Sự Bất Hạnh Của Kiếp Người

0
19

SỰ BẤT HẠNH CỦA KIẾP NGƯỜI
Thích Đạt Ma Khế Định

Su Bat Hanh cua Kiep NguoiSu Bat Hanh cua Kiep NguoiKính thưa toàn thể đại chúng,
Chương trình tu học hôm nay được chia làm ba phần:
Trước tiên là thời thuyết pháp của chúng tôi.
– Kế đến là cảm tưởng của những vị đến đây tu học một ngày một đêm, đại diện năm hay sáu người thôi, chứ không phải hết đạo tràng.
– Sau cùng là chuyện kể của những người ban đầu không hiểu đạo Phật hoặc không tin vào giáo pháp của Đức Thế Tôn. Bị cuộc đời vùi dập, chịu rất nhiều đau khổ, nhưng khi biết đến đạo Phật, nỗi khổ được vơi bớt chừng nào thì chia sẻ cho đại chúng biết.

Trong một ngày một đêm tu học ở đây, tôi thấy quý Phật tử tuy lớn tuổi nhưng cũng dậy từ 3 giờ sáng để tọa thiền. Ở nhà chưa chắc quý vị dậy được sớm như thế. Tôi thường cho chúng nhập thất nên có kinh nghiệm. Vào trong thất mà ngủ hay công phu, tôi nhìn tôi biết. Quý Phật tử cũng thế. Tôi nhìn cặp mắt quý Phật tử thấy lừ đừ, lơ đễnh là biết chắc rằng ở nhà 7-8 giờ sáng quý vị mới thức dậy. Nhìn là biết liền, không cần xem bói, xem tướng gì hết. Quý vị nhìn cặp mắt tôi đây, tuy tôi dậy từ 2 giờ rưỡi sáng, ngồi thiền suốt đến 5 giờ 15 phút mới xả thiền, mà quý vị có thấy mắt tôi lừ đừ không? Tôi biết cũng có một số người ở nhà dậy từ 3 giờ sáng, tôi cũng thông cảm một số người 4-5 giờ mới dậy, ở đây tôi muốn nhấn mạnh để quý Phật tử thấy rằng mình đến đây nhờ đại chúng, nhờ môi trường nên mình mới dậy từ 3 giờ sáng được. Chẳng lẽ nghe tiếng kẻng ai cũng dậy mà mình ngủ thì kỳ quá, chứ chưa phải là mình tinh tấn bao nhiêu. Nhưng ở đây mình tập sự từ từ, nên mới gọi là một ngày tập sự xuất gia.

Trước khi đi vào đề tài chính ngày hôm nay, chúng tôi muốn chia sẻ với đại chúng quan điểm về sự bất hạnh của kiếp người. Chẳng hạn thấy một người không có cơm ăn, áo mặc, đói khát chúng ta nghĩ cuộc đời người đó thật bất hạnh. Hoặc thấy người bị tù đày khốn khổ, chúng ta nói rằng kiếp sống người đó thật bất hạnh, long đong. Những nơi bị thiên tai sóng thần, lũ lụt, hoặc bị khủng bố, chúng ta thấy con người ở những nơi đó sao bất hạnh quá!

Nhưng với cặp mắt giác ngộ của Đức Thế Tôn, những nỗi khổ nêu trên chưa phải là bất hạnh. Vậy sự bất hạnh của kiếp người là gì? Chúng ta phải đặt dấu hỏi cho vấn đề này.

Với cặp mắt giác ngộ của Đức Thế Tôn, Ngài khẳng định: “Sự bất hạnh của kiếp người chính là không gặp được thiện tri thức chỉ dạy để chuyển hóa nội tâm, thẳng tiến công phu tu tập.”

Vì không gặp được thiện hữu tri thức chỉ dạy nên thân chúng ta làm ác, miệng chúng ta nói lời ác, ý chúng ta nghĩ điều ác. Do đó Vua Trần Thái Tông nói:

Mũi đắm các hương lưỡi tham vị,
Mắt mờ chúng sắc tiếng mê tai.
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm đường.

Chúng ta ngày hôm nay biết được Phật pháp, biết được điểm dừng là nhờ được gặp Hòa Thượng Trúc Lâm. Ngài chỉ dạy cho mình biết đây là vọng tưởng, đây là giả, không có thật. Từ cái biết đây là vọng tưởng, biết đây là giả không thật nên chúng ta không dính mắc vào cảnh, nhờ vậy bớt phiền não rất nhiều. Từ đó chúng talập trường để thẳng bước. Cho nên nói kiếp phận của con người bất hạnh chính là ra đời không gặp thầy lành, bạn tốt. Vì vậy vua Trần Thái Tông nói:

Lang thang làm khách
phong trần mãi,
Ngày cách quê hương
muôn dặm đường.

Với cặp mắt giác ngộ của Đức Thế Tôn, con người chúng ta được hình thành là do hợp rất nhiều yếu tố, chứ mình đừng nghĩ rằng được sinh làm người là chuyện đương nhiên. Chúng ta được thân người, có đầy đủ sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, lại biết được chánh pháp, chứng tỏ chúng ta đã gieo nhân tốt, nhân thù thắngtích lũy nghiệp mà trong thời quá khứ chúng ta đã từng tu tập, đã từng kết duyên với Tam Bảo cho nên ngày hôm nay chúng ta mới đến đây.

Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, gọi là chánh nhân Phật tánh. Nhờ có Thầy Tổ chỉ dạy cho mình biết ngay thân ngũ uẩn này có một vị Phật, nên mình mới biết cách gạn bỏ những vọng tưởng điên đảo. Tuy rằng mình có Phật tánh nhưng nếu không nhờ Thầy Tổ chỉ dạy thì chắc chắn mình là chúng sinh mãi mãi. Cho nên Ngài Hy Thiên Thạch Đầu khẳng định: “Nếu không đến Tào Khê thì đâu biết chẳng mất.”

Nhờ mình đến Thiền viện Trúc Lâm gặp Hòa Thượng Tôn Sư, hoặc đến Thiền viện Thường Chiếu gặp Hòa Thượng Trụ Trì chỉ dạy cho mình biết thân, tâm đều là giả, là duyên hợp, là không có thật nên mình bớt dính mắc cảnh. Đó là thắng duyên của mình.

Có một số người, trong đó cũng có Phật tử, không nghiên cứu kỹ đạo Phật, cho rằng Đức Phật là một bậc toàn năng. Nhưng mà chúng ta lầm, Đức Phật không bao giờ tự xưng Ngài là một bậc toàn năng mà chỉ nói: “Ta là bậc toàn giác.” Toàn năng khác với toàn giác. Có những tôn giáotín đồ coi vị giáo chủ của họ là toàn năng, tức là có quyền ban phước giáng họa, nếu tin ta thì được lên thiên đường, không tin ta thì chắc chắn xuống địa ngục.

Đức Thế Tôn không nói như thế. Ngài nói: “Ta là bậc toàn giác.” Toàn giác tức là biết hết những vận hành của vũ trụ. Đức Thế Tôn đã phá vỡ những thành trì chấp ngã, từ đó Thế Tôn thông suốt các định nghiệp của chúng sanh. Ngài nói: “Muốn không rớt xuống ba đường khổ thì các ông phải tu như thế này, học như thế này, chuyển hóa như thế này.”

Thế Tôn không nói: “Ta có thể đưa ông từ bờ này qua bờ kia.”

Trong suốt một ngày một đêm, từ hôm qua đến giờ, quý Phật tử ngồi thiền Đức Phật có ngồi không? Nếu một niệm chúng ta tỉnh giác thì Phật ngồi kế bên mình. Nói kế bên là tạm nói, chứ ngay trong thân ngũ uẩn của chúng ta, một niệm tâm thanh tịnh thì chính đó là Phật đang ở trong ngũ uẩn của mình.

Đức Thế Tôn biết các định luật và chỉ cho chúng sinh phá vỡ chúng. Nguyên nhân nào mà chúng ta trầm luân trong sinh tử, mãi mãi bị luân chuyển làm khách phong trần mà không thoát ra được? Quý Phật tử biết nguyên nhân nào không? Tham, sân, si chỉ là quả. Nhân nào gây nên tham, sân, si? Chư Phật, chư Tổ đều chỉ dạy cho chúng ta nếu phá vỡ được nguyên nhân đó thì thành tựu chánh giác ngay trong giờ phút thực tại này. Những phiền não đau khổ ngày hôm nay, ngày 11-05 năm Giáp Ngọ tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện bảo đảm từ đây cho đến ngày thành Phật không còn nữa. Vậy mà chúng ta không dám tin.

Đây tôi không nói theo chư Phật mà chỉ nói theo chư Tổ thôi. Thiền sư Duy Tắc nói sở dĩ chúng ta bị tham sân si, phiền não, khổ đau, bị trầm luân trong sinh tử là do ba nguyên nhân chính. Ngài khai thị đồ chúng như thế này:
“Sở dĩ chúng sanh chìm đắm trong ba đường khổ, bị phiền não, bị vô minh chấp trước là do ba nguyên nhân chính:

Một là thân thể ràng buộc.
Hai là quyến thuộc ràng buộc.
Ba là gia nghiệp ràng buộc.

Tất cả người đời bị ba thứ ràng buộc này mà bận rộn hết một đời, ồn náo hết một đời, khổ lụy hết một đời.”

Quý vị thấy Ngài nói có mạnh không? Ba thứ đó chứ không có gì nhiều hết. Ba thứ này nó bận rộn hết cả cuộc đời của chúng ta. Quý Phật tử nghiệm lại thấy có bận rộn không? Hôm qua chúng ta đến đây chỉ có một ngày một đêm nhưng có một số người chạy về như bị ma đuổi! Đó là mình bận rộn, mình lao xao, mình không làm chủ được tâm mình. Mình nói mình đến đây, chỉ giữ có một ngày một đêm, mà mình còn như thế.
Cho nên mình bận rộn! Bận rộn cái gì? Thân thể ràng buộc! Quý Phật tử nghiệm lại từ sáng đến trưa, đến chiều chúng ta lo cho cái thân này nhiều hay ít? Sáng dậy có khi nào quý Phật tử nghĩ đến hơi thở của mình không? Hay là nghĩ sáng nay mình ăn gì, hủ tíu hay cơm tấm, hay bún bò kho? Có khi nào mình nghĩ về hơi thở không? Mà hơi thở là điều quan trọng nhất. Sáng sớm thức dậy, tôi không bao giờ bung mùng ra mà nhảy xuống liền. Tôi ngồi xoa bóp tay chân, xong rồi hít thở thật sâu, và tôi cám ơn cuộc đời cho tôi có mặt trên trần gian này thêm một ngày nữa. Khi có mặt thêm một ngày nữa thì tôi làm việc gì để lợi mình lợi người, cả hai cùng có lợi. Mình phải chiêm nghiệm thì mới quý cuộc sống này. Quý Phật tử nếu không chiêm nghiệm thì chúng ta cho qua suông một đời, để một đời trôi qua thật vô ích.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 có những câu châm ngôn mà người ta thường trích ra từng đoạn. Có người đến hỏi Ngài: “Thưa Ngài, trong cuộc sống giữa đời thường này, điều gì làm Ngài ngạc nhiên nhất?”
Ngài nói: “Điều tôi ngạc nhiên nhất chính là con người.”

Ngài ngạc nhiên con người sao kỳ cục. Kỳ cục ở chỗ nào? Ngài nói con người khi còn trẻ thì đem hết sức khỏe để làm thế nào có được một số tài sản lớn; Khi lớn tuổi rồi thì lấy tài sản đó để mong mua lại sức khỏe. Tức là lúc mình còn trẻ, mình lấy sức khỏe của mình làm ngày làm đêm, đầu tắt mặt tối để kiếm tiền, kiếm tài sản. Sau này lớn tuổi, mình lấy ngược lại số tài sản đó để chữa bệnh, uống thuốc. Ngài nói Ngài ngạc nhiên quá, không hiểu nổi. Bây giờ nghiệm lại 5 phút, mình thấy rõ không? Lúc còn trẻ mình lăng xăng, lộn xộn, làm đủ thứ chuyện để kiếm tiền. Rồi lúc lớn tuổi mình khám bệnh, thấy bệnh tiểu đường, mỡ trong máu, bệnh khớp… thì lấy số tiền đó để trị bệnh. Có người nói bỏ ra sáu hoặc bảy tỷ bạc, sạt nghiệp cũng được, miễn làm sao hết bệnh. Trong khi hồi còn trẻ mình lăng xăng lộn xộn để kiếm ra sáu, bảy tỷ, ngộ không?

Điều thứ hai Ngài ngạc nhiêncon người nghĩ rằng mình không bao giờ chết, và một khi chết đến rồi thì mới biết mình chưa bao giờ biết sống. Hỏi thật quý Phật tử, mình biết sống chưa? Nếu chúng ta biết sống thì Thiền sư Duy Tắc không nói: “Ồn náo hết một đời, khổ lụy suốt một đời, vô ích suốt một đời, qua suông suốt một đời.”

Quý Phật tử có thật sống chưa? Hôm qua tới giờ tôi theo dõi xem người nào biết sống một mình. Người biết sống một mình là gì? Không phải chúng ta ở giữa rừng núi sâu gọi là người biết sống một mình, mà chúng ta sống trong một tập thể đông, tâm tư không dính mắc về quá khứ, không nghĩ nhớ đến tương lai mà an trú trong giờ phút thực tại thì đó gọi là người biết sống một mình.

Mình ở thành phố, gia duyên ràng buộc rất nhiều, cho nên Đức Phật từ bi lập ra một giới pháp gọi là Tám Giới để cho quý Phật tử biết cuộc sống đích thực là gì. Biết cuộc sống đích thực là gì thì chúng ta mới chiêm nghiệm cuộc sống để từ đó chúng ta thăng hoa bước vào con đường hành Bồ tát đạo. Nếu quý Phật tử không chiêm nghiệm cuộc sống thì bảo đảm gương mặt quý Phật tử không được an vui, không được tịnh tại, không được thanh thoát.

Thiền Sư Duy Tắc nói người đời bị ba thứ ràng buộc này cho nên khổ não. Mà mình nghiệm lại trong cuộc sống giữa đời thường này mình làm để cho ai? Để cho con mình, cháu mình, hay là cho mình? Mình dồn cho cái thân mình trước. Sáng ăn, trưa ăn, chiều ăn. Ăn rồi gì nữa? Mặc cho đẹp. Và gì nữa? Ngủ! Ăn, mặc, ngủ. Hết! Bây giờ mình nghiệm lại kiếp phận con người chúng ta toàn là ăn, mặc, ngủ! Cho nên Đức Thế Tôn nói sự bất hạnh của con người chính là không biết con đường Phật pháp tu học. Trăm năm mà không biết đạo thì Thế Tôn nói chỉ giống như một khúc gỗ mục mà thôi!

Ngài Duy Tắc nói tiếp: “Huống là nhân ba thứ ràng buộc này, khởi lên vô lượng tham, sân, si.”

Tức là nhân cái này mà có tham, sân, si. Ví dụ như mình muốn được mặc đẹp, ăn ngon, nếu trời mưa mà đổ tiền xuống thì chắc chắn mình không khởi lên tham, sân, si. Còn đằng này mình muốn cất nhà lầu bảy tầng, mười tầng, xe cộ đầy đủ, ăn sung mặc sướng thì bây giờ tiền đâu? Nếu mà tiền ít quá thì mình phải nghĩ đủ cách kiếm tiền, có kẻ còn buôn cả ma túy, hoặc làm chuyện gì gì đó, phải không? Từ cái nguyên nhân ràng buộc đó, chúng ta khởi vô lượng tham, mà tham không được thì sân. Do điểm này nên Ngài nói: “Khởi lên vô lượng tham, sân, si, tạo vô lượng nghiệp ác lớn nhỏ.”

Từ việc làm cho thân mình được đầy đủ, cho vợ con mình được đầy đủ, gia nghiệp mình được sung túc, nên chuyện gì mình cũng dám làm không biết sợ nữa. Nhưng trong lúc tạo vô lượng nghiệp ác lớn nhỏ, chúng ta không thấy do nghiệp báo này mà chúng ta rơi vào trong tam đồ bát nạn. Bát nạntám nạn khó nghe được Phật pháp:

1- Nạn địa ngục: Chúng sinh do tạo nghiệp ác nên chiêu cảm quả báo đọa vào địa ngục chịu khổ không ngừng, khó nghe được Phật pháp.

2- Nạn ngạ quỷ: Tức là loài quỷ đói. Chúng sanh do tạo nghiệp tham lam bỏn xẻn nên chiêu cảm thọ sanh vào loài ngạ quỷ phải chịu đói khát khổ sở trăm bề, khó có thể nghe được Phật pháp.

3- Nạn súc sanh: Chúng sanh do si mê tối tăm, hành động phi pháp trái với luân thường đạo lý, nên chiêu cảm quả báo thọ vào loài súc sanh, khó có thể nghe được Phật pháp.

4- Nạn sanh lên cõi trời Trường thọ: Cõi Trời này thọ mạng dài lâu, bị chướng ngại không được thấy Phật nghe pháp.

5- Nạn sanh ở Uất đan việt hay còn gọi là Bắc câu lô châu hoặc Thắng xứ: Người sanh về cõi này vì mải mê tham đắm hưởng lạc nên không gặp được Phật pháp tu hành.

6- Nạn đui điếc câm ngọng: Tuy sanh được làm người nhưng sáu căn của họ không được vẹn toàn, nên cũng không được thấy nghe học hỏi Phật pháp.

7- Nạn thế trí biện thông: Hạng người này chỉ dựa vào trí thông minh, chuyên nghiên cứu học sách ngoại đạo, không tin chánh pháp, không biết tu hành để được giải thoát sanh tử khổ đau.

8- Nạn sanh trước Phật và sau Phật: Chúng sanh do nghiệp chướng sâu dày nên sanh ra đời không được gặp Phật.

“Khổ hải sanh tử luân hồi, chịu vô lượng khổ não không được giải thoát. Tuy chịu vô lượng khổ não chỉ là trước sau không có tỉnh.” Chúng ta bị vô lượng khổ nãochúng ta không có tỉnh, vậy thôi.

Cho nên có người hỏi: “Thế nào là vô minh?” Theo Giáo tông là: “Do chấp thân, tâm là thật.”

Nhưng nếu đến với các Thiền sư hỏi: “Thế nào là vô minh?” Các Ngài chỉ nói gọn: “Quên tánh giác.” Nhớ tánh giác thì không có vô minh. Quên tánh giác thì vô minh, vậy thôi, rất là đơn giản.

“Bị khổ não chỉ là trước sau không có tỉnh, cái khổ chẳng tỉnh ấy bởi họ không có ngộ.” Sở dĩ chúng ta mê mờ không tỉnh vì chúng ta không ngộ.
“Chẳng ngộ là chẳng ngộ cái gì?” Bây giờ mình mê, mình muốn tỉnh, thì phải ngộ cái gì mình mới tỉnh?

“Chẳng ngộ là chẳng ngộ thân thể, quyến thuộc, gia nghiệp đều không phải của mình.” Hiểu được là mình sẽ tỉnh. Quý Phật tử tỉnh chưa? Mình chỉ cần hiểu thân thể này, quyến thuộc này, gia nghiệp này không phải của mình, tức khắc mình tỉnh, không bị khổ nữa.

Trong Kinh Bách Duyên, Đức Phật kể một câu chuyện:

Ở thành Xá Vệ có ông trưởng giả giàu có nên cưới một lúc bốn người vợ. Đặc biệt ông rất thương người vợ thứ nhất. Ông rất cần bà nên đi đâu ông cũng dắt theo. Nếu không có người vợ lớn này cùng đi thì ông rất buồn khổ và cảm thấy khó khăn thiếu thốn. Ông cũng rất thương người vợ thứ hai. Mỗi khi bà bệnh ông liền đi mua thuốc cho bà. Bà thứ hai bị cái gì ông cũng cảm thấy ông bị như thế. Người vợ thứ ba cũng được ông thương và thăm hỏi thường xuyên. Còn người vợ thứ tư không hiểu sao ông lại rất ghét.

Một hôm ông bị bệnh sắp mất, ông kêu bà vợ lớn đến nói:
– Tôi lúc nào cũng thương và nhớ nghĩ đến bà, bây giờ tôi chết bà có đi theo không?
Bà vợ lớn chỉ nói một câu:
– Tôi nói ông đừng buồn, ông vừa tắt thở là tôi đi lấy chồng liền.
Nhìn qua bà vợ thứ hai ông nói:
– Bà nhức đầu đau bụng, bệnh tật gì tôi cũng săn sóc bà, vậy khi tôi chết bà có theo tôi không?
– Ông đừng buồn, tôi chỉ đứng ngang giường của ông rớt ba giọt nước mắt thôi, chứ không đưa ông ra, cũng không đi theo ông gì hết.
Ông nói với bà vợ thứ ba:
– Tôi thường xuyên thăm hỏi bà, có món gì ngon tôi cũng biếu bà, vậy tôi chết bà có đi theo không?
– Tôi biết ông rất tốt với tôi, luôn săn sóc tôi, nhưng nói thật tôi chỉ đưa ông ra đến huyệt thôi chứ không đi theo ông đâu.
Đối với bà vợ thứ tư, ông chưa kịp nói gì thì bà đã lên tiếng:
– Tuy ông rất ghét tôi, không hỏi han gì tới tôi, nhưng ông đừng lo, ông đi đến đâu, tôi đi đến đó. Ông thành Phật tôi thành Phật. Ông thành ma tôi thành ma. Tôi rất chung thủy với ông.

Sau khi kể câu chuyện, Đức Phật nói: bà vợ thứ nhất ví cho tiền bạc. Quý Phật tử đi đâu mà không có tiền thì sao? Có những người tiền bạc rất nhiều. Như câu chuyện kể về một người đàn ông sinh sống ở Mỹ rất giàu có, một ngày ông ta làm được mấy ngàn đô la nhưng chỉ tiêu có 5 đô la thôi. Tiền nhiều như vậy nhưng khi chết đi thì tiền bạc liền vào tay ai đó chứ không còn ở trong tay mình. Bởi vậy bà vợ lớn nói ông mà chết chắc chắn tôi đi lấy chồng khác, tức là tiền bạc chạy qua tay người khác.

Nhưng sao mình không chịu tỉnh? Nghĩ không ra, phải không? Mình học thì học chứ mình không tỉnh bao nhiêu. Có một lúc nào đó mình chấn động toàn thân thì tự nhiên mình mới tỉnh, mới vượt thoát được chỗ này. Còn ngoài ra mình nghe là nghe vậy thôi.

Bà vợ thứ hai tiêu biểu cho thân thể của mình. Quý Phật tử nhức đầu hay đau bụng có chạy thật nhanh đi mua thuốc không?

Bà vợ thứ ba tiêu biểu cho quyến thuộc của mình. Đi đâu về mình cũng hỏi thăm ông bà, con cháu, hỏi thăm người thân, quyến thuộc của mình.

Nhưng những người này đưa mình đến đâu? Giỏi lắm là đưa đến huyệt khóc hai ba giọt nước mắt rồi về.

Nhưng bà vợ thứ tư chính là nghiệp, là tư lương của quý Phật tử. Cho nên trong Kinh Tương Ưng Bộ Phật dạy: “Nghiệp là thai tạng của chúng sanh, nghiệp là vận hành của chúng sanh.”

Cuối cùng rồi mình mang theo được cái gì? Đến mức độ khi chết hột nút áo của mình cũng bị cắt bỏ luôn, không cho mình mang theo cái gì hết. Quý Phật tử ít theo dõi chứ những người xuất gia như chúng tôi hay đến những đám tang, giàu có, nghèo có, bị tai nạn cũng có. Tất cả những khốn khổ trong cuộc đời đều dồn hết cho người chết. Tôi để ý người nào sống có tu học, có buông xả thì khi chết gương mặt rất tươi vui, thanh thản. Còn những người sống trong cuộc đời mà không biết tu tập, còn bỏn xẻn ích kỷ thì khi chết gương mặt hiện lên những nét rất đau khổ, giống như nuối tiếc cuộc đời, muốn kéo cuộc đời này lại. Nhưng Phật nói: “Tất cả ai rồi cũng sẽ chết.”

Lời khẳng định này của Phật khiến chúng ta phải tỉnh thức. Chúng ta đi từ cái khổ xứ này đến cái khổ xứ khác là do chúng ta không gặp được thiện tri thức chỉ dạy, kế đến là chúng ta không gặp được chánh pháp tu học.

Trong Kinh Tương Ưng Bộ, Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, ví như có những chúng sanh rớt trong địa ngục, Như Lai cũng nói chưa phải là khổ. Này các Tỳ Kheo, ví như có những chúng sanh rớt trong loài súc sanh, làm những con lạc đà đi trong bãi sa mạc, Như Lai cũng nói chưa phải là khổ. Nhưng mà này các Tỳ Kheo, ví như có một người sanh trong cuộc đời này mà không biết được con đường giáo pháp, không có người chỉ dạy, bị vô minh, bị điên đảo, bị phiền não trói buộc cho nên đi từ kiếp phận này đến kiếp phận khác.”

Đức Phật khẳng định rằng cái khổ nhất của kiếp phận con người chúng ta là không biết con đường tu tập, không biết con đường chuyển hóa. Lúc này chúng ta mới nghiệm lại cuộc đời, mình vẫn còn may mắn là biết được con đường chánh pháp, giữ giới trọn một ngày một đêm, ngồi thiền, sám hối, phát Bồ đề tâm. Chính những điều đó là duyên tốt của mình. Khi chiêm nghiệm thật sâu thì quý Phật tử mới nhớ lại công ơn của Phật, công ơn của Thầy Tổ chỉ dạy giáo pháp cho mình. Cho nên người xưa thường nói:

Ơn giáo dưỡng, một đời nên huệ mạng,
Nghĩa ân sư, muôn kiếp khó đáp đền.

Ngày xưa chúng tôi đọc đến đoạn đó chỉ là đọc cho vui thôi. Nhưng càng tu, càng chứng nghiệm về giáo pháp, thì bấy giờ chúng ta mới biết được ơn của Thầy Tổ đã dày công khai mở con đường thiền để mình được tu học.

Biết được như thế rồi, chúng ta mới thấy sự bất hạnh của kiếp người không phải vì đói, vì khát, vì thiếu thốn. Mà sự bất hạnh của con người là không biết con đường tu học. Vì vậy cổ đức nói:

Một kiếp không tu
Muôn kiếp khổ,
Một đời không ngộ
Vạn đời sầu.

Một kiếp không tu thì chúng ta muôn kiếp khổ, đi mãi trong con đường sanh tử luân hồi.

Một hôm Thiền sư Động Sơn khai thị đồ chúng: “Trên thế gian này cái gì khổ nhất?”

Quý Phật tử biết không? Nói thử xem. Có hết thảy 500 chúng, toàn là bậc long tượngchuyển ngữ trật hết, huống chi quý Phật tử. Tôi cũng không biết, nhưng mà nhờ tôi đọc. Cuối cùng Ngài nói chắc tụi con không biết, thôi để Thầy nói luôn: “Dưới lớp áo tràng, áo lam, áo cà sa tu tập mà để mất thân người là khổ nhất.”

Đơn giản vậy thôi. Quý Phật tử thấy đơn giản không? Bởi vì sao? Bởi mình bỏ một ngày một đêm đến đây là mình đã bỏ những thú vui của cuộc đời rồi. Nhưng mình đến đây mà không chịu chuyển hóa nội tâm, không quy chiếu lại nội tâm của mình để hoàn thiện chương trình vô sanh, mà cứ luống uổng trong phải quấy, hơn thua, tốt xấu thì rất là phí. Nếu như ngày hôm qua quý Phật tử ở nhà hát karaoke, đi đánh bài, đi tắm biển thì sướng hơn phải không? Nhà quý Phật tử cũng đâu có nghèo, nhưng tại sao mình lại đến đây ngủ dưới đất, ngủ dưới xà lãng? Mà ngủ rất là vui.

Nhiều người tôi biết cũng rất giàu, nhưng khi tôi hỏi cần mùng không? Dạ thưa Thầy, khỏi cần. Cần gối không? Dạ khỏi cần. Cần mền không? Dạ khỏi luôn. Điều đó cho thấy quý Phật tử sinh ra làm người, nhưng thời gian tu học của quý Phật tử không bị luống uổng, không bị chi phối bởi những cái lặt vặt thường tình. Đó gọi là quý Phật tửtúc duyên rất sâu, rất tốt đối với Tam Bảo.

Thiền thoại Nhật Bản có kể câu chuyện về một lãnh chúa rất giàu có. Trong suốt quãng đời của mình, ông ăn uống, rượu chè và làm nhiều việc, nhưng ông vẫn thấy cuộc đời này buồn và nhàn tẻ quá, không có gì vui, không có gì để giải trí cả. Cho nên ông đích thân đến gặp Thiền sư Ta Khun. Ông hỏi: “Thưa Hòa Thượng, nhờ Hòa Thượng cho con một lời khuyên để con trân quý cuộc đời trong cái kiếp làm người.”

Bấy giờ Thiền sư đọc bài kệ:

Ngày nay không đến hai lần,
Một phân thời khắc,
Ngàn phân ngọc ngà.
Ngày nay không đến nữa đâu,
Một giây thời khắc,
Ngọc châu đầy nhà.

Ngay trong giờ phút đó ông lãnh chúa tỉnh ra. Từ đó về sau ông làm các việc phước thiện, tu học, thiền tập và sau này ông trở thành một bậc thiền khách rất nổi tiếng.

Tại sao ban đầu ông chán nản cuộc đời, ông thấy cuộc đời này tẻ nhạt, cuộc đời này là buồn, là khổ mà sau đó ông tu tập trở thành bậc thiền khách nổi tiếng? Nhờ được một vị thiền sư chỉ dạy cho ông bài kệ: “Ngày nay không đến hai lần” nên ông tỉnh. Quý Phật tử nên nhớ chưa chắc gì sang năm thọ Bát Quan Trai tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện mà còn có quý Phật tử. Bảo đảm hôm nay có một trăm người thì chắc chắn rằng cũng có một hai người trở về cõi Phật. Chưa chắc gì quý Phật tử trở lại đây đầy đủ.

Cũng như câu chuyện “Ngày mai ăn bánh khỏi trả tiền” chắc quý Phật tử còn nhớ. Mấy đứa con nít đến tiệm bánh để mua bánh, thấy treo bảng “Ngày mai ăn bánh khỏi trả tiền” nên ngày hôm sau chúng trở lại, nghĩ rằng sẽ được ăn bánh mà khỏi trả tiền, nhưng chúng vẫn thấy câu “Ngày mai ăn bánh khỏi trả tiền”. Có nghĩa là không bao giờ có ngày mai. Cho nên vị thiền sư đó mới nói:

Ngày nay không đến hai lần,
Một phân thời khắc,
Ngàn phân ngọc ngà.

Khi hiểu được giá trị của cuộc sống rồi thì quý Phật tử mới sống có ý nghĩa. Ý nghĩa không những cho xã hội mà chính là ý nghĩa trong gia đình quý Phật tử. Quý Phật tử phải chiêm nghiệm.

Tôi xin kể cho quý Phật tử nghe một câu chuyện do một vị thầy kể lại.

Có cô gái sống bên Mỹ, sở dĩ cô tìm đến Phật pháp là do gia đình cô gặp hoàn cảnh rất thương tâm. Cô lấy một người chồng giàu có, ông ta có một công ty rất lớn có nhiều chi nhánh, và ông chính là Tổng giám đốc các công ty. Hai người có một đứa con trai khoảng mười sáu mười bảy tuổi rất dễ thươngngoan ngoãn. Ông rất bận rộn với công việc nên ít về thăm gia đình. Một hôm đứa con trai của ông bị bệnh rất nặng, nó điện thoại cho ông và nói: “Ba ơi, sáng mai đây con sẽ lên bàn mổ, ba hãy về với con, vì con chắc rằng có thể ngày mai chúng ta không còn gặp nhau nữa.”

Ông cũng linh tính điều chẳng lành nên quyết định mua vé máy bay để về với con bất cứ giá nào. Sau khi mua vé máy bay thì một việc xảy đến khiến ông do dự không biết nên về với con trai hay ở lại: Một công ty bạn ngày xưa không chịu ký hợp đồng với công ty ông nhưng kỳ này giám đốc của công ty đó hẹn bay qua gặp ông để ký một hợp đồng rất lớn.

Hỏi thật quý Phật tử, nếu quý vị cũng có một đứa con chuẩn bị lên bàn mổ thì quý vị về với con hay ở lại ký hợp đồng? Chắc là ở lại ký hợp đồng, vì mình nghĩ chắc con mình chưa chết!

Cho nên ông quyết định hủy vé máy bay, không về nữa. Ông nghĩ rằng chắc con mình chưa chết đâu mà về! Nhưng sáng hôm đó mổ xong thì cậu bé chết. Ông vô cùng hối hận, tự hứa với mình sẽ không bao giờ phạm sai lầm như vậy nữa.
Đến ngày sinh nhật của vợ ông, cô ấy nhắn tin cho ông: “Hôm nay sinh nhật em, một năm chỉ có một lần, anh hãy về với em.” Cũng như lần trước, sau khi mua vé máy bay, lại một hợp đồng khác được hẹn để ký. Ông lại hủy vé máy bay, nhưng trên đường đi đến nơi ký hợp đồng ông bị tai nạn chết!

Con chết, chồng chết, từ đó cô gái này thường xuyên đến chùa. Trong cuộc sống giữa đời thường, khi gặp nghịch duyên khốn cùng không còn lối thoát thì tự nhiên chúng ta tìm đến chùa. Cô rất siêng năng, tinh tấn. Quý thầy ngạc nhiên hỏi tại sao cô tinh tấn đến thế thì được nghe cô kể lại câu chuyện cuộc đời của chính cô.

Cho nên nói là:

Ngày nay không đến hai lần,
Một phân thời khắc,
Ngàn phân ngọc ngà.

Quý Phật tử đến thiền viện tu học là biết rằng mình có túc duyên tốt và sâu nên khi đến đây thân thể mình được an ổn, ăn được, ngủ được, ngồi thiền được, phát Bồ đề tâm cũng được, cái gì cũng được…Mình đến đây rất vui, không ai ép mình đến đây mà do mình tự phát tâm đi. Có ai đến đây tu học một ngày một đêm mà con mình nói: “Mẹ đến Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện tu một ngày một đêm, con cho mẹ mười triệu đồng.”

Có không? Hay là tự mình thích mình phát tâm đi?

Quý vị đặt câu hỏi: “Cái gì đẩy mình đến đây để tu học một ngày một đêm?” Nếu không phải là cái duyên quá khứ đẩy mình đến đây thì là cái gì?

Do đó Đức Phật nói:

“Chúng sanh ra đời không gặp được thiện hữu tri thức, không gặp được chánh pháp, không được người hướng dẫn chỉ dạy cho nên bị lưu lãng trong sanh tử.”

Trong Kinh A Hàm Đức Phật nói: “Này các Tỳ Kheo! nước bốn biển của đại dương nhiều hơn hay là nước mắt của các ông nhiều hơn?”
Các Thầy Tỳ Kheo nói: “Bạch Đức Thế Tôn, nước bốn biển của đại dương nhiều hơn.”

Phật nói: “Không phải như thế, nước mắt của các ông nhiều hơn nước trong bốn biển. Các ông khóc cho cha mẹ, anh em, con cháu, khóc cho tất cả quyến thuộc của các ông.”

Chính vì điểm này quý Phật tử phải thấy rằng mình không những có mặt trong một kiếp này mà đã có mặt trên cuộc đời này rất nhiều kiếp. Người xưa gọi là “ tỷ, tỷ kiếp.”

Đức Thế Tôn hỏi tiếp: “Các Thầy Tỳ Kheo! nước con sông Hằng cuồn cuộn chảy về xuôi nhiều hơn hay là máu của các ông nhiều hơn?”
Các Thầy Tỳ Kheo nói: “Bạch Đức Thế Tôn, pháp là của Thế Tôn, xin Thế Tôn chỉ dạy.”
Đức Thế Tôn nói: “Máu của các ông nhiều hơn nước con sông Hằng cuồn cuộn chảy về xuôi.”

Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ:
Ôi luân hồi dài dài
Bao lần máu tuôn chảy
Bao lần giáo gươm đâm
Khi ta làm heo dê.

Quý Phật tử thấy, khi mình bị sanh vào loài thú là con heo, con dê hay con bò gì đó…, có khi nào các con vật này chết được yên ổn không hay bị thọc huyết mà chết? Chính vì thế mà máu chảy dài trong con đường sanh tử.

Bao lần máu tuôn chảy
Bao lần giáo gươm đâm
Khi ta làm giặc cướp.

 

Có những lúc chúng ta sanh ra trong loài phi cầm, tẩu thú. Cũng có lúc chúng ta sanh ra làm ăn trộm, ăn cướp nên bị đâm chém bắn giết.

Và đây tìm khắp chốn
Không một chúng sanh nào
Chẳng phải cha mẹ ta
Không một chúng sanh nào
Chẳng phải con em ta
Không một chúng sanh nào
Chẳng phải bạn bè ta.

Thấy được như vậy mình còn giận ai nữa không? Còn giận không? Vì người đó là cha mẹ mình, anh em mình, bạn bè mình nên mình hết giận họ. Nhưng vì mình quán chiếu không được nên mình hay giận, hay buồn, hay phiền, hay trách.

Ví dụ hôm nào đó có người đến mượn mình một trăm triệu, lỡ họ làm ăn thua lỗ họ không trả thì mình nói: “Thôi mẹ mình mượn đó.” Quý Phật tử làm được không? Mà tôi làm được. Ngày xưa tôi chưa đi tu mà tôi làm được. Ngày xưa tôi làm ăn ngoài đời cũng có tiền, họ đến họ mượn tôi mười triệu hay hai mươi triệu gì đó, rồi họ nói họ kẹt quá. Tôi nói kẹt thì thôi khỏi trả cũng được. Lúc đó tôi chưa đi tu, còn ở ngoài đời mà chính bản thân tôi làm được.

Hiểu được điều này mình mới thấy rằng cuộc đời của mình còn được sống, còn được tu học đó là điều quan trọng nhất. Còn tất cả mọi thứ đến với mình đều là chuyện phụ thì tức khắc mình sống rất vui. Điều duy nhất quan trọng là mình vẫn hít vào, thở ra, vẫn còn có mặt trên cuộc đời này để tiếp tục tu học. Điều đó mới là chính. Còn những chuyện xung quanh đều là chuyện phụ, không dính dáng gì tới mình, tự dưng mình không buồn nữa.

Quý Phật tử đừng tưởng rằng quý vị mới gia duyên nhiều việc. Người xuất gia chúng tôi nhiều việc gấp trăm ngàn lần quý Phật tử, quý vị có tin không?

Một vị Hòa Thượng ở Mỹ kể, có một ông đến xin Hòa Thượng xuất gia. Hòa Thượng hỏi lý do đi xuất gia, ông nói hai vợ chồng ông sống chung với bà mẹ vợ rất khó tính, bà nói nhiều quá khiến ông nhức đầu chịu không nổi. Hai vợ chồng muốn ra ở riêng mà không có tiền vì lương tháng hai người chỉ vừa đủ sống. Hòa Thượng nói nếu con vào chùa xuất gia vì không chịu nổi bà mẹ vợ thì không tin con cứ hỏi, mấy ông xuất gia có hết thảy một ngàn bà mẹ vợ chứ không phải một!

Quý vị đừng tưởng chắc quý Thầy yên ổn, thảnh thơi lắm, nhưng mà không phải. Rất nhiều sự kiện xảy đến nhưng sở dĩ quý thầy tu được là nhờ pháp, nhờ quán chiếu được pháp là gì. Mình còn hơi thở, còn điều kiện tu học, còn điều kiện ngồi thiền trên bồ đoàn thì những chuyện thị phi, hơn thua, phải quấy là bóng trong gương, là hoa đốm giữa hư không vậy thôi. Cho nên tu yên ổn. Trước khi mình đến một chỗ nào mà nếu cho mình xem phim trước là nó sẽ như thế này, như thế kia chắc mình không dám đến. Nhưng khi mình đến chỗ đó rồi thì tuần tự pháp nó đến. Mà tuần tự pháp nó đến, thì hóa giải đến đâu, mình được yên đến đó.

Ví dụ quý Phật tử thiếu nợ tôi một trăm ngàn, thì tôi đến đòi nợ quý Phật tử nhiều lắm là bảy mươi ngàn, để lại ba mươi ngàn cho quý vị làm ăn. Quý vị đừng sợ gì hết, nghiệp nó đến với mình, nhiều lắm thì bảy mươi phần trăm thôi, còn chừa lại ba mươi phần trăm để mình sống, mình tu. Nếu mà đòi hết chắc mình chết. Khi nào quý Phật tử ngồi dước cội cây bồ đề bốn mươi chín ngày đêm thì quả tình phải đòi hết, đằng này mình vừa tu vừa học, vừa làm các việc thiện pháp, mà chính các điều đó làm cho mình chiêm nghiệm ngẫm nghĩ lại.

Phật nói tiếp:

Này hỡi các hiền hữu
Chừng ấy đủ cho ta
Cảm niệm bao thống khổ
Chừng ấy đủ cho ta
Giải thoát tất cả hành
Chừng ấy đủ cho ta
Thương xót tất cả loài.

Dứt bài kệ, ba mươi vị Tỳ kheo chứng quả A-La-Hán. Quý Phật tử chứng gì chưa? Quý vị đừng nghĩ rằng chứng quả là phải có cái này cái kia. Mà khi nghe bài kệ này rồi tự nhiên mình có một cuộc sống mới, cuộc sống khác, một cái nhìn khác. Đó gọi là chứng đạo.
Sau khi dứt bài kệ, ba mươi Thầy Tỳ kheo cảm niệm được nỗi thống khổ của cuộc đời quá lớn, sanh tử luân hồi quá dày, cho nên trong giờ phút đó những lậu hoặc chấp trước, những gì gút mắc đều rớt xuống hết.

Ngày xưa mình không ưa bà Bảy, bà Tám, bà Chín, nghe bài này rớt cái một. Tin điểm đó không? Tôi rớt rồi đó, rớt cái một luôn, không dính mắc gì hết. Ngày xưa mình không ưa không thích người này người kia, nhưng nghe bài kệ này rồi, những thống khổ sanh tử quá nhiều so với những lặt vặt trong đời thường thì tức khắc mình rớt cái một liền, không bao giờ dính mắc nữa. Đó gọi là tu có kết quả. Chứ không phải chứng quả là mình bay lên trời biến hóa này kia. Tu thiền đơn giản vậy thôi.

Thiền sư Tankin người Nhật Bản, một hôm sau khi ngồi thiền nhập định và xả thiền xong, Ngài làm bài kệ:

Khi hành giả nhập định
Thấy kiếp người phù sinh
Thoắt đến rồi chợt đi
Qua chiếc cầu thế thái
Như bản thân họ vậy.

Phù sinh là chợt ẩn chợt hiện, chợt có chợt mất, chợt còn chợt không. Cảm nghiệm được nhân tình thế thái của cuộc đời rồi thì quý Phật tử gắng gổ tu học để chuyển hóa nội tâm trong cuộc sống.
Để tóm kết tôi xin kể một câu chuyện trong Kinh Bách Dụ:

Ngày xưa tại vương quốc nọ có một ông vua giàu có và hùng mạnh. Ông có người vợ rất đẹp, bà bị bệnh chết để lại cho ông một cô con gái, nên ông rất thương yêu cô và chiều chuộng tất cả những gì cô muốn. Một hôm cô công chúa đứng trước lan can, bất thình lình một cơn mưa lớn đổ xuống. Trong cơn mưa có những bong bóng nước nổi lên từ vũng nước. Cô công chúa chợt nghĩ ước gì mình lượm những bong bóng nước này xâu thành chuỗi ngọc thì đẹp biết mấy.

Nghĩ như thế, cô liền đến gặp vua cha và nói:
– Thưa phụ vương, con rất thích những xâu chuỗi ngọc bằng bong bóng nước, xin cha hãy giúp con.
Vua nghe xong chưng hửngbong bóng nước làm sao mà xâu được. Cuối cùng ông họp các quan đại thần lại và nói:
– Ta chỉ có một đứa con gái mà ta rất thương yêu nó. Bây giờ nó muốn có một xâu chuỗi ngọc bằng bong bóng nước. Các khanh có kế gì không?
Trong số quần thần có một vị quan đại thần rất thông minh, ông nói:
– Nếu bệ hạ muốn, hạ thần sẽ làm được nhưng với điều kiệncông chúa phải phối hợp với hạ thần làm việc này.
Ông quan đại thần này đến gặp công chúa và nói:
Công chúa muốn có xâu chuỗi ngọc bong bóng nước thì không khó, nhưng cô phải đích thân đi lựa những hạt châu nước nào đẹp nhất đưa cho tôi, tôi sẽ xâu cho.

công chúa nghe thế rất mừng. Cô đến bên vũng nước để lượm bong bóng nước. Nhưng hễ cô lượm lên thì nó lại vỡ. Từ sáng lượm đến trưa cô mệt đuối. Ngay giờ phút đó cô tỉnh ngộ.

Bấy giờ Đức Phật nói: “Chúng sanh cũng như thế.”

Trong cuộc sống giữa đời thường, quý Phật tử có rất nhiều bong bóng nước, có những bong bóng nước vừa đụng đến là vỡ. Chính những người trong gia đình, rất thương và gần gũi với mình, đùng một cái những bong bóng nước người thân này bể ra. Mà bong bóng nước bể thì quý Phật tử biết rằng vạn phápvô thường, vạn pháp là khổ, vạn pháp là không. Cho nên quý Phật tử mới phát bồ đề tâm để thẳng tiến con đường Phật đạo. Rất nhiều bong bóng nước trong cuộc đời để chúng ta có thể thấy được, chiêm nghiệm được rằng không có gì là bảo đảm, kể cả thân phận của kiếp người chúng ta. Rồi có một ngày người thân kế bên mình, người mình thương nhất, người mà nếu không có mặt trên cuộc đời chắc mình chết, người này bảo đảm rồi cũng sẽ bể.

Biết được như thế rồi thì chúng ta phải thắp sáng bồ đề tâm, quy chiếu nội tâm để khi bong bong nước mình hoặc người thân mình bể thì mình không buồn, không khổ, không luyến tiếc. Đó là người có tu học.
Tôi thường hỏi một số Phật tử tu pháp môn niệm Phật rằng quý vị niệm Phật nhiếp tâm nhất là khi nào? Quý vị Phật tử này trả lời một là lúc đi máy bay, hai là khi đi qua biển. Vì sao? Vì sợ chết!

Mình đừng nghĩ rằng bảy tám mươi tuổi mình mới chết, mà phải nhớ rằng thở ra không hít vào là chết. Hiểu được như thế thì chúng ta gắng gổ tu và tạo các việc thiện pháp.

Chư thiên thấy loài người chúng ta từ lúc sanh ra đến lúc chết giống như mình thấy con thiêu thân hay con ve sầu, chúng chỉ sống ba tháng mùa hè rồi chết. Con người chúng ta mạng sống cũng mỏng manh và vô thường như thế. Nhưng trong cái mỏng manh tạm bợ đó còn cái gì đó vĩnh cửu, vượt thoát không gianthời gian. Hiểu được như thế nên quý Phật tử bỏ công sức một ngày một đêm đến đây tu học để nhận diện cái chỗ chưa từng bao giờ bị bể, chưa từng bao giờ bị hư, chưa từng bao giờ bị vô thường chi phối. Đó là tánh Phật sáng suốt của quý Phật tử.
Như vậy trong một ngày một đêm vừa qua, chúng tôi mong mỏi cái nhân địa ngày hôm nay chính là cái nhân địa mai sau. Quý Phật tử thành Phật làm Tổ cũng là cái nhân địa ngày hôm nay vậy.

Thầy Đạt Ma Khế Định giảng tại Thiền Viện Tuệ Quang
(Thiền Viện Tuệ Quang)