Tu Tuệ (Bản Dịch Mới)

0
31

TU TUỆ
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
Hoang Phong biên dịch
Nhà Xuất Bản Phương Đông
(Bản dịch mới toàn bộ quyển sách)

tu_tue_final_bia_2tu_tue_final_bia_2

 (Click xem nguyên hình bìa với độ phân giải cao)

MỤC LỤC
Lời giới thiệu của người dịch
Lời tựa của Thupten Jinpa

Lời giới thiệu của người dịch

Vào khoảng tiền bán thế kỷ thứ VIII tại đại học Na-lan-đà có một nhà sư
khác thường tên là Santideva, tác giả của một tập thơ được xem là một trong
những tác phẩm thượng thặng và sâu sắc nhất đã được trước tác trên dòng lịch sử
phát triển của Phật Giáo.

Santideva là pháp danh do các vị thầy ở đại học Na-lan-đà ban cho ông –
tiếng Phạn santi có nghĩa là an bình,
deva có nghĩa là thiên nhân – tiếng Hán
dịch là Tịch Thiên. Tập thơ của ông mang tựa đề là Bodhicaryâvatâra, Bodhi
có nghĩa là Giác Ngộ, caryâ là sự
luyện tập, vatâracon đường bước
vào, tiếng Hán dịch là “Nhập Bồ-đề
hành luận”
, mà chúng ta có thể tạm dịch là “Hành trình đến Giác Ngộ”.

Con ngườitác
phẩm
của Tịch Thiên mang đầy huyền thoại. Không có một tư liệu lịch sử chính
xác
nào về tiểu sử của ông. Người ta chỉ biết rằng ông sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ VII hay đầu thế kỷ thứ VIII, và ngày mất
thì cũng không ai biết. Tục truyền ông là con của vua Kalyânavaraman. Ngày
còn nhỏ được một nhà tu khổ hạnh truyền
cho giáo pháp của Bồ-tát Văn Thù
(Mansjurhi), theo đó ông tu tập rất chuyên cần và đã đạt được Giác Ngộ. Khi vua
cha qua đời, ông nhất định không lên
ngôi
kế vị và bỏ trốn vào Tu viện Đại học Na-lan-đà xin thụ giới tỳ-kheo. Đêm
đêm ông thức một mình và soạn được hai tập sách: Giản yếu về Giáo Huấn (Siksâmuccaya)
Giản yếu về Kinh Điển (Sutrasâmuccaya). Tập thứ hai bằng tiếng
Phạn đã thất truyền, ngày nay chỉ còn lại bản dịch tiếng Hán. Cả tu viện không
ai hay biết gì về việc ông soạn thảo hai tập sách này, chẳng qua là vì ban ngày
ông ngủ li bì và chỉ thích viết lách một mình trong đêm tối. Cũng chính vì thế mà các vị thầy và cả các
bạn đồng tu đều xem ông là người lười biếng và ngu đần và gán cho ông biệt danh
là bhushuku, có nghĩa là “người chỉ biết ăn, ngủ và bài tiết”.

Những người trong
tu việný định muốn tống khứ ông nên đồng tình dựng lên một đàn thuyết giảng
còn gọi là ngai thuyết giảng, nhưng lại dựng rất cao và rất khó trèo lên. Theo
thông lệ, tước vị và uy tín của người thuyết giảng càng cao thì ngai thuyết
giảng
cũng phải được dựng với chiều cao tương xứng. Sau khi đàn được dựng xong,
các người trong tu viện mời ông lên ngồi để thuyết giảng. Chưa dứt lời mời thì mọi
người
hết sức kinh ngạc khi thấy ông đã ngồi chễm chệ trên ngai. Ông liền mở
lời hỏi cử tọa muốn ông giảng về một bài kinh quen thuộc hay mới lạ. Cử tọa yêu
cầu
ông giảng những gì mới lạ xem sao. Ông bèn cất lời đọc lên tập thơ Hành trình đến Giác Ngộ (Bodhicaryâvatâra) mà mười ba thế kỷ sau
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã đem ra giảng lại cho những người Tây Phương hôm nay.

Khi Tịch Thiên
giảng đến chương IX và đúng vào lúc ông vừa thốt lên: “Khi không còn một thể dạng hiện-thực hay phi-hiện-thực nào hiện
ra
trong tâm thức…”
, chưa kịp dứt câu thì mọi người bỗng thấy ông bay
vọt lên không trung và đứng lơ lửng bên cạnh Bồ-tát Văn Thù. Câu giảng trên đây
thuộc vào tiết 34 trong chương IX, và cũng là chương mà Đức Đạt-Lai Lạt-Ma sẽ
bình giảng cho chúng ta trong quyển sách này.

Mặc dù trên đàn
thuyết giảng lúc ấy đã trống không thế nhưng người ta vẫn tiếp tục nghe văng
vẳng
tiếng của Tịch Thiên thuyết giảng cho đến hết chương X là chương cuối cùng
của tập thơ.

Sau đó vì muốn ghi
lại bài giảng của ông, nên mọi người trong tu viện Na-lan-đà đã họp nhau lại và
chia thành hai nhóm để cùng chép ra giấy những gì mà họ đã nhớ được. Nhóm thứ
nhất đưa ra một bản gồm 700 câu thơ, nhóm thứ hai thì lại chép thành một bản
gồm 1000 câu. Tu viện gửi người đi tìm ông khắp nơi. Họ tìm được ông và ngỏ ý
mời trở về chùa, thế nhưng ông nhất quyết khước từ và chỉ nhận duyệt xét lại
hai bản thảo. Ông cho rằng bản gồm 1000 câu gần với lời giảng của ông hơn. Sau
khi sửa chữa xong và chỉ chỗ cất dấu hai tập sách khác của ông trong chùa thì
ông lại lên đường tiếp tục cuộc sống của một người du-già phiêu bạt.

Kể từ đó không còn
ai biết ông ở đâu nữa. Lúc đầu người ta còn đồn rằng ông vẫn thường hay xuất
hiện
khắp nơi để đấu lý với các vị thầy ngoài Phật Giáothực hiện nhiều phép
mầu
để cứu giúp người hoạn nạn, thế nhưng dần dà về sau tiếng đồn cũng thưa dần
và không còn nghe ai nhắc đến ông nữa.

Nếu các sự kiện lịch sử có thể mang những sự thật nào đó thì huyền thoại
cũng có những sự thật của nó. Sự thật của một sự kiện lịch sử dù có thể chứng
nghiệm
được đi nữa nhưng với thời gian cũng sẽ bị phai mờ đi và biết đâu một
ngày nào đó cũng sẽ rơi vào hố sâu của quên lãng, đấy là chưa nói đến trường
hợp
sự thật của ngày hôm qua cũng có thể không còn là sự thật của ngày hôm
nay.

Sự thật của huyền thoại tuy khó để biện minh bởi vì sự thật ấy chỉ có thể
hiện
hữu và sinh động trong trái tim của con người, thế nhưng thật cũng lạ là đôi
khi sự thật của huyền thoại lại có thể trường tồn qua không gianthời gian. Những
bước chân âm thầm của một nhà sư phiêu bạt không hề lưu lại một mốc thời gian
nào trong lịch sử thế nhưng hình như vẫn còn vang động trong con tim của chúng
ta
hôm nay. Những vần thơ tuyệt đẹp của ông vọng lại từ một đàn thuyết giảng
trống không ở đại học Na-lan-đà mười ba thế kỷ trước đã tan biến trong không
gian
, thế nhưng dường như vẫn còn văng vẳng bên tai chúng ta mãi tận hôm nay.

Tập Hành trình đến Giác Ngộ gồm có tất cả là
mười chương và quyển sách này thì chỉ đặc biệt ghi chép lại những lời bình giải
của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma về chương IX, và cũng là chương khúc triết và sâu sắc
nhất trong tác phẩm của Tịch Thiên.

Một bản dịch đầu
tiên của quyển sách này đã được nhà xuất bản Phương Đông ấn hành vào năm 2008. Trong
lần tái bản này phiên bản cũ đã được đọc lại và sửa chữa toàn bộ, thế nhưng người
dịch cũng không dám tự cho rằng mình có thể nắm bắt được hết những gì thâm sâu
và cao siêu trong các tiết thơ của Tịch Thiên và những lời giảng của Đức Đạt-Lai
Lạt-Ma. Chẳng qua cũng vì tâm nguyện muốn được chia sẻ với người đọc một vài
hiểu biết nhỏ nhoi đã lĩnh hội được, nên người dịch đã liều lĩnh chuyển ngữ một
tác phẩm vượt xa hơn tầm với của mình. Dù lời dịch còn vụng về và sự hiểu biết
nông cạn của mình có thể làm sai lạc ý nghĩa sâu sắc trong nguyên tác của Tịch
Thiên
cùng những lời thuyết giảng của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, thế nhưng người dịch cũng
xin chắp tay hồi hướng công lao nhỏ nhoi này để cầu xin cho thế giới vô thường
của chúng ta vơi bớt hận thù và được hạnh phúc hơn, và cho hành tinh nhỏ bé này
một ngày nào đó sẽ trở thành mảnh đất của Trí Tuệ vô biên.

Người dịch cũng xin mạn phép ghép thêm một vài
lời ghi chú thẳng trong bản dịch hoặc đặt bên dưới các trang sách với hy vọng
giúp phần dịch thuật được sáng tỏ hơn. Những lời chú thích ghi thẳng trong bản
dịch được trình bày bằng chữ nghiêng và đặt trong hai dấu ngoặc.

Hoang Phong
10-04-2013

Lời tựa


của Thupten Jinpa (1)

thupten_jinpa_and_dalailamathupten_jinpa_and_dalailamaTác phẩm Hành trình đến Giác Ngộ của Tịch Thiên
do Đức Đạt-Lai Lạt-Ma bình giảng trong quyển sách này sẽ cho chúng ta thấy một
cách thật rõ rệt rằng toàn bộ giáo huấn của Đức Phật đều chỉ hướng vào một chủ
đích
duy nhất là khuyên chúng ta phải nên trau dồi trí tuệ. Tuy chỉ là một lời
khuyên
thế nhưng thật ra đấy lại là một thông điệp thiêng liêng nói lên cả một
sự hiểu biết thật thâm sâu, biểu trưng cho cốt lõi của toàn bộ tín ngưỡng Phật
Giáo
. Mặc dù một số môn đệ sau này của Đức Phật có đưa ra một vài phương pháp tu
tập
mang ít nhiều biến dạng, thế nhưng chúng ta cũng đừng quên là Đức Phật đã từng
dạy rằng việc tu tập bằng cách hành xác, cầu xin hay thực thi các nghi lễ cầu kỳ
không thể nào mang lại được Giác Ngộ hoàn hảo, mà phải phát huy và triển khai tâm
thức
của chính mình. Chỉ khi nào ý thức được sự vướng mắc trong cõi luân hồi
do vô minh tự tại nơi sự hiện hữu của chúng ta gây ra thì khi đó chúng ta mới
có thể nhận thấy được mục đích của mọi việc tu tập là phải xóa bỏ vô minh, và cũng
chỉ khi đó thì chúng ta mới ý thức được vai trò chủ yếu của trí tuệ.

Tác phẩm của Tịch
Thiên
được trước tác vào khoảng thế kỷ thứ VIII và không lâu sau đó đã trở
thành
một tài liệu học tập quan trọng nhằm giúp người bồ-tát đặt những bước chân
vững chắc trên con đường thật dài để đạt
được
Phật Tính và sự Giác Ngộ hoàn hảo. Các chương I đến IV nêu lên các chủ đề như
sự Tỉnh Thức, Sám Hối, Ý Thức về sự Giác Ngộ và các cách Ứng Dụng về sự Ý Thức ấy,
nói chung đấy là các khía cạnh khác nhau của Bồ-đề-tâm (Bodhicitta). Năm chương
tiếp theo từ chương IV đến chương IX nêu lên các đức tính như sự Tinh Tấn, Nhẫn
Nhục
, Kiên Trì, Thiền Định và sự Hiểu Biết Siêu Nhiên, đấy là bốn phẩm tính sau
cùng trong số Sáu Điều Hoàn Thiện (Lục Ba-la-mật). Toàn bộ chương X và cũng là chương kết của
tập thơ đã miêu tả thật xúc động lòng từ bi của người bồ-tát. 

Ngay sau khi được phổ biến, tập Hành trình đến Giác Ngộ đã chinh phục
được quảng đại quần chúng trên đất Ấn và cả ở Tây Tạng. Bản dịch sang tiếng Tây
Tạng
đã được thực hiện rất sớm từ thế kỷ thứ IX (và cũng đã được dịch sang tiếng Hán vào năm
985
)
. Suốt trong nhiều thế kỷ sau đó tác phẩm này của Tịch Thiên đã trở thành một
“tập sách căn bản” ảnh hưởng sâu đậm đến hầu hết các tông phái lớn. Các
vị thầy lừng danh ở Ấn cũng như ở Tây Tạng thời bấy giờ đã không ngừng đưa ra những
lời bình giải thật sâu sắc.

Ảnh hưởng của tập sách đã vượt qua thời gian. Ngày nay khi thuyết giảng thì
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma vẫn thường trích dẫn nhiều đoạn trong tập thơ trường thiên
này. Ngài thường nói với mọi người rằng bốn câu thơ sau đây luôn mang lại cho
Ngài một nguồn hứng khởi vô biên và một nghị lực lớn lao:

Khi nào không gian còn tỏa rộng,
Khi nào chúng sinh vẫn còn đấy,
Thì tôi sẽ còn nguyện cầu được còn đây,
Để làm tan biến những khổ đau của thế gian này.

Những lời thuyết giảng của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma về chương IX trong tác phẩm
của Tịch Thiên được dựa vào hai cách bình giải quan trọng thuộc thế kỷ thứ XIX
đại diện cho hai học phái khác nhau. Cách bình giải thứ nhất thuộc trường phái
Ninh-mã (Nyingmapa) do Khentchen Kunzang Palden (2) nêu lên trong tập luận “Hương vị tuyệt vời trong những lời thuyết
giảng
của Manjushri”
. Cách bình
giải thứ hai thuộc trường phái Cách-lỗ (Guélougpa) do Minyak Kunzang Seunam (3)
đưa ra trong tập luận “Ngọn đuốc
sáng ngời”
. Ngoài việc phân tích và bình giải trước tác của Tịch Thiên,
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma còn ghép thêm nhiều suy tư riêng của Ngài về Con Đường Đao Pháp
nói chung. Nhằm để tránh mọi sự lẫn lộn với các lời bình giải nên các suy tư này
của Ngài sẽ được trình bày riêng trong các phân đoạn mang tựa đề là “Sự hiểu biết siêu nhiên”, và
đấy cũng là cách giúp người đọc theo dõi văn bản gốc của Tịch Thiên dễ dàng
hơn. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma sử dụng cả hai cách bình giải xưa của hai nhà sư Tây
Tạng
trên đây, thế nhưng đồng thời Ngài cũng đưa ra các cách bình giải riêng
của Ngài nhằm giúp chúng ta có thể hiểu sâu hơn nữa một trong những tác phẩm giáo
huấn
triết học quan trọng nhất của Đại Thừa Phật Giáo.

Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đưa ra những lời bình giải trên đây trong các buổi
thuyết giảng tại viện Vajra Yogini ở Pháp do “Hiệp Hội những người Phật
Giáo Tây Tạng
tại Pháp” tổ chức vào tháng 11 năm 1993. Các buổi giảng này chỉ
là một phần của một chương trình thuyết giảng chung của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma tại quốc
gia
này. Các buổi thuyết giảng đầu tiên đã được tổ chức trước đó từ tháng 8 năm
1991 trong vùng Dordogne, nhằm giải thích tám chương đầu của tập Hành trình đến Giác Ngộ. Quyển sách này ghi
lại những lời bình giải của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, tuy thật thâm sâutrong sáng
nhưng không kém phần xúc động và không vượt quá xa tầm với của tất cả mọi người,
về một trong những tác phẩm cổ điển có thể nói là tuyệt vời nhất của Phật Giáo.

Thupten
Jinpa

Montréal, 2004
Ban biên tập Thư Viện Hoa Sen chân thành cảm tạ tác giả / dịch gỉa,
đạo hữu Diệu Châu (Phú Ngọc) – người gửi sách đã gửi tặng ấn bản mới nhất. 
Trân trong giới thiệu đến toàn thể quý độc gỉa trong và ngoài nước tác phẩm quý gía trên. (Tâm Diệu)