THEO TINH THẦN LUẬT TẠNG
Tỳ kheo Thích Từ Thông
“Những người tốt là những người biết ơn và nhớ ơn đã thọ”[1] (Đức Phật). Rời mái ấm thân thương, xa vòng tay ấm áp của cha mẹ, những người con mang trong mình lòng nhiệt huyết với lý tưởng và mục tiêu cao thượng, chọn sống đời phạm hạnh, quyết lòng theo thầy học đạo, noi gương theo công hạnh của Đức Phật cùng với chư vị Tổ đức. Hình ảnh người thầy và học trò từ lâu đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng, cao quý, sự tiếp nối giữa thầy và trò trong Phật giáo không chỉ giới hạn trong phạm vi kiến thức mà nó còn thấm đượm tình đạo vị, hướng đến giải thoát làm mục tiêu duy nhất. Do đó, trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa truyền thừa cao đẹp này thông qua tinh thần của luật tạng (Vinaya).
1. KHỞI ĐẦU CỦA SỰ TRUYỀN THỪA
Kể từ khi Phật giáo bắt đầu xuất hiện tại Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm, cho đến thời điểm hiện tại đạo Phật vẫn còn nguyên vẹn các giá trị đạo đức nhân bản và lý tưởng giải thoát cao đẹp mà nó mang đến cho nhân loại. Theo dòng diễn biến của tiến trình vận động phát triển lịch sử, Phật giáo cũng tùy thuận với sự biến thiên thăng trầm thịnh suy của thời cuộc. Sự kiện quan trọng nhất, đánh dấu sự khởi đầu việc chính thức “Truyền thừa Chánh pháp” nơi thế gian này. Đó chính là thời điểm Đức Phật tuyên thuyết bài pháp sơ khởi cho năm vị đạo sĩ Kiều-trần-như. Sau khi bài kinh “Chuyển pháp luân” lần đầu tiên được Đức Phật tuyên thuyết, đạo sĩ Koṇḍañña đã chứng được Thánh quả và được gọi là Aññākoṇḍañña [2]. Đến bài pháp thứ hai, thời điểm mà bậc Đạo Sư tuyên thuyết “Kinh vô ngã tướng” bốn vị đạo sĩ còn lại, cũng lần lượt chứng thánh vị, lúc bấy giờ trên trái đất có sự hiện diện của sáu vị thánh A-la-hán [3].
Mahāvaga ghi nhận, chính bởi sự liễu ngộ giáo pháp và chứng thánh quả dưới sự hướng dẫn trực tiếp từ Đức Phật, mà nhóm năm vị đạo sĩ này về bản chất đã được đầy đủ về “giới thể và giới tướng của một vị Tỳ kheo” và đã đạt đến mục đích giải thoát, chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau. Qua sự kiện trên, chúng ta nhận thấy, thời điểm có đầy đủ sự hiện diện của Đức Phật (Phật bảo), giáo pháp được tuyên thuyết (Pháp bảo) và có mặt năm vị Tỳ kheo A-la-hán (Tăng bảo). Đây là một trong những sự kiện quan trọng, đánh dấu sự hình thành nên Ba ngôi báu cao quý (Phật, Pháp, Tăng) bắt đầu hiện hữu trên cõi đời này. Nếu xét về phương diện khởi nguyên của sự truyền thừa Chánh pháp, thì sự kiện này làm tiền đề cho việc duy trì và truyền bá mạng mạch Phật pháp nơi thế gian.
Tuy nhiên, căn cứ theo Luật tạng thì điểm cần lưu ý ở đây là vào 12 năm đầu tiên khi Tăng đoàn đã được thành lập, trong khoảng thời gian đó, giới luật chưa được Đức Phật chế định, “Chánh pháp” được hiểu với ý nghĩa bao gồm cả giáo pháp cùng với các quy tắc sống cao thượng (Luật). Những vị thánh đệ tử truyền bá Chánh pháp với ý nghĩa bao gồm cả sự truyền trao giáo pháp cao thượng từ Đức Phật cùng với những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm tu tập trên nền tảng vô ngã, vị tha, với mong muốn đem lại sự an lạc lợi ích cho số đông và đặt mục tiêu giải thoát làm cứu cánh.
2. Ý NGHĨA “NGƯỜI THẦY” TRONG ĐẠO PHẬT
Sau khi chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Đức Phật đã dành hai mươi mốt ngày tận hưởng trọn vẹn niềm an lạc của hương vị giải thoát (bảy ngày dưới gốc cây Bồ-đề, bảy ngày dưới gốc Mucalinda, bảy ngày dưới gốc Rājāyatana). Một trong những ý nghĩ suy tầm đầu tiên của Đức Phật, Ngài nghĩ rằng: “Pháp này đã được ta chứng ngộ là (Pháp) thâm sâu, khó lĩnh hội, khó nhận thức, thanh tịnh, cao quý, vượt trên lý luận, tinh tế, nên được hiểu biết bởi các bậc trí. Hơn nữa, chúng sanh đời này có sự thỏa thích trong ngũ dục, được thỏa thích trong ngũ dục, được vui sướng trong ngũ dục, đối với chúng sanh có sự thỏa thích trong ngũ dục,… thì vấn đề này khó lĩnh hội tức là quy luật nhân quả và sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện;… sự yên lặng của tất cả các Hành, sự dứt bỏ tất cả gốc rễ của sự tái sanh, sự diệt tận ái, sự không còn dục tình, sự tịch diệt, Niết bàn. Nếu ta thuyết giảng Pháp và những người khác không hiểu được ta, điều ấy sẽ đem lại cho ta sự mệt mỏi và sự phiền toái” [4].
Sau đó, Phạm Thiên Sahampati biết được suy tầm này của Phật, ông nghĩ: “Như thế này thì thế gian bị tiêu diệt! Như thế này thì thế gian bị hủy hoại! Bởi vì tâm của Đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng giáo pháp” [5]. Phạm Thiên đi đến Đức Phật và cầu xin Ngài hãy chuyển vận bánh xe pháp nơi thế gian, bởi vì trong đời có những hạng người sanh lên ít bị ô nhiễm sẽ là những người hiểu được giáo pháp, nhưng do việc không nghe giáo pháp sẽ bị thoái hóa và là một sự tổn thất lớn cho chư Thiên và loài người.
Sự kiện Phạm Thiên cầu thỉnh Đức Phật thuyết pháp không chỉ dừng lại ở các yếu tố mang tính chất huyền thoại, nhưng ẩn ý đằng sau nó là một tầng triết lý sâu sắc. Điều này ngụ ý sẽ có một nền giáo pháp mới thay thế cho hệ thống tư tưởng triết học Ấn Độ thời bấy giờ, bởi Phạm Thiên Sahampati được xem là vị thần linh tối cao trong hệ thống tín ngưỡng Bà-la-môn giáo nay đã đến quy y, kính ngưỡng giáo pháp với Đức Thế Tôn.
Với tuệ giác của bậc giác ngộ, Đức Phật đã quán sát thế gian, hình ảnh những hoa sen đang vươn mình lên trong bùn nhơ nước đục, gợi cho Ngài những ấn tượng sâu sắc về những khả năng tiềm ẩn trong mỗi chúng sanh. Đối tượng quan trọng nhất mà Đức Phật đang hướng đến ở đây chính là con người, mặc dù có sự khác biệt ở nhiều mặt nhưng bản chất của sự giác ngộ là một chất liệu có sẵn trong mỗi con người. Điều quan trọng là ai sẽ là người đánh thức những nguồn năng lượng tiềm ẩn, phát triển và vận dụng nó hướng đến cái vĩ đại nhất (giác ngộ)?
Đó chính là những “bậc thầy tâm linh”, mà Đức Phật là một bậc thầy tôn kính nhất trong thế gian không có người vượt qua, bên cạnh đó thì những vị Thánh đệ tử, các vị Tỳ kheo có trí tuệ và giới đức được Đức Phật giao phó sứ mệnh cao thượng này. Khi Tăng đoàn ngày một lớn mạnh về số lượng, quy mô và mở rộng các trú xứ hành đạo. Việc tiếp nhận và huấn luyện các vị sơ cơ xuất gia theo đúng với mục tiêu và giá trị cao đẹp mà đời sống phạm hạnh hướng đến. Do đó mà Đức Phật đã cho phép các vị cư sĩ xuất gia thọ giới Tỳ kheo mà không cần sự hiện diện chứng minh của Đức Phật. Ngoài ra, những vị tân Tỳ kheo này cần phải được đặt dưới sự bảo hộ và giáo dưỡng của một vị “Hòa thượng” hay “thầy tế độ”, kể từ đây mối quan hệ giữa thầy – trò trong Phật pháp ngày càng trở nên rõ ràng và thiêng liêng hơn.
3. VAI TRÒ VÀ NHIỆM VỤ THIÊNG LIÊNG CỦA NGƯỜI THẦY
Sau khi được Đức Phật cho phép, các vị Tỳ kheo có trí tuệ và giới đức thu nhận và truyền giới Cụ-túc cho các cư sĩ có ý muốn xuất gia trở thành Sa-môn theo quy tắc: “Tam ngữ thọ giới”, tức là người muốn xuất gia tự đọc lên ba lần: “Con xin đến nương tựa Phật. Con xin đến nương tựa Pháp. Con xin đến nương tựa Tăng…”. Tuy nhiên, những vị tân học Tỳ kheo này chưa nhận được sự quan tâm dạy dỗ theo đúng chuẩn mực của một vị Sa-môn Thích tử. Điều này đã khiến cho dân chúng phàn nàn và chê trách: “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, hoàn toàn không đúng quy cách rồi đi khất thực, và khi dân chúng đang ăn các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn loại mềm (của dân chúng), các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn loại cứng, các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn có hương vị, các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức uống, các vị tự mình yêu cầu súp và cơm rồi thọ thực, các vị sống (thường xuyên) gây nên sự náo nhiệt, sự ồn ào ở trong nhà ăn giống như các Bà-la-môn trong bữa ăn của các Bà-la-môn vậy?” [6].
Sau khi nhận được sự phản ảnh từ dân chúng; các vị Tỳ kheo ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai điều này và sau đó bạch sự việc này lên Đức Phật. Đức Thế Tôn đã triệu tập hội chúng Tỳ kheo, sau khi xác nhận vấn đề này, Ngài ân cần dạy bảo khích lệ với những pháp thoại liên hệ đến đời sống phạm hạnh và nghiêm khắc phê bình những hành động chưa đúng đắn của các vị tân học đó. Nhân sự kiện này, Đức Phật đã chế định: “Này các Tỳ kheo, ta cho phép vị thầy tế độ. Này các Tỳ kheo, vị thầy tế độ sẽ gợi lên ở người đệ tử tâm của người con và người đệ tử sẽ gợi lên ở vị thầy tế độ tâm của người cha. Như thế, trong khi sống cùng nhau có sự kính trọng, có sự vâng lời, có sự tiếp xúc với nhau, họ sẽ đạt đến sự lớn mạnh, sự tăng trưởng, sự phát triển trong Pháp và Luật này” [7].
Tứ Phần Luật thì ghi: “Từ nay về sau cho phép cầu thỉnh Hòa thượng. Hòa thượng chăm sóc đệ tử với tâm ý đó là con. Đệ tử chăm sóc Hòa thượng với tâm ý đó là cha. Trên dưới kính trọng lẫn nhau, chăm sóc cho nhau. Có như vậy Chánh pháp mới được lâu bền, mới được lợi ích rộng lớn” [8].
Danh từ “Hòa thượng” (和尚) [9] tương đương với “thầy tế độ” (upādhyāya; upajjhāya) là danh xưng dành cho những bậc tôn đức trưởng thượng có đầy đủ giới hạnh và trí tuệ, đặc biệt nhất là khả năng khích lệ, đánh thức những yếu tố giác ngộ, những “hạt giống Bồ-đề tâm” của người học trò. Từ upādhyāya trong Phạn ngữ, được hiểu là sự kết hợp của “upā” có nghĩa là gần, bên cạnh và “dhyāya” có nghĩa là đọc; upādhyāya nghĩa là sự gần gũi, thân cận một bậc thầy tâm linh để học hỏi và đọc tụng hành trì các giáo pháp. Ngài Kumarajiva, dịch từ này sang Hán văn là “lực sinh” (力生), nghĩa là người mà các học trò nương náu và học hỏi kinh nghiệm hay giáo lý; là người có khả năng làm sanh khởi các sức mạnh đạo đức, thiền định và trí tuệ của người học trò.
Cũng chính vì vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và đào tạo những thế hệ kế thừa gia tài pháp bảo, mà về sau luật chế định về việc nương nhờ của người có ý định xuất gia đối với vị Hòa thượng (thầy tế độ). Người đệ tử đó phải tự phát nguyện ý muốn xuất gia trở thành Tỳ kheo trước sự chứng minh của Tăng đoàn, việc xuất gia và trở thành thành viên của Tăng đoàn được xác định thông qua sự biểu quyết (bạch tứ yết-ma) của hội đồng các vị tôn đức thanh tịnh, với số lượng tối thiểu là từ năm vị trở lên. Ngoài ra, vị đệ tử này phải thực hiện các bổn phận và nhiệm vụ đối với người thầy, thân tâm cung kính thầy như cung kính Phật. Bởi vì nhờ người thầy dìu dắt mà người học trò mới thoát ra khỏi những phiền não trần lao và khai mở con mắt trí tuệ, ơn đức ấy thật bao la vô cùng tận. “Ơn thầy” được xem là một trong bốn ân đức cao tột mà mỗi người con Phật cần phải luôn tâm niệm, lấy đó làm động lực tinh tấn cho sự nghiệp tu hành của mình để đáp đền những công ơn sâu dày đó.
Với vai trò quan trọng và ý nghĩa thiêng liêng của người thầy có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của mạng mạch Phật pháp nơi thế gian này. Do đó, chức năng và nhiệm vụ của người thầy luôn được quan tâm xem xét, để xứng đáng đúng với chuẩn mực của người thầy. Điển hình, theo luật Phật quy định, vị Hòa thượng (thầy tế độ) phải từ mười hạ trở lên, ngoài ra vị ấy là một vị có giới hạnh không bị khiếm khuyết, là vị có trí tuệ rộng lớn,…
Trong kinh Tăng chi bộ, khi đề cập đến mười tiêu chuẩn của một vị Hòa thượng truyền trao Cụ túc giới là: [10]
1) Là vị có giới đức, sống chế ngự theo giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp.
2) Là người nghe nhiều, thọ trì điều đã nghe, cất chứa điều đã nghe.
3) Cả hai Giới bổn được khéo truyền đạt một cách rộng rãi, được khéo phân tích, khéo thông hiểu, khéo quyết định, theo kinh, theo chi tiết.
4) Có khả năng nuôi dưỡng bệnh nhân hay khiến người nuôi dưỡng.
5) Có khả năng làm cho tịnh chỉ bất mãn hay khiến người khác tịnh chỉ bất mãn.
6) Có khả năng đoạn trừ đúng pháp các pháp ác khởi lên.
7) Có khả năng phân tích, chỉ trích tà kiến khởi lên.
8) Có khả năng khích lệ trong tăng thượng giới.
9) Có khả năng khích lệ trong tăng thượng tâm.
10) Có khả năng khích lệ trong tăng thượng tuệ.
Do đó, tiêu chuẩn để trở thành một vị thầy tế độ (Hòa thượng) cần phải đạt được những thành tựu trong sự tu tập thực hành giáo pháp, dày dặn những kinh nghiệm trong lộ trình giác ngộ, có được như vậy, vị ấy mới có thể dễ dàng cảm hóa và truyền trao những kinh nghiệm và năng lượng tích cực đến với người học trò.
4. TIẾP LỬA VÀ DUY TRÌ NGỌN ĐÈN CHÁNH PHÁP NƠI THẾ GIAN
Nếu như vai trò của Hòa thượng được xem là nhịp cầu nối giữa người đệ tử sơ cơ đến với đạo, thì Luật tạng còn ghi nhận thêm về vai trò và tầm quan trọng của một vị “Giáo thọ A-xà-lê” (vị thầy dạy về giáo pháp). Đây chính là những bậc Tôn sư khả kính, truyền trao cả kiến thức cùng với những kỹ năng thực hành giáo pháp, đem đến niềm hỷ lạc trong chánh pháp đối với những người học trò. Đồng hành với sự nghiệp tiếp tăng độ chúng của người thầy tế độ, Đức Phật còn cho phép những vị tân học Tỳ kheo được nương nhờ nơi một hay nhiều vị thầy dạy học: “Này các Tỳ kheo, ta cho phép vị thầy dạy học. Này các Tỳ kheo, vị thầy dạy học sẽ gợi lên ở người học trò tâm của người con và người học trò sẽ gợi lên ở vị thầy dạy học tâm của người cha. Như thế, trong khi sống cùng nhau có nhiều kính trọng, có sự vâng lời, có sự tiếp xúc với nhau, họ sẽ đạt đến sự lớn mạnh, sự tăng trưởng, sự phát triển trong Pháp và Luật này” [11].
Thầy dạy học hay A-xà-lê (阿闍棃), Phạn ngữ là ācārya (Pāli: ācariya), các từ tương đương như: Quỹ phạm sư, Giáo thọ sư,… với ý nghĩa là một bậc thầy có nề nếp, kỷ cương, phép tắc, là một người gương mẫu đối với học trò, vì thế còn được gọi là Đạo sư. Tại Ấn độ cổ xưa, Ācārya vốn là người thầy trong Bà-la-môn giáo dạy dỗ học trò về các quy củ và lễ nghi tế tự được ghi trong kinh Phệ-đà, danh từ này về sau được Phật giáo thu dụng, ngay từ thời Phật cũng đã được sử dụng một cách phổ biến cho đến tận ngày nay.
Căn cứ theo Tứ Phần luật, Ngũ Phần luật và Thập tụng luật chia A-xà-lê thành năm loại: [12]
1) Xuất gia A-xà-lê, khi thụ giới, là thầy trao mười giới, vì thế còn gọi là Thập giới A-xà-lê.
2) Thọ giới A-xà-lê, vị thầy truyền giới Cụ túc, cũng được gọi là Yết-ma A-xà-lê.
3) Giáo thọ A-xà-lê, là thầy dạy bảo uy nghi, vì thế cũng gọi là Uy nghi A-xà-lê.
4) Thọ kinh A-xà-lê, là thầy chỉ dạy ý nghĩa và phép đọc tụng kinh điển. Thập tụng luật thì gọi là Thọ pháp A-xà-lê.
5) Y chỉ A-xà-lê, là thầy cùng ở với các Tỳ kheo và chỉ bảo về bốn uy nghi đi, đứng, ngồi, nằm; hoặc là thầy mà tỳ kheo chỉ nương nhờ theo học trong một đêm, cũng có thể gọi là Y chỉ A-xà-lê.
Qua đó, chúng ta nhận thấy nhiệm vụ và vai trò của Hòa thượng và A-xà-lê vô cùng lớn lao, thiêng liêng. Do đó, Bồ tát giới nghĩa sớ tôn vinh địa vị của Hòa thượng và A-xà-lê vào tám mảnh ruộng phước đức to lớn cho chúng sanh gieo trồng [13]. Ngoài ra, trong bài kinh Vô Minh, Đức Phật xác nhận: Thức ăn của minh giải thoát là bảy giác chi; thức ăn của bảy giác chi là bốn niệm xứ; thức ăn của bốn niệm xứ là ba thiện hành; thức ăn của ba thiện hành là các căn được chế ngự; thức ăn của các căn được chế ngự là chánh niệm tỉnh giác; thức ăn của chánh niệm tỉnh giác là như lý tác ý; thức ăn của như lý tác ý là lòng tin; thức ăn của lòng tin là nghe Diệu pháp; thức ăn của nghe Diệu pháp là giao thiệp với bậc chân nhân (sappurisasaṃseva) [14]. Đây là toàn bộ thức ăn của minh giải thoát và dẫn đến sự viên mãn của nó, tức là đạt đến sự viên mãn của đời sống phạm hạnh.
Chúng ta nhận thấy con đường đưa đến chấm dứt vô minh, có sự khởi nguồn từ việc thân cận và gần gũi với các bậc thầy có giới đức, tâm đức và tuệ đức. Chính nhờ sự nương nhờ, học hỏi từ những bậc thầy trí tuệ này mà chúng ta nhận được nhiều lợi lạc, hạnh phúc. Trong Đại trí độ luận ghi rằng: người muốn xuất gia phải nương tựa vào Hòa thượng và A-xà-lê, cung kính như cha mẹ,vì họ đã trao cho ta giới thân huệ mạng, là những vị có khả năng dẫn dắt chúng ta ra khỏi sanh tử luân hồi [15].
5. KẾT LUẬN
Ý nghĩa của sự truyền thừa theo tinh thần của Luật tạng không gì khác đó chính là sự truyền thừa và tiếp nối ngọn đèn Chánh pháp nơi thế gian này. Đền đáp công ơn của Đức Phật, các bậc thầy chính là nỗ lực thực hành ba điều cốt lõi của Phật giáo, tức là Đạo đức (Giới) – Thiền định (Định) – Trí tuệ (Tuệ). Hãy là những người tiếp lửa tâm linh từ các bậc thầy tôn kính, tiếp nối và truyền trao ngọn lửa ấy mãi mãi được hiện hữu nơi thế gian này./.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] Tỳ kheo Indacanda dịch (2021), Đại phẩm I, TTPL, Nxb. Hồng Đức, tr.121.
[2] “Aññākoṇḍañña” = Aññā + koṇḍañña nghĩa là Koṇḍañña đã hiểu. Aññā được trích từ lời nói của Đức Phật là: “Aññāsi vata bho Koṇḍañño, aññāsi vata bho Koṇḍañño” rồi ghép vào phía trước tên Koṇḍañña (Tỳ kheo Indacanda).
[3] HT. Thích Đổng Minh dịch (2019), Tứ Phần Luật tập II, ĐTKVN, Nxb. Hồng Đức, tr.1096.
[4] Tỳ kheo Indacanda dịch (2021), Đại phẩm I, TTPL, Nxb. Hồng Đức, tr.11.
[5] Tỳ kheo Indacanda dịch (2021), Đại phẩm I, TTPL, Nxb. Hồng Đức, tr.11.
[6] Tỳ kheo Indacanda dịch (2021), Đại phẩm I, TTPL, Nxb. Hồng Đức, tr.93.
[7] Tỳ kheo Indacanda dịch (2021), Đại phẩm I, TTPL, Nxb. Hồng Đức, tr.95.
[8] HT. Thích Đổng Minh dịch (2019), Tứ Phần Luật tập II, ĐTKVN, tr.1136.
[9] 四分律卷三十三、卷三十九、根本說一切有部百一羯磨卷一,…
[10] HT.Thích Minh Châu dịch (2021), Tăng Chi Bộ kinh, TTTĐPGVN, Nxb. Hồng Đức, tr.1176-1177.
[11] Tỳ kheo Indacanda dịch (2021), Đại phẩm I, TTPL, Nxb Hồng Đức, tr.133.
[12] T1421 彌沙塞部和醯五分律【卷16】; T1428 四分律【卷39】; T1435 十誦律【卷49】.
[13] T1811 菩薩戒義疏【卷2】; T1814 菩薩戒本疏【卷2】;…
[14] HT. Thích Minh Châu dịch (2021), Tăng Chi Bộ kinh, TTTĐPGVN, Nxb. Hồng Đức, tr.1205.
[15] T1509 大智度論【卷13】.