Gần gũi vua quan là phi pháp

0
41

GẦN GŨI VUA QUAN LÀ PHI PHÁP
Quảng Tánh

duc phatduc phat

Vua Tần-bà-sa-la thỉnh Phật vào thành Vương-xá

Không phải ngẫu nhiênĐức Phật xem việc gần gũi vua quan là nạn, và mạnh mẽ cảnh tỉnh chúng Tăng: “Gần gũi bậc vua chúa vương gia có mười việc phi pháp”. 

Phi pháp ở đây là không phù hợp với Chánh pháp, không giúp ích cho việc thành tựu mục tiêu phạm hạnhgiải thoát của hàng xuất gia.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Gần gũi bậc vua chúa vương gia có mười việc phi pháp. Thế nào là mười? Khi nước ấy khởi tâm mưu hại muốn giết vua, do âm mưu ấy nên nhà vua mạng chung. Dân chúng nước ấy bèn khởi nghĩ rằng: ‘Các Sa-môn đạo sĩ này thường lui tới, đây ắt là do Sa-môn gây nên’. Đây là điều phi pháp thứ nhất của nạn gần gũi quốc vương.

Lại nữa khi quan đại thần phản nghịch bị vua bắt và làm hại; khi ấy, nhân dân bèn khởi nghĩ rằng: ‘Sa-môn đạo sĩ này thường lui tới, đây chắc là Sa-môn làm ra’. Đây là điều phi pháp thứ hai của nạn gần gũi quốc vương.

Lại nữa, khi tài bảo trong nước bị mất, người giữ kho liền khởi ý nghĩ này: ‘Các báu vật này ta thường giữ gìn, không ai khác vào đây, chắc là Sa-môn lấy đi’. Đây là điều phi pháp thứ ba của nạn gần gũi quốc vương.

Lại nữa, khi con gái nhà vua đang lúc tuổi trẻ, chưa chồng mà mang thai; khi ấy, nhân dân bèn khởi nghĩ rằng: ‘Trong đây không ai lui tới, chắc là do Sa-môn gây ra’. Đây là điều phi pháp thứ tư của nạn gần gũi quốc vương.

Lại nữa, khi vua bị bệnh nặng, trúng thuốc độc của người khác; khi ấy, nhân dân bèn nghĩ rằng: ‘Trong đây không có ai khác, chắc là do Sa-môn gây nên’. Đây là điều phi pháp thứ năm của nạn gần gũi quốc vương.

Lại nữa, vua chúa, đại thần cùng tranh đấu nhau, giết hại nhau; khi ấy, nhân dân bèn nghĩ rằng: ‘Các đại thần này vốn hòa hợp nhau, nay lại chống trái nhau, điều này không do ai khác gây nên, chắc là do Sa-môn đạo sĩ’. Đây là điều phi pháp thứ sáu của nạn gần gũi quốc vương.

Lại nữa, hai quốc gia cùng đánh nhau tranh phần thắng; khi ấy nhân dân bèn khởi nghĩ: ‘Sa-môn đạo sĩ này thường lui tới trong đó, ắt là Sa-môn ấy gây chuyện’. Đây là điều phi pháp thứ bảy của nạn gần gũi quốc vương.

Lại nữa, quốc vương vốn ưa thích bố thí tài vật cho dân chúng, sau lại bỏn sẻn không chịu ban phát; khi ấy, nhân dân đều khởi nghĩ rằng: ‘Vua của chúng ta vốn thích bố thí, nay lại bỏn sẻn tham lam không có tâm bố thí, đây ắt là Sa-môn gây nên’. Đây là điều phi pháp thứ tám của nạn gần gũi quốc vương.

Lại nữa, vua thường dùng Chánh pháp để thâu tài vật của dân chúng, sau lại phi pháp lấy tài bảo của dân; khi ấy, nhân dân đều khởi nghĩ rằng: ‘Vua của chúng ta vốn dùng Chánh pháp để lấy tài vật nhân dân, nay lại dùng phi pháp để lấy tài vật. Đây chắc do Sa-môn gây nên’. Đây là điều phi pháp thứ chín của nạn gần gũi quốc vương.

Lại nữa, nhân dân khắp nước bị bệnh bởi do duyên đời trước; khi ấy, nhân dân đều khởi nghĩ rằng: ‘Lúc trước chúng ta không có bệnh, nay mọi người đều bị bệnh, người chết đầy đường, chắc là do chú thuật của Sa-môn gây nên’. Đây là điều phi pháp thứ mười, của nạn gần gũi quốc vương.

Này Tỳ-kheo! Đó là mười điều phi pháp, tai nạn của sự gần gũi quốc vương. Cho nên các Tỳ-kheo chớ sanh tâm gần gũi vua chúa. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm 46. Kết cấm, 
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.283)

Rõ ràng, thế giới của vua quan đầy quyền lực, lợi danh nên cũng ngập tràn tranh đấu, thị phi, phiền não. Được thân gần vua quan đối với người thế gianphúc phần nhưng với người xuất gia chân chính, tìm cầu thanh tịnhgiải thoát, dĩ nhiên phải lánh xa chốn bụi hồng. Đoạn kinh trên, Thế Tôn đã nói rõ về “mười điều phi pháp, tai nạn của sự gần gũi quốc vương” đồng thời khuyến cáo “Tỳ-kheo chớ sanh tâm gần gũi vua chúa”.

Ở một phương diện khác, lịch sử cho thấy công cuộc hoằng dương Phật pháp từ thời Thế Tôn cho đến nay, đại thể cũng rất cần sự hộ trì của vua quan, ủng hộ của chính quyền. Thế nên, những lời dạy này, thiết nghĩ cũng là điều đáng suy gẫm cho người xuất gia ứng dụng và hành xử trong tương tác giữa đạo và đời, giữa Tăng và quan chức, giữa Giáo hội và chính quyền, không chỉ hiện nay mà ở mọi thời. 

Quảng Tánh