Diễn văn Khai mạc của HT. Thích Viên Lý – Chủ tịch HĐĐH Tăng Đoàn Hải Ngoại

0
755

DIỄN VĂN KHAI MẠC

HỘI NGHỊ TĂNG ĐOÀN GHPGVNTN HẢI NGOẠI

của Hoà thượng Thích Viên Lý, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành

Tăng Đoàn GHPGVNTN/HN

HT. Thích Viên Lý đọc diễn văn khai mac Hội nghị
HT. Thích Viên Lý đọc diễn văn khai mac Hội nghị

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn đức Trưởng lão Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni,

Kính thưa quý Thiện hữu tri thức, quý anh chị Huynh trưởng, quý Đạo hữu,

Trước hết, chúng con/tôi xin bày tỏ lòng tri ân chân thành đến chư Tôn đức Trưởng lão Hoà thượng, chư Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni và quý Đại biểu đã vì đại cuộc mà chấn tích quang lâm chứng minh và tham dự Hội Nghị của Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại.

Kính bạch quý Ngài,

Kính thưa chư liệt vị,

Dân tộc và thế giới nhân loại đang đối diện với quá nhiều vấn nạn lớn, từ việc ô nhiễm môi sinh, hiệu ứng nhà kính đến vấn đề khủng bố, chiến tranh, bạo lực học đường – gia đình, phân biệt chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, xung đột ý thức hệ, phái tính, độc tài, bất công, hố ngăn cách giữa giàu và nghèo, suy thoái kinh tế, khủng hoảng đạo đức, tệ nạn xã hội, thiên tai, nhân hoạ v.v…

Riêng về bản thân Phật giáo Việt Nam, là những người con Phật, ai trong chúng ta cũng ý thức rõ, do những tác động ngoại tại và những quyết định thiếu bi – trí của một ít người có trách nhiệm, Phật Giáo Việt Nam đã và đang trong trình trạng phân hoá, bất bao dung và dẫn đến tình trạng suy liệt nghiêm trọng. Đây là một bất hạnh lớn của Phật giáo Việt Nam và điều bất hạnh này đã xói mòn đáng kể niềm tin và kỳ vọng mà quần chúng đã dành cho Đạo Phật của chúng ta; tuy nhiên nỗi bất hạnh này cũng chính là nhân tố chủ yếu giúp chúng ta tỉnh thức.

Hoà cùng tâm cảm của những người thật sự quan tâm cho tình cảnh khá thương tâm của Phật Giáo Việt Nam hiện nay, Tăng Đoàn đã quyết định tổ chức Hội Nghị này với mục đích là nhằm giúp cho chúng ta có dịp ngồi lại với nhau trên căn bản của tinh thần bình đẳng, vô ngã và lục hoà nhằm kế thừa xứng đáng di sản vô giá mà chư Tổ và những bậc tiền bối hữu công đã dày công gầy dựng và để lại.

Về dự Hội Nghị hôm nay không chỉ có chư Tôn đức trưởng lão Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni thuộc nhiều Tông môn, Pháp phái mà còn có nhiều phái đoàn đại diện tiêu biểu cho tinh hoa của các tổ chức, đoàn thể Phật giáo. Chư vị đã mang tâm huyết, tinh tuý, thao thức, kinh nghiệm, và ước vọng của mình về đây để cùng nhau tái kiến tạo uy tín của một tôn giáo lớn được cả thế giới tôn kính như là biểu tượng của hoà bình, từ bi và trí tuệ.

Chúng ta đến với nhau từ nhiều Tự viện, đoàn thể, tổ chức khác nhau, rất có thể khác nhau trên cả cách nhìn, quan điểm và phương pháp phụng sự, nhưng chúng ta đang đứng chung với nhau trên cùng một giới tuyến – giới tuyến của thách đố và hy vọng. Giới tuyến của bản nguyện vị tha và giải thoát, giác ngộ.

Đã không ít người quan ngại về sự diệt vong của Phật Giáo Việt Nam vì nhiều lý do, tuy nhiên, không có bất kỳ lý do nào khiến chúng ta phải lo sợ ngoại trừ lý do duy nhất là chúng ta không tích cực dấn thân cho và vì một Đạo Phật mà chúng ta tin là tuyệt đối đúng.

Hội nghị đang lắng nghe Diễn văn Khai mạc

Kính bạch quý ngài,

Kính thưa chư liệt vị,

Để Phật giáo thật sự vững mạnh, chúng ta phải can đảm phá huỷ mọi bức tường ngăn cách. Chúng ta không thể tiếp tục tự đóng khung trong những tổ chức riêng lẻ và tiếp tục đào sâu hố ngăn cách qua việc nghi kỵ, hiểu lầm, xuyên tạc, chỉ trích, chống đối lẫn nhau hoặc để cho những con buôn chính trị lợi dụng như một công cụ cho quyền lợi phe nhóm, bá đạo.

Trước nhu cầu tâm linh của quảng đại quần chúng nhất là trước xu thế toàn cầu hoá và những thay đổi nhanh chóng của thế giới, chúng ta phải nỗ lực cải thiện hệ thống Hành chánh, hiện đại hoá phương pháp Hoằng pháp, đa dạng hoá công tác Xã hội, khai dụng đúng mức kỹ nghệ tin học và phương tiện Truyền thông đại chúng, nâng đỡ, hỗ trợ Giới trẻ, đặc biệt làTổ chức GĐPT, đào tạo Tăng tài, cập nhật hoá bộ môn Nghi lễ, canh tân nền Giáo dục, bảo lưu giá trị truyền thống Văn hoá đặc thù, cải tổ mối Quan hệ đối tác đa phương, củng cố đức tin và tài bồi kiến giải cho mọi giới Phật tử; trang bị hành trang, phát huy trữ lượng chất xám và nội lực tổng hợp của hàng Cư sĩ để mang đạo vào đời và cách tân nhiều lãnh vực khác có liên quan đến sự sống còn và phát triển của Phật giáo giữa một xã hội dân chủ đa nguyên và mở rộng như Hoa Kỳ, đồng thời bảo vệ giá trị truyền thống đặc hữu hơn 2000 năm lịch sử Phật giáo tại quốc nội. Chúng ta cần phối trí nguồn nhân lực hợp lý nhằm góp phần tái kiến lập trật tự xã hội bằng năng lực từ bi qua chương trình hành hoạt ngắn hạn, trung hạn và dài hạn một cách khả thể, thù ứng và hữu hiệu. Nếu không đáp ứng thoả đáng những nan đề lớn của thời đại, chúng ta sẽ phải đối phó với nhiều biến chứng phức tạp đầy bất trắc. Thế giới ngày nay dù đang trên chiều hướng phát triển, nhưng đời sống của con người chưa thật sự hạnh phúc, an lạc. Bạo động, bất an, sợ hãi có mặt khắp nơi là một thực tế nổi cộm không thể phủ bác, thực tế này đã cho thấy, nhu cầu giải thoát khổ đau nặng hơn cán cân mậu dịch kinh tế và sức mạnh quân sự, chính trị.

Kính bạch quý ngài,

Kính thưa chư liệt vị,

Sự khác biệt về Hoạt dụng, về giá trị đạo đức, kể cả về thọ dụng và lộ trình thành tựu cứu cánh chỉ là phương tiện. Tăng Đoàn không là một thực tại cá biệt mà đích thực là một tổng thể năng động và dung hợp.

Tứ Pháp Giới, đặc biệt “Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới” trong văn hệ tư tưởng triết học Hoa Nghiêm vừa là nguyên tắc chỉ đạo nhưng đồng lúc cũng vừa là quy cách và triết lý sống vô giá đang là kim chỉ nam của Tăng Đoàn trong nỗ lực chu toàn viên mãn mọi trọng trách trước lịch sử.

Lý tương tức, tương tại, tương dung, tương nhiếp là mô thức và lý tưởng mà Tăng Đoàn đã và đang hướng đến. Tổng tướng bao hàm mọi Biệt tướng nhưng mỗi một Biệt tướng không tự đánh mất chính mình trong Tổng tướng. Ứng dụng trọng tâm tư tưởng “Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới”, các tổ chức Phật giáo chắc chắn sẽ không chỉ dung thông vô ngại mà còn hỗ trợ cho nhau để cùng nhau sinh tồn và thăng tiến.

Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại lấy giải thoát, giác ngộ làm cứu cánh; lấy từ bi, trí tuệ làm phương tiện; chọn dân tộc, nhân loại, chúng sanh và đạo pháp làm đối tượng phục vụ. “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh” là Tôn chỉ tối thượng của Tăng Đoàn. Tăng Đoàn không chủ trương thống lãnh và đồng hoá mà chủ trương phục vụ và dung hoà. Liên hợp, tương trợ, tương tác với các tổ chức Phật giáo chân chính để cùng tương tồn và phát triển trên căn bản bình đẳng, vô ngã và Lục Hoà là tâm nguyện và bản thệ của Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại”.

Sự hiện diện của chư liệt vị hôm nay trong Hội Nghị này là một minh xác hùng hồn làm trỗi dậy ước vọng thiết yếu khả tính giác ngộ, nhằm chấm dứt những tác động phe nhóm tiêu cực bao gồm cả quan điểm nhận thức và khuynh hướng hành động… và mở ra một quang lộ mới hầu giúp cho Phật Giáo Việt Nam của chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của thương yêu, hợp tác, tương kính, tương dung, tương nhiếp và tương tại.

Dưới ánh hào quang của chư Phật và sự soi đường bởi ngọn đuốc của Bồ tát Thích Quảng Đức, bằng vào ý lực kim cương bất hoại và sự tin tưởng về một triển vọng tươi sáng của đạo pháp và dân tộc, xin tất cả chúng ta hãy cùng tuyên bố Khai mạc Hội Nghị Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại.

Xin trân trọng cảm ơn và kính chào chư liệt vị.