NGƯỜI XUẤT GIA VÀ OAI NGHI, GIỚI LUẬT TU SĨ
Ty Khuu Ni Phap Hy Dhammananda
Có những khi đức Phật phải nghiêm khắc, rất nghiêm khắc nhưng đó lại là một khía cạnh khác của lòng từ bi. Trong một dịp ở thị trấn Catuma trong rừng cây Kha-lưu-lạc (Myrobalan), xứ của người Sakya (Thích Ca), đức Điều Ngự đang ở trong tịnh thất thì nghe tiếng ồn ào náo động ở trong tịnh xá. Ngài gọi ngài Ananda – lúc đó là thị giả vào hỏi xem có chuyện gì (các đức Thế Tôn dù biết vẫn hỏi để xác thực) thì được vị này giải thích là tối hôm đó có 500 vị tỳ kheo là đệ tử mới nhập môn của hai vị trưởng lão Sariputta và Moggalana vừa mới đến tịnh xá để yết kiến đức Thế Tôn. Trong khi họ vào chùa chào hỏi các vị tăng trong trú xứ, tìm đến liêu cốc, đặt bình bát y áo, vv họ đã phát ra những tiếng động lớn và rất ồn ào đến độ như tiếng hàng tôm hàng cá chào mời và trả giá ở chợ.
Ngay lúc đó Thế Tôn bảo ngài Ananda cho gọi họ đến và quở trách họ vì đã gây ra tiếng động và có tư cách ồn ào lộn xộn như vậy .Thế Tôn đã nói:
— Hãy đi đi, này các Tỷ-kheo, Ta đuổi các Ông. Các Ông chớ có ở gần Ta.
Lời cảnh tỉnh của Đức Phật thật như gáo nước lạnh dội lên mặt các vị trưởng lão, họ biết đức Thế Tôn từ bi vô lượng,[1] và cách ngài “xua đuổi” các đệ tử của họ cũng chỉ vì lòng từ bi. Sáng sớm hôm đó 500 vị tân tỳ khưu lủi thủi ôm bình bát và các vật dụng cần thiết rời rừng cây Myrobalan – nơi có thế Tôn và các thánh tăng trú ngụ. Nhìn họ rất tội nghiệp nên các Thích tử ở Catuma đã động viên an ủi họ và tìm cách tiếp cận đức Phật xin giùm họ, Phạm Thiên Sahampatti cũng rũ lòng thương và hiện đến chỗ Như Lai xin giùm. Họ nói về tỷ dụ những hạt giống mới ươm mầm, các cây con cần được chăm sóc, và cũng giống như những con bê con cần được uống sữa mẹ, cần được dạy dỗ và bảo bọc của bò mẹ, như vậy các vị tân tỳ khưu mới xuất gia trong Pháp và Luật của đức Thế Tôn cũng cần được gần gũi bậc Đạo Sư để được bảo ban dạy dỗ.
Rồi Thế Tôn cho gọi các Tỷ-kheo:
— Này các Tỷ-kheo, có bốn điều đáng sợ hãi chờ đợi những ai lội xuống nước. Thế nào là bốn? Sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về nước xoáy, sợ hãi về cá mập. Này các Tỷ-kheo, bốn điều đáng sợ hãi này chờ đợi những ai lội xuống nước. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn điều đáng sợ hãi này, ở đây, chờ đợi những người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này. Thế nào là bốn? Sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về nước xoáy, sợ hãi về cá mập. (MN. 67)
Khi đọc bài kinh này chúng tôi cảm thấy rất thú vị về cách hành xử và cách răn dạy các vị Tỳ khưu của đức Thế Tôn. Chúng ta được biết về những năm đầu tiên của giáo pháp (Buddha Saasana) giới luật chưa được ấn định, các vị tân xuất gia phần lớn là từ thành phần cao của xã hội, như năm vị tu khổ hạnh cùng ngài Kiều Trần Như (Kodaňňo) và các vị Yassa và bạn của họ, hay các vị đạo sĩ bện tóc thờ thần lửa- họ đều đã được giáo dục rất tốt về oai nghi giới hạnh của bậc thượng lưu và tu sĩ, nên không phiền đức Thế Tôn phải chỉ bày cho họ về các tiểu tiết của đời sống phạm hạnh. Thế Tôn chỉ cần nói rõ về nguyên lý của các Pháp, tùy theo căn cơ trình độ của họ mà chỉ ra con đường trực chỉ giác ngộ, các vị Thinh Văn đệ tử liền thấy ra và liễu ngộ để sống đời phạm hạnh một cách rốt ráo.
Như trường hợp của ngài Assaji (Mã Sinh) – thấy pháp sau khi nghe Thế Tôn thuyết giảng về Tứ Diệu Đế và pháp Vô Ngã – chỉ cần tu tập dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn trong ba tháng an cư kiết hạ là có thể du hành một mình, và tùy duyên chia sẻ pháp duyên khởi[2] đến những ai đang tìm cầu chân lý – giác ngộ và giải thoát. Tư cách đi đứng nằm ngồi oai nghiêm tĩnh lặng, tư cách chia sẻ pháp ngắn gọn súc tích, vv của ngài Assaji đã thu phục được ngài Sariputta (Xá Lợi Phất) hoàn toàn. Sau khi yết kiến đức Thế Tôn theo lời chỉ dẫn của thầy Assaji, ngài Sariputta đã tiếp tục tu tập dưới sự chỉ dẫn của đức Thế Tôn, chỉ sau vài tuần là chứng ngộ được quả thánh cao nhất của một vị thinh văn đệ tử, trở thành bậc Arahan và phát triển thành một bậc lãnh đạo tăng đoàn có uy tín cao.
Tuy nhiên, không phải cứ thầy giỏi thì trò cũng giỏi liền ngay. Hai vị trưởng tử của Như Lai là Sariputta và Moggalana (Mục Kiền Liên) sau khi trưởng thành trong giáo pháp cũng thường đi du hành, có khi cùng nhau, có khi tách biệt, và họ cũng nhận đệ tử để hướng dẫn hàng hậu sinh. Trường hợp 500 vị đệ tử chung mà họ nhận và đưa về yết kiến đức Phật ở Catuma là một ví dụ điển hình. Các vị này có thành phần xuất thân khác nhau, có sở trường sở đoạn khác nhau, và một điều nữa là họ xuất gia khi tuổi đời đã tương đối lớn. Khi đã lớn tuổi mới xuất gia thì họ đã hình thành những thói quen khác nhau, những tập khí khó sửa. Càng già càng khó thay đổi, mà nếu cứng đầu và chấp thủ nhiều thì càng khó dạy và làm phiền não đến thầy và bạn đồng tu.
Quay trở lại với bài kinh đức Thế Tôn giảng dạy tại Catuma cho các vị tân xuất gia, cũng chỉ là chuyện đi đứng nằm ngồi, ăn nghỉ và giao tiếp – tương tác với các vị đồng phạm hạnh hay với hàng tại gia cư sĩ mà thể hiện tư cách của người xuất gia có oai nghi phạm hạnh hay không. Kinh văn đọc như sau:
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về sóng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Thiện gia nam tử vì lòng tin, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này”. Khi được xuất gia như vậy, vị này được các vị đồng Phạm hạnh giảng dạy, khuyến giáo: “Ông cần phải đi ra như vậy, Ông cần phải đi về như vậy; Ông cần phải ngó tới như vậy, Ông cần phải ngó quanh như vậy; Ông cần phải co tay như vậy, Ông cần phải duỗi tay như vậy; Ông cần phải mang y sanghati (tăng-già-lê), mang y bát như vậy”. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Trước kia, chúng ta chưa xuất gia, chính chúng ta giảng dạy, khuyến giáo người khác. Những người này giống như con chúng ta, giống như cháu chúng ta, lại nghĩ rằng cần phải giảng dạy chúng ta, cần phải khuyến giáo chúng ta”. Vị ấy từ bỏ học tập, và trở về hoàn tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này từ bỏ sự học tập và trở về hoàn tục, được gọi là người bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về sóng. Này các Tỷ-kheo, sợ hãi về sóng là đồng nghĩa với phẫn não.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về cá sấu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này”. Khi được xuất gia như vậy, vị này được các vị đồng Phạm hạnh giảng dạy, khuyến giáo: “Ông nên nhai cái này, Ông không nên nhai cái này; Ông nên ăn cái này, Ông không nên ăn cái này; Ông nên nếm cái này, Ông không nên nếm cái này; Ông nên uống cái này, Ông không nên uống cái này. Cái gì được phép, Ông nên nhai; cái gì không được phép, Ông không nên nhai. Cái gì được phép, Ông nên ăn; cái gì không được phép, Ông không nên ăn. Cái gì được phép, Ông nên nếm; cái gì không được phép, Ông không nên nếm. Cái gì được phép, Ông nên uống; cái gì không được phép, Ông không nên uống. Đúng thời, Ông nên nhai, không đúng thời, Ông không nên nhai. Đúng thời, Ông nên ăn; không đúng thời, Ông không nên ăn. Đúng thời, ông nên nếm; không đúng thời, Ông không nên nếm. Đúng thời, Ông nên uống; không đúng thời, Ông không nên uống”.
Vị ấy suy nghĩ như sau: “Trước kia chúng ta chưa xuất gia, cái gì chúng ta muốn, chúng ta nhai, cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không nhai; cái gì chúng ta muốn, chúng ta ăn; cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không ăn; cái gì chúng ta muốn, chúng ta nếm, cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không nếm; cái gì chúng ta muốn, chúng ta uống; cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không uống. Cái gì được phép, chúng ta nhai; cái gì không được phép, chúng ta cũng nhai. Cái gì được phép, chúng ta ăn; cái gì không được phép, chúng ta cũng ăn. Cái gì được phép, chúng ta nếm; cái gì không được phép, chúng ta cũng nếm. Cái gì được phép, chúng ta uống; cái gì không được phép, chúng ta cũng uống. Cái gì đúng thời, chúng ta nhai; cái gì phi thời, chúng ta cũng nhai. Cái gì đúng thời, chúng ta ăn; cái gì phi thời chúng ta cũng ăn. Cái gì đúng thời, chúng ta nếm; cái gì phi thời chúng ta cũng nếm. Cái gì đúng thời, chúng ta uống; cái gì phi thời chúng ta cũng uống. Khi các gia chủ có tín tâm cúng dường chúng ta những món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, hình như các món ăn ấy đang bị chận đứng lại trên miệng”. Vị ấy từ bỏ học tập, và trở về hoàn tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này từ bỏ học tập, và trở về hoàn tục, được gọi là người bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về cá sấu. Sợ hãi về cá sấu, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với tham ăn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về nước xoáy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này”. Khi được xuất gia như vậy, vị này buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng hộ thân, không phòng hộ lời nói, niệm không an trú, các căn không chế ngự. Ở đây, vị này thấy gia chủ hay con người gia chủ hưởng thụ một cách đầy đủ, năm dục trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong ấy. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Chúng ta xưa kia chưa xuất gia đã hưởng thọ một cách đầy đủ năm dục trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong ấy. Vì nhà ta có tài sản, ta có thể vừa hưởng thọ tài sản, vừa làm công đức”, vị ấy từ bỏ học tập và trở về hoàn tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, vị này từ bỏ học tập và trở về hoàn tục, được gọi là người bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về nước xoáy. Này các Tỷ-kheo, sợ hãi về nước xoáy là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về cá mập? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này”. Khi được xuất gia như vậy, vị này buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng hộ thân, không phòng hộ lời nói, niệm không an trú, các căn không chế ngự. Vị này thấy ở đây các phụ nữ y phục không đoan chánh, hay y phục mặc lộ liễu. Khi thấy các phụ nữ y phục không đoan chính hay y phục lộ liễu, dục tình phá hoại tâm của vị ấy. Vị này, tâm bị dục tình phá hoại, từ bỏ học tập, trở về hoàn tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này từ bỏ học tập và trở về hoàn tục, được gọi là người bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về cá mập. Này các Tỷ-kheo, sự sợ hãi về cá mập là đồng nghĩa với bị lôi cuốn bởi nữ sắc.
Này các Tỷ-kheo, những điều này là bốn điều đáng sợ hãi ở đây, chờ đợi những người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này.” (MN. 67, Catuma Sutta)
Kết luận:
Bài kinh này rất đáng cho chúng ta suy ngẫm, nhất là trong bối cảnh nước Mỹ (USA) nơi mà Đạo Phật mới bén rễ. Trong cộng đồng của người châu Á nhập cư – những người mang theo đạo Phật là đạo gốc của họ đến xứ sở mới. Ở đây vì nhiều nguyên nhân, các vị xuất gia thường là các vị đã trưởng thành, đã lớn tuổi, đã có gia thất và tài sản hay địa vị thế gian, khi xuất gia lại không được training, không được sống trong tăng chúng với những bậc phạm hạnh có oai nghi và thấu hiểu giới luật, những bậc tôn túc hành trì giới luật nghiêm túc nhưng vẫn có tinh thần cởi mở. Khi không được gần gũi các bậc thiện tri thức, các bậc thầy có đầy đủ cả thân giáo và khẩu giáo – lại quen với lối sống phóng túng và dư thừa ở Mỹ quốc – họ rất dễ du nhập các giá trị và thói quen của đời sống thế gian vào trong tăng đoàn, và gián tiếp đánh mất niềm tin nơi người Phật tử hay người chưa có đức tin.
Chú giải của bài kinh Catuma có kể lại là 500 vị tân xuất gia đệ tử của ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên sau khi được đức Phật giáo huấn, họ đã ra đi và tinh tấn thực hành những lời dạy mà họ đã nghe được. và chỉ sau ba tháng Hạ, họ đều trưởng thành và chứng đắc các quả vị giải thoát mà vì mục đích này họ đã xuất gia tầm đạo.
Ty Khuu Ni Phap Hy Dhammananda
[1] MN. 67: — Này Sariputta, Ông đã nghĩ gì khi chúng Tỷ-kheo bị Ta đuổi?
— Bạch Thế Tôn, khi chúng Tỷ-kheo bị Thế Tôn đuổi, con nghĩ như sau: “Nay Thế Tôn sẽ được ít bận rộn, sẽ được an trú trong hiện tại lạc. Chúng con nay cũng được ít bận rộn, sẽ được an trú trong hiện tại lạc.
— Này Sariputta, hãy chờ đợi! Này Sariputta, hãy chờ đợi! Này Sariputta, chớ có để tư tưởng như vậy khởi lên Ông nữa.
Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Mahamoggallana:
— Này Moggallana, Ông đã nghĩ gì khi chúng Tỷ-kheo bị Ta đuổi?
— Bạch Thế Tôn, khi chúng Tỷ-kheo bị Thế Tôn đuổi, con nghĩ như sau: “Nay Thế Tôn sẽ được ít bận rộn, sẽ được an trú trong hiện tại lạc. Và từ nay con và Tôn giả Sariputta sẽ lãnh đạo chúng Tỷ-kheo.
— Lành thay, lành thay, Moggallana. Này Moggallana, chỉ có Ta hay Sariputta và Moggallana mới có thể lãnh đạo chúng Tỷ-kheo được.
[2] Vin. iii: “ye dhammā hetuprabhava tesaṃ hetuṃ tathāgato āha,
tesañca yo nirodho – evaṃ vādī mahāsamaṇo “ are the words spoken by the Arahant Assaji (Sanskrit: Aśvajit) to Upatissa, later to become known as Sariputta (Sanskrit: Śariputra).