LÀ CHÂN THẬT BÁO HIẾU
Thích Nữ Giác Anh
Tình cảm giữa con cái với cha mẹ luôn là tình cảm ấm áp
thiêng liêng nhất trong tất cả những tình cảm của con người. Những ngày còn cắp
sách đến trường, học trò tuổi ấu thơ đã ra rã thuộc lòng:
lành cao như núi Thái Đức Mẹ hiền
sâu tợ biển khơi Dù cho
dâng trọn một đời Cũng
không trả hết ân người sinh ta.
…
Mãi đến khi tỉnh giấc mộng đời, vào chốn thiền
môn, bên tai vẫn còn văng vẳng:
chủ ba cõi Đại hiếu
Thích Ca Văn Trần kiếp
báo thâm ân Tích niên
thành Chánh Giác.
Thế gian lấy Hiếu để xây dựng tư cách một người
có đạo đức trong xã hội, Đạo Phật lấy Hiếu làm nền tảng cho Giác ngộ và Giải
thoát. Không có hiếu nghĩa là không có đạo đức. Không có hiếu, dù có tu đến bao
nhiêu cũng đừng mong thoát khỏi phiền não sinh tử. Công ơn của cha mẹ không thể
lấy gì đền đáp cho hết được, duy chỉ có lấy Hiếu làm động lực tu hành, sớm cầu
quả vị giác ngộ, thoát khỏi sinh tử luân hồi, phổ độ chúng sanh trong đó có cha
mẹ, không chỉ đời này mà còn vô lượng đời trước, đó mới đúng là chân thật báo
hiếu.
Quả thật như vậy, ai có từng làm cha làm mẹ mới
cảm hết công ơn khó nhọc của cha mẹ mình. Chín tháng gìn giữ thai nhi, theo dõi
chăm nom từng giờ từng khắc. Con lớn dần trong thai Mẹ, từ lúc còn bé xíu cho đến
khi biết cựa quậy, chuyển mình. Đến kỳ sinh nở, có lẽ trong tất cả những nỗi
đau thể xác, chắc khó có đau nào bằng cái đau của người mẹ khi chuyển dạ sinh
con. Thế mà khi con vừa lọt lòng, nỗi đau ấy dường như tan biến khi Mẹ nghe tiếng
con khóc chào đời. Con khóc mà mẹ cười! Ôi, thế gian này có tình thương nào
dâng trào hơn thế chăng?
Và từ đó, con lớn khôn, trưởng thành nên người
trong xã hội. Con bao nhiêu tuổi, đếm lại bao nhiêu tháng ngày là bấy nhiêu cực
khổ, thương yêu, nhung nhớ của mẹ cha. Có được mấy khi con làm cha mẹ hài lòng,
vui sướng. Những phút giây an vui của con đem lại, ít ỏi như hạt cát giữa sa mạc
mênh mông, so với những gì Cha Mẹ đã ban phát cho đàn con thân yêu.
Nếu con có phước còn có thời gian và cơ hội để
chăm sóc cha mẹ khi tuổi già sức yếu. Ngược lại, con yểu mạng, ra đi trước, đã
không được đền ân, còn làm cha mẹ thêm một lần đau buồn bạc tóc trước cảnh “tre
già phải khóc măng non”. Những cảnh xót xa ấy thật không thiếu xung quanh chúng
ta. Đó là chưa kể có những cảnh đời buồn hơn, khi cha mẹ còn sinh tiền, nhưng
vì hoàn cảnh thế tình nào đó mà phận làm con không thể viếng thăm, chăm sóc hay
còn vô tình để cha già mẹ yếu, trống vắng côi cút như chưa từng có mặt đứa con. Thế nhưng, dầu
con có ra sao, bậc làm cha mẹ vẫn tha thứ, bao dung khi con tìm về bên cha, bên
mẹ.
Đức Phật dạy rằng, giả sử một vai cõng cha, một
vai cõng mẹ, đi giáp vòng hòn núi Tu Di, cũng không bao giờ đền đáp được công
ơn cha mẹ. Đây chỉ tính công ơn cha mẹ trong một đời này, một khoảng thời gian
ngắn ngủi của kiếp nhân sinh. Trong vòng sinh tử luân hồi bất tận, từ vô thỉ kiếp
không thể tính đếm cho đến kiếp này, chúng ta đã sanh đi sanh lại qua biết bao
thân mạng. Tùy vào nghiệp báo mà phải thọ thân trong khắp nẻo luân hồi. Kiếp
này làm người, tất nhiên đã từ nhiều kiếp làm người, lúc đủ phước báu sinh lên
cõi trời, nhưng cũng lắm lúc phải đọa súc sanh… Tuy nhiên kiếp nào chúng ta
cũng có cha mẹ và phải thọ ân cha mẹ. Tình thương cha mẹ nào cũng dành cho con
như nhau. Số kiếp luân hồi của chúng ta vô lượng vô biên, như vậy số cha mẹ mà
chúng ta thọ ân cũng vô lượng vô biên. Vì thế, nên trong Kinh Phạm Võng, Đức Phật
đã nhắc nhở hàng đệ tử rằng “hãy xem tất
cả người nam từng là cha ta, hãy xem tất cả người nữ từng là mẹ ta” là vì
thế.
Công ơn cha mẹ trong đời này và vô lượng đời
trước nặng sâu như thế, thử hỏi làm con có cách nào đền đáp được chăng? Nếu
dùng chút phương tiện vật chất với đôi lời thăm hỏi không khác xả giao, thậm
chí có khi còn tệ bạc hơn so với chồng, với vợ mình, thì có thật gọi là đúng
nghĩa của đền ân? Những lúc cha mẹ già yếu, đau bịnh, cho đến lúc sinh ly tử biệt,
cái đau đớn từ thể xác cho đến tinh thần, làm con dù có muốn nhưng làm sao san
xẻ, gánh chịu thay cho cha mẹ? Vô thường là chân lý, sinh già bệnh và chết là
những điều bắt buộc phải xảy đến trong cuộc sống. Những lúc như thế, con đành
phải bất lực cam tâm đứng nhìn. Lòng con thảo hiếu kính cha mẹ, thật không thể nào chịu đựng được phút giây đau đớn ấy.
Thái Tử Tất Đạt Đa vốn là người con hiếu thảo
khó ai sánh bì, nhưng cũng vì động lực của sinh già bịnh chết, mà đành từ giã
cha già, ngôi báu, gia đình, vợ con… ra đi tìm chân lý, tìm con đường không còn
bóng dáng của khổ đau. Phải chăng hành động giữa đêm xuất gia vượt thời gian,
không gian ấy, khởi đi từ động lực quá thương cha, thương mẹ, thương người thân
nhất của mình? Tình thương vô bờ khiến Ngài không đành chịu khép mình quay theo
nghiệp báo luân hồi. Cho dù có thương, có yêu đến mấy, giàu sang vật chất đến
đâu, cũng đâu thể tránh được không già, không bệnh và không chết? Và chết là
phút giây phân ly ai oán nhất giữa những người thương yêu ràng buộc với nhau.
Càng thương yêu thì càng đau khổ. Chắc chắn với tình thương và sức thông minh
vượt bực, Thái tử Tất Đạt Đa không thể chấp nhận vòng xoáy khắc nghiệt đó của
sinh tử luân hồi. Tình thương bất tận mà cũng là động lực vô biên, khiến Ngài
đã chứng ngộ, thành tựu bậc Toàn Giác. Ánh sáng giác ngộ của Ngài đã soi rọi
Hoàng hậu Ma Da trên cung trời Đao Lợi, tiếp dẫn vua Cha Tịnh Phạn an lành đi
vào cảnh Thánh, phổ độ kế mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề, công nương Da Du Đà La, hoàng
tử La Hầu La và vô số hoàng thân quốc thích khác chứng nhập quả Thánh, vĩnh viễn
thoát ly sinh tử.
Con đường đi đến giác ngộ và giải thoát phải từ
Hiếu mà sinh. Chân thật Hiếu là thương cha, thương mẹ đang trôi lăn trong cảnh
luân hồi. Không biết khi cái chết đến rồi, liệu cha mẹ có còn tiếp tục thọ hưởng
thân người hay không, hay phải đọa lạc vào cảnh giới đau khổ nào khác? Thậm
chí, nếu cha mẹ có chút phước đức, được sanh vào cõi trời, nhưng cũng có lúc thọ
hết phước báu, phải quay trở lại đền nợ trả nợ, thật đau đớn biết chừng nào.
Cha mẹ đời này thì vậy, còn vô số cha mẹ kiếp trước thì sao? Như vậy, chỉ có bản
thân vượt thoát luân hồi, mới là cách duy nhất đền ân cứu giúp cha mẹ.
Đức Phật đã tìm đạo giác ngộ, ví như người đào
giếng, chúng ta may mắn được thừa hưởng nguồn nước từ giếng mát trong ấy. Trong
cơn khát của tham ái, vô minh, say sưa trong thương yêu, ràng buộc, Đức Phật chỉ
mong mỏi đàn con hãy quay về uống dòng nước thanh lương. Chúng ta không cần phải
đào giếng, vì giếng đã có sẵn. Đức Từ Bi đã dẫn đường, chúng ta chỉ có việc đi
theo. Vậy mà do tầng tầng lớp lớp của vô minh, nên con đường tu niệm vẫn còn xa
xôi quá.
Phát Bồ Đề Tâm là tâm tha thiết, tâm chân thành
vì phổ độ chúng sanh, cầu đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Như vậy Bồ Đề
Tâm là tâm quan yếu nhất, là điều cần thiết nhất của người tu đạo. Trong kinh
Hoa Nghiêm, Đức Phật từng nhấn mạnh “đánh
mất Bồ Đề Tâm, dù làm mọi việc thiện cũng thành ma đạo”.
Đầu tiên, biểu hiện của Bồ Đề Tâm là tâm tinh tấn
cầu học để đạt đạo giải thoát. Kế, thường khởi tâm đau xót, thương nhớ đến
chúng sanh trong đó có cha mẹ ta, giờ này vẫn còn chìm đắm trong đau khổ luân hồi,
chưa biết đến ngày nào thoát khỏi. Điểm đặc biệt để nhận thấy sức mạnh Bồ Đề
Tâm trong từng con người, đó chính là nỗ lực cầu sanh về thế giới Tịnh Độ của Đức
Phật A Di Đà. Nơi đó là nơi Đức Phật Thích Ca đã khuyên bảo, giảng dạy chân
thành cho chúng ta trong thời mạt pháp. Đó là con đường gần nhất, dễ dàng nhất
để hoàn thành tâm niệm thành Phật độ sanh. Hơn nữa, càng tin sâu Tịnh độ, càng
cầu sanh Cực Lạc, thì càng chứng tỏ tâm niệm mong muốn xa lìa cõi khổ, mong muốn
cùng các bậc Thánh chứng đạo giải thoát.
Tuy nhiên, để chân thành phát tâm Bồ Đề, cầu
sanh Tịnh Độ, là một điều hoàn toàn không dễ. Quả thật như vậy, những bậc đạo
sư thường hỏi, nếu cho chúng ta ít phút hoàn toàn nghỉ ngơi, vậy thử theo dõi
xem, mặc dù thân yên lặng, nhưng tâm ta nghĩ gì? Phải chăng chắc chắn là lăn
xăng chuyện này chuyện kia, và trong tất cả những điều suy nghĩ ấy, chỉ quay
xung quanh một điểm cá nhân mình, cuộc sống mình, con mình, gia đình mình, danh
dự mình, mình đang buồn, đang vui, đang khổ… tất cả đều là Mình. Thử mấy khi
chúng ta nghĩ đến tha nhân. Thật hiếm khi chúng ta bức xúc, buồn khổ cho những
cảnh đời đang khổ cực khác. Càng khó hơn, hiếm hoi hơn và thậm chí không có,
khi khởi tâm dũng mãnh vì chúng sanh, hy sinh cá nhân, dấn thân cầu đạo cho tha
nhân. Vì nếu có, thì giờ này chúng ta đã không cùng một cảnh giới này.
Một điều khác nữa, vì sao khởi tâm chân thành cầu
sanh Tịnh Độ rất khó. Trong cuộc sống hằng ngày, cái bẫy của dục lạc, của tiền
tài, danh vọng, sắc dục… thường mang hình dáng của lý tưởng, của ngọt ngào…
trong khi tâm thức phàm phu thường quen với vô minh, không thể phân biệt. Tất cả
những mật ngọt ấy làm chúng sanh say đắm, giữa phong ba bão táp mà tưởng biển lặng,
sóng êm; giữa phù sinh tham ái mà tưởng an lạc, tịnh độ. Trước những bẫy sập
ngũ dục ấy, khiến tâm thức phàm phu không thể nào đề khởi lòng mong muốn rời
xa, không thể nào chấp nhận niềm tin cầu sanh Tịnh Độ. Chúng sanh tự gạt mình,
chấp nhận bản ngã mình và tìm mọi cách để chấp nhận hoàn cảnh này, thế gian này
đã là nơi tự tại, an lạc. Chính vì lẽ ấy, mà Đức Phật đã từng nói, niềm tin
vãng sanh trong thời mạt pháp là “nan tín chi pháp”, là pháp khó tin khó hành.
Thế nhưng, tiếng gọi của chữ Hiếu dù có trong
hoàn cảnh nào cũng đang thôi thúc chúng ta hành động. Tình thương của cha mẹ
dành cho ta vẫn luôn là điều dễ thấy, dễ chấp nhận nhất cho dù chúng ta có lạc
bến nơi đâu. Dầu con có bạc đầu, con vẫn là con của cha mẹ. Cha mẹ vẫn luôn mở
rộng vòng tay, âu yếm đón con trở về. Vì thế, mà chư Phật đã ví đức Từ Bi của
các Ngài vô luợng vô biên như tình Mẹ thuơng con. Dầu cho chúng ta có đau khổ lặn
lội đến mấy, nhưng một khi đã phát tín tâm quay về, thì chưa bao giờ là muộn
màng cả.
Tình thương của cha mẹ đang vẫy gọi ta, đang
thúc dục ta tiến bước trên con đường tìm cầu giải thoát. Cho dù hoàn cảnh nào,
khó khăn nào, cũng xin vì hết thảy chúng sanh trong đó có cha mẹ đời này và nhiều
đời trước, trưởng dưỡng tâm Bồ Đề không bao giờ thối chuyển.
Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.
Chùa Pháp Bảo, Sydney
Kỷ niệm mùa Vu Lan, PL 2553 – 2009
Thich nữ Giác Anh
d