Đoá Hoa Ưu Đàm | HT Thích Quảng Long – Tổng Vụ Giáo Dục

trong tất cả chúng sanh, ai cũng sẽ có thành quả giải thoát giác ngộ là một điều chắc chắn là một lẽ thật mà chúng ta đều được thừa hưởng. Bởi vì nguyên lý giác ngộ bình đẳng đối với mọi chúng sanh nhưng con đường đi tới Bảo Sở ấy rất tùy thuộc vào sự hạ thủ công phu của mỗi hành giả. Bởi vì chúng ta mỗi người mang trong mình một đóa hoa bất diệt. Chính đóa hoa ấy đã nở ra tại vườn Lâm Tỳ Ni trên 2,500 năm trước mở ra một kỷ nguyên sáng lạng huy hoàng mà chúng ta đầy đủ duyên lành gặp được. Đóa hoa ưu đàm đã nở đón chào Đức Thế Tôn và Ngài đã thành tựu, còn đóa hoa ưu đàm sẽ nở trong tất cả chúng sanh trong tương lai và từng bước chúng ta trở về thể nghiệm với đóa hoa bất diệt ngay trong tâm của chính mình vậy.

0
730

ĐÓA HOA ƯU ĐÀM

Thích Quảng Long | Phó Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành

Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại

Trong văn học Phật giáo khi đề cập thuật ngữ “hoa ưu đàm”, chúng ta liên tưởng đến ý nghĩa của một loài hoa biểu trưng cho sự thánh thiện. Mấy vạn năm loài hoa này mới hiển hiện trên cuộc đời, có thể nói rằng khi có bậc Thánh xuất hiện thì dòng sông sẽ trong hơn và cây cối xanh tươi hơn. Điều này là một sự kiện đánh dấu khi Sidhatha (Tất Đạt Đa) giáng trần tại Lumbini (Lâm Tỳ Ni) trên 25 thế kỷ trước.

Không phải ngẫu nhiên Thái tử Tất Đạt Đa giáng trần trong hoàng cung Ca Tỳ La Vệ mà chúng ta phải nhìn dưới lăng kính tinh thần Phật giáo Đại thừa thì Đức Phật Thích Ca đã thành Phật trong quá khứ trải qua hằng hà sa số kiếp rồi.

Trong Kinh Pháp Hoa phẩm Như Lai Thọ Lượng ta hãy nghe Đức Phật thuyết: “Này Thiện nam tử! Thiệt Ta thành Phật nhẫn lại đây, đã vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức na-do-tha A-tăng-kỳ cõi Tam thiên Đại thiên, giả sử có người nghiền làm vi trần qua phương đông, cách năm trăm nghìn muôn ức na-do-tha A-tăng-kỳ cõi nước, bèn rơi một bụi trần, đi qua phía đông như thế cho đến hết vi trần đó. Các thế giới đó vô lượng vô biên, chẳng phải tính được, đếm được, cũng chẳng phải tâm lực biết đến được. Dùng trí tuệ Vô lậu của hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát cũng không thể biết được hạng số đó.”

Qua đoạn kinh văn trên, chúng ta cần nhìn Đức Phật qua ba Thân: Pháp Thân, Báo Thân và Ứng Hóa Thân. Nhận thức sâu sắc như thế thì Đức Phật Đản sanh tại Lâm Tỳ Ni – đó là Ngài thị hiện trong thân Ứng Hóa và Ngài thành Đạo dưới Cội Bồ Đề thành Già Da, Chuyển Pháp Luân ở Lộc Uyển và Nhập Niết Bàn nơi thành Câu Thi Na.

Ứng Hóa Thân Phật nhằm tùy thuận chúng sanh, nên chúng ta thấy có Đức Phật lịch sử và Ngài thị hiện các tướng để chúng sanh nương nơi tướng ấy phát tâm tu tập. Tuy nhiên chúng ta thường hay dựa vào các pháp tướng và thường hay giải đãi quên mất bổn tâm. Ta hãy nghe một đoạn kinh văn khác: “Ta xưa tu hành đạo Bồ tát, cảm thành thọ mạng nay vẫn chưa hết, lại còn hơn số trên, nhưng nay chẳng phải thiệt diệt độ, mà bèn xướng nói sẽ diệt độ. Đức Như Lai dùng phương tiện đó giáo hóa chúng sanh.”

Những ý nghĩa trên, nếu chúng ta nhìn bằng cái nhìn thiền quán sẽ cảm nhận hoa Ưu Đàm đến ngày nay vẫn còn chứ chưa hề mất. Trên bình diện hình thức thì hoa Ưu Đàm không còn nữa nhưng ý nghĩa sâu xa của nó thì đó là loại hoa Bất diệt như những gì Đức Phật chỉ dạy “Hoa Đàm tuy rụng vẫn còn hương, Ngào ngạt bốn phương ngàn nhạc trổi

Nếu Đức Thế Tôn không khéo léo dùng phương tiện ấy hóa độ chúng sanh thì chúng sanh vẫn mãi vui đùa cùng thú vui ngũ dục, đam mê các dục lạc và giải đãi trong việc thăng hoa đời sống thánh thiện của mình. Đức Phật dạy nếu Ngài trụ thế lâu nơi đời thì chúng ta sẽ không chịu tu vì do phước mỏng nghiệp dày, không trồng cội lành, nghèo cùng hèn hạ, ham ưa năm món dục, sa vào trong lưới nhớ tưởng vọng kiến. Nếu thấy Đức Như Lai thường còn chẳng mất, bèn sanh lòng buông lung nhàm trễ. Đức Phật là một bậc Thầy tâm lý vĩ đại mà chưa có bậc Thầy vĩ đại nào sánh bằng. Nên Ngài phương tiện nói rằng: “Các Đức Phật ra đời khó có thể gặp gỡ.”

Nhìn bằng cặp mắt của kẻ vô văn phàm phu thì quả thật không thấu hiểu được hết ý nghĩa của các bậc Chân Nhân và bậc Thánh. Và vì vậy để hiểu rõ thông điệp Đức Phật đã dạy cho tất cả chúng sanh, chúng ta cần phải thực hành tam vô lậu học và từ đó có cái nhìn bằng tuệ giác. Chính ánh sáng giác ngộ ấy chỉ cho chúng ta một con đường tâm linh hướng thượng mà Đức Phật đã khai mở. Muốn trải nghiệm con đường giác ngộ ấy hành giả cần phải thể nghiệm trong công phu tu tập và tư duy thực tập ba bước Giới Định Tuệ. Từ bước đầu tam học Văn Tư Tu một cách nhuần nhuyễn chắc chắn hành giả tiến đến con đường giải thoát bằng tuệ giác với hành trang tam vô lậu học Giới Định Tuệ được căn cứ trên nguyên lý Nhân Quả là một điều khả thi cho tất cả mọi người.

Tóm lại, trong tất cả chúng sanh, ai cũng sẽ có thành quả giải thoát giác ngộ là một điều chắc chắn là một lẽ thật mà chúng ta đều được thừa hưởng. Bởi vì nguyên lý giác ngộ bình đẳng đối với mọi chúng sanh nhưng con đường đi tới Bảo Sở ấy rất tùy thuộc vào sự hạ thủ công phu của mỗi hành giả. Bởi vì chúng ta mỗi người mang trong mình một đóa hoa bất diệt. Chính đóa hoa ấy đã nở ra tại vườn Lâm Tỳ Ni trên 2,500 năm trước mở ra một kỷ nguyên sáng lạng huy hoàng mà chúng ta đầy đủ duyên lành gặp được. Đóa hoa ưu đàm đã nở đón chào Đức Thế Tôn và Ngài đã thành tựu, còn đóa hoa ưu đàm sẽ nở trong tất cả chúng sanh trong tương lai và từng bước chúng ta trở về thể nghiệm với đóa hoa bất diệt ngay trong tâm của chính mình vậy.

Tỳ kheo: Thích Quảng Long

#TangDoanHaiNgoai 
#Phapam 
#ibctv