Ý Nghĩa Câu – Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm – Trong Kinh Kim Cang

0
50

Ý NGHĨA CÂU
ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM
TRONG KINH KIM CANG

A. DẪN NHẬP:

1. Lý do chọn đề tài:
Kinh Kim Cang là một trong những bộ Kinh trọng yếu của Phật giáo Đại thừa. Có lẽ vì bộ kinh này cô đọng, hàm súc tinh hoa lời Phật dạy, nên kinh này được khắc trên đá và khắc trên gỗ. Bộ kinh này được các bậc cao
đức Phật giáo và giới nghệ nhân đặt lên vị trí hàng đầu.

Trong thời Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (602-675), Kinh Kim Cang đã phổ biến khá rộng rãi trong giới học Phật, ngay cả trong giới cư sĩ. Chính nhờ Kinh này, một Bồ-tát tiều phu ở Lĩnh Nam đã đến với đạo Phậttrở thành bậc
Tổ Sư Long Tượng siêu việt nhất trong lịch sử Thiền tông Trung Hoa, đó là Lục Tổ Huệ Năng.

Câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là câu nói cốt lõi của kinh Kim Cang
cũng là câu nói nổi tiếng của giới học Phật, nhất là Thiền Tông, dùng câu này làm yếu chỉ tu hành. Khi xưa ngũ tổ Hoằng Nhẫn thấy nhân duyên truyền tâm ấn cho Huệ Năng đã đến, Ngài bèn mật hiệu cho Huệ Năng vào thất rồi giảng Kinh Kim Cang, đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài Huệ Năng liền hoát nhiên đại ngộ.

Vì câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” có một tầm quan trọng như vậy nên
người học Phật không thể nào không nắm bắt được ý nghĩa thâm sâu của nó. Hiểu được “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là ta đã hiểu được cốt lõi
của kinh Kim Cang. Chính vì lý do này mà người viết chọn đề tài : “Ý nghĩa câu ‘ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’ trong kinh Kim Cang”.

2. Lịch sử đề tài:

kinh Kim Cang là một bộ kinh trọng yếu của Phật giáo nên kinh này được rất nhiều học giả cũng như được nhiều Thiền sư giảng giải như :

– Về Trung Hoa có “Kim Cang Bát-nhã kinh sớ” của Ngài Trí Khải đời Tùy, “Kim Cang Bát-nhã sớ” của Ngài Kiết Tạng đời Tùy, “Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật kinh lược sớ” của Ngài Trí Nghiêm cũng thuộc đời Đường , “Kim Cang giảng lục” của ngài Thái Hư…
– Về Việt Nam thì có “Kinh Kim Cang giảng giải” của HT. Thích Thanh Từ, “Kim Cang Gươm Báu Chặt Đứt Phiền Não” của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, “Kinh Kim Cang Dịch Và Lược Giải” của HT. Thích Thiện Hoa …
Trên đây là những bộ sách có giá trị giảng giải ý nghĩa thâm sâu của kinh Kim Cang, thế nhưng người viết chưa tìm thấy cuốn sách nào viết về câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” của kinh này, nếu có chăng chỉ thấy một vài bài viết nhỏ, hoặc chỉ thấy câu này được đem ra thảo luận trên các diễn đàn Phật giáo hay được thảo luận trong cuộc đối thoại giữa các vị Thiền sư. Còn đối với bản thân người viết khi chọn đề tài này nghiên cứu, người viết cũng không nghĩ mình đóng góp gì nhiều cho việc nghiên cứu kinh Kim Cang, mà chỉ nghĩ mình sẽ đóng góp một tí gì đó nhỏ nhoi trong việc làm sáng tỏ câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” cũng là nắm bắt yếu chỉ của kinh Kim Cang.

3. Phương pháp nghiên cứu:

Đây là đề tài nghiêng về lĩnh vực lý luận giải thích nên trong quá trình
trình bày đề tài, người viết sử dụng phương pháp giải thích, phân tích,
bình luận là chủ yếu. Bên cạnh đó người viết cũng dẫn chứng thêm một vài bài kệ thiền có giá trị để làm cho ý nghĩa đề tài càng thêm sáng tỏ.

B. NỘI DUNG:

I. GIỚI THIỆU KINH KIM CANG:
1. Quá trình phiên dịch Kinh Kim Cang:

1- Ngài Cưu-ma-la-thập (Kumãrajiva) ở chùa Thảo Đường tại Trường An. Vào
niên hiệu Hoằng Thủy năm thứ tư, tức là năm 402 Tây lịch, thuộc đời Dao
Tần
, Ngài dịch tên kinh là “Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật”. Đây là bản có giá trị nhất, được gọi là định bản, vì bản dịch này được mọi người dùng để trì tụng. Bản này nằm trong bộ Tam Bảo tụng hằng ngày ( Kinh nhật tụng).
2- Ngài Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) đời Ngụy dịch tên kinh cũng đồng với bản trên tức là “Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật” vào khoảng 508 Tây lịch.
3- Ngài Ba-la-mật-đà (Paramàrtha) -Trung Hoa dịch là Chân Đế- dịch vào đời Trần, khoảng giữa thế kỷ thứ VI, để tên là “Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật”.
4- Ngài Đạt-ma-cấp-đa (Dharmagupta) đời Tùy, khoảng đầu thế kỷ thứ VII dịch tên cũng đồng là “Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật”.
5- Ngài Huyền Trang đời Đường, khoảng giữa thế kỷ thứ VII, dịch chung trong bộ Đại Bát-nhã, 600 quyển, gồm 16 hội, “Kim Cang” là hội thứ 9, quyển 577 trong bộ Đại Bát-nhã.
6- Ngài Nghĩa Tịnh, đời Đường đầu thế kỷ thứ VIII, dịch tên kinh là “Phật thuyết năng đoạn Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh”. Ngài có đi Ấn Độ mang
bản chữ Phạn về.
Sáu nhà dịch đồng một bản kinh, nhưng về sau được chú ý nhất là bản của các ngài Cưu-ma-la-thập, ngài Huyền Trang và ngài Nghĩa Tịnh.

2. Giải thích đề kinh “Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật:

– Kinh là chữ Hán. Kinh là những lời giảng dạy của đức Phật góp lại thành bộ. Kinh là khế kinh tức là khế lý và khế cơ. Tất cả những kinh Phật đều phải đủ hai nghĩa khế lý khế cơ, nghĩa là vừa hợp chân lý, vừa hợp căn cơ người. Thiếu một trong hai điều kể trên thì chưa gọi là kinh được, vì chủ yếu của đạo Phật cốt giáo hóa chúng sanh giác ngộ, thấy được lẽ thật (đúng chân lý) và chúng sanh tin nhận được (hợp căn cơ). Khế cơ và khế lý còn có thể hiểu là tùy duyênbất biến. Kinh Phật nói
ngàn đời cũng không sai, đó là bất biến; nhưng vào mỗi thời theo căn cơ
mà nói, hoặc thấp hoặc cao, đó là tùy duyên.
Kim Cang : kim canghai nghĩa:
1. Ngọc Kim Cương: thuộc về loại khoáng vật rất quý giá, tánh nó rất cứng và rất bén, đã không bị các vật phá hoại, trái lại còn phá hoại các
vật.
2. Kim cang: chất cứng rắn trong loại kim khí, tức là “thép”, thuộc về loại khoáng vật. Tánh nó cũng rất cứng bén và cũng không bị các vật phá hoại, trái lại phá hoại các vật, như khoan sắt, đục đá, dao búa… nhờ có thép mới bén.
Phật dùng “ngọc kim cương” hay “chất thép cứng” để thí dụ trí tuệ Bát-nhã rất quý báu và có sẵn trong mọi người. Nó không bị các vô minh phiền não tàn phá, trái lại còn phá tiêu hết tất cả vô minh phiền não từ
vô thỉ đến nay. Nó phá một cách rốt ráo và dễ dàng, như gió thổi mây bay, mặt trời chiếu sương mù tan. Bởi thế nên gọi Bát-nhã-ba-la-mật : trí tuệ rốt ráo.
– Bát-nhã là âm theo tiếng Phạn. Bát-nhã nghĩa chánh là trí tuệ.
– Ba-la-mật là âm theo tiếng Phạn. Ba-la-mật hoặc dịch là đến bờ kia hoặc dịch là cứu kíùnh viên mãn. Trí tuệ được cứu kính viên mãn gọi là Bát-nhã ba-la-mật, vì nếu chỉ nói “trí tuệ” e có lầm lẫn. Ở thế gian người khôn ngoan lanh lợi cũng gọi là người có trí tuệ, thế nên từ ngữ “Trí tuệ Bát-nhã” là để giản trạch cho đừng lầm với trí tuệ của người thế gian. Trí tuệ Bát-nhã là trí tuệ thấu được lý thật, thấy được thể chân thật của các pháp, không còn kẹt trong các kiến chấp, trong những cái nhìn thiên lệch chưa thấu đáo. Do thấu được lẽ thật, nên trí tuệ này
khi đến chỗ cứu kính chẳng những phá được tất cả tà thuyết ngoại đạo
còn dẹp hết những mê lầm chấp trước của mọi người. Cho nên khả năng công phá đó vượt hơn tất cả, dụ như kim cương là chất cứng nhất có thể phá tan các kim loại khác mà các thứ khác không phá hoại được nó.
Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật là một trí tuệ vững chắc, kiên cố phá dẹp tất cả tà thuyết ngoại đạo làm cho chúng ta sạch hết những chấp trước sai lầm, những mê mờ đen tối để đến bờ giải thoát, giác ngộ.

3. Sự liên hệ giữa Kinh Kim Cang với Thiền tông:

Dĩ nhiên ai cũng biết đức Lục tổ khi gánh củi vào khách điếm bán, thấy có người đang tụng kinh Kim Cang, đức Lục tổ nghe qua, tâm liền khai ngộ, mới hỏi thăm và được biết là Ngũ tổ Huỳnh Mai dạy đồ đệ trì tụng “Kim Cang”, do đó Ngài tìm đến học đạo.
Trong Thiền tông lúc Tổ Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma) truyền tâm ấn cho ngài Huệ Khả, Tổ trao bốn quyển kinh Lăng-già (Lankà) để làm tâm ấn. Đến
đời Ngũ tổ, thấy Kim Cang là quyển kinh tối yếu trong nhà Thiền, Ngài dạy: Chẳng những tăng ni mà cả cư sĩ đều nên trì tụng kinh Kim Cang. Ngũ
tổ
chủ trương dùng kinh Kim Cang để ấn tâm, thế nên khi Lục tổ đến học,
vào trước giờ truyền y bát, Ngài đem kinh Kim Cang ra giảng. Khi giảng đến câu Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, Lục tổ hoàn toàn liễu ngộ. Như vậy Lục tổ ngộ đạo và được truyền y bát làm Tổ cũng nhân nơi kinh Kim Cang. Do đó chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của kinh này đối với Thiền tông. Sau này kinh Kim Cang được xem như tâm ấn trong nhà Thiền. Trong các chùa, các thiền viện bộ kinh này được xem như kinh Nhật Tụng.
Ngài Khuê Phong cũng bảo: Kim Cangbộ kinh quí đáng để ấn tâm. Học kinh Kim Cang là học thẳng vào phương pháp tu Thiền.

II. Ý NGHĨA CÂU “ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM” TRONG KINH KIM CANG:

1. Giải thích câu : “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”:
Nguyên văn đoạn kinh bằng Hán văn như sau:
“Phật cáo Tu-bồ-đề: Ư ý vân hà? Như Lai tích tại Nhiên Đăng Phật sở ư pháp hữu sở đắc phủ?
– Phất dã Thế Tôn! Như Lai tại Nhiên Đăng Phật sở, ư pháp thật vô sở đắc.
– Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Bồ-tát trang nghiêm Phật độ phủ?
– Phất dã, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm.
Thị cố Tu-bồ-đề, chư Bồ-tát Ma-ha tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”
Nghĩa là:
Phật hỏi Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao? Như Lai thuở xưa ở chỗ đức Phật Nhiên Đăng, đối với pháp, có sở đắc chăng?
– Bạch Thế Tôn, không phải vậy! Như Lai ở nơi đức Phật Nhiên Đăng, đối với pháp, thật không có sở đắc.
– Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Bồ-tát trang nghiêm cõi Phật chăng?
– Bạch Thế Tôn, không phải vậy! Vì cớ sao? Trang nghiêm cõi Phật tức không phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm.
– Thế nên Tu-bồ-đề, các Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ nơi thanh, hương, vị, xúc,
pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia.
Chúng ta hiểu “tâm thanh tịnh” là tâm như thế nào ? Tâm thanh tịnh chính
chơn tâm bất sanh bất diệt vốn có trong mỗi chúng sanh, tâm thanh tịnh này bị che lấp bởi tâm chấp trước theo các trần. Vì vậy đức Phật dạy chúng ta muốn cho chơn tâm hiển lộ thì chúng ta không nên để tâm dính mắc theo sáu trần. Cụ thểchúng ta không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Hay nói gọn
lại là “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, nên không có chổ trụ mà sanh tâm kia. Như vậy câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là câu kết luận của
đoạn các Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Chính nhờ Bồ-tát không để lục căn dính mắc với lục trần, mà chơn tâm hiển lộ, như lời nhận xét của Ngài Bá Trượng “Tâm cảnh không đến nhau là giải thoát”. Bồ-tát nên trụ tâm thanh tịnh nơi chổ tâm vô chấp.
Có thể nói rằng “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là một chìa khóa mở cửa Phật tâm, giúp ta sống trong trần mà không bị trần lôi kéo, vẫn thấy sắc, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, thân xúc chạm nhưng tâm vẫn không đắm
nhiễm, vẫn an nhiên tự tại. Tâm tự tại này chính là tâm “đối cảnh vô tâm” của vua Trần Nhân Tông trong bài thơ “Cư Trần Lạc Đạo”:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc sang hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Dịch :
Ở đời vui đạo cứ tùy duyên
Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà sẵn ngọc tìm đâu nữa
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Ở trong trần mà không bị nhiễm bởi trần, sống tùy duyên, an nhiên tự tại
và vô chấp trước cảnh trần, luôn an trú nơi chơn tâm thanh tịnh, đó là lối sống “vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” của vua Trần Nhân Tông.
Lối sống “cư trần lạc đạo” của vua Trần Nhân Tông càng chứng minh rằng khi hành giả thực hành câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì ắt một ngày nào đó hành giả sẽ đạt đến chổ “đối cảnh vô tâm”, tự tại giải thoát
giữa cuộc đời này.

2. Vì sao đức Phật khuyên chúng ta “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” ?
Mở đầu kinh Kim Cang, ngài Tu Bồ Đề bạch hỏi : “Thế Tôn ! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn, phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề tâm, vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm ?”, nghĩa là “Bạch Thế Tôn ! Người thiện
nam
, người thiện nữ phát tâm vô thượng chánh đẳng giác nên làm sao trụ,
làm sao hàng phục tâm kia?”. Và suốt bộ kinh này, mọi lời dạy của đức Phật cũng nhằm trả lời câu hỏi này là :
– Làm sao trụ tâm
– Làm sao hàng phục tâm
“Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là câu trả lời hoàn chỉnh nhất cho câu hỏi trên của ngài Tu-bồ-đề. Trong suốt kinh Kim Cang đức Phật cũng chỉ trả lời câu hỏi “làm sao trụ tâm, làm sao hàng phục tâm”, cũng chính là làm rõ ý nghĩa của câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.
Đức Phật khuyên chúng ta “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” vì“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai”. (Phàm những gì có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng là phi tướng tức thấy Như Lai). Phàm những gì có hình tướng đều chịu sự biến đổi của vô thường, nên nói “hữu tướng tất hữu hoại”, có tướng tất có sự hoại diệt, có sanh ra thì có mất đi, vì vậy thật tướng của các tướng là phi tướng. Khi thấy thực của các tướng là phi tướng ắt thấy Như
Lai
, thấy Như Lai là thấy chơn tâm thường trú.
Khi chúng ta nhận chân được thực tướng các pháp là phi tướng rồi, thì chúng ta phải hàng phục tâm. Không để cho tâm chạy theo trần cảnh (không
để sáu căn dính mắc sáu trần), trụ tâm ở chổ không chấp, không vướng mắc, giữ tâm thanh tịnh, tự tại trước sự sinh diệt, khổ đau vô thường của cuộc đời. Hàng phục được tâm phân biệt vọng động là ta đang trụ tâm.
Như vậy hàng phục tâm cũng chính là trụ tâm.
Ngài Long Tề Hòa thượng ngộ được lý vô trụ của kinh Bát Nhã nên có làm bài kệ rằng:
Tâm cảnh đốn tiêu dung
Phương minh sắc dữ không
Dục thức bổn lai thể
Thanh sơn bạch vân trung.
Nghĩa:
Không còn chấp tâm và cảnh
Mới ngộ được lý sắc không
Muốn biết bổn lai thể
Kìa, mây trăng với non xanh.
Bài kệ trên tỏ cho chúng ta biết trạng thái của người ngộ đạo, đã trãi qua một quá trình hàng phục tâm “Tâm cảnh đốn tiêu dung”, nay mới trụ tâm “Phương minh sắc dữ không”. Khi đã hàng phục được tâm và trụ tâm rồi
thời chơn tâm tự hiện “Thanh sơn bạch vân trung”. Lúc này hành giả nhìn
cảnh vật hiện tượng với tâm vô chấp, nhìn nó đúng như những gì nó đang hiện hữu.
Cho nên một khi tâm dấy động theo trần cảnh là tâm vô minh dẫn mình đi vào luân hồi sanh tử khổ đau. Hành giả muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng giác thì phải biết cách hàng phục tâm vọng động và trụ tâm vô chấp bằng cách “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

3. Hành trì câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”:

Chúng ta đã hiểu phàm những gì có tướng đều hư vọng, kể cả Phật, giáo pháp, quả vị vô thượng chánh đẳng giác … đều còn nằm trong tướng trạng khi tâm chúng sanh phân biệt, chấp trước vào đó. Nên trong quá trình thực tập câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, hành giả không kẹt vào bất cứ đối tượng nào, dầu đó là quả vị giác ngộ tối thượng.

3.1. Không trụ tướng Phật mà sanh tâm:
Chữ ‘sanh’ ở đây chỉ là một cách nói : Phật Tánh vốn sẵn có, vốn Vô Sinh, chẳng thể sanh ! Nói là ‘sanh’ bởi vì khi tâm ta “Không trụ vào đâu cả ” thì Phật Tánh hoát nhiên hiển lộ, ta cảm thấy như là Phật Tánh phát sanh ra vậy. Tức là Không trụ vào đâu cả thì Phật Tánh hiển lộ.
Thế nào là “không trụ tướng Phật mà sanh tâm” ? Trong kinh Kim Cang đức Phật phá cái chấp “thấy cái thân tướng của Phật là thấy được Phật” của người tu đạo như sau:
“Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Khả dĩ thân tướng kiến Như Lai phủ? Phất dã Thế Tôn! Bất khả dĩ thân tướng đắc kiến Như Lai. Hà dĩ cố? Như Lai sở thuyết
thân tướng tức phi thân tướng. Phật cáo Tu-bồ-đề: Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai”.

Dịch là:
“Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do thân tướng mà thấy Như Lai chăng? -Bạch Thế Tôn, không phải vậy. Không thể do thân tướng thấy được Như Lai. Vì cớ sao? Như Lai đã nói thân tướng tức không phải thân tướng.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai”.
Trọng tâm của đoạn này là hai chữ “thấy Như Lai”, như thế nào mới thấy Như Lai ? Thấy thân tướng của Như Lai mà cho rằng đã thấy Như Lai thì thật chưa thấy Như Lai. Vì thân tướng 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp hiện tại của Như Lai là do tứ đại giả hợp, vẫn chịu quy luật vô thường sinh diệt nên thân tướng này là giả tướng hư vọng, thấy thân tướng này chưa phải thấy Như Lai. Trong kinh Kim Cang, lại một lần nữa đức Phật làm sáng tỏ ý
này. Ngài nói với ông Tu-bồ-đề: Tu-bồ-đề, nếu do 32 tướng mà xem Như-lai thì chuyển luân Thánh vương tức Là Như Lai. Rồi Thế Tôn nói bài kệ:

“Nhược dĩ sắc kiến ngã
âm thanh cầu ngã,
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai”.
Nghĩa :
Nếu do sắc thấy ta,
Do âm thanh cầu ta,
Người ấy hành tà đạo,
Không thể thấy Như Lai

Nếu chúng cho rằng âm thanh, sắc tướng của Như LaiNhư Lai thì không lẽ Chuyển luân thánh vương cũng có 32 tướng tốt cũng là Như Lai sao ? Chấp như thế là chúng ta rơi vào tà kiến vì thấy biết sai lầm, nếu thấy thật tướng của các tướng là phi tướng mới thấy Như Lai. Như Lai vốn bất sanh bất diệt, không đến không đi, chính là Tánh giác sẵn có nơi mọi chúng sanh. Nếu chạy theo sắc tướng thanh âm mà cầu Phật, tức là cầu Phật ngoài tâm. Phật muốn chỉ thẳng cho chúng ta thấy Phật là Tánh giác thường hằng của mọi người. Đức Thích-ca do ngộ Tánh giác ấy được thành Phật. Mọi người chúng ta muốn cầu Phật phải xoay lại Tánh giác của chính
mình liền thấy Phật. Thấy Pháp thân Như Lai mới thực sự thấy Như Lai. Chính vì thế đức Phật khuyên chúng ta không nên trụ tướng Phật mà sanh tâm.

3.2. Không trụ tướng pháp mà sanh tâm:

Phá tướng Phật xong, đức Phật lại phá tướng pháp. Trong kinh Kim Cang Phật phá chấp tướng pháp của người tu đạo như sau:

“Tu-bồ-đề! Nhữ vật vị Như lai tác thị niệm: Ngã đương hữu sở thuyết pháp, mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Nhược nhân ngôn Như Lai hữu sở thuyết pháp tức vi báng Phật, bất năng giải ngã sở thuyết cố. Tu-bồ-đề! Thuyết pháp giả, vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp. Nhĩ thời Tuệ Mạng Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Phả hữu chúng sanh ư vị lai thế, văn thuyết thị pháp, sanh tín tâm phủ?”.
Dịch là:

“Này Tu-bồ-đề, ông chớ bảo Như Lai khởi nghĩ thế này, ta sẽ có nói pháp,
chớ khởi cái nghĩ ấy. Vì cớ sao? Nếu người nói Như Lai có nói pháp tức là phỉ báng Phật, không thể hiểu nghĩa ta đã nói. Này Tu-bồ-đề, nói pháp
đó không có pháp có thể nói ấy gọi là nói pháp. Khi ấy ngài Tuệ Mạng Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, vả lại có chúng sanh ở đời vị lai
nghe nói pháp này sanh lòng tin chăng?”.

Cốt lõi của đoạn này là “Thuyết pháp giả, vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp”, tức là “thuyết pháp là không có pháp để thuyết mới gọi là thuyết pháp”. Pháp mà đức Phật phủ định Ngài không thuyết là chỉ cho pháp tánh hay thực tướng các pháp. Đứng trên mặt tướng trạng thì chúng ta thấy có Pháp để đức Phật thuyết nhưng đứng trên mặt thể tánh thì không có pháp gì để thuyết, bởi vì bản thể các pháp vốn vượt ra ngoài lời nói tướng trạng thì làm sao dùng ngôn từ để diễn tả được. Đối với những đối tượngc chưa có khả năng trực nhận tánh không này thì đức Phật tùy duyên vận dụng vô số phương tiện, ngôn từ giảng giải chánh pháp, giúp chúng sanh tiếp cận chân lý. Nên pháp Phật chỉ là phương tiện đưa chúng sanh đến bờ giác. Trong kinh Kim Cang đức Phật khẳng định : “Nhữ đẳng Tỳ Kheo tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả
huống
phi pháp” , tức là, “Này các Tỳ Kheo nên biết pháp của ta nói dụ
như chiếc bè, pháp còn phải bỏ huống là phi pháp”. Pháp Phật ví như chiếc bè đưa người vượt khỏi sông mê, khi đến bờ rồi, phải bỏ chiếc bè, vì còn ôm theo chiếc bè là người mê. Cho nên pháp Phật chỉ là phương tiện chớ không phải là cứu cánh. Dù đức Phật có dùng phương tiện thiện xảo gì nói pháp chăng nữa vẫn không chỉ ra được thật tánh các pháp. Đức Phật đợi chúng đệ tử đến lúc đủ khả năng lãnh hội pháp vô thượng, Ngài mới chỉ thẳng “không có pháp để thuyết mới gọi là thuyết pháp”. Chính
vậy
đức Phật từng phát biểu “trong 49 năm ta không nói một lời nào”.
Bằng cách phủ định cái phủ định để xác định: “không có pháp để thuyết mới gọi là thuyết pháp”, đức Phật đã đưa chúng ta trực nhận pháp tánh chân thực.

3.3. Không trụ tướng “quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác” mà sanh tâm:

Trong kinh Kim Cang, đức Phật đã lần lượt phá các chấp tướng của chúng sanh như chấp tướng Phật, chấp tướng pháp, chấp tướng chúng sanh, chấp tướng bố thí… rồi bây giờ đức Phật phá luôn chấp cái chấp “có pháp vô thượng chánh đẳng giác để chứng đắc” của người tu đạo. Cuộc đối thoại sau đây giữa Tu-bồ-đề và đức Phật đã cho ta thấy sự phá chấp này:

“Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Phật đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, vi vô sở đắc da? Phật ngôn: Như thị, như thị! Tu-bồ-đề! Ngã ư
A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, nãi chí vô hữu thiểu pháp khả đắc, thị danh A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề”.

Dịch là: “Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay là không được ư? Phật bảo: Đúng như thế, như thế! Này Tu-bồ-đề, ta đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhẫn đến không có một chút pháp có thể được, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Từ trước đến giờ chúng ta cứ nghĩ rằng Thái tử Sĩ Đạt Ta sau 49 ngày nhập định dưới cội Bồ-đề đã chứng đắc quả vô thượng chánh đẳng giác, thế
mà nay đức Phật lại phủ định “ta đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhẫn đến không có một chút pháp có thể được”. Vì sao Phật lại nói không có pháp vô thượng chánh đẳng giác để chứng đắc ? Vì pháp vô thượng
chánh đẳng giác
chơn như, là Phật tánh, vốn không sanh không diệt, không đến không đi, nó không mất, cũng không phải còn. Nếu chúng ta chấp
“pháp vô thượng chánh đẳng giác” để chứng đắc thì không lẽ “pháp vô thượng chánh đẳng giác” có mất có được sao. “Pháp vô thượng chánh đẳng
giác” có đắc và không đắc thì đâu còn là “pháp vô thượng chánh đẳng giác” vì “pháp vô thượng chánh đẳng giác” từ xưa nay nó vẫn y nguyên như
vậy, không mất, không còn, không sanh, không diệt nhưng vì do chúng sanh bị vô minh che lấp nên không nhận ra đó thôi. Chính vì vậy đức Phật
mới bảo ông Tu-bồ-đề : “Này Tu-bồ-đề, ta đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhẫn đến không có một chút pháp có thể được, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Sự phá chấp này của đức Phật cho chúng ta
thấy rằng một khi tâm ta còn ngã chấppháp chấp thì không thể nào vào được quả “vô thượng chánh đẳng giác”. Đến đây khiến ta nhớ lại câu nói của Ngài Bá Trượng : “Nếu một hạt bụi chúng ta đập nát ra thành 100 hạt bui nhỏ, rồi 99 hạt chúng ta thấy không, còn một hạt nhỏ xíu mà thấy
có là chưa thấy đạo”. Cửa đạo thênh thang nhưng còn một chút ngã cũng không lọt vào được, chỉ có trí tuệ Bát nhã phá sạch mọi pháp chấp, ngã chấp thì Phật tánh tự hiện.

3.4. Nếu mọi người trong xã hội sống với tâm “vô sở trụ”:

Từ xưa đến nay chúng ta thấy khổ đau xuất hiện, hận thù, chiến tranh xuất hiện trong cuộc đời này là do đâu ? Do lòng người tham đắm sắc tài danh lợi, ta và của ta lúc nào cũng xâm chiếm tâm hồn con người. Cái “ta” càng to lớn, họ càng tham lam vun vén cho cái “của ta” càng nhiều. Thế nhưng họ chẳng bao giờ thỏa mãn với những gì mình có, hạnh phúc lại như cái bóng khi họ vừa chạm tay vào nó, nó liền vuột mất, nhường chổ cho khổ đau xâm chiếm.
Thực tế xã hội ngày nay đã nói lên điều này. Một sự kiện nổi bật nhất là
ngày nay nhân loại đang đứng trước thảm cảnh “suy thoái kinh tế toàn cầu”. Nguyên nhân gây nên suy thoái kinh tế là do sự chấp ngã của con người, chấp ngãnguyên nhân của lòng tham, lòng tham là nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, vì sao ? Có một số người muốn làm bá chủ kinh tế toàn cầu nên họ đã dùng nhiều thủ đoạn rất tinh vi để lọc
lừa
làm cho nhiều nhà tỷ phú, nhiều ngân hàng trên thế giới tin tưởng gởi tiền vào. Khi bộ mặt thật họ bị lột tẩy thì các ngân, các nhà tỷ phú
nào gởi tiền vào đó đều bị phá sản vì không lấy tiền lại được. Và ở bên
Mỹ, suy thoái kinh tế xảy ra là do nguyên nhân : sau vụ 11-9, nước Mỹ có chính sách giảm lãi suất cho vay. Khi lãi suất thấp, vì lòng tham lợi
nhuận, người ta đã đổ xô đi vay tiền để kinh doanh nhà đất. Các ngân hàng cũng vì tham lợi nhuận nên cho vay thoải mái. Đến khi giá nhà đất tuột xuống thấp thì các ngân hàng không thu được tiền cho vay dẫn đến phá sản.

Theo dự báo của James B. Stack, giai đoạn suy thoái có thể bắt đầu vào quý 4 năm 2006 hoặc đầu năm 2007. Nguyên nhân đầu tiên được viện dẫn để đề cập đến suy thoái là do ngân hàng trung ương các nước đều phải dùng đến bài thuốc tăng lãi suất để kềm chế lạm phát. Lãi suất tăng sẽ có thể
dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm, hệ quả là các doanh nghiệp cũng giảm bớt đầu tư vì nhu cầu tăng chậm. Đầu tư, tiêu dùng đều tăng chậm, trong khi lạm phát vẫn đang có xu hướng “dẫn dắt” lãi suất cùng tăng – bức tranh kinh tế thế giới vì thế mà không quá lạc quan.

Hậu quả của khủng hoảng kinh tế là làm cho nhiều nhà doanh nghiệp bị phá
sản
, nhiều người trên thế giới thất nghiệp. Có tờ báo đăng tin một nhà tỷ phú của nước Canada, giàu đứng thứ tư trong nước, nhưng khi suy thoái
kinh tế toàn cầu, các công ty của ông bị phá sản, ông rơi vào khủng hoảng tinh thần và đã đâm đầu vào đường rầy cho xe lửa cán chết. Nghe nói ông là nhà tỷ phú thứ hai tự tử khi suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra. Và báo cũng đăng tải có một người Việt Nam cư trú tại Mỹ, do thất nghiệp mà đã vào một tòa nhà bắn 13 người chết …còn rất nhiều trường hợp
kinh khủng khác xảy ra do hậu quả của suy thoái kinh tế toàn cầu đem lại.
Chúng ta thấy do lòng chấp ngã sâu nặng của con người gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu và cũng chính lòng chấp ngã sâu nặng dẫn đến khủng hoảng tinh thần khi đối diện với hậu quả của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong trình trạng ấy nếu nhân loại biết áp dụng câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” của kinh Kim Cang thì mọi khổ đau sẽ không có mặt. Vì nếu tâm không chấp ta và cái của ta, ắt hẳn tham lam không có mặt, tham không có mặt, tất nhiên không có những thủ đoạn lọc lừa, không có những trường hợp mờ mắt vì lợi, được như thế tự nhiên kinh tế toàn cầu tự cân bằng ổn định. Và nếu họ đã lỡ bị lòng tham làm mờ mắt, dẫn đến gia nghiệp tiêu tan thì, trong hoàn cảnh này, nếu người ấy có cơ may gặp được câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” của kinh Kim cang, hiểu được câu nói này và chợt bừng tỉnh, nghĩ rằng bấy lâu nay mình như người say giữa cuộc đời, vì vướng mắc vào ngã và ngã sở, bị sắc tài danh lợi lôi kéo đến nổi bây giờ điêu đứng khổ sở như thế này. Bây giờ đã thông suốt lý đạo, người ấy giữ tâm mình vô chấp, tư duy rằng cái ngã này còn không
thật
có huống gì gia tài sự nghiệp của mình, đủ duyên nó đến hết duyên nó đi, có gì đâu mà phải tuyệt vọng khổ đau. Nghĩ như vậy rồi, người ấy giữ tâm vô trụ, không để sáu căn dính mắc với các trần, vì thế tâm người
ấy lạc quan yêu đời hơn.
Quả thật, nếu mọi người trong xã hội hiểu và thực hành câu : “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” của kinh Kim Cang thì họ sẽ không còn bi quan nhu nhược trước những biến đổi thăng trầm của cuộc đời mà họ sẽ có một thái độ sống tự tin, làm chủ bản thân trước mọi hoàn cảnh. Thái độ sống xả ly
trong tỉnh giác ấy không phải là sự trốn chạy hay buông lơi mà thể hiện
tinh thần “vô sở trụ”.

C. KẾT LUẬN:

Kinh Kim Cangbộ kinh dùng trí tuệ Bát-nhã sắc bén chặt đứt sạch mọi vọng chấp (chấp ngã, chấp pháp hay chấp bốn tướng), đốn tận gốc vô minh phiền não của chúng sanh từ vô thỉ đến nay. Nên kinh này được ví như ngọc kim cang có thể chặt đứt mọi sắt thép cứng rắn mà không bị hư hoại.
công năng phá chấp đặc biệt này, kinh Kim Cang đã được tu sĩ cũng như giới cư sĩ, nhất là giới nghệ nhân hành trìtruyền bá rộng rãi.

Nếu như kinh Kim Cangbộ kinh được xem là trọng yếu của Đại thừa Phật
giáo
thì câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” được xem là cốt lõi của toàn bộ kinh này. Vì hầu như suốt bộ kinh Kim Cang, đức Phật dù đề cập đến nhiều khía cạnh nhưng hầu như chỉ để khai triển và làm sáng tỏ ý nghĩa của câu này. Hiểu được “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là ta đã nắm bắt tông chỉ của kinh Kim Cang, và hiểu được câu này là ta đã biết cách trụ tâmhàng phục tâm. Theo Phật muốn trụ tâmhàng phục tâm, hành giả không nên trụ chấp ở một pháp tướng nào dù đó là đức Phật hay quả vị vô thượng chánh đẳng giác. Hành giả trực nhận chơn tâm bằng tâm “vô trụ”, như tâm vô trụ của các vị Thiền sư “đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Câu nói này quả thật là kim chỉ nan dẫn lối đưa đường người tu Phật nắm bắt yếu chỉ tu hành.

Câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” không chỉ là yếu chỉ tu hành của những người tu Phật mà còn có công năng chuyển hóa những tâm hồn bi quan, khổ đau trong cuộc đời, giúp họ sống tỉnh giác và xả ly, tự tin, làm chủ bản thân trước mọi hoàn cảnh sống. Vì thế câu nói này đã trở nên nổi tiếng, được nhiều tầng lớp trong xã hội biết đến.

TUỆ ĐẠT-KHOA TRIẾT PHẬT GIÁO, KHÓA 6 (2009)
(Hoa Linh Thoại)