NHỮNG BÀI KINH ĐỂ HÁT
TRƯỜNG HỢP CỦA KINH
BÁT NHÃ
Hoang Phong
Có những bài kinh mà ta
thường đem ra để đọc và để tụng trong các buổi lễ ở chùa, ở tu viện, ở tư
thất…Tôi nghĩ rằng đọc kinh hay tụng kinh là một phần chủ yếu trong sự tu tập
hằng ngày. Ảnh hưởng của đọc và tụng hết sức tích cực và rộng lớn : giúp ta
hiểu và thấu triệt giáo lý của Phật hoặc để khơi động lòng từ bi, tập trung tâm
thức của ta…. Trong bài viết ngắn này tôi chỉ muốn nêu lên một khía cạnh rất
nhỏ của việc đọc kinh hay tụng kinh mà thôi. Tôi nghĩ rằng không phải chỉ đơn
giản đọc hay tụng kinh là đủ, nhưng đúng hơn ta phải Hát Kinh. Hát như ta thường
thấy những những người chung quanh ta cất tiếng để hát lên những bài ca, những
bài hát ngợi ca những thứ hạnh phúc và xúc cảm của thế tục. Ta hát kinh để thấm
nhuần những lời giảng huấn của Phật và để khơi động những xúc cảm thanh cao của
ta, để truyền ra chung quanh ta những xúc động tinh khiết, đồng thời để tinh
lọc thân xác và tâm thức ta.
Đọc có thể đôi khi không
hiểu, tụng có khi chỉ là cách tập luyện trí nhớ. Hát là một cách tập trung xúc
cảm và tâm thức. Tuy rằng kinh điển phần lớn trình bày những lời giảng huấn của
Phật, nhưng cất tiếng hát lên những lời giảng huấn ấy, mặc dù không cần hiểu
hết, cũng là một cách tu tập. Hát lên để cởi bỏ mọi tư tưởng, để quán chiếu bên
ngoài và để nhìn vào nội tâm. Hát lên để thanh lọc tâm thức ta, tạo ra một môi
trường an bình và một không gian tinh khiết chung quanh ta.
Hát kinh không cần có
một giọng tốt, một giọng hay, vì hát kinh không phải là cách để biểu lộ cái «
ta » hay cái « ngã », mà để biểu lộ những xúc cảm cao cả và lòng từ bi của ta.
Hát kinh thường là hát tập thể hay hoà ca, hát lên không phải là tìm cách hát
hay hơn và truyền cảm hơn nhưng người chung quanh, trái lại hát để xoá bỏ cái «
ta », để hội nhập với những người chung quanh. Nếu hiểu được như thế, dù cho
chúng ta không hiểu hết ý nghĩa của kinh cũng không sao, vì hội nhập với người
khác bằng tiếng hát trong mục đích xoá bỏ được cái « ngã », ấy mới là điều quan
trọng.
Chẳng hạn như khi ta hát
kinh Bát-nhã Ba-la-mật (Prajna Paramita Sutra), ta không cần chú tâm vào ý
nghĩa của câu kinh, ta chỉ cần chú tâm vào hơi thở và ta hát thế nào cho hoà
nhập với những người cùng hát. Chú tâm vào hơi thở là nhìn vào tâm thức của ta,
hội nhập với những người chung quanh là phá bỏ cái « ta » và hoà mình với không
gian và môi trường chung quanh.
Kinh Bát-nhã Ba-la-mật,
nguyên thủy được viết bằng Phạn ngữ, ghi lại những lời giảng của Phật, gồm tất
cả 600 quyển. Nguyên bản gồm 100 000 tiết. Nhưng có nhiều bản tóm lược chỉ gồm
25 000, 18 000, 8 000, 700, 500 và 300 tiết…Bản ngắn nhất, gồm 25 đến 30 tiết,
là bản thu gọn thường được hoà ca trong các tu viện hay đơn ca nơi tư thất, hoà
với tiếng mõ, tiếng chuông, vang lên khắp nơi trong các nước Phật giáo. Trong
bản kinh thu gọn này có một câu thiêng liêng bằng tiếng Phạn, được âm ra thành
các ngôn ngữ địa phương. Câu kinh thiêng liêng này, tuy có nghĩa, nhưng không
cần hiểu nghĩa, chỉ dùng để đọc lên và hát lên mà thôi, ấm hưởng của nó có một
tác dụng siêu hình và một sức mạnh vượt bực. Đây là bài kinh căn bản cho toàn
thể Phật giáo nói chung, nhất là cho Đại thừa.
Kinh Bát Nhã còn gọi là
Tâm Kinh, được hình thành từ thời của Phật. Bồ-tát Long Thọ diễn giải cặn kẽ
vào thế kỷ thứ II, sang thế kỷ thứ IV được Sư Cưu-Ma-La-Thập (344-413) dịch ra
tiếng Hán, sau đó kinh được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc và lan truyền sang
các nước khác cho đến nay.
Tựa của kinh Bát-nhã
Ba-la-mật có nghĩa nguyên văn như sau : « Tinh túy của bài kinh về Trí
tuệ rộng lớn giúp đạt đến bến bờ của phía bên kia ».
Thật ra Kinh Bát Nhã
được trình bày bằng cách nêu lên những lời thuyết giảng của Quán Thế Âm dành
cho Xá-Lỵ-Phất, một đại đệ tử của Phật. Chủ đề của Kinh Bát-Nhã là Tánh
Không.
Chủ đề này dựa trên
nguyên tắc theo đó tất cả mọi hiện tượng, dù là bên ngoài thuộc thế giới chung
quanh, hay bên trong thuộc về tâm thức, tất cả đều là ảo giác, không thực,
không có một sự hiện hữu tự tại hay nội tại, tức là vô thường. Chúng chỉ hiện
hữu bằng tương liên và tương tác, không có tính cách độc lập và tự tại.
Chẳng hạn như thân xác
ta là ảo giác, không thật, bản chất của nó là tánh không, vô thực thể, có nghĩa
là thân xác đó vô thường. Nó biến đổi từng giây tứng phút một, từ lúc ấu thơ
đến lúc già nua, luôn luôn lệ thuộc vào những điều kiện. Sự hiện hữu của nó,
tức sự sống của thân xác, lệ thuộc vào không khí để thở, vào thức ăn để nuôi
dưỡng v.v…Nếu tiếp tục suy rộng hơn nữa ta sẽ thấy nó lệ thuộc đến tất cả vũ
trụ này, lệ thuộc với những vật liệu xuất phát từ vụ nổ lớn (Big Bang) tạo ra
vũ trụ.
Hát lên bài kinh Bát Nhã
là cách làm sống dậy một cách thật sinh động một sự thật tuyệt đối, tức là tánh
không, đồng thời cảm nhận một cách trực tiếp và tức thời tánh cách vô thực thể
của mọi hiện tượng. Hát lên để xoá bỏ mọi giác cảm, mọi xúc động bấn loạn, mọi
oán hờn, thèm khát, lo âu và sợ hải. Khi hát lên, tâm thức sẽ trở nên rộng lớn
và vượt ra khỏi mọi biên giới, giao hưởng với tiếng hát của những người khác và
hội nhập với không gian. Tôi nghĩ rằng những chữ đọc, tụng và hát khác nhau ở
điểm then chốt này.
Hát lên tức là làm cho
kinh Bát nhã trở nên linh động, thổi vào kinh một sức sống. Hát lên một bài
kinh giống như lắp đôi cánh cho một con chim.
Câu kinh có tính cách
thiêng liêng nêu lên trong kinh Bát Nhã như sau :
Âm theo tiếng Phạn :
« Tayatha gaté gaté
paragaté parasamgaté bodhi, svaha ! »
Âm ra tiếng Hán Việt như
sau :
« Yết đế, yết đế, ba la
yết đế, ba la tăng yết đế Bồ đề tát bà ha »
Nghĩa của câu này như
sau :
« Hãy bước lên, hãy bước
lên, bước hẳn sang phía bên kia của bên kia bờ giác ngộ »
Câu dịch nghĩa này tôi
dựa vào một bản dịch bằng tiếng Pháp của các trường phái Thiền học (Zen). Bên
kia của bên kia bờ giác ngộ cho thấy không còn một định hướng nào nữa, không
còn trước và sau, không còn bên này và bên kia, không có thể thụt lùi hay bước
tới được nữa, là một nơi chấm dứt hoàn toàn. Bước sang bờ bên kia, tức là còn
bên này và bên kia, còn mang tính cách nhị nguyên.
Chữ cuối cùng svaha (tát
bà ha) không có nghĩa, nhưng âm hưởng mang tính cách thiêng liêng, giống như
những chữ trong câu thần chú Um Ma Ni Bát Mê Hồng. Trong bản Bát Nhã lưu truyền
ở Tây tạng thường có thêm chữ Tayata ở đầu câu, chữ này có tính cách kêu gọi,
khơi động và hưởng ứng, chỉ nhắm vào ẩm hưởng, không có nghĩa hẳn hoi.
Tóm lại câu kinh thiêng
liêng này theo tôi không phải để đọc suông mà phải hát lên, âm hưởng của tiếng
hát là những gì thiêng liêng trong câu kinh, có thể đưa đến giác ngộ trực tiếp.
Trên đây là trường hợp
của kinh Bát Nhã, nhưng tôi nhận thấy phần lớn các kinh khác đều có thể dùng để
hát. Hát như tiếng hát của người mẹ ru con, của những điệu ca dân gian, phát
lên những âm hưởng truyền cảm đi sâu vào lòng người hát cũng như người nghe.
Ngâm một bài thơ cũng thế. Đọc một bài thơ và ngâm một bài thơ có những tác
động khác nhau. Tiếng hát, tiếng ngâm cũng có thể xem là một hình thức của
thiền định vậy.
Hoang Phong, 08.12.06