KHÔNG CẤT GIỮ TIỀN BẠC CHÂU BÁU
Không cất giữ tiền bạc, vàng ngọc, châu báu là một ĐỨC LY THAM. Người xuất gia cũng như người tại gia cần phải học hiểu và sống cho đúng giới luật đức hạnh này để không còn bị nô lệ cho tiền bạc. Tại sao trong đạo Phật lại có giới luật không cất giữ tiền bạc mà các tôn giáo khác lại không có? Đạo Phật là đạo ly dục, vì thế nên mới có giới không cất giữ tiền bạc của báu, còn các tôn giáo khác thì không có ly dục. Không cất giữ tiền bạc của báu là một giới đức Thánh hạnh ly tham của bậc xuất gia. Người còn cất giữ tiền bạc là người còn tâm tham, dù người đó được tấn phong Hoà Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni và dù được mọi người kính nể, tôn trọng, nhưng những tu sĩ ấy vẫn còn tâm tham cũng giống như tất cả những người phàm phu khác. Người muốn xa lìa tâm tham, sân, si thì không nên cất giữ tiền bạc, vì cất giữ tiền bạc mà muốn ly tâm tham, sân, si thì không bao giờ ly được, đó là một điều xác quyết nhất định trong đạo Phật là như vậy. Còn cất giữ tiền bạc mà tu theo đạo Phật thì uổng công, dù có tu hành ngàn kiếp cũng khó tìm được sự giải thoát. Tham tiền ở đây quý vị đừng nghĩ là tham lam trộm cắp, mà tham ở đây có nghĩa là ham tiền, ham bạc, ham danh, ham lợi tức chữ ham là ưa thích. Ưa thích tiền, ưa thích danh, ưa thích lợi… Tâm còn ưa thích tiền, danh, lợi… là ưa thích ngã. Cho nên người ta thường nói vô ngã, nhưng còn cất giữ tiền bạc là còn nuôi ngã, còn phục vụ cho ngã, là tôi tớ cho ngã, chứ không phải là vô ngã. Giới không cất giữ tiền bạc là đức hạnh ly tham diệt ngã, nếu ai giữ trọn giới này thì tâm tham bị diệt và ngã kia sẽ bị triệt tiêu. Vì sự nghiệp giải thoát chúng ta phải giữ gìn nghiêm chỉnh giới không cất giữ tiền bạc. Chỉ trong đạo Phật mới có giới đức ly tham này để diệt ngã xả tâm, còn tất cả các tôn giáo khác đều không có giới này như trên đã nói. Ngày xưa từ chỗ giàu sang vua chúa, để đi đến chỗ nghèo cùng chỉ còn đi xin ăn, không còn cất giữ một đồng xu trong túi, đức Phật đã phải trăn trở vì bản ngã của mình. Cuối cùng Ngài quyết tâm thực hiện một đời sống vô ngã và chứng đạo. Nếu chúng ta không noi theo gương Người mà còn có một đồng xu dính túi thì chưa chắc chúng ta đã diệt được ngã, xả được tâm. Và tu như vậy thì chẳng bao giờ làm chủ sanh tử và chấm dứt luân hồi. Giới đức không cất giữ tiền bạc sẽ giúp chúng ta diệt được ngã, xả được tâm một cách dễ dàng. Trong thời đại chúng ta chỉ có những tu sĩ khất sĩ mới làm được những Thánh hạnh này, nhưng số này cũng rất là hiếm. Không cất giữ tiền bạc, châu báu, ngọc ngà có nhiều điều lợi ích rất lớn cho sự tu hành của chúng ta: 1- Tâm hồn vô sự, thanh thản và an lạc, không sợ trộm cướp, thân tâm không cực nhọc lo xây cất chùa cao cửa rộng sang đẹp. Ngược lại các nhà Đại thừa vì cất giữ tiền bạc nên tâm không vô sự, không thanh thản và an lạc, nên thường sinh ra nhiều công việc như: xây cất chùa to Phật lớn, tạo cảnh quan đẹp mắt, để quyến rũ du khách tham quan, khiến nơi tu hành không còn thanh tịnh mà trở thành khu du lịch kinh doanh làm giàu. 2- Có tiền tâm dục dễ sanh, nhất là ngũ dục lạc: sắc, danh, lợi, thực, thùy. Năm điều này tâm dễ bị cám dỗ và sa ngã. Bằng chứng chúng ta đã tận mắt thấy quý Thầy không có một vị nào không rơi vào năm điều trên. 3- Có tiền bị đồng tiền sai khiến, mua sắm cái này, cái khác. Ví dụ: ăn uống thì phải ăn ngon, cao lương mỹ vị; nhà ở thì phải phòng ốc sang đẹp; giường nằm thì phải rộng lớn, mền êm, nệm ấm; di chuyển thì xe cộ đủ loại; trang trí trong nhà thì đồ đạc đủ mọi thứ: nào là tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa, v.v.. 4- Y áo không còn ba y một bát, mà cả rương, cả tủ. Y áo không còn là y phấn tảo mà toàn là bằng những vải đẹp, bóng tốt hàng nhập, v.v.. Người đời làm nô lệ cho tiền bạc mà không biết, tiền bạc sai khiến họ như tên nô lệ, như tôi tớ trong nhà, còn tệ hơn nữa như con bò, con trâu, con ngựa, v.v.. bị gác ách, gác xe trên vai, trên cổ. Khi bị tiền bạc sai khiến thì tâm dục triển khai. Tâm dục triển khai thì khổ đau chồng chất. Người không cất giữ tiền bạc thì tâm dục dù có muốn cái gì cũng không thực hiện được. Ví dụ: một người nghèo không có tiền bạc nên dù họ có muốn nhà cao cửa rộng sang đẹp, ruộng đất nhiều, xe cộ, v.v.. cũng chẳng mua sắm được, nhưng họ vẫn nuôi hy vọng muốn có nên tâm dục còn mãi không dứt. Ngược lại, người tu sĩ Phật giáo vì muốn ra khỏi nhà sanh tử nên họ tự nguyện không cất giữ tiền bạc, để khi tâm dục khởi muốn cái gì thì họ mới có thể đủ sức ngăn và diệt tâm dục đó, còn nếu cất giữ tiền bạc thì rất khó hàng phục tâm dục được. Tại sao vậy? Tại vì tâm chúng ta rất khôn khéo và gian xảo, lừa đảo chính chúng ta, nó chạy theo tâm dục mà bảo rằng: “Ta làm Phật sự, vì chúng sanh, vì Phật giáo”, do lý luận như vậy nên lấy tiền xây chùa to Phật lớn để thỏa mãn tâm, chạy theo danh lợi thế gian, chứ không phải để nhiếp phục mọi người theo Phật giáo, làm cho Phật giáo hưng thịnh. Nhưng với lý luận làm Phật sự, độ chúng sanh để che đậy tâm danh lợi của nó và nó còn lý luận rằng: “Ta có làm gì cho cá nhân ta đâu mà gọi rằng ta chạy theo dục danh lợi?”. Do lý luận này mà các tu sĩ học giả đều bị phạm giới, phá giới cất giữ tiền bạc; do lý luận này mà các tu sĩ học giả tu hành chẳng bao giờ tâm ly dục ly ác pháp và mãi mãi muôn đời tu hành chẳng làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Uổng thay một đời tu hành không sáng suốt, đã bị tâm mình lừa đảo mình, chạy theo dục mà không biết, chạy theo danh lợi mà không hay. Thật đáng thương vậy. Giới đức Thánh Tăng không cất giữ tiền bạc đã xác định cho quý vị Hòa Thượng biết rằng: họ đã đánh mất Thánh hạnh của chính họ, khiến cho họ không còn xứng đáng là Thánh đệ tử của Phật nữa, họ đã biến mình thành người phá hoại Phật giáo mà không biết (Giới luật còn là Phật giáo còn, giới luật mất là Phật giáo mất), họ đã biến mình thành Ma Ba Tuần trong Phật giáo mà không hay. Thật đáng thương vậy! Thưa quý vị! Mục đích bỏ cuộc đời đi tu là để tìm sự giải thoát ra khỏi nhà sanh tử luân hồi và cũng để trở thành những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni xứng đáng là đệ tử của Phật. Cớ sao quý vị lại cất giữ tiền bạc để phạm giới Thánh đức như vậy, làm ô nhục cho Phật giáo như vậy, quý vị có xấu hổ hay không? Có tự thấy đau lòng hay không? Không cất giữ tiền bạc, nên gọi người đó sống Thánh hạnh ly dục. Sống Thánh hạnh ly dục là sống đời phạm hạnh của một bậc Thánh Tăng, Thánh Ni. Do sống Thánh hạnh không cất giữ tiền bạc khiến cho thân tâm ly khai dục nhiễm của mùi tục lụy thế gian. Không cất giữ tiền bạc là một phương cách giúp cho thân tâm của các bạn không thực hiện được sự ham muốn, vì không có tiền nên không làm theo ham muốn được. Đó cũng là cách ly dục ly ác pháp tuyệt vời. Người có tâm quyết tìm cầu sự giải thoát thì sự không cất giữ tiền bạc rất là hữu hiệu cho sự giải thoát. Bởi vì chúng ta ai cũng đều biết giới cấm không cất giữ tiền bạc là giúp cho chúng ta ly dục ly ác pháp dễ dàng, có tiền thì tâm dục dễ sanh và rất khó thắng nó, vì có tiền nó đòi hỏi mua đủ thứ. Chúng ta nhìn thấy các nhà sư, thầy vì cất giữ tiền bạc mà phạm giới luật này nên đời sống của họ như những người giàu có. Và cuối cùng những vị sư thầy này tu hành không giải thoát mà còn bị nô lệ cho tiền bạc, vật chất, danh và lợi thế gian. Chúng tôi đứng trên mười giới đức Thánh Sa Di này mà nói ra, xin các bạn chỉ cần lưu ý là thấy rõ các nhà tu Đại thừa, tuy có 10 giới của Sa Di, mà các vị HT, TT, ĐĐ, Tăng, Ni chưa chắc họ đã giữ được trọn vẹn, hay nói cách khác dù chỉ là một, hai giới trong 10 giới cũng chưa chắc họ đã giữ được. Nhìn thấy lối sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới của họ mà chúng tôi thật sự đau lòng cho Phật giáo ngày nay. Phải không quý vị !? Quý thầy theo kinh sách phát triển Đại thừa đã biến Phật giáo thành một cái nghề mê tín, để dễ lừa đảo người khác. Giới luật cấm tu sĩ còn đó: “Một tu sĩ không nên cất giữ tiền bạc”, thế mà họ có hàng tỷ tỷ bạc trong ngân hàng. Thật là hết chỗ nói, trên đời này, không ai giàu có hơn các thầy tu theo kinh sách phát triển. Đạo Phật dạy: “xả phú cầu bần”. Còn bây giờ các thầy phát triển dạy: “xả bần cầu phú” để cho phù hợp với thời đại. Nhìn qua 10 giới cấm này, ta nhận xét tu sĩ thời nay không còn mục đích tu giải thoát, chỉ còn tu danh tức là ăn học có cấp bằng cao, tu lợi tức là phải có tiền nhiều, có Phật tử đông. Người tu sĩ còn cất giữ tiền bạc là không đúng người tu sĩ của Phật giáo. Giới Đức Thánh Hạnh ly tham này đã xác định rõ ràng. Nếu một tu sĩ còn vi phạm 10 giới này thì đương nhiên con đường tu giải thoát đã không còn nữa. Tóm lại, muốn tu giải thoát ra khỏi tam độc tham, sân, si thì phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh mà giới không cất giữ tiền bạc là một giới luật quan trọng nhất trong việc tu hành ly dục ly ác pháp, có giữ gìn và tu tập như vậy thì mới mong có ngày làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Giới luật Phật tuy khó giữ, nhưng với những người có chí lớn, có quyết tâm thì khó cũng thành dễ, họ sẽ cũng vượt qua và làm nên sự nghiệp vĩ đại của Phật giáo. Giới Đức Thánh hạnh ly tham rất cần thiết cho những ai tha thiết tìm đường giải khổ, nếu ai giữ gìn nghiêm túc thì người ấy sẽ ly tham đoạn ác pháp, con đường cứu cánh sẽ viên thành mỹ mãn. |