GIỚI THIỆU SÁCH PHẬT GIÁO VÀ THIÊN NHIÊN CỦA HT THÍCH VIÊN LÝ_Ấn Pháp

Trong cuốn sách này, HT. Thích Viên Lý đã cho chúng ta thấy “ một thế giới đang bị thương” khi nêu ra những thực trạng đáng đau lòng của đất mẹ. Đó đều là những tình trạng báo động của toàn cầu như việc khai thác, tàn phá rừng, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm tiếng ồn, biến đổi khí hậu,…

0
163

GIỚI THIỆU SÁCH PHẬT GIÁO VÀ THIÊN NHIÊN CỦA HT THÍCH VIÊN LÝ

       Con người được cho là sinh vật bậc cao nhất vì ở con người có những đặt tính ưu việt hơn tất cả những loài vật khác, nhưng Phật Giáo lại không cho con người là độc tôn, vì còn có những chúng sanh hữu tình và vô tình khác tồn tại trong một thể thống nhất giữa thế giới và nhân sinh. Vì thế, không có con người là kẻ thù của con người, cho đến loài vật, cây cỏ cũng vậy mà tất cả đều hỗ tương qua lại lẫn nhau. Đây cũng là điều mà HT. Thích Viên Lý muốn chúng ta hướng đến trong cuốn sách “ Phật Giáo và thiên nhiên” của mình.

Đức Phật từ một con người mà thành Bậc Đại Giác Ngộ, đó là một điều không thể phủ nhận. Nhưng những quan điểm của Bậc vĩ nhân ấy về sự hình thành và hoại diệt của vũ trụ đã tồn tại xuyên suốt không gian và thời gian để đến ngày nay, khoa học cũng phải ngã mũ thán phục trước những tư tưởng của Ngài. Xuất phát từ những nhận định về tương quan trong và ngoài con người, bằng phương pháp duyên khởi để tìm hiểu, Ngài đã đặt con người trước tâm địa của chính mình và đặt con người trong tương quan với đồng loại, với môi trường sống. Nhưng có lẽ con người đã nhận thức sai lầm về vai trò của mình đối với môi trường sống ấy, con người ngày nay đang dần có thiên hướng chi phối và lạm dụng những gì thiên nhiên đã ban cho mình để nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây cũng là một vấn đề nan giải khi đi đôi với sự phát triển của xã hội là sự thoái hóa trầm trọng của thiên nhiên.

“ Phật Giáo và thiên nhiên”- một tựa sách đáng để suy ngẫm. Có thể khi nhìn thấy cái tên này, chúng ta sẽ liên tưởng đến một khung cảnh yên bình ở một Thiền Viện nào đó, nhưng khi bước vào từng trang sách thì nó lại đối lặp hoàn toàn với những gì chúng ta nghĩ. Trong cuốn sách này, HT. Thích Viên Lý đã cho chúng ta thấy “ một thế giới đang bị thương” khi nêu ra những thực trạng đáng đau lòng của đất mẹ. Đó đều là những tình trạng báo động của toàn cầu như việc khai thác, tàn phá rừng, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm tiếng ồn, biến đổi khí hậu,… Ngài không dừng lại ở việc nêu ra vấn đề mà còn đi sâu phân tích vào những khía cạnh một cách cụ thể và rõ ràng bằng những số liệu chi tiết và hình ảnh sinh động về thực trạng, nguyên nhân và những hậu quả của nó để giúp chúng ta nhận thức được lời Ngài đã nói trong tác phẩm của mình: “ đi ngược với sự phát triển kinh tế, ngày nay cả thế giới đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và mầm móng của sự hủy diệt.” Bên cạnh đó, Ngài đã cho chúng ta thấy cách nhìn của Phật Giáo với vấn đề chung của thế giới, từ vấn đề về “ hạch tâm” và những tổn thương ở quá khứ và hiện tại cho đến những vấn đề ô nhiễm, biến đổi của thiên nhiên, Phật Giáo không phải là một Tôn giáo tách biệt với xã hội và tìm những sự an bình tự thân mà ngược lại đó là một Tôn Giáo nhập thế để chia sẻ nỗi khổ, niềm đau với nhân loại và đưa ra hướng giải quyết bằng sự Thiền quán và tỉnh thức cùng với những giáo lý từ bi và trí tuệ của Đức Phật, mà một số hoạt động đáng chú ý như “Tăng-Già Trọng-Sinh-Thái” (Ecocentric Sangha), với tôn chỉ như là một “cộng đồng quốc tế” gồm những thành viên cùng nhau thực hành lối sống chú trọng vào những nguyên tắc bảo tồn môi trường sinh thái phù hợp với Phật Pháp hay sáng kiến thọ giới cho cây để chúng khỏi bị đốn của các Tăng sĩ Thái Lan đang góp phần nâng cao ý thức hệ của mọi người đối với thiên nhiên.

Trong cuốn sách này, Ngài đã cho chúng ta thấy được một cách nhìn mới của một Tăng sĩ Phật Giáo đối với những vấn đề chung của nhân loại, xuyên suốt những nghiên cứu của mình về những thực trạng thiên nhiên, Ngài luôn lồng ghép những kiến thức Phật học trải dài cả trong Kinh-Luật-Luận vào bài viết. Nếu Tu sĩ đọc sách thì ngoài việc trau dồi thêm kiến thức Phật học thì các vị ấy sẽ biết được những vấn đề cấp bách của cuộc sống, còn với cư sĩ Phật tử, khi đến với cuốn sách này, các vị ấy sẽ nhận thức lại cuộc sống của mình và cũng tiếp xúc được với những Giáo lý của Đức Phật. Chính điều này đã làm nên sự thành công, sự đặc biệt và khác biệt cho cho cuốn sách, điều này cũng góp phần mang Giáo lý Phật đà tiến gần hơn với đời sống xã hội, để cho mọi người thấy rằng Phật Giáo đã, đang và sẽ đồng hành cùng những thăng trầm của cuộc sống.

Qua cuốn sách “Phật Giáo và thiên nhiên”, chúng ta đã thấy được một tư duy siêu việt ở một bậc trưởng thượng trong cả nội điển lẫn ngoại sự cũng giống như tinh thần “nhập thế” của Phật Giáo thời Lý-Trần. Ý thức được mối tương quan giữa thế giới và nhân sinh, chúng ta không đổ thừa khổ đau, thất bại hôm nay mà ngược lại, qua những khổ đau ấy, ta có một phần trách nhiệm, nên phải nghiêng vai gánh vác, sẻ chia với đồng loại để cho cuộc sống được cải thiện tốt đẹp hơn, cũng là ta làm cho tự thân và tha nhân trong đời này và đời sau, vì luật duyên sinh không chấm dứt ở đây.