Những Lời Cuối Cùng Của Phật

0
35

NHỮNG LỜI CUỐI CÙNG CỦA PHẬT

Hoang Phong

phat-nietban-01phat-nietban-01Dưới đây là tóm tắt
những lời dặncuối cùng của Phật. Thật ra Phật đã đau yếu từ ba tháng trước
và đã khởi sự dặn dò người đệ tử thân cận nhất là A-nan-đà. Phật bảo A-Nan-Đà
tập họp các đệ tử để nghe giảng và thông báo trước sự tịch diệt của mình. Lúc
ấy
Phật đã 80 tuổi. Trong những tháng cuối cùng, Phật đã gầy còm và mệt mỏi,
nhưng vẫn đi thuyết giảng như thường, tuy không còn đi xa được nữa. A-Nan-Đà
xin Phật hãy tĩnh dưỡng trong những ngày còn lại, nhưng Ngài khoát đi và dạy
rằng :

« Thân ta tuy có
kém mạnh khoẻ, nhưng lòng từ bi của ta, trí sáng suốt của ta không kém sút. Ta
còn tại thế ngày nào thì ngày ấy không phải là một ngày vô ích ».

Trong một khu rừng cạnh
thị trấn Câu-thi-na (Kusinaga, còn viết là Kuçinagara), ngày nay là một thị
trấn nhỏ tên là Kasia, cách 50 cây số về phía đông tỉnh Gorakhpur, và cách 150
kilomét về phía bắc-đông-bắc Varanasi (Bénarès), Phật nằm nghỉ giữa hai gốc cây
sa-la. Ngài tự gấp áo cà sa làm bốn, rồi nằm nghiêng về phía tay phải, đầu
hướng về phía bắc, mặt hướng về phía tây, hai chân duỗi thẳng, chân này gác lên
chân kia. Sau đó Phật ngỏ những lời cuối cùng với các đệ tử để nhắc lại một lần
nữa tầm quan trọng của Đạo Pháp. Phật nhắc nhở các đệ tử phải hiểu rằng vị thầy
của họ không phải là một nhân vật nào cả, dù đó là Phật, vị thầy đích thực của
họ chính là Đạo Pháp. Phật cất tiếng và nhắn nhủ các đệ tử đang ngồi chung
quanh Ngài như thế này :

« Này các đồ
đệ
, các con hãy tự làm đuốc để soi sáng cho các con, hãy trông cậy vào chính
sức mạnh của các con; không nên lệ thuộc vào bất cứ ai. Những lời giảng huấn
của ta sẽ làm ngọn đuốc dẫn đường cho các con, làm nơi nương tựa cho các con;
không cần phải lệ thuộc thêm vào những lời giảng huấn nào khác nữa.

« Hãy nhìn vào thân xác
các con, các con sẽ thấy cái thân xác đó ô uế biết chừng nào. Khi các con hiểu
được rằng lạc thú lẫn đớn đau của thân xác cũng chỉ là cội nguồn chung của khổ
đau, khi hiểu được như thế, các con sẽ không thể nào tự buông lỏng cho dục vọng
chi phối các con.

« Hãy nhìn vào tâm thức
các con, các con sẽ thấy cái tâm thức đó biến dạng không ngừng. Vì thế các con
sẽ không thể nào tự buông rơi vào chính những ảo giác của tâm thức, để rồi tự
duy trì những kiêu căngích kỷ do tâm thức tạo ra, nhất là khi các con đã
hiểu rằng những xúc cảm đó nhất định chỉ mang đến khổ đau mà thôi.

« Hãy nhìn vào tất cả
các vật thể chung quanh xem có vật thể nào trường tồn hay chăng? Có vật thể nào
không phải là những cấu hợp sinh ra hay không? Tất cả sẽ gẫy nát, tan rã và
phân tán. Các con chớ sợ hãi khi nhận thấy khổ đau cùng khắp mọi nơi, hãy
noi theo những lời giáo huấn của ta, kể cả sau khi ta đã tịch diệt. Như thế các
con sẽ loại bỏ được khổ đau. Thật vậy, cứ noi theo những lời giáo huấn của ta,
rồi nhất định các con sẽ trở thành những đồ đệ thật sự của ta.

« Này các đồ đệ của ta,
những lời giáo huấn ta giảng cho các con, các con đừng bao giờ quên, đừng bao
giờ để cho mai một đi. Phải bảo tồn những lời giáo huấn ấy, đem ra nghiên cứu
thực hành. Nếu theo đúng những lời giáo huấn ấy, các con sẽ đạt được an
vui.

« Những gì hệ trọng nhất
trong những lời giáo huấn của ta là các con phải kiểm soát được tâm thức các
con. Hãy gạt bỏ mọi thèm muốn và giữ cho thân xác đứng thẳng, tâm thức tinh
khiết
ngôn từ chân thật. Nếu các con biết tự nhắc nhở là cuộc sống của các
con chỉ là tạm bợ, các con sẽ đủ khả năng loại bỏ mọi thèm khát và hung dữ đưa
đến khổ đau.

« Nếu các con nhận ra
được là tâm thức các con đang có xu hướng bám níu hay vướng mắc vào ham muốn,
các con phải gạt bỏ ngay sự ham muốnchận đứng sự cám dỗ đó. Các con phải
làm chủ được tâm thức các con.

Tâm thức có khả năng
biến
một con người thành một vị Phật hay một con thú. Khi rơi vào sự lầm lẫn,
ta có thể trở thành quỷ sứ, nhưng khi Giác ngộ ta sẽ thành Phật. Vì thế, các
con phải kiểm soát lấy tâm thức các con và không đi lạc ra ngoài Chánh
Đạo
.

« Để có thể giữ
đúng như lời giáo huấn của ta, các con hãy kính trọng lẫn nhau và đừng cãi vả.
Đừng bắt chước như nước với dầu xô đẩy lẫn nhau; hãy bắt chước như nước với
sữa, có thể hoàn toàn hòa lẫn vào nhau.

Hãy cùng nghiên cứu với
nhau
, cùng giảng giải cho nhau, thực hành với nhau. Không nên phí phạm tâm thức
của các con và thời giờ của các con trong sự cãi vả hay lười biếng. Hãy hân
hoan
đón nhận hoa thơm của Giác ngộ vào lúc ra hoa và hái lấy quả ngọt trên
Đường Ngay Thật.

« Những lời giáo huấn ta
ban cho các con là do nơi kinh nghiệm của chính ta, và chính ta đã noi theo con
đường
đó. Các con nên tuân theo những lời giáo huấn ấy và giữ đúng như thế dù
phải gặp hoàn cảnh khó khăn nào. Nếu các con xao lãng, có nghĩa là các con chưa
hề gặp được ta, các con thật sự còn đang ở một nơi nào đó thật xa, dù cho trong
lúc này đây các con đang ngồi bên cạnh ta cũng vậy. Nhưng nếu ngược lại, các
con chấp nhận và đem ra thực hành những lời giáo huấn của ta, thì dù cho các
con ở thật xa trong một chốn tận cùng của thế giới, nhưng cũng giống như các
con đang ở bên cạnh ta trong lúc này.

« Hỡi các đồ đệ, phút
cuối cùng của ta đã gần kề, phút xa lìa giữa ta và các con không còn bao lâu
nữa. Tuy nhiên các con không nên than khóc. Sự sống là một sự đổi thay không
ngừng và không có gì cản trở được sự tan rã của xác thân. Cái sự thực đó, ta
đang chứng minh cho các con thấy ngay trên thân xác của ta, thân xác ta sẽ tan
rã như một cỗ xe hư nát. Đừng than khóc một cách vô ích, trái lại các con phải
hân hoan khi nhận ra được cái quy luật biến đổi ấy và hiểu được rằng sự sống
của con người chỉ là trống không mà thôi. Đừng cố gắng duy trì cái khát vọng
phi lý, mong muốn những gì tạm bợ phải nhất định trở thành trường tồn.

« Con quỷ của những dục
vọng
thế tục luôn luôn tìm cách đánh lừa tâm thức các con. Nếu có một con rắn
độc
trong phòng, các con sẽ không thể nào ngủ yên nếu chưa đuổi được nó ra
ngoài. Các con phải cắt đứt những mối giây ràng buộc của thèm khát thế tục
rứt bỏ những mối giây đó như các con đã đuổi bỏ con rắn độc ra khỏi phòng. Các
con phải bảo vệ thật cẩn thận tâm thức các con.

« Này các môn đệ của ta,
giây phút cuối cùng của ta đã đến, tuy vậy các con phải hiểu rằng cái chết chỉ
là sự tan rã của xác thân vật chất mà thôi. Thân xác được cha mẹ sinh ra, nó
lớn lên nhờ thức ăn, nó không có cách gì tránh khỏi bịnh tật và cái chết. Một
vị Phật đích thực không mang thân xác con người, mà vỏn vẹn chỉ là sự Giác ngộ.
Chỉ có sự Giác Ngộ mà thôi. Thân xác con người phải tiêu tan, nhưng Trí tuệ của
Giác ngộ sẽ trường tồn vô tận trong thực thể của Đạo Pháp, trên con đường tu
tập
Đạo Pháp. Nếu có ai chỉ thấy thân xác ta thì kẻ ấy không thấy ta một cách
thật sự. Chỉ có người nào chấp nhận những lời giáo huấn của ta mới thật sự nhìn
thấy ta.

« Sau khi ta tịch diệt,
Đạo Pháp thay ta làm vị thầy cho các con. Biết noi theo Đạo Pháp, ấy chính là
cách các con tỏ lòng trung thành với ta. Trong bốn mươi lăm năm sau cùng trong
cuộc đời của ta, ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng
có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những
lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thậtminh bạch.

« Này các con yêu quý
của ta, đây là giây phút chấm dứt. Trong một khoảnh khắc nữa ta sẽ nhập vào
Niết bàn. Những lời này là những lời dặncuối cùng của ta cho các con
».

Người chép lại những lời
này của Phật xin chắp tay mong rằng :

– Vì Phật, chúng ta hãy
đọc lại những lời nhắn nhủ trên đây thêm một lần.

– Vì tất cả chúng sinh,
vì sự đau khổ của muôn loài, chúng ta lại đọc thêm một lần nữa.

– Để gởi đến từng đơn vị
nhỏ nhoi nhất của sự sống, chúng ta lại đọc thêm một lần nữa, đọc thêm một lần
nữa…

Chúng ta nguyện sẽ đọc
lên và đọc lên cho từng chúng sinh một, ta đọc cho đến khi nào những lời dặn
trên đây của Phật trở thành những lời dặnxuất phát từ chính tâm thức ta, để
nhắn nhủ cho chính ta, nhắn nhủ những người chung quanh ta, kể cả những sinh
linh
nhỏ nhoi nhất của sự sống. Khi những lời nhắn nhủ chân thật và tràn đầy Từ
bi
trên đây của Phật trở thành làn hơi thở của của chính ta, thì biết đâu lúc
ấy
ta cũng sẽ là một vị Phật ?

Bures-Sur-Yvette (Pháp
quốc)

Hoang Phong

(Biên soạn dựa theo một bài
viết của Thiền sư và Giáo sư Triết học ngưới Pháp Gérard Pilet, đăng trong nội
san của Hội Thiền học Quốc tế AZI (Association Zen Internationale), trụ sở tại
Paris, và tài liệu của Bukkyo Dendo Kyokai (Society For the Promotion of
Bouddhism), trụ sở tại Tokyo).