh thọ cũng như vậy.
Thọ là thân năm uẩn, người lãnh thọ là người. Như vậy, ly người, không có năm uẩn, ly năm uẩn không có người. Chỉ từ nhân duyên mà sanh. Như lãnh thọ và người lãnh thọ. Còn các pháp khác, cũng nên như vậy để phá bỏ.