PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (2001) (TẬP 06)
Pháp Sư Tịnh Không
Kinh văn: “Nhất
thời, Phật tại Sa-kiệt-la Long cung, dữ bát thiên đại tỳ khưu chúng, tam vạn
nhị thiên Bồ-tát Ma-ha-tát câu”.
“Nhất thời” là thời gian, thời gian Phật nói kinh. Thời gian ở
đây không dùng ngày, tháng, năm mà dùng “nhất thời”, ý nghĩa ở trong đây rất
sâu. Phàm phu chúng ta, đặc biệt là người Trung Quốc đối với lịch sử vô cùng
xem trọng, thời gian, địa điểm đều nhất định phải khảo chứng vô cùng chính xác,
không được có sai lầm. Nhưng trong kinh Phật bảo với chúng ta, thời gian và
không gian đều là khái niệm trừu tượng, hoàn toàn không có thật. Vì vậy ý nghĩa
của “nhất thời” không những là rất sâu, vả lại rất xác thực, so với chúng ta
ghi chép năm tháng ngày giờ có thể nói là còn chính xác hơn rất nhiều.
“Nhất”, cổ đức có
rất nhiều cách giảng, cách nói thông thường nhất, nếu dùng cách nói hiện nay mà
nói thì chính là cơ duyên chín mùi rồi. Khi cơ duyên chín mùi thì lúc này được
gọi là “nhất thời”. Nếu như duyên không chín mùi, nói ra cũng chẳng lợi ích gì,
cho nên nói sư chất đạo hợp, đây là “nhất thời”.
Nếu như nói từ
trên lý, thiền tông có một câu nói: “Thức đắc nhất, vạn sự tất”. Và lại
nói là “vạn pháp quy nhất”. Chữ “Nhất” này chính là tương ưng với tự
tánh, cái ý này rất sâu. Trong Tịnh-độ tông chính là “nhất tâm bất loạn”. Cảnh
giới mà nhất tâm bất loạn hiện ra là nhất chân pháp giới. Tâm vừa loạn, nhất
chân pháp giới liền biến thành thập pháp giới, biến thành vô lượng vô biên pháp
giới. Nếu như chúng ta thật sự tâm quy nhất, một niệm không sanh, nhất tâm bất
loạn, thì hết thảy kinh mà tất cả chư Phật Như Lai đã nói đều viên mãn hiện
tiền, đây mới gọi là “nhất thời” đích thực. Đây là nói từ trên lý, pháp thân
đại sĩ mới có thể chứng được. Với cảnh giới của chúng ta hiện nay nói “sư chất
đạo hợp” là rất hợp lý. Duyên nghe kinh, duyên giảng kinh vào lúc này đã chín
mùi, vì vậy đây gọi là “nhất thời”, không ghi chép năm tháng ngày giờ.
Trong truyện sử
Trung Quốc có ghi chép, Trí Giả đại sư tụng kinh Pháp Hoa, khi tụng đến Phẩm
Dược Vương, Ngài bỗng nhiên nhập định. Ở trong định, Ngài nhìn thấy Phật Thích
Ca Mâu Ni đang giảng kinh Pháp Hoa tại núi Linh Thứu, Ngài cũng có tham gia
trong hội này và đã nghe được đoạn kinh này. Sau khi xuất định, Ngài nói cho
mọi người biết Phật Thích Ca Mâu Ni giảng hội kinh Pháp Hoa vẫn chưa tan. Đây
có thật hay không vậy? Đây là thật! Trong kinh Pháp Hoa nói rằng: “Thị pháp
trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ”. Hiện nay nhà khoa học cũng nói,
nếu như chúng ta có năng lực vượt qua tốc độ ánh sáng thì chúng ta có thể trở
về quá khứ. Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh vào 3000 năm trước là quá khứ,
chúng ta quay về quá khứ là có thể tham gia vào pháp hội lúc đó. Điều này chứng
tỏ thời gian, không gian không phải là thật. Nếu như cơ duyên của bạn chín mùi,
giống như Trí Giả đại sư có sức định như vậy, Ngài có thể quay về quá khứ, cũng
có thể khế nhập vị lai.
Trong thế gian
này, có rất nhiều nhà tiên tri nói sự việc của vị lai. Làm sao họ biết vậy? Họ
có thể thoát khỏi không gian, thời gian nên họ nhìn thấy được. Cổ nhân lại nói,
tiên tri đại khái có hai loại lớn. Một loại là suy luận từ trên lý số, chưa
chắc là chính xác, xác suất chính xác không phải 100% vì có khi tính bị sai lầm
là điều khó tránh khỏi. Nếu như tính toán thật giỏi thì rất chính xác. Một loại
khác là định công, cảnh giới trong định là cảnh giới hiện lượng do đích thân họ
nhìn thấy. Suy luận lý số là cảnh giới tỉ lượng. Cảnh giới hiện lượng là đáng
tin cậy nhất, đây là chính mắt nhìn thấy. Cảnh giới hiện lượng này, được gọi là
“nhất thời”.
Từ đó cho thấy,
nếu như ghi năm, tháng, ngày nào đó, thì chúng ta vĩnh viễn sẽ không có cơ hội
tham dự rồi. Ý nghĩa “nhất thời” thật quá hay! Chỉ cần chúng ta được nhất tâm
bất loạn, chúng ta sẽ có năng lực tham dự pháp hội này. Tâm của Phật là nhất
tâm, tâm của chúng ta cũng là nhất tâm, nhất tâm và nhất tâm giao cảm thì cảnh
giới liền hiện tiền. Cho nên hai chữ “nhất thời” là sống động, không phải chết
cứng, nói cho chúng ta biết pháp hội của tất cả chư Phật Như Lai chúng ta đều
có duyên tham gia cả, chỉ cần làm đến nhất tâm bất loạn là được ngay.
Tiếp theo, chữ “Phật”
đây là chỉ người chủ giảng, người giảng kinh. Chữ “Phật” ở đây là xưng Phật
Thích Ca Mâu Ni, bổn sư của chúng ta, bộ kinh này là do ngài giảng. “Phật
tại”, chữ ‘tại” này chúng ta không được lơ là, không nói
“Phật trụ”, trong quan niệm của chúng ta ngày nay nói “trụ”, chúng ta trụ ở
đâu? Nói “trụ” là sai lầm, “tại” mới là chính xác.
Phật vô sở trụ.
Trong kinh Kim Cang nói “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Phàm phu chúng
ta sai là sai ở chữ “trụ” này. Trụ là có chấp trước kiên cố, chúng ta thông
thường nói “trụ” là phan duyên, “tại” là tùy duyên. Chúng ta phải thể hội thật
kỹ cái ý nghĩa này. Thực tế Phật trụ ở đâu vậy? Tận hư không khắp pháp giới là
trụ xứ của Phật, bạn thử nghĩ xem cảnh giới này của Ngài bao lớn, tâm lượng bao
lớn? Trong quan niệm của phàm phu chúng ta, tôi có căn nhà nhỏ đây chính là trụ
xứ của tôi, cảnh giới rất nhỏ, tâm lượng cũng nhỏ, đã mê mất tự tánh. Cho nên,
trong kinh điển từng câu từng chữ đều hàm chứa ý nghĩa rất thâm sâu, đây là
điều chúng ta cần phải nên học tập.
Chúng ta ngày nay
“tại” Singapore, quyết không phải “trụ” Singapore. “Trụ” Singapore vậy là vọng
tưởng, phân biệt, chấp trước đều khởi lên ngay; “tại” thì không có! Chẳng nơi
nào mà không có, ở nơi nào có duyên thì liền hiện thân ở nơi đó, chư Phật Như
Lai là như vậy. Hiện nay chúng ta tuy chưa được tự tại như vậy, nhưng cũng
tương tự. Tương tự thì chúng ta có thể làm được, nơi nào có duyên thì chúng ta
cũng muốn đến nơi đó để tham gia pháp hội, giảng kinh hoằng pháp. Nơi nào có duyên
thì sẽ đến nơi đó, dứt khoát không có một trú xứ cố định, có trú xứ cố định là
hỏng ngay, là hoàn toàn trái ngược với “vô trụ sanh tâm” rồi. “Vô trụ sanh tâm”
là giác, trái ngược lại là mê. Vì vậy ở trong kinh Phật, chúng ta không nhìn
thấy “Phật trụ” mà chỉ nhìn thấy “Phật tại”.
“Sa-kiệt-la” là tiếng Phạn, ý nghĩa của nó là “biển mặn”. Chúng ta
biết nước ở biển đều có vị mặn. Chữ biển mặn này, khả năng Phật năm ấy còn tại
thế chính là chỉ Ấn Độ dương.
“Long cung”, chúng ta biết đây là đạo tràng của Ngài Bồ-tát Đại
Long. Vị Bồ-tát này cũng là Pháp thân đại sĩ. Thế là chúng ta liền nghĩ đến,
tần số không gian của Ngài là không giống với chúng ta. Cách nói này nếu như
mọi người khó thể hội thì chúng tôi dùng ví dụ để nói, bạn sẽ dễ hiểu hơn.
Giống như hiện nay chúng ta xem màn ảnh truyền hình, kênh của nó khác với chúng
ta, quả thật là ở trong một màn ảnh nhưng có nhiều kênh khác nhau. Ngày nay
chúng ta đối với truyền hình rất quen thuộc, chuyển một kênh liền chuyển một
chương trình. Vì vậy Bồ-tát Đại Long có hay không? Có, không phải không có. Nếu
bạn chuyển kênh thì liền nhìn thấy họ ngay. Nếu bạn không chuyển kênh mà đi
tìm, thì tìm thế nào cũng không thấy.
Ngày nay khoa học
phát triển, tàu ngầm được chế tạo rất tinh vi, có thể xuống đến tận đáy biển, toàn
bộ biển trên địa cầu đã tìm khắp rồi nhưng không hề thấy Long cung. Nguyên nhân
gì vậy? Kênh không tương đồng! Hiểu rõ đạo lý này thì vấn đề này liền có đáp án
ngay. Không chỉ không gian của Bồ-tát Đại Long không cùng tần số với chúng ta,
mà có rất nhiều không gian của quỷ thần cũng không cùng tần số với chúng ta.
Như chúng ta xem
thấy ở trong truyện sử, đại sư Pháp Chiếu đời Đường, Ngài nhìn thấy Bồ-tát Văn
Thù tại chùa Trúc Lâm Đại Thánh ở Ngũ Đài Sơn. Chúng ta tin chắc Ngài không
phải vọng ngữ. Đây là Ngài có cái duyên đặc thù, chính là cái mà người hiện nay
chúng ta gọi là đã đi vào cánh cửa thời gian, Ngài bước vào một không gian
không cùng tần số khác, nhìn thấy chùa Trúc Lâm Đại Thánh, Bồ-tát Văn Thù đang
giảng kinh. Ngài còn nghe được một hội và còn thỉnh giáo rất nhiều vấn đề với
Bồ-tát Văn Thù. Ngài hỏi rằng: “Căn tánh của người thời kỳ mạt pháp dần dần
chậm lụt, vậy thì tu học pháp môn nào là thích hợp nhất?”. Bồ-tát Văn Thù
dạy Ngài tu pháp môn niệm Phật. Ngài thỉnh giáo Bồ-tát Văn Thù: “Niệm vị
Phật nào?”. Bồ-tát Văn Thù dạy Ngài niệm Phật A Di Đà và còn niệm mấy câu
cho Ngài nghe nữa. Ngài mô phỏng theo, học được rồi, vậy là về sau truyền lại
“Ngũ Hội Niệm Phật”. “Ngũ Hội Niệm Phật” là đích thân Bồ-tát Văn Thù truyền cho
Pháp Chiếu. Về sau, Ngài xây niệm Phật đường, Ngài niệm Phật, không tham thiền
nữa. Người đương thời tôn xưng ngài là “Ngũ Hội Pháp Sư”.
Hiện nay, chúng ta
nghe thấy có niệm “Ngũ Hội Niệm Phật” ở trong băng ghi âm. Tôi e rằng, đây
không phải là cách niệm của thiền sư Pháp Chiếu. Tại sao vậy? Hiện nay tôi nghe
loại âm nhạc này, tâm không thể định được. Tâm không thể định thì làm sao thành
tựu? Đây là một cách thức biện biệt lợi hại của chúng ta. Phật hiệu này sau khi
chúng ta tiếp xúc, thân tâm thanh tịnh thì đây là cảnh giới tốt, có lợi ích đối
với ta. Nếu như sau khi ta tiếp xúc thân tâm ta không thể an định được, thì
pháp môn này là không thích hợp cho ta tu học. Nhưng người viết bản nhạc này
lại là một vị pháp sư đầu năm Dân Quốc, ông hiểu âm nhạc nên viết cũng rất hay,
tiếp dẫn người sơ cơ rất tốt. Như hiện nay ở trong nhiều trường hợp tụ hội biểu
diễn thì hay, khiến những người sơ học này xem nó như một ca khúc để hát, điều
này tốt. Nếu người thật sự dụng công phu thì phương pháp tụng niệm này không dễ
gì nhiếp tâm, điều này chúng ta cần phải hiểu cho rõ.
Đây là một ví dụ,
sau khi thiền sư Pháp Chiếu rời khỏi chùa Trúc Lâm, trên đường về Ngài làm dấu
để khỏi bị quên, khỏi lạc đường, để lần sau còn có thể trở lại. Đang lúc làm
dấu, quay đầu lại nhìn thì không thấy chùa Trúc Lâm Đại Thánh nữa, chỉ nhìn
thấy một vùng núi hoang, khi đó Ngài mới biết là Bồ-tát thị hiện. Đó chính là
khi rời khỏi chùa Trúc Lâm Đại Thánh, Ngài lại quay về thời gian và không gian
này của chúng ta, về đến tần số này thì không thấy tần số kia nữa. Đây là một
ví dụ rất hay.
Ngoài ra còn có
một ví dụ khác rất thù thắng. Ở trong Phật pháp chúng ta, mọi người thường hay
bái sám Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, đây là câu chuyện về quốc sư Ngộ Đạt vào thời
nhà Đường. Quốc sư Ngộ Đạt gặp tôn giả Ca-Nặc-Ca tại Tứ Xuyên, đó cũng là
chuyện không cùng tần số. Ngài bị bệnh mụt ghẻ hình mặt người, vô phương chữa
trị. Trước kia, lúc còn trẻ, Ngài gặp một người xuất gia nghèo khổ bị bệnh,
Ngài chăm sóc vị ấy vô cùng thành tâm thành ý, toàn tâm toàn lực mà chăm sóc.
Người này liền bảo với Ngài là, tương lai khi ông bị đại nạn, ông đến tìm tôi ở
một nơi nọ ở Tứ Xuyên, nơi đó có hai cây cổ thụ. Vì vậy sau khi Ngài bị bệnh
mụt hình mặt người (câu chuyện này, ở trong phần lời tựa phía trước Tam Muội
Thủy Sám nói rất rõ ràng), Ngài tìm đến tôn giả Ca-nặc-ca. Tôn giả Ca-nặc-ca
dùng nước từ bi tam muội rửa cho Ngài, tiêu oan giải kết giúp Ngài, đây là do
oan gia trái chủ tìm đến và hóa giải được. Oan gia trái chủ này đi rồi thì mụt
ghẻ hình mặt người của Ngài liền khỏi. Đây là đạo tràng của A-la-hán. Sau khi
Quốc sư Ngộ Đạt rời khỏi, quay đầu nhìn trở lại thì đạo tràng biến mất, lầu các
cung điện toàn bộ đều biến mất cả, chỉ còn lại một vùng núi hoang. Đây đều nói
rõ, thời gian và không gian là không phải thật.
Trong kinh Kim
Cang nói với chúng ta: “Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bèo bọt”,
không nên chấp trước. Không những không chấp trước, mà ngay cả phân biệt cũng
không nên. Hơi có một chút phân biệt chấp trước, liền rơi vào trong phan duyên.
Cho nên Phật dạy chúng ta ở ngay tất cả pháp thế xuất thế gian không phân biệt,
không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm, bạn được đại tự tại ở trong
tất cả cảnh giới.
Thập pháp giới có
hay không vậy? Khẳng định là có! Ngày nay nhà khoa học gọi là đời sống không
cùng tần số không gian, chúng ta dứt khoát không nên nghi ngờ. Chư Phật Bồ-tát
giảng kinh thuyết pháp, mỗi một tần số không gian đều có chúng sanh. Tâm của
Chư Phật Bồ-tát bình đẳng, thanh tịnh, cho nên ở nơi nào có duyên, các Ngài
liền đến nơi đó thuyết pháp. Vì vậy kinh này không phải nói ở nhân gian, cũng
tức là không phải nói tại không gian ba chiều, bốn chiều này của chúng ta.
Thính chúng cũng khác với kinh điển thông thường của chúng ta ghi chép. Kinh
điển thông thường, thường thường ghi chép: “Chúng đại tỳ kheo 1250 người”.
Ở trong kinh này chúng đại tỳ kheo có 8.000 người, chúng Bồ-tát có 32.000
người, con số này đều là đại biểu cho viên mãn.
“Tỳ kheo” là tiếng
Ấn Độ, “Bồ-tát Ma-ha-tát” cũng là tiếng Ấn Độ. Tỳ kheo thêm vào chữ đại thì
không phải Tỳ kheo phổ thông, mà là đại quyền thị hiện. Bồ-tát đại thừa dùng
thân phận Tỳ kheo đến thị hiện, thực ra toàn là Bồ-tát Ma-ha-tát, cộng chung
lại có bốn vạn người. Đây là pháp hội vô cùng thù thắng. Những danh tướng này
chúng ta nghe nhiều rồi nên không cần giải thích thêm, có thể tiết kiệm một
chút thời gian.
“Chúng”, chữ này cần giải thích sơ lược một chút. Ở trong kinh
chúng ta thường hay nhìn thấy chữ này. Chữ này dùng cách nói hiện nay mà nói
chính là đoàn thể, người hiện nay gọi là đoàn thể, chúng ta thông thường nói là
đoàn thể nhân dân, đoàn thể tôn giáo. Trong nhà Phật chữ “chúng” này có nghĩa
là đoàn thể. “Tỳ Kheo chúng”, theo cách nói hiện nay đó chính là đoàn thể tôn
giáo, hoặc giả nói là đoàn thể Phật giáo. Nhưng đoàn thể này khác với đoàn thể
thông thường, gọi là đoàn thể hòa hợp. Cho nên chúng ta ở trong Tam Quy Y đọc
đến “Quy y tăng, chúng trung tôn”. Đoàn thể này là đoàn thể đáng được người tôn
kính nhất trong tất cả mọi đoàn thể thế xuất thế gian. Tại sao vậy? Vì người
người đều tuân thủ “lục hòa kính”, do đó đoàn thể này là đáng quý, đáng được
người tôn kính, đây là đoàn thể lục hòa kính. Tỳ kheo còn như vậy huống hồ là
Bồ-tát? Bồ-tát thì chúng ta càng không cần phải nói. Cho nên đoàn thể của đệ tử
Phật là đoàn thể “lục hòa kính”, chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải tôn
trọng, phải học tập.
Kinh văn: “Nhĩ
thời, Thế Tôn cáo Long vương ngôn: Nhất thiết chúng sanh, tâm tưởng dị cố, tạo
nghiệp diệc dị, do thị cố hữu, chư thú luân chuyển”.
Đây là một đoạn
nhỏ. Trong đoạn này, Thế Tôn đã nói rõ ràng cho chúng ta biết, lục đạo luân hồi
là do đâu mà có. Một câu này là đã đem chân tướng sự thật nói rõ ràng cho chúng
ta rồi!
Ngay trong kinh
đại thừa, chúng ta thường hay đọc thấy Phật nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng
sanh”. Trong kinh Hoa Nghiêm nói với chúng ta: “Duy tâm sở hiện, duy
thức sở biến”. “Thức” ở chỗ này chính là nói tâm tưởng. Bởi do tâm tưởng
khác nhau nên tạo nghiệp sẽ không giống nhau. Nghiệp có ba loại lớn là thân
nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp. Ba loại lớn này luôn luôn lấy ý nghiệp làm chủ
tể, cũng chính là ý nghĩ. Những tạo tác của thân, khẩu đều do ý nghĩ quyết
định. Niệm thiện thì nghiệp người này tạo là thiện nghiệp, niệm ác thì nghiệp
người này tạo là ác nghiệp. Pháp thế xuất thế, mười pháp giới y chánh trang
nghiêm đều là từ tâm tưởng sanh. Đây là chân tướng sự thật, người thế gian gọi
là chân lý!
Nếu như hiểu rõ
đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này thì chúng ta sẽ hiểu một cách rõ
ràng, một cách sáng tỏ về sự ổn định của xã hội, sự hưng vượng của quốc gia và
thế giới có hòa bình hay không, chúng ta đều có thể hiểu rõ ràng, tường tận,
thông suốt, thấu đáo. Chúng ta bắt đầu xem từ đâu? Xem từ tâm tưởng của tất cả
chúng sanh, họ đang nghĩ cái gì. Ở trong kinh điển, Thế Tôn nói với chúng ta,
chúng sanh trong thập pháp giới, cao nhất là pháp giới Phật, thấp nhất là pháp
giới địa ngục, tâm tưởng dĩ nhiên là vô cùng phức tạp. Trong vô lượng vô biên
vọng tưởng, ý nghĩ thì cái nào là quan trọng nhất? Ở trong tất cả vọng niệm,
chúng ta cần tìm ra vọng niệm đứng đầu, nhân tố đứng đầu. Phật nói cho chúng ta
biết. Chúng ta bắt đầu xem từ dưới lên.
Cõi địa ngục,
nghiệp nhân đứng đầu là sân hận, tật đố. Tâm sân hận, tật đố nặng thì chắc chắn
sẽ phá hoại việc thiện của người khác. Ý nghĩ lợi ích riêng tư vô cùng kiên cố,
loại tâm tưởng này sẽ tạo nên cái cảnh giới địa ngục. Địa ngục từ đâu mà có
vậy? Từ tâm tưởng sanh! Tâm tưởng của ai sanh vậy? Tâm tưởng của chính mình
sanh ra, không có liên quan đến người khác. Tự mình tạo nghiệp thì tự mình thọ
báo, bất luận người nào cũng không thể thay thế được. Học Phật, trước tiên
chúng ta luôn cần phải hiểu rõ ràng đạo lý lớn này thì chúng ta mới biết mình
chắc chắn có thể được cứu. Tại sao vậy? Ta không muốn tạo ác nghiệp này. ta
không khởi lên ý nghĩ này.
Cõi ngạ quỷ,
nghiệp nhân đứng đầu là tâm tham, tham không biết chán! Thực ra cõi nào cũng
đầy đủ thập ác nghiệp, nhưng ở trong thập ác, nghiêng nặng về điều nào thì Phật
bèn dùng điều này để nói nghiệp nhân đứng đầu. Cho nên tâm tham biến thành ngạ
quỷ. Có người học Phật, pháp thế gian buông xả rồi, nhưng lại tham ái Phật
pháp. Họ đến cõi nào vậy? Vẫn là đọa cõi ngạ quỷ! Tâm tham đọa ngạ quỷ, dứt
khoát không thể nói tôi đem đối tượng của tham đổi rồi mà, tôi không tham pháp
thế gian, tôi tham Phật pháp. Bất kể là thế pháp hay Phật pháp, tâm tham của
bạn không hề đổi. Cho nên, trong kinh Kim Cang Phật khuyên dạy chúng ta: “Pháp
còn phải xả, huống hồ phi pháp”. Phật pháp cũng không được tham! Phật pháp
là dạy chúng ta rõ lý, dạy chúng ta giác ngộ, đây là điều tốt! Nhưng chúng ta
cũng không được khởi tâm tham trong Phật pháp. Pháp thế xuất thế gian nếu chúng
ta khởi tâm tham thì đều phải rơi vào cõi ngạ quỷ, điều này cần hiểu rõ.
Cõi súc sanh,
nghiệp nhân đứng đầu là ngu si. Sao gọi là ngu si vậy? Không có trí tuệ, điên
đảo trắng đen, không có năng lực biện biệt tà chánh, không có năng lực biện
biệt thật giả. Thậm chí không có năng lực biện biệt thiện ác, thị phi, lợi hại,
rất dễ dàng nghe tin theo lời đồn đại, trong tâm do dự, không dứt khoát. Đây là
cõi súc sanh, súc sanh ngu si. Đây là ba đường ác.
Ngoài ba đường ác
ở trên, còn có một cõi A-tu-la. Thực ra A-tu-la trong kinh Lăng Nghiêm nói rất
rõ ràng, trừ cõi địa ngục là không có A-tu-la ra, trong bốn cõi khác đều có;
Ngạ quỷ, Súc sanh, Người, Trời, trong các cõi này đều có A-tu-la. A-tu-la ở cõi
nào vậy? Là tùy danh xưng của cõi này, không xây dựng thêm, thế nên trong kinh
thường nói “Ngũ thú luân hồi”, chính là cái ý này. Nếu như xem A-tu-la
là một cõi, thì thông thường xem trời A-tu-la là một cõi, đây là cõi ở phía
trên cõi người.
Cõi người, nghiệp
nhân đứng đầu là gì vậy? Phật nói với chúng ta ngũ giới, thập thiện. Người tu
được ngũ giới thập thiện mới có thể được thân người. Cho nên, Phật thường nói: “Thân
người khó được nhưng dễ mất”. Lời nói này chúng ta thử lắng lòng mà suy
nghĩ, rất có đạo lý. Chúng ta hiện nay có được thân người rồi, nhưng đời sau có
thể được thân người hay không? Hãy suy nghĩ thật kỹ xem, ngũ giới chúng ta làm
được như thế nào rồi? Thập thiện tu như thế nào rồi? Nếu như ngũ giới thập
thiện, tự mình suynghĩ biết là chưa đạt, không đủ trình độ, thì đời sau sẽ
không thể được thân người. Thử đem tham-sân-si-mạn của mình so sánh với ngũ
giới thập thiện mà xem. Nếu như ngũ giới thập thiện của chúng ta quả thật hơn
hẳn ý nghĩ tham-sân-si, thì chúc mừng bạn, đời sau vẫn có thể được thân người.
Giả như ngũ giới thập thiện của bạn so với tham-sân-si là không bằng
tham-sân-si, ý niệm tham-sân-si quá nặng, ngũ giới thập thiện quá mỏng yếu, đời
sau nhất định đọa ác đạo. Đây là lời cảnh cáo của Phật đối với chúng ta: “Thân
người khó được, nhưng dễ mất”.
Cõi trời phải tu
thượng phẩm thập thiện, tứ vô lượng tâm. Tứ vô lượng tâm là “từ bi hỷ xả”.
Chúng ta thử nghĩ có hay không? Sau đó thử nghĩ, cõi trời mình có phần hay
không? Cư sĩ Hứa Triết Singapore thường nói, ở trong đời sống thường ngày bà vô
cùng tự tin, bạn thử xem lòng tin của bà: “Ông trời sẽ phù hộ tôi”. Sau
khi chết đi nhất định bà được sanh thiên, tiền đồ luôn sáng sủa, không hề có
mảy may nghi ngờ. Hiện nay bà niệm Phật A Di Đà, cầu sanh Tịnh-độ, chúng tôi
biết bà nhất định vãng sanh! Làm sao biết vậy? Tham-sân-si bà quả thật không
còn nữa, dứt hết rồi, ngũ giới thập thiện, tứ vô lượng tâm bà đầy đủ cả, vậy bà
niệm Phật đâu có lý nào mà không vãng sanh!? Đây là tấm gương, là điển hình của
chúng ta. Người ta có thể làm được, tại sao chúng ta làm không được chứ? Chướng
ngại của chúng ta rốt cuộc là ở chỗ nào, phải tìm cho ra chướng ngại. Đem những
chướng ngại này trừ đi, chúng ta cũng có thể làm được.
Ở đây cõi Tu-la
cũng nói thêm một chút. Tu-la cũng tu ngũ giới thập thiện, cũng tu tứ vô lượng
tâm, tại sao lại biến thành Tu–la vậy? Vì tâm hiếu thắng chưa buông xả. Làm gì
cũng muốn hơn người khác. Thắp nén nhang nơi cửa Phật, họ cũng dứt khoát muốn
giành thắp trước, thắp nhang đứng thứ hai họ cũng không cam tâm. Đây gọi là
A-tu-la, quả báo A-tu-la. Làm việc tốt cũng đều hiếu thắng. Đây là nghiệp nhân
của cõi A-tu-la, cho nên, A-tu-la hiếu thắng, ưa tranh đấu, ưa tranh hơn với
người khác. Ở trên trời thường hay đấu tranh với vua trời, ở nhân gian cũng
thường ưa đi đấu tranh với người, ở cõi nào họ cũng đều ưa thích đấu tranh. Họ
có phước báo, phước báo là quá khứ trì giới, tu thiện tích đức. Nếu như họ có
thể khiêm tốn, có thể nhún nhường, thì người này chắc chắn là sinh cõi trời,
chứ không phải cõi A-tu-la.
Lục đạo chỉ giới
thiệu sơ lược vậy thôi, là do tâm tưởng bất đồng nên sanh ra lục đạo.
Lên trên nữa,
Thanh Văn là tâm tứ đế, Bích Chi Phật là tâm mười hai nhân duyên, Bồ-tát là tâm
lục độ, Chư Phật Như Lai là tâm bình đẳng. Đây là Phật đem nhân tố đứng đầu
trong thập pháp giới nói cho chúng ta biết.
Chúng ta từ sáng
đến tối nghĩ cái gì? Tự mình bình tĩnh tư duy liền biết được mình phải đi đến
cõi nào, biết rất rõ ràng, biết rất tường tận. Sự việc này đâu cần phải đi hỏi
người khác? Sau khi thật sự hiểu rõ rồi, đại đức xưa khuyên dạy chúng ta “tự
cầu đa phước”, đây là điều mà bất kể ai cũng không thể giúp được. Chư
Phật Bồ-tát từ bi cỡ nào cũng không thể giúp được. Bồ-tát từ bi chỉ có thể đem
những chân tướng sự thật này nói cho chúng ta biết thôi, còn thọ quả báo như
thế nào đều do chính mình chọn lấy.
Chúng ta hiểu rõ
đạo lý này, quay lại thử nhìn thế giới ngày nay. Sự cấu thành của thế giới,
chúng ta cũng cần nên nhớ kỹ lời Phật Đà đã nói là: “Y báo tùy theo chánh
báo chuyển”. Câu nói này là chân lý, là sự thật. Y báo là gì vậy? Là môi
trường sống của chúng ta. Ở trong môi trường sống của chúng ta, có môi trường
nhân sự, có môi trường vật chất. Môi trường nhân sự, môi trường vật chất đều
thay đổi theo ý nghĩ của chúng ta.
Cư sĩ Hứa Triết
gặp chúng tôi, bà nói, thế giới trong con mắt của bà là thế giới tốt đẹp, trong
mắt bà tất cả chúng sanh đều là lương thiện, vì vậy bà sống trong thế giới tốt
đẹp, lương thiện. Nhưng môi trường sống của chúng ta là ngũ trược ác thế,
nguyên nhân ở đâu vậy? Do tâm tưởng khác nhau. Bà nhìn thấy mọi người đều là
người thiện, bà chỉ nhìn chỗ tốt của người khác, chỉ nhớ nghĩ chỗ thiện của
người khác. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên hỏi bà:“Cụ nhìn thấy những người bất thiện,
những việc bất thiện kia, người ác, việc ác cụ nhìn nó như thế nào?”. Bà
nêu ra ví dụ rất hay, giống như ta đi trên đường, nhìn thấy những người lạ đang
đi lại trên đường vậy. Có nhìn thấy hay không? Có nhìn thấy! Có ấn tượng hay
không? Không để lại ấn tượng! Thử nghĩ xem khi bạn đi trên đường, bạn nhìn thấy
những người nào, bạn còn nhớ được không? Bạn nghe thấy người trên đường nói
chuyện, bạn có nhớ họ nói gì không? Không để lại ấn tượng! Ấn tượng để lại toàn
là ấn tượng tốt. Đây chẳng phải do tâm tưởng khác nhau hay sao? “Tất cả
pháp từ tâm tưởng sanh”. Ở trong môi trường vật chất, bà cũng chỉ nhớ
môi trường tốt, tuyệt đối không nhìn thấy môi trường xấu. Loại quan niệm, kiến
giải, hành vi này của bà, há chẳng phải là “cảnh duyên không tốt xấu”
mà Ngẫu Ích đại sư đã nói hay sao?
Cảnh là môi trường
vật chất, duyên là môi trường nhân sự. Nhân sự với vật chất bên ngoài, quả thật
mà nói không có tốt xấu, không có thiện ác, cũng không có đúng sai. Tất cả mọi
đúng sai, thiện ác, tốt xấu là sinh khởi lên từ trong tâm của chúng ta. Tâm của
mình thuần thiện, thì cái thế giới này tốt đẹp. Tâm của mình bất thiện, thì thế
giới Cực-lạc cũng là thế giới trược ác. Cho nên câu nói này của Phật, chúng ta
phải khắc ghi trong lòng: “Nhất thiết chúng sanh, tâm tưởng dị cố, tạo
nghiệp diệc dị”, quả báo liền khác nhau.
Chư Phật Bồ-tát là
người đại tu hành chân chánh, tâm địa của các Ngài là chân thành, thanh tịnh,
bình đẳng, chánh giác, từ bi, vì vậy cảnh giới của các Ngài luôn tốt đẹp. Cảnh
giới tốt đẹp phải tự mình cầu, tự mình tu, không phải do người khác cho bạn.
Bạn phải hiểu được cái đạo lý này, hiểu được chân tướng sự thật này. Ngày nay
chúng ta xoay lại thử nhìn xem muôn nghìn chúng sanh ở trong thế gian này,
chúng sanh tâm tưởng bất thiện. Bất thiện thế nào vậy? Chỉ nhìn thấy khuyết
điểm của người khác, chỉ nhớ lỗi lầm của người khác, việc này là hỏng rồi! Thế
gian không có người nào là người tốt, thế gian không có việc gì là việc tốt,
đọa lạc vào trong đây, là cõi ác ở nhân gian.
Tại sao ngày nay
tỉ lệ ly hôn cao như vậy? Quí vị phải hiểu rằng tỉ lệ ly hôn cao thì xã hội
loạn động. Toàn bộ kết cấu xã hội là gì vậy? Là gia đình! Bạn thử xem nhà Nho
nói, cái mà nhà Nho nói là đạo lý lớn, không thể thay đổi, là chân lý: cách
vật, chí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
“Bình thiên hạ” là thiên hạ được công bằng, được hòa bình. “Bình thiên hạ”
chính là ngày nay chúng ta gọi là thế giới hòa bình. Thế giới hòa bình dựa vào
đâu vậy? Là dựa vào sự hưng vượng của quốc gia, mỗi một quốc gia đều hưng vượng
thì thế giới hòa bình. Muốn quốc gia hưng vượng thì phải dựa vào gia đình. Gia
đình dựa vào vợ chồng, tu thân. Hai người này có tình cảm với nhau mới kết hôn,
sau khi kết hôn rồi, đôi bên đều nhìn thấy chướng mắt, đều nhìn vào khuyết điểm
của đối phương, vậy là xong, không được mấy ngày đã ly hôn, nhà tan rồi! Gia
không tề thì quốc không thể trị, thiên hạ sẽ động loạn!
Cho nên nam nữ kết
hôn không phải là việc của hai người họ, hai người họ là chuyện nhỏ, họ đã hại
đến “cái chung”. Thế giới này giống như cơ thể này của chúng ta
vậy. Gia đình là một tế bào trên cơ thể chúng ta, tế bào này bị bệnh rồi thì nó
sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn bộ cơ thể. Đạo lý này được mấy người biết?
Nếu như hai người này cùng nhau chỉ nhìn vào cái tốt của đối phương, chỉ nhớ ưu
điểm của đối phương, thì làm sao họ tan vỡ được? Không thể! Chỉ sai có một niệm
thôi mà hủy diệt hết toàn bộ tiền đồ của mình rồi. Đây đích thực là ngu si đến
cực điểm. Tại sao có hiện tượng này vậy? Vì không có người dạy! Trong kinh Vô
Lượng Thọ, Phật rất từ bi nói: “Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức, vô
hữu ngữ giả”. Thật đáng thương!
Cho nên, sự hòa
bình và ổn định của thế giới được xây dựng trên cơ sở của giáo dục. Đứng đầu là
giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội, giáo dục tôn giáo, đây
là bốn trụ cột lớn. Nếu như giáo dục sụp đổ, thì chúng sanh chắc chắn phải sống
cuộc sống rất đau khổ, xã hội không ổn định, thế giới không hòa bình. Cho nên,
thời xưa nam nữ kết hôn là một sự nghiệp lớn nhất, nghi lễ vô cùng long trọng.
Đó là báo cho bạn biết, hai người bạn kết hợp lại không phải là việc của riêng
hai bạn, là chuyện đại sự của quốc gia, thiên hạ, tức là hy vọng toàn bộ cơ thể
này, cái tế bào này của bạn được kiện toàn khỏe mạnh, mà không phải tế bào
bệnh. Đạo lý lớn này chúng ta phải hiểu. Cho nên, chúng ta đọc đoạn kinh văn
này liền hiểu được lục đạo luân hồi do đâu mà có, sự an nguy của xã hội và thế
giới hòa bình được xây dựng từ chỗ nào.
Tốt rồi, hôm nay
thời gian đã hết. Chúng ta chỉ giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật!
PHẬT
THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 6)
Người giảng:
Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh
Tông Học Hội Singapore
Thời Gian: năm
2001
Cẩn dịch:
Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ,
Biên tập: Phật
tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền