BỒ TÁT ĐỊA TẠNG THÁNH ĐỨC HỎI – ĐÁP Lý Viên Tịnh trước thuật tiếng Hoa Pháp sư Ấn Quang giám định Dịch tiếng Việt: THÍCH GIÁC NGUYÊN Lời người dịch PHẦN MỘT BỒ TÁT ĐỊA TẠNG THÁNH ĐỨC HỎI ĐÁP PHẦN HAI BỒ TÁT ĐỊA TẠNG BỔN TÍCH, LINH CẢM Lời tựa sự tích linh cảm. Pháp sư Ấn Quang Văn Tán thán của Pháp sư Ấn Quang Văn tán thán của Cư sĩ Diễn Thật I- BỒ TÁT ĐỊA TẠNG BỔN TÍCH 1) Những thánh tích ứng hóa của Bồ tát Địa Tạng 2) Nhân duyên quá khứ của Bồ tát Địa Tạng 3) Công đức ích lợi của Bồ tát Địa Tạng 4) Sự ứng cơ thị hóa của Bồ tát Địa Tạng II– BỒ TÁT ĐỊA TẠNG LINH CẢM . Lý Viên Tịnh ghi. Người dịch xin lược bỏ III- BỒ TÁT ĐỊA TẠNG LINH CẢM CẬN ĐẠI. Người dịch xin lược bỏ IV– PHỤ LỤC Thư của Pháp sư Hoằng Nhất LỜI NGƯỜI DỊCH Địa Tạng Bồ Tát Thánh Đức Vấn Đáp và Bổn Tích Linh Cảm Lục là cuốn sách thuộc hệ Phật giáo Đại thừa, do Cư sĩ Lý Viên Tịnh biên thuật tiếng Hoa, Pháp sư Ấn Quang giám định. Phật Giáo Xuất Bản Xã ấn hành tại Đài Bắc, vào ngày 30 tháng 7 năm Dân Quốc thứ 65. (TL.1976). Nội dung gồm những câu Hỏi và Đáp về Bồ tát Địa Tạng, cũng như sự tích linh cảm của ngài thị hiện độ đời từ thuở xa xưa và những điều nghe kể gần đây. Tư liệu này được tìm thấy trong Thần Tăng Truyện, Cao Tăng Truyện, Cư Sĩ Truyện, Nhân Vật Núi Cửu Hoa, đều có ghi chép đầy đủ. Nói đến Kinh Địa Tạng và sự tích liên quan đến ngài, hiện nay có nhiều cuộc tranh cãi, cho là không phải lời Phật dạy. Đó chỉ là huyền thoại mê tín. Vì phần nhiều nằm rải rác trong Tục Tạng, do người đời sau biên soạn thêm vào. Ở đây chúng tôi không là học giả nên không có thì giờ nghiên cứu tỉ mĩ, nhưng có thể dẫn chứng lời của Pháp sư Hoằng Nhất ở phần phụ lục cuối sách. Qua công trình nghiên cứu giảng dạy, Pháp sư cho rằng trong Tục Tạng chỉ có quyển Tâm Nhân Duyên Thập Vương Kinh” chính là ngụy kinh không nên phổ biến. Mong quý vị tìm đọc sẽ rõ. Như chúng ta đã biết trong Phật giáo, các vị đại Bồ tát nổi tiếng như Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Thế Chí…là những vị Bồ tát thượng thủ, trợ duyên cho đức Phật Thích-ca giáo hóa chúng sanh, thường mang hình thức Cư sĩ, biểu trưng cho sự hòa quang đồng trần. Riêng ngài Địa Tạng là hình ảnh tu sĩ thoát tục, tay cầm viên minh châu, tay chống tích trượng, với tâm hạnh và công đức giáo hóa rộng khắp. Đặc biệt, đại nguyện của ngài luôn luôn thực hành rốt ráo hạnh Bồ tát, cứu khổ chúng sanh trong sáu đường, nhất là cảnh khổ ở địa ngục. Nếu nơi đó còn một chúng sanh bị đọa đày đau khổ thì ngài vẫn còn làm Bồ tát giáo hóa, không chịu thành Phật. Do đó, sự ứng cơ thị hiện của chư Phật, Bồ tát thật là diệu dụng và khó nghĩ bàn, với mục đích nhằm đánh thức con người biết sống với lẽ thật, chuyển hóa tâm thức vô minh, để được chân hạnh phúc an vui. Còn gì cao đẹp hơn, ở giữa cõi đời đầy dãy bạo lực, hận thù, chẳng xứng ý, bao tạp niệm lăng xăn dấy khởi như những con sóng vỗ bờ mà giữ được tâm an nhẫn, bất động như đại địa. Trong tĩnh lặng quán soi Chân tánh nhiệm mầu, tỏ khai Tuệ Giác. Chính lúc đó Bồ tát Địa Tạng hiển hiện, cứu vớt chúng sanh thoát khỏi địa ngục.
Nay có quý Phật tử kiều bào sinh sống tại Los Angeles, tiểu bang California, Hoa Kỳ, thiết tha muốn tìm hiểu và tu tập hạnh nguyện của Bồ tát Địa Tạng. Nhân chuyến về thăm quê hương Việt Nam vào mùa hè năm 1998 các vị ấy đến chùa Giác Nguyên quận Tư, Sài-gòn, gặp tôi và trao cho tập sách này, nhờ chuyển sang tiếng Việt. Tự xét mình không đủ trình độ chuyên môn, nhưng mạo muội làm việc với tâm thành. Do vậy, tôi có nhờ Giáo sư Nguyễn Công Danh, dạy Hán văn trợ giúp duyệt qua và chỉnh sửa bản thảo, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều thiếu sót. Lại nữa, phần Linh Cảm Lục, chúng tôi nhận thấy không phù hợp với thời đại, có thể dễ bị cho là mê tín, hoang đường. Nhưng vì tôn trọng theo sách và sự yêu cầu của tín chủ đã nhờ chuyển ngữ, nên phải dịch hết, một khi phổ biến lên mạng sẽ lược bỏ. Rất mong quý độc giả thông cảm và kính xin quý thiện hữu tri thức vui lòng góp ý sửa sai cho. Chân thành cảm tạ. Dưỡng Chân Am, Sài Gòn Mùa Đông năm Tân Tỵ 2001 THÍCH GIÁC NGUYÊN Kính đề |