Tập (Sutta Nipāta) ở văn hệ Nikāya. Một câu hỏi tưởng như
. Vì lẽ, trong cách nghĩ
Ngay như các nhà nghiên cứu Phật học danh tiếng với những tác phẩm có ảnh hưởng rộng rãi như Nārada Mahā Thera (1898-1983), Étienne Lammote (1903-1983), Hans Wolfgang Schumann (1928-?)… cũng mặc nhiên thừa nhận giáo lý Tứ Thánh đế là bài pháp đầu tiên khi Đức Phật chuyển pháp luân.
Đức Phật chuyển pháp luân tại Lộc Uyển
Thế nhưng trong quá trình nghiên cứu, có một số học giả đã cho rằng, giáo lý Tứ Thánh đế trong bài pháp đầu tiên khi Đức Phật chuyển pháp luân đã được bổ sung về sau. Trước hết là quan điểm của học giả Nhật Bản Hajime Nakamura (1912-1999) ở tác phẩm Đức Phật Gotama – một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất1(Gotama Buddha: A biography based on the most reliable texts – 1968). Và gần nhất là ý kiến của tác giả Johannes Bronkhorst trong tác phẩm Hai truyền thống thiền tập ở Ấn Độ cổ đại (Two Traditions of Meditation in Ancient India – 1986).
Nghiên cứu lại những
vấn đề đã được các
học giả tên tuổi đề cập là công việc không giản đơn. Với khả năng hữu hạn và
tài liệu hạn chế,
chúng tôi sẽ tiếp cận và
nỗ lực lý giải
vấn đề này, bắt đầu bằng việc khảo lại cơ sở
lý luận của hai
tác giả vừa nêu.
Cơ sở lý luận của hai tác giả Hajime Nakamura và Johannes Bronkhorst
Về tác giả Hajime Nakamura
Hajime Nakamura là một nhà nghiên cứu Phật học nổi tiếng ở Nhật Bản. Ông có nhiều công trình nghiên cứu Phật học có giá trị và một trong số chúng chính là tác phẩm Đức Phật Gotama – một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất. Tác phẩm bao gồm hai tập với tên Anh ngữ là Gotama Buddha: A biography based on the most reliable texts. Tác phẩm được ấn hành lần đầu tiên vào năm 1968 với phiên bản tiếng Nhật.
Bản dịch tiếng Việt, phần tập I của tác phẩm này được cư sĩ Trần Phương Lan hoàn thành và ấn hành năm 2010. Trong lời giới thiệu ở bản dịch tiếng Việt, Giáo sư Lê Mạnh Thát đánh giá rằng: Trong số các tác phẩm viết về cuộc đời Ngài (Đức Phật – người viết chú) xuất bản trong các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới thì bộ Đức Phật Gotama gồm hai tập của giáo sư Hajime Nakamure, thuộc Đại học Tokyo của Nhật Bản, theo chúng tôi, là tác phẩm tốt nhất xuất hiện cho tới bây giờ2.
Và cũng theo tác giả Lê Mạnh Thát, tác phẩm này cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Một trong những hạn chế, theo phát hiện của chúng tôi, đó là quan điểm về bài thuyết giảng đầu tiên.
Cụ thể, trong những quan điểm liên quan đến bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật, tác giả Hajime Nakamura chỉ căn cứ vào nội dung bản kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanā Sutta) và từ đó cho rằng, giáo lý Tứ diệu đế đã được thêm vào về sau. Để khách quan hơn, chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn đoạn này cùng với sự nhấn mạnh ở định dạng theo nguyên tác tiếng Việt:
Kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanasutta) hình như là bản kinh cổ nhất trong các bản này và được tin tưởng là đã truyền đạt một phần của pháp thoại đầu tiên. Tuy thế, bản Hán dịch tương đương có tên là kinh La-ma, số 204, của Trung A-hàm nói rằng tại thành Vānārasī Đức Phật thuyết giáo Trung đạo và Bát Thánh đạo cho năm vị Tỷ-kheo:
Các ông phải biết rằng có hai cực đoan trong tu hành mà người cầu Đạo không nên theo. Một là con đường dục lạc, thấp hèn và thô tục, hành nghiệp của người phàm phu thiếu hiểu biết. Đường kia là khổ đau do tự hành hạ thân xác. Chúng không phải là con đường dành cho các bậc trí cầu pháp. Chúng không xứng hợp (với mục đích). Này năm vị Tỷ-kheo (Bhiksu), nếu các ông từ bỏ hai cực đoan này và thực hành Trung đạo, các ông sẽ đạt minh trí, tri kiến, hoàn thành định và giải thoát. Chứng đắc tri kiến, Giác ngộ, Niết-bàn (Nirvana) là Bát Thánh đạo. Có tám chi phần, từ chánh kiến đến chánh định.
Vì đoạn này không xuất hiện trong kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanasutta), nó có thể được xem là một sự bổ sung ở thời kỳ sau. Khi kinh ấy được biên soạn, Trung đạo và Bát Thánh đạo chưa được hệ thống hóa, hay ít nhất là chưa được xem là quan trọng. Tuy thế, vào thời kỳ nguyên bản Sanskrit của kinh La-ma được biên soạn, hai yếu tố này đã được ghép vào pháp thoại ở Vườn Nai, mặc dù Tứ Thánh đế (Bốn chân lý cao thượng) vẫn chưa được vị biên soạn biết đến! Sự bổ sung Tứ Thánh đế vào pháp thoại này xuất hiện rất lâu về sau. Cũng tương tự như vậy, không một vần thi kệ cổ (gāthā) nào nối liền Tứ Thánh đế, Bát Thánh đạo, hay Trung đạo với pháp thoại này3.
Trong phần nội dung bàn về Bài pháp thoại đầu tiên (The First Discourse)4, tư liệu chủ yếu mà tác giả Hajime Nakamura sử dụng bao gồm cổ tích Nidānakathā, kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanā Sutta), kinh Tập (Sutta Nipāta), kinh Trung A-hàm, luật Tứ phần và kinh Tăng-nhất A-hàm.
Riêng về quan điểm cho rằng kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanasutta) hình như là bản kinh cổ nhất trong các bản này và được tin tưởng là đã truyền đạt một phần của pháp thoại đầu tiên5. (The Ariyapariyesana-sutta seems to be the oldest of these texts, and it is belived to transmit part of the first discourse)6. Theo chúng tôi, nếu xét theo trật tự thời gian Đức Phật hoằng hóa, thì đây chưa hẳn là bản kinh được thuyết giảng sớm nhất và cổ nhất.
Vì lẽ, căn cứ vào một chi tiết được ghi nhận ở ngay những dòng đầu của bản kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanā Sutta), đã phần nào cho thấy điều đó.
Đó là lời Đức Phật:
Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Pubbārāma (Đông viên), ngôi lầu của Migāramatu (Lộc Mẫu giảng đường) để nghỉ trưa7.
Theo chú giải kinh Pháp cú (Dhammapada Aṭṭhakatha – DhA.i.413), tinh xá Pubbārāma do bà Tỳ-xá-khư (Visākha) xây dựng. Cần phải thấy, khi Đức Phật thành đạo và đi hoằng hóa, bà Tỳ-xá-khư gặp Đức Phật vào khoảng bảy tuổi (sattavassikakāle). Theo đó, ít nhất phải mười mấy năm sau khi đã ổn định gia thất, chuyển hóa nhà chồng, bà Tỳ-xá-khư (Visākha) mới đủ năng lực và điều kiện xây dựng tinh xá này cúng dường Đức Phật và chúng Tăng8. Như vậy, xét về niên độ lịch sử, bài kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanā Sutta), được thuyết giảng gần tinh xá Pubbārāma thì chưa phải là một trong những bài thuyết pháp đầu tiên.
Mặc dù các nguồn tài liệu không mang tính bổ trợ, liên quan; chỉ dựa trên kết quả phán đoán khi so sánh kinh Thánh cầu bản Hán và bản Pāli, nhưng Giáo sư Hajime Nakamura đã cho rằng: Sự bổ sung Tứ Thánh đế vào pháp thoại này xuất hiện rất lâu về sau. (The addition of the Four Noble Truths to the discourse came considerably later)9.
Tương tự tác giả Hajime Nakamura khi bàn về nội dung bài pháp đầu tiên, nhiều nhà nghiên cứu đã đề xuất những quan điểm đặc thù, và một trong số chúng là tác giả Johannes Bronkhorst.
Về tác giả Johannes Bronkhorst Johannes
Bronkhorst từng là giáo sư tại Đại học Lausanne ở Thụy Sỹ. Do có khả năng về cổ ngữ Sanskrit và Pāli nên ông có nhiều công trình nghiên cứu về Phật giáo sơ kỳ trong liên hệ với các tôn giáo cùng thời. Tác phẩm Hai truyền thống thiền tập ở Ấn Độ cổ đại (Two Traditions of Meditation in Ancient India) là một trong số những công trình của ông.
Trong tác phẩm này, Johannes Bronkhorst đã cho rằng, Tứ diệu đế là một giáo lý dường như chưa xuất hiện trong bài giảng đầu tiên. Nguyên văn như sau:
Điều này dường như chỉ ra rằng ban đầu Tứ diệu đế không nằm trong bài giảng đầu tiên tại Vườn Nai, do đó nó không phải là yếu tố cốt lõi của đạo Phật như quan niệm ngày nay. Ta có thể phỏng đoán rằng một công thức súc tích về Tứ diệu đế như vầy chưa tồn tại, và cũng không nhất thiết là nó đi lệch hướng với nội dung nguyên thủy ban đầu. Nếu Tứ diệu đế chưa có mặt khi bản kinh Chuyển Pháp luân được kết tập lần đầu, thì ta có thể tin chắc là tại thời điểm đó Tứ diệu đế không được coi là yếu tố cấu thành tuệ giác xuất hiện ngay trước thời điểm giác ngộ, và đưa đến giác ngộ (Bản dịch của Kan)10.
Trong tác phẩm Hai truyền thống thiền tập ở Ấn Độ cổ đại (Two Traditions of Meditation in Ancient India), tác giả đã có những so sánh giữa thiền tập Phật giáo và các truyền thống thiền tập khác như Ấn giáo (Hindu) và Kỳ-na giáo (Jain) lúc sơ kỳ. Tuy nhiên, dường như quá chú trọng đến Tứ Thiền (Four Dhyānas) mà tác giả đã trình bày chưa thực sự khách quan về vai trò của Tứ diệu đế11. Ở đây, vấn đề chúng tôi thật sự quan tâm là, tác giả Johannes Bronkhorst cũng cho rằng giáo lý Tứ diệu đế dường như không có mặt trong bài pháp đầu tiên.
Từ quan điểm của Giáo sư Hajime Nakamura đến hoài nghi của tác giả Johannes Bronkhorst, đã làm động lực giúp chúng tôi điểm lại những thư tịch liên quan đến bài pháp đầu tiên, cũng như nội dung Tứ Thánh đế trong bài pháp đó.
Các nguồn thư tịch khả tín liên quan đến bài pháp đầu tiên
Thư tịch liên quan đến bài pháp thoại đầu tiên cũng như giáo lý Tứ Thánh đế trong bài thuyết giảng đó bao gồm nhiều thể loại như Kinh, Luật, Luận, Sử và có mặt trong cả kinh điển từ Hán tạng cho đến Nikāya.
Để tiện theo dõi, những tài liệu Hán tạng, chúng tôi đánh ký hiệu là C và những tài liệu thuộc hệ Pāli, chúng tôi đánh ký tiệu là P và sắp sếp theo niên đại.
C.1. Kinh Phật thuyết Chuyển pháp luân (佛說轉法輪經)12, do ngài An Thế Cao (安世高) dịch vào thời Hậu Hán ở thế kỷ II.
C.2. Kinh Trung bổn khởi (中本起經)13, quyển thượng, do Sa-môn Đàm Quả (曇果) và Sa-môn Khang Mạnh Tường (康孟詳) dịch vào năm 20714.
C.3. Kinh Tăng nhất A-hàm (增壹阿含經) tập 14, kinh số 515. Kinh này do Sa-môn Cù-đàm-tăng-già-đề-bà (瞿曇僧伽提婆) dịch vào niên hiệu Long An nguyên niên (隆安元年:397)16.
C.4. Kinh Đại trang nghiêm luận (大莊嚴論經), quyển thứ mười do ngài Cưu-ma-la-thập (鳩摩羅什: 334-413) dịch.
C.5. Kinh Chuyển pháp luân (轉法輪經)17, tức kinh số 379, thuộc tập 15 của bộ kinh Tạp A-hàm (雜阿含經), do ngài Cầu-na-bạt-dà-la (求那跋陀羅) dịch ở thế kỷ thứ V.
C.6. Kinh Quá khứ hiện tại nhân quả (過去現在因果經), quyển ba, do ngài Cầu-na-bạt-dà-la (求那跋陀羅) dịch ở thế kỷ thứ V.
C.7. Kinh Hiền ngu (賢愚經), quyển thứ mười, phẩm Tu-đạt khởi tinh xá (須達起精舍品)18 do Sa-môn Tuệ Giác (慧覺) và cộng sự dịch vào năm thứ sáu (446) niên hiệu Thái Bình Chân Quân (太平真君六年)19.
C.8. Kinh Phật thuyết tam chuyển pháp luân (佛說三轉法輪經)20 do ngài Nghĩa Tịnh (義淨:635-713) dịch vào năm thứ tư (710) niên hiệu Cảnh Long (景龍四年)21.
C.9. Luật Tứ phần (四分律)22, quyển 32, phần Thọ giới kiền độ, do ngài Phật-đà-da-xá và Trúc-phật-niệm (佛陀耶舍共竺佛念) dịch vào năm thứ mười (409) niên hiệu Hoằng Thủy (弘始十年)23.
C.10. Luật Ngũ phần (五分律), quyển 15, phần Thọ giới pháp, do ngài Phật-đà-thập và Trúc-đạo-sanh (佛陀什共竺道生)24 dịch vào năm thứ hai (424) niên hiệu Cảnh Bình (景平). Bản luật này vốn do ngài Pháp Hiển thọ học từ bộ phái Di-sa-tắc25.
C.11. Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự (根本說一切有部毘奈耶雜事)26, quyển 19, do ngài Nghĩa Tịnh dịch vào năm thứ tư (710) niên hiệu Cảnh Long (景龍)27.
C.12. Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da phá tăng sự (根本說一切有部毘奈耶破僧事) quyển thứ 6, do ngài Nghĩa Tịnh dịch vào năm thứ hai (711), niên hiệu Cảnh Vân (景雲)28.
C.13. Luận Phân biệt công đức (分別功德論)29, quyển thứ hai, không rõ người dịch, niên đại Hậu Hán (後漢:23-220), là bản chú giải bốn phẩm đầu kinh Tăng-nhất A-hàm (增壹阿含經)30.
C.14. Luận Đại trí độ (大智度論)31, quyển thứ hai và quyển thứ 86, do ngài Cưu-ma-la-thập (鳩摩羅什) dịch vào năm thứ ba (401) niên hiệu Hoằng Thủy (弘始)32.
C.15. Luận Du-già-sư-địa (瑜伽師地論)33, quyển 76, do ngài Huyền Tráng (玄奘) dịch vào năm thứ 22 (648) niên hiệu Trinh Quán (貞觀)34.
C.16. Luận A-tỳ-đạt-ma tập dị môn túc (阿毘達磨法蘊足論)35, quyển thứ sáu, do ngài Huyền Tráng dịch vào năm thứ tư (659) niên hiệu Hiển Khánh (顯慶)36.
2- Tư liệu Nikāya
P.1. Kinh Như Lai thuyết (S.v,420), thuộc Tương ưng bộ37.
P.2. Kinh Phân biệt về sự thật (M.141), thuộc Trung bộ38.
P.3. Đại phẩm (Mahāvagga), chương Trọng yếu39.
P.4 Văn bản Nidānakathā40. Tư liệu lịch sử Bi văn Bhabru, hay còn gọi là Bi văn Bairat của vua Asoka41. Phiến đoạn kinh Saṅgīti bằng ngôn ngữ Kharoṣṭhī42.
Đánh giá bước đầu về các nguồn thư tịch
Như vậy, có 16 tư liệu Hán tạng, 4 tư liệu ở tạng Nikāya và 2 tư liệu thuộc bằng chứng lịch sử có ghi nhận về giáo lý Tứ Thánh đế trong bài thuyết pháp đầu tiên. Nếu cộng thêm cả hai nguồn thư tịch Sanskrit và Tibetan theo khảo cứu của tác giả Norman Joseph Smith43 thì bằng chứng về giáo lý Tứ diệu đế trong bài thuyết giảng đầu tiên rất phong phú.
Xét về niên đại, kinh điển Pāli được viết xuống lần đầu tiên do một nhóm các vị Tỳ-kheo tại Aluvihāra, gần Mātale, vào năm 454 sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn (35-32 B.C)44. Một phiến đoạn kinh Saṅgīti bằng ngôn ngữ Kharoṣṭhī viết trên vỏ cây bạch dương (birch bark) có niên đại vào thế kỷ thứ I, được Bảo tàng Anh quốc phát hiện năm 1994 và được Richard Salomon công bố năm 1999 là bằng chứng bổ sung cho thấy sự có mặt của kinh điển bằng chữ viết45. Đáng chú ý là, bản kinh Saṅgīti này theo đối khảo của Richard Salomon thì rất giống với bản kinh Chúng tập (眾集), thuộc bộ Trường A-hàm, ở Hán tạng46. Đây là một tín hiệu đáng mừng về tầm quan trọng của những nguồn thư tịch Hán tạng.
Ở đây, với những tư liệu Hán tạng có niên đại khá sớm như tư liệu C.1; C.2. C.3 và chú giải bản C.3 là bản C.13, cùng với những tư liệu thuộc tạng Nikāya như bản P.1; P.3… là những bằng chứng quan trọng về sự có mặt của giáo lý Tứ Thánh đế trong bài pháp đầu tiên. Đặc biệt, với những vần kệ cô đọng được Tôn giả A-nan tuyên thuyết theo bản C.14 là bằng chứng chắc thật, cụ thể:
Phật tại Ba-la-nại,
Vì năm vị Tỳ-kheo,
Khai mở nguồn cam lồ,
Giảng pháp bốn chân đế:
Khổ, tập, diệt, đạo đế.
A-nhã-kiều-trần-như,
Người đầu tiên thấy Đạo,
Tám vạn chúng trời, người,
Chứng quả Tu-đà-hoàn47.
Đây là những vần kệ của luận Đại trí độ liên quan đến bài thuyết giảng đầu tiên có niên đại xuất hiện vào thế kỷ thứ II và được dịch sang Hán văn vào năm 40148. Điều này đã góp phần bác bỏ quan điểm của Hajime Nakamura, khi ông cho rằng: không một vần thi kệ cổ (gāthā) nào nối liền Tứ Thánh đế, Bát Thánh đạo, hay Trung đạo với pháp thoại này (None of the ancient verses (gāthā) link the Four Noble Truths, the Eightfod Path, or the Middle Way to the discourse)49.
Về
phương diện lịch sử,
căn cứ vào dòng chữ Vinayasamukase
50 do vua Asoka khắc trên bia đá Bairat, giáo sư sử học
Ấn Độ Radhakumud Mookerji (1884-1964) đã cho rằng: là một
phương cách nhấn mạnh nhằm chỉ cho
giáo lý Tứ Thánh đế được
Đức Phật giảng dạy trong buổi
thuyết pháp đầu tiên tại Sarnath (an expression applied to the Four Noble Truths expounded by the Buddha in his First Sermon at Sarnath)
51.
Như chúng tôi đã chỉ ra, về phương diện tư liệu, lịch sử, đã có nhiều bằng chứng góp phần chứng minh rằng, giáo lý Tứ Thánh đế là một nội dung quan trọng được giảng dạy trong buổi giảng đầu tiên của Đức Phật. Và bên cạnh những bằng chứng xác đáng đó, việc Đức Phật lựa chọn địa điểm cho buổi thuyết giảng đầu tiên, cũng là một lý do cần quan tâm, làm rõ.
Vì sao Đức Phật chọn Vườn Nai (鹿野苑) làm nơi chuyển pháp luân?
Trước hết, về danh từ chuyển pháp luân (轉法輪: dhammacakkaṃ pavatteti).
Chuyển pháp luân với nghĩa phổ dụng là chuyển vận bánh xe Chánh pháp. Tuy nhiên, trong Đại kinh sư tử hống (Mahāsīhanāda Sutta), ở tạng Nikāya và kinh Thánh đạo (聖道經)52 thuộc bộ Trung A-hàm ở Hán tạng đã sử dụng danh từ chuyển Phạm luân (轉梵輪: brahmacakkaṃ pavatteti). Trong kinh Tăng chi (A.v,32)53 và kinh Tạp A-hàm tương đương trong Hán tạng54 cũng sử dụng danh từ này. Về phương diện ngữ nghĩa, dường như những bản kinh dùng từ chuyển Phạm luân là những bản kinh xuất hiện ở thời kỳ đầu, vì trong giao thoa ngôn ngữ vẫn còn chút dấu ấn của văn hóa Vệ-đà55. Tuy vậy, trong những bản luận giải, cả Hán tạng và Nikāya đã có những giải thích tương đồng.
Theo luận Du-già-sư-địa, quyển thứ 49:
Sau khi chứng đạo, do lòng ai mẫn bao la nên vì chúng sanh mà khai thị, gọi đó là chuyển Phạm luân (既自證已由哀愍心廣為有情等開示.故名轉梵輪)56.
Tương tự, theo Chú giải bộ phân tích (Vibhanga Atthakathā):
Brahmacakkaṃ pavatteti “Chuyển phạm Luân”: ở đây brahma “vô địch” chính là, chính yếu, cao nhất, tuyệt vời bậc nhất. Nhưng từ cakka này lại mang ý nghĩa như sau:
thành quả và đặc tướng,
một phần dáng đi và thế đứng.
là của thí, kho báu,
Pháp và bánh xe sắc bén. v.v…
Được coi như Chuyển pháp luân và diễn giải hai cách như vậy57.
Như vậy, về mặt văn bản, có những lúc kinh văn dùng từ chuyển Phạm luân hay chuyển Pháp luân, nhưng đều mang ý nghĩa là chuyển vận bánh xe Chánh pháp.
Ở đây, dựa trên những lý do nào Đức Phật lựa chọn Vườn Nai làm nơi đầu tiên chuyển pháp luân?
Cần phải thấy, Đức Phật thành đạo tại thành Già-da (伽耶: Gayā), còn nơi chuyển pháp luân thuộc thành Ba-la-nại (波羅㮏: Vārānasī). Xét về vị trí địa lý, hai địa điểm này xa nhau khoảng 300km, ít nhất phải trải qua hơn mười ngày mới có thể vượt qua đoạn đường đó58. Ở đây, vấn đề được đặt ra là, vì lý do gì mà Đức Phật phải đi một khoảng cách khá xa như vậy để chuyển pháp luân?
Điều này, tác giả Hajime Nakamura đã hiện đại hóa ý nghĩa qua lý giải sau:
Đối với Đức Phật, đi đến Vườn Nai để giảng giải tư tưởng của mình cũng giống như một học giả hiện đại trình bày một lý thuyết mới tại một hội nghị quốc gia. Vườn Nai được coi là nơi “hội tụ các ẩn sĩ”; nói cách khác, đó là nơi gặp gỡ của các đạo sĩ tu hành59.
Có lẽ quan điểm của tác giả Hijime Nakamura có nguồn cội sâu xa từ ý kinh Phổ diệu. Kinh ghi:
Khi ấy thần cây Bồ-đề tên là Pháp Minh, cũng gọi là Pháp Lạc, Pháp Ý, Pháp Trì đến bên Đức Phật rồi bạch Phật rằng:
– Nay Đức Thế Tôn sẽ chuyển pháp luân ở nước nào?
Khi ấy Phật dạy:
– Tại Vườn Nai ở xứ tiên nhân, trong nước Ba-la-nại.
Thọ thần bạch Phật:
– Ở xứ tiên nhân trong vườn Lộc uyển, nước Ba-la-nại thì dân chúng quá thưa thớt. Ngài không nên thuyết pháp ở đó.
Phật dạy thọ thần:
– Chớ nên nói vậy. Vì sao? Vì trong nhiều đời trước Ta đã xây dựng Pháp điện (法祠) tại nơi đó. Trải qua sáu vạn ức năm, Ta đã cúng dường sáu vạn ức chư Phật Thế Tôn và vô số tiên nhân đến đó tu học.
Ở nước Ba-la-nại chư Thiên, long thần đều tận lực khen ngợi và khể thủ, quy y Đại pháp siêu thế (無極大法). Ngàn ức chư Phật đều nhớ rõ việc này. Tại đây, trong khu rừng ẩn sĩ (神仙樹木), Ta sẽ chuyển bánh xe pháp, giữa không gian vắng lặng, tịch nhiên, không có những loại người tối tăm, vô trí. Với những nghĩa đó, Ta sẽ chuyển pháp luân, trong khu rừng ẩn sĩ60.
Tương tự, việc lựa chọn nơi hội tụ của các ẩn sĩ để trình bày sự chứng ngộ của Đức Phật như tiếng rống của loài sư tử (Sīhanāda: 師子吼) nhiếp dẫn các loài thú, như sự ghi nhận của kinh Tập (Sn. 131):
Ngài, chúng sanh tối thượng,
Ngài loài Người tối thắng,
Bậc Ngưu vương loài Người,
Thượng thủ mọi sanh loại;
Ngài sẽ chuyển Pháp luân,
Trong khu rừng ẩn sĩ,
Rống tiếng rống sư tử,
Hùng mạnh nhiếp loài thú61.
Như vậy, việc lựa chọn địa điểm để chuyển pháp luân là một việc làm thấm đẫm tuệ giác của Đức Phật. Từ logic nội tại đó cho thấy, trong buổi thuyết pháp đầu tiên này, các quan điểm cơ bản nhất, quan trọng nhất mà Ngài đã chứng ngộ, sẽ được trình bày. Và do vậy, không vì lý do gì mà giáo lý Tứ Thánh đế không được trình bày trong thời pháp quan trọng này.
Từ những bằng chứng quan trọng và khả tín từ Hán tạng đến Nikāya, trải đều trên các nguồn thư tịch như Kinh, Luật, Luận, Sử; từ lý do cân nhắc và lựa chọn địa điểm để chuyển pháp luân, đã góp những bằng chứng quan trọng để khẳng định rằng, giáo lý Tứ Thánh đế đã có mặt trong bài thuyết giảng đầu tiên.
Tư liệu làm cơ sở để đưa ra nhận định giáo lý Tứ Thánh đế không có mặt trong bài pháp đầu tiên của Giáo sư Hajime Nakamura căn cứ vào bản kinh Thánh cầu. Xét về nội dung, đây chỉ là bài kinh mà Đức Phật đã kể lại một phần của con đường giác ngộ, và trọng tâm chủ yếu đề cập đến hai loại tầm cầu, Thánh cầu và phi Thánh cầu (ariyā ca pariyesanā, anariyā ca pariyesanā). Xét về lịch sử, bài kinh này được thuyết giảng rất lâu sau khi Ngài chứng ngộ. Bối cảnh hồi ức về con đường khổ tu, chứng ngộ và thuyết giảng của Đức Phật cũng có thể tìm thấy trong bài kinh Bồ-đề vương tử (M.85), cũng thuộc Trung bộ62.
Căn cứ vào lịch sử truyền dịch kinh điển, người có khả năng nắm giữ kinh điển và trùng tụng lại được gọi là Bhāṇaka. Việc cất giữ kinh điển bằng trí nhớ không phải là điều kiện tối ưu để giữ gìn tính toàn vẹn về giáo pháp. Câu chuyện nhầm lẫn về hình ảnh con cò trắng (水白鶴: baka) và pháp sanh diệt (生滅法: udayavaya63), trong câu kinh Pháp cú (Dhp.113) do sự nhầm lẫn giữa hai hợp âm (baka-vaya), được ghi lại trong Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự64 là bằng chứng cho thấy, không đối chiếu kinh điển thì dễ rời xa lời dạy của Đức Phật.
Chúng tôi xin dẫn lời của ngài Long Thọ (龍樹) trong tác phẩm luận Đại trí độ (大智度論) như một sự tái khẳng định và xem đó là lời kết thúc chuyên khảo này:
Như trong kinh Chuyển pháp luân nói: Sau khi nhận hiểu khổ đế, gọi là bậc kiến đạo; kiến đạo rồi thì phân biệt hiểu biết. Khổ đế là pháp cần thấy. Tập đế là pháp nên đoạn. Diệt đế là pháp phải chứng. Đạo đế là pháp nên tu65.
Chúc Phú
__________________
(1) Hajime Nakamura. Đức Phật Gotama- một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất. Trần Phương Lan dịch. NXB.Phương Đông, 2010.
(2) Hajime Nakamura. Đức Phật Gotama – Một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất. Trần Phương Lan, dịch. NXB.Phương Đông, 2010, tr.15.
(3) Hajime Nakamura. Đức Phật Gotama – Một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất. Trần Phương Lan dịch. Nxb.Phương Đông, 2010, tr.355-356. Có thể tham chiếu bản Anh ngữ: Hajime Nakamura. Gotama Buddha: A biography based on the most reliable texts. Vol 1. Tokyo: Kosei Publishing Co. 2002.p.247-248.
(4) Hajime Nakamura. Gotama Buddha: A biography based on the most reliable texts. Vol 1. Tokyo: Kosei Publishing Co. 2002.p. 241.
(5) Hajime Nakamura. Đức Phật Gotama – Một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất. Trần Phương Lan dịch. NXB.Phương Đông, 2010, tr.355.
(6) Hajime Nakamura. Gotama Buddha: A biography based on the most reliable texts. Vol 1. Tokyo: Kosei Publishing Co. 2002. p. 247.
(7) Kinh Trung bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.211
(8) Tích truyện Pháp cú, tập 1, Viên Chiếu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.374-398.
(9) Hajime Nakamura. Gotama Buddha: A biography based on the most reliable texts. Vol 1. Tokyo: Kosei Publishing Co. 2002. p.248.
(10) Phần này nằm trong bài viết: Duyên hợp – tinh túy của đạo Phật (4): chương 3. Xem tại: https://kienngot.wordpress.com/2011/10/10/duyen-h%E1%BB%A3p-tinh-tuy-c%E1%BB%A7a-d%E1%BA%A1o-ph%E1%BA%ADt-4-ch%C6%B0%C6%A1ng-3/#more-706. Nguyên tác: This seems to indicate that initially those Four Noble Truths were not part of the sermon in Benares, and consequently not as central to Buddhism as they came to be. We may surmise that the concise formulation of the teaching of the Buddha in shape of the Four Noble Truths had not yet come into being, not necessarily that the content of this teaching deviated from what they were meant to express. If then the Four Noble Truths did not yet exist when the primitive version of what came to be known as Dharmacakrapravartana Sutra was composed, we can be sure that in that time they were not considered as constituting the insight which immediately preceded and brought about liberation.
(11) Johannes Bronkhorst. The Two Traditions of Meditation in Ancient India. Delhi: Motilal Banarsidass. 2000. p. 79. Cf: Recognition of the Four Noble Truths culminates in knowledge of the path leading to the cessation of suffering. This is useful knowledge for someone who is about to enter upon this path, but it is long overdue for someone at the end of the road. Knowledge of the path must and does precede a person commencing upon it. This also applies to the Buddha himself. In the passage which we studied above (§ 1.5, MN I. 246-47) we were told that the Bodhisattva remembered how once in his youth, he reached the First Dhyāna and wondered if this could be the road towards enlightenment. The text then continues: “following this memory I had this knowledge: ‘This is really the road towards enlightenment’.” In other words, also the Bodhisattva knew the path he was to traverse, and knowledge of the Four Noble Truths could not thereafter bring him anything new.
(12) 大正藏第 02 冊 No. 0109 佛說轉法輪經.
(13) 大正藏第 04 冊 No. 0196 中本起經, 卷上.
(14) Nguyên văn: 建安十二年. Xem tại: 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第一.
(15)大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第十四, 五.
(16) 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第三.
(17) 大正藏第 02 冊 No. 0099 雜阿含經, 卷第十五.
(18) 大正藏第 04 冊 No. 0202 賢愚經,卷第十.
(19) 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第六.
(20)大正藏第 02 冊 No. 0110 佛說三轉法輪經.
(21) 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第九.
(22) 大正藏第 22 冊 No. 1428 四分律.
(23) 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第四.
(24) 大正藏第 22 冊 No. 1421 彌沙塞部和醯五分律, 卷第十五.
(25) 大正藏第 22 冊 No. 1421 彌沙塞部和醯五分律, 卷第十五.
(26) 大正藏第 24 冊 No. 1451 根本說一切有部毘奈耶雜事, 卷第十九.
(27) 大正藏第 55 冊 No. 2152 續古今譯經圖紀.
(28) 大正藏第 55 冊 No. 2157 貞元新定釋教目錄, 卷第二十三.
(29) 大正藏第 25 冊 No. 1507 分別功德論.
(30) 大正藏第 55 冊 No. 2145 出三藏記集, 卷第四. Nguyên văn: 分別功德經五卷(一名增一阿含經疏迦葉阿難造).
(31) 大正藏第 25 冊 No. 1509 大智度論, 卷第二.
(32) 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第四.
(33) 大正藏第 30 冊 No. 1579 瑜伽師地論, 卷第七十六.
(34) 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第八.
(35) 大正藏第 26 冊 No. 1537 阿毘達磨法蘊足論, 卷第六.
(36) 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第八.
(37) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr. 783-785.
(38) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.589-593.
(39) Đại phẩm, tập 1, Tỳ-khưu Ondacanda, Nxb.Tôn Giáo, 2015, tr.14-21.
(40) The Pāli Text Society. The Jātaka together with its commentary, being tales of the anterior births Gotama Buddha. Vol 1. Edited by V. Faus Boll. London: Messrs. Luzac and Company, Ltd. 1962. p.82.
(41) P.118.
(42) Richard Salomon. Ancient Buddhist Scrolls from Gandhara. Seattle: University of Washington Press. 1999. p.89.
(43) Norman Joseph Smith. The 17 versions of the Buddha’ First Discourse. (JIABS). University of Queensland. 2001.
(44) Lamotte, Étienne. History of Indian Buddhism. Paris: Institut Orientaliste Louvain-La-Neuve, 1988. p. 558.
(45) Richard Salomon. Ancient Buddhist Scrolls from Gandhara. Seattle: University of Washington Press. 1999.
(46) Ibid, p.174-175.
(47) 大正藏第 25 冊 No. 1509 大智度論, 卷第二. Nguyên văn: 佛在波羅柰,佛為五比丘,初開甘露門,說四真諦法:苦集滅道諦.阿若憍陳如,最初得見道,八萬諸天眾,皆亦入道迹.
(48) 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第四.
(49) Hajime Nakamura. Gotama Buddha: A biography based on the most reliable texts. Vol 1. Tokyo: Kosei Publishing Co. 2002. p. 248.
(50) Cunningham, Alexander. Corpus Inscriptionum Indicarum: Inscriptions of Asoka. Vol. I. Calcutta: Office of the Superintendent of Government Printing. 1877. p. 97.
(51) Radhakumud Mookerji. Asoka. London: Macmillan and Co, 1928. p.118.
(52) 大正藏第 01 冊 No. 0026 中阿含經, 卷第四十九, 聖道經.
(53) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr. 553-555.
(54) 大正藏第 02 冊 No. 0099 雜阿含經, 卷第二十六, 六八四.
(55) Arthur Berriedale Keith. The religion and philosophy of the Veda and Upanishads. Part II. London: Humphrey Milford. 1925. p.550.
(56) 大正藏第 30 冊 No. 1579 瑜伽師地論, 卷第四十九.
(57) Āriya Dhammapāla, Chú giải bộ Phân tích (Vibhanga Atthakathā), tập 1-2, Tỳ-kheo Siêu Minh dịch, NXB.Tổng Hợp TP.HCM, 2007. tr.796.
(58) Hajime Nakamura. Đức Phật Gotama – Một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất. Trần Phương Lan dịch. NXB.Phương Đông, 2010, tr.345.
(59) Ibid.
(60) 大正藏第 03 冊 No. 0186 普曜經, 卷第七. Nguyên văn: 時佛樹神名曰法明, 又名法樂, 又名法意, 又名法持, 往到佛所前白佛言: 今佛世尊, 當於何國而轉法輪? 時佛告曰: 在波羅奈仙人之處鹿苑之中. 樹神白佛: 波羅奈國仙人之處鹿苑之中, 人民尠少不可說法.佛告樹神: 勿說此言.所以者何? 我宿命時在中建立法祠,六萬億載在中供養六萬億諸佛世尊,及若干種仙人,學遊居其中. 波羅奈國諸天龍神所共嗟歎, 無極大法稽首歸命, 千億諸佛悉念本末, 在此神仙樹木之間,應轉法輪.寂然惔怕,不覩無智暗冥之黨, 以此之故, 在此神仙樹木之間而轉法輪.
(61) Kinh Tiểu bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.466.
(62) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr. 119-124.
(63) Barua, Beni Madhab, M.A. Prakit Dhammapdada – Based upon M. Senart’s Kharoṣṭhī manuscript with text, translation & notes. University of Calcutta. 1921. p. 61.
(64) Tôn giả A-nan thấy một vị Tỳ-kheo cứ mãi đọc tụng: Nếu người sống trăm năm/ Không thấy con cò trắng/ Chẳng bằng sống một ngày/ Được thấy con cò trắng (若人壽百歲,不見水白鶴./不如一日生,得見水白鶴). Nghe xong, Tôn giả quá đỗi ưu tư và đã yêu cầu sửa lại: Nếu người sống trăm năm/ Không rõ pháp sanh diệt/ Chẳng bằng sống một ngày/ Được rõ pháp sanh diệt (若人壽百歲,不了於生滅./不如一日生,得了於生滅). Xem tại: 大正藏第 24 冊 No. 1451 根本說一切有部毘奈耶雜事, 卷第四十.
(65)大正藏第 25 冊 No. 1509 大智度論, 卷第八十六. Nguyên văn: 如 “轉法輪經” 中說:苦諦知已應見;知已分別知,是法應見,是苦諦;是法應斷,是集諦;是法應證,是滅諦;是法應修,是道諦.
Bài liên quan:
Kinh Nhật Tụng Sơ Thời (Nguyên Giác dịch Việt & chú giải)