Thích Nữ Thường Viên
Ngọn đèn giới luật không phải là chiếc đèn như chúng ta thường hay dùng để thắp hay chiếu sáng trong nhà hay các quán xá, đường phố… Đèn giới luật là cụm danh từ ví von cho một khía cạnh của ngọn đèn bình thường về công dụng và khả năng của giới luật mà thôi. Giới luật không phải là nhiên liệu giống như dầu lửa hay điện năng gì đó. Thật ra gọi đèn “giới luật” là chỉ cho những người tu hành, những hành giả cùng tất cả những vị đang tu hành, gìn giữ giới luật của Đức Phật và các vị tổ sư đã chế. Vì những vị ấy tu tập giới luật một cách nghiêm trang, nghiêm mật nên những người ấy như ngọn đèn chiếu sáng giữ thế gian!
GIỚI LUẬT NHƯ NGỌN ĐÈN CHIẾU SÁNG THẾ GIAN
“Ở chốn trần ai chớ nhiễm trần
Chuyên cần trì giới luyện tâm thân
Lo tu lắng định lòng mình trước
Đuốc tuệ sau này rọi thế nhân”
Như vậy giới luật là gì? Tại sao ví giới luật như ngọn đèn chiếu sáng giữa thế gian?
Giới: Tiếng Phạn Sìla, nghĩa của nó là tự nhiên, thói quen. Vậy Giới vốn là thực tại với quy luật vận hành, nếu hành động trái quy luật tự nhiên thì gặp trở ngại. Qua đó, ta hiểu rằng, Giới là chuẩn mực để đánh giá hành động đúng hay sai, điều gì nên làm và không nên làm, để thoát khỏi mọi trói buộc của khổ đau. Trung Hoa dịch từ Sìla là thanh lương, nghĩa là mát mẻ, vì giới có công năng dứt ba nghiệp quấy ác thiêu đốt. Lại còn nghĩa là “Phòng phi chỉ ác”.
Trên lộ trình tu tập đi đến giác ngộ giải thoát có ba môn học quan trọng gọi là tam vô lậu học. Đây chính là con đường mà Đức Phật từng nói là con đường độc nhất đưa đến Niết bàn an lạc. Ba môn học đó gồm: giới luật, thiền định và trí tuệ. Giới luật đứng ở đầu nên vô cùng quan trọng, là nấc thang đầu và nền tảng để đi đến giải thoát.
Một xã hội muốn tồn tại và phát triển vững bền cần có luật lệ trật tự. Cũng vậy, Phật giáo tồn tại và phát triền đến ngày nay đã trải qua hơn 2.600 năm là nhờ vào giới luật của Phật chế. Trong Kinh Phương Đẳng, Đức Phật nói: “Giới là cội gốc hết thảy các điều lành” nghĩa là nhờ có giới luật mà mọi điều lành được huân tập và đương nhiên mọi điều ác sẽ tiêu trừ. Cho nên, Đức Phật mới nói giới luật chính là mạng mạch của Phật pháp:
“Tỳ ni tạng trụ Phật pháp cửu trụ
Tỳ ni tạng diệt Phật pháp diệc diệt”.
Giới luật nói ra thì rất rộng, Phật chế ra rất nhiều giới dành cho những chúng khác nhau gồm tại gia và xuất gia. Trong đó, tuỳ theo mỗi cấp bậc mà có số lượng giới luật phải giữ khác nhau. Nhưng nói chung, để giữ giới luật, chỉ cần giữ đúng ba nghiệp của chính mình cho thanh tịnh, mọi giới luật đều được thực hành đúng như vậy.
Chữ giới thường đi với chữ luật nên gọi là giới luật. Giới là một trong ba pháp học Giới – Định – Tuệ, gọi là Tam vô lậu học tức nương vào trong ba pháp học này mà hoá giải được phiền não, siêu phàm nhập Thánh, an lạc giải thoát. Thực hành ba pháp học này không còn bị rơi rớt vào trong ba cõi sáu đường. Quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác của Đức Phật cũng y vào nơi huệ mạng mà thành. Có thể nói, trí tuệ phát sanh ra từ nơi thiền định, thiền định có được là do nơi giữ giới. Nhưng trong đó, giới học là điều căn bản “Nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Tuệ”. Vậy giới là răn cấm, ngăn ngừa các điều quấy, dứt trừ các điều ác và làm điều thiện.
PHÂN LOẠI VỀ GIỚI
Theo Phật học Bắc truyền, giới được phân loại như sau:
– Nhiếp luật nghi giới: Hay còn gọi là Biệt giải thoát luật nghi, gồm các giới tại gia, xuất gia như: ngũ giới, bát quan trai giới, thập thiện giới và cụ túc giới.
– Nhiếp thiện pháp giới: Nghĩa là lấy việc thực hành tất cả những điều thiện làm giới.
– Nhiêu ích hữu tình giới: Nghĩa là lấy việc làm lợi ích cho chúng sanh làm giới.
Về sau, các nhà luận sư do thấy mối quan hệ biện chứng của ba pháp Giới – Định – Tuệ nên đã phân chia khác:
– Biệt giải thoát: Bao gồm ý nghĩa của Nhiếp luật nghi giới.
– Định cộng giới: Lấy định làm giới, nghĩa là do tu tập thiền định mà thân tâm được thanh tịnh, đoạn trừ các lậu hoặc, giới thể được cụ túc và giải thoát được là do định
– Đạo cộng giới: Lấy trí tuệ làm giới, do tu tập vô lậu nghiệp mà được trí tuệ vô lậu, giới thể được viên mãn, cụ thể giải thoát có được là do tuệ sanh.
Giới cũng phân ra có tánh giới và giá giới:
– Tánh giới: Như giới sát sanh, giới trộm cắp, giới dâm dục, giới nói dối. Vì bốn giới này thuộc về thể tự tánh phát sanh, không đợi Phật chế, nếu ai giữ gìn tức được lợi ích, nếu không giữ gìn thì chuốc lấy khổ đau.
– Giá giới: Từ giới uống rượu trở lên, các giới điều khác là từ nguyên nhân này mà gây ra phạm giới nên Đức Phật đã ngăn cấm.
Có thể nói, giới là luật, nên gọi là giới luật, gồm những danh từ khác nhau nhưng đồng thể. Tiếng Phạn gọi là Tỳ-ni hay Tỳ-nại-da, Trung Hoa còn gọi là Diệt vì nó có ba nghĩa:
– Dứt nghiệp quấy của thân, khẩu ý.
– Dứt phiền não tham, sân, si, tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng huệ.
– Được quả tịch diệt Niết bàn.
Và cũng được dịch là điều phục, vì điều luyện ba nghiệp thân, khẩu, ý để chế phục các ác hạnh, cũng dịch là Thiện trị, vì khéo tự trị các ác hạnh của chính mình và điều phục hết thảy các điều ác cho chúng sanh.
Nói cách khác, giáo nghĩa của giới luật Phật tuy nhiều và rộng, nhưng không ngoài hai ý: “Chỉ trì” và “Tác trì”, ngăn quấy dứt ác như các giới điều trong giới bổn gọi là “Chỉ trì tác phạm”. Ví dụ: không sát sanh là “trì”, sát sanh là “phạm”. Thực hành các thiện hạnh phát sanh công đức hoặc để hỗ trợ phương thức chỉ trì được viên mãn gọi là “Tác trì chỉ phạm”, như tác pháp Yết-ma là “Trì”, không tác pháp Yết-ma là “Phạm”.
Và chúng ta nên biết giới luật do Phật chế ra không phải để câu nệ hay ép buộc ai cả mà chính để ngăn ngừa để hộ trì cho hành giả tu tập đến giải thoát và ý nghĩa này được tóm tắt qua bài kệ dưới đây:
“Không làm các điều ác
Thực hành các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đó là lời Phật dạy”.
(Kinh Pháp cú 183)
Đó là đã nói xong về ý nghĩa của giới luật.
GIỚI LUẬT PHÁT SÁNG NHƯ TRÍ TUỆ
Bởi giới luật giúp hành giả nhận chân ra tự tánh của chúng ta nên gọi là ngọn đèn. Bởi giới luật giúp hành giả thấy được con đường, chân lý của giải thoát nên gọi là ngọn đèn. Bởi giới luật giúp hành giả phá được bức màn vô minh đen tối nên gọi là ngọn đèn. Bởi giới luật giúp hành giả tìm được ánh sáng của trí tuệ nên gọi là ngọn đèn. Thường trong kinh hay ví giới luật như hương thơm của những loài hoa. Trong Kinh Pháp cú nói:
“Hoa chiên-đàn, già-la
Hoa sen, hoa vũ qúy
Giữa những hương hoa ấy
Giới hương là vô thượng”.
Ở đây giới luật được so sánh như ngọn đèn bởi giới luật không chỉ thanh tịnh, thơm tho mà còn phát sáng giống như trí tuệ vậy. Giữa thế gian tối tăm, bị bao trùm bởi vô minh đen tối, giới luật chính là ngọn đèn mang đến ánh sáng niềm tin cho tất cả mọi người đang chìm trong đêm trường sợ hãi. Ngọn đèn giới luật không chỉ soi sáng con người trong bóng tối mà nó giúp con người nhận ra thực tại đau khổ và đưa con người đến chỗ an vui. Không phải là ngọn đèn tầm thường mà chúng ta đang sử dụng trong đời thường, ngọn đèn giới luật giúp con người có được năm điều lợi ích làm nguồn vốn, tư lương cho đời sau của mình:
1. Người có giới đức được thừa hưởng gia tài lớn nhờ tinh thần sống không phóng dật.
2. Tiếng tốt đồn xa.
3. Không sợ hãi, rụt rè khi đến giữa hội chúng.
4. Khi chết tâm không bị tán loạn.
5. Mạng chung được sanh vào thiện thú thiên giới.
Đó chính là điểm đặc biệt của ngọn đèn giới luật, không chỉ giúp ích cho hành giả trong cuộc sống hiện tại này mà còn hữu ích cho đến tận tương lai về sau nữa. Nếu như ai giữ gìn ngọn đèn giới luật như tròng con mắt, bảo quản nó kỹ càng thì lợi ích còn tuyệt vời hơn chúng ta nghĩ nữa. Giống như người tự đọc một quyển sách hay hoặc dở sẽ cảm nhận được chứ người đứng nhìn không thể tự cảm nhận được. Những người học thì có kiến thức, người không học sẽ không có kiến thức, những người giữ ngọn đèn giới luật cũng vậy.
KẾT LUẬN
Giữ cuộc đời có rất nhiều biến đổi xảy ra, tâm lý con người thường không vững vàng. Họ luôn bị gió lốc cuộc đời cuốn trôi theo nẽo dữ. thì ngọn đèn giới luật hi vọng sẽ là chỗ mang lại niềm tin, ánh sáng và sự ấm áp cho nhân sinh. Chỉ có sự tu tập và hành trì giới luật mới giúp cho con người đững giữ giông tố cuộc đời mới vững chãi được. Đó chính là lý do ngọn đèn giới luật chiếu sáng giữa thế gian mà không ngọn đèn nào có thể làm được.