Tám ngọn gió đời

0
38

TÁM NGỌN GIÓ ĐỜI
Quảng Tánh

blankCó lẽ ai cũng cảm nhận được rằng, cuộc sống này hiếm khi yên bình mà luôn đầy ắp những biến động. Với nghịch cảnh, chúng ta bị tác độngchi phối thì đã đành. Nhưng với thuận cảnh, nếu không khéo giác tỉnh thì chúng ta cũng dễ bị tác động để tạo ra những chao đảo và lệch chuẩn khó lường. Nói cách khác, chúng ta luôn bị những ngọn gió thuận nghịch trong cuộc đời quăng quật, làm trở ngại sự tĩnh tại và bình an.

Theo Thế Tôn, tám ngọn gió ấy chính là “lợi-suy, hủy-dự, xưng-cơ, khổ-lạc”. Người con Phật sống ở đời phải tìm cách để an trụ, bình tâm không lay chuyển trước tám ngọn gió này. Nên xưa nay, người học Phật thường nhắc mình và nhắc nhau phải sống thật vững vàng, dù cho phải thường xuyên đối mặt với tám gió thổi mà không lay động (bát phong xuy bất động).

“Một thời Phật ở tại Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Ở đời có tám việc, chúng sanh xoay chuyển theo đó. Thế nào là tám? Một là lợi, hai là suy, ba là hủy, bốn là dự, năm là xưng, sáu là cơ, bảy là khổ, tám là lạc.

Như thế, này Tỳ-kheo, tám việc này tùy theo đời xoay chuyển. Này các Tỳ-kheo, nên tìm phương tiện trừ tám việc này. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Thiên tử Mã Huyết [2], 
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.199)

Hai ngọn gió thuận nghịch đầu tiên là lợi và suy. Lợi là được lợi, thịnh vượng, phát đạt. Suy là sự nghiệp sa sút, suy hao, làm ăn xuống dốc. Thường thì khi được lợi chúng ta vui mừng, tự hào và khi suy hao thì lo lắng, bất an. Người con Phật luôn giữ tâm mình cho thăng bằng, bởi thịnh hay suy ở đời thực ra chỉ có tính tạm thời. Ông cha mình cũng đã từng kinh nghiệm rất chân thựcsáng tỏ “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.

Hai ngọn gió tiếp theo là hủy và dự. Hủy là hủy nhục, bị làm nhục, bị hạ thấp phẩm giá. Dự là được tôn vinh, danh dự vẻ vang. Người con Phật nguyện giữ tâm mình khi được tôn vinh cũng không tự mãn mà khi bị hủy nhục cũng không quá tự ti. Vì lẽ thường ở đời vinh nhục đôi khi cũng chỉ là hai mặt của một vấn đề. Nên không ai lấy làm lạ khi cùng một vấn đề mà bên này thì tung hô còn bên kia thì nguyền rủa.

Xưng và cơ cũng vậy. Xưng là xưng tán, khen ngợi, những lời có cánh đưa chúng ta lên mây. Cơ là chê bai, dè bỉu, cơ hiềm, dìm đạp mình xuống bùn nhơ. Khi được khen cũng không quá mừng và khi bị chê cũng không quá buồn. Hãy nhìn thẳng vào chính mình để hiểu rõ mình hơn, rằng tôi là ai, đã làm gì, có xứng đáng để được khen hay có thích đáng để bị chê. Thực ra thì khen chê là những tác động bên ngoài, đôi khi nó không phản ánh đúng thực chất của chính mình nên cần giác tỉnh để tự chủ.

Hai ngọn gió cuối cùng là khổ và lạc. Nếu đã đứng vững trước lợi-suy, hủy-dự và xưng-cơ thì đối với khổ-lạc cũng nên như vậy, không bị lay động. Khổ hay vui nếu bình tâm nhìn cho thật kỹ thì cũng chỉ là những cảm thọ mà thôi. Tất cả đều mong manh và dễ dàng đảo chiều vì bản chất biến động của đời sống. Nên có lạc, hạnh phúc, an vui cũng không chìm đắmgiả như có gian khổ, không như ý cũng không sờn lòng, cố gắng vượt lên.

Nhờ phát huy tuệ giác về vô thườngvô ngã nên người học Phật thấy rõ tính duyên khởi trong mọi thăng trầm và dịch chuyển của cuộc sống để không trụ chấp, không bám víu. Ngay đây có thể nói nhờ trí sáng nên tâm mới định. Mới hay, tám ngọn gió đời sẽ chẳng làm được gì nếu tâm chúng ta định và trí chúng ta hằng sáng. Vì thấy rõ bản chất hư huyễn của vạn pháp nên chúng ta bất động giữa cuộc đời đầy biến động; không lầm, không trụ, không bị người ta lạc dẫn, không dính mắc vào danh lợichức phận, không nắm bắt hoa đốm giữa hư không

Quảng Tánh