KHÁI QUÁT TƯ TƯỞNG KINH DUY MA CẬT
Thích Viên Giác
Kinh
Duy Ma Cật xuất hiện vào thế kỷ thứ hai sau Tây lịch, nay không còn trọn nguyên
văn chữ Phạn, dịch thuật chỉ dựa vào bản Hán và Tây Tạng. Trước có 6 bản dịch,
nay còn chỉ 3 bản:
1. Phật thuyết
Duy Ma Cật kinh, Chi Khiêm đời Ngô dịch, 2 quyển.
2. Duy Ma Cật Sở
Thuyết kinh, do Cưu Ma La Thập dịch, gồm 3 quyển.
3. Thuyết Vô Cấu
Xưng kinh, do Huyền Trang dịch, gồm 6 quyển.
Trong 3 bản
dịch này, bản dịch của ngài La Thập được phổ biến hơn, có lẽ nhờ văn chương lưu
loát và khoáng đạt hơn.
Các văn bản chú
giải cũng khá phong phú, phạm vi phổ biến kinh Duy Ma Cật khá rộng, phải nói
rằng người cư sĩ trí thức rất chú trọng kinh Duy Ma, lấy đó làm cơ sở tu tập
giải thoát.
Kinh Duy Ma là
một tác phẩm có giá trị về mặt văn học. Đó là một văn bản có giá trị giải tỏa
mọi ức chế về mặt tư tưởng, giải phóng sự gò bó trói buộc của nguyên tắc thông
thường, mở ra một con đường rộng thênh thang cho mọi người trong xã hội.
I. KHÁI QUÁT
TƯ TƯỞNG KINH DUY MA CẬT
Kinh Duy Ma Cật
lấy bối cảnh thuyết pháp tại thành Tỳ Da Ly, đây là trung tâm hoạt động của Đại
chúng bộ. Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn 100 năm, tại thành Tỳ Da Ly đã xảy ra
bất đồng quan điểm về giới luật Phật giáo chia thành 2 phái: Thượng tọa bộ và
Đại chúng bộ. Thượng tọa bộ là phái bảo thủ, Đại chúng bộ là phái cấp tiến. Đại
chúng bộ rất đông đảo gồm Tăng Ni và Phật tử tại gia, mở đầu cho sự canh tân
Phật giáo.
Đạo Phật tại Tỳ
Da Ly được phát triển mạnh mẽ nhờ sự ủng hộ của quần chúng Phật tử, sự sinh
hoạt Phật sự tương đối phóng khoáng và tự do. Trong môi trường ấy có lẽ các cư
sĩ Duy Ma, Bảo Tích… xuất hiện sau đó.
Nội dung tư
tưởng kinh Duy Ma lấy tư tưởng Bát nhã làm nền tảng, tức tư tưởng Tánh không.
Tư tưởng Bát nhã mang sắc thái Nhất nguyên luận, chủ trương các pháp vốn thanh
tịnh, không sinh không diệt, bình đẳng bất nhị … Trên cơ sở tư tưởng chân không
của Bát nhã, kinh Duy Ma vận dụng và triển khai tư tưởng Diệu hữu của kinh Hoa
Nghiêm một cách triệt để, có thể thấy được sự giống nhau giữa Duy Ma và Hoa
Nghiêm qua tư tưởng diệu hữu này.
Tư tưởng kinh
Duy Ma có thể được khái quát như sau:
1. Tâm tịnh
độ tịnh:
Tịnh độ là một
trong những chủ đề cốt lõi của kinh và xuyên suốt hệ thống tư tưởng của kinh,
đồng thời là một thể tài đả kích những quan điểm về thế giới của các bộ phái
Tiểu thừa Phật giáo.
Quan niệm về
Tịnh độ của kinh Duy Ma không phải là sáng tạo độc lập mà đây cũng là quan điểm
chung của các kinh điển Đại thừa như Bát Nhã, Hoa Nghiêm… Bát Nhã cho rằng thế giới
“bất cấu bất tịnh”; cấu hay tịnh do tâm chứ không phải do thế giới. Hoa Nghiêm
thì nói: “Ưng quán pháp giới tính, nhất thiết duy tâm tạo”. Mức độ
thanh tịnh của tâm đến đâu thì thế giới được biểu hiện thanh tịnh đến đó; nói
cách khác, thế giới khổ đau, tăm tối hay hạnh phúc là do cách nhìn của con
người, thái độ tâm lý rất quan trọng trong việc nhận thức thế giới và kiến tạo
thế giới. Đạo lý lấy tâm làm chủ là đạo lý của đạo Phật không phân biệt Đại
thừa hay Nguyên thủy, đạo lý ấy xác định vai trò quyết định của con người đối
với cuộc đời họ mà không nhờ vào ân điển của một Đấng tối cao nào. Đạo lý này
giúp con người giải thoát mọi khổ đau và triền phược của cuộc đời, xác định giá
trị của con người qua thực nghiệm tâm linh mà không qua hình thức bên ngoài. Đó
là đạo lý nhân bản, mở ra một lối thoát cho mọi loài chúng sanh.
Xác định tâm
tịnh độ tịnh hoặc thế giới thanh tịnh hay ô nhiễm do tâm là lập trường của Đại
thừa. Tuy nhiên, tư tưởng Nguyên thủy chủ trương cũng không có gì khác biệt, phải
nói rằng chủ trương tâm tịnh độ tịnh chỉ triển khai trên nền tảng giáo lý
Nguyên thủy mà thôi. Kinh Trung Bộ I, Đức Phật dạy: “Như một tấm vải dơ
bẩn dù được nhuộm với màu sắc gì nó vẫn dơ và xấu, còn một tấm vải mới và sạch
nhuộm màu gì thì nó cũng đẹp. Cũng vậy, với một tâm cấu uế thì làm việc gì cũng
trở thành cấu uế; với một tâm không cấu uế thì làm việc gì cũng thanh tịnh”.
2. Tư tưởng
bất tư nghì giải thoát:
Tất cả những gì
được biểu hiện trên cõi đời này đều là biểu hiện của thể tánh thanh tịnh, do đó
chúng là mầu nhiệm, là không thể nghĩ bàn. Nói cách khác, chúng là biểu hiện
duyên khởi, trên nền tảng Tánh không.
Sự bất tư nghì
ở chỗ biểu hiện một cách vô ngại các năng lực giải thoát ở nơi các vị Bồ tát,
Duy Ma đẩy năng lực giải thoát lên đến đỉnh cao là tất cả những biểu hiện trong
thế giới hiện tượng, đều là biểu hiện độ sanh của Bồ tát nhằm mục đích hóa độ
chúng sanh nhập vào Phật đạo. Điều này rất có ý nghĩa: một là tất cả, những
biểu hiện của thế giới hiện tượng như gió thổi, mây bay, hoa nở, hoa tàn, cho
đến kẻ cướp giật, trộm cắp, ma quỷ cám dỗ… đều là tác dụng giáo dục con đường giải
thoát, tu tập giải thoát không ra ngoài thế giới tầm thường phàm tục ấy, do vậy
chẳng có hiện tượng nào là không mầu nhiệm. Điều này vượt ra ngoài sự tư duy
phân biệt của con người nên gọi là bất tư nghì. Ví dụ như một đóa hoa nở bên
đường có thể gợi mở cho ta một cảm nhận về sự tàn hoại của cái đẹp, qua đó đánh
thức giác tính của ta, làm bùng vỡ trong ta sự giác ngộ về bản thể của sự sống
và ta đạt được giải thoát. Như vậy đóa hoa là biểu hiện của Bồ tát vì đã có
năng lực “giác hữu tình”. Trong bất cứ trường hợp nào, tình huống nào hay biểu
hiện nào cũng đều có khả năng đánh thức giác tính thì đó là năng lực của Bồ
tát.
Hai là tất cả
chúng sanh rồi sẽ thành Phật, bởi vì tất cả những biểu hiện trên cuộc đời này đều
là phương tiện độ sanh của Bồ tát, tức là đều có tác dụng đánh thức con người,
dù con người ngu dốt hèn kém cách mấy sự lặp đi lặp lại của các quy luật mang
khả năng thức tỉnh ấy sẽ làm cho chúng sanh giác ngộ. Tư tưởng này có lẽ được triển
khai rõ hơn trong Diệu Pháp Liên Hoa.
Thế giới bản
chất là pháp giới (Dhamadattu), khi tâm phân biệt chấp thủ thì thế giới đầy đau
khổ và biến động nhưng khi tâm không còn chấp thủ nữa thì thế giới trở nên an bình
vô ngại… Tư tưởng Nguyên thủy cũng đã có lập trường tương tự, sự vi diệu của
thân thể và thế giới qua lập trường duyên sinh và vô ngã của 5 uẩn, 5 khổ uẩn
có mặt khi có chấp thủ, khi chấp thủ đã rơi rụng thì pháp uẩn có mặt, nghĩa là
pháp giới thanh tịnh.
Người đạt được
bất tư nghì giải thoát không còn bị giới hạn bởi các cặp phạm trù: tịnh uế,
thiện bất thiện, lớn nhỏ, trong ngoài, xa gần, quá khứ, hiện tại, vị lai… Do vậy
mọi sự mầu nhiệm xảy ra đó là cảnh giới bất tư nghì, khi ấy đạo tràng của Bồ
tát hiện diện khắp nơi, dù là dâm phòng, tửu điếm… đều khứ lai tự tại.
3. Tư tưởng
bất nhị:
Tư tưởng bất
nhị được nhấn mạnh trong kinh Duy Ma Cật. Bất nhị tức là không hai, không hai
chứ không phải một. Mới nghe như là chơi chữ nhưng đó là cách diễn đạt con
đường buông xả đầy diệu dụng. Thông thường, thế giới được nhận thức qua lăng
kính nhị nguyên, nghĩa là luôn có chủ thể và đối tượng, thế giới luôn được phân
hai: thiện ác, tốt xấu, được mất, hơn thua, cao thấp, trên dưới, trong ngoài,
ta người…Không có hai thì thế giới không tồn tại. Tư tưởng kinh Duy Ma cho rằng
cái hai ấy không phải là hai, vì chúng là song lập, cùng tồn tại bất khả phân ly,
nói cách khác chúng tồn tại trong thế duyên khởi. Do vậy không thể nhìn riêng
bất cứ pháp nào mà nhìn với cái nhìn toàn diện của một pháp. Kinh Duy Ma được
xây dựng trên nền tư tưởng Bát Nhã và Hoa Nghiêm: các pháp không có tự tánh,
không sinh không diệt, vô tướng, bất khả thuyết… Bất nhị là đúc kết lý thuyết
chân không diệu hữu mà Bát Nhã và Hoa Nghiêm đã triển khai. Duy Ma dạy: “ Sắc
và không là hai nhưng sắc là không, không phải sắc diệt mới không mà là sắc
tánh tự không; cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức…”. Rõ ràng tư tưởng Bất nhị có
sắc thái Nhất nguyên luận. Tuy nhiên Duy Ma không ngừng lại ở triết lý siêu
việt mà đưa tư tưởng Bất nhị vào đời sống thực nghiệm tâm linh hiện thực rằng:
“Nhãn và sắc là hai nhưng nếu biết nhãn đối với sắc không tham, sân, si
thì đó là tịch diệt… cho đến ý với pháp là hai, nhưng ý đối với pháp không
tham, sân, si thì đó là tịch diệt, sống trong ấy là nhập vào pháp môn Bất nhị”.
Như vậy tư tưởng Bất nhị cũng đã triển khai dựa vào cơ sở tư tưởng Nguyên thủy
về tu tập tịch diệt ở nơi các pháp qua 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, ngay cả quan niệm
Bất nhị qua sự im lặng của Duy Ma hay sự siêu việt vấn đáp của Văn Thù cũng chỉ
là vô hý luận mà tư tưởng Nguyên thủy đã trình bày.
II. MỤC ĐÍCH
CỦA KINH DUY MA CẬT
Kinh Duy Ma Cật
có hai mục đích:
1. Luận phá
tư tưởng Tiểu thừa:
Vào thế kỷ thứ
nhất trước Tây lịch, phong trào vận động Đại thừa bắt đầu xuất hiện. Sự xuất
hiện kinh điển Đại thừa đã nói lên tính quyết liệt của cuộc canh tân Phật giáo.
Tư tưởng Đại thừa là tư tưởng mới, nhưng sự đổi mới tư tưởng ấy không tách rời
tư tưởng đạo Phật Nguyên thủy, mà chỉ triển khai trên cơ sở tư tưởng Nguyên
thủy, đã mở rộng tầm nhìn, khai thác những khía cạnh uyên áo nhất qua nhãn quan
thời đại và hơn hết là phù hợp với tinh thần và bản ý của Đức Phật. Cần phải nói
rằng các bộ phái Phật giáo sau nhiều năm tháng tranh giành ảnh hưởng đã đưa
Phật giáo đi quá xa tinh thần đạo Phật Nguyên thủy. Điều tai hại là dựa vào
giáo lý Nguyên thủy, các bộ phái chấp chặt vào kinh điển làm cho đạo Phật bị xơ
cứng, đạo Phật dần dần lui vào sơn lâm cùng cốc, xa lánh cuộc đời. Từ ngữ Tiểu
thừa được các nhà Đại thừa sử dụng để chỉ cho thời kỳ Phật giáo Bộ phái và thái
độ hẹp hòi bảo thủ của hệ thống cũ làm cho sinh khí Phật giáo không được như
thời Đức Phật nữa.
2. Vận động
phản kháng chủ nghĩa xuất gia:
Đạo Phật Nguyên
thủy chủ trương rằng muốn chứng đắc chân lý phải từ bỏ thế tục, cô thân chích
ảnh, tích cực tu tập thiền định mới chứng đạt chân lý. Người cư sĩ khó có thể
chứng đạt chân lý bởi sự hệ luỵ của thê nhi, tài sản và dục lạc, do đó vai trò
người cư sĩ chỉ là hộ pháp.Quả thật chúng ta thấy lộ trình tu tập giải thoát
trong Kinh tạng Nguyên thủy chỉ dành cho những người buông bỏ đời sống thế tục.
Pháp môn cao nhất của người cư sĩ là tu tập Bát quan trai giới, còn hành thiền
thì gần như chỉ dành cho đệ tử xuất gia. Chủ trương như vậy không có gì sai,
nhưng đó không phải là bản ý của Đức Phật; Đức Phật đã nhiều lần xác định người
tại gia nếu đoạn trừ các lậu hoặc vẫn giải thoát. Tuy nhiên, các thời kỳ Phật
giáo Bộ phái đã đóng bít cánh cửa cơ hội giải thoát của người cư sĩ, đạo Phật
như là dành riêng cho thiểu số. Điều đó đã đưa đạo Phật vào chỗ bế tắc vì mục
đích của đạo Phật là cứu độ chúng sinh thoát khổ.
Người cư sĩ
không thỏa mãn với chủ nghĩa xuất gia, họ có ước vọng giải thoát, họ muốn giá
trị của đạo Phật được phổ cập quần chúng, lợi ích nhân gian. Đạo Phật phải là
của đại chúng, vì vậy cuộc vận động trở nên kịch liệt.
Kinh Duy Ma
triển khai tư tưởng bất tư nghì giải thoát để mở rộng con đường giải thoát cho
mọi người đều được hưởng hương vị của chân lý. Phải nói rằng chủ trương của
kinh Duy Ma đã đem lại luồng sinh khí cho đạo Phật, nhất là thỏa mãn nhu cầu
tri thức và thực nghiệm tâm linh cho số đông.
III. KẾT
LUẬN
Kinh Tăng Chi,
Đức Phật dạy: Có 4 hạng người xuất gia:
1. Thân xuất
gia mà tâm không xuất gia.
2. Tâm xuất gia mà
thân không xuất gia.
3. Thân và tâm đều
xuất gia.
4. Thân và tâm đều
không xuất gia.
Như vậy, ngay
trong giáo lý Nguyên thủy, Đức Phật đã xác định có hạng người đạt được giải
thoát trong đời sống thế tục mà không cần xuất gia, giá trị của họ rất lớn. Đại
thừa dựa trên cơ sở ấy mà triển khai con đường Bồ tát:
“Phật pháp
tại thế gian
Bất ly thế gian
giác
Ly thế mích bồ
đề
Do như cầu thố
giác”.
Kinh Duy Ma
cũng dựa trên cơ sở ấy để phản kháng chủ nghĩa xuất gia rằng không cần từ bỏ
thế tục vẫn thực hiện tâm linh giải thoát.
Khát vọng giải
thoát của người cư sĩ đã từng được Kinh tạng Nguyên thủy ghi lại, đó là trường
hợp Cấp Cô Độc. Cấp Cô Độc trước khi qua đời được hưởng hương vị giải thoát qua
bài thuyết pháp Vô ngã tính, ông đã thiết tha yêu cầu Thế Tôn hãy cho hàng cư
sĩ cơ hội tu tập theo con đường giải thoát chứ không chỉ dừng lại ở con đường
lên cõi trời. Nữ cư sĩ Visakha cũng là một trong những cư sĩ tu tập pháp giải
thoát qua pháp môn Bát quan trai.
Nếu bỏ qua một
bên sự quá đáng trong việc chỉ trích các Thánh tăng A la hán thì ưu điểm của
kinh Duy Ma Cật rất lớn, điểm đặc biệt và nổi bật của kinh là tạo nên một đường
lối mới, một sinh khí mới. Đường lối mới ấy đã làm cân bằng con đường tâm linh
và con đường xã hội, mặt khác thực tế hóa, đại chúng hóa con đường giải thoát của
đạo Phật.