DỊ TÔNG LUẬN
(Dị bộ tông luân luận: lược thuật học thuyết của các bộ phái tiểu thừa)
HT. Thích Trí Quang dịch
Ghi Sau Khi Duyệt Dị Tông Luận
Trước khi đưa ra mấy kết luận và mấy nghi vấn, tôi trích dịch mấy đoạn tài liệu sau đây.
1. Thiện kiến luật (1) nói, và xin lược dịch như sau: …Tại Câu thi na, giữa Sa la song thọ, sáng sớm ngày rằm tháng 2 (2) , đức Thế tôn nhập vô dư niết bàn. Sau đó 7 ngày, tôn giả Đại ca diếp từ nước Diệp ba (3) , cùng với 500 vị tỷ kheo, đi đến Câu thi na để vấn an đức Thế tôn. Trên đường đi, gặp 1 đạo sĩ, tôn giả hỏi, ông thấy Thầy tôi không? Đạo sĩ thưa, đức Cù đàm mệnh chung đã 7 ngày rồi. Ngài niết bàn, người trời đều hiến cúng. Tôi ở đó, lấy được cành thiên hoa Mạn đà này đây. Tôn giả Đại ca diếp và các vị đại tỷ kheo nghe nói Phật niết bàn thì khóc ngất đi. Nhưng có 1 tỷ kheo tên Tu bạt đà ra ma ha ra (4) nói, thôi, khóc làm gì. Đức Thế tôn tại thế, thường dạy điều này trong sạch, điều này dơ bẩn, điều này phải làm, điều này không được làm. Nay thì hợp ý chúng ta lắm, muốn làm gì thì làm, muốn không làm thì thôi. Tôn giả Đại ca diếp lặng người, không quên được lời ấy, tự nghĩ, việc xấu chưa nổi lên, ta phải kiết tập pháp tạng. Pháp tồn tại thì lợi ích chúng sinh. Tôn giả lại nghĩ, khi Phật còn, Ngài đã nói với tôn giả A nan, ta niết bàn rồi thì pháp và giới ta dạy chính là đức thầy cao cả của các vị. Vì vậy, ta phải kiết tập pháp và giới ấy… Tôn giả liền chiêu tập chư vị tỷ kheo, nói, một hôm trước đây, tôi nghe Tu bạt đà ra ma ha ra nói, đức Thế tôn tại thế thì hay dạy điều này trong sạch, điều này dơ bẩn, điều này phải làm, điều này không được làm. Nay thì hợp ý chúng ta lắm, muốn làm gì thì làm, muốn không làm thì thôi. Kính bạch chư trưởng lão, chúng ta phải kiết tập pháp tạng và giới tạng. Chư vị tỷ kheo bạch tôn giả Đại ca diếp, xin ngài phải chọn lựa các vị tỷ kheo… Tỷ kheo diệt tận ái dục thì có 500 mà thiếu 1 vị. Vị đó là trưởng lão A nan. Thiếu ngài thì không thể tụng lại pháp tạng. Nhưng ngài ở địa vị đang còn tu học. Tôn giả Đại ca diếp muốn khỏi bị chê trách, nên không chọn ngài A nan… Chư vị tỷ kheo nói, ngài A nan tuy đang còn tu học, nhưng là người đích thân từ Phật tiếp nhận tu đa la, kỳ dạ (5) . Nên mời ngài cho đủ số 500, đó là ý kiến của các thánh tăng.
Chư đại đức tỷ kheo nghĩ nên kiết tập pháp tạng ở đâu? Chỉ thành Vương xá đủ mọi điều kiện, chúng ta nên đến đó an cư 3 tháng mà kiết tập luật tạng (và pháp tạng). Đừng để những vị tỷ kheo khác cùng đến an cư ở đó. Tại sao, vì e ngại những vị tỷ kheo ấy không phục tùng nên phải loại ra. Thế rồi tôn giả Đại ca diếp bạch nhị kiết ma về việc này.
Vậy là từ ngày Phật niết bàn, 7 ngày sau đại hội (6) , 7 ngày sau nữa cúng dường xá lợi (7) . Qua nửa tháng rồi, thấy đã gần ngày an cư, tôn giả Đại ca diếp nói, thưa chư vị trưởng lão, đã đến lúc chúng ta phải đi đến thành Vương xá. Tôn giả Đại ca diếp đem 250 vị tỷ kheo đi một đường khác, tôn giả A nâu lâu đà (8) đem 250 vị tỷ kheo đi một đường khác. Còn tôn giả A nan thì cầm y bát (9) của đức Như lai, với các vị tỷ kheo vây quanh, đi qua nước Xá vệ, đến chỗ ở cũ của đức Như lai. Dân chúng Vương xá thấy tôn giả A nan thì buồn khóc, hỏi đức Như lai ở đâu mà tôn giả đến đây một mình? Họ gào khóc khi nghe tôn giả nói đức Như lai mới niết bàn. Tôn giả đem đạo lý vô thường khuyên giải. Rồi đi vào Kỳ viên, mở phòng của Phật, đem giường ghế của Ngài ra ngoài mà lau chùi, lại vào phòng quét rưới… Xong rồi, đem giường ghế vào lại, đặt để như cũ. Tôn giả phụng sự y như lúc Phật đang còn.
Rồi tôn giả đến Vương xá. Các tôn giả Đại ca diếp và A nâu lâu đà cùng chư vị tỷ kheo cũng đã đến đó. Tôn giả Đại ca diếp đến chỗ A xà thế vương, nói chư tăng nay phải kiết tập pháp tạng và giới tạng. Vương thưa, tốt quá, xin cầu cho ý nguyện của chư vị được thành đạt… Tôi xin nghe theo mọi sự sai bảo của chư vị. Chư vị tôn giả xin trước hết thiết lập giảng đường. Vương hỏi nên thiết lập ở đâu, chư vị thưa nên thiết lập cạnh thiền thất núi Để bàn (10) . Vương thưa tốt lắm. Rồi với uy lực của vương, giảng đường được hoàn thành tráng lệ trong thì gian rất ngắn. Giường chiếu chăn màn đủ cả 500, và tất cả đặt xoay về hướng bắc. Lại đặt 1 pháp tòa cao, xoay về hướng đông. Chư vị tỷ kheo nói với tôn giả A nan, ngày mai kiết tập giới tạng, tôn giả chỉ là Tu đà hoàn thì làm sao vào dự được. Vậy tôn giả phải cố gắng… Tôn giả A nan liền từ đầu đêm quán thân (11) , quá giữa đêm vẫn chưa chứng gì. Tôn giả nghĩ, ngày trước đức Thế tôn có nói, ông đã tu công đức, nếu nhập định thì mau thành La hán. Phật dạy phải đúng. Tâm ta tinh tiến thái quá. Ta phải trung dung. Tôn giả từ chỗ kinh hành (12) bước xuống rửa chân, rồi vào phòng ngồi trên giường, muốn nghỉ một chút nên nghiêng mình muốn nằm. Nhưng chân đã rời đất mà đầu chưa chấm gối, giây phút đó liền được đạo quả La hán… Tôn giả Đại ca diếp đến ngày 2 tháng giữa (17 tháng 6) (13) , ăn ngọ rồi thu xếp y bát, tập hợp tại pháp đường (14) . Tôn giả A nan không cùng vào. Để chư vị vào hết rồi, tôn giả vận dụng thần thông, dũng xuất ngay nơi chỗ đã được để cho.
Chư vị thánh chúng ngồi rồi, tôn giả Đại ca diếp hỏi, chư vị trưởng lão, nên kiết tập pháp tạng trước hay giới tạng trước? Chư vị thánh chúng nói, giới tạng là mạng sống của Phật pháp, giới tạng còn thì Phật pháp còn, vậy nên kiết tập giới tạng trước. Vì thế, tôn giả Đại ca diếp tác bạch kiết ma, cử tôn giả Ưu ba ly tụng lại giới tạng… Sau đó lại tác bạch kiết ma, cử tôn giả A nan tụng lại pháp tạng… (Chính 24/673 — 675).
2. Tam luận huyền nghĩa (15) nói, và xin lược dịch như sau: …Như lai nhập diệt ngày rằm tháng 2, chư thánh đệ tử ngày rằm tháng 4 (16) ở trong núi Kỳ xà quật của thành Vương xá, kiết tập 3 tạng. Ngay lúc bấy giờ đã có tên của 2 bộ. Một là Thượng tọa bộ, do ngài Đại ca diếp làm thượng tọa. Ngài này hơn ngài Trần như 1 hạ, lại được Phật đem chánh pháp phó thác, nên gọi là Thượng tọa bộ. Ngài Đại ca diếp lãnh đạo chỉ có 500 vị, luận Trí độ nói 1.000 vị. Hai là Đại chúng bộ, là đại chúng ở ngoài cương giới kiết ma, có cả 10.000 vị, do La hán Ba sư ba (16B) làm chủ tọa. Tên ngài này có nghĩa là Rơi nước mắt, vì ngài thương chúng sinh đau khổ mà rơi nước mắt luôn. Ngài là 1 trong 5 vị tỷ kheo (đầu tiên), tuổi cao hơn cả ngài Đại ca diếp, giáo thọ cho đại chúng ở ngoài cương giới kiết ma. Do vậy mà có 2 chúng. Chúng của ngài Đại ca diếp có 500 La hán, vào trước trong cương giới kiết ma để kiết tập 3 tạng. Sau đó nhiều vị cũng đến để kiết tập 3 tạng, nhưng ngài Đại ca diếp không cho ai vào cả. Vì 2 lý do: 1, 500 vị toàn là người thông minh, 2, đã cử hành kiết ma rồi… Thế rồi 116 năm sau, có người con của một thuyền trưởng tên là Đại thiên, oai nghiêm, thông minh, gia nhập Phật pháp, làm 2 việc. Một, đem các kinh đại thừa xếp vào trong 3 tạng mà giảng giải. Khi chư vị La hán kiết tập pháp tạng đã lựa bỏ các kinh ấy. Đại chúng bộ thì dùng các kinh đại thừa, còn Thượng tọa bộ thì không dùng. Do vậy mà nổi lên tranh biện, thành ra 2 bộ (căn bản). Hai, ngài Đại thiên tự soạn 1 bài chỉnh cú :”Kẻ khác dẫn dụ, còn sự không biết, còn điều hoài nghi, nhờ người giúp vào, và chính thánh đạo, cũng có nhờ tiếng: như thế gọi là, Phật giáo chân thật” (17) . Rồi đem bài chỉnh cú này đặt sau phần tụng giới, bố tát tụng giới rồi tụng bài chỉnh cú ấy… Về sau, ngài Đại thiên đến nước Ương quật đa la, 1 quốc gia ở phía bắc thành Vương xá, vẫn đem các kinh đại thừa như Hoa nghiêm, Bát nhã, xếp vào 3 tạng mà giảng thuyết. Bấy giờ có người tin, có người không tin. Ai không tin thì nói chỉ 3 tạng do ngài A nan cùng 2 ngài nữa tụng lại mới đáng tin, ngoài 3 tạng ấy, các kinh đại thừa đều không đáng tin. Ai tin kinh đại thừa thì vì 3 lý do : một, lúc bấy giờ vẫn còn có những người đã đích thân nghe Phật thuyết các kinh đại thừa ấy, hai, tự nghĩ theo lẽ thì phải có các kinh đại thừa, ba, tin vào lời thầy nói… (Chính 45/8).
3. Phân biệt công đức luận (18) nói, có 2 đoạn xin lược dịch như sau.
Đoạn 1 : … Ba tạng là khế kinh, tỳ ni, a tì đàm… Còn Tạp tạng thì không phải 1 người nói, mà hoặc Phật nói, hoặc đệ tử Phật nói, hoặc chư thiên tán dương, hoặc nói đời trước trong 3 vô số kiếp của Bồ tát, văn nghĩa không phải nhất loại, và nhiều hơn cả 3 tạng, nên gọi là Tạp tạng. Lại nữa, khi Phật còn ở đời, (đại loại như) A xà thế vương hỏi Ngài về việc làm của Bồ tát, Ngài dạy cho đủ cả… Các kinh phương đẳng (đại thừa) toàn ở trong Bồ tát tạng. Tạng này, lúc Phật còn, Ngài đã mệnh danh là Đại sĩ tạng. Tôn giả A nan tụng ra là 4 tạng hiện nay. Hợp (với Bồ tát tạng nữa) mà nói là 5 tạng… Chỉ có ngài Đại thiên là bậc đại sĩ, kỳ dư toàn là người tiểu căn. Do vậy mà đại thừa khó có ai đương nổi, phần nhiều xu hướng thanh văn. (Chính 25/32).
Đoạn 2: …Tăng nhất a hàm vốn có 100 sự, ngài A nan truyền cho ngài Ưu đa la. Mười hai năm sau ngày được tụng ra (trong đại hội 1 của kiết tập 1) thì ngài A nan nhập diệt. Bấy giờ chư tỷ kheo chỉ thích tu thiền định, không ưa học thuộc lòng, sau đó ngài Ưu đa la cũng nhập diệt, do vậy mà kinh này mất 90 sự. Thầy trò truyền cho nhau là khẩu truyền, không cho chép ra văn bản, nên bấy giờ khẩu truyền chỉ còn 11 sự; riêng của Thuyết hữu bộ không có tự văn và sự 11. Đệ tử ngài Ưu đa la là ngài Thiện giác, do thầy khẩu truyền mà học thuộc lòng kinh này, được 11 sự thì ngài Ưu đa la nhập diệt. Nay 3 tạng hiện hành toàn là của ngài Thiện giác khẩu truyền (Chính 25/34). Để phụ với đoạn này, tôi xin trích 1 đoạn sau đây, của Phú pháp tạng nhân duyên truyện: Ngài Thương na hòa tu (đệ tử của ngài A nan) nói với đệ tử của mình là ngài Ưu ba cúc đa (thầy của A dục vương): 77.000 (bài tụng) về bản sinh, 10.000 (bài tụng) về luận tạng, 80.000 (bài tụng) về luật tạng, các pháp như vậy ta nhập diệt thì cũng diệt theo ta (Chính 50/304).
Trên đây, tài liệu 1 và 2, chứng tỏ vì phong cách triệu tập kiết tập 1 của ngài Ca diếp mà làm cho kiết tập 1 có 2 đại hội (19) . Rồi 2 đại hội ấy tụng lại Phật thuyết mà đối với đại thừa thì bên bỏ bên lấy. Còn tài liệu 3 chứng tỏ Pg không phải chỉ có 3 tạng độc quyền của Thượng tọa bộ (hay đại hội 1 của kiết tập 1), mà còn có Tạp tạng (chuyên nói về bản sanh) và Đại sĩ tạng của Đại chúng bộ (hay đại hội 2 của kiết tập 1). Lại chứng tỏ Pg bị thất lạc rất nhiều, chứ không phải chỉ có như các Tạng hiện nay, nhất là tạng Paly.
*
Tiếp theo mấy tài liệu trên đây, nay xin nói về mấy vấn đề.
Một là vấn đề Đại hội 2 của kiết tập 1, tức Đại chúng bộ. Chỉ cần nghe ngài Thế hữu kể lại những mục của tư tưởng bộ này trong luận Dị tông này, cũng đủ thấy Đại hội 2 quyết định phải có tụng lại Bản sinh tạng và Đại sĩ tạng, nghĩa là tụng lại đại thừa ẫ tức đại thừa cũng là Phật thuyết. Ấy là chưa nói không hẳn Đại hội 1 của kiết tập 1 hoàn toàn không tụng lại đại thừa. Thế giới Pg thông sử, tập thượng, trang 135, đã kể ra danh mục và tư tưởng của đại thừa trong các bộ A hàm. Ngần ấy cũng đủ thấy Đại hội 2 của kiết tập 1 là 1 vấn đề, mà là 1 vấn đề còn trọng đại hơn cả Đại hội 1 của kiết tập 1.
Ở đây cũng nên nói về văn bản 3 tạng và các tác phẩm của Đại chúng bộ, nghĩa là nói về văn bản liên hệ Đại hội 2. Hiện nay trong Hán tạng, chắc chắn nhất của Đại chúng bộ là Ma ha tăng kỳ luật (20) . Nhưng chắc chắn Hán tạng và Tạng tạng còn có không ít văn bản của Đại chúng bộ. Tôi không biết gì về Tạng tạng, nhưng Hán tạng, nói xác hơn là Pg Trung hoa, thì có 2 điều phải cực kỳ thống trách. Điều một, Pg Trung hoa có rất nhiều Phạn bản, do tăng sĩ Ấn mang đến và tăng sĩ Tàu mang về. Sử liệu mà tôi biết, cho thấy Phạn bản chưa dịch nhiều hơn đã dịch. Gồm cả 2 số ấy lại thì số lượng thật đáng ngợp. Vậy mà rồi mất hết. Không hiểu tại sao chép mà đem đến hay mang về, gian nan biết bao nhiêu, vậy mà làm được, nhưng không làm được cái việc bảo tồn? Điều hai, không hiểu tại sao không đem ngay Phạn bản mà dạy cho tăng sĩ? Trung hoa, từ sau ngài Pháp hiển, nhất là từ ngài Huyền tráng sắp đi, người thông hiểu Phạn bản không ít. Vậy mà chỉ lo phiên dịch, trong các tự viện không tổ chức dạy Phạn bản. Phạn bản nếu được dạy cho tăng sĩ Trung hoa, thì Phạn bản được hiểu và được còn: ích lợi biết bao. Xưa nay cũng đã có người thắc mắc và phiền trách 2 điều trên đây. Phải chi dân tộc Trung hoa mà như dân tộc Nhật bản chẳng hạn, thì thế giới ngày nay Phạn bản dồi dào nhất nhì chính là Trung hoa. Điều ấy khiến cho thấu hiểu được bao nhiêu là vấn đề về Pg, trong đó có vấn đề Đại hội 2 và Đại chúng bộ, có vấn đề đại thừa.
Hai là vấn đề ngài Đại thiên. Ngày nay học giả ai cũng thấy ngài là nhân vật trọng đại đối với đại thừa ẫ Trọng đại đến nỗi bị vu khống và thóa mạ không ít, từ phía Thượng tọa bộ mà nói xác hơn là Thuyết hữu bộ, sự vu khống và thóa mạ đã biến thành phản chứng tính cách trọng đại của ngài Đại thiên. Ngài, không những nêu lên sự bất toàn của quả vị La hán bằng 5 sự (tức chỉ nhận Phật quả mới toàn hảo), mà công đức của ngài còn thọ trì Tạp tạng và Đại sĩ tạng (như tài liệu 3 nói), còn phá tính cách độc tôn nhưng thiếu sót của 3 tạng của Đại hội 1 bằng cách xếp đại thừa (gồm có 2 tạng) vào 3 tạng thành 5 tạng (như tài liệu 2 và 3 nói). Nhân cách của ngài thì thế nào? Cứ nói ngay như khi A dục vương cung thỉnh giới sư cho vương tử Ma hê đa thì “chúng tăng thôi cử ngài Mục kiền liên tử đế tu (Moggali Tissa) làm hòa thượng, ngài Ma ha đề bà (Mahadeva = Đại thiên) làm a xà lê truyền thọ thập giới, ngài Mạt xiển đề (Majjhantika) làm a xà lê truyền thọ cụ túc giới cho vương tử Ma hê đa (Mahinda) (Thiện kiến luật, Chính 24/682). Rồi khi A dục vương và ngài Mục kiền liên tử đế tu thỉnh cầu các vị trưởng lão đi hoằng pháp các địa phương (21) , thì thỉnh cầu ngài Đại thiên đến Ma hê sa mạt đà la (Mahisakamandala)” (Thiện kiến luật, Chính 24/684).
Ba là vấn đề 3 tạng Paly. Điều có thể quả quyết là 3 tạng ấy là sản phẩm của cái gọi là kiết tập 3 (22) . “Chúng tăng tập hợp 60 ngàn. Cuộc tập họp này ngài Mục kiền liên tử đế tu làm thượng tọa, tuyển chọn những bậc thông suốt 3 tạng và chứng đắc 3 minh thì được một ngàn. Y như lần thứ 1 tôn giả Đại ca diếp chiêu tập tăng chúng (23) , cũng như lần thứ 2 tôn giả Tu na câu (24) kiết tập giới tạng. Lần kiết tập pháp tạng thứ 3 này 9 tháng thì hoàn tất… Khi ngài Mục kiền liên tử đế tu sắp nhập diệt thì phó thác cho đệ tử là ngài Ma hê đa đem luật tạng (và cả 3 tạng) đến nước Sư tử…” (Thiện kiến luật, Chính 24/684). Như vậy là hơn 2 bách kỷ sau Phật nhập diệt, 3 tạng Paly mới được biên tập. Nhưng 3 tạng Paly chắc chắn không phải là 3 tạng của Đại hội 1 của kiết tập 1 tụng ra, mà 3 tạng ấy chỉ là của Thượng tọa bộ diễn biến đến thời đại A dục vương (25) . Chủ tọa kiết tập 3 tạng Paly, ngài Mục kiền liên tử đế tu, là người Thượng tọa bộ mà đồng tình với hệ Phân biệt thuyết của Đại chúng bộ, thừa nhận có giới hạn đối với tư tưởng bộ ấy (26) . Những sự kiện này dĩ nhiên phải ảnh hưởng đến 3 tạng Paly.
Nhưng cùng thời đại với 3 tạng Paly, theo truyền thuyết của Pg Tây tạng, thì có 4 bộ phái ở 4 địa phương sử dụng 4 ngữ văn khác nhau. Để làm gì? Hẳn nhiên là để kiết tập 3 tạng mà 4 bộ phái đã khẩu truyền trước đó: “Đại chúng bộ phát triển ở địa phương Maharastra, ngữ văn thánh điển là Maharastra; Thượng tọa bộ lấy Ujayana làm trung tâm, ngữ văn thánh điển là Paisaci; Chánh lượng bộ phát triển ở một dãy Surasena, ngữ văn thánh điển là Apabhramsa; Thuyết hữu bộ thịnh lên ở Kasmira và Gandhara, ngữ văn thánh điển là Samkrta. Nay biết ngữ văn Paisaci chính là ngữ văn Paly; thời đại A dục vương, ngữ văn này là của Pg dãy Ujayana” (Nguyên thỉ Pg thánh điển chi tập thành, trang 46). Như vậy, cũng như 3 tạng của các bộ phái khác, 3 tạng Paly không phải nguyên thỉ, nghĩa là không phải của Đại hội 1 của kiết tập 1 tụng ra, không phải đầy đủ, không phải tinh thuần (với những việc của A dục vương được chép trong đó). “Thế nhưng 3 tạng Paly ngày nay rất quí báu. Vì chỉ có 3 tạng ấy là được bảo tồn nguyên vẹn. Ngữ văn Paly lại là một phương ngôn cổ của Ấn độ, nghiên cứu rất tiện. Có điều mọi thánh điển hiện hữu toàn là sắc thái bộ phái, vậy nghiên cứu Pg nguyên thỉ thì không thể chỉ hạn chế vào 3 tạng Paly” (Nguyên thỉ Pg thánh điển chi tập thành, trang 48).
*
Bây giờ lặp lại cũng có, mới nói cũng có, tôi xin đưa ra một vài kết luận và nghi vấn. Đây là mấy kết luận.
1. Đại hội 2 của kiết tập 1 rất quan trọng. Phải bỏ thành kiến khinh thường như xưa nay. Phải tìm hiểu về Đại hội này — ít nhất cũng qua Đại chúng bộ. Kinh sách Đại chúng bộ cũng không ít (27) dầu thất lạc hay lẫn lộn quá nhiều.
2. Về 3 tạng Paly, rất quí vì độc nhất còn nguyên vẹn. Nhưng không phải nguyên thỉ, ít ra cũng chưa phải chép lại 3 tạng của Đại hội 1 của kiết tập 1 tụng ra.
3. Phật thuyết chắc chắn số lượng rất nhiều. Ngài thuyết đến 50 năm, cho đủ thành phần, có phải ít đâu. Số lượng không ít, mà chất lượng lại càng chắc chắn đa dạng. Gồm hết tất cả 3 tạng Paly, Trung hoa và Tây tạng, dẫu chưa lựa chọn chân giả đi nữa, cũng vẫn chưa phải đầy đủ của Phật thuyết.
Và đây là mấy nghi vấn.
1. Nếu đại thừa không phải Phật thuyết, nghĩa là trong nguyên thỉ Pg đời Phật, và trong nguyên thỉ Pg của 2 đại hội của kiết tập 1, mà không có kinh luật luận đại thừa, thì làm sao có những tư tưởng như của Đại chúng bộ?
2. Tại sao chính từ Thượng tọa bộ, nói chính xác là Thuyết hữu bộ, lại nói La hán bất toàn hơn cả 5 sự Đại thiên?
3. Và tại sao cũng chính từ hệ Thượng tọa bộ (chứ không phải hệ Đại chúng bộ) mà tư tưởng về Ngã đã có, và có không phải chỉ một dạng? (28)
Dẫn Nhập
Tài liệu tham khảo: Dẫn nhập Khởi tín luận (mục 8) của tôi, Phật học nghiên cứu (bài 11) của Lương Khải Siêu, Chính 14/501, 25/30-32, 43/1, 45/8.
(1) Dị tông luận (Dị bộ tông luân luận) là 1 trong vài tác phẩm được thấy trong Hoa tạng, nói về học thuyết của các bộ phái tiểu thừa. Các bộ phái này, có 20 tất cả, dĩ nhiên phong phú đến phức tạp về học thuyết. Học thuyết ấy chắc chắn cho thấy giai đoạn trước đó là gì và giai đoạn sau đó là gì. Vậy mà tài liệu để được biết đến thì quá ít. Dị tông luận đã giúp được phần nào trong việc này.
Dị tông luận có 3 bản Hoa dịch. Bản 1 chưa xác định được dịch giả, gọi tắt là Tần dịch. Bản 2 là của ngài Chân đế, gọi tắt là Lương dịch. Bản 3 là của ngài Huyền tráng, gọi tắt là Đường dịch. Bản này là định bản, được dịch vào ngày tiền Vu lan 1226 (682), và do chính đại sư Khuy cơ giải thích bằng cách vừa tham dự công việc phiên dịch của thầy vừa nghe thầy giảng giải mà ghi chép lại, mệnh danh Dị bộ tông luân luận thuật ký, hiện có trong Vạn 83/211-234, và gọi tắt là Thuật ký.
Bản dịch của tôi lấy Đường dịch làm chính văn, nhưng đối chiếu rất nhiều với Tần dịch, nhất là Lương dịch, lại căn cứ rất nhiều vào Thuật ký. Có điều từ C2 trong B2 cho đến hết, Thuật ký mà Vạn 83/228-233 chép thì nghĩa vẫn khá, dẫu rằng có chỗ quá lược; nhưng văn đáng ngờ đến nỗi có thể quyết chắc không phải của đại sư Khuy cơ. Tựu trung, tệ nhất là trọn phần D1 trong C3 nói về học thuyết của Thuyết hữu bộ (tên gọi tắt của Thuyết nhất thế hữu bộ), không giúp gì bao nhiêu cho sự tham khảo, nên tôi đành tự thực kỷ lực mà không có gì bảo đảm. Những bản giải thích sau này tôi biết có, nhưng lúc này tìm mượn không ra.
Tác giả Dị tông luận là bồ tát Thế hữu, thuộc Thuyết hữu bộ. Niên đại của ngài là bách kỷ 4 sau Phật nhập niết bàn. Thế hữu cũng dịch là Thiên hữu, hoặc dịch âm là Bà tu mật. Ngài là người mà Thiền tông nói là tổ thứ 7, còn tựa của Bà tu mật tập thì nói sẽ nối đức Từ tôn mà thành Sư tử như lai. Thế nhưng ngài Thế hữu thủ tọa kiết tập Đại tỳ bà sa (bách kỷ 7 sau Phật niết bàn) thì không phải là ngài. Tác phẩm của ngài trong Hoa tạng thấy có Phẩm loại túc luận và Giới thân túc luận (là 2 trong số 6 túc luận), Bà tu mật tập và luận này. Xét văn cách luận này mà thôi cũng đủ để thấy ngài là một tác giả bác học, nghiêm chỉnh và tự tín. Nội cái việc đối với ngài Đại thiên ngài không có lời chữ nào cho thấy có ý công kích, cũng đủ chứng tỏ phong cách của ngài.
(2) Có mấy vấn đề liên quan đến sự phân hóa bộ phái cần phải nêu lên ở đây. Trước hết, hãy nói bối cảnh của sự phân hóa ấy. Nguyên nhân phân hóa mà luận này nói, chỉ là nói bản thân Phật giáo. Kỳ thật sự phân hóa ấy bị bức xúc, và bức xúc không ít, bởi thời thế lúc ấy. Phâểt niết bàn 152 năm (trước dương lịch 327 năm) thì A lịch sơn đại xâm nhập Ấn độ, khiến xứ này chịu ảnh hưởng văn hóa Hy lạp không ít. Rồi hơn 50 năm sau, A dục vương xuất hiện, thống nhất Ấn độ, làm cho Phật giáo trước đó chỉ lưu hành một dãy phụ cận Ma kiệt đà (Trung Ấn) mà nay có mặt khắp cả những nơi phong tục và ngôn ngữ khác nhau. Bối cảnh phân hóa của các bộ phái là như vậy : phân hóa mà thích ứng để tự tồn.
Thứ hai, hãy nói nguyên nhân của sự phân hóa bộ phái. Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ không phải mới phân hóa khi có ngài Đại thiên, với 5 sự do ngài đưa ra. Mà 2 bộ phái này đã có ngay khi ngài Ca diếp triệu tập đại hội 1 của kiết tập 1, và trách nhiệm phải được qui cho chính ngài Ca diếp. Còn 5 sự của ngài Đại thiên thì rõ ràng đánh giá lại đạo quả La hán, cho thấy đạo quả này rất bất toàn. Sự đánh giá này Dị tông luận cho thấy được tán đồng không ít. Còn nhân cách của ngài Đại thiên thì xưa nay hầu hết nói theo Đại tỳ bà sa (cuốn 99), một sự phản tuyên truyền quá ấu trĩ. Ngay đại sư Khuy cơ khi giải thích luận này cũng vậy, dầu ở tác phẩm khác là Du dà lược soán (Chính 43/1) lại nói khá trái lại, (coi phụ lục 1).
Thứ ba, hãy nói công tội của sự phân hóa bộ phái. Lịch sử có thể có trường hợp có phân hóa mới có tiến hóa. Nên nhìn một mặt thì phân hóa bộ phái là có tội, nhưng nhìn mặt khác thì sự phân hóa ấy làm cho Phật giáo phong phú. Đoạn kinh Văn thù vấn (phụ lục 2) đã cho nhận thức này. Phụ lục ấy còn cho thấy sự phân hóa bộ phái là lấy trí tuệ (bát nhã) làm sở trường, suy diễn và phát kiến về Phật thuyết, nhưng trọng Luận hơn Kinh đến nỗi cuối cùng Kinh lượng bộ mới chấm dứt tình trạng này.
(3) Có một sự kiện mà tôi muốn nói sự nhận xét của tôi, bổ túc cho đoạn 2 trên đây. Ấy là sự phân hóa bộ phái trong thời đại A dục. Dị tông luận nói sự phân hóa bắt đầu từ thời đại này. Lại nói thời đại này là đầu bách kỷ 2 sau Phật niết bàn. Nhưng thời đại này các bộ phái đã và đang phân hóa cực điểm, đến nỗi Dị tông luận đã ghi Thượng tọa bộ cũng phân ra Thuyết hữu bộ. Và sự kiện quan trọng là các bộ phái bắt đầu chép ra văn bản 3 tạng mà mình học thuộc lòng, bằng những ngữ văn của địa phương giáo hóa. Tây tạng tương truyền có đến 4 ngữ văn: ngữ văn Maharastra, của Đại chúng bộ ở địa phương này; ngữ văn Paisaci (Paly) của Thượng tọa bộ ở dãy Ujayana; ngữ văn Apabhramsa, của Chánh lượng bộ ở dãy Surasena; ngữ văn Samkrta, của Thuyết nhất thế hữu bộ ở Kasmira và Gandhara. A dục vương không những là hộ chủ của 3 tạng Paly mà còn truyền bá 3 tạng này. Sự kiện này, nhất là chính kinh tạng Paly chép chuyện A dục vương không ít, chứng tỏ nay gọi 3 tạng ấy là nguyên thỉ thì không đúng.
(4) Nay, hãy tạm gác những nhận xét và kết luận của một số học giả mà nhìn thẳng vào học thuyết các bộ phái do Dị tông luận lược thuật, thì thấy như sau.
Đối với Tiểu thừa, La hán là hoàn toàn. Phật cũng chỉ là một vị La hán mà thôi. Nói trái lại thì là đầu mối tranh luận và phân hóa. Thế nhưng không phải chỉ hệ Đại chúng bộ với ngài Đại thiên mới nói trái lại, mà hệ Thượng tọa bộ, kỳ lạ nhất là Tuyết sơn bộ do Thượng tọa bộ chuyển danh, cũng nói như vậy. Càng kỳ lạ hơn nữa là Độc tử bộ nói đến cái “bổ đặc dà la”, kỳ lạ đến ngạc nhiên hơn nữa là Kinh lượng bộ nói đến cái “thắng nghĩa bổ đặc dà la”. Chưa hết, lui lại, Thuyết hữu bộ đã nói: “Phật đà với Thanh văn Duyên giác không khác nhau về giải thoát, nhưng thánh đạo của tam thừa thì không đồng đẳng”. Thuyết hữu bộ còn hạ giá quả vị La hán hơn cả 5 sự Đại thiên. Như vậy có thể nói vắn tắt, qua học thuyết của các bộ phái thì Phật quả mới hoàn toàn, La hán chỉ đồng nhất một phần với Phật quả về đoạn đức (giải thoát phiền não) nhưng không đồng nhất với Phật quả về trí đức (chứng ngộ các pháp) và ân đức (giáo hóa chúng sinh). Thế nên chẳng phải Đại chúng bộ mới liên quan Đại thừa. Chúng ta có thể thấy bóng dáng Hoa nghiêm Pháp hoa Bát nhã nơi Đại chúng bộ, và, lạ thay, thấy bóng dáng Niết bàn nơi Độc tử bộ và Kinh lượng bộ. Còn nữa, Pháp tạng bộ nói 5 pháp tạng Kinh, Luật, Luận, Minh chú, Bồ tát, thì đích thị không những liên hệ Đại thừa mà còn là Đại thừa mật tông xa xuôi về sau. Các bộ này toàn là hệ Thượng tọa bộ cả. Đặc biệt hơn nữa, qua sự phiên dịch về Luận của ngài Huyền tráng và sự phiên dịch về Luật của ngài Nghĩa tịnh, trong Hoa tạng, Thuyết hữu bộ tương đối hoàn bị hơn cả, và rất dễ dàng thấy bộ này là tiền thân của pháp tướng trong Duy thức học.
Phụ Lục 1
Thích luận giải thích như sau. Phật niết bàn rồi việc ma lộn xộn là sau khi Phật nhập niết bàn, trong bách kỷ 1, do ngài Đại thiên mà có sự tranh biện về 5 sự. Ngài Đại thiên danh cao đức lớn, đạo quả đã chứng mà tuổi tác đang nhỏ, vương hầu khâm phục phong cách, tăng chúng ngưỡng mộ đạo hạnh, siêu quần bạt tục nên phàm phu tục tử lúc ấy đố kﬠvu khống ngài làm 3 tội nghịch. Tình trạng kịch liệt thêm vì 5 sự [mà ngài đưa ra]. Ngài Đại thiên có bài chỉnh cú sau đây.
Ngài Đại thiên giải thích [sự 1, kẻ khác dẫn dụ là] các vị La hán không có 2 sự phiền não và xuất tinh, nhưng bị ma vương dẫn dụ, hoặc bị ma vương đem tinh khí vấy bẩn vào y, làm như tinh xuất. Các vị khác phỉ báng rằng Đại thiên phàm phu ngu tối, bị cảnh mê hoặc mà tâm ô nhiễm, ban đêm tư tưởng mà xuất tinh bẩn y rồi đổ cho ma vương quấy phá. Thế là thành ra mâu thuẫn chống đối
Ngài Đại thiên giải thích [sự 3, còn điều hoài nghi là] các vị thấy biết đế lý thì cái nghi đối với chân lý, tức cái nghi của phiền não, tuy bị diệt trừ cả rồi, nhưng [ban đêm hay nhìn xa] nghi cây trụi là người, thì cái nghi đối với sự thường này vẫn còn. Các vị khác phỉ báng rằng Đại thiên phàm phu ngu tối, không hiểu giáo lý chân thật, nói các bậc thánh còn có nghi hoặc. Thế là thành ra mâu thuẫn chống đối.
Ngài Đại thiên giải thích [sự 2, còn sự không biết là] sự không biết có 2 thứ: có ô nhiễm và không ô nhiễm; các vị La hán không còn sự không biết có ô nhiễm, nhưng sự không biết không ô nhiễm thì vẫn còn. Các vị khác phỉ báng rằng Đại thiên phàm phu ngu tối, không hiểu giáo lý chân thật, nói bậc La hán còn có sự không biết không ô nhiễm. Thế là thành ra mâu thuẫn chống đối.
Ngài Đại thiên giải thích [sự 4, người khác giúp vào là] các bậc lợi căn như ngài Xá lợi phất vân vân mà còn nhờ thiện hữu giúp cho vào đạo, vậy có người nhờ người khác dẫn giúp vào đạo là điều chắc chắn. Các vị khác phỉ báng rằng Đại thiên phàm phu ngu tối, không hiểu giáo lý chân thật, nói những bậc lợi căn như ngài Xá lợi phất vân vân mà còn nhờ người khác dẫn giúp vào đạo, mà còn không tự biết đã chứng vào đạo quả La hán, [nhờ Phật nói cho mới biết], huống chi các người. Thế là thành ra mâu thuẫn chống đối.
Ngài Đại thiên giải thích [sự 5, và chính thánh đạo cũng có nhờ tiếng là] các bậc tu tập từ đời trước, vì tu đã nhiều đời nên khi sắp chứng đạo quả thì nhân Phật nói khổ nói không vân vân, nghe là ngộ nhập đạo lý, là chứng nhập thánh quả. Như vậy dưới lời Phật nói, có nhiều người hiện tại chứng quả, lại có nhiều người chán khổ, tự kêu lên cái tiếng chán khổ mà thánh đạo phát hiện. Các vị khác phỉ báng rằng Đại thiên phạm các tội nghịch, nhưng chưa mất thiện căn nên biết sợ sa đọa, đêm ngủ hay kêu khổ quá, đệ tử cho là bị bịnh nên sáng ra hỏi thăm, Đại thiên nói không bịnh, đệ tử hỏi vậy tại sao kêu khổ, Đại thiên đáp rằng ngày xưa tuổi nhỏ đạo nhập tùy tâm, ngày nay tuổi lớn đạo sinh khó tùy, nếu không kêu lên cái tiếng khổ quá thì đạo nhờ đâu mà có. Vì [các vị khác] phỉ báng như vậy mà mâu thuẫn chống đối lung tung, nên nói Phật niết bàn rồi việc ma lộn xộn.
Lúc ấy ngài Văn thù thưa rằng, bạch đức Thế tôn, sau khi đức Thế tôn nhập niết bàn thì đệ tử của Ngài phân hóa bộ phái như thế nào? bộ phái căn bản là gì? Đức Thế tôn dạy: Văn thù, sau này đệ tử của Như lai có 20 bộ phái, [sự kiện này] giúp cho sự tồn tại của Pháp. Tất cả 20 bộ phái cùng được 4 đạo quả, 3 tạng của họ bình đẳng, không ai hơn kém, như nước biển cả toàn một mùi vị, như người có 20 đứa con. Đó là sự thật mà Như lai nói [trước].
Văn thù, bộ phái căn bản thì có 2, và cùng xuất từ Đại thừa, [nghĩa là] xuất từ bát nhã… Đức Thế tôn lại nói những lời chỉnh cú sau đây.
- Từ Đại chúng bộ
- phân hóa ra bảy,
- từ Thượng tọa bộ
- phân hóa mười một,
- như thế gọi là
- hai mươi bộ phái.
- Mười tám bộ ngọn
- với hai bộ gốc,
- tất cả toàn là
- xuất từ Đại thừa,
- không có gì phải
- không có gì trái,
- đó là Như lai
- nói việc sau này.
(17-11-2532)
Chính Văn.-
- Sau khi Thế tôn
- nhập vào niết bàn,
- mới đầy một trăm
- và lẻ mấy năm (1) ,
- ở trong thánh giáo
- bộ phái nổi lên,
- dẫn ra những sự
- không ích lợi gì (2) .
- Vì sự cố chấp
- triển chuyển khác nhau,
- theo đó mà có
- bộ phái nổi lên;
- nay tôi căn cứ
- thầy mình truyền dạy,
- nói cố chấp ấy
- cho họ biết chán.
- Tôi tên Thế hữu,
- là đại bồ tát
- đầy đủ phẩm chất
- đại trí giác tuệ,
- là chân tỷ kheo
- thuộc dòng họ Thích,
- cứu xét bộ phái
- suy nghĩ chọn lựa.
- Nhìn khắp mọi người
- trong quốc độ này,
- thấy bao quan điểm
- trôi nổi quay cuồng (3) ,
- phân hóa phá hoại
- giáo huấn Thế tôn,
- nên tôi phải nói
- học thuyết của họ.
- Cần phải thẩm cứu
- giáo huấn Thế tôn
- toàn là dựa vào
- bốn pháp thánh đế (4) ,
- rồi như một kẻ
- lấy vàng trong cát:
- hãy chọn mà lấy
- những gì chân thật.
Lược Giải.-
Đoạn này là những lời mở đầu của bồ tát Thế hữu, cho thấy, đối với học thuyết của các bộ phái, có thể chấp nhận với sự phê phán và chọn lọc.
Thời Đại và Nguyên Nhân Phân Hóa Bộ Phái
Chính Văn.-
Tôi nghe truyền dạy như vầy: Sau khi đức Thế tôn nhập niết bàn hơn một trăm năm (5) , cách Ngài đã lâu, như mặt trời từ lâu đã lặn mất. Thời kỳ này, tại thủ phủ Câu tô ma của quốc gia Ma kiệt đà, A dục vương thống trị đại lục Diêm phù (6) , cảm được bảo cái màu trắng, đức hóa thấm nhuần nhân loại và thần linh.
Lược Giải.-
Đoạn này nói thời đại khởi sự phân hóa bộ phái, thời đại A dục. Nhưng đó là luận chủ đưa ra cái mốc và nhân vật của một thời đại quan trọng. Thời đại này, theo Phật giáo Tây tạng truyền thuyết, sự kiện quan trọng là trong khí thế cực phân, các bộ phái cùng chép ra văn bản 3 tạng mình tụng, theo ngữ văn của vùng ảnh hưởng, và có đến 4 ngữ văn tất cả.
Chính Văn.-
Bấy giờ đại tăng của Phật giáo bắt đầu phân hóa. Sự thể là do 4 chúng bình nghị khác nhau về 5 sự của ngài Đại thiên đưa ra mà chia thành 2 bộ, là Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ (7) . Bốn chúng là chúng rồng voi, chúng biên dã, chúng đa văn và chúng đại đức (8) . Năm sự là như bài chỉnh cú sau đây của ngài Đại thiên.
- Kẻ khác dẫn dụ,
- còn sự không biết,
- còn điều hoài nghi,
- nhờ người giúp vào,
- và chính thánh đạo
- cũng có nhờ tiếng:
- như thế gọi là
- Phật giáo chân thật (9) .
Lược Giải.-
Đoạn này nói nguyên nhân phân hóa bộ phái. Điều đáng khen là, không như kẻ khác, luận chủ không xuyên tạc tư cách và tư tưởng của ngài Đại thiên.
Các Bộ Phái Thuộc Hệ Đại Chúng Bộ
Chính Văn.-
Sau đó, ngay trong bách kỷ 2, Đại chúng bộ lưu xuất ra 3 bộ, là Nhất thuyết bộ, Thuyết xuất thế bộ, Kê dận bộ. Sau đó nữa, cũng trong bách kỷ 2, Đại chúng bộ lại lưu xuất 1 bộ nữa, tên Đa văn bộ. Và sau đó nữa, vẫn trong bách kỷ 2, Đại chúng bộ lại lưu xuất thêm một bộ nữa, tên Thuyết giả bộ. Bách kỷ 2 mãn rồi, có một ngoại đạo xuất gia, bỏ tà về chánh, cũng tên Đại thiên (9B) , theo Đại chúng bộ mà xuất gia, thọ cụ túc giới, đa văn tinh tiến, ở Chế đa sơn, cùng tăng chúng bản bộ cứu xét tường tận lần nữa đối với 5 sự, nhân đó mà tranh biện mâu thuẫn, phân hóa làm 3 bộ nữa, là Chế đa sơn bộ, Tây sơn trú bộ, Bắc sơn trú bộ. Như thế ấy, Đại chúng bộ có 4 hay 5 lần phân hóa, gốc và ngọn nói riêng ra thì hợp thành 9 bộ: 1 là Đại chúng bộ, 2 là Nhất thuyết bộ, 3 là Thuyết xuất thế bộ, 4 là Kê dận bộ, 5 là Đa văn bộ, 6 là Thuyết giả bộ, 7 là Chế đa sơn bộ, 8 là Tây sơn trú bộ, 9 là Bắc sơn trú bộ (10) .
Lược Giải.-
Đoạn này nói sự phân hóa của hệ Đại chúng bộ.
Các Bộ Phái Thuộc Hệ Thượng Tọa Bộ
Chính Văn.-
Còn phần Thượng tọa bộ thì trải qua ngần này thì gian vẫn hòa hợp nhất vị. Mãi đến đầu bách kỷ 3 mới có chút ít mâu thuẫn tranh cãi, phân hóa làm 2 bộ: 1 là Thuyết hữu bộ (10B) cũng gọi là Thuyết nhân bộ; 2 là chính Thượng tọa bộ đổi tên Tuyết sơn bộ. Sau đó, chính trong bách kỷ 3, từ Thuyết hữu bộ lưu xuất 1 bộ, tên Độc tử bộ. Sau đó nữa, cũng trong bách kỷ 3, từ Độc tử bộ lưu xuất 4 bộ: Pháp thượng bộ, Hiền trụ bộ, Chánh lượng bộ, Mật lâm sơn bộ. Tiếp theo, vẫn trong bách kỷ 3, từ Thuyết hữu bộ lưu xuất 1 bộ nữa, tên Hóa địa bộ. Tiếp theo nữa, vẫn trong bách kỷ 3, từ Hóa địa bộ lưu xuất 1 bộ, tên Pháp tạng bộ, [bộ chủ] tự xưng thừa kế và tôn ngài Mục liên làm thầy. Đến cuối bách kỷ 3, từ Thuyết hữu bộ lại lưu xuất 1 bộ nữa, tên Aẫm quang bộ, cũng gọi là Thiện tuế bộ. Đến đầu bách kỷ 4, từ Thuyết hữu bộ lại lưu xuất 1 bộ nữa, tên Kinh lượng bộ, cũng gọi là Thuyết chuyển bộ, [bộ chủ] tự xưng mình tôn ngài A nan làm thầy. Như thế ấy, Thượng tọa bộ có 7 hay 8 lần phân hóa, gốc ngọn nói riêng ra thì hợp thành 11 bộ: 1 là Thuyết hữu bộ, 2 là Tuyết sơn bộ, 3 là Độc tử bộ, 4 là Pháp thượng bộ, 5 là Hiền trụ bộ, 6 là Chánh lượng bộ, 7 là Mật lâm sơn bộ, 8 là Hóa địa bộ, 9 là Pháp tạng bộ, 10 là Aẫm quang bộ, 11 là Kinh lượng bộ (11) .
Lược Giải.-
Đoạn này nói về sự phân hóa của Thượng tọa bộ. Điều đáng chú ý là sự phân hóa này khởi đầu luận học chiếm ưu thế (đó là Thuyết hữu bộ) mà cuối cùng chán ngán luận học (đó là Kinh lượng bộ). Mặt khác, có thể nói Thượng tọa bộ không phân hóa gì hết, vì sau khi yếu thế, đổi thành Tuyết sơn bộ rồi thì không thấy có gì nữa; còn trọng tâm phân hóa chính là Thuyết hữu bộ, bộ phái trọng luận hơn kinh, chiếm hẳn bộ gốc là Thượng tọa bộ, nên nói hệ Thượng tọa bộ thực ra không đúng bằng nói hệ Thuyết hữu bộ.
Mở Đầu
Chính Văn.-
Tất cả [20] bộ phái trên đây, học thuyết căn bản và đồng nhất, cũng như học thuyết chi tiết và dị biệt (12) của họ, nay tôi sẽ nói đến.
Lược Giải.-
Như đã nói, luận này có 2 phần. Phần trước đã nói các bộ phái (dị bộ), phần này sẽ nói học thuyết (tông luân) của các bộ phái ấy. Phần này có 2 hệ: hệ Đại chúng bộ có 4 đoạn, hệ Thượng tọa bộ có 7 đoạn.
Chính Văn.-
[Về hệ Đại chúng bộ, đoạn một], học thuyết căn bản và đồng nhất của Đại chúng bộ, Nhất thuyết bộ, Thuyết xuất thế bộ và Kê dận bộ, là 4 bộ này cùng nói
- (1) Thân của chư Như lai toàn là siêu xuất thế gian.
- (2) Chư Như lai không có pháp hữu lậu.
- (3) Lời nói của chư Như lai toàn là chuyển pháp luân.
- (4) Chư Như lai dùng một âm thanh nói tất cả pháp.
- (5) Những điều chư Như lai nói đều là đúng nghĩa.
- (6) Sắc thân của chư Như lai thật không có giới hạn.
- (7) Uy lực của chư Như lai cũng không có giới hạn.
- (8) Thọ lượng của chư Như lai càng không có giới hạn.
- (9) Chư Như lai không có tâm lý thấy chán thấy đủ trong sự giáo hóa chúng sinh cho họ có đức tin trong sáng.
- (10) Chư Như lai không ngủ và không mộng mị.
- (11) Chư Như lai giải đáp các câu hỏi một cách không đợi suy nghĩ.
- (12) Chư Như lai lúc nào cũng không nói danh, cú và văn, vì các Ngài thường ở trong chánh định, nhưng các loại chúng sinh nói các Ngài nói danh, cú và văn, và hoan hỷ phấn chấn [theo danh, cú và văn ấy].
- (13) Chư Như lai thì tâm thức trong một sát na mà biết rõ tất cả pháp.
- (14) [Chư Như lai thì] tâm trí một sát na thích ứng bát nhã là thấu triệt tất cả pháp.
- (15) Chư Như lai thì trí tận diệt và trí không sinh thường xuyên hiện hành cho đến lúc nhập vào niết bàn.
- (16) Chư Bồ tát vào thai mẹ thì không ai chấp thọ làm tự thể cái tinh huyết hóa hợp, cái tinh huyết hóa hợp mà mới đọng lại thì như bọc nhọt, đã đọng thì cứng hơn, và đọng cứng rồi thì cứng dần hơn nữa.
- (17) Chư Bồ tát khi vào thai mẹ thì bằng hình voi trắng.
- (18) Chư Bồ tát khi ra thai mẹ thì đều từ hông bên phải.
- (19) Chư Bồ tát không có ý tưởng ái dục, giận dữ và tác hại.
- (20) Chư Bồ tát muốn lợi ích chúng sinh mà nguyẹẤn sinh chỗ dữ thì tùy ý sinh đến.
- (21) Cái trí ngoại biên hiện quán trong một sát na mà biến tri mọi sự sai biệt của 4 thánh đế.
- (22) Năm thức nhãn nhĩ tyՠthiệt thân ô nhiễm đã có mà ly nhiễm cũng có.
- (23) Sắc giới và Vô sắc giới đều có đủ cả 6 thức.
- (24) Năm sắc căn thì thể chất là khối thịt nên không phải mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hơi, lưỡi nếm mùi, thân biết xúc.
- (25) Trong giai đoạn đẳng dẫn vẫn phát ra ngôn ngữ, vẫn có cái tâm thuần hóa, vẫn có cái ý tản mạn.
- (26) Việc làm hoàn tất thì không có sự chấp thủ.
- (27) Các vị Dự lưu thì tâm và tâm sở biết được đặc tính.
- (28) Có vị La hán bị kẻ khác dẫn dụ, còn sự không biết, còn điều hoài nghi, người khác giúp vào, thánh đạo nhờ tiếng.
- (29) Khổ có thể dẫn ra thánh đạo.
- (30) Nói khổ cũng có thể giúp [cho sự dẫn ra ấy].
- (31) Tuệ giác mới là da hành có năng lực loại trừ khổ não, lại có năng lực dẫn ra yên vui.
- (32) Khổ cũng là sự ăn.
- (33) Điều vị thứ 8 cũng có thì gian lâu dài.
- (34) Cho đến Thế đệ nhất vẫn có thể nói là có thoái thất.
- (35) Dự lưu có thể thoái chuyển chứ La hán không thể thoái chuyển.
- (36) Không có cái gọi là chánh kiến thế gian, không có cái gọi là tín căn thế gian.
- (37) Không có cái gọi là pháp vô ký.
- (38) Vào chánh tánh ly sanh thì khi đó có thể nói cắt đứt hết thảy mọi sự kết buộc.
- (39) Các vị Dự lưu có thể làm mọi điều ác đi nữa cũng không làm 5 tội vô gián.
- (40) Kinh của Phật nói toàn là liễu nghĩa.
- (41) Vô vi có 9, đó là trạch diệt, phi trạch diệt, hư không, không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu, phi phi tưởng, duyên khởi tánh, thánh đạo tánh.
- (42) Tâm tánh thì bản tịnh, nói bất tịnh là vì bụi bặm phiền não làm cho ô nhiễm.
- (43) Tùy miên không phải tâm, không phải tâm sở, không có đối tượng.
- (44) Tùy miên khác với triền phược, triền phược khác với tùy miên, và nên nói tùy miên không thích ứng với tâm, triền phược mới cùng tâm thích ứng.
- (45) Quá khứ và vị lai không thực có bản thể.
- (46) Toàn thể pháp xứ không phải được thấy biết, không phải được nhận thức, mà là được thông đạt.
- (47) Không có gì gọi là trung hữu.
- (48) Các vị Dự lưu cũng có tịnh lự.
- Đại loại như vậy là học thuyết căn bản và đồng nhất [của 4 bộ phái] (13) .
- Còn học thuyết chi tiết và dị biệt của 4 bộ phái là
- (1) Như các thánh đế sai biệt thế nào thì các hiện quán cũng sai biệt như vậy.
- (2) Có một ít pháp là tự tác, có một ít pháp là tha tác, có một ít pháp là câu tác, có một ít pháp là duyên sinh.
- (3) Có thể trong một lúc mà có 2 tâm cùng nổi lên.
- (4) Thánh đạo với phiền não có thể có sự cùng lúc hiện hành.
- (5) Nghiệp với quả có thể có sự đồng thời chuyển hiện.
- (6) Chính hạt giống làm mầm mộng.
- (7) Sắc căn đại chủng có chuyển biến mà tâm với tâm sở không chuyển biến.
- (8) Tâm khắp thân.
- (9) Tâm tùy căn và cảnh mà có sự co giản.
Đại loại như vậy là học thuyết chi tiết và dị biệt được [4 bộ] chấp thủ, triển chuyển sai biệt đến vô số tiết mục (14) .
Lược Giải.-
Trong hệ Đại chúng bộ, 2 đoạn nhỏ trên đây là đoạn một trong 4 đoạn nói về học thuyết của hệ này. Đoạn một này nói về học thuyết căn bản và đồng nhất cùng với học thuyết chi tiết và dị biệt của 4 bộ: Đại chúng bộ, Nhất thuyết bộ, Thuyết xuất thế bộ, Kê dận bộ. Nhìn vào tất cả 48 mục và 9 mục, hãy khoan nhìn thấy tiền thân Đại thừa ở đây, vì tiền thân ấy ở cả trong hệ Thượng tọa bộ, mà hãy chú ý ở đây để thấy sau đây hệ Thượng tọa bộ đối kháng thế nào. Lại nữa, vấn đề quan trọng bậc nhất, là nếu Phật không thuyết đại thừa, nếu đại thừa ấy không được tụng lại trong đại hội 2 của kiết tập 1, nói một cách khác, nếu đại thừa không phải cũng là nguyên thỉ, thì làm sao có những học thuyết như của Đại chúng bộ được nói ở đây?
Chính văn.-
[Về hệ Đại chúng bộ, đoạn hai], học thuyết căn bản và đồng nhất của Đa văn bộ là
(1) Năm âm thanh sau đây của Phật là giáo lý xuất thế, đó là vô thường, khổ, không, vô ngã và niết bàn, vì 5 âm thanh này dẫn ra giải thoát.
(2) Những âm thanh khác của Phật là giáo lý thế gian.
(3) Có vị La hán bị kẻ khác dẫn dụ, còn sự không biết, còn điều hoài nghi, người khác giúp vào, thánh đạo nhờ tiếng (15) .
Ngoài ra, những học thuyết khác phần nhiều lại đồng nhất với Thuyết hữu bộ.
[Về hệ Đại chúng bộ, đoạn ba], học thuyết căn bản và đồng nhất của Thuyết giả bộ là
- (1) Khổ không phải uẩn.
- (2) Mươi hai xứ không phải thật.
- (3) Các hành triển chuyển đối chiếu với nhau mà giả danh là khổ, không có cái sĩ dụng ở đây.
- (4) Không có cái chết không phải lúc, mà toàn là do nghiệp trước có ra.
- (5) Nghiệp tăng trưởng mới làm nhân mà có nghiệp quả.
- (6) Do phước mà được thánh đạo, thánh đạo không thể tu mà được.
- (7) Thánh đạo không thể hỏng mất (16) .
Ngoài ra, những học thuyết khác phần nhiều đồng nhất với Đại chúng bộ.
[Về hệ Đại chúng bộ, đoạn tư], Chế đa sơn bộ, Tây sơn trú bộ, Bắc sơn trú bộ, 3 bộ này học thuyết căn bản và đồng nhất là
- (1) Chư Bồ tát chưa thoát đường dữ.
- (2) Hiến cúng Tháp không có phước báo lớn lao.
- (3) Có vị La hán có 5 sự (17) .
Ngoài ra, những tiết mục khác phần nhiều đồng nhất với Đại chúng bộ.
Lược Giải.-
Đây là 3 đoạn còn lại trong 4 đoạn nói về học thuyết của các bộ phái thuộc hệ Đại chúng bộ. Đáng chú ý, dầu không quái lạ gì, là Đa văn bộ thuộc hệ Đại chúng bộ mà học thuyết lại đa số đồng nhất với Thuyết hữu bộ. Sau đây cũng có trường hợp tương tự, đó là Pháp tạng bộ thuộc hệ Thượng tọa bộ mà học thuyết lại phần nhiều đồng nhất với Đại chúng bộ. Chữ tông luân trong mệnh đề Dị bộ tông luân của luận này là nói những trường hợp như thế này.
Nói Phần Chính
Chính Văn.-
(18) [Về hệ Thượng tọa bộ, đoạn một], học thuyết căn bản và đồng nhất của Thuyết hữu bộ (19) là
- (1) Những gì thực có của các pháp mà bộ này nói thì gồm cả trong 2 loại là danh và sắc.
- (2) Quá khứ và vị lai cũng là thực có.
- (3) Toàn thể pháp xứ là cái được thấy biết, được nhận thức và được thông đạt.
- (4) Sinh, già, sống, chết, là thuộc loại tâm bất tương ưng của hành uẩn.
- (5) Hữu vi có 3, vô vi cũng có 3.
- (6) Ba hữu vi có thực thể riêng biệt,
- (7) [Trong tứ đế], 3 là hữu vi, 1 là vô vi.
- (8) Tứ đế đều là hiện quán tuần tự.
- (9) Không và vô nguyện, tu 2 chánh định này thì có thể nhập chánh tánh ly sanh.
- (10) Tư duy các hành cõi Dục thì nhập chánh tánh ly sanh.
- (11) Nhập chánh tánh ly sanh thì 15 tâm gọi là hành hướng, tâm 16 gọi là trú quả.
- (12) Thế đệ nhất 1 tâm mà có 3 bậc.
- (13) Thế đệ nhất quyết định không thoái chuyển.
- (14) Dự lưu không cái lý thoái chuyển, La hán có cái lý thoái chuyển.
- (15) Không phải các vị La hán đều được trí không sinh.
- (16) Phàm phu có thể đoạn tuyệt tham dục và sân hận.
- (17) Có những ngoại đạo được 5 thần thông.
- (18) Trong chư thiên cũng có người sống theo phạn hạnh.
- (19) Trong 7 đẳng chí có giác chi, chứ không phải những đẳng chí khác.
- (20) Tất cả tịnh lự đều gồm trong 4 niệm trú.
- (21) Không do tịnh lự mà cũng được nhập chánh tánh ly sanh, được đạo quả La hán.
- (22) Dựa vào cái thân cõi Sắc và cõi Vô sắc thì dẫu chứng được đạo quả La hán mà không nhập được chánh tánh ly sanh.
- (23) Dựa vào cái thân cõi Dục thì không những được nhập chánh tánh ly sanh mà cũng được chứng đạo quả La hán.
- (24) Ở đại lục Bắc câu lô không có người thoát ly ô nhiễm.
- (25) Thánh giả không sinh đến đại lục ấy và cõi trời Vô tưởng.
- (26) Bốn đạo quả sa môn đều không cố định là chứng đắc tuần tự.
- (27) Nếu nhập chánh tánh ly sanh rồi, do thế tục đạo, vẫn có người chứng đạo quả Nhất lai và Bất hoàn.
- (28) Có thể nói rằng [đối tượng] 4 niệm trú bao gồm tất cả các pháp.
- (29) Tất cả tùy miên toàn là tâm sở, thích ứng với tâm, có đối cảnh sở duyên.
- (30) Tất cả tùy miên đều gồm trong triền phược, không phải tất cả triền phược gồm trong tùy miên.
- (31) Tánh của các chi duyên khởi quyết định là hữu vi.
- (32) Cũng có chi duyên khởi chuyển hiện theo La hán.
- (33) Có vị La hán tăng thêm phước nghiệp.
- (34) Chỉ cõi Dục và cõi Sắc quyết định có trung hữu.
- (35) Năm thức nhãn nhĩ tyՠthiệt thân có ô nhiễm mà không ly nhiễm, chỉ biết tự tánh và chỉ có sự không phân biệt.
- (36) Tâm tâm sở mỗi thứ đều có thực thể.
- (37) Tâm tâm sở quyết định có đối tượng sở duyên.
- (38) Tự tánh không tương ứng với tự tánh, tâm không tương ứng với tâm.
- (39) Có chánh kiến thế gian, có tín căn thế gian, có pháp vô ký.
- (40) La hán cũng có cái pháp không phải tu học đang còn hay tu học đã hết.
- (41) Các vị La hán thì được tịnh lự cả, nhưng không phải vị nào cũng có tịnh lự hiện tiền [thường xuyên].
- (42) Có vị La hán còn chịu quả báo nghiệp cũ.
- (43) Có những kẻ phàm phu chết trong thiện tâm.
- (44) Ở trong đẳng dẫn thì chắc chắn không chết.
- (45) Phật đà với Thanh văn Duyên giác không khác nhau về giải thoát.
- (46) Nhưng thánh đạo của 3 thừa thì không đồng đẳng.
- (47) Từ bi của Phật không vin lấy chúng sinh.
- (48) Chấp thực hữu chúng sinh thì không phải giải thoát.
- (49) Nên nói Bồ tát còn là chúng sinh, vì chưa trừ hết kiết sử.
- (50) Chưa nhập chánh tánh ly sanh thì chưa vượt lên trên vị trí chúng sinh.
- (51) Chúng sinh là danh từ được giả thiết bởi sự liên tục hiện hữu chấp thọ.
- (52) Tất cả các hành toàn là bị diệt trong từng sát na.
- (53) Quyết định không có một chút pháp nào từ đời trước chuyển đến sau, mà chỉ do bổ đặc dà la của chân lý phổ thông nên nói có di chuyển.
- (54) Còn sống mà các hành đã bị diệt hoàn toàn, nên không có cái uẩn di chuyển.
- (55) Có cái tịnh lự xuất thế, tầm cũng có thứ vô lậu.
- (56) Cũng có cái thiện pháp làm nhân tố cho 3 cõi.
- (57) Trong trạng thái đẳng dẫn thì không phát ra ngôn ngữ.
- (58) Tám chi thánh đạo là chánh pháp luân, chứ không phải ngôn ngữ của Phật toàn là chuyển pháp luân.
- (59) Không phải một âm thanh của Phật nói được tất cả các pháp.
- (60) Phật cũng có ngôn ngữ không đúng nghĩa.
- (61) Kinh của Phật thuyết không phải toàn là liễu nghĩa, bởi vì chính Phật tự nói có những kinh không liễu nghĩa.
Đại loại như vậy là học thuyết căn bản và đồng nhất [của Thuyết hữu bộ]. Còn học thuyết chi tiết và dị biệt của bộ này thì vô số (20) .
Lược Giải.-
Đây là đoạn một trong 7 đoạn nói về học thuyết của các bộ phái thuộc hệ Thượng tọa bộ. Các tiểu mục được nói trong đoạn này cho thấy Thuyết hữu bộ không công nhận 5 sự Đại thiên, nhưng hơn cả 5 sự ấy, cho La hán không phải, rất không phải toàn hảo — qua các tiểu mục 14, 32, 41, nhất là 15. Tư tưởng và thái độ của Thuyết hữu bộ đối với quả vị La hán thật quá đáng và khó hiểu. Thế là thế nào? Nhất là học thuyết của Thuyết hữu bộ được nói ở đây là trung thực, vì ngài Thế hữu là người của bộ phái ấy.
Nói Phần Phụ
Chính Văn.-
[Về hệ Thượng tọa bộ, đoạn hai], học thuyết căn bản và đồng nhất của Tuyết sơn bộ là
- (1) Các vị Bồ tát còn là dị sinh.
- (2) Bồ tát vào thai mẹ thì không còn tham ái.
- (3) Không có ngoại đạo được 5 thần thông.
- (4) Cũng không có người sống theo phạn hạnh ở trong chư thiên.
- (5) Có vị La hán còn bị kẻ khác dẫn dụ, còn sự không biết, còn điều hoài nghi, người khác giúp vào, thánh đạo nhờ tiếng (21) .
- Ngoài ra, những học thuyết khác phần nhiều đồng nhất với Thuyết hữu bộ.
- [Về hệ Thượng tọa bộ, đoạn ba], học thuyết căn bản và đồng nhất của Độc tử bộ là
- (1) Bổ đặc dà la không phải đồng nhất với uẩn, cũng không phải độc lập với uẩn.
- (2) [Bổ đặc dà la ấy] do uẩn xứ giới mà giả thiết danh từ.
- (3) Các hành có phần tạm thời tồn tại, có phần sát na sinh diệt.
- (4) Các pháp nếu tách rời bổ đặc dà la thì không di chuyển từ đời trước đến đời sau; do bổ đặc dà la nên có thể nói có di chuyển.
- (5) Cũng có ngoại đạo được 5 thần thông.
- (6) Năm thức không phải ô nhiễm, cũng không phải ly nhiễm.
- (7) Đoạn trừ những kiết sử thuộc loại tu sở đoạn của cõi Dục thì gọi là ly dục, chứ không phải loại kiến sở đoạn.
- (8) Chính Nhẫn Danh Tướng và Thế đệ nhất gọi là nhập được chánh tánh ly sanh.
- (9) Nhập được chánh ly sanh thì 12 tâm là hành hướng, tâm 13 là trú quả (22) .
Đại loại như vậy, học thuyết của Độc tử bộ có nhiều tiết mục khác nhau. Lại nhân giải thích bài chỉnh cú sau đây mà học thuyết bất đồng, nên từ Độc tử bộ lưu xuất 4 bộ nữa là Pháp thượng bộ, Hiền trụ bộ, Chánh lượng bộ và Mật lâm sơn bộ. Bài chỉnh cú được giải thích là như thế này.
- Được giải thoát rồi
- lại còn thoái lui,
- thoái lui do tham
- nhưng vẫn phục hồi,
- đạt đến yên ổn
- thì là an vui,
- do an vui này
- đi đến An vui (23) .
[Về hệ Thượng tọa bộ, đoạn bốn], học thuyết căn bản và đồng nhất của Hóa địa bộ là
- (1) Quá khứ và vị lai là không, hiện tại và vô vi là có.
- (2) Đối với tứ đế, có thể một lúc hiện quán [tổng quát]; khi thấy khổ đế thì thấy được các đế khác: phải thấy [tổng quát] rồi mới thấy được như vậy.
- (3) Tùy miên không phải tâm vương, không phải tâm sở, cũng không sở duyên.
- (4) Tùy miên khác với triền phược.
- (5) Đặc tính tùy miên là tâm bất tương ưng, đặc tính triền phược là tâm tương ưng.
- (6) Dị sinh không loại trừ được [mà chỉ chế ngự được] sự tham dục và sự sân hận của cõi Dục.
- (7) Không có ngoại đạo được 5 thần thông.
- (8) Cũng không có người sống theo phạn hạnh ở trong chư thiên.
- (9) Quyết định không có trung hữu.
- (10) Không có La hán tăng thêm phước nghiệp.
- (11) Năm thức có ô nhiễm và có ly nhiễm.
- (12) Sáu thức toàn thích ứng với tầm tứ.
- (13) Có vị ngang trên đỉnh đầu [3 cõi].
- (14) Có chánh kiến thế gian mà không có tín căn thế gian.
- (15) Không có tịnh lự xuất thế, cũng không có cái tầm vô lậu.
- (16) Thiện pháp không phải nhân tố 3 cõi.
- (17) Dự lưu có thể có thoái chuyển, La hán quyết định không thoái chuyển.
- (18) Tám chi thánh đạo toàn là liên quan với 4 niệm trú.
- (19) Vô vi có 9: trạch diệt, phi trạch diệt, hư không, bất động, chân như nơi thiện pháp, chân như nơi ác pháp, chân như nơi vô ký, chân như nơi các chi thánh đạo, chân như nơi các chi duyên khởi.
- (20) Vào thai là đầu, mạng chết là cuối, [trong thì gian này] sắc căn và đại chủng toàn có chuyển biến, tâm vương với tâm sở cũng có chuyển biến.
- (21) Trong Tăng có Phật, nên hiến cúng Tăng thì được đại quả báo chứ không phải hiến cúng riêng Phật.
- (22) Phật với Thanh văn và Duyên giác đồng đẳng đường đi duy nhất, đồng đẳng giải thoát duy nhất.
- (23) Tất cả các hành toàn là bị diệt trong từng sát na.
- (24) Quyết định không có một chút pháp nào từ đời trước chuyển đến đời sau (24) .
Đại loại như vậy là học thuyết căn bản và đồng nhất của Hóa địa bộ. Còn học thuyết chi tiết và dị biệt của bộ này là
- (1) Thật có quá khứ và vị lai.
- (2) Trung hữu cũng có.
- (3) Toàn thể pháp xứ là cái được thấy biết, cũng là cái được nhận thức.
- (4) Nghiệp đích thực là tư.
- (5) Không có thân nghiệp và khẩu nghiệp.
- (6) Tầm với tứ thích ứng với nhau.
- (7) Địa cầu tồn tại trong thời kỳ lâu dài.
- (8) Hiến cúng Tháp được phước báo nhỏ.
- (9) Tùy miên thì đặc tính thường là hiện tại.
- (10) Uẩn Xứ Giới cũng thường hiện tại (25) .
Học thuyết chi tiết của Hóa địa bộ còn do giải thích 1 bài chỉnh cú sau đây mà có dị biệt.
- Năm pháp quyết định
- có thể buộc ràng,
- mọi nỗi đau khổ
- từ đó phát sinh,
- đó là vô minh,
- tham của cõi Dục,
- ái của cõi Sắc
- và cõi Vô sắc,
- năm thứ thấy sai,
- cùng với các nghiệp (26) .
[Về hệ Thượng tọa bộ, đoạn năm], học thuyết căn bản và đồng nhất của Pháp tạng bộ là
- (1) Phật tuy ở trong Tăng, nhưng hiến cúng riêng Phật thì được đại phước báo chứ không phải Tăng.
- (2) Hiến cúng Tháp thì được đại phước báo.
- (3) Phật với Thanh văn Duyên giác giải thoát tuy đồng nhất mà thánh đạo lại dị biệt.
- (4) Không có ngoại đạo được 5 thần thông.
- (5) La hán thì thân toàn là vô lậu (27) .
Ngoài ra, những học thuyết khác đa số lại đồng nhất với Đại chúng bộ.
[Về hệ Thượng tọa bộ, đoạn sáu], học thuyết căn bản và đồng nhất của Aẫm quang bộ là
- (1) Pháp đã đoạn trừ và đã biến tri thì không, chưa đoạn trừ và chưa biến tri thì có.
- (2) Nghiệp quả đã thành thục thì không, nghiệp quả chưa thành thục là có.
- (3) Có các hành lấy quá khứ làm nhân, mà không các hành lấy vị lai làm nhân.
- (4) Tất cả các hành toàn là bị diệt trong từng sát na.
- (5) Những gì của các vị đang còn tu học đều có quả báo (28) .
Ngoài ra, những học thuyết khác phần nhiều đồng nhất với Pháp tạng bộ.
[Về hệ Thượng toạ bộ, đoạn bảy], học thuyết căn bản và đồng nhất của Kinh lượng bộ là
- (1) Nói các uẩn có thể từ đời trước chuyển đến đời sau — nên đặc biệt danh Thuyết chuyển bộ.
- (2) Không phải tách rời thánh đạo mà có sự vĩnh diệt của các uẩn.
- (3) Có cái uẩn bên căn, có cái uẩn một vị.
- (4) Vị trí dị sinh cũng có thánh pháp.
- (5) Có cái “thắng nghĩa bổ đặc dà la” (29) .
Ngoài ra, những học thuyết khác phần nhiều đồng nhất với Thuyết hữu bộ.
Lược Giải.-
Đây là 6 đoạn còn lại trong 7 đoạn nói về học thuyết của các bộ phái thuộc hệ Thượng tọa bộ. Theo nhận xét của tôi, đừng thấy trong các học thuyết ấy có mục nói Ngã mà vội vã cho là ngoại đạo, là phi chánh pháp, cũng đừng thấy có mục nói Ngã chuyển đến đời sau mà hấp tấp bảo là thường kiến. Ở đây thực sự đã nêu lên vấn đề Ngã. Ngã ấy là thế nào đối với thần ngã mà ngoại đạo cao cấp nói, lại là thế nào đối với đức Ngã trong 4 đức của đại niết bàn mà Đại thừa nói, thì phải cứu xét cho kyծ Mặt khác, điều đáng ngạc nhiên thực sự là không xuất từ các bộ phái thuộc hệ Đại chúng bộ của tôn giả Ba sư ba mà có những tư tưởng về Ngã, mà những tư tưởng về Ngã ấy lại xuất từ các bộ phái thuộc hệ Thượng tọa bộ của tôn giả Ca diếp ba. Xưa nay hay nói Đại chúng bộ tiến thủ, Thượng tọa bộ bảo thủ, chữ tiến thủ có nghĩa xa nguyên thỉ hơn chữ bảo thủ, nói như vậy thực quá sai lầm.
Chỉ nói có thể mà thôi, cũng đã nhận thấy ích lợi mà Luận này đem lại.
Tam tạng pháp sư Huyền tráng phiên dịch Dị tông luận rồi, thuật lại cái ý phiên dịch của mình bằng cách nói bài chỉnh cú sau đây.
Những điều nhìn lại Dị tông luận sau đây, đáng lẽ nên làm một tiểu luận. Nhưng tôi không làm như vậy là vì tôi muốn những điều này đang là suy luận, chưa phải định luận.
(Một)
(1) Thời đại bộ phái phân hóa, luận này ghi đầu bách kỷ 2 sau Phật nhập diệt: ngài Huyền tráng dịch hơn 100 năm, ngài Chân đế dịch 116 năm, và cả 2 ngài đều nói là năm A dục vương đăng quang. Nhưng tài liệu khác, như Thiện kiến tỳ bà sa nói năm 218 (Chính 24/679), Lương Khải Siêu nói năm 219 (Phật học nghiên cứu, bài 11 trang 2).
(2) Nhưng thời đại A dục vương có sự kiện đáng nói hơn, đó là cái mà Thiện kiến luật gọi là kiết tập 3 (Chính 24/678). Ngày rằm tháng 4 Phật nhập diệt, ngày 17 tháng 6, tức đầu mùa an cư năm đó, ngài Ca diếp tổ chức kiết tập 1, với 500 vị ái tận mà “không cho các tỷ kheo khác tham dự, vì sợ họ không phục tùng”. Sau đó 1 bách kỷ, có cái gọi là kiết tập 2. Sau đó nữa, năm 218, A dục vương đăng quang, cử hành kiết tập 3.
(3) Như vậy sự phân hóa bộ phái thực sự đã có vào lúc và chính vì phong cách triệu tập kiết tập 1 của ngài Ca diếp. Phong cách này đã làm cho kiết tập 1 có 2 đại hội : một do ngài Ca diếp chủ tọa, gọi là Thượng tọa bộ, một do ngài Ba sư ba chủ tọa, gọi là Đại chúng bộ. Không những như vậy, một số rất lớn về Phật thuyết đại thừa (là Đại sĩ tạng và Bản sinh tạng) thì bên bỏ, bên lấy. Nhưng cả 2 đại hội của kiết tập 1 đều chỉ tụng lại Phật thuyết, rồi sau đó là khẩu truyền mà học thuộc lòng. Như vậy từ đầu và sau kiết tập 1, những gì Phật thuyết không làm sao tránh khỏi sót và sai.
(4) Tuy vậy, khí thế phân hóa bộ phái chưa có nhiều lắm yếu tố bức xúc ở ngoài. Đến năm 152 sau Phật nhập diệt, A lịch sơn đại xâm nhập Ấn độ, mang theo vào đó ảnh hưởng văn hóa Hy lạp. Sự kiện này bức xúc Phật giáo không nhỏ. Cọng với sự kiện trước hay ngay lúc đầu thời này, phía Đại chúng bộ xuất hiện nhân vật vĩ đại là ngài Đại thiên. Ngài này làm 2 việc quan trọng, ấy là phá hủy tính cách độc quyền về cái gọi là 3 tạng mà kiết tập 1 phía Thượng tọa bộ tụng ra, bằng cách chính thức đưa Đại sĩ tạng và Bản sinh tạng vào 3 tạng; lại phá hủy tính cách độc tôn của quả vị La hán bằng cách đưa ra cái gọi là 5 sự Đại thiên. Như vậy sự phân hóa của các bộ phái đã lên cao độ. Tiếp theo, năm 218 sau Phật nhập diệt, A dục vương đăng quang, truyền bá Phật giáo rộng ra các địa phương vừa có văn hóa vừa có ngữ văn khác nhau. Tình trạng này vừa làm cho Phật giáo thích ứng được với thời đại, vừa đưa đến nhu cầu chép ra văn bản về 3 tạng mà mỗi bộ phái khẩu truyền. Chắc chắn 3 tạng Paly của Thượng tọa bộ chính là cái mà Thiện kiến luật gọi là kiết tập 3, và cùng lúc, như Tây tạng tương truyền, có đến 3 ngữ văn nữa chép 3 tạng của Đại chúng bộ, Chánh lượng bộ và Thuyết hữu bộ.
(5) Sự phân hóa mà chép ra văn bản về 3 tạng này tất nhiên làm cho 3 tạng ấy của mỗi bộ phái càng bị thiếu và bị thêm hơn lên. Rồi dĩ nhiên có cái tình trạng tiếp theo là, chưa nói những sự hủy diệt của những bạo lực ở ngoài, hãy nói có thể chính các bộ phái không dung 3 tạng của nhau. Do vậy, đến nay thấy rõ Đại tạng của Trung hoa và Tây Tạng đều đa dạng, còn Paly nhờ mang đến Tích Lan từ đầu nên còn nguyên hữu (nên xưng nguyên hữu thì được, xưng nguyên thỉ thì rất sai). Cái công cái tội của sự phân hóa là như vậy.
(6) Ngày nay có những người tự cho mình là nguyên thỉ và hay nói Đại thừa là chế biến. Nhưng sự chế biến rõ nhất, không húy kì, là chính sự chế biến của Phật, chế biến không ít từ lý pháp và hành pháp của các ngoại đạo. Ngoại trừ tứ đế có thể nói Phật giáo đặc hữu, gần như không có bao nhiêu chương mục không do chế biến hay điều chỉnh mà có. Đại thừa mà xét ra sẽ thấy nếu nói chế biến thì là chế biến từ Phật thuyết, có thể thêm nữa là chế biến từ học thuyết của các bộ phái. Xét một mặt khác thì, chỉ nói cái lượng của văn bản mà thôi, một đời Phật thuyết chắc chắn không thể chỉ có như Đại thừa hiện giờ, càng không thể chỉ có như Paly. Ấy vậy, kinh sách Đại thừa có thể nói đã bị mất đi nhiều hơn là nói mới trước tác. Từ thời Phật, đại thừa mà không có thì làm sao có tư tưởng của Đại thừa trong các bộ phái?
(Hai)
(7) Thuật ký luận này nói ngài Thế hữu là người của Thuyết hữu bộ, thuộc bách kỷ 4 sau Phật nhập diệt. Lương Khải Siêu cũng nói phải là người trước kỷ nguyên dương lịch. Như vậy tại sao ngài không tự xưng là tôn giả mà tự ghi là bồ tát, mà là đại bồ tát? Không thể nào ngờ vực tư cách trung thực của ngài. Vậy mà ngài tự xưng đại bồ tát thì không thể nói ngài không công nhận Đại thừa, càng không thể nói thời Phật cho đến thời ngài chưa có Đại thừa. Nên trong Hoa tạng, tác phẩm Bà tu mật tập (Chính 28/721-808) thì đề rõ là Tôn Bà tu mật bồ tát sở tập luận, và bài tựa nói luận này là bàng thông Đại thừa.
(8) Thế nhưng mở đầu Dị tông luận, ngài Thế hữu khuyên căn cứ tứ đế mà thẩm định học thuyết của các bộ phái, thì lời khuyên này chỉ là do tính cách Phật giáo đặc hữu quá dễ nhận thức của tứ đế.
(9) Khác với thời đại sau ngài như Đại tỳ bà sa, khác cả với thời đại trước ngài như Thượng tọa bộ và chính Thuyết hữu bộ của ngài, ngài Thế hữu không cho thấy ngài bất kính hay bất tín ngài Đại thiên. Ngay đối với 5 sự của ngài Đại thiên, cũng không thấy ngài có ác cảm gì. Với ngài Đại thiên thứ hai, dầu cho biết vốn là đạo sĩ ngoại đạo, ngài Thế hữu vẫn tán dương là đa văn tinh tiến.
(9b) Về 5 sự Đại thiên, thực chất không phủ nhận sự giải thoát của quả vị La hán, chỉ nói quả vị ấy bất toàn ẫ tức nói chỉ quả vị Phật đà mới toàn hảo. Nhưng 3 sự đầu, “kẻ khác dẫn dụ”, “còn sự không biết”, “còn điều hoài nghi”, cũng vẫn không chỉ trích La hán gì lắm, mà cốt nói phải như Phật đà trải qua 3 vô số kiếp tu Bồ tát hạnh mới không còn những gì thuộc về tập quán và tập quán đã thành bản năng, những gì dầu vô hại cũng vẫn là nhược điểm. Đến như sự “người khác giúp vào” thì đó là đề cao yếu tố Thiện tri thức, và hơi chỉ trích La hán không có tự nhiên trí và vô sư trí như Phật đà; còn sự “thánh đạo nhờ tiếng” thì rõ ràng đề cao cái mà Đại thừa gọi là đốn ngộ, tức sự tỉnh ngộ đột biến, do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tu tập từ đời trước. Như vậy vị La hán nào có 2 sự này thì chính là vị lợi căn, được khen, không phải chỉ trích. Thời Phật, các vị này khá nhiều, trong đó có tiếng là chính trường hợp ngài Xá lợi phất, và cậu ngài là ngài Câu hy la. Thiền tông sau này hay tự cho là thuộc loại này.
(Ba)
(10) Có một điều quan trọng là, qua luận này, các bộ phái phân hóa là về quan điểm học thuyết. Nhưng tôi ngờ rằng đó chỉ là nói một mặt. Rất có thể các bộ phái hình thành không những vì quan điểm học thuyết mà còn vì sinh hoạt giới luật. Trong sự giải thích danh hiệu các bộ phái của ngài Khuy cơ thì thấy không hơn vài bộ đặt tên theo “luật chủ”, nhưng sự ghi chú của dịch giả Văn thù vấn kinh (Chính 14/501) thì hầu hết là “luật chủ”. Lại nữa, Hoa tạng (như bản Đại chính tân tu) thì Luật có đến 5 bộ: Ngũ phần (số 1421) Tăng kỳ (số 1425) Tứ phần (số 1428) Thập tụng (số 1435) và Hữu bộ (số 1442), chưa kể Thiện kiến (số 1462). Mỗi bộ Luật là của 1 bộ phái, và xét tổng quát thì gần như không khác gì nhau cả, chứng tỏ trong cái không khác này mà vẫn có bộ luật riêng, thì sinh hoạt giới luật của các bộ phái không phải không phân hóa, và sự phân hóa ấy có thể không phải không thành vấn đề.
(11) Nhìn mọi quan điểm của các bộ phái mà luận này cho thấy, thì thấy đáng tiếc là Phật không còn. Phật còn thì, với sự phán định của Ngài, ta biết quan điểm nào được Ngài chuẩn nhận. Thế nhưng không phải vì vậy mà cho mọi quan điểm ấy chỉ là để tranh biện.
(12) Trước khi nhìn lại vài quan điểm chi tiết, ta nên nhìn lại quan điểm chính yếu của các bộ phái, thì thấy ít nhất cũng có 3 quan điểm sau đây.
(13) Quan điểm thứ nhất là mục đích luận, tức nhìn lại quả vị La hán. Dầu chính 5 sự Đại thiên cũng không nói quả vị La hán là chưa giải thoát, nhưng quả vị ấy không những Đại chúng bộ mà các bộ phái thuộc hệ Thượng tọa bộ cũng công nhận là bất toàn. Không cho bất toàn thì chỉ có Thuyết hữu bộ. Nhưng không cho một cách công khai theo 5 sự mà lại vẫn cho là bất toàn, rất bất toàn, khi nói không phải các vị La hán đều được vô sinh trí (mục 15), La hán có cái lý thoái chuyển (mục 14) và không phải vị nào cũng có chánh định hiện tiền thường xuyên (mục 41). Cho như vậy quả thật quá đáng đến khó hiểu. Ấy vậy mà Thuyết hữu bộ vẫn tự hào, và ngày nay vẫn có kẻ phụ họa, rằng mình là nguyên thỉ và bảo thủ nhất.
Nhìn lại quả vị La hán bất toàn là nhìn lại quả vị Phật đà mới toàn hảo. Cái nhìn này của Đại chúng bộ thật là đại thừa, qua các mục 1-15. Đặc biệt mục 6 và mục 8 thì rõ ràng nói về báo thân của Phật, và mục 15 thì nói thật hay về sự Phật không còn phát sinh lại nữa phiền não và quả báo phiền não. Chỉ thiếu sự nhìn thấy Phật độ không phải chỉ là một thế giới hệ Sa bà, thiếu sự nhìn thấy Phật thân không phải chỉ là một đức Thích ca, và có lẽ thiếu cả sự nhìn thấy chúng sinh ai cũng có thể thành Phật đà ẫ tôi nói có lẽ thôi, vì mục 42 nói tâm tánh là bản tịnh. Chỉ thiếu có thế. Còn đoạn đức (giải thoát triệt để) trí đức (giác ngộ toàn hảo) và ân đức (giáo hóa chúng sinh) của Phật thì nhìn thấy cả. Như vậy thì quyết định Phật đà không phải cũng chỉ là 1 vị La hán. Quan điểm này Thuyết hữu bộ không công khai thừa nhận, nhưng vẫn thừa nhận gián tiếp khi nói Phật đà đồng nhất với La hán về đoạn đức (mục 45) mà không đồng nhất về trí đức (mục 46). Đối với ân đức của Phật, Thuyết hữu bộ cũng có thái độ ấy khi nói từ bi của Phật là gì (mục 47).
Hễ nói La hán là bất toàn, Phật đà mới toàn hảo, thì luôn theo, Niết bàn cũng được nhìn lại rồi đó. Niết bàn gần như hư vô của La hán không còn được hoàn toàn tán thưởng khi nói đến trí đức và ân đức của Phật. Do vậy, dầu các bộ phái cũng đã phải thừa nhận La hán chưa phải là cái đích toàn hảo và cuối cùng của sự tu hành nhắm đến.
(14) Quan điểm chính yếu tiếp theo là bản thể luận, tức nói về Chân như. Luận này ít nhất cũng kê ra pháp số của 3 bộ nói về vô vi: Đại chúng bộ nói có 9 (mục 41) Thuyết hữu bộ nói có 3 (mục 5) và Hóa địa bộ nói có 9 (mục 19). Nói vô vi là nói Chân như, tức nói Niết bàn. Niết bàn ấy, ở chúng sinh và ở nhiễm pháp là tánh tịnh niết bàn. Thuyết hữu bộ có vẻ bác bỏ quan điểm này (mục 31) nhưng thực ra vẫn thừa nhận quan điểm này (qua hư không vô vi). Trước đó Đại chúng bộ, nhất là sau đó Hóa địa bộ thuộc hệ Thượng tọa bộ, nói 9 vô vi, thì đã tiếp cận đại thừa; và vô vi là Chân như (Niết bàn), mà Chân như là Chân như vô ngã hay Vô ngã như lai tạng (Đại thừa nói rõ như vậy trong Khởi tín và Lăng dà). Các vị tự xưng tiểu thừa nguyên thỉ đừng quên rằng tách rời Chân như thì Phật giáo là duy vật, thì Niết bàn đích thực chỉ là chữ hư vô hay chữ chết viết hoa, thì Phật và sự thuyết giáo của Phật chỉ là nhà hý luận, hý lộng chúng sinh mà thôi. Cũng đừng nghĩ một cách ấu trĩ rằng Chân như khác gì Phạn thể, biến chế Phạn thể mà ra. Chân như không phải là khái niệm trừu tượng mà là bản thể siêu việt, coi phụ lục 1 và phụ lục 2 sau đây cũng tạm rõ.
(15) Quan điểm chính yếu thứ ba là vô ngã luận. Ngã luận như Phạn thiên, Phạn thể, bản ngã, tự ngã, tất cả cách nói ấy của ngoại đạo thì không cần nói đến. Ngã luận ở đây là bổ đặc dà la (pudgala, tựa như thuyết linh hồn của phương Tây). Ấy vậy mà không phải từ hệ Đại chúng bộ, chính từ hệ Thượng tọa bộ mà thật ra là Thuyết hữu bộ, lại có đến 2 bộ nói về bổ đặc dà la một cách rất đáng quan tâm. Đó là Độc tử bộ (các mục 1 và 4) và Kinh lượng bộ (các mục 1, 3, nhất là 5). Câu xá luận để hẳn ra 1 phẩm bài bác quan điểm của Độc tử bộ. Xét ra Độc tử bộ và Kinh lượng bộ không phải là ngoại đạo lộn sòng vào Phật giáo. Nhưng, lưu chuyển (dị dịch chữ luân hồi) là gì, chỉ là “các pháp hủy diệt trong từng sát na, nhưng hủy diệt mà liên tục nên nói có lưu chuyển” (Câu xá, Chính 29/156), đạo lý này không phải thuyết phục được mọi sự thắc mắc. Tuy nhiên, cái “bổ đặc dà la phi tức uẩn ly uẩn” của Độc tử bộ hay cái “bổ đặc dà la thắng nghĩa” của Kinh lượng bộ cũng chưa thể nào, không thể nào là Chân như duyên khởi và a lại da duyên khởi của Đại thừa. Dầu vậy, nói vô ngã không khéo thì là duy vật, mà nói bổ đặc dà la không khéo thì là ngoại đạo. Hãy đọc Đại niết bàn, đoạn Chính 12/378 mà tóm tắt như sau. Như thầy thuốc mà không biết rành rẽ về bịnh và sữa, bảo sữa là thuốc chữa mọi bịnh trong mọi lúc nên làm cho bịnh chết vì sữa. Nếu biết rành rẽ về bịnh và sữa thì biết có bịnh gì lúc nào và sữa gì mới chữa lành. Ngoại đạo nói Ngã là chỉ như sâu ăn lá cây ngẫu nhiên thành chữ mà thôi. Phật vì thuần hóa chúng sinh nên nói vô ngã, lại nói thật ngã.
(16) Đã nói 3 quan điểm chính yếu, nay nói vài quan điểm chi tiết nhưng rất đáng chú ý.
(17) Quan điểm chi tiết 1 là nói về chúng sinh. Tâm tánh bản tịnh, 5 thức là nhiễm mà cũng là tịnh (hay phi nhiễm tịnh), phàm phu có thể đoạn tuyệt tham sân, thân cõi Dục có thể tu mọi hành chứng mọi quả, vị trí dị sinh cũng có thánh pháp, những tiết mục này của các bộ phái rõ ràng chứng tỏ “chúng sinh ai cũng có Phật tánh, ai cũng có thể thành Phật đà”, tư tưởng đại thừa này nguyên thỉ đã có, đã được thừa nhận từ lâu và không ít.
(18) Quan điểm chi tiết 2 là nói về Bồ tát, thì rõ ràng Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ khác hẳn với nhau. Bồ tát ở đây chính yếu là tối hậu thân của Phật. Vậy mà Thuyết hữu bộ nói Bồ tát còn là dị sinh (mục 49). Trái lại, Đại chúng bộ đã nói trước đó rằng Bồ tát không còn có cái gọi là “cách ấm mê” (mục 16). Đi xa hơn nữa, Đại chúng bộ đã nói rất đại thừa về Bồ tát: Bồ tát muốn lợi ích chúng sinh mà nguyện sinh chỗ dữ thì tùy ý sinh đến (mục 20).
(Bốn)
Tôi không thừa nhận Đại thừa không do Phật thuyết, nghĩa là không phải cũng là nguyên thỉ. Song tôi cũng không thừa nhận Đại thừa không có ảnh hưởng của các bộ phái, nên dưới đây tôi muốn nhìn qua ảnh hưởng ấy.
(20) Học thuyết của các bộ phái có những tiết mục làm ta hoan hỷ đến bất ngờ, nhưng cũng có lắm tiết mục làm ta bực mình, nên thấy ngài Long thọ rất chí lý khi dùng Không quán mà quét “bao cố chấp khác nhau”, “bao quan điểm quay cuồng” ấy.
(21) Đối với Thuyết hữu bộ, tôi thiếu hoan hỷ vì lời giải thích sau đây của Thuật ký : Thượng tọa bộ vốn truyền bá về Kinh. Thuyết hữu bộ nổi lên, lại truyền bá nhiều hơn về Luận. Vì thông đạt nghĩa lý nên Thuyết hữu bộ làm cho tăng chúng Thượng tọa bộ khuất phục. Thuyết hữu bộ do vậy mà rất mạnh, Thượng tọa bộ do vậy mà suy yếu. Thuyết hữu bộ chiếm cứ chỗ cũ, Thượng tọa bộ dời vào Tuyết sơn… Lại nữa, …Thượng tọa bộ hiền thánh ít dần, học thuyết suy yếu, không ai truyền bá; Thuyết hữu bộ hiền thánh càng nhiều, học thuyết cường thịnh, ai cũng học tập. Thượng tọa bộ suy yếu như gió tuyết… (Vạn 83/220A). Quả thật Thuyết hữu bộ hiền thánh cường thịnh, tức như ngài Thế hữu tác giả luận này là một. Và trong 20 bộ phái, ngày nay trong Hoa tạng chỉ có tác phẩm học thuyết Thuyết hữu bộ là hoàn chỉnh hơn cả, dẫu tác phẩm ấy đã không có ảnh hưởng gì trong Phật giáo văn hệ Trung hoa. Thế nhưng trước đó, tại Ấn độ, đối với Pháp tướng duy thức học của anh em các ngài Vô trước và Thế thân thì bóng dáng Thuyết hữu bộ rõ rệt, đến nỗi tôi có vài nghĩ ngợi sau đây. Nghĩ ngợi thứ nhất, từ Thuyết hữu bộ sắp đi, nhất là đối với chính Thuyết hữu bộ, Thuật ký mà vạn 83/228A chép, nếu thật của ngài Khuy cơ thì tại sao đã không giải thích như trước đó? Lại giải thích một cách không thiện cảm mục 5 của Tuyết sơn bộ vốn do Thượng tọa bộ chuyển danh, rằng Thuyết hữu bộ giữ được bản tông nên không có 5 sự Đại thiên, Tuyết sơn bộ đánh mất bản tông nên nói La hán có 5 sự ấy (Vạn 83/230A). Nghĩ ngợi tiếp theo, Kinh lượng bộ nói có cái “uẩn bên căn” và có cái “uẩn một vị” (mục 3), nói như vậy có hay không có ảnh hưởng đối với chính cái bản thức của Pháp tướng duy thức học?
Chân như do không và vô ngã hiển lộ thì không phải có và không, siêu việt tư duy và ngôn ngữ, đối với các pháp không phải đồng nhất hay dị biệt. Là chân lý của các pháp, nên gọi là pháp tánh; thoát ly chướng ngại, nên gọi là hư không; do sức quyết trạch hủy diệt tạp nhiễm mà cứu cánh chứng hội, nên gọi là trạch diệt; không do sức quyết trạch mà là bản tánh thanh tịnh, hoặc do thiếu duyên tố mà hiển lộ, nên gọi là phi trạch diệt; cảm giác khổ vui đều diệt, nên gọi là bất động; tư tưởng và cảm giác không còn hiện hành, nên gọi là tưởng thọ diệt. – Tất cả 5 pháp này đều do Chân như mà giả thiết. Chân như cũng là cái tên giả thiết: ngăn sự chấp không nên nói là có, cản sự chấp có nên nói là không, không phải huyễn ảo nên nói là thật tánh, không phải hư vọng nên nói là chân như ẫ Không như các tông phái khác nói ngoài các pháp sắc và tâm có cái thật có và thường còn gọi là chân như.
Tánh như hữu là chân như nơi các pháp nhiễm tịnh, chân như ấy gọi là tánh như hữu. Chân như ấy có 7: 1 là chân như nơi sự lưu chuyển, tức cái tánh không mở đầu không chấm hết của các hành; 2 là chân như nơi các tướng, tức cái tánh nhân vô ngã và pháp vô ngã của các pháp; 3 là chân như nơi sự liễu diệt, tức cái tánh duy thức của các hành; 4 là chân như nơi sự an lập, tức thánh đế về khổ mà Như lai nói; 5 là chân như nơi sự tà hành, tức thánh đế về tập mà Như lai nói; 6 là chân như nơi sự thanh tịnh, tức thánh đế về diệt mà Như lai nói; 7 là chân như nơi sự chánh hành, tức thánh đế về đạo mà Như lai nói. Nên biết trong đây do chân như nơi sự lưu chuyển, nơi sự an lập và nơi sự tà hành nên tất cả chúng sinh rất là bình đẳng; do chân như nơi các tướng và nơi sự liễu biệt nên tất cả các pháp rất là bình đẳng; do chân như nơi sự thanh tịnh nên Thanh văn bồ đề, Độc giác bồ đề và Vô thượng bồ đề rất là bình đẳng; do chân như nơi sự chánh hành nên cái tuệ của chỉ quán siêu việt vin vào pháp tổng quát, sau khi nghe giáo pháp, rất là bình đẳng.
Bảy chân như này, Thành duy thức luận nói vắn tắt như sau, càng rõ: 1 là Chân như nơi sự lưu chuyển, tức thực tánh của các pháp hữu vi lưu chuyển; 2 là Chân như nơi sự thực tướng, tức thực tánh của 2 vô ngã hiển lộ; 3 là Chân như nơi sự duy thức, tức thực tánh của các pháp nhiễm tịnh duy thức; 4 là Chân như nơi sự an lập, tức thực tánh của khổ; 5 là Chân như nơi sự tà hành, tức thực tánh của tập; 6 là Chân như nơi sự thanh tịnh, tức thực tánh của diệt; 7 là Chân như nơi sự chánh hành, tức thực tánh của đạo. Tất cả 7 thực tánh này toàn là viên thành thực tánh (Chân như) (Chính 16/46).
15.12.2532
- Ghi Chú (1)
- Thiện kiến luật tỳ bà sa (Sananta asadi anama vinayatthakatha) là số 1462 của Đại tạng kinh bản Đại chính. Bộ sách này là giải thích luật Paly. Tài liêu về sử Pg, nhất là Pg liên hệ Paly và Tích lan, khá nhiều và đáng quan tâm.
- Ghi Chú (2)
- Tức rằm tháng 4 âm lịch.
- Ghi Chú (3)
- Pava.
- Ghi Chú (4)
- Subhadda – mahallaka.
- Ghi Chú (5)
- Sutta, geyya.
- Ghi Chú (6)
- Sadhukilama.
- Ghi Chú (7)
- Dhatupuja.
- Ghi Chú (8)
- Anurudhatthera.
- Ghi Chú (9)
- Pattacivara.
- Ghi Chú (10)
- Vebharapabbatapassa Sattapanniguhad-vara.
- Ghi Chú (11)
- Kayagataya satiya vitinametva.
- Ghi Chú (12)
- Camkama.
- Ghi Chú (13)
- Nguyên văn tự ghi chú như vậy.
- Ghi Chú (14)
- Dhammasabha.
- Ghi Chú (15)
- Số 1852 của Đại tạng kinh bản Đại chính. Tác giả là đại sư Cát tạng (Gia tường đại sư), vị sơ tổ của Tam luận tông, uyên bác và đáng tin.
- Ghi Chú (16)
- So âm lịch là rằm tháng 4 và rằm tháng 6.
- Ghi Chú (16B)
- Là 1 trong 5 vị tỷ kheo đầu tiên. Ba sư ba là Vaspa hay Baspa, tức là ngài Thập lực ca diếp (Dasabala Kasyapa) (Phật học đại từ điển, trang 511, 1882; Phật bản hạnh, Chính 3/812d).
- Ghi Chú (17)
- Bài chỉnh cú này được gọi là 5 sự Đại thiên.
- Ghi Chú (18)
- Số 1507 của Đại tạng kinh bản Đại chính, giải thích Tăng nhất a hàm.
- Ghi Chú (19)
- Sự kiết tập của ngài Ca diếp đã bị sự chỉ trích trực tiếp của trưởng lão Phú lan na (vị tỷ kheo thứ 7 của Phật, chứ không phải là ngài Phú lâu na) (Thế giới Pg thông sử, tập thượng, trang 48). Nhưng tôi chắc sự chỉ trích ấy không ít như xuất xứ này phát hiện.
- Ghi Chú (20)
- Là số 1425 của Đại tạng kinh bản Đại chính, do ngài Pháp hiển dịch, quãng đầu thế kỷ 4.
- Ghi Chú (21)
- Có 9 vị đi 9 nơi, sau khi kiết tập pháp tạng lần thứ 3. (Thiện kiến luật, Chính 24/684); Thế giới Pg thông sử, tập thượng, trang 64 – 65).
- Ghi Chú (22)
- Nhưng có đến 3 cái được gọi là kiết tập 3. Paly là cái thứ 2. Cái thứ 1 là do ngài Độc tử chủ trì, Nan đà vương làm hộ chủ. (Thế giới Pg thông sử, tập thượng, trang 53).
- Ghi Chú (23)
- Khác với nhiều chỗ nói là 500, luận Trí độ nói 1000 (coi tài liệu 2). Ở đây cũng nói 1000.
- Ghi Chú (24)
- Sonaka = Yasatthera.
- Ghi Chú (25)
- Sử gọi là Thượng tọa phân biệt thuyết bộ (Nguyên thỉ Pg thánh điển chi tập thành, trang 48).
- Ghi Chú (26)
- Thế giới Pg thông sử, tập thượng, trang 66.
- Ghi Chú (27)
- Thí dụ Thế giới Pg thông sử, tập thượng, trang 100, đã ghi. Đại chúng bộ không phải không có luận. Khi ngài Pháp hiển lưu học Ấn độ, thì trong 1 ngôi chùa đại thừa ở Ba liên phất (Pataliputra) đã học A tì đàm của Ma ha tăng kỳ. Ngài Huyền tráng lưu học Ấn độ, cũng đã ở nước Đà na kiết trách ca (Dhanakataka) học đến mấy tháng về Căn bản a tì đạt ma của Đại chúng bộ, Phạn bản mà ngài đem về cũng có luận của bộ ấy, nhưng đã không dịch ra.
- Ghi Chú (28)
- Khi sách này lên khuôn, tôi ngẫu nhiên thấy 1 tài liệu (Phật học đại từ điển, Đinh Phúc Bảo, trang 2300) nói Phật dùng ngữ văn địa phương bấy giờ của nước Ma Kiệt đà làm Phật ngữ. Kinh văn loại Phật ngữ này nay không tìm không tìm được. Do lời ghi này, tôi ngờ Đại hội 1 hay Đại hội 2 của kiết tập 1 ( cùng cử hành ở Ma Kiệt đà, Magadha) có thể đã chép ra văn bản liền, và văn bản ấy tôi ngờ chính là cái gọi là 3 tạng magadha. Nếu suy luận này mà đúng thì nói kiết tập 1 là tụng lại, sau đó chỉ khẩu truyền, đều không hoàn toàn đúng. Lại nữa, nếu suy luận này mà đúng thì cái gọi là Phật giáo nguyên thỉ phải là những gì 2 đại hội của kiết tập 1 đã tụng lại (và có thể đã chép ra văn bản), chừ không phải các bộ A hàm và Luật của tạng Paly và Hán tạng mà được gọi là Phật giáo nguyên thỉ.
- Ghi Chú (1)
- Coi ghi chú 5 .
- Ghi Chú (2)
- Nói như vậy là chỉ nói cái lỗi của sự phân hóa.
- Ghi Chú (3)
- Ấy là cắt nghĩa mệnh đề luận này. Mệnh đề ấy là Dị bộ tông luân luận: luận văn (luận) lược thuật những học thuyết mà thực chất là tương quan bất định như bánh xe xoay chuyển (tông luân) của các bộ phái khác nhau (dị bộ).
- Ghi Chú (4)
- Nhận định này cho thấy bồ tát Thế hữu vẫn muốn nói một cách rất giới hạn về cơ sở của toàn bộ Phật giáo.
- Ghi Chú (5)
- Ấy là nói niên đại đăng quang của A dục. Nhưng ngày nay nói A dục đăng quang hơn 200 năm sau Phật nhập diệt, tức năm 277 trước dương lịch. Thiện kiến luật nói A dục vương tự lập làm vua, từ đó trở lui Phật niết bàn đã 218 năm (Chính 24/679d, với các chú thích 31 và 32). Nhưng tuồng như, theo Thiện kiến luật (Chính 24/678), có 2 A dục vương. Người trước là thời kỳ 118 năm sau Phật nhập diệt, và đó có thể là người mà luận Dị tông này nói. Luận này nói có 2 ngài Đại thiên, ngài trước là người thời A dục vương thứ nhất. Như vậy A dục vương đăng quang 218 sau Phật nhập diệt là người thứ hai. Xin ghi để cứu xét.
- Ghi Chú (6)
- Thực sự chỉ cho toàn xứ Ấn độ và các vùng lân cận.
- Ghi Chú (7)
- Phân hóa 2 bộ căn bản là do ngài Ca diếp, nhưng gây ra tranh biện và phân hóa học thuyết chính là vì sự hạ giá quả vị La hán của 5 sự Đại thiên.
- Ghi Chú (8)
- Rồng voi là các vị có thế và ỷ thế, biên dã là các vị chưa thuần, đa văn là các vị học rộng, đại đức là các vị cao cả. Thành phần đại tăng như vậy mà mâu thuẫn nhau thì làm sao không thành bè phái và bè phái có bề thế.
- Ghi Chú (9)
- Nói vắn tắt và không bị ảnh hưởngg của sự xuyên tạc, thì bài chỉnh cú này có nghĩa nhận định Phật giáo chính xác là phải thấy đạo quả La hán còn có 5 nhược điểm sau đây, nhưng toàn là nói có vị chứ không phải nói tất cả. Một, vẫn còn xuất tinh vì tinh thừa một cách bình thường, không phải là xuất tinh vì ý tưởng dâm dục. Hai, vẫn còn sự không biết vô hại, không phải là sự không biết có hại. Ba, vẫn còn sự nghi hoặc vô hại, không phải là sự nghi hoặc có hại. Bốn, vẫn có vị nhờ người khác giúp cho mà biết vào đạo, lại nhờ người khác nói cho, chuẩn nhận cho, mới biết đã chứng vào đạo quả. Năm, có vị ngộ đạo nhờ âm thanh thuyết pháp, trong đó có sự thuyết khổ (và sự than khổ). Bài chỉnh cú này, như vậy, chứng tỏ La hán chưa phải Phật quả, Phật quả mới toàn hảo. Những kẻ chống đối bài chỉnh cú này đã chữa 2 câu chót như sau : Đại thiên nói thế, là phi Phật giáo. Nhưng xét qua mà thôi cũng đã thấy 5 sự ấy quan trọng, vì rõ ràng sự 5 đã nói đến một hình thức đốn ngộ.
- Ghi Chú (9B)
- Ngài Đại thiên thứ 2 này, như vậy là người thời đại hơn 200 năm sau Phật nhập diệt, trùng với thời đại A dục vương thứ thứ 2 là 218 năm.
- Ghi Chú (10)
- Đại chúng bộ có 4 hay 5 lần phân hóa: 4 lần phân hóa là phân 3, phân 1, phân 1 và phân 3, thành 8 bộ ngọn; 5 lần phân hóa là cọng với lần đầu phân hóa với Thượng tọa bộ mà thành 1 bộ gốc. Kể riêng ra gốc và ngọn như vậy mới hợp lại thành 9 bộ. 1, Đại chúng bộ là bộ phái gồm có tất cả thành phần già trẻ thánh phàm. 2, Nhất thuyết bộ là bộ phái nói các pháp thế gian và xuất thế đồng nhất (nhất) là giả danh (thuyết). 3, Thuyết xuất thế bộ là bộ phái nói các pháp xuất thế toàn là thật có. 4, Kê dận bộ là bộ phái gọi theo tên bộ chủ. 5, Đa văn bộ là bộ phái gọi theo sở trường đa văn của bộ chủ. 6, Thuyết giả bộ là bộ phái do đệ tử của tôn giả Đại ca đa diễn na làm bộ chủ, nói các pháp thế gian và xuất thế loại nào cũng có môểt phần là giả. 7, Chế đa sơn bộ, 8, Tây sơn trú bộ, 9, Bắc sơn trú bộ, là 3 bộ phái gọi theo chỗ ở của bộ chủ.
- Ghi Chú (10B)
- Là gọi tắt tên Thuyết nhất thế hữu bộ.
- Ghi Chú (11)
- Thượng tọa bộ có 7 hay 8 lần phân hóa: 7 lần phân hóa là phân 2, phân 1, phân 4, phân 1, phân 1, phân 1, phân 1, thành 11 bộ ngọn; 9 lần phân hóa là cọng với lần đầu phân hóa với Đại chúng bộ, thành bộ gốc là Thượng tọa bộ mà nay đã chuyển danh Tuyết sơn bộ nên không kể nữa. Kể rành rẽ gốc ngọn như vậy thì hệ Thượng tọa bộ thành 11 bộ. 1, Thuyết hữu bộ là bộ phái nói các pháp toàn là thực hữu, lại hay nói nguyên nhân nên cũng gọi là Thuyết nhân bộ, chiếm cứ chỗ của bộ gốc là Thượng tọa bộ. 2, Tuyết sơn bộ là chính Thượng tọa bộ dời đến Tuyết sơn và đổi tên theo chỗ ở mới; nhưng cắt nghĩa như vậy có thể không đúng bằng một cách cắt nghĩa khác, rằng bộ này bấy giờ suy tàn như gió tuyết mùa đông, nên gọi là Tuyết sơn bộ. 3, Độc tử bộ là bộ phái gọi theo họ luật chủ. 4, Pháp thượng bọẤ là bộ phái gọi theo tên luật chủ, và tên ấy có nghĩa là phẩm chất vượt trên mọi người. 5, Hiền trụ bộ là bộ phái gọi theo tên bộ chủ, và tên ấy có nghĩa là con cháu của ngài Hiền la hán. 6, Chánh lượng bộ là bộ phái lập nghĩa theo sự lượng định chính xác. 7, Mật lâm sơn bộ là bộ phái gọi theo tên chỗ ở của bộ chủ. 8, Hóa địa bộ là bộ phái gọi theo tên bộ chủ, mà bộ chủ vốn là một quốc vương giáo hóa (hóa) vương quốc của mình (địa) nên có tên như vậy. 9, Pháp tạng bộ là bộ phái gọi theo tên bộ chủ, và bộ chủ nói 5 kho tàng chánh pháp, đó là Kinh, Luật, Luận, Minh chú, Bồ tát. 10, Aẫm quang bộ là bộ phái gọi theo tên bộ chủ, và vị bộ chủ này lúc nhỏ đã có hiền đức nên tên là Thiện tuế, do đó Aẫm quang bộ cũng gọi là Thiện tuế bộ. 11, Kinh lượng bộ là bộ phái chỉ lấy Kinh làm chuẩn, nên thờ ngài A nan làm thầy, và nói chỉ có chủng tử liên tục chuyển đến đời sau nên cũng gọi Thuyết chuyển bộ.
- Ghi Chú (12)
- Học thuyết căn bản và đồng nhất, học thuyết chi tiết và dị biệt, chính văn là bản tông mạt tông, đồng nghĩa dị nghĩa.
- Ghi Chú (13)
- Đoạn này, cũng như tất cả các đoạn sau, đánh số là do tôi làm cho dễ hiểu. Tôi lại tạm chia đoạn này làm 4 đoạn nhỏ, cũng để dễ hiểu mà thôi: 1. quan điểm về Phật, có 15 mục (1-15); 2. quan điểm về Bồ tát, có 5 mục (16-20); 3. quan điểm về tu chứng (hay về Tăng), có 19 mục (21-39); 4. quan điểm về giáo lý, có 9 mục (40-48). Trước khi ghi chú, cần nhắc một điều là các mục ở đây, và ở các đoạn sau đây, đừng quá hiểu theo văn nghĩa thông thường. Sau đây là ghi chú các mục theo Thuật ký, chỉ ghi chú mà không cần lục chính văn. Mục 1, thân Phật thì hơn tất cả chúng sinh và hiền thánh. Mục 2, 18 giới nơi Phật toàn là vô lậu, 3 nghiệp cũng vậy. Mục 3, nói nôm na, Phật nói gì cũng là nói Pháp, không phải chỉ nói 8 thánh đạo mới là chuyển pháp luân. Mục 4, là như Duy ma nói, nghe Phật nói thì mỗi người hiểu một cách và tự diệt trừ phiền não được cả. Mục 5, vì Phật không nói vô ích, mà là nói đúng chỗ, đúng lúc, đúng người và đúng pháp. Mục 6, ấy là như Hoa nghiêm nói báo thân của Phật. Mục 7, là nói thần thông của Phật. Mục 8, là như Pháp hoa nói thọ lượng của Phật . Mục 9, là nói Phật từ bi vô hạn, hóa thân vô cùng, không nhập niết bàn. Mục 10, vì Phật luôn luôn ở trong trạng thái chánh định. Mục 11, dễ hiểu. Mục 12, là như Duy thức học nói không đợi suy nghĩ mà danh (danh từ) cú (danh ghép lại) và văn (cú ghép lại) tự thành. Mục 13, là như Duy thức học nói tâm vương của Phật biết cả tự tánh và sai biệt. Mục 14, là như Bát nhã nói tuệ giác của Phật biết toàn thể và cùng tận. Mục 15, trí tận diệt là tận trí, trí không sinh là vô sinh trí ; trí Phật hiện hành thường xuyên, và cái dụng của trí ấy diệt khổ hiện tại nên gọi là tận trí, diệt khổ vị lai nên gọi là vô sinh trí ẫ đó là lý do tại sao Phật không còn trở lại làm chúng sinh. Có thể coi 15 mục này là quan điểm đối với Phật. Các mục 16 – 18 dễ hiểu. Mục 19, hễ nhập vô số kiếp 2 thì vĩnh viễn không dục, sân và hại. Mục 20, Bồ tát có 3 giai đoạn: giai đoạn bất định là vô số kiếp 1, giai đoạn côắ định là vô số kiếp 2, giai đoạn thọ ký là vô số kiếp 3; 2 giai đoạn sau mới tự tại mà sinh mà ở mà chết trong các ác đạo. Có thể coi 5 mục này là quan điểm đối với Bồ tát tối hậu thân. Mục 21, cái trí ngoại biên hiện quán, chính văn là hiện quán biên trí, khác với hiện quán chân trí : cái trí chân thật hiện quán; cái trí ngoại biên hiện quán có sau kiến đạo, một thoáng mà biết sự sai biệt của tứ đế, không như kiến đạo chỉ biết sự tổng quát của tứ đế mà thôi. Mục 22, tu học hay bình thường, lúc nào 5 thức cũng vẫn vừa nhiễm vừa tịnh, vì thực chất 5 thức thông cả hữu lậu vô lậu. Mục 23, vì cho 3 cõi đều có sắc pháp, dầu có một cách vi tế, nên Sắc giới và Vô sắc giới vẫn có 6 thức. Mục 24, căn chỉ là tăng thượng duyên cho thức biết cảnh. Mục 25, đẳng dẫn (tam ma hê đa, sammahita) là sự chuyên chú do định lực dẫn ra ; đẳng dẫn vẫn có cái ý tản mạn, nghĩa là chưa cực thuần. Mục 26, việc làm hoàn tất (sở tác dĩ biện) là tu học hoàn tất, và giai đoạn này thì đối cảnh chỉ biết cảnh do duyên sinh, không còn chấp thủ gì cả. Mục 27, sơ quả thì tâm thức không những biết tự tánh như bình thường mà còn tự biết đắc quả. Mục 28, thế nhưng có thể có vị La hán có 1 đến 5 sự mà ngài Đại thiên nói. Mục 29 và mục 30, khổ, và kêu khổ, cũng có thể dẫn ra tu đạo, cũng có thể mà thôi. Mục 31, giới với định chỉ là phụ giúp, tuệ mới là chính yếu, trong sự diệt khổ và dẫn đến niết bàn. Mục 32, khổ, cũng như vui, như trung tính, tất cả cảm giác đều có tính cách duy trì sự sống nên gọi là ăn. Từ mục 29 đến đây cho thấy, đối với khổ, không những đối đầu, đối trị, mà còn sử dụng, trong việc tu chứng. Mục 33, lấy quả La hán làm 1, kể trở lui đến hướng Dự lưu là 8, hướng Dự lưu cũng lâu, nhưng không phải lâu là đời này đời khác. Mục 34, Thế đệ nhất, chính văn là tánh địa. Mục 35, dễ hiểu. Mục 36, không công nhận ngoài Phật pháp mà có chánh kiến và chánh tín. Mục 37, không cho có cái gọi là trung tính trong hành vi và hậu quả. Mục 38, nhập kiến đạo (chánh tánh ly sanh) thì không còn những gì ràng buộc vào sinh tử nữa. Mục 39, sơ quả nếu có thể thì có thể làm gì đi nữa cũng không còn làm 5 tội nghịch. Hãy coi 19 mục này là quan điểm về tu chứng, về Tăng. Mục 40, do mục 3 nên kinh Phật nói toàn là hoàn hảo. Mục 41, vô vi có 9, tựu trung, duyên khởi tánh là tánh của 12 chi duyên khởi, thánh đạo tánh là tánh của 8 chi thánh đạo; nói vô vi có 9 như thế, chứng tỏ bản tánh các pháp nhiễm tịnh toàn là vô vi. Mục 42, dễ hiểu. Mục 43, tùy miên có 10, nếu là tâm sở thì lúc vô tâm lẽ ra đã là thánh. Mục 44, triền phược là phiền não hiện hành, nên xếp vào loại tương ưng (tâm sở), còn tùy miên nên xếp vào loại bất tương ưng. Mục 45, hiện hữu mới gọi là thực hữu. Mục 46, pháp xứ (mọi ấn tượng) chỉ là đối tượng thông đạt. Mục 47, không công nhận trung hữu, vì cho không có sự cách hở giữa tử hữu và sinh hữu ; sự cách hở thì gian chỉ là đẳng vô gián duyên. Mục 48, dễ hiểu; tịnh lự là dị danh của thiền. Tất cả 48 mục này là học thuyết căn bản và đồng nhất của 4 bộ : Đại chúng bộ, Nhất thuyết bộ, Thuyết xuất thế bộ, Kê dận bộ.
- Ghi Chú (14)
- Tất cả 9 mục này là học thuyết chi tiết và dị biệt của 4 bộ nói trên. Các mục 1 đến 5, dễ hiểu, nhưng nên biết mục 1 khác mục 21 ở trên, mục 4 vì cho phiền não là tùy miên, mục 5 là do mục 45 ở trên. Mục 6, vì cho sắc pháp là sinh diệt với thì gian dài : hạt giống chuyển thành mầm mộng, không phải hạt giống mất mầm mộng mới sinh. Mục 7, tâm và tâm sở không chuyển biến là không chuyển biến với thì gian dài như sắc pháp, bởi vì tâm với tâm sở chuyển biến ngay trong từng sát na. Mục 8, ý thức vi tế cùng khắp cả cơ thể. Mục 9, dễ hiểu.
- Ghi Chú (15)
- Tất cả 5 mục đều dễ hiểu.
- Ghi Chú (16)
- Mục 1, khổ là bức bách, uẩn không phải bức bách. Mục 2, xứ cũng là tích tụ nên cũng là giả. Mục 3, các hành là pháp hữu vi, chỉ cho 5 uẩn, nói giản dị là chỉ cho thân tâm và thế giới của ta đây; đối với thân tâm và thế giới ấy ta sống bằng quan niệm so sánh nên cảm thấy khổ, không đợi nhân lực (sĩ dụng hay sĩ phu dụng) gây ra mới khổ. Mục 4, không có cái chết nào là chết ngang, mà là do nghiệp cả. Mục 5, do nghiệp, mà là nghiệp tăng trưởng, mới làm nhân mà có nghiệp quả. Mục 6, phải có phước như giữ giới bố thí mới chứng được thánh đạo. Mục 7, thánh đạo chứng rồi thì không có vấn đề lui mất.
- Ghi Chú (17)
- Mục 1, chưa được Nhẫn vị thì chưa thoát ác đạo. Mục 2, vì Tháp là pháp phi tình. Mục 3, dễ hiểu.
- Ghi Chú (18)
- Xin coi lại Dẫn nhập, phần ba của đoạn 1. Ở đó đã nói đoạn này tôi ghi chú và lược giải bằng cách phải tự thực kỷ lực.
- Ghi Chú (19)
- Như đã nói, ở đây là hệ Thượng tọa bộ mà nói Thuyết hữu bộ là vì bộ này chiếm cứ Thượng tọa bộ, còn Thượng tọa bộ thì lui vào thế yếu là Tuyết sơn bộ và không thấy còn gì nữa. Do vậy, nói hệ Thượng tọa bộ không xác bằng nói hệ Thuyết hữu bộ.
- Ghi Chú (20)
- Mục 1 và mục 2, nói nhất thế hữu là có 2 cách nhìn: nhìn không gian tính thì là danh (tâm lý) và sắc (vật lý) đều thật, nhìn thì gian tính thì quá khứ và vị lai cũng thật, đối kháng với Đc/45 (mục 45 của Đại chúng bộ). Mục 3, đối kháng với Đc/46. Mục 4, hành uẩn có 2: tâm tương ưng (bao gồm tất cả tâm vương tâm sở và sắc pháp) và tâm bất tương ưng (bao gồm tất cả trừu tượng của 3 loại trên); sinh già sống chết thuộc loại tâm bất tương ưng, và sống, chính văn là trú, chết, chính văn là vô thường. Mục 5, 3 hữu vi là sinh, trú, diệt (trú là dị, nên trú dị là tiếng kép); 3 vô vi là trạch diệt, phi trạch diệt, hư không ẫ vô vi có 3 là đối kháng với Đc/41. Mục 6, sinh trú diệt là 3 thực thể (tựa như nói định luật) làm cho các pháp sinh trú diệt (chứ không phải chỉ là 3 trừu tượng gọi sự sinh ra, sự tồn tại và sự diệt mất của các pháp). Mục 7, 3 đế hữu vi là khổ, tập, đạo (nhưng khổ và tập là hữu vi hữu lậu, đạo là hữu vi vô lậu), 1 đế vô vi là diệt. Mục 8, đối kháng với Đc/21; tuần tự, chính văn là tiệm (dần dần, khác với đốn: liền liền, cùng lúc). Mục 9, chánh tánh ly sanh (chánh cũng gọi là thánh) là kiến đạo vị; ở đó vô lậu trí (chánh tánh) diệt phiền não mà thoát ly hẳn cái sanh của phàm phu (nên gọi là ly sanh). Mục 10, lặp lại một phần của mục 9. Mục 11, 16 tâm là quán 4 đế, mỗi đế có pháp và loại, pháp và loại đều có nhẫn và trí (thí dụ khổ thì có khổ pháp nhẫn, khổ pháp trí, khổ loại nhẫn, khổ loại trí) thành 16 tâm; trong 16 tâm này, 15 tâm đầu là hướng về kiến đạo (hướng quả), tâm cuối cùng (đạo loại trí) là ở vào kiến đạo (trú quả). Mục 12, (?). Mục 13, đối kháng với Đc/34. Mục 14, đối kháng với Đc/35; nhưng tại sao? Mục 15, tại sao? Mục 16, phàm phu, chính văn là dị sanh (sanh khác thánh giả). Mục 17 và mục 18, dễ hiểu. Mục 19, 7 đẳng chí là 4 thiền và 3 định (vô sắc định), giác chi là 7 giác chi trong 37 bồ đề phần. Mục 20, dễ hiểu. Mục 21 và mục 22, (?). Mục 23 và mục 24, dễ hiểu. Mục 25, vì 2 nơi này (mà nơi sau, trời Vô tưởng, là nơi ngoại đạo cho là niết bàn) không có hiện quán và giải thoát. Mục 26, dễ hiểu. Mục 27, (?). Mục 28, dễ hiểu. Mục 29, đối kháng với Đc/43 và 44; cũng cần nói, ở đây, triền phược là phiền não mà phần hiện khởi, tùy miên là phiền não mà phần ẩn núp. Mục 30, vì tùy miên hẹp, triền phược rộng. Mục 31, đối kháng với Đc/41. Mục 32, khó hiểu. Mục 33, nghiệp có 3, là phi phước nghiệp, phước nghiệp và bất định nghiệp; phước nghiệp ở đây khác hơn thiện pháp một chút (ở mục 56). Mục 34, đối kháng với Đc/47. Mục 35, phần đầu là đối kháng với Đc/22. Mục 36 và mục 37, dễ hiểu. Mục 38, (?). Mục 39, đối kháng với Đc/36 và 37. Mục 40, (?). Mục 41, không phải La hán thường ở trong trạng thái chánh định. Mục 42 và mục 43, dễ hiểu. Mục 44, ở trong trạng thái chính thức của định lực thì không có sự chết. Mục 45 và mục 46, Phật với Thanh văn Duyên giác có thể đồng đẳng về đoạn đức (niết bàn) mà không đồng đẳng về trí đức (bồ đề). Mục 47 và mục 48, từ bi của Phật là pháp duyên từ và vô duyên từ mà nói nôm na là như thầy thuốc chỉ thấy bịnh và chữa bịnh, bất kể bịnh nhân là ai. Mục 49 và mục 50, dễ hiểu; nhưng đây là Bồ tát không phải tối hậu thân, dưới cả kiến đạo vị. Mục 51, chúng sanh là dị sanh tánh, thuộc tâm bất tương ưng hành pháp: là cái tên để gọi sự liên tục chấp thọ sắc căn. Mục 52, vì bị diệt (mà liên tục) trong từng sát na nên gọi là hành. Mục 53, là khẳng định vô ngã (theo thắng nghĩa đế), nên nói luân hồi là nói theo giả thiết, nên luân hồi là giả thiết bởi bổ đặc dà la chỉ có theo thế tục đế (bổ đặc dà la: pudgala, dịch nghĩa là nhân, chúng sinh, sác thủ thú, tức như Âu Myՠnói linh hồn). Mục 54, bổ túc cho mục 53: bị diệt hoàn toàn là bị diệt mà liên tục ngay trong từng sát na. Mục 55, tứ thiền cũng có loại dẫn ra niết bàn, cũng như tầm (tầm tư) cũng có thứ không là tạp nhiễm. Mục 56, thiện pháp ở đây hơi khác phước nghiệp ở mục 33. Mục 57, đối kháng với Đc/25. Mục 58, đối kháng với Đc/3. Mục 59, đối kháng với Đc/4. Mục 60, đối kháng với Đc/5. Mục 61, đối kháng với Đc/40.
- Ghi Chú (21)
- Tất cả 5 mục đều dễ hiểu, về ý nghĩa lẫn sự đối kháng. Điều đáng ngạc nhiên là Tuyết sơn bộ, vốn do Thượng tọa bộ chuyển danh, mà công nhận 5 sự Đại thiên (mục 5).
- Ghi Chú (22)
- Mục 1, không phải đồng nhất hay độc lập với uẩn, chính văn là phi tức uẩn ly uẩn. Thuật ký giải thích mục này như sau: Độc tử bộ nói bổ đặc dà la không phải tức uẩn ly uẩn. Nghĩa là cho có cái Ngã thật, không phải hữu vi hay vô vi, nhưng không tức không ly đối với các uẩn. Phật nói vô ngã, chỉ là vô cái ngã tức uẩn hay ly uẩn ẫ những cái ngã của ngoại đạo tà chấp. Vô tất cả cái ngã ấy, chứ không phải vô cái Ngã bất khả thuyết và phi tức uẩn ly uẩn. Đã bất khả thuyết thì cũng bất khả ngôn rằng hình lượng lớn hay nhỏ… Cho đến thành Phật, Ngã này thường còn. Mục 2, Thuật ký giải thích: Ngã không phải tức uẩn ly uẩn thì xứ và giới cũng vậy, không thể nói tức hay ly xứ và giới. Nên thế gian nói sắc là ngã cho đến nói pháp là ngã, chỉ là những danh từ giả thiết bởi uẩn, xứ, giới, chứ Ngã thâểt không phải uẩn, xứ, giới. Mục 3, các hành như tâm pháp thì sát na sinh diệt, như sắc pháp thì tạm thời tồn tại. Mục 4, Thuật ký giải thích : ý nói pháp (uẩn xứ giới) không di chuyển, vậy có thể nói mạng diệt thì pháp cũng diệt; nhưng vì Ngã bất diệt nên có thể từ đời này đến đời khác, và pháp không rời Ngã, vậy cũng có thể nói pháp di chuyển. Mục 5, dễ hiểu. Mục 6, bởi 5 thức chỉ là vô ký, không thiện không ác, vì là vô phân biệt. Mục 7, kiến sở đoạn là do ngu muội chân lý mà có, nên phải kiến chân lý mới đoạn trừ; tu sở đoạn do ngu muội sự viêc mà có, nên tu thánh đạo thì đoạn trừ được, và gọi là ly dục. Mục 8, đây là 4 thiện căn của Độc tử bộ nói: một là Nhẫn, là mới nhẫn khả tổng quát về tứ đế, hai là Danh, là quán sát tự tướng của tứ đế; ba là Tướng và bốn là Thế đệ nhất, là quán sát tự thể của tứ đế ẫ như vậy là được chánh tánh ly sanh. Mục 9, mỗi đế có 3 tâm (như khổ đế thì có khổ pháp trí, khổ pháp nhẫn và khổ loại trí) thành 12 tâm, và đó là hành tướng (hướng vào kiến đạo), còn tâm 13, tức đạo loại trí mà đệ nhị niệm liên tục, là trú quả (ở vào kiến đạo).
- Ghi Chú (23)
- Đại khái bài này nói về trạng thái của 4 đạo quả Thanh văn.
- Ghi Chú (24)
- Mục 1, khó hiểu. Mục 2, hiện quán tổng quát tứ đế là không là vô ngã, đó là kiến đạo; hiện quán riêng biệt tứ đế, thấy khổ thì thấy khổ tập, thấy khổ diệt và thấy khổ diệt đạo, đó là từ hiện quán tổng quát đến hiện quán riêng biệt, và đó là tu đạo. Mục 3 đến mục 12, dễ hiểu. Mục 13, ấy là các vị Bất hoàn sinh cõi trời Hữu đỉnh (đỉnh đầu thế giới hình sắc) thì không còn sinh lên đâu nữa, cũng không khởi lên thánh đạo vô lậu của cõi dưới, nhưng lâm chung thì kiết sử tự hết mà thành La hán. Mục 14, bởi vì tín tấn niệm định tuệ, 5 thiện căn này mà không phải Phật pháp thì không kiên cố và tăng thượng để được gọi là căn. Mục 15, định mới là xuất thế (vô lậu), chứ không phải tịnh lự; còn tầm thì thô nên là hữu lậu (chỉ tứ là tế nên thông cả hữu lậu vô lậu). Mục 16, thiện pháp không là nhân tố của 3 cõi (trừ ra liên quan gián tiếp với ác nghiệp thì cũng cảm ra quả báo nhân thiên). Mục 17, dễ hiểu. Mục 18, vì tất cả tâm vương tâm sở và đối tượng sở duyên mà liên quan với “tuệ tâm sở” thì đều có thể gọi là niệm trú. Mục 19, nói vô vi mà như thế này thì khá rõ và gần với Đại thừa; tựu trung, bất động vô vi là cái mà chứng được là do loại trừ chướng ngại của thiền định (chướng ngại này gọi là động). Mục 20, sắc pháp tâm pháp đều có nhất kỳ vô thường (chứ không phải tâm pháp toàn là sát na vô thường). Mục 21, dễ hiểu. Mục 22, có nghĩa Phật với nhị thừa không đồng đẳng về nhất thế chủng trí (tuệ giác biết tất cả chủng loại). Mục 23 và mục 24, coi lại đoạn một (mục 52 và mục 53)
- Ghi Chú (25)
- Các mục 1, 2 và 3, dễ hiểu. Mục 4, tư chính là động lực và động. Mục 5, có nghĩa ý mới là chủ đạo, thân và miệng là thụ động. Mục 6, tầm là suy tầm, tứ là thẩm cứu, là thô với tế chứ không đối lập. Mục 7, thời kỳ dài, chính văn là kiếp. Mục 8, dễ hiểu. Mục 9, phiền não mà phần ẩn núp thì thường liên tục. Mục 10, ấy là nói chủng tử của 3 khoa thường xuyên liên tục.
- Ghi Chú (26)
- Năm pháp là vô minh trong 3 cõi, là tham trong cõi Dục, là ái trong 2 cõi trên, là 5 thấy sai (thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến) là các nghiệp.
- Ghi Chú (27)
- Mục 1, vì Phật vô thượng, Tăng hữu thượng. Mục 2, vì Tháp thờ xá lợi sanh thân của Phật. Mục 3, dễ hiểu; thánh đạo là nói trí đức (bồ đề). Mục 4, dễ hiểu. Mục 5, vì thân La hán không sinh ra và tăng thêm phiền não.
- Ghi Chú (28)
- Mục 1, pháp ở đây là phiền não. Mục 2, nghiệp quả đã thành thục thì không sinh ra nữa, nghiệp quả chưa thành thục mới có sinh ra. Mục 3 và mục 4, dễ hiểu. Mục 5, các vị tu học đang còn, chính văn là hữu học.
- Ghi Chú (29)
- Mục 1, nói như vậy có nghĩa cho có thật ngã và pháp. Mục 2, dễ hiểu. Mục 3, “uẩn một vị” là ý thức vi tế, từ vô thỉ đến giờ một vị mà chuyển chứ không gián đoạn; “uẩn bên căn” thì căn là căn bản, tức cái uẩn một vị nói trên, từ cái uẩn ấy mà có 5 uẩn, nên 5 uẩn gọi là uẩn bên căn, toàn là có gián đoạn. Mục 4, thánh pháp là chủng tử vô lậu. Mục 5, cho có “cái Ngã nói theo chân lý tuyệt đối” là cho có cái Ngã thật, thật đến nỗi cái Ngã ấy không phải tức uẩn ly uẩn, mà là thực thể biệt lập uẩn, xứ, giới.
(Phục hồi từ phiên bản cũ: http://old.thuvienhoasen.org)