Khái Niệm Vô Minh Trong Phật Giáo

0
33

KHÁI NIỆM VỀ VÔ MINH
TRONG PHẬT GIÁO
Hoang Phong

Cứu cánh của Phật giáo là sự Giác Ngộ, phương tiện
giúp đạt được Giác NgộTrí Tuệ, và đối nghịch với Trí TuệVô Minh. Vậy
muốn đạt được Giác Ngộ thì phải loại trừ Vô Minh. Vô Minh mang lại khổ đau và Giác
ngộ
thì mang lại sự Giải Thoát. Trí Tuệ là liều thuốc để hóa giải Vô Minh tức để
loại bỏ khổ đau. Chính vì thế mà vô minh là một khái niệm vô cùng quan trọng trong
giáo lý nhà Phật bởi lẽ nếu không hiểu
được vô minh là gì thì quả thật là khó mà loại bỏ được nó. Vô minh được kinh
sách đề cập trong ba trường hợp khác nhau:

Vô minh là nọc độc thứ
nhất trong số ba nọc độc gọi là Tam
Độc
: đấy là sự đần độn hay u mê (moha – si mê); sự thèm khátbám víu (raga – tham lam) và hận thù (krodha – sân
hận
). U mê (moha – ignorance – si mê) sẽ đưa đến những hành động ngu đần và
sai lầm, mang lại những xúc cảm bấn loạn trong tâm thức.

Vô minh
(avidya/avijja) là “nút thắt” hay cái “khoen” đầu tiên
trong số mười hai “nút thắt” của chuỗi dài lôi kéo và tương tác gọi
là “Thập nhị nhân duyên”, trói buộc chúng sinh trong thế giới luân
hồi
. Cái nút thắt đầu tiên ấy còn được gọi là vô minh nguyên thủy
(sahajavidya), tức sự kiện không hiểu biết về Tứ Diệu Đế, về quy luật nguyên
nhân
hậu quả (nghiệp) và không ý thức được sự hiện hữu trói buộc của chính
mình.

Vô minh mang
ý nghĩa của sự lầm lẫn, thiếu sáng suốt (ditthi, wrong views – tà kiến) nghĩa là không nhìn thấy bản
chất
của mọi vật thể, tức phương thức hiện hữu đích thật của con người và mọi
hiện tượng.

Kinh sách, bài giảng, bài viết… về khái niệm
minh
nhiều vô kể, do đó bài viết ngắn này chỉ nhằm nhắc lại một vài định nghĩa
chủ yếu và chỉ khai triển thể dạng thứ ba của vô minh tức là sự lầm lẫnu mê
về bản chất của mọi vật thể, đồng thời nêu lên một vài thí dụ cụ thể để chúng
ta
cùng suy ngẫm. Từ “vô minh” nói chung thì tiếng Phạn gọi là Avidya và tiếng
Pa-li là Avijja, nghĩa từ chương của chữ này là sự “thiếu hiểu biết”,
thế nhưng cũng có thể hiểu đấy là một sự “nhầm lẫn”. “Thiếu hiểu
biết” không có nghĩa là thiếu sự hiểu biết mang lại từ sự học hỏi từ
chương trong sách vở, hay sự thiếu hiểu biết mang tính cách thông thái của một
nhà bác học. Nói một cách đơn giản thì ta có thể hiểu vô minh như là một cách
“nhìn sai” hay “hiểu sai”. Đối với Phật Giáo thì một học
giả
uyên bác, một triết gia thông thái, một khoa học gia lỗi lạc hay một chính
trị gia khôn ngoan v.v… vẫn có thể là những người “vô minh” và
“u mê”, vì tuy rằng họ hiểu rành rọt về chuyện này thế nhưng cũng có
thể nhìn sai và hiểu sai về một chuyện khác. Không những thế, cái chuyện khác
ấy đôi khi lại có một tầm vóc quan trọng hơn nhiều so với những chuyện mà họ
biết thật rành rẽ, bởi vì nó có thể liên hệ đến hạnh phúc và tương lai lâu dài
của họ và của cả những người khác nữa.

Tóm lại dù đấy là một vị giáo sư hay
chỉ là một người không có cái may mắn được học hành thì cả hai cũng đều có thể
rơi vào sự lầm lẫn như nhau. Nếu sự lầm lẫn ấy chỉ liên hệ đến những biến cố
sự kiện thường tình trong đời sống thì hậu quả mang lại đôi khi cũng không đến
đỗi quá tệ hại. Thế nhưng nếu đấy là một cái nhìn lầm lẫn, một sự quán thấy lệch
lạc, không nhận biết được bản chất đích thật của chính mình và của mọi sự vật,
không quán thấy được ảo giác của mọi hiện tượng đang biến động chung quanh mình
và những xung năng trong tâm thức mình, thì hậu quả mang lại sẽ trầm trọng hơn
nhiều.

Sự phức tạp của vô minh
và sự đa dạng của việc tu tập

Như vậy nếu muốn phá bỏ hay “khắc
phục vô minh” để mở rộng sự hiểu biếttìm thấy trí tuệ thì phải làm thế nào? Việc tu tập quả thật
rắc rối. Con người có quá nhiều xu hướng khác nhau, từ bản chất cơ thể cho đến
giáo dục, từ truyền thống cho đến kinh nghiệm cá nhân, từ hoàn cảnh cho đến
những định hướng tư lợi, mà tất cả những thứ ấy đều là hậu quả của nghiệp tích
lũy
từ trước. Quả thật hết sức khó để có thể tìm ra một phương thức chung có
tính cách phổ cập, thích ứng cho tất cả mọi người. Vì thế cũng không nên lấy
làm lạ là chung quanh ta “mỗi người tu một cách”, các tông phái, chi
phái thì “nhiều vô kể”, và sách giảng thì cũng đủ loại. Thật ra thì
đấy là các phương cách khác nhau mà Đạo Pháp dùng để thích ứng với sự đa dạng
của chúng sinh, hay nói một cách giản dị là để thích ứng với cái vô minh và cái
ngã của từng người mà thôi.

Giáo lý nhà Phật cũng không phải là
không ý thức được việc đó, vì thế mà Đạo Pháp xem đấy đều là những “phương
tiện thiện xảo” (upaya) “chấp nhận” cho mỗi người tự tìm lấy một
“con đường” thích hợp cho mình, và tất nhiên là cũng phải tôn trọng một
số nguyên tắc căn bản nào đó trong Đạo Pháp. Kinh sách cho biết là có tất cả
84.000 “phương tiện thiện xảo”, và theo truyền thống văn hóa Ấn độ
thì con số này chỉ mang tính cách tượng trưng, có nghĩa là các phương tiện thiện
xảo
nhiều lắm, đếm không xuể. Vô minh cũng thế, cũng nhiều lắm và đếm không xuể.
Mỗi người có một cái vô minh riêng của mình, cũng có thể xem như một thứ “gia
tài” riêng, “bị” thừa hưởng từ nghiệp của mình mà ai cũng muốn bảo
vệ
cái “gia tài” ấy, “bám chặt” vào nó, “hãnh
diện” vì nó, “ôm khư khư” lấy nó. Vì thế việc tu tập tất nhiên cũng
phải phù hợp với cái vô minh của từng người là như vậy.

Chúng ta hãy thử nhìn vào một thí
dụ
thực tiễncụ thể như sau. Một vị thầy thuyết giảng giáo lý cho một đám
đông Phật tử đến chùa. Phật tử ngồi lắng nghe thật yên lặng và thành tâm, vị thầy
thì thuyết giảng rất hăng say và cũng rất thành tâm, có lúc hùng hồn, có lúc khôi
hài, có khi lại rất trịnh trọngnghiêm trang, nhằm thu hút sự chú tâm của người
nghe. Thế nhưng biết đâu vị thầy cũng chỉ lập đi lập lại những gì mình đã thuộc
lòng (!). Trong số Phật tử thì chắc hẳn cũng có người nghe và nghĩ thầm là “lanh
quanh cũng thế, chẳng có gì mới lạ”, hoặc nghĩ rằng vị thầy này giảng
không “hấp dẫn” bằng vị hôm trước. Trong khi đó thì cũng lại có kẻ đang
nghĩ đến việc sắp phải rước con vì sắp đến giờ tan học, mà vị thầy này lại giảng
hăng quá mà chẳng biết đến khi nào mới chấm dứt, người khác thì hơi sốt ruột vì
còn phải lo việc chợ búa và trăm chuyện phải làm, v.v. và v.v… Rồi thì buổi
giảng cũng chấm dứt, thầy trò đều mừng rỡ, cùng nhau chắp tay hồi hướng công
đức
để cầu xin cho thế giới này được an bình hơn, hạnh phúc hơn… Các Phật tử ra
đến cổng thì vừa chen lấn vừa áp tay vào túi quần vì sợ bị… móc túi, người ăn
xin thì quá đông nên chẳng biết phải bố thí cho người nào, xe chạy như mắc cửi,
phải nhìn trước trông sau để tránh xe… Trong chùa thì vị thầy vừa giảng xong
cũng muốn nghỉ ngơi một tí, vì chiều nay lại phải giảng về đề tài này tại một
ngôi chùa khác. Mỗi người trở lại với những sinh hoạt thường nhật của mình và
cũng có thể không ai nghĩ đến là sau khi nghe giảng thì mình có cải thiện được
phần nào cái vốn liếng trí tuệ của mình hay không?

Vô minh quả thậtphức tạp và đa dạng, do đó việc tu tập nếu muốn thực
sự “hữu hiệu” thì cũng đành phải chạy theo sự đa dạng và phức tạp đó.
Thế nhưng may mắn thay cứu cánh của Đạo Pháp thì lúc nào cũng chỉ là một: đấy
Trí Tuệ. Dù phải vướng mắc trong bối cảnh hỗn tạp do nghiệp và cơ duyên tạo
ra, thế nhưng ta cũng nên luôn cố gắng nhìn xa hơn và sâu hơn trước những biến
cố
quen thuộc đang xảy ra chung quanh.

Sự chú tâm để quán thấy những thứ
ấy càng mạnh, càng thường xuyênsâu xa, thì trí tuệ của ta cũng theo đó mà ngày
càng được phát triển hơn. Tóm lại đấy là cách giúp ta thoát ra những trói buộc
thường tình để nhìn xa hơn vào các hiện tượng đang biến động chung quanh và để thấy
rõ hơn các xúc cảm và xung năng đang chi phối tâm thức mình hầu giúp mình quán
xét, phân tích và tìm hiểu chúng để khám phá ra bản chất đích thật của chúng, nhằm
giúp cho mình chọn lấy một thái độ ứng xử thích nghi hơn.

Cách nhìn vào các hiện
tượng
biến độngbản chất của hiện thực

Cách nhìn như vừa mô tả trên đây gồm
hai khía cạnh hay hai lãnh vực khác nhau: trước hết là cách nhìn vào những
hiện tượng đang biến động tức các thể dạng “bên ngoài” hay “ảo
giác” của hiện thực, và sau đó là cách nhìn thẳng vào “bản chất đích
thật” của hiện thực. Thật ra thì cả hai khía cạnh hay lãnh vực ấy của hiện
thực
đã được mô tả trong vô số kinh sách và cũng đã được các vị thầy đại diện
cho Đạo Pháp thuyết giảng cho chúng ta nghe, thế nhưng chính ta phải tự nhìn
thấy nó vì không ai có thể nhìn thấy chúng thay cho ta được. Hai cách nhìn ấy
như sau:

– Nhìn vào các
hiện tượng biến động của hiện thực

Ta hãy thử tréo chân ngồi xuống, giữ yên lặng và phóng luồng tư tưởng nhìn
ra vũ trụ, để hình dung ra địa cầu đang xoay vần chung quanh mặt trời, rồi mặt
trời
thái dương hệ thì đang quay cuồng trong thiên hà, và thiên hà lại bắn
tung trong vũ trụToàn bộ tất cả những thứ ấy đang chuyển động với một vận
tốc khủng khiếp, đấy là cái vận tốc của một vụ nổ lớn trong vũ trụ (Big Bang). Cùng
với địa cầu và thiên hà, ta đang bị bắn tung trong không gian… Thế nhưng trước
đây vài phút, lúc ta chưa ngồi xuống để hình dung ra vị trí của mình trong cái
khoảng không gian mênh mông đó thì ta vẫn có cảm giác bình yên tự tại, vẫn cảm
thấy
vững chân trên mặt đất và dường như chẳng có việc gì xảy ra: trên đầu ta
là bầu trời cao vời vợi với những đám mây trôi êm ả, dưới chân ta là mặt đất
vững vàng, và căn nhà của ta được đóng cừ và xây móng chắc chắn. Tóm lại việc
ta cứ “bình chân như vại” mà không quán thấy cái chuyển động khủng
khiếp đấy là một thứ vô minh rất dễ nhận ra, thế nhưng chỉ vì cứ phải chạy
ngược chạy xuôi cho nên ta không nhận thấy cái vô minh đó của mình mà thôi!

Địa cầu là một hạt cực nhỏ xoáy
lộn trong không gian, thế mà ta vẫn cố ngước lên để tìm một cái gì cao cả, và nhìn
xuống để ý thức ra sự đọa đày. Ta tự đặt mình vào vị trí trung tâm của vũ trụ
để tự nhận diện chính mình. Các vị trí dùng để định hướng như trung tâm, bên
phải, bên trái, bên trên, bên dưới… không hề mang một ý nghĩa gì cả, đấy chỉ
là những điểm chuẩn hoàn toàn mang tính cách tương đốiquy ước. Thế nhưng đối
với ta đã gọi là “trên trời” thì nhất định là phải ở trên đỉnh đầu,
ta không thể chấp nhận “trên trời” lại cũng có thể là ở… “dưới
chân” ta. Một người ở bắc bán cầu thì “trên trời” sẽ có một
hướng đối nghịch lại với cái hướng “trên trời”của một người ở nam bán
cầu. Ta ngước “lên trên” để tìm kiếm một đấng tối cao, một chốn thiên
đường
hạnh phúc hay một cõi cực lạc an bình, bất chấp là cái hạt bé tí gọi là
địa cầu đó đang bị xoáy lộn “lên phía trên” hay bị tung “xuống
phía dưới” trong vũ trụ này. Đấy là một trong số hàng nghìn cách nhìn giúp
cho ta nhận thấy cái vô minh của mình trước những biến động chung quanh.

Nếu tiếp tục thu hẹp tầm nhìn để quay
trở lại
với những gì đang xảy ra chung quanh ta trong giới hạn của quả địa cầu
này thì ta cũng sẽ thấy rằng mọi vật thể và hiện tượng nơi cái hành tinh bé nhỏ
này cũng biến động không ngừng, từ con người đến vạn vật, từ văn hóa đến chính
trị, từ địa dư đến lịch sử và từ những biến cố cổ xưa đến cận đại. Có những khi
mùa màng mưa thuận gió hòa thì cũng có những lần mà thiên tai sát hại hàng trăm
nghìn người một lúc. Có những đứa bé sinh ra đời thì lại có những người nằm
xuống, và trong số những người nằm xuống thì cũng có những đứa bé còn bú mẹ, có
những người già nua đau yếu, và cả những người còn trẻ và khoẻ mạnh… Tất cả
những hiện tượng ấy trên bình diện “bên ngoài” hiện ra như có vẻ độc
lập
, được xác định rõ rệt. Thế nhưng nếu ta hiểu rằng một cơn sóng thần giết
hại hơn hai trăm nghìn người phải bắt nguồn từ một cuộc địa chấn. Động đất xảy
ra là phải có các mảng lục địa trôi dạt trên lớp đá nóng bỏng và chảy lỏng nằm bên
trong lớp vỏ của địa cầu, các mảng lục địa va chạm vào nhau, chồm lên nhau, bị
dồn nén, bị “gẫy” để tạo ra động đất. Sở dĩ ta không nhận thấy những
chuyển động đó là vì chúng xảy ra quá chậm trong khi cuộc sống của ta thì lại
quá dồn dập, xảy ra và chấm dứt như một tia chớp. Ngược về quá khứ xa hơn, ta sẽ
thấy rằng những biến cố động đất và sóng thần liên hệ đến địa cầu từ lúc hành
tinh này còn là một khối lửa đang nguội dần, có những mảng lục địa đang hình thành
và đá lỏng vẫn chưa nguội hẳn…

Khi thấy một
đứa bé còn bú, ta có thể hình dung ra một người già yếu và bịnh tật sau này.
Khi thấy xác chết của một người trọng tuổi, ta có thể hình dung ngược lại hình
ảnh
một đứa bé khi còn được bồng trên tay mẹ. Từ những biến động vật chất của
địa cầu cho đến cái chết của một đứa bé còn bú mẹ, hay cái may mắn của một đứa trẻ
được lớn lên để rồi trở thành một cụ già, tất cả đều là những biến động liên
tục
, chằng chịt và liên đới, tạo ra bởi vô số nguyên nhân. Tóm lại nhận dạng
một hình tướng độc lập, tách rời ra khỏi những ràng buộc chằng chịt và những
điều kiện dự phần tác tạo ra nó là một cách nhìn vô minh, tức sai lầm, nông cạn
và ngây thơ.

Nếu tiếp tục ngồi yên và thu hẹp tầm nhìn hơn nữa thì biết đâu bất chợt ta
sẽ trông thấy một con kiến đang bò trên mặt tường trước mặt ta, rồi sau đó thì nó
bò ngược lên trần nhà. Ta sẽ hiểu rằng ta không làm được như nó, không thể bước
thẳng lên bức tường và đi ngược lên trần nhà được bởi vì thân xác của ta quá
nặng và sức hút của địa cầu sẽ làm cho ta rơi xuống. Nếu trước đây ta cảm thấy
mình là một hạt bụi trong vũ trụ thì giờ đây ta lại cảm thấy mình là một sinh
vật khổng lồ, quá kềnh càng so với con kiến, ta có nhu cầu nhiều hơn, tham lam
hơn, quá sức “nặng nề” và không được nhẹ nhàng như con kiến.

Nếu thay thế bảy tỷ người trên
hành tinh này bằng bảy tỉ con kiến thì hành tinh này sẽ trở nên an bình hơn, sẽ
không có chiến tranh, không có số khí giới khổng lồ như hiện nay. Nhu cầu của bảy
tỉ con kiến cũng sẽ vô nghĩa trước sự tham lam vô độ của con người, và số kiến ấy
sẽ không làm cho hành tinh này trở nên ô nhiễm và bị tàn phá như hiện nay, các sinh
vật không còn sợ con người ngược đãi và ăn thịt chúng nữa. Tóm lại nếu ta nhìn
con người là những sáng tạo thông minh nhất, hoàn hảo nhất trong toàn thể
trụ
này, hay ít ra là trên hành tinh này, thì đấy quả là một cái nhìn vô minh. Người
ta có thể cho rằng cách so sánh trên đây mang tính cách tự biện và lạm dụng,
điều ấy rất đúng, thế nhưng đấy không phải là một lối lý luận nhằm chứng minh
một sự thật nào cả mà chỉ là một cách để làm nổi bật sự lệch lạc khi đánh giá về
vị thế của con người trong vũ trụ này cũng như về cái nhìn vô minh của họ đối
với chính họ và bối cảnh chung quanh.

Tuy nhiên con kiến vẫn còn quá
to, vì nếu đưa cánh tay để nhìn gần hơn nữa thì các khoa học gia sẽ cho ta biết
là trong mỗi phân vuông trên da của ta có khoảng 200.000 vi sinh vật sinh sống,
nhờ vào hơi ấm, mồ hôi và lớp da chết đào thải làm thực phẩm. Đối với các vi
sinh vật ấy thì thân xác ta là cả một vũ trụ vô cùng phức tạp. Khi đưa ra các
hình ảnh như trên đây để so sánh thì ta sẽ nhận ra rằng ta vừa là một hạt bụi trong
vũ trụđồng thời lại cũng là một vũ trụ đối con vi sinh vật trên cánh tay ta, cả hai không
có “cái
tôi”, “cái của tôi” hay “cái ngã” nào cả. Nếu nhìn thấy
“cái ngã” của mình và của từng vi sinh vật chia sẻ sự sống chung với
mình và gọi đấy là “tôi”, thì đấy chính là một cái nhìn vô minh.

– Nhìn vào bản chất
đích thật của hiện thực

Bản chất đích thật của hiện thực là: vô thường (anitya/anicca – không kéo dài), khổ đau (duhkha/dukkha –
sự bất toại nguyện) và vô ngã (anatman/anatta
tự-nó-không-hiện-hữu). Vô minh
không nhìn thấy được những đặc tính đó của các vật thể. Vậy một cái nhìn sáng
suốt
không lầm lẫn là thế nào? Kinh sách cho biết cái nhìn ấy phải như thế này:

“Đây là một vật thể, đây là cách thức mà dựa vào đó thì vật thể hiển
hiện
ra, đây là sự chấm dứt của nó, và đây là cách làm cho nó phải chấm dứt.
Nếu nhìn một vật thể xuyên qua quá trình đó thì ta sẽ thấy rằng mọi vật thể tựnó không có một sự hiện hữu thật sự nào cả, không có một sự độc lập nào cả,
mà chúng chỉ là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã”
(tóm lược dựa vào ý nghĩa của
một bản kinh).

Thế nhưng trên thực tế thì chúng ta lại không nhìn thấy bản chất một vật
thể đúng như vậy, và điều này khiến cho ta biểu lộ sự yêu quý nó và thèm khát
được “có nó”, hoặc mong muốn “ghét bỏ nó” để rồi khổ đau
khi bị bắt buộc phải nhận chịu sự hiện diện của nó. Nếu đấy không phải là một
vật thể mà là một thể dạng hình thành nào đó, thì ta lại muốn được “trở
thành như thế” hoặc kinh sợ bị bắt buộc phải “trở thành như thế”.
Tóm lại vô minh làm phát sinh ra sự thèm khát hay bám víu – tức muốn được chiếm
giữ hay ghét bỏ – và ngược lại sự thèm khát hay bám víu ấy lại làm phát sinh ra
vô minh. Đấy là cặp bài trùng kềm kẹp chúng ta trong vòng luân hồi và khổ đau.

Hãy nêu lên một thí dụ cụ thể khác, chẳng hạn như sự bám víu vào cái ngã
hay là năm thứ cấu hợp – ngũ uẩn – tạo ra một cá thể, tức là thân xác (rupa – sắc), giác cảm (vedana – thụ), sự cảm nhận (samjna – tưởng), tác ý (samskara – hành) và tri thức (vijnana – thức). Ngũ uẩn còn được gọi là “năm thứ cấu hợp của sự chiếm hữu”.
Tại sao lại gọi đấy là những thứ “chiếm hữu”? Bởi vì ta luôn luôn tìm
cách
nắm bắt và chiếm giữ cái tổng thể gồm năm thứ cấu hợp luôn luôn biến động
và đổi thay ấy mà gọi đấy là “cái ta” “cái ngã” (attman/atta)
của ta, đấy là “ta”. Từ đó phát sinh ra trong tâm thức của mình cái
ảo giác về một thực thể mang tên là cái “tôi”, và năm thứ
cấu hợp ấy là những cái “của tôi”, thuộc riêng tôi. Sự nhận định sai
lầm
đó gọi là vô minh hay là một sự hiểu biết lầm lẫn. Tóm lại vô minh chính là cách nắm bắt hình ảnh
tạm thời của năm thứ cấu hợp vô thường để tác tạo ra ảo giác của một “cái
tôi” thực sự. Khắc phục được vô minh có nghĩa là không còn tiếp tục nhìn
nhận năm thứ cấu hợp ấy là “cái tôi” nữa.

Chúng ta hãy thử nhìn gần hơn nữa
vào cái tổng thể gồm năm thứ ngũ uẩn ấy bằng cách chọn uẩn thứ nhất – tức hình
tướng
– để quán xét xem sao. Khi phóng nhìn
vào cấu hợp hình tướng của một cá thể thì ta gán ngay một số đặc tính nào đó
cho cái hình tướng ấy, chẳng hạn như to lớn, béo lùn, cao ráo, trắng trẻo, xinh
đẹp
, thơm tho, hôi hám, duyên dáng , thô kệch, thanh tú, khả ái, dữ tợn, hiền
lành
… Thật ra đấy chỉ là những biểu lộ “bên ngoài” của hiện thực, và
là những ảo giác do vô minh diễn đạt. Thế nhưng nếu ta vẫn cứ nhất quyết cho rằng
cái tổng thể ảo giác đang chuyển động ấy là một thực thể vững bền mang một ý
nghĩa
nào đó, thì tức khắc sự thèm khát hay ghét bỏ sẽ phát sinh.

Nếu đến thật gần hơn nữa để nhìn thẳng vào chính cái thân xác tượng trưng
cho các cấu hợp trên đây thì ta sẽ thấy gì? Cái thân xác đó được Kinh Đại Niệm Xứ (Maha-Satipatthana-Sutta,
Trường Bộ Kinh, 22) mô tảgồm có:

“Tóc, lông, móng chân, móng tay,
răng, da;
Thịt, gân, xương, tủy, thận; tim,
gan, màng nhầy, thận, phổi;
Ruột, màng treo ruột, bao tử, phẩn,
óc ;
Mắt, dung dịch tiêu hóa,
mủ, máu, chất dầu, mỡ;
Nước mắt, mồ hôi, nước miếng, nước
nhầy, chất nhờn ở các khớp xương, nước
tiểu;
Cái tổng hợp đó có chín lỗ, từ các
lỗ ấy các chất dơ dáy và kinh tởm chảy ra
không
ngừng, chín lỗ ấy là: hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, miệng, lỗ tiểu tiện và hậu môn”.

Nếu
nhìn vào cấu hợp hình tướng dưới góc cạnh đó thì ta sẽ cảm thấy ít bám víu hơn
vào nó bởi vì cách nhìn ấy có vẻ gần với hiện thực hơn, hoặc nói một cách dễ
hiểu
hơn là tương đối “khách quan” hơn, ít diễn đạt hơn. Tuy nhiên
đấy vẫn chưa phải là hiện thực tuyệt đối.

Chúng
ta
hãy thử trở lại với thí dụ nêu lên trên đây về mối liên quan giữa ta, vũ trụ
và con vi sinh vật sống bám vào lớp da của ta. Ta là cả một vũ trụ đối với nó,
thế nhưng đối với địa cầu thì ta lại chỉ là một hạt bụi, và so sánh với vũ trụ thì
cả địa cầu lại cũng chỉ là một hạt bụi nhỏ bé. Tất cả đều là tương đối. Vì mang
tính cách tương đối nên con vi sinh vật ấy không có cái ngã, ta không có cái
ngã, địa cầu không có cái ngã, mà cả vũ trụ cũng không có cái ngã. Vô ngã
một đặc tính tuyệt đối của hiện thực. Nếu so sánh khái niệm vô ngã và khái niệm
tánh không thì chúng ta sẽ hiểu ngay rằng chính vô ngãtánh không, và tánh
không
có khả năng chứa đựng từ một sinh vật nhỏ bé cho đến cả vũ trụ này.

Sự thực tuyệt đối vượt lên trên mọi khái niệm quy ước, đối nghịch và nhị
nguyên
, vượt lên trên cả “cái xấu” và “cái tốt”, “cái
đúng” và “cái sai”…, có nghĩa đấy là tất cả mọi tạo dựng của
tâm thức. Nếu cái nhìn của ta còn vướng mắc trong sự thực tương đối thì cái
nhìn ấy gọi là cái nhìn vô minh, và cái nhìn ấy tất sẽ mang lại khổ đau. Cái
xấu hay cái tốt đều mang lại khổ đau, cái xấu mang lại các hậu quả tồi tệ, thế
nhưng cái tốt cũng mang lại những khổ đau tương quan với cái tốt. Dầu sao cũng
xin mở một dấu ngoặc ở đây để minh chứng là cách diễn đạt ấy không phải là một
cách khuyến khích không làm điều thiện, mà chỉ muốn nêu lên là sự “thèm
khát” được làm điều tốt cũng là một thứ khổ đau vì chính trong “cái
tốt” cũng hàm chứa những khổ đau thật tinh tế và khó nắm bắt cho tất cả mọi
người
. Ước mơ được làm công an phường để cải thiện ngày hai bữa cho vợ con hay được
làm tổng thống da màu [vàng] quản lý một quốc gia cường thịnh nhất hành tinh này
cũng đều là khổ đau. Làm đại diện cho Thượng Đế mà mỗi khi ra đường lại phải
chui vào cái lồng kính súng bắn không thủng thì cũng không được thoải mái
cho lắm. Ta sinh ra con cái, nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng, để rồi đến khi lớn
khôn thì chúng lại quay ra chế nhạo và khinh thường ta thì làm thế nào mà ta có
thể cảm thấy hạnh phúc được. Sáng tạo thì cũng sẽ phải khổ đau với sự sáng tạo
của mình là như thế.

Chỉ có sự quán thấy bản chất tuyệt đối của hiện thực, tức một cái nhìn
vượt thoát khỏi vô minh mới có thể giúp ta không bám víu vào những biểu hiện ảo
giác
của hiện thực nữa, tức có nghĩa là hiểu được rằng không có bất cứ một thứ
gì hay một vật thể nào đáng để cho ta “có nó” hay “trở thành như
thế”. Sự hiểu biết ấy chính là sự Giải Thoát.

Kinh Aggi-Vacchagotta-Sutta (Majjhima-Nikaya,
72, PTS, 483-489) có ghi lại những lời Đức Phật giải đáp cho câu hỏi của một
người tu khổ hạnh là Vacchagotta liên quan đến hình tướng, tức thân xác của Ngài
như sau:

“Này
Vaccha, không thể hình dung ra hình tướng vật chất của Như LaiNhư Lai đã
rứt bỏ nó đi rồi. Nó bị gạt ra một bên, nhổ bỏ tận rễ, khiến nó giống như một
gốc cây dừa [đã mất rễ] không còn mọc lại được. Này Vaccha, Như Lai không nhìn
và không tự nhận dạng mình xuyên qua cái thể xác bằng hình tướng đó nữa. Chính
vì thế, nên cái thể xác hình tướng đó trở nên sâu thẳm, không thăm dò được,
mênh mông như đại dương”.

Đức Phật dùng cách giải thích tương
tự
như trên đây để tiếp tục giảng cho Vacchagotta về các cấu hợp khác là: giác cảm, sự cảm nhận, tác ýtrí thức (consciousness) của Ngài. Nhằm mục
đích
rút ngắn nên chúng ta hãy cùng xem câu giảng liên quan đến tri thức như sau:

“Này
Vaccha, không thể hình dung ra tri thức của Như Lai. Cái tri thức ấy Như Lai đã
rứt bỏ đi rồi. Nó bị gạt ra một bên, nhổ bỏ tận rễ, khiến nó giống như một gốc
cây dừa [đã mất rễ] không còn mọc lại được. Như Lai không nhìn và không tự nhận
dạng
mình qua cái tri thức đó nữa. Vì thế, nên cái tri thức ấy sâu thẳm, không
thăm dò được, mênh mông như đại dương”.

Đức Phật không nhận dạng mình xuyên qua năm thứ cấu hợp tức là ngũ uẩn
nữa, vì sự lệ thuộcbiến động không ngừng của chúng chỉ có thể tạo ra được ảo
giác
mà thôi. Xem ảo giác là thật, chính là vô minh. Đức Phật không hề xác nhận
mình biến mất hay nhập vào cõi hư vô mà chỉ tự nhận mình là “Như Lai”,
tức có nghĩa là “Như Thế” (Ainsité/Suchness), “không từ đâu đến
cả” và cũng “chẳng đi về đâu cả”, mà chỉ là một “Người đạt
được
cái thể dạng tự nhiên là như thế”.

Gạt bỏ mọi ảo giác là để nhìn thấy bản chất trống không của hiện thực, và
cái bản chất ấy không phải là hư vô. Gạt bỏ mọi ảo giác cũng không phải là xóa
bỏ
hiện thực mà đấy chỉ là một cách “dừng lại” với hiện thực, một sự
đình chỉ (nirodha – cessation) để “hòa mình” với hiện thực. Cái tánh
không
của hiện thực tượng trưng bởi sự đình chỉ thật ra đầy ắp và “thật sâu thẳm, không thăm dò được,
mênh mông như đại dương”
.

Bures-Sur-Yvette, 13.08.06
(đọc và viết lại, 14.12.11)
Hoang Phong


ٰ