Vì “Giới luật là nền tảng của Phật giáo” (Vinayo Buddhànasàsanamùlam nên chư Tăng Phật giáo Nam Tông dù ở bất cứ quốc gia, khu vực địa lý nào trên thế giới, cũng đều có chung một đặc điểm là yêu cầu nghiêm trì giới luật. Chư Tăng Phật giáo Nam Tông Kinh tại Việt Nam, xưa nay cũng đặt nặng yêu cầu đó, ở cùng mức độ, và không chấp nhận một biệt lệ nào trong việc giữ gìn giới luật của Phật chế.
Tuy nhiên, việc giữ giới của người chư Tăng Phật giáo Nam Tông Kinh không có hoàn cảnh khách quan thuận lợi như chư Tăng Phật giáo Nam Tông các nước. Vì vậy, việc giữ gìn giới luật trở nên khó khăn hơn nhiều, đòi hỏi chư Tăng Phật giáo Nam Tông Kinh những nỗ lực lớn lao.
Chúng ta đều biết, điều kiện khách quan của môi trường xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến việc giữ giới của bậc xuất gia. Nếu được xuất gia vào thời đức Phật còn tại thế thì, trong bối cảnh tăng đoàn lúc ấy, việc giữ giới trang nghiêm, thanh tịnh dễ dàng hơn bây giờ rất nhiều.
Hiện nay, bối cảnh tu tập của chư Tăng Phật giáo Nam Tông tại các nước như Campuchia, Lào, Thái Lan…có nhiều thuận lợi cho việc giữ giới của chư Tăng.
Trong điều kiện tại các nước đó, xã hội đều có sự hiểu biết và ý thức cao về giới luật của bậc xuất gia, hầu hết Phật tử tại gia cùng có những nỗ lực giúp chư Tăng giữ gìn giới luật, cùng nỗ lực hành trì bổn phận và giới luật của người tại gia cư sĩ và cùng có ý thức giám sát việc giữ giới luật của chư Tăng.
Chẳng hạn, tại Thái Lan, người Phật tử không bao giờ cúng dường thực phẩm cho chư Tăng vào buổi chiều, và họ cũng không chấp nhận chư tăng thọ thực riêng vào buổi chiều. Điều đó cho thấy, điều kiện xã hội tốt sẽ giúp cho chư Tăng gìn giữ tốt giới luật đã thọ trì. Tăng ni sống trong điều kiện xã hội thuận lợi, thì việc tu học, nhất là việc giữ gìn giới luật thanh tịnh cũng được thuận lợi hơn.
Đối với chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam cũng có được thuận lợi hơn chư Tăng nam Tông Kinh, vì hầu hết xung quanh các ngôi chùa Khmer Tây Nam Bộ đều có Phật tử dân tộc sinh sống. Chư Tăng thường xuyên được gần gũi với Phật tử; Phật tử có điều kiện giám sát việc giữ giới của chư Tăng.
Chư Tăng Phật giáo Nam Tông người Kinh thì không có được thuận lợi như vậy vì :
Phật giáo Nam tông Kinh có số lượng chùa và chư Tăng khiêm tốn, tồn tại trong bối cảnh xã hội có nhiều tôn giáo, chỉ riêng Phật giáo thì đa số vẫn là Phật giáo Bắc tông. Do đó việc chư Tăng Nam Tông Kinh giữ gìn giới luật theo đúng truyền thống của chư Tăng Phật giáo Nam Tông như ở các nước khác hay chư Tăng Phật giáo Nam Tông Khmer Tây Nam Bộ thì có phần nào khó khăn hơn..
Vì không có được môi trường xã hội thuận lợi trong việc giữ giới như thế nên để giúp cho chư Tăng Nam Tông Kinh gìn giữ giới được trong sạch thanh tịnh đòi hỏi bản thân chư Tăng Nam Tông Kinh phải có sự nỗ lực tinh tấn nhiều, và tập thể chư Tăng và Phật tử hệ phái cũng cần phải ý thức đặt mình trong sự tồn tại và phát triển chung trong lòng Giáo Hội Phật giáo Việt nam, trên cơ sở pháp lý chung của Giáo Hội.
Trước một bối cảnh như thế, chư Tăng Nam Tông Kinh cần thấy việc nghiêm trì giữ gìn giới luật theo truyền thống hệ phái phải khế hợp cùng chư Tăng ni các hệ phái để từng bước hình thành các thế hệ xuất gia của Giáo Hội Phật giáo Việt nam, trong đó có chư Tăng Nam Tông Kinh, sống hòa hợp và tôn trọng giới luật Phật chế trên cơ sở thực hiện đúng Hiến Chương, Nội qui Tăng sự của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra vì lợi ích và sức mạnh chung của Phật giáo Việt Nam.
Qua kinh nghiệm thực thực tế lịch sử của Phật giáo Nam Tông Kinh cho thấy, các bậc cao tăng tiền bối của hệ phái rất sáng suốt trong việc vận dụng tinh thần giữ gìn giới luật khế hợp với bối cảnh xã hội đất nước và Phật giáo không được thuận lợi như hiện nay mà vẫn tồn tại và phát triển tốt đẹp; Điển hình như, trong các thập niên từ 1920 đến 1970…, Phật giáo Nam Tông Kinh chỉ giới hạn trong một ít tỉnh thành với số lương chùa và chư Tăng khiêm tốn, nhưng nhờ thực hiện tinh thần “tứ chúng đồng tu” “chia vui chia khổ nhiệt hàn cùng Tăng”, có sự gắn bó hài hòa tốt đẹp giữa xuất gia và tại gia; những Phật tử tại gia thường gần gũi với chùa, nhiệt tâm với đạo, thường tới lui chùa cúng dường, thọ bát quan trai, làm công quả, nghe kinh thính pháp, nhiệt tình giúp đở cho chư Tăng gìn giữ giới luật; có quan hệ tốt đối với các hệ phái Phật giáo khác…nên tạo niềm tin và tinh cảm của đông đảo Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam, nhờ vậy mà uy tín của Phật giáo Nam Tông Kinh ngày càng tăng.
Đó chính là ngoại duyên hỗ trợ tích cực cho việc giữ gìn được giới luật của chư Tăng tiền bối được thanh tịnh và gặp nhiều thuận duyên trong công cuộc hoằng dương Phật Pháp cùng tồn tại và phát triển tốt đẹp với các tổ chức Giáo hội hệ phái Phật giáo khác tại miền Nam và đã tạo nên được truyền thống nghiêm trì giới luật khá tốt đẹp trong chư Tăng Phật giáo Nam Tông Kinh qua nhiều thập kỷ tồn tại.
Ngày nay, với thành quả thống nhất Phật giáo cả nước, trong đều kiện Đất nước và Giáo Hội đang trên đà xây dựng và phát triển ổn định, truyền thống gìn giữ giới luật của chư Tăng Nam Tông Kinh tin tưởng sẽ có nhiều thuận duyên trong việc tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa để cùng chư Tăng ni các hệ phái Phật giáo từng bước nâng cao phẩm chất giới luật của Tăng ni Giáo Hội Phật giáo Việt Nam để hoàn thành nhiệm vụ của bậc xuất gia Phạm hạnh, trưởng tử của đức Như Lai trong sứ mệnh truyền trì mạng mạch Phật Pháp vì hạnh phúc an lạc cho tự thân và cho đời, góp phần trang nghiêm Giáo Hội – phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, góp phần thực hiện phương châm hoạt động của giáo hội “Đạo Pháp – Dân Tộc- Chủ Nghĩa Xã Hội”, thực hiện nếp sống tốt đời đẹp đạo, đoàn kết cùng toàn dân ra sức bảo vệ và xây dựng tổ quốc, làm cho Đạo pháp ngày càng được xương minh trong lòng dân tộc, nêu cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo Thế giới vì hòa bình hợp tác hữu nghị và hội nhập toàn cầu.
Theo tôi, đó là nhận thức cần thiết của tăng ni Phật tử Việt Nam trong đó có Phật giáo Nam Tông Kinh trong thời đại hiện nay.
Được như vậy thì, Phật giáo Nam Tông Kinh không những thực hiện được vai trò và nhiệm vụ duy trì tuyền thống nghiêm trì Giới luật của các bậc tiền nhân của hệ phái và xuyên suốt lịch sử phát triển chư Tăng tại các nước Thái Lan, Myanmar, Srilanla…nỗ lực duy trì gìn giữ vậy.
Và đó cũng chính là thực thi yêu cầu bức thiết mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đang đặt ra đối với tăng ni, nhất là tăng ni trẻ trong nhiệm vụ nghiêm trì giới luật nhằm nâng cao phẩm chất đời sống Tăng ni Việt Nam trước xu thế thời đại đầy thách thức và cám dỗ trong cuộc sống xã hội thiên nặng vật chất như hiện nay.
Mong sao qua giới đàn Hành Trụ sẽ cung cấp cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam những bậc tòng lâm thạch trụ của Tăng già ở tương lai để cho rừng thiền luôn được tỏa sáng. (TC. Phật Giáo Nguyên Thủy 13)