Bản Chất Của Tánh Biết

0
28

BẢN CHẤT CỦA TÁNH BIẾT
(The Nature of Awareness)
Tác giả: Rupert Spira
Chuyển ngữ: Minh Tuệ Đỗ Minh

Bài này được chuyển ngữ từ chương I và II sách ‘Being Aware of Being Aware’
(Cái Biết Nhận Biết Chính Nó) của tác giả Rupert Spira. 
(Xem tiếp chương III và IV bên dưới)

 

200a200aTất cả những kinh nghiệm khách thể đều được nhận biết. Chúng ta nhận biết được những kinh nghiệm của mình.

Không thể nào có một kinh nghiệm mà không có sự biết hay nhận biết được.Ý nghĩ hiện thời, một ký ức thời thơ ấu, bất cứ tình cảm hay cảm xúc nào đang có mặt, cảm giác đau hay đói, tiếng xe cộ, những dòng chữ này hay quang cảnh nhìn từ cửa sổ .v.v tất cả đều được biết hay kinh nghiệm.

Như vậy, việc biết hay nhận biết đều có mặt trong tất cả những kinh nghiệm.

 

(Từ ‘kinh nghiệm’ trong ngữ cảnh này muốn nói đến tất cả kinh nghiệm xảy ra bên trong như ý nghĩ, hình ảnh, ký ức, cảm xúc, cảm giác cùng với những tri giác qua các giác quan về thế giới bên ngoài như cảnh vật, âm thanh, mùi vị, cảm giác xúc chạm và hương vị. Những kinh nghiệm này muốn nói đến một cách chung chung như là ‘những đối tượng’ hay ‘kinh nghiệm khách thể’.)

 

Dù cho chúng ta bị trầm cảm, cô đơn, buồn bã, vui vẻ, an lạc, đang yêu, lo âu, chán chường, ganh tị, phấn khích hào hứng hay hạnh phúc . . . chúng ta đều nhận biết. Dù cho chúng ta đang suy nghĩ, đang ăn, đang bước đi, đang lái xe, đang khiêu vũ, đang học, đang mơ hay đang hoang tưởng, chúng ta đều nhân biết.

Bất cứ chúng ta suy nghĩ gì, cảm xúc gì, tri giác hay làm gì . . . chúng ta đều nhận biết. Chúng ta nhận biết bất cứ những gì đang được biết hay đang được kinh nghiệm, bất chấp nội dung của hiểu biết hay kinh nghiệm ấy là cái gì.

 

Như vậy, việc biết hay nhận biết là một nhân tố có mặt không gián đoạn trong tất cả hiểu biếtkinh nghiệm.Nó có mặt liên tục xuyên suốt trong cả ba trạng thái thức, mơ và ngủ. Không có một nhân tố nào khác của kinh nghiệm tiếp diễn liên tục cả.

 

Thực ra thì viêc nhận biết không phải liên tục kéo dài trong thời gian – nó lúc nào cũng hiện diện ở đó. Tuy nhiên, như là nương theo đối với niềm tin của tâm trí trong thực tại của thời gian nên chúng ta tạm thời nói rằng việc nhận biết là một nhân tố liên tục có mặt trong tất cả mọi kinh nghiệm.

 

Tất cả những kinh nghiệm khách thể – ý nghĩ, hình ảnh, cảm xúc, cảm giáctri giác đều xuất hiện và biến mất – nhưng kinh nghiệm biết hay nhận biết thì chẳng bao giờ xuất hiện hay biến mất cả.

vẫn có mặt xuyên suốt trong tất cả những thay đổi của kinh nghiệm, giống như màn hình vẫn luôn luôn có mặt xuyên suốt trong tất cả những bộ phim.

 

Biết hay nhận biết có mặt đều khắp trong tất cả những kinh nghiệm, nhưng không bao giờ bị thay đổi bởi bất cứ một kinh nghiệm cụ thể nào.

Ý nghĩ, cảm xúc, cảm giác hay tri giác của các giác quan thay đổi vô số lần trong cuộc đời của chúng ta, nhưng cái biết nhận biệt được chúng – kinh nghiệm đơn giản của việc biết bao giờ cũng vẫn như vậy.

 

Tri thức cùng kinh nghiệm luôn luôn thay đổi nhưng việc biết hay nhận biết thì không bao giờ thay đổi.

Những gì được biết luôn luôn đổi thay và cái biết thì không bao giờ thay đổi.

***

Mối quan hệ giữa việc biết hay nhận biết đối với tri thứckinh nghiệm cũng giống như sự quan hệ giữa một màn hình có khả năng nhận biết đối với một bộ phim. Không giống như màn hình theo kiểu cổ đang được xem bởi một người đang ngồi trên ghế sofa, màn hình nhận biết của cái biết hay nhận biết thuần khiết này đang xem bộ phim của những kinh nghiệm đang diễn ra trong nó.

 

Việc biết hay nhận biết không phải là không thể tiếp cận được, không thể biết được, hay chôn sâu bên trong chúng ta. Nó đang chiếu sáng một cách rõ ràng ở phần nền hậu cảnh của tất cả những kinh nghiệm, có thể nói rằng nó giống như màn hình đang hiển hiện rõ ràng ở phần nền hậu cảnh của một bộ phim vậy.

 

Tuy nhiên, giống như màn hình thường bị bỏ quên, không được để ý tới khi đang xem phim do sự quyến rũ của những màn diễn trong phim, cũng vậy, việc biết hay nhận biết hay chính cái biết thường vẫn không được chú ý đến do chúng ta giới hạn sự tập trung chú ý của mình đến những đối tượng của kinh nghiệm.

 

Việc biết hay nhận biết không lệ thuộc vào điều kiện hay phẩm chất riêng biệt nào của những kinh nghiệm. Nó chiếu sáng đều lên tất cả những kinh nghiệm, bất chấp kinh nghiệm như thế nào, có thể là dễ chịu hay khó chịu, có thể tốt hay xấu, có thể đúng hay sai, cũng giống như màn hình vẫn rõ ràng xuyên suốt những bộ phim được chiếu, mặc cho nội dung của chúng là gì.

 

Việc biết hay nhận biết là một nhân tố kinh nghiệm cốt lõi, không bị suy giảm. Nó là nền tảng cho mọi kinh nghiệm. Nó chính là nhân tố kinh nghiệm không thể bị loại trừ ra khỏi chính nó.

Việc biết hay nhận biết không bao giờ bị biến dạng bởi những kinh nghiệm cả. Nó không bao giờ di chuyển hay biến động. Đó là nhân tố ổn định duy nhất trong những kinh nghiệm.

Việc biết hay nhận biết này là thành phần chủ đạo trong tất cả những tri thứckinh nghiệm. Nó là cái nền hậu cảnh mà trên nó tất cả tri thứckinh nghiệm đang xảy ra.

 

Việc biết hay nhận biết là nơi cho tất cả những kinh nghiệm xuất hiện trên nó và trong nó. Nó là pháp mà với nó tất cả những kinh nghiệm được nhận biết và, cuối cùng, nó là  cái nền hay thực tại mà từ đó tất cả những kinh nghiệm được tạo ra.

Nó chính là nhân tố biết trong tất cả những kinh nghiệm. Nó chính là sự kinh nghiệm trong tất cả những kinh nghiệm.

***

Giống như màn hình không bao giờ xuất hiện như là một đối tượng trong bộ phim, mặc dù nó có mặt trọn ven xuyên suốt khi phim đang chiếu, cũng vậy, việc biết hay nhận biết không bao giờ xuất hiện như một đối tượng của tri thức hay kinh nghiệm và dù là như vậy, nó vẫn chiếu sáng rõ ràng trong tất cả những tri thức và .kinh nghiệm.

 

Dù cho việc biết và nhận biết tự nó không phải là một kinh nghiệm khách thể, theo nghĩa một ý nghĩ, cảm xúc, cảm giác hay tri giác là một kinh nghiệm có tính khách thể, tuy nhiên chúng ta nhận biết được rằng chúng ta đang nhận biết. Như thế, dù cho việc biết hay nhận biết không có phẩm chất của đối tượng, là vô tướng nhưng đồng thời nó cũng được nhận biết.

 

Trong văn cảnh này, tôi muốn nói đến ‘kinh nghiệm’ của việc biết hay nhận biết. Tuy nhiên, để phân biệt việc biết hay nhận biết với tất cả tri thứckinh nghiệm khách thể, nó được nói đến như là một kinh nghiệm biết hay nhận biết không mang tính khách thể, kinh nghiệm vô tướng.

Việc biết hay nhận biết tự bản thân nó không phải là kinh nghiệm có tính đối tượng, nhưng nếu không có nó, sẽ không thể có bất cứ kinh nghiệm nào. Nó làm cho mọi kinh nghiệm có thể có mặt, tuy nhiên tự nó không phải là một kinh nghiệm.

 

Việc biết hay nhận biết không có tính đối tượng, trong suốt hay không màu. Nó trống rỗng tất cả những đối tượng nhưng lại trọn vẹn đầy đủ trong chính nó. Như vậy, nó là một kinh nghiệm hoàn toàn duy nhất, độc đáo. Chúng ta không thể biết nó như là một đối tượng, tuy nhiên không phải là nó không thể được biết.

 

Đó là một nhân tố rõ ràng nhất và cũng là một nhân tố bị bỏ quên nhiều nhất.

Trong truyền thống Kashmir Shaivite nó được nói đến như là “một bí mật lớn nhất, chôn kín sâu hơn những gì bị chôn kín, nhưng lại rõ ràng nhất trong những cái rõ ràng”

***

Không cần phải có những điều kiện tiên quyết nào cả để chúng ta nhận ra việc biết hay nhận biết này . Để nhận ra kinh nghiệm biết hay nhận biết không đòi hỏi một phẩm chất đặc biệt nào hay trình độ thông minh nào cả. Không cần đến bất cứ nổ lực nào để nhận ra kinh nghiệm biết hay nhận biết, điều này không khác gì với việc không cần nổ lực gì để thấy được cái màn hình lúc xem phim.

 

Không cần thiết để khống chế tư tưởng, ngồi theo tư thế đặc biệt nào đó hay tập luyên cái gì đó được gọi là thiền để có thể nhận biết được kinh nghiệm của nhận biết. Kinh nghiệm nhận biết vô-đối-tượng hay vô tướng là một kinh nghiệm đơn giản nhất, gần gũi nhất, rõ ràng nhất, tự nó là hiển nhiên nhất.

 

Kinh nghiệm nhận biết độc lập với những gì được chúng ta nhận biết. Không có một kinh nghiệm nào ảnh hưởng được kinh nghiệm nhận biết vô tướng này cả, cũng giống như không có gì xảy ra trong phim ảnh hưởng đến màn hình mà trên đó phim đang được trình chiếu.

 

Không cần thiết phải thay đổi hay kiểm soát những kinh nghiệm theo cách nào đó để nhận ra được cái nền đơn giản của nhận biết. Chúng ta có thể sợ hãi, chán chường, xáo động, trầm cảm, đang yêu, đang an lạc, nhưng kinh nghiệm nhận biết thì vẫn như vậy trong mọi trạng thái.

 

Giống như khôngbiến cố nào trong một bộ phim có khả năng che mờ màn hình trừ phi chúng ta cho phép nó làm điều đó, cũng vậy không có kinh nghiệm nào có khả năng che mờ kinh nghiệm của biết hay nhận biết trừ phi chúng ta cho phép chúng làm như vậy. Khi chúng ta không cho phép, kinh nghiệm của biết hay nhận biết sẽ trở nên rõ ràng.

                             

Hãy cho phép kinh nghiệm nhận biết có mặt nơi phần tiền cảnh phía trước của những kinh nghiệm, và để ý nghĩ, cảm xúc, cảm giác và tri nhận của các giác quan lùi lại nơi phần hậu cảnh phía sau. Chỉ đơn giản ghi nhận kinh nghiệm của nhận biết. An lạchạnh phúc mà tất cả mọi người khao khát có được đều nằm an trú ở đó. HÃY NHẬN BIẾT SỰ NHẬN BIẾT.

***

Trong nhiều truyền thống tâm linh, kinh nghiệm biết hay nhận biết được nói đến như là “Tâm” (‘Bản Tâm’) hay ‘Cái Biết’ (‘Tánh Giác’). Hậu tố “ness” trong từ ‘consciousness’ hay ‘awareness’ có nghĩa là ‘trạng thái hay sự hiện hữu của (cái gì đó)’, vì vậy từ “tánh giác’ có nghĩa là trạng thái hay sự hiện hữu của việc nhận biết. Việc sử dụng những danh từ như ‘bản tâm’ hay ‘tánh biết’ có nguy cơ gây hiểu lầm, bởi vì chúng là những danh từ, nên có khuynh hướng đối tượng hóa hay cụ thể hóa kinh nghiệm của cái biết thuần khiết hay việc nhận biết đơn thuần không có tính khách thể này (nghĩa là biến việc biết trở thành một đối tượng cụ thể).

 

Khi làm như vậy, dùng những danh từ như vậy, họ ám chỉ  rằng Cái Biết hay Cái Tâm là một loại kinh nghiệm đặc biệt, vi tế, có thể được thấy hay biết giống như cách mà chúng ta thấy hay biết những kinh nghiệm mang tính khách thể. Kết quả là, nhiều người đã dấn thân vào cuộc tìm kiếm vĩ đại này, hy vọng sẽ đạt được sự giác ngộ, một trạng thái được ‘chứng’ như là một kinh nghiệm hay là một trạng thái tâm siêu việt, tối thắng.

              

Cuộc tìm kiếm giác ngộ kiểu này có khuynh hướng tách kinh nghiệm của việc nhận biết ra khỏi tính thân thiết và tính trực tiếp gần gũi của kinh nghiệm nhận biết và tạo ra một ấn tượng rằng kinh nghiệm đó là một pháp gì đó bất khả tri, huyền bí và xa lạ.Nó hàm ý rằng hiểu biết về Tánh Giác hay Bản Tâm này là một kinh nghiệm phi thường có thể ‘ngộ’ được ở trong tương lai. Một cuộc tìm cầu như vậy đơn giản chỉ là một dạng vi tế của việc tìm cầu hạnh phúc thông thường trong phạm vi giới hạn nơi những đối tượng và cuối cùng chỉ dẫn đến thất vọng mà thôi.

 

Giác ngộ hay thức tỉnh không phải là một kinh nghiệm đặc biệt nào đó hay một trạng thái tâm cụ thể nào đó có thể thành tựu được bằng cách luyện tập đủ gian khổ hay hành thiền đủ dài, đủ lâu. Giác ngộ chính là sự nhận ra, thấy ra được chính cái bản chất của tâm trí này. Không có gì quen thuộc hơn là kinh nghiệm biết đơn giản. Không có gì được rõ biết hơn là kinh nghiệm biết đơn giản.

 

Nếu có ai đó hỏi chúng ta câu hỏi. ‘Bạn có đang nhận biết không?’ chúng ta nhất định sẽ trả lời ‘Có chứ’ với sự chắc chắn tuyệt đối. Câu trả lời đó đến từ kinh nghiệm trực tiếp. Nó phát xuất từ kinh nghiệm nhận biết đơn thuần, hiển nhiên rõ ràng và gần gũi của chúng ta.

              

Mặt khác, nếu có ai đó hỏi chúng ta, ‘Tâm có hiện hữu không?’ hay “Tánh Giác, Tánh Biết là gì?’ chúng ta có khả năng khựng lại một chút và ngập ngừng phân vân không hiểu chính xác rằng những từ ngữ này muốn ám chỉ cái gì đây. Vì vậy nên hiểu rằng bất cứ khi nào những từ như ‘Tâm’ hay ‘Giác’ được dùng trong sách này là để thay thế cho ’việc biết’ hay ‘sự nhận biết’.

 

Chúng ta nên hiểu rằng những danh từ này muốn ám chỉ trực tiếp, muốn nói thẳng đến kinh nghiệm biết hay nhận biết không có tính đối tượng, vốn rõ ràng, gần gũi, mà tất cả mọi người đều có như nhau, giống nhau và kinh nghiệm biết đó bao trùm, có mặt đều khắp mọi hiểu biếtkinh nghiệm của chúng ta một cách bình đẳng.

***

Sau khi ghi nhận được kinh nghiệm của nhận biếtkinh nghiệm trực tiếp và thân mật nhất của chúng ta, ta có thể tự hỏi rằng Ai hay Cái gì biết hay có được kinh nghiệm nhận biết này. Cái gì biết được kinh nghiệm biết? Cái gì nhận biết được sự nhận biết?

 

Tên phổ biến cho kinh nghiệm nhận biết là ‘Tôi’. Tôi nhận biết được suy nghĩ của bạn tôi. Tôi nhận biết được những hoài niệm của thời thơ ấu. Tôi nhận biết được những cảm xúc buồn bã, cô đơn hay hổ thẹn. Tôi nhận biết được hình ảnh của ngôi nhà tôi. Tôi nhận biết được cảm giác đau hay đói. Tôi nhận biết được cảnh của căn phòng tôi hay tiếng của xe cộ.

 

Trong mỗi ví dụ này, ‘Tôi’ là tên mà chúng ta đặt cho cái biết và nhận biết được tất cả những tri thứckinh nghiệm. Như vậy, ‘Tôi’ là nhân tố biết hay nhận biết trong mọi tri thứckinh nghiệm. ‘Tôi’ chính là Cái Biết. Nên chúng ta có thể đặt lại câu hỏi ‘Cái gì nhận biết được sự nhận biết?’ như thế này, ‘Ai hay cái gì biết Tôi đang nhận biết?’. Có phải Tôi đang nhận biết được sự nhận biết, hay là kinh nghiệm nhận biết được biết bởi ai đó hay cái gì đó ngoài chính tôi?

 

Rõ ràng là Tôi nhận biết được rằng Tôi đang nhận biết. Nghĩa là ‘Tôi, Cái Biết’ đang nhận biết sự nhận biết. Chính Cái Biết biết được hay nhận biết được rằng có một sự biết. Như vậy, nhận biết hay chính cái biết là tự tri, tự nhận biết. Giống như mặt trời tự chiếu sáng chính nó, cũng vậy,, Cái biết tự biết chính nó.

 

Trước khi Cái Biết biết bất cứ cái gì ngoài chính nó, như một ý nghĩ, cảm xúc, cảm giác hay tri giác, Cái Biết nhận biết chính nó. Bản chất của Cái Biết là nhận biết chính nó, và như vậy kinh nghiệm chủ đạo đầu tiên của Cái Biết là nhận biết chính nó.

 

Kinh nghiệm ‘Tôi đang nhận biết’ là sự biết của Cái Biết về chính nó. Do đó, khi chúng ta hiểu biết  chính mình là hiểu biết của Cái Biết về chính nó. Giống như mặt trời không cần phải hướng ánh sáng của nó theo một chiều hướng đặc biệt nào để chiếu sáng chính nó, cũng vậy, Cái Biết không cần hướng sự chú ý, ánh sáng của nhận biết theo bất kỳ hướng cụ thể nào để có thể biết được chính nó.

 

Thực ra thì bất kỳ phương hướng nào mà mặt trời hướng tia sáng đến cũng chỉ để chiếu sáng vật gì đó ngoài chính nó mà thôi.Tương tự, bất cứ hướng nào mà Cái Biết chiếu ánh sáng biết của nó đến cũng chỉ làm cho nó biết cái gì đó cụ thể ngoài chính nó. Như vậy, để tự biết chính mình, Cái Biết không cần phải tham dự vào bất kỳ hoạt động nào hay hướng ánh sáng của nhận biết theo bất kỳ hướng cụ thể nào. Không cần nổ lực gì để Cái Biết nhận biết được chính nó. Thực ra thì mọi nổ lực đều đưa nó ra khỏi chính nó mà thôi. CÁI BIẾT BIẾT CHÍNH NÓ CHỈ ĐƠN GIẢN BẰNG CÁCH LÀ CHÍNH NÓ.

***

Giống như màn hình không bao giờ bị khuấy động bởi những màn kịch diễn trong một bộ phim, cũng vậy nhận biết hay cái biết tự nó không bao giờ bị khuấy động bởi những nội dung của kinh nghiệm. Ý nghĩ có thể xáo động, cảm xúc có thể trầm uất, cơ thể có thể đau đớn, thế giới bên ngoài có thể rối ren – nhưng cái biết thuần tịnh, sự nhận biết hay chính cái biết không bao giờ bị xao động bởi bất kỳ điều gì xuất hiện trong những kinh nghiệm. Như vậy, bản chất của nó chính là sự an lạc.

 

Sự an lạc này không phải là loại an lạc dễ bị tan biến, tùy thuộc vào sự bình ổn tương đối của tâm trí, của thân thể hay thế giới bên ngoài, mà là sự bình an nội tại vốn đã có sẵn, luôn luôn có mặt nơi phần nền hậu cảnh, cái nền đó đã có đó trước khi có những kinh nghiệmđộc lập với sự hoạt động hay không hoạt động của tâm trí.

Không có gì xảy ra nơi những kinh nghiệm làm tăng hay giảm kinh nghiệm của nhận biết hay chính cái biết này, cũng giống như màn hình không bị thêm vào hay bị lấy bớt đi bởi bất cứ điều gì xảy ra trong bộ phim.

 

Cái Biết không bao giờ tăng hay giảm phẩm chất của nó bằng cách lãnh hội kiến thức hay sự có mặt của bất cứ kinh nghiệm cụ thể nào. Nó chẳng cần gì, chẳng sợ gì nơi những kinh nghiệm. Nó an trú vững vàng mà không cần đạt thêm được gì, không mất mát gì từ những kinh nghiệm đặc biệt nào đó.

 

Cái Biết tự nó vốn đã là trọn vẹn, đầy đủ và hoàn hảo. Như vậy, bản chất của nó chính là Hạnh Phúc – không phải là loại hạnh phúc tùy thuộc vào điều kiện của tâm trí, thân thể hay thế giới bên ngoài, mà là một Niềm Hỷ Lạc không có nguyên nhân, vốn đã có trước và độc lập với tất cả những trạng thái, hoàn cảnh hay nhân duyên.

 

Giống như màn hình không có chung những phẩm chất, đặc tính hay sự giới hạn của bất kỳ đối tượng hay nhân vật nào trong bộ phim, cũng vậy, sự nhận biết mà với nó tất cả những tri thứckinh nghiệm được nhận biết, không có chung những phẩm chất, đặc tính hay sự giới hạn của bất kỳ cái gì được nhận biết hay kinh nghiệm. Như vậy nó không bị giới hạn hay là pháp vô hạn

 

Giống như màn hình không bị điều kiện hóa bởi bất kỳ điều gì xuất hiện trong bộ phim, cũng vậy,  sự nhận biết hay chính cái biết tự nó không bao giờ bị điều kiện hóa bởi bất kỳ kinh nghiệm nào. Việc biết, sự nhận biết hay chính cái tâm biết là bản chất cốt lõi, không thể bị suy giảm của tâm trí, nó có mặt trước khi những điều kiện mang dạng hình tướng của những kinh nghiệm khách thể xuất hiện. Như vậy, nó là pháp vô điều kiện hay pháp vô vi

 

* * *

Nếu chúng ta bị cuốn hút vào phim thì đầu tiên có vẻ như màn hình đang nằm phía sau những hình ảnh trong phim. Tương tự, nếu bị kinh nghiệm lôi cuốn thì chúng ta đã bỏ qua kinh nghiệm đơn giản cuả việc nhận biết hay chính cái biết, mà lúc đầu chúng ta có lẽ đã xác định vị trí của nó nơi phần hậu cảnh của kinh nghiệm.

Trong bước đầu tiên, việc biết hay cái biết được nhận ra như là một chủ thể làm nhân chứng cho tất cả những kinh nghiệm khách thể.   

 

Khi nhìn kỹ hơn, chúng  ta sẽ thấy rằng màn hình không chỉ là hậu cảnh của hình ảnh mà còn bao trùm toàn bộ chúng. Tương tự, tất cả kinh nghiệm được thấm đẫm với cái biết đang biết chúng. Nó được bao trùm đều khắp với kinh nghiệm của nhận biết hay chính cái biết này. Không có một phần nào của ý nghĩ, cảm xúc, cảm giác hay tri giác không được thấm đẫm  với cái biết.   Sự hiểu biết thứ hai này sẽ làm sụp đổ, ít nhất một mức độ nào đó, sự phân biệt giữa cái biết và những đối tượng 

 

Trong bước thứ ba, chúng ta hiểu rằng sẽ không hợp lý khi cho rằng sự biết, việc nhận biết hay chính cái biết bao trùm tất cả kinh nghiệm, như thể kinh nghiệm là một pháp và cái biết là một pháp khác. Giống như màn hình là tất cả những gì có đối với một hình ảnh, cũng vậy, sự biết thuần khiết, việc nhận biết hay chính cái biết là tất cả những gì có  đối với những kinh nghiệm.

 

Tất cả những gì có đối với một ý nghĩ là suy tư, tất cả những gì có đối với suy tư là nhận biết.

Tất cả những gì có đối với tình cảm là cảm xúc, tất cả những gì có đối với cảm xúcnhận biết.

Tất cả những gì có đối với một cảm giác là cảm nhân, tất cả những gì có đối với cảm nhận là nhận biết.

Tất cả những gì có đối với một tri giác là tri nhận, tất cả những gì có đối với tri nhận là nhận biết.      

 

Như vậy, tất cả những gì có đối với những kinh nghiệmnhận biết, và chính cái biết nhận biết được sự nhận biết này. Hoàn toàn một mình, ngoài chính nó ra thì không có gì có thể bị giới hạn hay bị phân chia, việc biết hay cái biết thuần khiếttrọn vẹn, hoàn hảo, đầy đủ, bất phân chia và vô hạn.

 

Sự vắng mặt của nhị nguyên, tách biệt và phân biệt ‘ta-người’ là kinh nghiệm của tình yêu và vẻ đẹp, trong đó bất cứ sự phân biệt nào giữa một cái tôi và một đối tượng, người khác hay thế giới bên ngoài đều bị tan biến.

Như vậy, tình yêu và vẻ đẹp là bản chất của cái biết. Trong kinh nghiệm của tình yêu và vẻ đẹp quen thuộc nàycái biết đang nếm hương vị của thực tại vô hạn, vĩnh hằng của riêng nó.

 

* * *

 

Một nhân vật trong phim có thể du hành khắp nơi trên thế giới, nhưng màn hình, nền tảng và thực tại duy nhất của nó, chẳng bao giờ đi đâu cả. Tương tự, mặc dù tâm trí liên tục di chuyển – dưới dạng suy tư, tưởng tượng, cảm xúc, cảm giáctri giác – nhưng cái biết thuần khiết, việc nhận biết hay chính cái biết, nền tảng và thực tại của riêng nó, không bao giờ di chuyển bất cứ nơi đâu.

Trong hình tướng của tâm trí, cái biết di chuyển nhưng không có chuyển động.

 

Giống như màn hình bị tô màu bởi bộ phim nhưng không bao giờ bị biến dạng bởi nó, cũng vậy, cái biết bị tô màu bởi kinh nghiệm nhưng chẳng bao giờ bị lu mờ hay nhơ bẩn bới những gì xảy ra trong nó cả. Việc biết thuần tịnh, sự nhận biết hay chính cái biết luôn luôn trong tình trạng tinh khôi tươi mới. Không một kinh nghiệm nào lưu lại dấu vết trên cái nền hiện hữu cốt lõi, tự tri của chúng ta được.

 

Giống như màn hình hoàn toàn không có sự phòng thủ bảo vệ chống lại bất cứ điều gì xảy ra trong bộ phim đang chiếu, tuy vậy vẫn không bị hủy hoại bởi những hoạt động xảy ra trên nó. Cũng vậy, cái biết hoàn toàn rộng mở hay dễ dàng bị mọi kinh nghiệm tấn công, nhưng đồng thời vẫn không thể bị tổn hại, không thể bị hủy hoại.

 

Kinh nghiệm nhận biết ngay bây giờ vẫn giống hệt như cách đây năm phút, cách đây hai ngày, hai tháng, hai năm hoặc cách đây hai mươi năm. Sự nhận biết khi chúng ta kinh nghiệm lúc còn là một cậu bé hay cô bé năm tuổi cũng giống hệt như sự nhận biếtchúng ta đang kinh nghiệm ngay lúc này.

 .

Như vậy, bản chất cốt lõi của sự biết, việc biết hay chính cái biết không có tuổi tác. Vì lý do đó mà khi chúng ta có tuổi vẫn cảm thấy rằng mình không thực sự bị già. Càng lớn tuổi, chúng ta càng cảm thấy mình vẫn luôn luôn là cùng một người. Tính ‘vẫn như cũ, giống hệt nhau trong chúng ta chính là bản chất ‘vẫn như cũ’, giống hệt nhau của cái biết.

 

Tương tự, cái biết nhận biết được những ý tưởng thông minh cũng giống hệt như cái biết nhận biết được những ý tưởng không sáng suốt.

Cái biết nhận biết được những cảm giác đau đớn, căng thẳng hay xao động cũng giống hệt như cái biết nhận biết được những cảm giác khả lạc, thư giãn hay ấm áp nồng nhiệt.

Cái biết nhận biết được những kinh nghiệm giận dữ, sầu muộn hay thống khổ cũng giống hệt như cái biết nhận biết được kinh nghiệm về lòng biết ơn, sự tử tế hay niềm hỷ lạc.

 

* * *

Tâm trí tin rằng cái biết cư trú trong thân thể và như thế có chung giới hạn và số phận với nó.

Vì vậy, tâm trí tin rằng khi thân thể được sinh ra thì cái biết được sinh ra; khi thân thể già nua bịnh tật, thì cái biết sẽ già nua bịnh tật; khi thân thể chết đi và hoại diệt thì cái biết cũng chết theo và biến mất theo nó.

Tuy nhiên, khi nhân vật trong phim được sinh ra thì màn hình không được sinh ra; khi nhân vật trong phim già đi thì màn hình vẫn không bị già; khi nhân vật trong phim chết đi thì màn hình không chết, không biến mất theo.

Tương tự, khi thân thể xuất hiện hay được sanh ra, cái biết không có sự sanh ra; khi thân thể già đi thì cái biết vẫn không già; khi thân thể biến mất hay chết thì cái biết vẫn không chết hay biến mất. Nó vẫn nguyên vẹn xuyên suốt trong tình trạng không có tuổi

 

Cái biết không bao giờ kinh nghiệm sự xuất hiện hay biến mất cả, không bao giờ kinh nghiệm sự khởi đầu hay kết thúc, không bao giờ kinh nghiệm sự sanh sự tử cả. Để nói về một kinh nghiệm như vậy, cái biết nhất định phải hiện hữu trước khi sự xuất hiện, bắt đầu hay sanh ra của riêng nó và nhất định phải hiện hữu sau khi sự biến mất, kết thúc hay chết đi của riêng nó.

 

Tâm trí hữu hạn tưởng tượng rằng cái biết biến mất trong những giấc ngủ sâu, nhưng trong kinh nghiệm của cái biết thì chính tâm trí đã biến mất trong giấc ngủ sâu, để cho cái biết hoàn toàn còn lại một mình. Giấc ngủ sâu không phải là sự vắng mặt của cái biết; mà chính là sự nhận biết của cái vắng mặt.

 

Như vậy, trong kinh nghiệm riêng của chính nó, cái biết là pháp duy nhất biết được chính nó – cái biết là thực tại không sanh không diệt. Nói cách khác, cái biết là thực tại vĩnh hằng.

Giống như chẳng có gì xảy ra cho màn hình khi nhân vật trong phim bị bịnh tật, cũng vậy, chẳng có gì xảy ra cho cái biết khi thân thể bị ốm đau. Chính vì lý do này mà khi biết được bản chất thật sự của mình là cái biết thuần tịnh thì đó là sự chữa lành tuyệt đối. Nếu biết mình chính là cái biết thuần khiết hay kinh nghiệm đơn giản nhận biết thì chúng ta sẽ luôn luôn sống trong tình trạng khỏe mạnh hoàn toàn.

Không có gì từng xảy ra cho cái biết cả.

 

Rupert Spira

Being Aware of Being Aware

Chapter I & II

BẢN CHẤT CỦA TÁNH BIẾT (Phần 2)
(The Nature of Awareness)
Tác giả: Rupert Spira
Chuyển ngữ: Minh Tuệ Đỗ Minh
Bài này được chuyển ngữ từ chương III và IV sách
‘Being Aware of Being Aware; của tác giả Rupert Spira –
một vị thầy tâm linh phương Tây chuyên giảng về pháp môn bất nhị.

 

CÁI BIẾT BỊ BỎ QUÊN

Đừng để bị cuốn vào, hút vào sự quyến rũ mê hoặc bởi những gì bạn đang nhận biết được, thay vào đó, hãy quan tâm đến kinh nghiệm của chính sự nhận biết.

Hãy nhận biết về sự nhận biết.

 

Mặc dù kinh nghiệm nhận biết không phải là một cái gì đó mà ta có thể nhận biết như một đối tượng, nhưng kinh nghiệm nhận biết vô tướng (không có tính đối tượng) này chắc chắn là đang được chúng ta nhận biết hay kinh nghiệm được.

 

Nếu có ai đó yêu cầu chúng ta liệt kê danh sách những đồ vật trong căn phòng mà chúng ta hiện đang ngồi, nhất định là ít người trong chúng ta có đề cập đến không gian trong bảng liệt kê thứ này thứ kia của mình, bởi vì không gian không thể được thấy giống như cách chúng ta nhìn thấy cái bàn, cái ghế, quyển sách hay máy laptop. Tuy nhiện, chúng ta không thể khẳng định rằng không gian không được chúng ta kinh nghiệm.

 

Giống như không gian, nói một cách tương đối, nhận biết hay chính tự cái biết không có phẩm chất hay đặc tính của đối tượng. Chính vì bản chất vô tướng này mà kinh nghiệm nhận biết hay chính cái biết thường bị phớt lờ hay bị bỏ quên.

Thực ra thì hầu hết mọi người sống cả đời mà không hề thắc mắc rằng Ai hay Cái gì biết hay nhận biết được những kinh nghiệm của mình, hay làm thế nào mà những kinh nghiệm lại có thể có mặt được.

 

Trong những cuộc hội thảo ở Châu Âu và Châu Mỹ, tôi đã từng hỏi hàng ngàn người rằng cha mẹ, thầy giáo, giáo sư của họ có bao giờ hỏi họ câu hỏi, ai hay cái gì biết hay nhận biết được kinh nghiệm của họ hay không, và không một ai đưa ra câu trả lời khẳng định ‘có’ cả.

 

Thật khó mà tưởng tượng rằng một họa sĩ chuyên vẽ phong cảnh dùng cả đời mình để hành nghề giữa thiên nhiên mà không hề ghi nhận được rằng ánh sáng luôn chiếu lên cảnh vật và làm cho mọi vật được hiện lên.

Và tuy vậy, hầu hết mọi người đều không nhận ra được và xem xét đến Cái Biết hay Cái Tâm là cái mà làm cho mọi tri thứckinh nghiệm được hiển lộ, được nhận biết.

* * *

Hầu hết chúng ta bị hấp dẫn, bị lôi cuốn bởi nội dung của những kinh nghiệm như suy nghĩ, hình ảnh, cảm xúc, cảm giáctri giác của các giác quan đến nỗi chúng ta đã bỏ qua việc biết mà với nó chúng ta biết được mọi tri thứckinh nghiệm. Chúng ta không chú ý đến kinh nghiệm đơn giản của nhận biết luôn luôn có mặt, không bao giờ thay đổi nơi cái nền hậu cảnh của tất cả mọi kinh nghiệm. Chúng ta lờ đi chính Cái Biết. Chúng ta bỏ quên việc biết đơn giản của bản thể tự tri tự biết của chính chúng ta.

 

Nói cách khác, chúng ta đã quên đi chúng ta thực sự là ai hay bản chất cốt lõi của chúng ta là gì và thay vào đó chúng ta đã lầm lẫn cho mình là sự tập hợp của những suy tư, hình ảnh, ký ức, cảm xúc, cảm giác hay cái thấy, cái nghe, . . . của các giác quan. Do sự phớt lờ này, sự bỏ qua này, sự quên lãng bản chất của mình là kinh nghiệm biết hay chính là cái biết, chúng ta đã cho phép bản thể nhận biết nền tảng của mình bị trộn lẫn với những phẩm chất và sự giới hạn của những kinh nghiệm khách thể.

 

Giống như một màn hình bị trộn lẫn, hòa lẫn với những phẩm chất của mọi thứ trong bộ phim và kết quả là có vẻ màn hình như đã trở thành một phong cảnh, một cánh rừng, cũng vậy, cái biết vô hạn, vĩnh hằng bị hòa trộn với những kinh nghiệm khách thể và bị lạc mất luôn trong chúng, kết quả là có vẻ như cái biết đã trở thành một cái biết giới hạn, tạm thời – cái tâm trí hữu hạn, cái ngã biệt lập hay bản ngã. Nghĩa là, chúng ta đã quên mất mình thực sự là ai.

                                                     

Nói cách khác, tâm trí tin rằng cái biết có chung giới hạn và số phận của thân thể này. Sự trộn lẫn, hòa lẫn này của cái biết với những thuộc tính và giới hạn của thân thể tạo ra một cái ngã tách biệt hay bản ngã mà hầu hết mọi người đều tin vào nó và cảm thấy mình chính là nó.

 

Như vậy, cái ngã biệt lập hay bản ngã là kết quả tất yếu của việc quên lãng, việc bỏ qua, việc phớt lờ cái Chân Ngã* thực sự và duy nhất của Cái Biết vô hạn, vĩnh hằng, hay nếu nói bằng ngôn ngữ tôn giáo, đó chính là sự quên lãng cái Hiện Hữu Vô Hạn của Thượng Đế.

 (*Từ ‘Chân Ngã’ trong ngữ cảnh này không ám chỉ một thực thể  hay ‘một’ cái ngã nào đó. Tôi đang sử dụng từ phổ biến này để chỉ đến cái mà chúng ta có vẻ đang là và dung nó để nói về sự hiện hữu cốt lõi, vô đối tượng và tự biết của chúng ta)

                                            

Mặc dầu như vậy, bản thể thật sự của Cái Biết vô hạn, vĩnh hằng nơi chúng ta không bao giờ hoàn toàn bị quên hay bị lu mờ bởi những kinh nghiệm khách thể. Dù cho những kinh nghiệm thuộc đối tượng bên ngoài có thể đã làm cho chúng ta xao động, tê liệt thể nào đi nữa, thì trí nhớ về cái bất tử vĩnh hằng của chúng ta vẫn chiếu sáng bên trong nó như là sự khát khao để được hạnh phúc, hay nói theo ngôn ngữ tôn giáo, đó là sự khao khát về Thượng Đế của chúng ta.

                      

* * *

Khi tôi nói, ‘Chúng ta không quan tâm đến kinh nghiệm đơn giản của nhận biết’, tôi không muốn ám chỉ rằng ‘chúng ta’ là một thực thể, còn kinh nghiệm nhận biết là một thực thể khác. Đó chỉ là cách nói mà thôi. Cái ‘tôi’ nhận biết – là cái mà tôi muốn nói đến khi chúng ta nói ‘Tôi đang nhận biết’- cũng là cùng một cái ‘Tôi’ mà biết tôi đang biết.

 

Cái ‘Tôi’ được nhận biết chính là cái ‘Tôi’ biết. Mặt trời chiếu sáng chính là mặt trời được chiếu sáng. Chỉ cái biết nhận biết được cái biết. Chỉ nhận biết nhận biết được sự nhận biết. Vì vậy, cái ‘chúng ta’ đã bỏ quên kinh nghiệm nhận biết, hay sự hiện hữu của cái biết; chính cái biết rõ ràng đang không để ý hay lãng quên chính nó.

 

Chính màn hình tự-biết của cái biết, trên đó những màn kịch diễn của kinh nghiệm đang xảy ra và từ đó chúng được tạo ra, trở nên bị cuốn vào những nội dung khách thể mà nó đã kinh nghiệm, đến nỗi nó dường như tự đánh mất chính mình và, kết quả là, đã bỏ qua hay quên bẵng đi sự hiện hữu của chính nó, giống như tâm trí của người mơ tự đánh mất chính mình trong giấc mơ của riêng nó lúc ban đêm.

 

Tuy nhiên, việc biết, sự nhận biết hay chính cái biết thực sự thì không bao giờ bị che mờ bởi những kinh nghiệm cả, như màn hình không bao giờ bị che mờ bởi một bộ phim. Giống như màn hình vẫn hiện hữu trong suốt bộ phim, cũng vậy, việc biết, sự nhận biết hay chính cái biết vẫn nhận biết được chính nó xuyên suốt trong mọi kinh nghiệm.

 

Chúng ta nhìn thấy phong cảnh hay nhìn thấy màn hình tùy thuộc vào cách chúng ta nhìn, không phải là những gì được chúng ta nhìn thấy. Đầu tiên chúng ta thấy phong cảnh; sau đó nhận ra màn hình; rồi thấy màn hình như là phong cảnh. Trước tiên chúng ta chỉ thấy sự đa dạng và phong phú của những đối tượng; sau đó nhận ra sự hiện hữu của cái biết; rồi thấy được cái biết như là toàn thể của những kinh nghiệm khách thể. Đây là điều mà những người đạo Sufi muốn ám chỉ khi nói rằng, ‘Chỉ có gương mặt của Thượng Đế.’

 

Và đây cũng là điều mà Ramana Maharshi ám chỉ khi Ngài nói rằng, ‘Thế giới là không thực; chỉ có Brahman là thực; Brahman là thế giới.’ Từ góc nhìn này, kinh nghiệm không còn che mờ cái biết nhưng đang sáng lên cùng với nó. Cái được biết đang sáng lên cùng với cái biết.

* * *

Sự che mờ, sự vô tâm hay sự quay lưng khỏi cái biết được xem như là ‘tội lỗi nguyên thủy’ trong truyền thống Cơ Đốc giáo và là ‘sự vô minh’ trong truyền thống Vệ Đà. Từ Hebrew thường được dùng nhiều nhất để dịch chữ ‘tội lỗi’ là chata’ah, nghĩa đen là ‘bỏ lỡ mục tiêu’ . 

 

Tội lỗi nguyên thủy, trong văn cảnh này, nghĩa là sự bỏ lỡ, bỏ qua hay phớt lờ nhân tố cốt lõi của kinh nghiệm – là Tánh Biết hay Bản Tâm, hay Sự Hiện Hữu Vô Cùng của Thượng Đế. Như vậy, trong thuật ngữ tôn giáo, tội lỗi chính là sự quay lung với Thượng Đế.

 

Tương tự, trong tiếng Sanskrit, ngôn ngữ gốc của Vedanta, từ Avidya thường được dịch là ‘vô minh’, ‘tà kiến’ hay ‘tà tư duy’. Trong ngữ cảnh này, vô minh không phải là sự ngu dốt, theo cách hiểu thông thường, mà đúng hơn là sự phớt lờ của cái biết, nghĩa là, cái biết đang phớt lờ, đang bỏ qua hay đang quên chính nó.

 

Với sự che mờ này, sự phớt lờ và giới hạn này của cái biết đã làm cho nó bị co rút lại trở thành một cái tâm trí hữu hạn, một cái ngã tách biệt hay bản ngã, sự an lạc và đầy đủ vốn có sẵn cũng bị che mờ, mặc dù bên trong chúng vẫn vang vọng như một ký ức hoài niệm mà nó hằng khát khao. Sự khát khao an lạchạnh phúc là phẩm chất được thấy rõ  của cái ngã hay bản ngã tách biệt.

 

Như vậy, sự quên lãng bản chất chân thật của mình là nguồn gốc của mọi đau khổ tâm lý, và ngược lại, sự nhớ lại chính mình – nhớ lại và nhận ra chính mình lầ cái biết – là nguồn gốc của an lạchạnh phúc mà tất cả mọi người đều khao khát có được.

 

Khi mà cái ngã biệt lập hay bản ngã đã mệt mỏi với những khả năng tìm cầu sự an lạchạnh phúc nơi những kinh nghiệm khách thể, thì nó có thể sẽ mở ra những khả năng tiếp cận với an lạchạnh phúc bên trong chính nó. Trực giác này là khởi đầu cho sự trở về của cái ngã tách biệt với bản thể vốn an lạcviên mãnđiều kiện của tánh biết thuần tịnh, và như vậy, đó chính là giải pháp cho cuộc tìm kiếm của chính nó.

 

Tất cả những gì mà cái ngã tách biệt cần làm để nhận ra được bản chất cốt lõi của chính nó và tiếp cận được niềm an lạchạnh phúc đã có sẵn là nhận ra bản chất của cái biết thuần khiết không bị điều kiện hóa hay giới hạn bởi những kinh nghiệm có tính đối tượng. Nói cách khác, cốt lõi của nó phải được thấy rõ ràng. Nghĩa là, cái biết phải thấy chính nó một cách rõ ràng, và để thấy được chính mình rõ ràng nó phải ‘nhìn vào’ chính nó.

 

Tuy nhiên, giống như tia sáng từ một cây đèn pin có thể được hướng về một đối tượng nhưng không thể hướng về bóng đèn từ đó nó phát ra, cũng vậy, cái biết, trong hình tướng của sự chú ý của tâm trí, có thể hướng ánh sáng của sự biết đến những kinh nghiệm khách thể nhưng không thể hướng chính nó về phía chính nó.

 

Chúng ta không thể hướng tâm trí về kinh nghiệm của nhận biết, chúng ta chỉ có thể hướng tâm trí đi ra khỏi nó mà thôi. Vì vậy, sẽ chính xác hơn khi nói rằng cái biết phải thư giãn sự tập trung chú ý của nó, hay tự gỡ rối để tách ra những đối tượng của kinh nghiệm, từ đó cho phép sự chú ý quay trở lại hay nghỉ ngơi trong chính nó.

 

Như vậy, hình thức cao nhất của thiền không phải là hoạt động được làm bởi tâm trí. Nó là một sự thư giãn, rơi ngược trở lại hay để tâm trí chìm vào cội nguồn hay cốt lõi của cái biết thuần khiết mà từ đó nó đã khởi sanh lên.Sự trở về của cái biết với chính nó, sự nhớ lại chính nó – nhận biết sự nhận biết – là tinh túy của thiền hay cầu nguyện, và là con đường trực tiếp đưa đến an lạchạnh phúc bền vững lâu dài.

* * *

Cái ngã biệt lập hay bản ngã giống như trái bóng cao su đang bị bóp thắt lại. Tất cả những gì đối với trái bóng đang bị bóp lại là trái bóng ban đầu. Tuy nhiên, bóp quả banh sẽ làm nó co lại và tạo ra sự căng thẳng, và vì căng thẳng nên nó luôn luôn tìm cách  phồng ra để về lại tình trạng nguyên sơ, thoải mái của nó. Trái bóng bị bóp không làm gì cả; chính trạng thái thoải mái tự nhiên của trái bóng căng đầy sẽ đưa trái bóng đang bị co rút về lại với tình trạng ban đầu của nó.

 

Tương tự, cái ngã tách biệt là sự giới hạn hay co rút của cái biết vô hạn. Tất cả những gì có đối với cái ngã biệt lập là cái ‘chân ngã’ thực sự và duy nhất của cái biết thuần tịnh, nhưng sự co lại thành một thực thể giới hạn của nó tạo ra sự căng thẳng luôn luôn có khuynh hướng tìm lại trạng thái tự nhiêntự tại ban đầu. Lực kéo này được cảm nhận bởi cái ngã biệt lập như là ước vọng hạnh phúc hay niềm khao khát Thượng Đế.

 

Thực ra, không phải là cái ngã tách biệt tầm cầu hạnh phúc hay trở về trạng thái tự nhiên, thư giãn của nó. Chính lực kéo hay sự nhớ lại trạng thái tự nhiên đã kêu gọi cái ngã tách biệt trở về lại với tình trạng cố hữu của cái biết vốn đã thảnh thơian lạc của nó.

 

Chuyển động của cái ngã biệt lập hướng về bản chất của nó là cái biết thuần tịnh, từ góc nhìn của cái ngã biệt lập, chuyển động đó được cảm nhận như là lòng ham muốn hay nỗi khát khao; lực kéo của cái biết vốn đã an lạc, thảnh thơi đối với sự co lại của cái ngã biệt lập là sức hút của ân sủng.

Tình yêu của chúng ta dành cho Thượng Đế là tình yêu của Thượng Đế dành cho chúng ta.

 

***

CÁI BIẾT ĐƯỢC CỞI TRÓI

Để nhận ra hay nhận biết chính nó như nó đang là, cái biết không cần phải làm bất kỳ điều gì đặc biệt cả. Cái biết với bản chất tự nhiên đã là tự-tri, tự-biết, giống như mặt trời với bản chất tự nhiên đã là tự-chiếu-sáng.

 

Do đó, sự nhận biết của cái biết về chính nó – nghĩa là, hiểu biết về bản thể cốt lõi, bất giảm thiểu của chúng ta – không phải là một loại hiểu biết gì đó mới mẻ hay đặc biệt cả. Đó là trí tuệ vốn đã có sẵn trong cái biết, mặc dù có vẻ như bị che mờ do sự chú ý của chúng ta chỉ tập trung trên những kinh nghiệm mang tính khách thể.

 

Triết gia người Nga P.D. Ouspensky đã nói đến tiến trình này là ‘sự tự-nhớ’ (self-remembering) mà qua đó cái biết nhận ra bản chất vĩnh hằng, vô hạn của chính nó; khi nói như vậy, không phải ông muốn ám chỉ đến một cái gì đó trong quá khứ đã từng được biết và đã bị quên, mà đúng hơn là sự nhận ra hay nhận biết trở lại cái gì đó đã có mặt và quen thuộc, nhưng dường như đã bị bỏ qua hay quên lãng do ‘sự ồn ào ầm ĩ’ phức tạp của những kinh nghiệm.

 

Như vậy, thiền là sự nhớ lại bản thể của chính chúng ta: kinh nghiệm nhận biết tinh khôi, chói sáng, vốn an lạc và đầy đủ vô điều kiệnchúng ta luôn luôn đã là nó rồi, đang có mặt xuyên suốt mọi kinh nghiệm, có vẻ như bị che mở bới những ý nghĩ, cảm xúc, cảm giáctri giác, nhưng thực ra là nó chưa bao giờ bị che mờ cả.

 

Thực sự thì bản thể cốt lõi, bất giảm thiểu hay cái biết thuần tịnh của chúng ta không thể được nhớ giống như cách mà chúng ta nhớ đến một vật thể, một con người, hay một sự kiện khi chúng được nhớ, bởi vì chỉ với cái gì đó có những phẩm chất mang tính đối tượng mới có thể được nhớ lại. Cái biết không cần được nhớ theo ý nghĩa đó, vì chỉ cái gì đó bị mất hay bị thiếu mới cần được nhớ lại.

 

Tuy nhiên, nếu chúng ta bị lạc mất trong những nội dung của phim ảnh, màn hình sẽ có vẻ như đang không có đó hay không được thấy. Dĩ nhiên là màn hình thì luôn luôn có mặt, dù chúng ta tạm thời bỏ qua hay quên nó do chúng ta bị phim làm hấp dẫn. Tương tự, cái biết luôn luôn có mặt và nhận biết chính nó, nhưng có vẻ nó không tự biết chính nó như nó đang là khi nó tự đánh mất mình trong những kinh nghiệm khách thể.

 

Trong trường hợp như thế thì sự biết của cái biết về chính nó bị pha trộn lẫn với sự biết về những đối tượng khác và, kết quả là, nó có vẻ như không còn biết chính nó một cách rõ ràng nữa. Kinh nghiệm nhận biết đã bị bóp méo hay bị che mờ bởi những phẩm chất phức tạp của những kinh nghiệm khách thể.

 

Cái biết bị pha lẫn với những tính chất của suy nghĩ, cảm xúc, cảm giáctri giác, do đó đương nhiên là bị giới hạn, và dường như trở thành một cái ngã hay tâm trí hữu hạn, tạm thời. Cái biết về đối tượng đã che mờ cái biết về chính nó.

* * *

Chỉ có cái vô hạn mới có thể biết cái vô hạn; chỉ có cái hữu hạn mới có thể biết cái hữu hạn.

Để biết những kinh nghiệm có tính đối tượng, cái biết vô hạn phải mang hình tướng của tâm trí hữu hạn, nhưng để biết chính nó, nó không cần phải mang hình tướng của tâm trí. Nói cách khác, trong hình tướng hay hoạt động của tâm trí, cái biết nhận biết được ý nghĩ, hình ảnh, cảm xúc, cảm giáctri giác (nhận thức của các giác quan), nhưng trong hình tướng của tâm trí, nó không thể biết chính nó.

 

Cái biết không thể biết chính nó trong hình tướng của tâm trí bởi vì tâm trí là sự giới hạn hiển nhiên rõ ràng của cái biết, giống như một nhân vật trong giấc mơ không thể biết tâm trí của người mơ bởi vì nhân vật đó là sự giới hạn của chính cái tâm trí đó.

 (*Trong thực tế thì tâm trí của người mơ là giới hạn, nhưng trong ẩn dụ này, tâm trí của người mơ biểu thị cho cái biết vô hạn)

 

Mọi thứ mà một nhân vật trong mơ biết là sự phản chiếu sự giới hạn của tâm trí của riêng nhân vật ấy, và do đó người ấy không thể biết tâm vô hạn của người mơ, mặc dù tâm trí của họ được tạo ra từ nó. Sự giới hạn của tâm trí không cho nhân vật ấy biết được thực tại vô hạn của mình. Cùng lý do đó, tâm trí hữu hạn không bao giờ biết được cái biết vô hạn, mặc dù nó là một biến dạng của cái biết vô hạn đó.

 

Giống như một bộ phim có thể được nói như là một hoạt động của màn hình, hay một dòng hải lưuhoạt động của đại dương, cũng vậy, tâm tríhoạt động của cái biết. Như vậy, tâm trí là cái biết trong chuyển động, cái biết là tâm trí trong nghỉ ngơi. Tâm trí đi tìm cái biết giống như dòng hải lưu tìm nước. Một tâm trí như thế phải chịu số phận thất vọng mãi mãi mà thôi.

 

Tâm tríhoạt động hay sự sáng tạo của cái biết trong đó cái biết có vẻ như bị trói buộc. Cái biết có vẻ như đánh mất chính mình trong những gì nó sáng tạo ra; nó tự che mờ bằng hoạt động của chính nó.

 

Thiền là cái biết thoát ra khỏi sự trói buộc của hoạt động được tạo ra từ chính nó.

Trong thiền kinh nghiệm đơn giản của nhận biết được tách ra thoát khỏi mọi đối tượng mà chúng ta nhận biết được. 

* * *

Khi từ ngoài ánh sáng mặt trời đi vào một căn phòng tối, với tâm trí, chúng ta không thể làm bất cứ điều gì để những vật thể xuất hiện trong bóng tối được. Ta chỉ ở yên đó, thư giãn, và từ từ mọi thứ sẽ hiện ra.

 

Thiền cũng tương tự như vậy. Chẳng có gì cho tâm trí phải làm để có thể thấy được hay biết được cái biết cả, vì tâm trí là một sự giới hạn của chính cái tâm biết mà nó đang tìm kiếm. Bất cứ tâm trí làm điều gì thì cũng chỉ làm tăng thêm hoạt động che mờ của chính nó mà thôi.

 

Thiền là làm giảm hoạt động của tâm trí và đưa đến sự khai mở của chính bản chất của tâm trí – sự biết hay cái biết thuần khiết – đối với chính nó.

 

Chỉ có cái biết nhận biết được cái biết. Trong sự bất-động (vô tác –non-activity) hay không-làm (vô hành- non-practice) được biết như là thiền, hoạt động của tâm trí lắng dịu xuống và, kết quả là, bản chất của cái biết thuần khiết, sau khi bị mất những sự giới hạn của nó, sẽ hiển lộ với chính nó như bản chất thật sự vốn có của nó.

 

Nếu có ai đó thu hút sự chú ý của chúng ta vào trang giấy trắng trên đó chữ được viết, chúng ta nhất định sẽ nhận biết nó được ngay lập tức. Thực sự thì ta luôn luôn nhận biết được trang giấy nhưng chúng ta đã không thấy được nó là do bởi quá tập trung chú ý đến chữ mà thôi.

 

Cái biết giống như tờ giấy trắng. Nó chính là sự hiện hữu tự-tri, chói sáng mà trên nó hay trong nó mọi kinh nghiệm xuất hiện, cái biết trong suốt mà với nó mọi kinh nghiệm được biết và, sau cùng là cái nền hay thực tại mà từ đó tất cả những kinh nghiệm được tạo ra. Nhà thơ Shelley đã nói đến điều này như là ‘ánh sáng trắng của vĩnh hằng’.

 

 Sự nhận ra cái biết – cái biết nhận ra chính nó – không phải là thấy hay biết một cái gì đó mới mẻ; mà đó là cách nhìn mới hay sự biết cái mà luôn luôn đã có mặt ở đó rồi, ‘sờ sờ’ sẵn đó rồi.

Giác ngộ hay tỉnh thức không phải là một loại kinh nghiệm mới hay phi thường gì cả. Nó là sự tự-hiển-lộ của chính bản chất cốt lõi của mọi kinh nghiệm.

Cái biết không thể được khám phá; nó chỉ có thể được nhận ra.

Chúng ta không thể khám phá cái biết; chúng ta chỉ có thể nhận ra nó.

* * *

Sự thoát ra của cái biết khỏi hoạt động của chính nó có thể có hiệu quả bằng cách hỏi một câu hỏi để mời gọi tâm trí đi ra khỏi những kinh nghiệm khách thể và quay ngược trở lại nguồn, hướng về bản thể cốt lõi không suy giảm của nó. 

 

 ‘Mình có đang nhận biết không?’ (Am I aware?) là một câu hỏi như thế. Hầu hết những câu hỏi đều hướng ánh sáng của sự biết hay sự chú ý về phía những tri thứckinh nghiệm khách thể, nhưng câu hỏi như, ‘Mình có đang nhận biết không?’ là một câu hỏi rất quan trọng, nó mời gọi tâm trí hướng về phía không đối tượng.

 

Khi tâm trí tiếp tục trong chiều hướng không đối tượng này, nó bắt đầu thư giãn, chìm hay rơi ngược trở lại nguồn của cái biết mà từ đó nó đã sanh lên. Tâm trí dần dần mất đi màu sắc hay hoạt động của nó cho tới khi bản chất nhận biết thuần khiết của nó được hiển lộ ra.

 

Nghĩa là, tìm kiếm trí tuệ tuyệt đối của bản thể vĩnh hằng, vô hạn, tự-tri vốn chiếu sáng trong tâm trí của mỗi chúng ta như là kinh nghiệm nhân biết hay trí tuệ ‘Tôi là’,’Tôi hiện hữu’ (I am) nằm ngay chính cội nguồn của tâm trí, đã có trước mọi tri thứckinh nghiệm khách thể. 

 

Câu trả lời cho câu hỏi ‘Mình có đang nhận biết không’ rõ ràng là ‘Có’. Câu hỏi ‘Mình có đang biết không?’ là một ý nghĩ, trong đó chúng ta chưa có câu trả lời chắc chắn. Câu trả lời ‘Có’ là ý nghĩ thứ hai. Trong đó chúng ta hoàn toàn có sự tin chắc vào câu trả lời.

 

Có một cái gì đó xảy ra giữa hai ý nghĩ này chuyển từ sự không chắc chắn biểu hiện trong câu hỏi qua sự chắc chắn biểu hiện trong câu trả lời.

 

Bất cứ điều gì xảy ra giữa hai ý nghĩ này tự nó không phải là một biểu hiện hay hoạt động của tâm trí; nó xuất hiện giữa hai biểu hiện hay hai hoạt động. Tuy nhiên, bất cứ gì xảy ra trong chỗ-không-có-nơi ấy (placeless-place) – không có nơi bởi vì với sự vắng mặt của hoạt động tâm trí, không thời giankhông gian được kinh nghiệm – cho ta niềm tin mà từ đó chúng ta có thể trả lời ‘Có’ cho câu hỏi ‘Mình có đang biết không?’ với sự chắc chắn tuyệt đối.

 

Để trả lời câu hỏi ‘Mình có đang biết không?’ chúng ta bắt buộc phải ‘đi vào’ kinh nghiệm của nhận biết. Nói cách khác, chúng ta phải biết được kinh nghiệm nhận biết. Chúng ta phải nhận biết về sự nhận biết. Nếu không nhận biết được kinh nghiệm nhận biết, nhất định chúng ta sẽ không trả lời ‘Có’ cho câu hỏi ‘Mình có đang biết không?’ được.

* * *

Thế thì chúng ta có thể sẽ tự hỏi rằng, cái ‘ta’ hay cái ‘mình’ nhận biết được kinh nghiệm nhận biết là ai?

Chỉ có cái biết nhận biết. Do đó, trong khoảng ngưng ngắn giữa câu hỏi ‘Mình có đang biết không?’ và câu trả lời ‘Có’, cái biết không còn hướng ánh sáng của sự biết về phía kinh nghiệm có tính đối tượng và, kết quả là, trở nên nhận biết chính nó.

 

Thực ra, cái biết không trở nên nhận biết về chính nó. Cái biết luôn luôn nhận biết chính nó, giống như mặt trời luôn luôn chiếu sáng chính nó.

Tuy nhiên, khi cái biết hướng sự chú ý hay ánh sáng nhận biết về hướng một đối tượng, sự biết về chính nó đã bị pha trộn lẫn với sự biết về đối tượng, và vì vậy có vẻ như không còn nhận biết chính nó như bản chất thực sự của nó nữa. Do đó, trong khoảng hở giữa hai đối tượng hay hai ý nghĩ như thế, nó có vẻ như trở nên nhận biết chính nó thêm một lần nữa.

 

Thực ra, sự biết của cái biết về chính nó không phải là một kinh nghiệm mới mẻ, huyền bí, xa lạ hay khác thường gì cả. Đó là kinh nghiệm gần gũi, thân thuộcbình thường nhất mà nó có khả năng có được. Đó đơn giản chỉ là sự biết về bản thể cốt lõi, tự-tri của chúng ta – sự biết về chính mình. Đó là một kinh nghiệm đơn giảnchúng ta muốn nói đến khi nói ‘Tôi là’. Nó là hiểu biết về sự đơn thuần hiện hữu.

 

Câu hỏi ‘Mình có đang biết không?’ và câu trả lời ‘Có’ là những ý nghĩ. Chúng là những hoạt động của cái biết, thay vì cho chúng  là  những đối tượng xuất hiện trong cái biết, giống như có thể nói bộ phim là hoạt động của màn hình, thay vì cho là một thực thể có sự tồn tại độc lập của riêng nó đang xuất hiện trên màn hình.

 

Như thế, nhận biết sự nhận biết – cái biết của cái biết về cái biết – được hiển lộ giữa hai hoạt động của tâm trí, nghĩa là, giữa hai ý tưởng hay nhận thức của giác quan, giống như màn hình trống không được phô bày giữa hai khung hình của một bộ phim.

 

Trong khoảng ngưng giữa câu hỏi ‘Mình có đang biết không?’ và câu trả lời ‘Có’, tâm trí lắng xuống hoạt động và sự giới hạn của nó, và rồi hiển lộ như là cái biết vô hạn, chỉ chiếu sáng hay biết chính nó.

 

* * *

Khi bắt đầu, cái biết có lẽ dường như thấy khó để an trú với chính nó, nghĩa là duy trì kinh nghiệm đơn giản nhận biết không có đối tượng, vì nó đã quen với chuyện khoác lấy hình tướng của tâm trí và như thế, tự hướng chính nó về phía những đối tượng khách thể. 

Ngay khi điều này được ghi nhận, chúng ta có thể hỏi lại câu hỏi, ‘Mình có đang biết không?, bằng cách này chúng ta mời gọi tâm trí đi ra khỏi đối tượng của tri thứckinh nghiệm, để hướng về nguồn hay cốt lõi của nó.

 

Tâm trí chỉ có thể đứng vững như vậy bằng cách chú ý đến một đối tượng, vì vậy khi tâm trí hỏi chính nó câu hỏi ‘Mình có đang biết không?’, nó đã đi vào cuộc hành trình theo chiều hướng không đối tượng – con-đường-không-có-đường hay đường-vô-lộ (pathless-path) – thoát ra khỏi ý nghĩ, hình ảnh, cảm xúc, cảm giác hay tri giác để hướng về bản chất cốt lõi, bất giảm của cái biết thuần khiết.

 

Trong suốt hành trình vô-phương-hướng này, tâm trí chìm và buông thư ngược trở lại, hướng vào bên trong, hay hướng về bản thể của nó. Khi làm như vậy, trong hầu hết trường hợp, dần dần, đôi khi bất ngờ, nó đã lột bỏ được những tính chất giới hạn của nó, và đến một thời điểm nào đó, sẽ hiển lộ như là tâm thuần khiết, tâm nguyên thủy hay cái biết vô hạn.

* * *

Thực ra nói rằng tâm trí dấn thân trên hành trình để khám phá bản chất hay thực tại của nó có thể dẫn đến sai lầm. Giữa một hình ảnh và màn hình cách nhau bao xa? 

 

Con đường của tâm trí hữu hạn đi tới cốt lõi nền tảng, bất giảm của nó không phải là cuộc hành trình từ một nơi này, một thực thể này đến một nơi khác, một thực thể khác, mặc dầu, cuộc khám phá này thường được mô tả như một cuộc hành trình, một đạo lộ, hay cuộc hành hương. Nó giống như sự mờ dần của một hình ảnh trên màn hình hơn.

 

Tâm tríhoạt động tự tô màu của cái biết. Thiền là làm nhạt hay làm tan dần hoạt động tô màu này và sự hiển lộ tiếp theo sẽ là bản chất không màu của tâm trí, của chính cái biết thuần khiết.

 

Nhận biết sự nhận biết – cái biết của cái biết về cái biết – là một kinh nghiệm không màu, vô-tướng (không đối tượng). Đó là kinh nghiệm về bản chất của tâm trí sau khi những phẩm chất giới hạn của nó đã được loại trừ. Như vậy, nó là tâm trí thuần khiết – chính cái biết – đang biết bản chất cố hữu, bất giảm, bất hoại của nó. Trong truyền thống Zen, điều này được nói đến như là ‘bộ mặt nguyên thủy của chúng ta’ (our original face).

 

Kinh nghiệm trong suốt, không màu của nhận biết hay chính cái biết không thể được biết hay được nhớ bởi tâm trí, bởi vì tâm tríhoạt động của cái biết – không có mặt, hay nói đúng hơn, là nó không hoạt động ở đó.

 

Tâm trí đã bỏ qua kinh nghiệm nhận biết không đối tượng và thậm chí có thể đã phủ nhận sự hiện hữu của chính nó. Một tâm trí như vậy giống như một con sóng đang phủ nhận sự tồn tại của nước.

 

Tuy nhiên, một khi tâm trí đã quen với chuyện tan vào nguồn hay bản chất của nó bằng cách lập đi lập lại, sẽ dần dần trở nên thấm đẫm với sự an lạc vốn có của nó. Và khi một tâm trí như thế sinh lên từ đại dương của nhận biết, thì hoạt động của nó sẽ đem đến sự an lạc cho con người.

 

Một tâm trí như vậy cũng đầy cảm hứng bởi trí tuệ không đơn giản chỉ là sự tiếp nối liên tục của quá khứ mà phát xuất trực tiếp từ bản chất cốt lõiđiều kiện của nó. Nguồn cảm hứng này sẽ mang đến sự sáng tạo và những khả năng mới vào bất cứ lãnh vực hiểu biết hay hoạt động nào mà trong đó tâm trí đó vận hành.

 

RUPERT SPIRA