BUÔNG
BỎ CHẤP TRƯỚC MỚI THOÁT KHỎI LUÂN HỒI
Người
giảng: Lão Hòa thượng Tịnh Không
Thời
gian: ngày 28 tháng giêng năm 2004
Địa
điểm: Đông Kinh Nhật Bản
************
Xin chào các vị pháp sư, các vị đồng tu! Chúc
các vị năm mới an lạc!
Năm nay cũng là một năm rất hy hữu khó được.
Tôi nhận lời mời đến Cang Sơn, Nhật Bản tham dự hội nghị của Liên Hiệp Quốc,
một hội nghị mười năm giáo dục liên tục. Ngay đêm giao thừa tôi đã đến Nhật
Bản, cho nên năm nay ăn tết truyền thống của chúng ta ở Nhật Bản. Tham dự hội
nghị lần này, xem thấy có một số người hảo tâm phía Nhật Bản, họ rất là nhiệt
tâm đối với hòa bình, luôn tận tâm tận lực, hy vọng xã hội có thể được an định,
thế giới có thể được hòa bình. Người tham dự hội nghị lần này tuy là không nhiều,
họ đến từ rất nhiều quốc gia khu vực khác. Những người này hiện tại có thể nói
họ đều là người tốt, thảo luận rất nhiều, thế nhưng làm thế nào để thực tiễn?
Đó là một vấn đề. Tháng bảy năm ngoái, tôi tham dự hội nghị hòa bình của Liên
Hiệp Quốc ở Băng Cốc, cảm xúc của tôi rất sâu sắc. Tần suất động loạn của thế
giới mỗi năm mỗi cao hơn, tai hại mỗi năm mỗi nghiêm trọng hơn. Làm thế nào
thực tiễn [xã hội an định, thế giới hòa bình]? Đây chỉ là chuyển đổi một ý
niệm, nếu như họ không chuyển được thì mãi mãi không thể thực hiện. Cho nên vấn
đề này vô cùng khó khăn, ai có thể buông bỏ tự tư tự lợi? Cội gốc của động
loạn là do tự tư tự lợi mà ra, không thể buông bỏ tự tư tự lợi thì không thể
mỗi niệm vì xã hội, vì tất cả chúng sanh mà tạo phước, do đó hội nghị này sẽkhông cách gì thực hiện. Không những là những nhân sĩ thông thường trong xã
hội, mà bao gồm tất cả các tôn giáo trên thế giới cũng đều như vậy.
Tôn giáo bị suy yếu rồi, việc này mọi người
đều thấy rõ, không chỉ Phật giáo suy yếu, Đạo giáo cũng suy, ở Trung Quốc, Nho
giáo cũng suy luôn. Lại tỉ mỉ quan sát toàn thế giới, không một tôn giáo nào là
ngoại lệ, hình thức của tôn giáo thì vẫn còn lưu giữ, thực chất của tôn giáo
thì không còn thấy nữa. Ở Đài Loan các vị đều đã biết, mỗi một đạo tràng của Phật
giáo, mỗi một chùa chiền đều không đoàn kết, một nhà với nhau cũng không đoàn
kết, thậm chí đến ở chung trong một tự viện, chúng ở nhiều rồi thì chia bè chia
phái. Người xưa Trung Quốc thường nói “gia hòa vạn sự hưng”. Hai người ở chung
một chùa mà cũng gây lộn, cũng bất hòa thì làm sao Phật pháp có thể hưng thạnh
được? Phật giáo đã như vậy, các tôn giáo khác cũng không ngoại lệ, cho nên gọi
là loạn thế, thế giới đại loạn. Từ xưa đến giờ chưa từng xảy ra việc này,
nguyên nhân gì tạo ra vậy? Do giáo dục tạo thành, cũng chính là chúng ta đã xem
thường giáo dục, không những là một đời này của chúng ta, mà đời trước của
chúng ta, một đời trước chúng ta nữa, chí ít có thể truy ngược về ba, bốn đời
trước đã xem thường giáo dục.
Các tổ tiên Trung Quốc đối với việc này biết
được rất rõ ràng, rất thấu triệt. Cổ thánh tiên hiền Trung Quốc giáo dục người
sau, theo lịch sử mà nói, chí ít có thể truy ngược về 5000 năm trước, có văn tự
ghi chép “Nghiêu Thuấn Vũ Thương”, Nghiêu Thuấn cách chúng ta ngày nay 4500
năm. Người xưa Trung Quốc không ai không xem trọng giáo dục. Khi trào nhà Hán
lập quốc, chính sách của quốc gia có tám chữ “ Dựng nước an dân, giáo dục làm
đầu”, cho nên Trung Quốc dùng cái gì để trị quốc? Dùng giáo dục, “tu thân, tề
gia, trị quốc, bình thiên hạ”, hoàn toàn dùng giáo dục, do đó có hơn 2000 năm
thống nhất, không hề phân chia. Việc này ngay đến người ngoại quốc cũng khen
ngợi. Chúng ta hôm nay ở đất nước Nhật Bản này, xem ghi chép buổi nói chuyện
của Tiến sĩ Thang Ân Tỷ của nước Anh cùng với đại tác gia của Nhật Bản, chúng
ta ở Đài Loan xem được bản dịch sang Trung văn. Thang Ân Tỷ rất tán thán Trung
Quốc, cho rằng chân thật có thể ảnh hưởng đến thế kỷ 21 là Trung Quốc. Lời nói
này chúng ta phải ghi nhớ, không phải chánh trị của Trung Quốc, không phải vũ
lực của Trung Quốc, cũng không phải là kinh tế khoa học kỹ thuật của Trung
Quốc, mà là văn hóa của Trung Quốc. Ai có thể làm theo văn hóa của Trung Quốc,
ai có thể phát huy văn hóa Trung Quốc thì người đó có thể lãnh đạo thế giới.
Tầm nhìn của họ là từ nơi lịch sử mà đưa ra phán đoán này.
Văn hóa Trung Quốc là gì? Chính là luân lý
đạo đức. Luân lý là dạy cách quan hệ giữa người và người, người hiện tại không
hiểu, không biết quan hệ giữa người và người thì gọi là loạn luân. Luân lý là
đạo, vâng giữ luân lý là đức. Vào mấy năm gần đây tôi giảng về đạo đức. Cái gì
là đạo? Cái gì là đức? Người thông thường giảng nói đạo đức nói được rất hay,
nhưng chúng ta không dễ gì nghe hiểu, tôi nói được rất đơn giản. Đạo chính là
pháp tắc vận hành của đại tự nhiên, tùy thuận pháp tắc tự nhiên thì gọi là đức,
nếu như trái phạm thì tai nạn liền đến. Tôi thường hay nhắc nhở các đồng tu là
đạo ở chỗ nào? Đạo chính ngay ở chính thân mình. Bạn tỉ mỉ mà quan sát cái thân
thể này của chúng ta, cái thân thể này là tự nhiên sanh thành, cha mẹ sanh ra
con cái, sanh ra đứa trẻ, tuyệt nhiên không có cái ý muốn đứa nhỏ phải nên làm
như thế nào đó, không có cái ý muốn đứa bé có ba con mắt hoặc phải có ba lỗ
tai, không hề có cái ý như vậy. Họ đều thuận theo tự nhiên, đó là phép tắc của
tự nhiên, là đạo, cho nên là thiên nhiên, không hề có cái ý nào trong đó. Nếu
thêm một tí ý gì trong đó thì đạo liền bị phá vỡ.
Thánh nhân dạy bảo chúng ta, đạo ở ngay trong
nhân luân, phát khởi ngay nơi vợ chồng, cho nên kết hợp của vợ chồng là hiện
tượng của tự nhiên, đó là đạo. Có vợ chồng thì sau mới có cha con, có anh em,
có quần thần, có bè bạn. Đây là đã đem nhân luân nói ra hết rồi, không ngoài
năm loại lớn này, đó là đạo. Cho nên gốc của đạo là ở hiếu thân, ở tôn sư.
Người Trung Quốc nói đức là “hiếu để trung tín, lễ nghĩa liêm khiết, nhân ái
hòa bình”. Mười hai chữ này không phải do người nào phát minh, không phải do
người nào sáng lập, mà là đạo lý tự nhiên. Mười hai chữ này là thiên tính của
mỗi một người, không có người nào là không đầy đủ, tại vì sao đến bây giờ bạn
lại quên hết? Bạn đã mê mất tự tánh, nhà Phật thường nói “đem cái tính đức hoàn
mỹ nguyên bổn của chính bạn thảy đều quên mất hết”. Tư tưởng hành vi của bạn
hoàn toàn trái ngược với tánh đức của bạn thì tai hại liền đến. Chúng ta đem luân
lý đạo đức xã hội hiện nay ra mà đối chiếu thì thấy, khởi tâm động niệm, lời
nói việc làm hoàn toàn trái ngược với tánh đức, trái ngược đến 180 độ, như vậy
thì thế giới này làm sao mà không động loạn chứ?
Tai nạn nghiêm trọng nhất, như người phương
tây đã nói là “ngày tàn của thế giới”. Chúng ta cũng đã từng xem thấy, có rất
nhiều lời tiên đoán cổ xưa của ngoại quốc, của Trung Quốc nói ngày tàn thế giới
chính là ngay hiện tại. Năm trước tôi ở Singapore. Singapore có một vị viện
trưởng Viện Thần Học, ông rất cảm khái mà nói ra một câu, ông nói, ngày tàn thế
giới rõ ràng là năm 1999, năm 2000, vì sao lại không xảy ra? Kỳ lạ thật! Không
sai, đích thực là ở năm 2000. Nhưng vì sao không xảy ra? Bởi vì tiên đoán năm
2000 này người của toàn thế giới đều biết, nên từ năm 1999 đến năm 2000 các tín
đồ của toàn thế giới ngày ngày cầu nguyện, sự cầu nguyện này đã có hiệu quả,
không phải không có nguyên nhân, cho nên tai nạn này bị kéo chậm lại, kéo giãn
ra, không phải không có, chỉ chậm lại thôi. Nếu như có thể giữ được tâm chân
thành cầu nguyện này, vĩnh viễn không gián đoạn thì tai nạn này có thể được hóa
giải, sẽ không có. Thế nhưng trải qua hai năm rồi, mọi người đều nói đó là mê
tín, làm gì có việc này, không phải đã bình an trải qua rồi hay sao? Thế là tạo
tác tội nghiệp, càng làm cho tệ hại hơn, sẽ nghiêm trọng hơn, nguy hiểm hơn so
với trước nhiều, vậy thì không còn cách nào. Việc này chúng ta chính mình phải
biết.
Cho nên có rất nhiều đồng tu đến hỏi tôi, tôi
nói với mọi người không nên sợ tai nạn, con người có sanh thì ắt có tử, sanh tử
là đạo, đó là hiện tượng tự nhiên, trong kinh Phật nói chúng sanh hữu tình có
sanh lão bệnh tử, chúng sanh vô tình có sanh trụ dị diệt, ngay đến tinh cầu
cũng có thành trụ hoại không, đó là hiện tượng tự nhiên, đó là đạo. Phật nói
được rõ ràng nguyên nhân gì chi phối cái hiện tượng này? Phật nói đó là nghiệp
lực, nghiệp lực của chúng sanh, nguyện lực của Phật Bồ Tát khiến cho thế giới
này sanh diệt không trụ, mãi mãi đều ở luân hồi, hữu tình thế gian luân hồi, bỏ
thế gian cũng ở luân hồi, tinh cầu thành trụ hoại không cũng là luân hồi.
“Không” là hủy diệt, chính là ngày tàn, “thành” chính là lại bắt đầu, cho nên
tinh cầu tinh hệ của vũ trụ cũng là đang luân hồi, nhưng thời gian của nó dài,
thọ mạng của chúng ta ngắn, chúng ta không thấy được. Thế nhưng hiện tại khoa
học dùng rất nhiều máy móc để trắc nghiệm, đã hiểu rõ được hiện tượng này. Đã
là hiện tượng tự nhiên thì là bình thường, cho nên sanh không có gì đáng để vui
mừng, tử cũng không có gì phải lo sợ.
Trong Phật pháp dạy bảo chúng ta một việc
quan trọng nhất mà một chúng sanh hữu tình đời đời kiếp kiếp đều đang học tập,
cho nên phàm phu thành Phật phải trải qua vô lượng kiếp. Nói là ba A Tăng Kỳ
kiếp không phải nói với chúng ta, đó là nói với pháp thân Bồ Tát. Pháp thân Bồ Tát
phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân là Đại thừa Viên giáo Sơ trụ Bồ
Tát. Tính từ ngày họ chứng được sơ trụ đến chứng được quả Phật cứu cánh viên
mãn cần phải trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp, trước khi chưa chứng được viên sơ trụ
thì không tính, nếu như thêm vào trước đó thì vô lượng kiếp. Vì sao phía trước
không tính vậy? Vì trước đó tiến thoái liên tục, tiến thì ít, thoái thì nhiều,
mức độ thoái chuyển rất lớn, đến được sơ trụ trở lên thì có thể nói chỉ có tiến
không có lùi. Vì sao họ thoái vậy? Thoái là dừng lại, không tiến thì gọi là
thoái, giống như chúng ta đi học vậy, bị lưu ban, lưu ban chính là thoái, cho
nên thời gian ba A Tăng Kỳ kiếp là xác định đời đời kiếp kiếp không ngừng học
tập. Học tập tương ưng với tánh đức chính là nâng lên, trái với tánh đức thì
hướng đến đọa lạc, sự việc chính là như vậy.
Nhà nho nói Luân Thường Đạo Đức, bạn tỉ mỉ mà
quan sát thì sẽ thấy tôn giáo nào cũng đều nói, đều không có ngoại lệ. Trong
luân thường đạo đức, quan trọng nhất, căn bản của căn bản chính là hiếu thân
tôn sư. Bạn xem, câu đầu tiên trong Tịnh nghiệp Tam Phước là “ Hiếu dưỡng phụ
mẫu, phụng sự sư trưởng”. Chúng ta phải chăm chỉ mà làm, phải nỗ lực mà học
tập. Trong mấy năm gần đây, tôi tiếp xúc với rất nhiều người lên đồng, không
phải tôi đi tìm họ, mà là họ đến tìm tôi. Thầy Giang vẽ Địa Ngục Biến Tướng Đồ
là do Thổ Địa đến yêu cầu, bức vẽ này thành công. Hôm qua Thầy Giang nói với
tôi, ông ở Âu Châu thấy một giấc mộng, mộng thấy Bồ Tát Địa Tạng từ Âu Châu trở
về đến Đài Loan, lại mộng thấy hai lần nữa, trước sau mộng thấy ba lần. Lần sau
cùng nhất là mộng thấy Bồ Tát Địa Tạng triệu tập Thập Điện Diêm Vương, rất
nhiều quỷ vương, Thổ Địa. Bồ Tát Địa Tạng dường như mở đại hội chúc mừng gì đó.
Ông gọi điện nói với tôi, tôi nói họ làm lễ chúc mừng Địa Ngục Biến Tướng Đồ
của ông hoàn thành. Thổ Địa cũng tiết lộ cho tôi một tin, nói cái nhân của kiếp
nạn thế gian này là tám chữ: “bất hiếu cha mẹ, không kính tổ tiên”. Tôi nghĩ
lại rất có đạo lý. Hiện tại cho dù là người Trung Quốc hay là người ngoại quốc,
có mấy người hiếu cha mẹ kính tổ tiên? Cái tội này đáng phải đọa Địa ngục.
Có một đồng tu đến hỏi tôi, họ hỏi, những lời
nói của quỷ thần có nên tin hay không? Tôi liền nói với họ, bạn tỉ mỉ mà tư
duy, lời của quỷ thần nói là gì? Nếu lời của họ nói đúng lý đúng pháp, chúng ta
có thể nghe, nếu nói không đúng như lý như pháp thì không nên nghe. Việc này
phải có trí tuệ, nếu như bạn không có trí tuệ, bạn mê vào lời nói của quỷ thần
thì bạn bị họ bởn cợt, như vậy thì bạn đã sai rồi. Trong việc này họ nói hợp tình
hợp lý, có đạo lý, không có mê tín. Con người nếu không hiếu cha mẹ, không kính
tổ tiên thì bất cứ việc xấu nào họ cũng dám làm. Một người hiếu cha mẹ, kính tổ
tiên thì không những là lời nói việc làm mà khởi tâm động niệm họ đều nghĩ
rằng, nếu như việc này ta làm mà không đúng pháp thì có lỗi với cha mẹ, làm tổ
tiên xấu hổ thì họ sẽ không dám làm. Hiện tại là gì? Hiện tại không có loại
giáo dục này nữa. Tuổi tác của tôi như vầy, ở nơi nông thôn của Trung Quốc Đại
Lục, lúc nhỏ sáu, bảy tuổi còn tiếp xúc được những giáo dục của người xưa, thời
gian tôi tiếp nhận chỉ có khoảng nửa năm, về sau đã biến thành trường học nên
không còn nũa. Đây thật là đem phế bỏ cái căn bản mấy ngàn năm của dân tộc quốc
gia, cho nên tai nạn này nhất định không thể tránh khỏi.
Chúng ta cũng không cần phải suy nghĩ đi tìm
chỗ nào để tránh, không cần phải suy nghĩ chỗ nào là tốt. Tai nạn đến rồi, nếu
muốn đi thì chúng ta nên nghĩ là chúng ta làm thế nào có thể vãng sanh thế giới
Tây Phương Cực Lạc. Thời gian rất là bức bách, cho nên cái tâm cầu sanh Tịnh
Độ phải khẩn thiết, phải chân thật buông bỏ. Phàm hễ là người niệm Phật
không thể vãng sanh, đều là do không buông bỏ. Chỉ cần có một việc không thể
buông bỏ thì bạn không thể vãng sanh, vì vậy mọi thứ đều phải buông bỏ, thế
giới này không có cái gì đáng lưu luyến cả. Người trên thế giới này bạn có bằng
lòng ở chung với họ không? Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là bậc thượng thiện
đến ở một nơi. Thượng thiện, chú giải của tổ sư đại đức rất hay, thượng thiện
là chỉ người nào vậy? Là chỉ Đẳng Giác Bồ Tát, gọi là thượng thiện. Vì sao
chúng ta không cùng ở chung với Phật Bồ Tát? Ở chung với Phật Bồ Tát thì chính
mình tu học thành tựu rất nhanh. Cho nên thế gian này, không luận là thuận cảnh
thiện duyên, ác cảnh nghịch duyên thảy đều không nên để ở trong lòng.
Chúng ta một lòng một dạ cầu sanh Tịnh Độ,
dưỡng cái tâm thuần thiện thuần tịnh của chính mình, vậy thì đúng. Thuần tịnh thuần thiện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ
thì không ai là không vãng sanh. Xưa nay tổ sư đã nói, pháp môn này vạn người
tu vạn người vãng sanh, then chốt chính là phải chân thật buông bỏ, tất cả đều
buông bỏ hết, với tất cả người sự việc sự vật không nên có sự đối lập, không
nên có tranh chấp nữa. Chỉ cần bạn còn có đối lập với người sự việc sự vật, còn
có mâu thuẫn, chính là chướng ngại chính mình vãng sanh, chính là lại đem chính
mình kéo vào ba đường ác, người khác sẽ không bị hại, người bị hại là chính
mình, cái đạo lý này phải nên hiểu. Chân tướng sự thật phải rõ ràng, phải
thông suốt.
Giáo học của Phật pháp chính là dạy chúng ta
giác ngộ. Giáo dục của Phật Đà, giáo dục của thánh nhân, thậm chí đến giáo dục
của tất cả thần thánh tôn giáo thế gian đều khẳng định “tánh người vốn thiện”.
Người Trung Quốc chúng ta dạy các bạn nhỏ, câu thứ nhất trong Tam Tự kinh là
“Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, đó là bổn tánh của bạn, bổn tánh của tất cả
chúng sanh thảy đều là lương thiện, đều là chí thiện. Phật Bồ Tát nói với chúng
ta, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, do đó Phật Bồ Tát thấy tất cả chúng
sanh đều là Phật Bồ Tát, không phải nói Phật vị lai. Phật vị lai là nói cho
chúng ta nghe trong Hoa Nghiêm, Viên Giác, Phật đã nói tất cả chúng sanh vốn dĩ
thành Phật, không phải nói vị lai. Vốn dĩ thành Phật, lời nói này là thật, một
tí cũng không giả. Chúng ta xem trong kinh Lăng Nghiêm, đặc biệt là chú giải
của Đại sư Giao Quang trong Chánh Mạch Sớ nói rất rõ ràng là “tất cả chúng sanh
đều có Phật tánh”. Phật tánh chính là Phật. Phật tánh ở đâu vậy? Cái gọi là
“lục căn môn đầu, phóng quang động địa”, thân thể có sanh diệt, tự tánh không
sanh không diệt, thân thể có hình tướng, tự tánh không có hình tướng, nó không
phải vật chất. Tự tánh ở đâu vậy? Khắp hư không, cùng pháp giới, đó là chân
thật chính mình. Bản năng của tự tánh có kiến văn giác tri, kiến văn giác tri
là bản năng, đầy đủ vô lượng vô biên thiện đức, cho nên Đức cùng Năng đều là tự
tánh vốn dĩ đầy đủ, không phải từ bên ngoài đến, chỉ là hiện tại chúng ta mê
mất đi tự tánh nên bản năng đều đang khởi tác dụng. Khởi tác dụng mà không biết
nên đã dùng sai, dùng sai rồi thì làm cho vạn đức vạn năng của chính mình biến
thành vô lượng vô biên phiền não, biến thành vô lượng vô biên nghiệp chướng, sự
việc chính là như vậy. Cho nên giáo học của Phật không gì khác hơn là làm cho
chúng ta hồi phục lại tự tánh mà thôi, việc này chúng ta chân thật phải hiểu.
Phật nói với chúng ta, chúng ta mở to mắt mà
nhìn, cái niệm thấy đầu tiên là tự tánh, gọi là kiến tánh. Kiến tánh thấy là
pháp tánh, thế nhưng thế nào vậy? Cái niệm thứ hai thì biến đổi rồi, cái niệm
thứ hai thì đem kiến tánh biến thành nhãn thức, đem sắc tánh bên ngoài biến
thành sắc trần, cho nên cái niệm thứ nhất là duy tâm sở hiện, cái niệm thứ hai
là duy thức sở biến. Khoảng cách giữa niệm thứ nhất và niệm thứ hai, chúng ta
không cách gì tính được, đích thực là vạn ức lần trong một giây, tốc độ quá
nhanh. Chư Phật Bồ Tát, pháp thân Bồ Tát, các ngài không giống như chúng ta,
các ngài chính là giữ được niệm thứ nhất này vĩnh viễn là niệm đầu tiên, không
hề rơi vào niệm thứ hai, đó chính là pháp thân Bồ Tát, đó chính là chư Phật Như
Lai. Rơi vào trong niệm thứ hai chính là phàm phu, liền biến thành mười pháp
giới. Chúng ta không thể không biết được đạo lý này, không thể không biết chân
tướng sự thật này, sau đó mới khẳng định, tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật.
Hiện tại thế nào vậy? Hiện tại là đang mê hoặc điên đảo, tuy là mê hoặc điên
đảo, bạn tạo nghiệp phải thọ báo, bạn ở trong địa ngục phải chịu vô lượng vô
biên khổ sở, thế nhưng bạn vẫn là một vị Phật. Cũng giống như bạn thấy ác mộng
vậy, tuy là bạn đang thấy ác mộng, khổ không nói ra lời, biết bạn nhất định sẽ
tỉnh lại, cho nên ánh mắt của Phật xem thấy tất cả chúng sanh là Phật, tôn kính
đối với tất cả chúng sanh, nhất định không có phân biệt, không có chấp trước.
Cho nên nếu chúng ta đối với tất cả người,
tất cả việc, tất cả vật, chỉ cần có phân biệt, chỉ cần có chấp trước thì bạn
cần phải biết là bạn đã mê rất là nghiêm trọng. Bạn tạo nghiệp sẽ làm cho bạn
đọa lạc, bạn không có cách gì thoát khỏi sáu nẻo luân hồi. Làm thế nào thoát
khỏi luân hồi đây? Bạn đối với tất cả người sự vật, tận khả năng không nên chấp
trước nữa. Nếu như quả thật đối với tất cả người sự vật, thế xuất thế gian bạn
không còn chấp trước nữa, thì bạn siêu việt sáu cõi luân hồi, sáu cõi không còn
nữa. Nếu như không phân biệt thì mười pháp giới cũng không còn. Pháp giới bốn
thánh gồm Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật trong mười pháp giới, các ngài
còn có phân biệt, nhưng các ngài không còn chấp trước. Chỉ cần có một chút chấp
trước, thì bạn nhất định không thể ra khỏi sáu cõi, vậy chúng ta hà tất chấp
trước làm gì? Chấp trước, người khác không bị thiệt, chính mình bị thiệt rất
lớn, phân biệt chấp trước đều là chính mình bị thiệt, không có liên quan gì với
người khác.
Cho nên tôi học Phật, thực tế mà nói gặp được
duyên may, vị thầy thứ nhất của tôi là đại sư Chương Gia, ngày đầu tiên ngài
dạy tôi “nhìn thấu, buông bỏ”. Nhìn thấu, buông bỏ chính là bí quyết tu hành
chứng quả của tất cả chư Phật. Buông bỏ giúp mình nhìn thấu, nhìn thấu giúp
mình buông bỏ. Buông bỏ vọng tưởng, buông bỏ phân biệt, buông bỏ chấp trước.
Nhìn thấu là trí tuệ, trí tuệ của bạn liền khai, bạn liền thông đạt tường tận,
rõ ràng thông suốt tất cả các pháp là nhìn thấu. Cho nên nhình thấu và buông bỏ
tương trợ lẫn nhau, nhìn thấu giúp chúng ta buông bỏ, buông bỏ giúp chúng ta
nhìn thấu. Nếu như bạn không thể buông bỏ, thì bạn không cách gì nhìn thấu, hay
nói cách khác, bạn không thể khai trí tuệ, bạn học có nhiều thứ hơn, nghiên cứu
có nhiều hơn, trong Phật pháp gọi là Thế Trí Biện Thông. Thế Trí Biện Thông là
sở tri chướng, bạn không thể buông bỏ là phiền não chướng, hai chướng này nhất
định là chướng ngại trí tuệ Bát Nhã của tự tánh đức năng của bạn.
Tu hành là tu cái gì? Đơn giản nhất, then
chốt nhất, chính là buông bỏ. Nhìn
thấu không cần phải tu, buông bỏ thì bạn tự nhiên liền nhìn thấu, vì vậy chính
là tu buông bỏ, ta phải buông bỏ không ngừng. Bồ Tát Di Lặc, đó là Bố Đại
Hòa Thượng năm xưa còn ở đời. Bố Đại Hòa Thượng xuất hiện ở thời Nam Tống, cách
với hiện tại chúng ta khoảng 800 năm, cùng thời với Nhạc Phi. Ngài xuất hiện ở
Phụng Hóa Chiết Giang, quê hương của tổng thống Tưởng. Đó là một nhân vật
truyền kỳ, không ai biết tên của ông, cũng không ai biết gia thế của ông, chỉ
thấy một Hòa Thượng to mập như vậy ngày ngày đi hóa duyên ở bên ngoài, trên
lưng có một bao vải to, cho nên người ta gọi ông là Hòa Thượng Túi Vải, trong
Cao Tăng truyện cũng ghi là Hòa Thượng Túi Vải, cũng không ai biết được gia thế
quốc tịch và tên thật của ông. Từng có người hỏi Phật pháp với ông, thỉnh giáo
với ông Phật pháp là gì? Ông đem túi vải để xuống đất, duỗi hai tay ra, một câu
cũng không nói. Mọi người xem thấy, đây là buông bỏ, là buông bỏ. Sau khi buông
bỏ thì làm sao? Ông vác túi vải lên rồi đi, không thèm để ý đến ai. Ông biểu
thị cái ý gì vậy? “Buông xuống được, lấy lên được”, chính là trong kinh Kim Cang
đã nói “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”. Buông bỏ là ưng vô sở trụ, lấy lên là
nhi sanh kỳ tâm. Lấy lên cái gì vậy? Là giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn. Giúp
đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn, nhưng trong lòng chính mình không hề lưu lại một
chút ấn tượng, đó là chân thật buông bỏ. Cho nên buông bỏ, các vị nhất định
phải hiểu, không phải buông bỏ công việc, mà là buông bỏ vọng tưởng, phân biệt,
chấp trước. Không có vọng tưởng phân biệt chấp trước, vì tất cả chúng sanh mà
làm việc thì công việc của bạn làm sẽ rất nhanh, công việc của bạn sẽ không có
cực nhọc. Vì sao vậy? Bạn đích thực đã khế nhập vào cảnh giới không có ta,
không có người, không có chúng sanh, không có thọ giả. Một ngày bạn bận rộn đến
24 giờ, bạn có bị mệt không? Chúng ta sẽ bị mệt, vì sao vậy? Có ta, tôi đã làm
rất nhiều việc tốt, tôi rất cực khổ, tôi rất mệt. Nếu như không có ta, máy móc
kia nó không có ta, vận hành một ngày 24 giờ, vận hành mấy mươi năm không hề
ngơi nghỉ, vì sao được vậy? Không có ta. Không có ta thì không có mệt mõi, thì
không có chán ngán. Không mệt không ngán là thật không có ta.
Cô Dương Thục Phương năm trước đến Trường
Xuân thăm viếng pháp sư Thường Huệ của chùa Bách Quốc Hưng Long. Pháp sư Thường
Huệ bốn năm rồi không hề ngủ, tinh tấn niệm Phật, chỉ là một câu A Di Đà Phật.
Ông đang bế quan, bốn năm không hề ngủ. Sau khi nhìn thấy cô thật là phục sát
đất, nói với tôi là chùa Bách Quốc Hưng Long có khoảng hai, ba trăm người ở đó
niệm Phật, ngày đêm 24 giờ không hề gián đoạn. Họ luân phiên với nhau, chỉ có
một mình Thường Huệ pháp sư là 24 giờ không hề ngơi nghỉ. Bạn muốn hỏi, làm thế
nào mới có thể đến được cảnh giới này? Không có ta thì làm đến được, có ta thì
không thể được. Một ngày ông ăn một bữa, không phải là người thông thường có
thể so sánh, ông cũng là phàm phu tu thành, vấn đề là phải thật làm, thật tu.
Chúng ta nói tu hành nhưng chúng ta tu cái gì? Tu phiền não. Phiền não tập khí
chưa dứt, việc không vừa ý nho nhỏ thì liền nổi giận, hợp với tâm mình thì liền
sanh tâm hoan hỉ. Ngày ngày tu cái gì? Tu thất tình ngũ dục, việc này chính là
trong Phật pháp thường nói “tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi”. Cũng là tu hành
nhưng là tu sáu cõi, không phải tu Bồ Tát đạo, tu sáu cõi, tu ba đường. Khởi
tâm động niệm, lời nói việc làm, bạn xem trong mười pháp giới tương ưng với pháp
giới nào thì tương lai bạn nhất định đến pháp giới đó, nó bày ra ngay trước mắt
chúng ta mà.
Kinh không thể không đọc, đọc kinh, ngay đến
quỷ thần đều nhắc nhở chúng ta phải tùy văn nhập quán, phải có thể khế nhập vào
cảnh giới của kinh điển thì cái niệm này sẽ hữu dụng. Niệm rồi thì thế nào? Đem
cái quan niệm của chính mình sửa đổi lại. Đọc một biến chính là một biến huân
tu, đọc hai biến chính là hai biến huân tu. Tại vì sao không thể sửa lại? Huân
tập quá ít, không đủ. Người chân thật có được thành tựu, con người đó, chúng ta
tỉ mỉ mà quan sát xem, họ đều là rất dõng mãnh tinh tấn, họ huân tập không hề
gián đọan. Huân tập thì có được sức định, họ có sức định rồi thì sức định này
của họ có thể thay thế phiền não tập khí, chính là cái sức định này có thể vượt
qua được sức mạnh của phiền não tập khí. Ngày nay chúng ta không thể chuyển đổi
được phiền não tập khí là vì sức huân tu của chúng ta quá yếu kém, không địch
nổi phiền não tập khí, vì vậy không được gì cả. Chính là bởi vì như vậy, cho
nên tu hành mới cần đến vô lượng kiếp, nếu như có tiến không lùi thì khẳng định
một đời thành tựu.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử đã
làm ra tấm gương cho chúng ta xem, một đời chứng được quả Phật cứu cánh viên
mãn. Bạn xem qua tham phỏng của Ngài, Ngài ở trong hội của Bồ Tát Văn Thù được
Căn Bản Trí. Cái gì gọi là Căn Bản Trí? Nếu dùng thuật ngữ của Tịnh Độ chúng ta
mà nói thì là “buông bỏ tất cả thân tâm thế giới”, đó gọi là Căn Bản Trí. Ở
trong hội của Bồ Tát Văn Thù, Ngài làm được cái điểm này. Sau đó Ngài ra ngoài
tham phỏng, bạn xem Ngài tham phỏng Tỳ Kheo Kiết Tường Vân, Ngài chứng được
Viên Giáo Sơ Trụ. 53 lần tham phỏng, mỗi lần tham phỏng một vị thiện tri thức,
địa vị của Ngài được nâng lên thêm một bậc. Bạn xem ở Hải Vân được Nhị Trụ, mãi
lên đến Bồ Tát Phổ Hiền là lần tham phỏng thứ 53 thì được quả vị cứu cánh, một
đời viên mãn thành công. Nguyên nhân gì vậy? “Tùy văn nhập quán”, họ học một bộ
kinh thì liền vận dụng được toàn bộ bộ kinh đó. Ngày nay chúng ta học là học
văn tự, ý nghĩa cảnh giới bên trong thì hoàn toàn không liên quan gì với chúng
ta, cũng không hiểu được học tập, chúng ta chịu thiệt ngay chỗ này. Cho nên hy
vọng đồng tu Tịnh Tông chúng ta phải nên rất cố gắng nỗ lực mà học tập.
Lần này chúng ta ở Cang Sơn, tổ mà tôi tham
gia là giáo học tôn giáo, hy vọng dùng giáo học tôn giáo để an định xã hội, thế
giới hòa bình. Trong hội nghị tôi đã nói một câu: “phàm phu có một ý niệm sai
lầm rất nghiêm trọng, chính là người khác đều là sai, ta thì đúng”, chỉ cần có
cái ý niệm này tồn tại thì xã hội vĩnh viễn sẽ không có an định, thế giới mãi
mãi sẽ không có hòa bình. Phải làm thế nào mới chân thật có được an định hòa
bình? Phải chuyển đổi ý niệm này lại, tức là người khác đều là đúng, ta là
sai, người khác sai rồi cũng là đúng, ta đúng rồi cũng là sai. Bạn có thể
đem ý niệm này chuyển đổi lại thì xã hội an định, thế giới hòa bình, bạn chính
là Bồ Tát Quan Âm đến thế gian này để cứu khổ cứu nạn. Nếu như bạn luôn nói
mình đúng, họ không đúng, đó là ta đang tạo tội nghiệp, ta ở thế giới này tự
tạo ra phiền não, tạo ra cạnh tranh. Hôm đó hội trưởng vẫn là Tổng cán sự, ông
ghi lại lời tôi nói. Ông nói lời nói này tuy là không dễ gì làm được, tôi vẫn
là phải đem nó truyền đạt đến mọi người. Vì vậy Phật Bồ Tát thị hiện ở thế gian
là xả mình vì người, không hề vì chính mình, các Ngài tất cả vì chúng sanh, tất
cả vì chánh pháp cữu trụ. Không chịu hy sinh chính mình thì bạn hy sinh chúng
sanh của chín pháp giới, là bạn hy sinh hết tất cả mọi người, đạo lý là như
vậy. Bạn có thể hy sinh chính một mình bạn, thì bạn cứu giúp cả chúng sanh chín
pháp giới. Nếu bạn muốn tích lũy công đức, thì bạn liền biết chính mình phải
nên làm như thế nào.
Chư Phật Như Lai, pháp thân Bồ Tát, không vị
nào là không xả mình vì người, không tìm ra một vị thánh hiền nào mà tự tư tự
lợi, bao gồm cả những người sáng tạo ra các tôn giáo trên thế giới. Bạn tỉ mỉ
mà quán sát xem, vị thánh hiền nào mà tự tư tự lợi? Vị thánh hiền nào mà khởi
tâm động niệm vì chính mình chứ? Phàm thánh khác biệt chính ngay một niệm. Tôi
xem thấy tối hôm nay chúng ta tụ hội ở nơi đây, mọi người cố gắng thăm hỏi tiến
sĩ Giang Bổn Thắng. Nghiên cứu của ông đại khái cũng là, tôi tính cho ông ấy
phải mất khoảng 9 năm. Nước có thể nghe, có thể thấy, nước hiểu được ý nghĩ của
người. Người có thiện ý thì kết tinh của nước sẽ rất đẹp, thường hay nói là
“tất cả pháp do tâm hiện ra”. Tâm có kiến văn giác tri, tâm biến hiện ra vật
chất, cũng có kiến văn giác tri. Không chỉ người có kiến văn giác tri, thực vật
cũng có kiến văn giác tri, khoáng vật cũng có kiến văn giác tri, nó cùng là một
tự tánh biến ra. Từ trong thực nghiệm của ông phát minh ra, tất cả vạn vật đều
có kiến văn giác tri, cho nên bạn có niệm thiện thì cả vũ trụ này đều sẽ biến
thành thiện, bạn có niệm ác, mọi người đều đang tranh thì thế giới này liền
biến thành địa ngục A Tỳ. Tất cả pháp do tâm biến hiện ra. Thực nghiệm của ông
đã chứng minh cho chúng ta, đó là dùng khoa học để chứng thật lời trên kinh của
Phật nói một tí cũng không sai, ngày mai chúng ta sẽ đi quan sát xem.
Tốt rồi, cám ơn mọi người. A Di Đà Phật!
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hiền