Pháp Thân của Chư Phật

0
33
PHÁP THÂN CỦA CHƯ PHẬT
Chân Hiền Tâm

hoa sen nởhoa sen nởPháp thân của chư Phật, là muốn nhấn mạnh đến loại pháp thân không còn ẩn tàng trong thân ngũ uẩn như pháp thân của chúng sinh. Tức thể, tướng và dụng của nó đã hiện đầy đủ.

Không phải pháp thân của chư Phật khác pháp thân của chúng sinh. Khác hay không chỉ ở mặt hiện hay ẩn, tướng và dụng. Còn về mặt tánh thể thì “Tướng tự thể chân như của tất cả phàm phu, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát và chư Phật không có tăng giảm, không có mé trước sinh, không có mé sau diệt, rốt ráo thường hằng”1.     

Nói Pháp vì thân được trang nghiêm bởi vô lượng vô biên đại công đức như mười lực, bốn vô úy v.v… Nói Thân vì đó là nơi nương tựa, là chỗ tích tụ… Nói Pháp thân của chư Phật là muốn nói đến loại thân tích tụ vô lượng vô biên các thứ công đức không thể nghĩ bàn, với vô vàn diệu dụng không thể nói. 

Pháp thân ấy thế nào? 

1- Không phải là đối tượng nhận biết của nghiệp thức 

Luận Đại thừa khởi tín nói: “Pháp thân của chư Phật không có sắc tướng đây kia đắp đổi qua lại cùng thấy”. Sắc tướng nói đây chỉ cho những gì có thể nhận biết bằng mắt. Đó là phần sở kiến của một cái năng kiến. Do còn trong vòng đối đãi năng sở nên nói “đắp đổi qua lại cùng thấy”. Pháp thân không phải là sắc tướng, không phải là phần không sắc (như hư không hay những chỗ không sắc), cũng không phải là chính cái thấy hay sự nhận biết. Kinh Lăng nghiêm nói: “Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến”. Khi thấy được thực tướng của cái thấy (thấy tánh) thì cái thấy ấy không có thấy. Ngài Hám Sơn nói: “Chân thể pháp thân là nhất tâm chân nguyên, chẳng thuộc mê ngộ, chẳng mượn duyên sinh. Chính cái thiên chân này là chánh nhân Phật tánh, nên ý tóm kết đây là chuẩn mực để hiểu về chỗ rốt ráo2. Nói đến pháp thân là nói đến cội nguồn của tất cả pháp. Đó là bản thể của mọi hiện tượng mà ta đang thấy đây và cả những gì ta chưa đủ khả năng thấy. Cũng là cội nguồn từ đó có nghiệp thức của chúng sinh

Pháp thân này không do duyên sinh. Thứ gì do duyên sinh thì không phải là pháp thân. Song nó vẫn có mối liên hệ chặt chẽ giữa cái gọi là pháp do duyên sinhpháp thân

Nói lìa sắc tướng là nói pháp thân không phải là chính các sắc tướng ấy, nhưng cũng không ngoài các sắc tướng ấy, nên nói hay hiện sắc tướng. Vì pháp thân ấy chính là thể của sắc3. Như vàng làm đồ trang sức. Vàng không phải là vòng, là nhẫn, là dây chuyền v.v…, nhưng vàng không lìa những thứ đó. Nói cách khác, pháp thân chính là bản thể của mọi sắc pháp, như vàng là bản thể của đồ trang sức. Nhìn đồ trang sức mà trực nhận được vàng thì biết bản thể không lệ thuộc vào các sắc tướng như vòng, nhẫn v.v… Song ví dụ đó vẫn còn hạn chế để hiểu về pháp thân, vì vàng cũng như đồ trang sức đều là đối tượng được thấy (sở thấy) bởi một cái năng thấy, đều là pháp duyên sinh, trong khi pháp thân không thuộc duyên sinh, vượt ngoài năng sở, trùm khắp pháp giới. Vì thế, hiện nay bản chất này vẫn là một dấu hỏi rất lớn đối với một số người, đa số khác thì vẫn nhầm lẫn giữa cái gọi là tướng và tánh, hiện tượng với bản thể.

 “Vì từ xưa đến nay, sắc và tâm chẳng phải hai. Bởi sắc tánh chính là trí, nên thể của sắc không hình, gọi là trí thân. Bởi trí tánh tức là sắc nên gọi là pháp thân cùng khắp tất cả chỗ. Sắc sở hiện ấy không có phần hạn, tùy tâm hay hiện mười phương thế giới. Vô lượng Bồ-tát, vô lượng báo thân, vô lượng trang nghiêm, mỗi mỗi sai biệt, đều không có phần hạn mà chẳng ngăn ngại lẫn nhau. Đó chẳng phải là chỗ thức tâm phân biệt có thể biết, vì nó là dụng của chân như tự tại”. Đây là nói về phần sắc tướng ứng với tâm vô phân biệt của chư Phật. Do chân tâm trùm khắp vô ngại nên sắc nó hiện ra cũng viên dung, tự tại, vô ngại. Còn phần sắc tướng chúng ta thấy hiện nay là ứng với thức tâm phân biệt của chúng sinh, là sở kiến của cái thấy, tùy nghiệp của từng loài mà có cảnh giới sắc, thanh, hương, vị… khác nhau. 

Phần sắc tướngchúng sinh nhận biết thì có phần hạn, có ngăn ngại. Còn phần sắc tướng ứng với tâm thanh tịnh của chư Phật thì không có phần hạn, cũng chẳng ngăn ngại lẫn nhau, vì mỗi căn của Phật đều trùm khắp pháp giới. Đây là báo và hóa thân nói trong tam thân. Báo và hóa thân này không lìa pháp thân, như sóng và nước xưa nay không hai. Nói “sắc tánh tức là trí” là nói sắc tức là tâm, là muốn hiển cái không hai đó. Nói “trí tánh tức là sắc” là nói tâm tức là sắc, cũng muốn hiển cái không hai đó, như nước có khắp trong tất cả sóng. Tánh sắc, tánh trí là chỉ cho bản giác trí tâm

Vô lượng Bồ-tát… là muốn nói đến tác dụng của báo thân. Đó là đại dụng cơ cảm của báo thân, đều có thể tùy duyên mà ứng tức khắc. Đây là dụng của chân như, nên không phải là chỗ thấy của thức tâm phân biệt, là vọng tâm chúng ta đang dùng hiện nay.

Các tướng sai khác của pháp thân   

Theo luận Thành duy thức, pháp thânba tướng sai khác: Tự tánh thân, Thọ dụng thânBiến hóa thân.   

1- Tự tánh thân là pháp giới chân tịnhNhư Lai đã chứng đắc, là chỗ nương bình đẳng của Thọ dụng thânBiến hóa thân. Thân này vắng lặng, không có biên tế, lìa tất cả tướng, bặt mọi hý luận, là thực tánh bình đẳng của tất cả pháp. Phân theo tam thân, đó chính là pháp thân, chỉ cho thể tánh không của vạn pháp, cũng chính là tướng không nói trong Tâm kinh Bát-nhã, là Phật tánh nói trong kinh Đại bát Niết-bàn, là cái “không” chân như nói trong luận Đại thừa khởi tín.      

2- Thọ dụng thân có hai, là Tự thọ dụng thânTha thọ dụng thân.

– Tự thọ dụng thân là thân tự thọ dụng pháp lạc rộng lớn. Các Đức Như Lai trải qua vô số kiếp tu tập vô lượng tư lương, vô lượng phước đức, trí tuệ, giúp làm phát sinh bốn trí Bồ-đề và vô biên công đức chân thật, thành tựu sắc thân rất viên mãn, thanh tịnh, thường hằng biến khắp, tương tục lặng lẽ, cùng tột đời vị lai, thường tự thọ dụng pháp lạc rộng lớn.

Tha thọ dụng thân là thân giúp người thọ dụng pháp lạc rộng lớn. Các Đức Như Lai do năng lực của Bình đẳng tánh trí, ở cõi thuần tịnh, thị hiện công đức thanh tịnh vi diệu, vì hàng Bồ-tát Thập địahiện đại thần thông, chuyển bánh xe pháp, dứt trừ lưới nghi, khiến họ thọ dụng pháp lạc Đại thừa

Đây chính là báo thân nói trong tam thân.   

3- Biến hóa thân là thân biến hóa ở các cõi. Chư Như Lai, do năng lực của Thành sở tác trí, có thể biến hiện ra vô lượng hóa thân theo loài hữu tình, tịnh có, uế có. Cũng tùy theo cơ nghi của chúng Bồ-tát chưa đăng địa, cùng hàng Nhị thừa và một loại Dị sinh mà hiện thần thông nói pháp, khiến họ đều được lợi lạc. Đây là hóa thân nói trong tam thân

Tóm lại, ba thân sai biệt của pháp thân đều có đầy đủ vô lượng vô biên công đức, nhưng mỗi thân có khác. 

Tự tánh thân thì chỉ có công đức vô vi chân thật, lìa mọi tạp nhiễm, làm chỗ nương cho các thiện, nhưng không có tướng dụng sai khác của sắc tâm. Tự tánh thân này chính là phần tánh thể không tăng không giảm khi nói đến tánh thể của vạn pháp

Tự thọ dụng thân thì có đủ vô lượng các thứ công đức chân thật của sắc tâm thù diệu.

Tuy thân này của chư Phật không giống nhau nhưng đều vô biên và không chướng ngại lẫn nhau.  

Tha thọ dụng thânBiến hóa thân thì chỉ có vô biên công đức hóa tướng của sắc thân tương tợ, với tác dụng lợi lạc cho loài hữu tình. Hai thân này tùy theo các loài chư Như Lai hóa độ mà sự biến hóa có chung và không chung. 

Nếu loài hữu tình được hóa độ là chung, đồng chỗ, đồng thời… thì chư Như Lai đều biến ra thân và độ có tướng trạng tương tợ, không chướng ngại nhau, triển chuyển xen nhau làm tăng thượng duyên, khiến trên tự thức của các loài được hóa độ đó biến hiện ra Phật hóa thân cùng Phật hóa độ. Chúng sinh đó nghĩ Phật thân của chư Phật chỉ là một, kỳ thật là do nhiều Phật biến ra. 

Nếu loài hữu tình được hóa độ là không chung thì dù chúng sinh ấy có thấy mười phương chư Phật hiện ra, thực tế cũng chỉ là sự hóa hiện của một Phật. 

Sở kiến của chúng sinh với Tha thọ dụngBiến hóa thân của chư Phật

Sở kiến là những gì mà loài hữu tình nhận biết được qua các căn, đó là đối tượng của các căn. Song dùng sở kiến mà không dùng các từ khác như sở nghe v.v… là có lý do sâu xa ở mặt tu chứng, ở đây không bàn tới, chỉ y các bậc cổ đức mà lấy nghĩa chính là đối tượng của cái thấy. 

Sở kiến này, tùy nghiệp thức của từng loài mà có sự không đồng. Như loài người thấy nước là nước nhưng ngạ quỷ lại thấy là lửa hoặc máu. Đó là do nghiệp thức của từng loài mà sở kiến thành khác nhau. Đối với việc thấy Phật cũng vậy, tùy nghiệp thức từng loài mà việc thấy Phật này cũng không đồng. Luận Đại thừa khởi tín phân phần sở kiến thấy Phật này ra làm hai. Một, là sở kiến của phàm phuNhị thừa. Hai, là sở kiến của Bồ-tát. 

1- Sở kiến của phàm phuNhị thừa

Luận nói: “Y nơi phân biệt sự thức, gọi là ứng thân. Vì không biết do chuyển thức hiện nên thấy từ ngoài đến. Nhận lấy phần hạn của sắc nên không thể biết hết”. Phàm phu là chỉ cho người đời. Nhị thừa là chỉ cho Thanh vănDuyên giác. Phàm phu thì gần như không ai biết gì về các thức. Nhị thừa thì chỉ mới biết đến thức thứ sáu, chưa biết có thức thứ bảy và thứ tám, chưa thấu nghĩa duy tâm sở hiện, không biết các trần chỉ là thức, nên chấp ngoài tâm thật có cảnh giới, thấy thật có Phật Thích Ca với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, chấp có sinh tử đáng chán, có Niết-bàn đáng vui, không rõ đạo lý duy tâm. Nói Y phân biệt sự thức mà thấy là vậy. Phân biệt sự thức là chỉ cho thức thứ sáu. 

Chuyển thức là do tự tánh chân như không tánh, bất giác tâm động mà thành chuyển thức. Thức này, chân vọng hòa hợp. Từ chuyển thứchiện thức, hiện các cảnh giới (như ngủ rồi mộng). Do chưa thấu được phần chuyển thức này, không biết mọi cảnh giới đều do thức biến, nên thấy mọi thứ thật từ ngoài đến. Đây là cái thấy của đa phần chúng ta hiện nay. Thấy ta, thấy người và thấy mọi thứ đều có phần hạn như thật, rồi chấp vào những phần hạn ấy mà hành tác, nên “càng không thể biết hết”, là không thể tường tận được thực chất của vạn pháp.

Hỏi: Nếu đó là dụng của chân như trong tự tâm của chúng sinh, vậy thì liên quan gì đến báo thânhóa thân Phật?

Đáp: Chân tâm của chúng sinh và thể của chư Phật hoàn toàn không có sai khác. Chúng sinh mê chân khởi vọng, nên chân như chỉ hiện nhiễm tướng, chẳng hiện được chân dụng. Cần có bản giác nội huân vọng tâm, mới có thể có chán và cầu, là chán cái khổ sinh tử, cầu cái vui Niết-bàn. Nhờ chán và cầu này mà dụng của chân như được hiển. Chán cầu kém thì tướng dụng thô. Chán cầu dần tăng thì dụng cũng dần tế. Dần dần như thế cho đến nguồn tâm, vô minh hết, chán cầu đều mất, thủy giác đồng với bản giác, dụng lại về thể, bình đẳng bình đẳng

Trong giai đoạn dụng chân như của chúng sinh chưa thể hiển thì đó là lúc cần có dụng chân như của chư Phật trợ duyên, là lúc Tha thọ dụng thân (báo thân) và Biến hóa thân (hóa thân) của Phật khởi tác dụng. Luận Đại thừa khởi tín nói: “Dụng chân nhưchư Phật Như Lai khi còn tại nhân địa, phát đại từ bi, tu các ba-la-mật, nhiếp hóa chúng sinh, lập đại thệ nguyện muốn độ thoát hết tất cả chúng sinh trong các cõi, không giới hạn kiếp số, đến cùng tận vị lai. Vì coi tất cả chúng sinh như thân mình mà không nắm giữ tướng chúng sinh. Do đâu như thế? Vì như thật biết tất cả chúng sinh cùng với thân mình chân như bình đẳng, không có sai khác. Vì có trí đại phương tiện như vậy nên trừ diệt được vô minh, thấy pháp thân mình. Tự nhiên có mọi thứ nghiệp dụng4 không thể nghĩ bàn. Liền cùng chân như đồng khắp tất cả chỗ. Cũng không có tướng dụng có thể được. Vì sao? Vì thân của chư Phật Như Lai chỉ là thân trí tướng pháp thân đệ nhất nghĩa đế, không có cảnh giới thế đế, lìa hành tác, chỉ tùy chúng sinh thấy nghe mà được lợi ích, nên nói là dụng5.

Đoạn luận này có vài điểm cần lưu ý: Tự nhiên có mọi thứ nghiệp dụng không thể nghĩ bàn là dụng này không do Phật tác ý mà có, chỉ như trống trời ma-ni vô tưthành sự, nên nói lìa hành tác. Cũng không có tướng dụng có thể được, là dụng tuy có mà thể thường tịch diệt. Chỉ tùy duyên khởi dụng, nên dụng mà không dụng, như nước tùy duyên thành sóng mà thể hằng tịch diệt. Nếu phế bỏ cơ cảm thì Như Lai chỉ là diệu lý bản trí, hoàn toàn không có tướng thế đế sinh diệt mà có ứng hóa thân. Nhưng vì có cơ cảm là do khi chư Như Lai còn tại nhân địa, đã tu các ba-la-mật, phát đại thệ nguyện độ thoát chúng sinh trong các cõi, mà khi đủ cơ cảm thì dụng chân như này liền hiện, khiến chúng sinh thấy được báo hóa thân mà nhận sự hộ trì cùng giáo hóa của chư Phật. 

Cho nên, tuy là sở kiến của phàm phuNhị thừa nhưng lại chính là ứng hóa thân của chư Phật. Bi và trí của chư Phật làm tăng thượng duyên, chủng tử cơ cảm của chúng sinh làm nhân duyên, nương vào bản chất Phật trên, tự tâm biến ra hình tượng. Chỗ “không một không khác” này là thứ khó nghĩ bàn đối với tâm thức của người đời.

Luận nói tiếp: “Lại, sở kiến của phàm phu là sắc thô, tùy lục đạo mà thấy các thứ dị loại không đồng, không phải là tướng thọ lạc, nên nói ứng thân”. Tuy đều là ứng hóa thân của Phật, nhưng tùy nghiệp lực trói buộc của từng loài, từng người, chưa giác ngộ, hoặc đã giác ngộ v.v… mà ứng hóa thân thành có khác. Tổ Hiền Thủ nói: “Như tập khí ở ba ác đạo, thấy thân Phật dài ba thước như chân voi đen. Như Đề-vi v.v… ở địa vị trời người thấy Phật là thần cây và thân thiên thần vv… Y theo đó thì biết chúng sinhlục đạo thấy Phật không đồng, đều không phải là tướng xuất thế, nên không phải là tướng thọ lạc. Hàng Nhị thừa thấy Phật là thân thánh nhân A-la-hán xuất thế, nên nói ứng thân6.

Tướng thọ lạc là chỉ cho báo thân. Chẳng phải là báo thân, nên nói ứng thân.     

2- Sở kiến của tâm Bồ-tát từ Sơ phát tâm đến Cứu cánh địa

Luận nói: “Sở kiến của tâm Bồ-tát từ Sơ phát tâm đến Cứu cánh địa, y nơi nghiệp thức, gọi là báo thân. Thân có vô lượng sắc, sắc có vô lượng tướng hảo. Chỗ trụ y nơi quả cũng có vô lượng các thứ trang nghiêm, tùy chỗ mà thị hiện, không có bờ mé, chẳng thể cùng tận, lìa tướng phần hạn, tùy chỗ cảm ứng, thường hay giữ gìn chẳng hủy, chẳng mất. Công đức như thế đều nhân nơi các hạnh vô lậu ba-la-mật huân tập và sự huân tập không thể nghĩ bàn mà được thành tựu, đầy đủ vô lượng tướng lạc, nên nói báo thân7

Chư vị Bồ-tát này từ khi mới phát tâm Bồ-đề cho đến khi thành tựu quả vị Phật đều y nơi nghiệp thức mà quán thấy mọi hiện tượng. Y nghiệp thức thì biết các trần không ngoài duy thức, thảy đều duy tâm sở hiện, cũng quán thấy phần hạn là không phần hạn, mỗi một sắc tướng đều trùm khắp pháp giới, dung nhau vô ngại, tự tại khó nghĩ bàn. Do phần quán thấy đó mà tâm có chỗ tương ưng, cảm được báo thân của chư Phật. 

Báo thân đó, thân có vô lượng sắc, sắc có vô lượng tướng v.v… là nói về chánh báo. Do thân không có phần hạn nên nói vô lượng sắc. Chỗ trụ y nơi quả là nói về y báo. Y báo cũng không có phần hạn, nên nói vô biên. Tùy chỗ thị hiện không có bờ mé… là nói đến phần hạn sắc của báo thân, không phải có phần hạn như hóa thân, mỗi sắc tướng thị hiện đều trùm khắp pháp giới. Tùy chỗ cảm ứng chẳng hủy, chẳng mất… là tùy nghiệp hạnh của người cảm mà ứng ra, đều thường trụ, vì chỗ này tam tai không thể phá hoại. Tất cả những công đức có được đó đều nhờ sự huân tập không thể nghĩ bàn mà được thành tựu. Chư Phật đã huân tập vô lượng hạnh vô lậu ba-la-mật như thế trong quá khứ mới được phần Thọ dụng thân này. Chư Bồ-tát do cảm ứng tương ưng, có thể nhận được phần giáo hóa từ thân Tha thọ dụng này. 

 
  Chân Hiền Tâm
Bài đọc thêm:

Tam thân của Đức Phật (Suzuki – Huỳnh Ngọc Chiến dịch)

Tam Thân (Wikipedia)
______________

(1) Đại thừa khởi tín luận – Bồ-tát Mã Minh. Chân Hiền Tâm dịch và giải.   
(2) Đại thừa khởi tín luận trực giải – Đại sư Hám Sơn. 
(3) Đại thừa khởi tín luận – Bồ-tát Mã Minh. Chân Hiền Tâm dịch và giải. 
(4) Nghiệp đây là nghiệp thanh tịnh, không phải nghiệp trói buộc của chúng sinh.  
(5) Đại thừa khởi tín luận – Bồ-tát Mã Minh. Chân Hiền Tâm dịch và giải.   
(6) Đại thừa khởi tín luận nghĩa ký – Đại sư Hiền Thủ.  
(7) Đại thừa khởi tín luận – Bồ-tát Mã Minh. Chân Hiền Tâm dịch và giải.   
 
SÁCH THAM KHẢO
 
Đại thừa khởi tín luận nghĩa ký – Đại sư Hiền Thủ.
Đại thừa khởi tín luận trực giải – Đại sư Hám Sơn.
Thành duy thức luận – HT.Thích Thiện Siêu dịch và chú. 
Đại thừa khởi tín luận – Chân Hiền Tâm Việt dịch và giải thích.