Tôi có người bạn thích trò chuyện về thiền về đạo. Chú ấy ít hơn tôi chừng mười tuổi. Chúng tôi quen nhau đã lâu nên thường thật lòng với nhau.
Một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi đang đàm đạo thì có hai người hàng xóm ghé chơi. Họ cũng còn trẻ. Sau khi chào hỏi và dùng trà, một người hỏi tôi:
– Mấy bữa nay anh có theo dõi thời sự không?
– Độ này tôi ít xem tivi.
– Anh bận thiền, tôi biết quá mà!… Họ đang xử án mấy tay tham nhũng cỡ bự.
Thế là hai người hàng xóm hăng say phê phán tệ nạn tham ô, hối lộ, bè phái… Họ đang nhiệt tình bày tỏ quan điểm của mình, đột nhiên người bạn của tôi chen ngang:
– Mấy thứ huyễn mộng đó, quý vị quan tâm làm gì? Để tâm trí lo làm ăn nuôi con nuôi vợ… Các tệ nạn thì có nhà nước lo, chứ quý vị thì làm được gì. Chỉ là ôm ấp thị phi vô thường!
Hai người hàng xóm vừa bất mãn, vừa có vẻ mắc cỡ. Họ đứng dậy gượng gạo bắt tay chúng tôi cáo về.
Tôi châm thêm trà và ngồi im lặng một lúc. Rồi tôi đọc một bài kệ của Phật giáo:
“ ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kì ý
Thị chư Phật giáo”.
(Chớ làm các điều ác / Nên làm các việc lành / Tự thanh tịnh ý kia / Đó là lời dạy của chư Phật).
Tỏ vẻ băn khoăn, người bạn hỏi tôi:
– Anh muốn nói điều gì vậy?
– Chú không thấy hai người kia có cái tâm thiện, biết yêu điều tốt, biết ghét điều xấu hay sao?
Là người biết phục thiện nên nghe tôi nhắc nhở, người bạn chợt hiểu. Cạn chung trà, chú ấy hỏi:
– Nhưng trong trường hợp này, cái thiện tâm đó của họ có ý nghĩa gì đâu.
– Chú lại quên lí tương quan tương duyên của vạn sự vạn vật. Tâm ý hướng thiện của họ, dù là cái thiện tương đối, mang năng lượng tích cực ảnh hưởng đến nhiều người khác, đến tất cả. Khi xã hội bớt đi tệ nạn hối lộ tham ô bè phái, chắc chắn có sự đóng góp năng lượng thiện lành của họ. Mà xã hội thì có cuộc sống của tôi và chú, dù rằng mình chọn sự nghiệp thiền định, mang năng lượng tuệ giác.
Người bạn mỉm cười:
– Xin lỗi anh nhé! Học Thiền mà anh quên thuyết Như Huyễn rồi sao? Tất cả các tướng đều là hư vọng, không thật.
Tôi tỏ thái độ nghiêm túc:
– Nếu chú muốn chúng ta cùng khơi sáng vấn đề, xin nghe tôi trình bày.
– Thì xin anh cứ nói. Anh em mình thẳng thắn với nhau mà.
– Thuyết Như Huyễn không phủ nhận thế giới huyễn tướng, tức là thế giới hiện tượng. Thế giới hiện tượng đang hiện hữu, phiền não khổ đau của chúng sinh đang hiện hữu. Thuyết Như Huyễn nhắc mình rằng, có thực tại bất sinh bất diệt “đằng sau” thế giới huyễn tướng sinh diệt vô thường. Người hiểu đạo phải nỗ lực ngộ nhập thực tại bất sinh bất diệt, ngay khi đang sống với quy luật của thế giới sinh diệt vô thường này… Tôi xin nhấn mạnh, thân tâm chúng ta đang sống trong thế giới như huyễn cùng với những quy luật của nó. Người hiểu đạo thì không si mê theo thế giới huyễn tướng, nhưng không thể phủ nhận các quy luật của nó. Theo cách nói của nhà thiền, chúng ta “bất mị nhân quả”, chứ không thể “bất lạc nhân quả”.
Tôi mừng vì thấy bạn có biểu hiện hoan hỉ. Tôi chậm rãi nói tiếp:
– Học tập thuyết Như Huyễn để ngộ nhập tâm phi huyễn (pháp thân, tánh Không, pháp nhãn); ngộ nhập tâm phi huyễn thì sẽ soi sáng hành tác của mình (báo thân) giữa mọi huyễn tướng (hóa thân)… Không có thực tại phi huyễn ở ngoài huyễn tướng; không có huyễn tướng ở ngoài thực tại phi huyễn. “Tam thân nhất thể” nên huyễn và phi huyễn “bất nhị”; không thiên chấp Không (phi huyễn) và cũng không thiên chấp Hữu (huyễn tướng). Giác ngộ đích thực là hiện tiền Tâm Không – diệu dụng (Chân Không – diệu hữu).
Bạn tôi cười vui:
– Xin cảm ơn anh. Giờ thì tôi mới hiểu tại sao kinh luận nói rằng Bồ-tát quán thấy thế gian, thấy chúng sinh, thấy nghiệp chướng đều như huyễn như mộng, mà lại từ bi cứu khổ chúng sinh.
– Người có tâm giác ngộ thì không chấp thủ những thị phi thiện-ác, nhưng biết tùy hỉ với những thị phi thiện lành… Kinh luận cho mình biết, Bồ-tát tùy căn cơ chúng sinh mà ban vui cứu khổ. Họ cũng biết tùy nhân duyên của mình mà chọn cho mình cách tu tập phù hợp thực tế…
Bạn tôi hoan hỉ, tự thưởng mình một chung trà.