Sa môn Pháp Tạng Thuật
I. Làm sáng tỏ (lý) duyên khởi
Vàng không có
tự tánh, nhờ có điều kiện thợ khéo mà có tướng sư tử sinh khởi. Sự sinh khởi ấy
sở dĩ có được là do nhân duyên, cho nên nó là duyên khởi.
II. Biện
minh về sắc không
Tướng sư tử là
hư vọng, chỉ có vàng là thật; sư tử là bất hữu, còn kim thể là bất vô, cho nên
gọi đó là sắc không. Không lại không có tự tính, nhờ sắc mà được thấy rõ, không
bị ngăn ngại bởi cái huyển hữu (của sắc), cho nên gọi là sắc không.
III. Lược
thuật về ba tính
Sư tử có đó vì
(nhận thức) vọng tình của chúng ta, cái đó gọi là biến kế. Sư tử dường như có
đó, cái đó gọi là y tha. Bản chất của vàng là bất biến, đó là viên thành.
IV. Hiễn bày
(lý) vô thường
Toàn thân sư tử
là vàng, ngoài vàng (ấy) không thể tìm ra đươc hình tướng sư tử, cho nên gọi đó
là vô tướng.
V. Nói về lẽ
vô sinh
Khi thấy sư tử
sinh khởi, đó thật ra chỉ là vàng sinh khởi, ngoài vàng không còn vật gì khác.
Sư tử tuy có sinh diệt, bản chất của vàng vốn không thêm bớt, vì vậy cho nên
nói đó là vô sinh.
VI. Luận bàn
về năm giáo
1. Sư tử tuy là
một pháp do nhân duyên sinh khởi, và đi qua sinh diệt trong từng phút giây,
nhưng thật ra không có tướng sư tử có thể nắm bắt. Cái này tương đương với giáo
lý (thiển cận) của thanh văn.
2. Các pháp do
duyên sinh (mà có) ấy đều không có tự tính, triệt để là không, đó là thỉ giáo
đại thừa (giáo lý đại thừa lúc ban đầu).
3. Tuy các pháp
triệt để là không, nhưng điều đó không làm trở ngại cho sự có mặt của các pháp
như huyển. Hai tướng duyên sinh và giả hữu vẫn có thể có mặt song hành với nhau.
Cái đó là chung giáo đại thừa (giáo lý đại thừa lúc chung kết)
4. Hai tướng
(duyên sinh và giả hữu) ấy tương đoạt và tương vong (trừ khử nhau và tiêu diệt
nhau) làm cho cả tình thứcvà ngụy tướng không cái nào còn lại. Cả hai đều mất
hết năng lực, cả không và hữu đều tiêu vong, con đường danh từ và ngôn thuyết
bị cắt đứt, tâm không còn nơi nương tựa và nắm bắt. Đó là đốn giáo đại thừa
(giáo lý đại thừa đốn ngộ)
5. Khi tình
thức không còn và thể tính đã hiển lộ thì tất cả trở thành một khối hỗn độn bất
phân. Đại dụng được trưng bày (với tất cả mọi chi tiết mầu nhiệm của nó) và nơi
nào đại dụng được trưng bày như thế thì cái toàn chân cũng được hiển lộ. Muôn
vàn hiện tượng được trình bày một cách giàu có, các hiện tượng tham dự vào mà
vẫn không đánh mất cá tính của chúng. Cái tất cả cũng là một (cái tất cả nằm
trong cái một), cả hai đều là vô tính. Cái một cũng là cái tất cả (cái một nằm
trong cái tất cả), nhân quả hiển nhiên (rõ ràng). Lực và dụng của cái này và
cái kia thu nhiếp nhau, và sự co duỗi (contraction and expansion) của chúng xảy
ra một cách tự tại. Cái đó gọi là viên giáo của nhất thừa (giáo lý tròn đầy của
Phật thừa)
VII. Nắm
vững được mười huyền
1. Vàng và sư
tử đồng thời thành lập, cả hai đều tròn đầy và không thiếu thốn. Cái này gọi là
đồng thời cụ túc tương ứng môn.
2. Nếu mắt sư
tử thu nhiếp được toàn thân sư tử thì toàn thân sư tử trở thành mắt của sư tử.
Nếu tai sư tử thu nhiếp được toàn thân sư tử thì toàn thân sư tử trở thành tai
của sư tử. Nếu tất cả các căn của sư tử đồng thời thu nhiếp được nhau (toàn
thân của sư tử), thì căn nào cũng có, đầy đủ trong tự thân, và vì vậy cái nào
cũng là chung (tạp) và là riêng (thuần) cùng một lượt và cái nào cũng trở thành
một kho tàng viên mãn. Cái này gọi là chư tạng thuần tạp cụ đức môn.
3. Vàng và sư
tử dung nhiếp nhau và lập thành thế một nhiều vô ngại (nhất đa vô ngại: cái một
và cái nhiều không làm trở ngại nhau). Ở đây lý và sự (bản thể và hiện tượng) được
phân biệt rõ ràng, dù là một hoặc là hai (nhiều) … thì mỗi cái cũng an trú
trong vị trí của chính mình! Đây gọi là nhất đa tương dung bất đồng môn.
4. Các giác
quan của sư tử và mỗi đầu sợi lông sư tử đều do vàng mà thu nhiếp được toàn
thân sư tử cho nên cái gì trong sư tử cũng triệt để thu nhiếp mắt của sư tử.
Mắt là tai, tai là mũi, mũi là lưỡi, lưỡi là thân, mỗi căn đều được lập thành
một cách tự tại không có gì làm chướng ngại. Cái này gọi là chư pháp tương tức
tự tại môn.
5. Khi nhìn sư
tử thì chỉ thấy sư tử mà không thấy vàng, sư tử hiển còn vàng ẩn; khi nhìn vàng
thì chỉ thấy vàng mà không thấy sư tử, nghĩa là vàng hiển còn sư tử ẩn. Nếu
nhìn cả hai một lượt, thì cả hai đều ẩn và hiện đồng thời. Ẩn là bí mật, hiển
là tỏ rõ (hiển trước). Cái này gọi là bí mật ẩn hiển câu thành môn.
6. Vàng và sư
tử, hoặc ẩn hoặc hiển, hoặc một hoặc nhiều, hoặc thuần hoặc tịnh, hoặc hữu lực
hoặc vô lực, hoặc này hoặc kia, thì chủ và bạn chiếu sáng cho nhau, lý (bản thể)
và sự (hiện tượng) đều (đồng thời) biểu hiện, tất cả đều dung nhiếp nhau. Chúng
được an lập mà không làm chướng ngại nhau, cho tới lằn mức vi tế nhất. Cái này
gọi là vi tế tương dung an lập môn.
7. Trong mỗi bộ
phận chi tiết như mắt tai…của sư tử, cho đến mỗi sợi lông của sư tử đều có sư
tử vàng. Sư tử vàng có mặt (đi vào) trong từng sợi lông sư tử, đồng thời mỗi
sợi lông chứa đựng tất cả sư tử. Mỗi sợi lông đều có vô biên sư tử, và vô biên
sư tử đều có mặt trong mỗi sợ lông sư tử. Cứ như thế mà trùng trùng vô tận (lớp
này lớp khác đi về vô tận) như là lưới châu của vua trời Phạm thiên. Cái này
gọi là nhân đà la võng cảnh giới môn.
8. Đề cập tới
sư tử là đề cập tới vô minh, còn đề cập tới thể tính của vàng là đề cập tới
chân tính một cách rõ ràng. Lý và sự đem hợp chung với nhau để bàn luận cũng như
nói về thức a lại gia để giúp làm phát sinh kiến giải chân chính. Cái này gọi
là thác sư hiển pháp sinh giải môn.
9. Sư tử là
pháp hữu vi, sinh diệt trong từng phút giây; trong mỗi sát na có chia thành ba
thời quá khứ và vị lai, và mỗi thời cũng đều chứa đựng quá khứ, hiện tại và vị
lai. Tất cả đều có ba lần ba làm vị trí, do đó lập ra chín thời, chính thời này
gom lại thành một pháp môn (cửa ngõ của Pháp) duy nhất. Tuy chín thời, nhưng
mỗi thời đều có tướng cách biệt. Vì tất cả đều được thành lập một cách dung
thông vô ngại nên tất cả đều có mặt chung trong một niệm (khoảnh khắc thời
gian). Cái này gọi là thập thể cách pháp dị thành môn.
10. Vàng và sư
tử, hoặc ẩn hoặc hiển, hoặc một hoặc nhiều, cả hai đều không có tự tánh, tất cả
đều xoay quanh và chuyển biến theo tâm. Dù nói về sự hay về lý (hiện tượng hay
bản thể) thì cả hai đều (do tâm) mà có sự thành lập và có cái vị trí của mình.
Cái này gọi là duy tâm hồi chuyển thiện thành môn.
VIII. Thành
lập nên sáu tướng
Sư tử là tổng
tướng (tướng tổng quát). Năm giác quan khác nhau là biệt tướng. Đều do một
duyên mà sinh khởi là đồng tướng. Các giác quan như mắt, mũi, v. v. ..không xâm
lẫn (lạm) nhau, là dị tướng. Các năm giác quan tới với nhau, làm nên tướng sư
tử, gọi là thành tướng. Mỗi căn vẫn ở vị trí mình, gọi là hoại tướng.
IX. Thành
tựu quả bồ đề
Bồ đề, tiếng
Hán là đạo hay giác. Khi thấy sư tử là thất tất cả các pháp hữu vi, dù cho chưa
đến lúc tàn hoại các pháp ấy vẫn nguyên là tịch diệt. Do không vướng vào nắm bắt
hay ruồng bỏ, do nương vào lối ấy chảy vào được biển tát bà nhã, đó gọi là đạo
(tát bà nhã: sarvajnàna, nhất thiết trí). Ta thấy được rằng từ vô thỉ đến nay, tất
cả các nhận thức điên đảo đều nguyên không có thật thể, gọi là giác. Cái hữu
cánh đầy đủ mọi thứ trí tuệ ấy được gọi là bồ đề.
X. Thể nhập
được niết bàn
Khi nhìn mà
thất được cả hai tướng sư tử lẫn vàng đều không còn nữa thì phiền não không còn
sinh khởi. Dù cái đẹp hay cái xấu đang được trình bày trước mắt thì tâm mình cũng
đã an như biển (lớn). Các vọng tưởng đã hết thì không còn gì bức bách được ta
nữa. Ta ra khỏi được trần lụy và chướng ngại, vĩnh viễn bỏ lại nguồn gốc của khổ
đau, đó gọi là thể nhập được niết bàn.